Thuở tiên Đồng Khánh

Trần Kiêm Đoàn

Ở quê nghèo, những đứa bé được học dăm ba chữ trường làng, rồi lớn lên làm ruộng, cưới vợ, sinh con, nuôi con và làm ôn, mệ theo một vòng quay gian nan mà êm đềm như những cây đa và đình làng thiên cổ. Ngày tôi bịn rịn xa làng, lên Huế học, nhìn mẹ cơm đùm gạo bới, nước mắt lưng tròng, dặn dò “ham học, đừng ham chơi” mà thương mình và tội mẹ quá. Đơn giản thế thôi, nhưng trong con mắt người làng, hình ảnh “lên dinh học” vẫn là một ước mơ ngoài tầm tay với. Ruộng lúa nương khoai chỉ vừa vặn cho một đời cần lao không mơ ước. Một cơn bão đầu mùa, một trận lụt lớn, một vụ mùa bị sâu rầy, hạn hán… là chỉ lo cho ngày một ngày hai còn chưa đủ sống, nói chi đến tương lai.

Trường nữ trung học Đồng Khánh (Huế). Nguồn Onthenet

Quốc Học, Đồng Khánh là hai ngôi trường lớn không chỉ của Huế, mà cả miền Trung gian nan sỏi đá. Hình ảnh trường xưa không hẳn là lớn qua dáng vẻ mà lớn như những dòng thác quy tụ ước mơ. Mỗi chàng học trò Quốc Học và mỗi nàng nữ sinh Đồng Khánh đều có riêng một giấc mơ vĩ đại cho đời mình. Vĩ đại là sự hóa thân lãng mạn của cái đẹp đầy ảo ảnh nên chỉ có trong tưởng tượng. Vì tưởng tượng nên ai cũng có quyền tự do ôm ấp mộng tưởng cho mình, cho người, cho ai đó ở một ngày mai chưa định hướng.

Tôi vào học trường Quốc Học giữa những năm đầu 1960 đầy sóng gió của Huế. Trong nếp sống nghèo mà thanh đạm, Huế tìm quý phái. Trong khốn khó, Huế chịu khó chịu thương. Trong chiến tranh, Huế muốn hòa bình. Môt sự mâu thuẫn mà lại nhất quán vì khổ đau và hạnh phúc thường biến hiện như ảo ảnh phù du với người dân Huế. Con trai làng lên Huế học như tôi là một anh Huế nửa mùa nên chỉ chia được một nửa di sản và di lụy của Huế: trong vui đã có nửa buồn, trong gần đã có nửa xa, trong thực đã có nửa mơ và trong yêu đã có nửa sợ.

Tình yêu chín hườm của học trò Huế thường mở ngõ ra vào lớp đệ tam. Bốn năm cuối cùng trung học thì chỉ có năm đệ tam – lớp mười – là còn có chút thời gian mơ mộng. Học trò mà bén lửa yêu đương vào lớp đệ tứ bận học thi đít-lôm; đệ nhị bận học thi tú tài bán phần; đệ nhất bận học thi tú tài toàn phần thường dễ vỡ như bọt xà bong vì tình yêu càng nồng nàn thì càng dễ bị lửa thi hỏng đốt cháy ước mơ. Hỏng thi đẹp chi cũng xấu; thi đậu xâu xấu cũng ưng! Huế mơ mộng như thơ; nhưng cũng thực dụng như đếm.

Năm đệ tam Quốc Học, tôi ở trọ nhà ông anh họ trên đường Lê Đình Dương. Đây là con đường nhà giàu quý tộc một thời của Huế. Nếp sông kiểu Tây còn xa lạ với người bình dân quanh Huế. Lần đầu được ngủ giường nệm, phủ “ra” trắng tôi trằn trọc suốt mấy đêm liền vì cái lưng quen với phản gỗ, giường tre, chiếu lát không chịu thỏa hiệp với giường Tây. Sau một tuần hơi quen đi thì nỗi phiền hà sáng sáng phải chạy quanh mấy mép giường nhét chỗ nầy, hụt chỗ kia, trải lại cái mền, cái “ra” cho thẳng băng để chị Cháu dọn phòng khỏi la cũng đủ tháo mồ hôi hột. Không ngờ, tôi thuộc dòng chàng trai nước Việt ngộ biến tòng quyền, nên đã khám phá ra được con đường xưa chân đất. Ngủ dưới nền xi măng vừa mát, vừa khỏe, vừa hợp với tâm hồn lười biếng vì sáng sớm ra chẳng có gì để dọn dẹp. Ở nhà sang, nền bóng như gương, phủi chút bụi trần gian trên lưng trần, gối sách ngủ say là xong chuyện. Sáng ra, khỏi làm gì cả mà giường nệm vẫn tinh tươm. Mỗi sớm mai, lại có chút thời gian thưởng thức nắng vàng, mây trắng và chim kêu ngoài khung cửa sổ. Ôi! Hạnh phúc nằm ngay dưới cái lưng trần mà có mấy người khám phá. Ngày nào, chị Cháu cũng khen lấy khen để và mang tôi ra làm… tấm gương quên tráng thủy cho các cô chiêu, cậu ấm ở trong nhà, thích dắt chó đi chơi hơn là xếp mền dọn chiếu mỗi buổi sáng.

Người ta thường nghĩ rằng, hễ gần giàu thì sang, gần quan thì quý. Nhưng tôi ở xóm giàu, la liệt nhà quan mà không cảm thấy lây sang, nhiễm quý ở đâu cả. Trong lúc những cô cậu học trò học trường Tây, mặc áo đầm, đồ tây le lói; lại có xe nhà, xe xích lô đưa đón đi học, làm tôi chỉ thấy mình càng nỗi rõ hơn vẻ lạc lõng của tre trúc trong khu vườn đầy những loài hoa vương giả. Lớn lên giữa khung cảnh nông thôn, quen chia nhau hương đồng mát rượi khi nắng lên, tôi chưa quen được những khu vườn bờ rào kín mít nơi đây. Nó có vẻ như người ta đang giữ riêng cả những nụ cười và bóng tối. Sự nghèo nàn hào phóng hơn sự giàu sang vì nó chan hòa dễ dãi mà chẳng có gì sợ mất đi khiến phải gìn vàng giữ ngọc.

Cô bé nhà đối diện, với mái tóc đen dài, dáng thanh thanh; khi áo xanh, khi áo trắng, khi áo hồng ẩn hiện sau những mảng trống cây xanh. Con hạc trắng bay về bồng lai chỉ là một ý niệm đẹp vì chẳng ai thấy rõ. Sự quý phái và trang đài của người con gái Huế chỉ bắt đầu từ một bóng dáng. Bóng dáng thực thực hư hư như một ảo ảnh soi bóng dòng sông. Tôi chưa hề thấy mặt cái bóng ấy vì chiếc xe Peugeot 203 đen nhánh luôn luôn vòng quanh ra sân sau để đón cô đi học. Mỗi sáng tôi lầm lũi đến trường, không buồn ngẫng lên nhìn cho rõ mặt cái xóm nhà quan chung một con đường mà dường như không chung nhịp sống với mình. Dù trong giấc mơ hoang tưởng nhất, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng cô bé kia sẽ là ai bằng xương bằng thịt trong cuộc đời mình. Sự sang cả vẫn thường đánh lừa cảm xúc. Tôi cảm thấy cô ta huyền hoặc và xa vời như một nàng tiên nhỏ.

Tuổi trẻ Quốc Học – Đồng Khánh bị già đi vì những cơn mưa Huế. Trời lạnh, đường trơn trong những cơn mưa lầm lũ làm cho người ta dễ sống bằng ước mơ như bầy sóc mùa đông ôm vỏ hạt dẻ nằm trong hốc cây khô đợi mùa xuân tới. Mưa tỉ tê và nếp sống phẳng lặng tạo ra một tâm lý tình cờ: đợi tình cờ, mong tình cờ, níu lấy tình cờ để tìm gia vị cho một điệu sống hướng nội, sâu lắng tưởng như tẻ nhạt. Nhưng cái khung giới hạn càng bó lại, ngọn lửa tình cảm tự nhiên càng bùng lên sau lớp vỏ trầm lặng tạo thành nếp lãng mạn thâm cung của Huế. Những lá “thơ” tình chưa đủ thấm vào những mảnh hồn thiên cổ của tình yêu Huế. Yêu là phải đẹp và buồn như thơ và tiểu thuyết.

“Trời làm mưa ướt áo O rồi.” (Thơ Mường Mán). Nguồn: OntheNet

Một xế chiều mưa, khung cửa kính mờ in bóng một người đang nép sát vào tường trú mưa. Tôi đi vòng ra cửa trước và thấy một người con gái đứng đó. Dáng vẻ sợ hãi và ngần ngại hiện lên trên khuôn mặt trắng xanh lấm tấm nước mưa. Đôi mắt mở lớn như đang giận ai và chờ đợi ai một điều gì khó nói. Anh con trai làng trong tôi hơi hoảng hồn khi một mình đối diện với một người con gái đồng trang lứa. Tôi nhìn tới, nhìn lui kiếm ai để dựa thêm lòng can đảm, nhưng những ngôi nhà lớn cửa đóng then gài kín mít và con đường mưa vắng hoe, vắng hoắt. Hết thảy con trai trường Quốc Học mà lúc nầy lôi ra từng gã một, thả giữa hoàn cảnh nầy cũng đớ miệng, ấp úng không ra được nửa lời như tôi.

May thay, người con gái Huế – theo tin đồn chưa có kiểm chứng – khôn đáo để gấp mười con trai Huế, mà cụ thể là người đang đứng đó, lên tiếng:

– Ấy… ấy giúp mình cái ni được không?

Ngó lui, ngó tới lần nữa chẳng thấy ai. Tôi biết “ấy” là mình!

Dẫu khù khờ hay thông minh nhất tôi cũng không thể tìm ra một tiếng xưng hô nào với người lạ trước mặt hay hơn là… “Ấy”! Tôi hỏi:

– Ấy muốn mình giúp chi rứa?

Và cứ thế, hai bên Ấy… Mình; Mình… Ấy một hồi tôi mới hiểu ra rằng, cô ấy tên là Thủy Tiên. Ở nhà gọi Bé. Cô khóa cổng nhà, bỏ quên chìa khóa bên trong. Khu nhà tường cao bốn phía lại không có ai ở nhà nên không mở cổng vào nhà được. Cô nhờ tôi có cách nào leo vào phía trong là mở cửa được. Vốn con nhà vườn, leo trèo là sở trường nên tôi chẳng khó khăn gì để vin vào các cây lớn cạnh tường để nhảy vào bên trong. Nhưng khi mới từ cây trứng cá bên ngoài, ló mặt lên khỏi tường thì con chó Bẹc-giê to tướng đã chồm tới sủa vang. Tiếng Thủy Tiên từ bên ngoài không sai khiến được. Tôi ngần ngừ đề nghị giúp Thủy Tiên leo cây trứng cá vượt tường trước. Mưa dầm dề, gió lạnh. Không có sự chọn lựa nào khác. Có những việc làm hay hành động nếu xảy ra ở cảnh đời thường sẽ trở thành bất thường và khó khăn gượng ép, nhưng lại trở thành cần thiết và diễn ra tự nhiên lúc lâm nguy. Để đưa Thủy Tiên qua được bức tường cao có gắn đinh nhọn, một mình cây trứng cá bìa tường không đủ sức. Cần phải có những nắm tay, những đưa chân, những níu, kéo, ôm, đẩy, tựa, vác… của cả hai đứa dưới cơn mưa dầm ướt sủng; chúng tôi phải phối hợp và tiếp ứng rất khéo léo và nhịp nhàng với tâm hồn trong sáng của Adam và Eva thuở chưa ăn trái cây tri giác mới đưa Bé qua được bức tường. Khi cánh cổng nhà Thủy Tiên đã được mở rộng, thực tại trở về. Trái táo tri giác chỉ rơi nhẹ xuống đất nhưng cũng đủ cho cô bé xứ Huế đỏ mặt trở lại vị trí trấn thủ canh phòng muôn thuở của xứ nầy. Cái giọng lí nhí – chết gí con trai – rất Huế, cất lên thanh và ấm trong cơn mưa chỉ còn lất phất:

– Cám ơn lắm hỉ!

Tôi cố tảng lờ cái bàn tay sây sát và cục u nơi mắt cá đang còn đau điếng của mình để đáp lại cô láng giềng với một tinh thần rất nam tử hán:

– Có chi mô, giúp chút xíu thôi mà!

Cuộc vượt tường chiều mưa xứ Huế đã khiến hai ốc đảo biết có chung một biển cả quanh mình. Thủy Tiên xuất thân từ trường Jean d’Arc, đang học đệ tam C, ban văn chương, Đồng Khánh. Tôi học đệ tam B, ban toán, Quốc Học. Tôi nói tôi nể cái lãng mạn bay bướm của dân học văn chương. Thủy Tiên nói cô nể cái khoa học chính xác của dân học toán. Cái dễ thương và dễ ghét nhất của tuổi học trò là mới đứng ở sau khung cửa sổ hé nhìn trời bao la mà cứ ngỡ như mình đang được chắp cánh chim bay lồng lộng.

Dân văn chương sợ toán như sợ ăn xôi nấu nhão nên gặp dân ban toán hạng làng nhàng như tôi cũng đủ cho dân ban C nể mặt rồi. Tuy cùng tuổi và học cùng cấp lớp, khác ban, nhưng tôi lại có khiếu văn chương hơn là khoa học, thích đọc Bách Khoa, Phổ Thông và sách của Lá Bối, Ca Dao, An Tiêm xuất bản hơn ngồi giải toán ở nhà. Tuy chỉ nói chuyện văn chương, nghệ thuật theo lời tán của mấy ông nhà văn, nhà thơ trong sách báo, nhưng thế cũng đủ làm cho cô học trò trường Tây đang còn ngờ ngợ với tiếng mẹ đẻ xao lòng.

– Nghe như văn sĩ nói í!

Được cô láng giềng xinh đẹp khen có cốt cách văn nhân, có gã con trai bình thường nào mà không cảm thấy hướng nhìn của mình phiêu lãng hơn và mái tóc mình bềnh bồng thêm một tí mây bốn phương trời. Tôi nhường miếng ngon cho Bé nhưng thực sự là đang gắp lên chén mình:

– Bé học ban C mới là văn sĩ tề.

Dấu hiệu… xao lòng đầu tiên là Thủy Tiên bắt đầu tự đi học bằng xe đạp chứ không bằng xích lô hay xe ô tô có người đưa kẻ đó như trước nữa. Tôi thuộc loại khá trai, con nhà làng, học không tệ nên đạp xe đạp bên cạnh Thủy Tiên trên đường Lê Lợi đến trường vẫn thẳng và xanh vô tư như những hàng long não. Cảm xúc người con gái Huế như ngó sen dưới đáy hồ. Thường lặng lẽ nẩy mầm trong lòng đất, nhưng khi đã nhô lên khỏi mặt nước thì hoa lá rộn ràng chế ngự và phủ kín cả mặt hồ ngày tháng nào không hay.

Con trai Huế thường kháo nhau rằng, con gái Đồng Khánh khôn lanh đáo để vì ngày hai buổi đi học từ khắp nơi trên con đường Lê Lợi dọc sông Hương, được tưới tẩm nắng gió can trường từ Trường Sơn và rủ bỏ được cảm xúc nông nổi theo nước sông Hương trôi về Nam Hải. Còn con gái Jean d’Arc học trường Tây ngơ ngác như nai vàng vì thế giới nằm gọn trong bốn bức tường học viện thâm cung. Đó là điều khó hiểu cho tuổi học trò mới lớn vì tình cảm là sen mới nhú khỏi mặt hồ, thấy nắng là nắng, mưa là mưa chẳng có gì cân đo so sánh:

– Tự nhiên, Bé không còn thích Cuối tuần và Chủ Nhật nữa.
– Tại vì Bé thích đi học hoài cả tuần thôi hả?
– Không phải Bé thích học mà chỉ thích mỗi sớm đi xe đạp tới trường.

Thủy Tiên nói điều bâng quơ mà sao tôi cảm nhận được nó thật như chính mình đang nói. Ngày trước, tôi chỉ mong tới chiều thứ Sáu là chạy nhanh về làng với mẹ, với bạn bè. Nhưng cái náo nức chiếm ngự cả lòng tôi thay đổi: muốn đạp xe đạp song song bên cạnh Bé đến trường hay đến bất cứ nơi nào có Bé.

Mùa Xuân của tuổi 16. Thế giới quanh mình đổi khác. Khuynh hướng tình cảm lứa đôi là sự thức dậy sau một giấc ngủ dài của tuổi thơ. Sự thức giấc của tình yêu là mặt trời mới mọc cho mỗi cuộc đời. Khi yêu, người ta chỉ còn sống cho mình một nửa. Nửa kia là sự lo sợ: lo hoàn cảnh sẽ chia xa; sợ người mình yêu thay đổi. Một buổi sáng tháng Chạp, Huế mưa phùn lất phất. Trời lạnh buốt. Vẻ phờ phạc và nụ cười buồn của Thủy Tiên như đang ưu tư điều gì chưa giải được. Tôi hỏi, Thủy tiên kể chuyện:

– Hôm qua, có một bà già lạ, tới nhà Bé đứng ngoài cổng gọi hoài. Bà không biết bấm chuông cửa nên o người làm tức mình thả con chó bẹc–giê ra sủa đuổi bà đi. Rủi quá! Cổng sắt không khóa kỹ nên con chó lách ra khỏi cửa và chồm lên bà ta. May Bé và o người làm chạy ra kịp nên con chó chỉ mới cắn đứt vạt áo và quào một chút lên tay bà ta thôi. Thấy bà già nhà quê không lo tay đau mà ôm vạt áo rách đứng chảy nước mắt tội nghiệp quá. Bé xin lỗi và mời vào nhà mà bà không vào. Bà lấy tay chùi nước mắt rồi lẵng lặng bỏ đi. Bà đi một đoạn rồi, Bé mới nhớ là mình có cái hộp champagne đựng tiền lì xì Tết của mấy bác, mấy cô chú ở nước ngoài và bạn ba me ở mấy tỉnh xa về cho. Bé không đếm, không dùng, bỏ quên lâu ngày trong hộc tủ. Bé chụp cái hộp và chạy theo nhét vào cái giỏ xách tay của bà nhà quê. Bà không nhận. Bé phải năn nỉ: “Mệ ơi, con có chút tiền lì xì để dư không tiêu, con đưa mệ để mệ thêm may cái áo khác. Tiền dư thì mệ dùng hay làm chi tùy mệ, không đủ thì mệ bù cho con với nghe. Con chỉ có chừng nớ thôi mệ nợ.” Gần Tết rồi, Bé cứ lo lo, lỡ bà ta không đủ tiền may áo khác thì ui chao là tội.

Nghỉ Tết, tôi về quê với mẹ, với gia đình. Lần đầu, tôi không còn háo hức với áo mới ngày Tết. Tôi hơi ngạc nhiên vì năm nay nhà mình ăn Tết to hơn mọi năm. Nhà quét vôi mới. Trên bàn thờ, quả phẩm to hơn và có bộ lư đồng mà mẹ tôi tính tới tính lui mấy năm rồi chưa sắm được. Hình như năm nay ai cũng có áo quần mới. Tất cả đều là hàng sang so với khả năng gia đình.
O Cúc, người giúp việc từ đời mẹ, đến đời con đã thực sự trở thành một thành viên ruột thịt của gia đình tôi. Nhận được vẻ tò mò của tôi, o cười xởi lởi, kể chuyện:

– Bữa nớ, gánh đồ đi Tết lên nhà chú, tui đi lạc qua nhà trước mặt bị chó Tây ra chồm. Tui bị rách áo, rách tay. May phước đức ông bà có một cô trong nhà chạy ra cứu, lại còn cho tui tiền sắm Tết dư giả mà còn sợ thiếu. Ui chao, con gái nhà ai mà đẹp như tiên non bồng rứa thê.
Thì ra, “bà nhà quê” trong câu chuyện của Thủy Tiên là o Cúc.

Và trong câu chuyện dài về Huế, những “nàng tiên non bồng” Đồng Khánh một thời ấy vẫn không trốn mãi được trong thành quách rêu phong. Đời lao đao không đẹp hoài như những bài thơ Huế.

Sau ngày đảo chánh triều Ngô tháng 11 năm 1963, ngôi biệt thự đồ sộ của gia đình Thủy Tiên có vẻ gì như đang thay đổi. Những người trong nhà tôi đang ở xầm xì về chuyện gia đình Thủy Tiên “làm kinh tài cho cậu Cẩn.”

Rồi một cuối tuần, Thủy Tiên đột ngột hỏi: nếu tôi ở lại Huế, nghỉ về thăm làng một kỳ có được không. Hỏi lý do, Thủy Tiên nói là muốn rủ tôi đi chơi riêng. Lần đầu, hai đứa cùng đạp xe đạp song song ra khỏi con đường Lê Lợi dẫn tới trường. Ra khỏi thế giới học trò, hai đứa không biết đi đâu. Một nơi vắng, vắng quá thì sợ bị cho là… đồ trai gái hư thân. Gần cả buổi sáng, chúng tôi đạp xe loanh quanh đến lăng Tự Đức, Đồng Khánh lúc nào không hay. Xế chiều, vòng qua đồi Từ Hiếu. Đựng hai chiếc xe đạp ở mé lăng phía dưới thấp, chúng tôi đi bộ lên đồi thông. Trong tiếng cười, giọng nói và dáng vẻ của Thủy Tiên có chút gì vương vướng khó hiểu. Khi xuống đồi, tôi phải nắm tay Thủy Tiên để khỏi bị té. Bé để yên bàn tay trong tay tôi. Bàn tay lạnh quá. Tôi nói điều đó. Bé cười hiền, nói nhanh: “Tay lạnh mà tim ấm!” Hai đứa dừng lại sau chân ngôi tháp cổ giữa chân đồi. Khi hai mặt gần quá, đủ để nhìn thấy bóng những ngọn thông trời trong mắt nhau, Bé quay nghiêng mặt, nói thì thầm:

– Hôn má thôi. Bé sợ “đóng tem” lắm.
– Không thích?
– Thích. Mà sợ… lỡ sau nầy nhớ nhau chết mất.

“Đóng tem” là tiếng lóng của những mối tình học trò Huế một thời chỉ hôn môi. Bị đóng tem rồi là thành tem chết; thành “bồ” của nhau, lấy nhau không đặng thương hoài ngàn năm!

Rồi nắng chiều cũng xuống sau đồi Từ Hiếu.

Khi về tới chỗ để xe đạp thì trẻ con giữ trâu đã tháo tan hoang và ăn cắp những đồ phụ tùng chiếc xe đạp ngoại quốc của Thủy Tiên. Chiếc xe đạp đời Gia Long của tôi thì vẫn còn nguyên. Tôi quay quắt định chạy đi tìm quanh thì Thủy Tiên đã chận lại:

– Thôi bỏ luôn. Ngày mai, Bé cũng không còn đạp chiếc xe nầy nữa?
– Bé đi học bằng xe hơi trở lại à?
– Không. Nhưng…

Thủy Tiên không nói gì thêm mà chỉ ôm mặt khóc nấc lên. Tôi hoảng vía hỏi dồn chuyện gì xẩy ra. Sau cơn cảm xúc xảy ra nhanh như một trận mưa giông ngang qua và tạnh, Thủy Tiên chỉ nói mơ hồ:

– Bé không biết. Ba me chỉ nói cho Bé đi chơi với bạn một ngày cuối cùng. Bé sợ…

Ngập ngừng… ấp úng. Khi một người con gái mới lớn, lòng nhẹ như phù dung, ngập ngừng không nói ra lời khó nói là muốn tỏ nỗi lòng thầm kín; tỏ tình hay từ biệt. Tôi cũng sợ. Tỏ tình cũng là một cách chia tay với hồn nhiên và chia tay là tạ từ mơ ước.

Khi tôi đèo Thủy Tiên về đến cổng nhà, trong ánh sáng xanh buồn của một buổi chiều rất Huế, Thủy Tiên nhìn tôi đăm đăm trước khi cúi xuống, dúi vào tay tôi cái hộp nhỏ và vội vàng đi nhanh vào bên trong khung cửa sắt như trốn chạy. Ngẩn ngơ, tôi muốn nói với điều gì, nhưng tiếng khóa sắt và hai cánh cổng sắt đã khép như hai bàn tay chắp lại đóng kín một lời, lạnh lùng và quyết đoán.

Nằm nhắm mắt hình dung lại những chớp mắt của ngày qua, tôi suy nghĩ lao lung trong bóng tối. Cái hộp nhỏ của Thủy Tiên vẫn nằm nguyên trong ngực áo. Tôi chưa đủ chuẩn bị một sự vỡ òa để mở ra khi cố hình dung lại nét nhìn đăm đăm, nửa như đau đớn, nửa như nhận chịu của Thủy Tiên lúc chia tay. Nỗi ưu tư của tuổi trẻ rồi cũng nhẹ nhàng trôi vào giấc ngủ. Tiếng rao bán bánh mì rất trẻ thơ từ đâu đó vang lên trong sớm mai còn ngái ngủ. Tôi bật dậy, mở ngay chiếc hộp nhỏ của Thủy Tiên. Sau ba bốn lớp giấy gói và mùi nước hoa rất lạ: hai chiếc khăn tay trắng thêu hoa pensé tím nhạt và thêu chữ nhỏ màu tím đậm. Chiếc thứ nhất với hàng chữ: “Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát…” và chiếc thứ hai: “Thì tìm em trong tận đáy hồn anh.” Hai câu thơ của thầy Nhất Hạnh khi nói về Phương Bối(1). Tìm không phải là kiếm gì đã mất mà là một sự khai mở cõi hồn tự tại. Lời nhắn gởi xa vắng thêu chữ mầu tím Huế làm tôi lạnh mình.

Tôi mở tung khung cửa sổ nhìn qua nhà Thủy Tiên ở phía bên kia đường. Cửa sắt cổng nhà mở toang. Nhìn sâu vào bên trong, cửa chính mở hờ nhưng đồ đạc rơi vãi từ trong nhà ra tới sân. Tôi mở cửa chạy vội qua nhà Thủy Tiên nhưng kinh ngạc đến chưng hửng vì chẳng có ai. Rõ ràng có một cuộc di tản lớn trong đêm.

Những ngày sau, tin lan ra rõ hơn: gia đình Thủy Tiên đã bí mật trốn đi để tránh nguy cơ với chính quyền mới…

***

Sáu tư tuổi ta, sáu ba tuổi tây, tôi lại về thăm Huế. Những người bạn cùng thời đều đã nghỉ hưu ở tuổi 55, 60. Sáng sớm, mới bét mắt, những “ông trai già” lục tuần ít ngủ, quen thức khuya dậy sớm đã lên điện thoại gọi nhau ơi ới ra góc cầu Trường Tiền uống cà phê Sơn. Những bùn lầy, sỏi đá, gạn đục khơi trong của cả một thế hệ chiến tranh Việt Nam bắt đầu lắng xuống với tuổi già. Những tâm hồn bão nổi Quốc Học, Đồng Khánh một thời đang lặng gió theo từng đầu tóc bạc phơ, muối nhiều hơn tiêu, đen nhánh mới nhuộm hay phai màu phôi pha… thường gặp nhau trong cùng một góc khuất của quá khứ. Tuổi già nhắc chuyện ngày xưa như muốn sống lại tuổi thơ; đem hồn nhiên đối mặt với vô thường.

Cái ăn, cái uống của Huế thường nổi danh từ những… vô danh. Bên cạnh bún bò Mụ Rớt, bánh nậm Mụ Đỏ, nem tré Mụ Tôn, thuốc cẩm lệ Mụ Cửu Ới, cơm hến Mụ Bòng… vang bóng một thời vẫn có nhiều gánh cháo chè, bánh trái bán rong “ngon nhức răng” mà không màng tên tuổi. Ngày tôi về lại Huế, những “Mụ” kế thừa thuộc thế hệ đàn em vẫn còn xa lạ với tôi. Buổi chiều, cô cháu nhỏ bắt tôi chỉ ăn chút ít cho ấm bụng để tối qua bia Quốc Học ăn bánh lá Mụ Bé. Theo lời đồn thì đây là nguồn bánh “tuyệt chiêu” của Huế.

các món Huế như: Bánh nậm, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ram ít tôm thịt, nem lụi, v.v…. Nguồn OntheNet

Sau chạng vạng tối, khoảng trống giữa bia Quốc Học và bờ sông Hương đã có người lảng vảng chờ bánh tới. Tôi đến nơi, khi hàng bánh Mụ Bé cũng vừa tới. Đi đầu là một bé trai chừng 12, 13 tuổi, một tay xách cây đèn gương che gió và tay kia xách một giỏ mây khá nặng. Đi sau là một bà già mảnh khảnh mặc áo dài nâu, đội nón lá mặc dầu trời tối và khô ráo. Bà ta nách một chồng thúng mủng chồng lên nhau, đậy kín mít. Đến nơi, chẳng nhìn ai, bà ta ngoắc thằng bé lại và hỏi ngay người khách ngồi chò hỏ trước mặt:

– Ăn chi?

Người khách ra toa đặt hàng ngay không vấp váp:

– Dĩa bánh nậm, dĩa bánh bèo thịt heo nạc, ít mỡ chài, nước mắm cay, ớt chỉ thiên.

Đến lượt tôi, cũng được bà già hỏi hai chữ y như những người khách trước:

– Ăn chi?

Tôi cầu cứu đứa cháu đặt hàng giúp. Như đã quá quen thuộc, đứa cháu đặt hàng:

– Mần cho một trẹt đủ thứ.

Bà già im lặng lôi cái trẹt tre làm mâm và bắt đầu ra bánh. Nửa chừng, ngọn gió từ sông Hương thổi lên hất ngược cái nón lá của bà già. Thằng bé sợ tắt đèn vặn to tim lửa. Bà già đưa tay bối lại đầu tóc bạc phơ vừa bị gió xổ tung. Một khuôn mặt nhăn nheo với mầu da trắng vàng bủng beo hiện ra. Bà già có vẻ bực mình vì gió, nói gì lầu bầu không rõ, nhưng cũng để lộ ra cái miệng móm mém hình như không còn chiếc răng nào để lộ ra. Tôi nhìn kỹ vào khuôn mặt già cỗi của người bán bánh và giật nẩy mình khi nhận ra cái nút ruồi son Ấn Độ nằm chếch giữa hai chân mày trên chiêc mũi dọc dừa xám ngắt. “Nút ruồi son Ấn Độ” trên chiếc mũi dọc dừa là nét độc đáo nhất trên khuôn mặt Thủy Tiên mà tôi không thể nào nhầm lẫn được. Tiến gần tới phía mặt bà già bán bánh, không cầm giữ được cảm xúc thêm một khắc nào nữa, tôi gọi ngay tên vừa đủ nghe mà không sợ lầm:

– Thủy Tiên!

Bà già ngước đôi mắt mờ đục lên nhìn người đối diện mà dường như chẳng thấy ai, hỏi:

– Ai mà biết tên tục của tui.

Không phải là một câu hỏi, mà cũng chẳng phải là một lời giải thích nên bà bán bánh cũng chẳng buồn quan tâm đến phản ứng của người vừa gọi đúng tên của bà hay người đó là ai nữa. Lòng tôi se lại khi thấy người bán bánh thản nhiên cúi xuống tiếp tục sắp bánh ra dĩa. Một Thủy Tiên nào đó đã phân thân từ ký ức, không còn liên hệ tới bà bán bánh. Không tiện nói thêm điều gì, tôi gọi riêng đứa cháu để nhờ nó mua hết số bánh còn lại. Khi nghe cháu đòi mua hết bánh, “Mụ Bé” trả lời khô khan:

– Rứa thì khoẻ!

Sau khi giao hết bánh cho người cháu của tôi ra xích lô về trước, khách không còn ai, Mụ Bé gọi thằng cháu ra về. Trước mặt tôi là một bà già hom hem tuổi sáu tư. Cố gắng lắm, với sự giúp đỡ của thằng cháu, tôi chỉ biết thêm một chút thông tin về hoàn cảnh của Thủy Tiên. Chồng mất tích trong chiến tranh. Có thằng con trai duy nhất thì bị què, vợ bỏ. Thằng cháu nội phải bỏ học giúp bà nội bán bánh kiếm tiền sống lây lất qua ngày. Nhắc lại chuyện ngày xưa của Thủy Tiên, Mụ Bé không màng nhớ tới. Nàng Đồng Khánh Thủy Tiên một thời hoa mộng đã chết và tái sinh thành Mụ Bé. Không biết đặt ở đâu cho đúng chỗ trong 6 nẻo Luân Hồi.

Những ngày còn lại ở Huế, về làng, thăm mộ mẹ, tôi nhớ những chiếc áo Tết từ chiếc hộp champagne lì xì của Thủy Tiên đã 45 năm về trước. Con người và thân phận có một sự ly thân. Con người sinh ra để làm một thuở Tiên Đồng Khánh; thân phận một thời bắt làm Mụ Bé bán bánh lá.

Ân tình, dù một thoáng đi qua, cũng chẳng bao giờ lập lại hay đền đáp được. Nhưng thà giúp một viên thuốc giảm đau vẫn còn hơn ngồi nhìn nỗi khổ đau chờn vờn trước mắt. Tôi giúi vào mủng bánh trống của Mụ Bé món quà nặng ân nghĩa mà vẫn sợ bị thiếu như Thủy Tiên giúi hộp champagne vào tay o Cúc, giúp làm nên một mùa Tết hạnh phúc như năm xưa. Trần gian, dẫu cõi tạm, nhưng là cửa ngõ của Thiên đường. Sống là tạm nắm lấy khổ với viên thuốc giảm đau rồi buông bỏ và ra đi. Sá gì còn, mất. Một thuở là Tiên Đồng Khánh.

Cancun, Mexico ngày đầu năm 2010.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Thuở tiên Đồng Khánh. Trần Kiêm Đoàn, trankiemdoan.net, 2010. DCVOnlineminh hoạ và phụ chú.

DCVOnline: (1) Nhất Hạnh, “Bướm bay vườn cải hoa vàng”, New York, 12, 1963.