Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p3)

Nguyễn Văn Lục

Người dân Huế được sống an bình, đi lại tự do khắp nơi, tối ngủ không sợ cộng sản đến bắt cóc mang đi.

(Tiếp theo p1, p2)

Chỉ riêng các thôn xã ở phía Nam có hàng 4000 các nhân viên các cấp ở xã ấp đã bị Việt cộng bắt cóc, thủ tiêu. Các cô thày giáo ngày về xã dạy học, tối đến phải quay về quận lỵ ngủ cho an toàn.

Thế nhưng, sự hưởng thụ một thôn quê thanh bình, thành phố Huế mộng mơ hầu như thể là chuyện đương nhiên phải là như thếm như từ trên trời rơi xuống.

Tôi xin nói thẳng, không có ông Ngô Đình Cẩn và đám Mật vụ của ông, Huế và các vùng phụ cận sẽ không có được những ngay thanh bình, yên ổn. Không ai có cơ hội nghĩ tới công lao của ông Cẩn cả.

Bốn năm sau khi loại trừ ông Cẩn (1964), 1968 Huế trở thành nạn nhân của chính mình với một cuộc thảm sát đẫm máu người dân Huế vô tội. 9 hầm hay 10 hầm giam giữ vài chục người cán bộ cộng sản ngoan cố bì thế nào được với con số cả 5000 người dân Huế vô tội bị trói tay, chôn sống, bổ cuốc vào đầu chôn ở các hố chôn tập thể lên đến vài trăm người mỗi nơi?

Ai trách nhiệm thảm cảnh này, nếu không phải là chính người Huế “giết” hay tiếp tay giết người Huế?

Tôi đã viết bài Huế Mậu Thân, miền đất nhiều bất hạnh. Những oan hồn uổng tử của Huế sau nửa thế kỷ đã thành tro bụi, chả biết xác chết có còn nguyên vẹn để nghe kinh tụng niệm cho họ để mong họ chóng được siêu thoát chăng?

Mười Hương, người đứng đầu tình báo cộng sản đã phải viết:

“Thế nhưng, hồi ấy (ám chỉ thời Pháp những năm 1940) cũng không đen tối bằng sau này những năm 1957-1959.”

Mười Hương nói về sự thâm hiểm của Ngô Đình Cẩn như sau:

“Khi tôi bị bắt, ban đầu nó bảo, chúng tôi mời ông về, không dám dùng đến chữ bắt. Nó khai thác đề tài Quốc Gia rất dữ để chống Cộng. Nó vẫn nói những người kháng chiến là những người có công với đất nước.”

(Hoàng Hải Vân- Tấn Tú, “Tướng Tình báo chiến lược. Người Thầy”, Báo Thanh Niên, số 200. Thứ ba, 26-11-2002)

Nhưng dư luận đồn thổi thì lại nhiều, thêu dệt cũng không thiếu. Từ một chuyện nhỏ có thể xé ra một chuyện lớn.

Trường hợp cụ thể như Vương Hồng Sển có dịp thăm Huế trong một phái đoàn của Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ông ta có dịp ăn một bữa cơm tối tại nhà ông Cẩn. Nhân đó ông có dịp trông thấy một con hổ và một số chim chóc trong vườn. Khi về, ông viết phóng lên là Cẩn có cả một sở thú. Thật sự, đó chỉ là một con hổ con lạc mẹ do binhh sĩ đi hành quân bắt được đem về làm quà cho ông Cẩn. Ông nuôi nó như nuôi một con mèo, cho ăn cơm mỗi ngày.

Tư cách của Vương Hồng Sển chỉ đọc mà không vui. Ông ta còn toa rập với Nguyễn Đắc Xuân bịa chuyện ông Ngô Đình Diệm ăn cắp Nghiên mực của vua Tự Đức.

(Nguyễn Văn Lục, “Lịch sử còn đó”. Nguyễn Đắc Xuân, Vương Hồng Sển và chiếc nghiên mực của vua Tự Đức, trang 215)

Tôi lưu ý đặc biệt đến cách tuyển chọn và dùng người của ông Cẩn.

Ông ít học, nhưng bản năng chính trị giúp ông chọn người khá kỹ càng. Những người được ông chọn mà chức vụ cũng không lấy gì làm lớn gì cũng qua giới thiệu kỹ càng, tin cẩn mà tiêu chuẩn thứ nhất là có lý tưởng Quốc Gia chống Cộng, thứ hai là sự trung thành hầu như tuyệt đối và thứ ba hầu hết là theo đạo công giáo.

Những tiêu chuẩn này không nhất thiết là quy luật chung hay có giá trị khách quan cho bây giờ. Nhưng ở thời điểm khai sinh ra nền Cộng Hoà, ở phạm vi hỗ trợ chính phủ, người ta cần những người đồng chí hơn là người có bằng cấp hay học vị chuyên môn.

Và qua thử thách 9 năm làm việc tận tụy cho chế độ, những người này đều cho thấy họ thật xứng đáng. Tôi xin nêu một vài người tiêu biểu nhất như Phan Quang Đông, Nguyễn văn Minh, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Văn Châu, Phạm Thư Đường, Lê Quang Tung, v.v..

Phan Quang Đông đã chết hiên ngang như thế nào với lá thư nhắn gửi vợ con vài giờ trước khi bị xử bắn. Sau này đến lượt Ngô Đình Cẩn cũng một thái độ như vậy. Không có gì khó hiểu cả, bởi vì họ có một lý tưởng và phải chăng vì họ sống có xác tín?

Thứ hai về nguyên tắc làm việc của ông Ngô Đình Cẩn dựa trên một thứ bản năng chính trị. Cái bản năng ấy được phát triển một cách cùng cực trước tiên là để tự vệ sống còn và sau là bằng mọi phương tiện tiêu diệt kẻ thù trong cái tương quan sống-còn giữa đôi bên.

Nó có thể không chấp nê đến lý thuyết, đến ngay cả pháp luật. Nó hành xử không theo một thủ tục hành chánh, hay thủ tục pháp lý trong việc bắt người, giam người, tra khảo. Đây là mặt yếu của các Đoàn Công tác mật vụ đứng về mặt chính quyền. Một chính quyền dù coi việc chống Cộng là hàng đầu không thể cho phép các tổ chức mật vụ bắt người, giam giữ không xét xử, ngay cả tra tấn, v.v..

Chính vì thế đi đến chỗ lạm dụng như trong vụ án xử gián điệp miền Trung mà nhiều phần có kẻ bị bắt oan, bị xử hoặc tù tội một cách oan uổng.

Nhưng về mặt hiệu quả của các cơ quan này thì thật không thể chối cãi được. Nó chẳng thua bất cứ cơ quan nào của ngoại quốc như F.B.I., S.D.E. của Pháp, K.G.B của Nga hay ngành đặc biệt N.D.B ( Ngành đặc biệt- The Spécial branch), trong đó có chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix program 1968-1975). Chiến dịch Phượng Hoàng là tình báo và ám sát bí mật! Đã bao nhiêu người dân vô tội bị chết oan? Tại sao người Mỹ không lên tiếng? Tại sao kết tội mình ông Cẩn và đám mật vụ?

Theo số liệu, trong 8 năm, số viên chức Việt Nam Cộng hoà bị Việt cộng ám hại lên tới con số 33.052 người. Số liệu trong Chiến dịch Phượng Hoàng đưa tới kết quả có 22.013 hồi chánh, 24.843 bị bắt. 26.369 bị giết. Tổng cộng tất cả là 73.225. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Chiến dịch Phượng Hoàng”)

Nào ai thực sụ biết được trong số 26.369 Việt Cộng bị giết, có bao nhiêu thường dân bị chết oan?

Chứng từ tự thuật của một người bị bắt cóc, bị giam ở trại Lê Văn Duyệt từ 1961 đến sau cuộc cách mạng 1963

Bài Tự thuật sau đây, không đề tên tác giả, được trích từ tờ Tiếng Nói Dân Tộc nhan đề, “Dưới chế độ Mật vụ Ngô Triều”. Bị bắt cóc, bị giam một thời gian, được đưa về thăm gia đình. Mà không được nói hiện mình ở đâu? Làm gì?

SAIGON 1969 – Photo by larsdh – Trại Lê Văn Duyệt

“Chiều hôm đó, cũng như bao nhiêu chiều khác, mãn giờ làm biệc tôi thoát lên xe đạp ra khỏi sở. Bỗng một người cỡi xe gắn máy chạy đến bên tôi và nói, “Xin lỗi ông cho tôi hỏi thăm một chuyện.” Tưởng có chuyện gì cần mình, tôi dừng xe lại. Anh đi xe gắn máy trình thẻ Công an cho tôi xem và mời tôi về bót có chuyện cần.

Thế là tôi bắt buộc phải đạp xe đi theo người ấy, và một người nữa chạy Lambretta sau lưng tôi.

Đây, trại Lê Văn Duyệt

Trại “Lê Văn Duyệt” là căn cứ của mật vụ thuộc Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung đóng tại Biệt Khu Thủ Đô mà mãi đến sau ngày Cách mạng người ta mới biết. Vì bọn Mật vụ tổ chức vô cùng bí mật, ngoài thì cũng cửa sắt kín mít, lính gác không khác nào một trại lính. Cũng chào cờ, cũng đá banh vui chơi, cũng ca hát, ai ai đi qua cũng tưởng là một trại lính ở, chớ đâu dè đó là nơi bọn Mật vụ của Ngô triều để giam hãm những kẻ nào dám cả gan chống lại bọn chúng..

Ngủ có divan hoặc giường sắt hay ghế bố, mỗi người một cái, có mùng, có tấm đắp đàng hoàng: có giờ có giấc. Ăn uống cũng khá hơn chế độ thầu. Có câu lạc bộ, có phòng đọc sách, có sân banh giải trí, có bàn ping pong.

Về tinh thần, có Ban Văn nghệ của trại: tập tành nhạc, kịch, tuồng cải lương, lâu lâu vài tuần trình diễn cho anh em giải trí. Thường xuyên mỗi buổi chiều có một máy hát, máy quay cải lương cũ mèm, nhưng nghe cũng đỡ buồn. Tối thứ bảy nghe truyền thanh tuồng cải lương Sài gòn hay xem chớp bóng. (…)

“Ăn Cơm tiều”, một danh từ được khai sinh trong trại Lê Văn Duyệt.

Không biết bên chánh quyền dự chi về ăn uống một người bao nhiêu mà ở trại Lê Văn Duyệt thì chúng tôi được 5$50 tiền chợ, mỗi trại viên, mỗi ngày.

Có một Ban cấp dưỡng (cũng anh em trại viên) lo lắng miếng ăn miếng uống cho anh em. Đáng lý chúng tôi mỗi người ăn 5$50, nhưng chúng tôi khai “cơm tiều”, nghĩa là một mâm bốn phần ăn, chúng tôi ăn năm người. Phần dư ra 5$50 thay nhau lãnh. Ăn sáng 1$. Nếu nhịn thì mỗi tháng cũng được thêm 30$.

Ở tù mà cũng lãnh lương. Ở tù mà cũng đi nghỉ phép.

Ở tù sau đó được về thăm nhà. Có nhiều anh em ở tù lâu, cuối tuần được nghỉ phép, chiều thứ bảy về, sáng thư hai vô. Hoặc có anh về hằng đêm 5 giờ 30 sau giờ làm việc ra cổng, sáng 7 giờ 30 trở về ở…tù. (…)

Ở tù vợ đẻ, thật là họa vô đơn chí.

Những người của một thời đã qua.”

Theo tôi, nhà tù như trại Lê Văn Duyệt của ông Ngô Đình Cẩn là có một không hai trên thế giới này. Đó là “nhà tù không song sắt”. Sau này cũng có những trại cải huấn, nhưng không thể nào so sánh với trại tù Lê Văn Duyệt được.

Tuy nhiên, theo Dư Văn Chất,

“đối với tù nhân ngoan cố nhất định không chuyển hướng — như trường hợp Đặng An — thì bị giam trong sà lim. Hoặc sau này Đặng An bị chuyển ra nhốt ở Mang Cá nhỏ, một trại giam biệt lập trung chuyển. Từ trại này có thể được đưa lên Chín Hầm và bị bỏ đói. Hoặc tệ hơn nữa thả trôi sông hoặc thả biển. Người giám thị trại giam Mang cá lúc bấy giờ là Phạm Mại.”

(Đây là phần viết thêm của Dư Văn Chất, dạng photcopy. Sau ba năm ông đã viết: Nhà văn bất đắc dĩ. Trong đó còn viết: Người cộng sản sợ người cộng sản)

Lý do thành lập Đoàn công tác Đặc biệt miền Trung

Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều người vẫn đánh giá sai lầm về công tác của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung của ông Cẩn. Họ cho rằng Đoàn công tác có nhiệm vụ đàn áp đân chúng, đàn áp tất cả những ai là trí thức như bác sĩ, luật sư, giáo sư, viết báo, thương gia như trường hợp 42 người ra làm nhân chứng vào ngày thứ tư 26-6-1964.

Bài báo của ký giả Nam Đình ghi như sau:

“Theo bản cáo trạng thì 42 người trên đã bị tra tấn, khảo của bởi mật vụ của Dương Văn Hiếu. Đám mật vụ này gồm Thái Đen, Thiện Dzai và Phan Khanh.

Nhưng mỗi lần ông Nguyễn Văn Đức, công tố viên, sau khi nhân chứng khai rồi, quay ra hỏi Dương Văn Hiếu: Bị can có nhìn nhận không? Và câu trả lời của các bị can là:

— Hoàn toàn không có.”

Theo nhà báo Nam Đình, báo Thần Chung thì “tội ác của đám Mật vụ Dương Văn Hiếu không bút mực nào tả cho hết được.”

Thế nhưng, theo như một nạn nhân bị bắt đưa vào trại Lê văn Duyệt vừa được trích dẫn ở trên thì các người bị giam ở trại Lê Văn Duyệt có một cuộc sống ở tù thật thoải mái? Chữ không bút nào tả hết của nhà báo Nam Đình phải được áp dụng trong trường hợp nào?

Theo như mục đích lúc thành lập Đoàn Công Tác Đặc biệt miền Trung, Ông Cẩn muốn có chính sách chiêu hồi các cán binh cộng sản.. Đây là một lối thoát cho cán binh cộng sản, tạo điều kiện cho họ về hợp tác với chính phủ Quốc gia.

Vì thế, ông Cẩn vào đầu năm 1957, ông đã đề nghị lên TT. Diệm xin cho ông thực hiện chính sách ông gọi là: “Chiêu mời và xử dụng những người kháng chiến cũ.”

Sau khi được ông Diệm đồng ý, ông Cẩn đã giao cho ông Dương Văn Hiếu thành lập Đoàn Công tác để thực hiện chính sách trên.

Nhờ được áp dụng một cách triệt để, thông minh và khôn khéo, chính sách chẳng những bắt trọn gói toàn bộ cán bộ Việt Minh tại miền Trung.

Chính sách ấy còn khuyến dụ được một số người bỏ Đảng về làm việc cho phía Quốc Gia. Đó là trường hợp ông Lê Chân, tên thật là Nguyễn Đình Chơn, vốn là một Thành ủy viên tỉnh Thừa Thiên. Sau khi chuyển hướng, ông Chơn đã được bổ nhiệm làm Thiếu tá Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt Gia Định. Cho đến ngay 30-4-1975, ông bị đi học tập cải tạo như mọi người, sau đó, ông đã được sang Hoa Kỳ theo diện H.O.

Các đồng chí cũ của ông đã yêu cầu ông viết lại trong Tập Hồi Ký của các cựu tù nhân Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung. Ông đã từ chối vì tuổi già muốn được yên thân.

Trong kỳ ba của bài viết này, chúng tôi sẽ có dịp trình bày Tập Hồi ký của các cán binh cộng sản cho thấy họ đã nghĩ gì về Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung.

Bài nói chuyện của ông Ngô Đình Cẩn vào dịp tết năm 1958

Có thể đây là một tài liệu hiếm và đặc biệt, bởi vì người nói chuyện là ông Ngô Đình Cẩn. Ông Cẩn là người ít xuất hiện ra bên ngoài, cũng ít tiếp xúc với ai. Ngay những dịp quan trọng như ngày Quốc Khánh hoặc các dịp lễ lạc khác thường cũng không có mặt ông Cẩn. Tôi tự hỏi, không biết có lần nào ông đã vào Sài Gòn để gặp TT Diệm hay chưa? Chắc là chưa. Ngay cả những buổi lễ tại địa phương như Huế cũng không có mặt ông.

Việc tiếp xúc với người ngoại quốc lại càng hiếm hoi vì ông tránh né không tiếp. Lý do tại sao thì không rõ? Ngôn ngữ bất đồng chăng? Mặc cảm ít học?

Trong một bài báo do Trà Mi dịch, đăng trên DCVOnline.net, ngày 26 tháng 3,2015 có ghi lại việc tiếp lãnh sự quán Mỹ — ông John Helble (1961-1964). Lãnh sự Mỹ phải kiên nhẫn chờ đợi 3 tháng để được ông Cẩn tiếp kiến. Và đây là một trường hợp khá đặc biệt và hi hữu.

DCVOnline.net cũng cho trích đăng lại một điện tín đánh đi từ Huế như sau:

“In telegram 714, November 4, 4.58 p.m the Department agreed that Can should not be harmed and that We should make every effort to get him and his mother, if necessary, out of country soonest, using our own facilities if this would expedite their departure.” ( ibid, Central Files, POL 26 S VIET)

Điện tín từ Lãnh sự Mỹ ở Huế gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, 4/11/1963

(Trà Mi, “Trưòng hợp kỳ lạ của ông Ngô Đình Cẩn”, DCVOnline.net, March 26, 2015)

Dầu vậy cũng không cứu được mạng Ngô Đình Cẩn.

Trong bài trả lời phỏng vấn của ông cựu lãnh sự John Helble với Thomas F. Conlon ngày 5-4-1996 có một ghi đoạn quan trọng lời phát biểu của ông cựu Lãnh sự như sau:

“Nó cho thấy Mỹ đã liên can vào vấn đề này bằng cách bắt ông Cẩn, giao ông lại cho chính quyền mới của Việt Nam, và sau đó “đứng yên” trong khi ông bị kết án và xử tử. Điều này với người Mỹ là hành động, chính sách sai lầm của Mỹ – hoặc một sự kết hợp của cả hai, hành động và không hành động.”

(Trà Mi, ibid., March 26, 2015)

Nói cho cùng cả người Mỹ lẫn bọn tướng lãnh cần một con vật tế thần trong lúc này.

Một người tránh giao thiệp như vậy. Vậy mà vào dịp Tết 1958, đích thân ông Cẩn đã đến thăm số cán bộ bị bắt đã chuyển hướng hoặc chưa chuyển hướng tại lao xá Ty Công an Thừa Thiên.

Đề tài ông nói với họ là “Chính sách chiêu mời và sử dụng những người kháng chiến cũ.”

Đại ý ông nói với họ như sau:

“Bữa ni tôi đến thăm anh em vì được ông Hiếu, Trưởng Ty báo cáo: tất cả anh em ở đây đều là những người có thiện chí, có tinh thần Quốc Gia cao. Tôi đến với mục đích “chiêu mời” anh em về với Quốc Gia, về hợp tác với chúng tôi, chúng ta cùng nhau xây dựng một chế độ thực sự tự do, thực sự dân chủ. Cùng nhau cải tổ cái xã hội lạc hậu chồng chất quá nhiều bất công lưu cữ từ bao đời nay, cho nhân ân, đã được độc lập rồi, phải được sông xứng đáng với vị thế của mình, của một con người hoàn toàn độc lập, tự do và hạnh phúc. (…) Còn anh em, vì qúa hăng say với lý tưởng Độc lập, Tự do nên đã không nhận ra chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa phi dân tộc. ( … ) Tôi mong anh em suy nghĩ cho thật kỹ, thật thấu đáo để mà dứt bỏ cái đuôi cộng sản đã bị người ta lừa bịp ráp vô cho anh em. Rồi mình cùng nhau chiến đấu, chiến đấu cật lực, xây dựng một đất nước thực sự Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ. Một xã hội thực sự công bằng, hạnh phúc, ấm no cho chính mình, vợ con, xóm làng, dân tộc mình thụ hưởng.”

(Bản photocopy, tài liệu của Nguyễn Văn trung trong tập “Vẽ đường cho hươu chạy”)

Thành tích của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung

“Theo Mười Hương, ông nhận được hai điện báo: Khu Năm tổn thất nặng, địch bắt bớ mạnh, có chỗ trắng 100%, nhiều nơi trắng 80-90%. Xứ ủy bảo phải cắt liên lạc với Trung Ương để bảo đảm an toàn. (…) Có những nơi đồng chí ta bị bắt gần hết. Quân của Cẩn phá căn cứ Ba Lòng tàn khốc lắm, thậm chí sau khi đã phá nát nó còn cho người đi kiểm tra, gặp một bé trai sống sót nó cũng giết nốt. Lại còn ở Quảng Nam, đạp Vĩnh Trinh…”

( Nguyễn Thị Ngọc Hải, “Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo”, trang 116)

Trong một thư gửi ông Mười Cúc (Nguyễn văn Linh), tháng 7 năm 1962, Lê Duẩn cũng thú nhận một tình trạng khá bi quan khi Lê Duẩn viết:

“Đã có lúc ở Nam Bộ cũng như ở khu 5, tình hình khó khăn đến mức tưởng như Cách Mạng không thể duy trì phát triển được. Nhất thiết không nên vì những khó khăn tạm thời do việc dồn dân lập Ấp chiến lược gây ra mà đâm hoang mang.”

(Lê Duẩn, Thư vào Nam, nxb Sự Thật. trang 51-59)

Mười Hương bị bắt năm 1958 sau bốn năm vào Nam hoạt động.

— Ngoài ra còn có Vũ Ngọc Nhạ, một viên chức làm việc tại Bộ Công Chánh. Bị bắt và chuyển hướng và sau đó hàng tháng phải bá cáo công tác. Sau này do lm Trần Ngọc Nhuận, cha sở Phú Nhuận, giới thiệu, bạn thân của bà Thiệu được ông Thiệu trọng dụng.
— Lê Hữu Thúy, thiếu úy được Việt cộng gài vào và được ông Đỗ Mậu đặt làm Trưởng Phòng an ninh Nha An ninh quân đội.

— Đại tá cộng sản Lê Câu sau này cũng chuyển hướng và giúp bắt được Phạm Bá Lương, Công cán ủy viên của Bộ Ngoại giao Vũ Văn Mẫu. (Lương đã chuyển toàn bộ tái liệu Kế hoạch kinh tế của Stanley-Vũ Quốc Thúc).

Tôi chỉ xin nêu vài trường hợp, danh sách còn lại khoảng 200 người.

Dư Văn Chất viết:

“Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn-Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Năm, Tỉnh Ủy Thừa Thiên, Thành Ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuông phía Nam, chúng tấn công cơ sở Đặc Khu Sài gòn-Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là Mật vụ miền trung đánh bắt gọn các lưới tình báo Chiến lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ một năm.”

(Dư Văn Chất, ibid., trang 2)

Điều chính yếu ở đây là cả Việt Nam Cộng hoà lẫn cộng sản đều nói đến chinh sách cải tạo.

Nhưng chế độ Ngô Đình Diệm, thay ví dùng quá khứ để kết tội thì lại đề cao quá khứ của các người cựu kháng chiến và thường khi đã chuyển hướng và được cất nhắc vào những chức vụ tương đương như trường hợp Phạm Ngọc Thảo, các ông như cụ Huỳnh Văn Lang, Lê Ngộ Châu, ls Trần Văn Tuyên, Phạm Duy, Lê Tùng Minh, Hoàng Thi Thơ và nhà văn Xuân Vũ và hàng ngàn ngàn cựu công chức cũng như trí thức miền Nam, v.v..

Trong khi đó cũng cải tạo các ‘ngụy quân, ngụy quyền’, nhưng lại dùng quá khứ của họ như bản án để kết tội và đầy đọa. Cho nên, 10 người hết 10 người khi được ra khỏi trại Cải Tạo đều oán hận cộng sản không bao giờ nguây ngoa.

Điều đó cho thấy, cải tạo chuyển hưởng thời Đệ Nhất Cộng Hoà là có giá trị nhân bản để cùng nhau xây dựng đất nước. Cải tạo của các trại cải tạo cộng sản là một hình thức trả thù không hơn không kém.

Chẳng những thế, người cộng sản đỗi xử với những người cộng sản đã bị tù dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà thuộc thành phần “có vấn đề”, không dùng, cho ngồi chơi xơi nước và canh chừng. Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức Trung ương là người từng tuyên bố: “90% tù chính trị thời Mỹ-Ngụy đều có vấn đề.”

Điều này cũng đúng y trường họp một số tù nhân cộng sản dưới thời Pháp cai trị. Điển hình là trường hợp Trần Văn Giàu bị nghi ngờ là hợp tác với Pháp và cả đời minh oan cũng không xong.

Đó cũng là trường hợp những Phạm Ngọc Ẩn, Mười Hương, thiếu tá Đặng An, Vũ Ngọc Nhạ, v.v..

Trong cuốn Bội phản hay chân chính, có trích dẫn trường hợp thiếu tá Đặng An như sau. Xin trích nguyên văn:

“Đùng một cái, đảng ủy viên thiếu tá Đặng An nhận được quyết định về vườn, nghỉ hưu kèm theo bản án khai trừ Đảng với bản luận tội thời gian Đặng An ở tù Mật vụ. Thật kinh khủng phiên toà nội bộ tàn tệ hơn bất cứ toà án nào: Nó tồi tệ hơn cả phiên xử một ten cướp cạn hay một gái điếm vì tại đây, vì bị can còn được cãi theo luật, còn có luật sự biện hộ.

Đăng An chết trong oan ức, miệng thều thào hỏi: “Sao đã chuyển hồ sơ khiếu nại với Đảng chưa?.. Ông sẽ cho chúng mày chết hết, không chết cũng thân tàn ma dại, không chết bây giờ thì về với Đảng, mày cũng chết, chết khổ chết sở, chết day chết dứt. Xem ai thắng ai? Lời nguyền của mật vụ còn nguyên đó! Tôi muốn nói nhỏ với oan hồn: “Chết là được giải thoát đó Đặng An.”

Vũ Ngọc Nhạ vai chính cuốn “Ông cố vấn” do Hữu Mai biên tập theo tài liệu, Vũ Ngọc Nhạ đã tự tử ba lần mà chưa chết, vì được cứu kịp, cũng bị nghi ngờ…

“Thì ra hồn ma thằng Cẩn đã nhập vào anh em mình. Hồn ma Ngô Đình Cẩn nhập ngay vào những đồng chí cùng tù với Nhạ, cùng ở trong Ban Tổng Kết Cục 2, và hồn ma thằng Cẩn quay “ông cố vấn” không biết đường nào mà trả lời. Ông cố vấn chứng minh bằng thuốc an thần để mong được “ngỏm” cho sớm yên thân.”

(Dư Văn Chất, tức Văn Tiến Mạnh tự Nguyễn Trọng Văn: Bội phản hay chân chính, bản Photocopy, trang 223. Tập photocopy này được phổ biến năm 1992, gồm 233 trang đề ngày 19-8 và 2-9-92 . Người chấp bút là Dư Văn Chất)

Qua những trường hợp vừa nêu trên, chúng ta có thể đi đến kết luận là: Chính người cộng sản sợ người cộng sản. Họ thanh trừng nhau trong nội bộ như trước đây và như hiện nay.

Và cuộc chiến đấu cuối cùng chính là cuộc chiến đấu giữa những người cộng sản với người cộng sản mà thôi! Chúng ta cùng chờ xem màn cuối.

Amen.

(Còn tiếp)

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline minh hoạ.

2 Comments on “Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p3)

  1. DÒNG SÔNG CUỘC ĐỜI

    Cuộc đời như một dòng sông lớn
    Nó chảy từ đâu về đến đâu
    Trong đó nó mang bao rác rưởi
    Bao nhiêu tức tưởi của con người

    Rác rưởi cùng trôi quyện chặt vào
    Con người bởi vậy cũng lao chao
    Lau hau đều tạo bao cay đắng
    Chao đảo nhân văn chỉ một màu

    Dòng này thuở Pháp mới vào đây
    Thiên chúa cũng vào với Thực dân
    Nhân bản cũng theo cùng tuyến đó
    Dễ đâu phân biệt sóng xuôi đò

    Sau cả trăm năm cũng thấm dần
    Hòa chung dòng nước đã muôn phần
    Bất ngờ sóng mới thêm đợt nữa
    Từ hướng Liên Xô lại bén sang

    Thế chiến đầu tiên rồi cũng tàn
    Thế chiến thứ hai lại bước sang
    Phát xít dấy lên và quân phiệt
    Âu Á đạn bom phải rộn ràng

    Từ đó Việt Nam thành cái xoáy
    Giữa dòng lịch sử thật thương thay
    Bao nhiêu quá khứ đều về tụ
    Trong nỗi niềm đây thật đắng cay

    Nó thành cơn lốc của từng ngày
    Ngày cũng như đêm quá quá tay
    Cái rốn bão ngay dòng lịch sử
    Cái xoáy dòng sông quả chưa tày

    Vấn đề thực tế vẫn con người
    Sự kiện hòa chung chỉ thế thôi
    Miền Bắc Miền Nam cùng tranh đoạt
    Ngán ngẫm nào hơn cái chuyện đời

    Bởi Bắc ông Hồ, Nam ông Diệm
    Bên ngoài có Mỹ đối cùng Nga
    Lại thêm bên cạnh là Trung Quốc
    Thế giới kình nhau rõ đậm đà

    Khiến trong nội bộ cũng hằng hà
    Miền Trung ông Cẩn cùng la đà
    Phân hóa lòng người thành dễ sợ
    Cả phường trí thức thảy ranh ma

    Kẻ nào chủ ấy chỉ ta bà
    Cố lợi phần mình đâu thiết tha
    Công chính trở nên điều phí phạm
    Ngay như báo chí cũng gian tà

    Dẫn đến điệp viên thảy mịt mùng
    Chui lòn leo lách thật tận cùng
    Từa tựa khác chi hề sân khấu
    Làm cho chính trị hóa lung tung

    Nên toàn thế sự chỉ tùng xòe
    Mạnh ai nấy nói chẳng ai nghe
    Đúng ra phần lớn đều gạt gẩm
    Đều khiến dân lành ngẩn tò te

    Nhảy núi thành ra kiểu hội hè
    Hiểu như ngày hội cách tò le
    Bác Hồ hướng tới nào ai lạ
    Kết cục Miền Nam buộc chạy te

    Hỏi thì ai thắng lẫn ai thua
    Hóa thắng hay thua chỉ chuyện đùa
    Dẫu đùa nước mắt và xương máu
    Thật sự toàn dân mới kẻ thua

    Bởi tưởng Mỹ thua Mỹ chạy vùa
    Nhưng Liên Xô đổ cũng càng hài
    Cả như Trung Quốc quay đầu ngược
    Thế sự đều chung kiểu búa xua

    Nên sự hơn thua lẫn mất còn
    Cuối cùng kết lại chỉ chon von
    Mười triệu mạng người tiêu uổng cả
    Thật ra con số lại còn hơn

    Bởi chẳng mạng người mà nhận thức
    Hòa vào ý hệ có đâu còn
    Khiến cho chỉ loạn xà ngầu cả
    Hổn độn tinh thần quả héo hon

    Cả tới giờ đây chẳng hoàng hồn
    Do toàn ý thức thảy mông lung
    Trắng hiểu ra đen phần lớn thế
    Khác nào dân tộc hóa khật khùng

    Thế giới ngày nay quả đổi rồi
    Phần nhiều người Việt hãy còn mê
    Như hoài sống mãi cung trăng ấy
    Thuyết Mác thành ra quá não nề

    Bởi mê hóa sáng khó ngàn lần
    Ai nói gì mình thảy cãi trân
    Não trạng chỉ duy điều ngược lại
    Nên quả khôi hài đến vạn phần

    Đó thật dòng sông giữa cuộc đời
    Của nòi giống Việt thế kỷ rồi
    Từ ngày Pháp mới lêu têu đến
    Nay lại Tàu qua quả mấy hồi

    Giống như đêm ngủ sáng dậy ra
    Ai cũng mơ làm người Việt Nam
    Cái mơ tếu táo tuyên truyền láo
    Giờ biết còn ê những cái mồm

    Nên chi Sự thật ở trên đời
    Tựa cái cây lên tự mầm chồi
    Cắc cớ dị kỳ làm uốn éo
    Ai người trách nhiệm chuyện này ôi

    Dẫu thế ngày nay đã vậy rồi
    Còn chưa muốn tháo để buông ra
    Ngàn năm lịch sử rồi ôn lại
    Mới biết tình đời quả xót xa

    TIẾNG NGÀN
    (01/5/17)

  2. Trò Đời. Trại Lê văn Duyệt sau 1975 là Tư dinh của Võ văn Kiêt, và sau 2000 để phù hợp điều kiên gia nhập WTO với Kinh tế Thị Trường, trại này được CP VN cộng sản HỢP PHÁP HÓA quyền xử dụng cho con gái Võ v Kiệt và thành Câu Lạc Bộ Lan Anh với nguyên trạng Hồ Bơi tắm Hơi của trại LVD. Bây giờ 2017 thì đã Bán lại ….