Yaoundé et Cameroun! Me voilà!

Dương Tâm Chí

Như vậy là thuyền đã cặp bến, sẽ ở lại Hotel khoảng 2 tuần để tìm mướn appartement.

Lúc ở Montréal hãng có nói là đã tìm được vài chỗ cho tui mướn, qua tới nơi coi thử chỗ nào ưng ý thì nhào vô… Họ cũng lo khá chu đáo, trước khi đi tui có hỏi qua bên đó tiền bạc ra sao? (Vì ở Montréal không có nơi nào đổi tiền Phi Châu hết), họ nói chỉ cần bỏ túi chừng vài trăm USD để mua sắm khi đi dọc đường thôi, qua tới họ sẽ lo. Khi vừa tới, trên đường từ phi trường về khách sạn, bác tài có đưa tui một “enveloppe jaune”, cộm cộm nói là của boss đưa, về khách sạn mở ra thấy 500.000 Francs (1 đô la CAD = 450 Francs)… Bởi vậy tui mới có tiền trả cho bữa ăn đầu tiên với bác tài và anh phụ tá.

Khi nghe nói tui đi Phi Châu làm việc thì 80% những câu nhắn nhủ là:

– Qua bển coi chừng nóng xì khói!
– Coi chừng muỗi nó tha mầy đi luôn!

Nay đã tới nơi tới chốn nên xin được đính chánh, là từ ngày tui qua đây đến giờ (tính đến ngày viết bài này tui đã ở đây được hai tháng rưỡi rồi!) thời tiết ở Yaoundé khá dễ chịu chớ không nóng, khoảng từ 20 đến 25 độ, và cũng chưa thấy con muỗi cỏ nào ra dàn chào… Nghe họ nói là hiện giờ đang mùa mưa, đến tháng 11, 12 sẽ nóng hơn và sẽ có muỗi xuất hiện….Tui sẽ ráng chờ muỗi ra chào nó trước vậy!

Xin nói sơ qua chút xíu về miền đất tạm dung này để sau này có ai muốn nối gót tui khỏi bỡ ngỡ…

Yaoundé là thủ đô của Cameroun, nhưng ít dân hơn Douala, theo Google thì Yaoundé có khoảng 2,5 triệu dân và Douala 3 triệu dân… Đại khái Yaoundé cũng như Ottawa và Douala thì xêm xêm như Toronto của Canada. Cameroun có khoảng 25 triệu dân. Những đường lớn thì cũng trải nhựa trơn tru… Nhưng vừa tách khỏi đường lớn là tui sanh nghi ông Nhạc Sĩ Lam Phương liền, chắc hồi đó ổng có ở Yaoundé rồi mới đặt được những câu:

“Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm…”

(Lam Phương, “Kiếp nghèo”, 1954)

Ổ gà Montréal không nhằm nhò gì so với những ổ voi Cameroun hết, lại còn tối hù… Qua đây có hai vật bất ly thân là cái Passeport (Bản chánh, copy hay électronique đều không được công nhận) và đèn pile! Đi ngoài đường thỉnh thoảng có xe cảnh sát đậu bên lề… buồn buồn mấy ổng ngoắc vô hỏi giấy! Còn đèn pile thì để những khi tối trời lấy ra rọi đường đi, tránh phải sa vào hoàn cảnh của con cò, Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…

Khách sạn Mont Fébé. Nguồn: Mapio.net

Giống như Mont-Royal của Montréal, Yaoundé cũng có một ngọn đồi, Mont Fébé là nơi cao nhất của Yaoundé, có dinh Tổng Thống trong khu này (Báo cáo: Tuyệt đối cấm chụp hình) và có Hotel Mont Fébé, khách sạn mắc thứ nhì ở Yaoundé sau Hilton ở Centre-Ville… Qua đây được hai ngày là bác tài chở tui lên Mont Fébé, đứng trên cao nhìn xuống là nhìn thấy hết nguyên thành phố, bác tài chỉ từng khu từng vùng cho tui có khái niệm một tí về nơi tui ở; nhưng tội nghiệp bác, bác nói bao nhiêu tui quên bấy nhiêu… Nói xong bác tài tự nhiên như người Hà Nội đứng tại chỗ tưới cây luôn, thấy tui ngó ngó, bác nói tỉnh bơ:

– Au Canada c’est interdit! Mais ici c’est permis!

Nghe bùi tai tui cũng bắt chước… Mới qua có hai ngày đã mắc bịnh đái đường! Và dài dài càng về sau chứng bịnh này trở thành nan y…

Hình tui chụp ở Mont Fébé… (Không có hình Behind the scene!) Nguồn: DTC
Khu Bastos, Yaoundé. Nguồn: mapio.net

Yaoundé có nhiều khu, mỗi khu đều có nét riêng… Nơi tôi ở là khu Bastos, khu này trước đây có hãng thuốc lá Bastos (Các bạn và các niên trưởng của tui đã từng một thời hưởng đệ tam khoái này ở Việt Nam đều biết tên hãng!) Hãng vẫn còn nhưng đã đổi chủ, bây giờ trở thành Hãng thuốc lá L&B. Có khu Briqueterie (Tui đặt khu này là Khu Lò Gạch), khu này phần đông là người đạo Hồi ở phía Bắc xuống, chuyên trị các loại thịt nướng, thiên hạ tới đây mua thịt nướng “to go” vì người đạo Hồi không biết “Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề!” là gì.

Bùng binh Nlongkak. Nguồn: mapio.net
Thịt nướng, bột ớt, bột đậu này chiên ở quartier Nlongkak. Nguồn: Wifred Essomba K.

Ngoài ra còn hai khu tui hay đến cuối tuần rai rai là Quartier Nlongkak và Quartier Nylon, hai khu này giống như khu ngã sáu Nguyễn Tri Phương thời trước, cứ tìm chỗ ngồi kêu la-de, xong bước qua bước lại mấy cái sạp thích ăn gì kêu nấy… Khi nào xong mỗi chỗ mỗi tính tiền riêng… Ai có tánh kỹ lưởng xin miễn nghe! Nhiều khi kêu món thịt nướng họ không để trên dĩa mà chỉ để lên tờ giấy thôi, và vài cây tăm để xỉa… thịt.

Ăn uống tự nhiên, khi nào thấy buồn buồn thì chui vô hẻm hoặc lùm cây giải quyết….

Mục này còn hơi dài sẽ viết tiếp.

[…]

Ngồi ở những quán ăn vỉa hè này, ngoài chuyện ăn uống và ngắm ông đi qua bà đi lại ra còn có thêm một cái thú nữa là được “shopping” tại chỗ…

Xứ này ngồi ăn vỉa hè muốn mua gì cũng có, cứ 1, 2 phút là có người mang hàng tới bán… từ thức ăn như đậu phộng rang, trứng gà luộc, tới đồng hồ, mắt kiếng, nữ trang, áo quần, giày dép… ngay cả những món cồng kềnh cũng được đội vô quán bán…

Lúc mới qua được 2 tuần, tui đã mua một cái bàn để ủi quần áo (không phải cái bàn ủi nghe…! Cái planche à repasser đó).

Trừ áo quần ra, mọi thứ đều được họ đội trên đầu… Ngay cả giày dép… Có lúc tui thấy có đứa nhỏ đội trên đầu một cái lò lửa đi tỉnh bơ… không phải là than hồng mà là lửa cháy phừng phừng như hỏa diệm sơn…

Một anh bán giày lưu động. Nguồn: Blog Camaroun Du ký.

Mấy người bán áo quần thì trùm hết một chùm áo lên lưng mặc dù trời nóng… Ngoài ra còn có mấy người tay cầm kéo nhấp nhấp, tay kia cầm cái khăn nhỏ, tui nghĩ là thợ hớt tóc nhưng chỉ xém trúng… Họ “làm nail”, thấy có người kêu làm là ngồi ngay xuống đất trải khăn ra đặt chân khách lên làm liền… móng khô móng ướt gì không biết, chỉ chừng 5-10 phút là xong… Bác tài nói mỗi lần như vậy tốn 300 Francs (khoảng 0,65 CAD)… Quý vị nào muốn qua đây hành nghề này xin suy nghĩ kỹ lại nghe…

Một số đông người bán hàng rong là con nít, lúc tui mới qua đây thấy con nít đi bán hàng rong nhiều quá có hỏi bác tài là như vậy làm sao có thì giờ đi học, bác tài nói là đang nghỉ hè nên mấy em nhỏ đi bán thêm giúp gia đình, khi tựu trường sẽ đi học… Nhưng bây giờ là tháng 12 rồi mà tình hình vẫn không thay đổi.

Người bán hàng rong. Nguồn: Huang Yanan / Xin Hua

Bên này trong các quán ăn từ quán sang cho đến quán ven đường, họ không chú trọng tới hình thức, từ cách trình bày cho tới cách phục vụ…Thịt thì miếng nào miếng nấy bự chần dần, bên này họ ăn nhiều lắm; đàn ông đàn bà gì cũng xực bạo nên phần ăn thì rất hậu hỉ, gần như không bao giờ tui ăn hết một phần, phải kêu họ cho ít thôi. Có lần đi ăn với bác tài, sau khi xực hết cơm mà còn dư thức ăn bác tài kêu thêm một phần cơm trắng, thấy anh hầu bàn bưng chén cơm ra, tui tưởng là y sẽ để lên bàn ai dè y trút vô dĩa bác tài một cái “ạch!” rồi xách cái chén không đi te te vô bếp, bác tài vẫn ăn uống bình thường như không có chuyện gì xảy ra hết!

Các tiệm ăn bên này đều có thực đơn đàng hoàng nhưng khi khách hỏi họ mới đem ra, thông thường thì khách vừa ngồi xuống là người hầu bàn tới đứng chờ khách gọi món liền… Nhưng đi ăn riết thấy cũng có lý… tiệm nào cũng giống nhau… chỉ quanh đi quẩn lại gà, bò, cá hoặc chiên hoặc nướng hoặc kho ăn chung với cơm hoặc pommes frites (khoai tây chiên), chuối plantain chiên hoặc luộc… Khi kêu la-de thì phải dặn kỹ là glacée nếu quên không dặn trước thì chịu khó uống la-de ấm…

Bàn số 16, qúan La Paillotte . Nguồn: Trip Advisor, haraka85 (Jan 2013)

Không biết có bao nhiêu người “lạ” ở Yaoundé, nhưng quán cơm Tàu ở Yaoundé khá nhiều, ít ra cũng 10 tiệm. Phe Việt Nam ta chỉ có mỗi một tiệm La Paillotte, tiệm này khá sang và trang hoàng đẹp mắt, thỉnh thoảng tui ghé qua ăn và tìm “ông chủ” nói chuyện chơi cho vui. Tui có quen ông chủ lúc ông qua Montréal chơi khoảng năm 1985… Hơn 30 năm sau gặp lại không ai nhìn ra ai…

Người trông tuy vững nhưng bóng đã xiêu…

Kêu là ông tại vì ổng là ông chủ chớ thiệt ra nhỏ tuổi hơn tui!

Khi về Montréal thế nào cũng sẽ có người sẽ hỏi “Yaoundé có gì lạ không anh?” Thôi thì sẵn đây nói luôn. Yaoundé có cái lạ là xe Taxi, nói lạ cũng không đúng, phải nói là quái chiêu mới đúng! Xe Taxi ở đây như xe buýt, có quyền chở tối đa 5 người, muốn đi Taxi cứ đứng trên lề đưa tay ngoắc. Bác tài sẽ hỏi đi đâu? Nếu thuận đường thì mở cửa còn không thì dzọt thẳng! Tui chưa đi Taxi lần nào nhưng thấy thiên hạ đi! Taxi bên này sơn màu vàng, chiếc nào chiếc nấy cũ rích, tất cả đều là Toyota thời “Ông cố nội tui để lại!”

Taxi ở Yaoundé và khách đi cùng. Nguồn: Le360 Afrique

Qua ở Yaoundé xin đừng nghỉ đến chuyện tự lái xe (trừ niên trưởng NDV của tui, người đàn anh Université Laval đã từng dám cầm tay lái ở xứ này), bên này xe cộ chạy tán loạn, leo lề để qua mặt, ép xe khác để quẹo, pare choc xe cách nhau 1 cm… là chuyện cơm bữa. Tất cả các bác tài của hãng tui, người nào cũng y chang, lúc nào cũng vừa cầm tay lái, vừa bóp kèn vừa sẳn sàng chửi tá lả! Chắc xứ này ai lái xe đều như vậy!

Kỳ sau tui tiếp nghe!

[…]

DCVOnline: Đây là bài cuối cùng trên blog “Camaroun Du ký”. Tác giả đã qua đời ngày 9 tháng 7, 2017 tại Yaoundé.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Yaoundé et Cameroun! Me voilà!. Blog Camaroun Du ký. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ bổ túc.