Phỏng vấn tác giả “Saigon Calling”, hoạ sĩ Marcelino Truong

Paul Semel | Trà Mi dịch

“Saigon Calling” thực sự đã chuyển tải ý nghĩa như một tín hiệu SOS của chúng tôi, những người Việt Nam không  Cộng sản, gửi đến thế giới phương Tây. Một thông điệp của những người đang lâm cảnh hiểm nghèo, một lời kêu cứu, mà không được ai nghe đến.

Trong cuốn truyện bằng tranh của ông xuất bản năm 2012, “Such A Lovely Little War: Saigon 1961-63” (bản bìa mềm, và bản số hoá), tác giả và hoạ sĩ Marcelino Truong kể lại chuyện của ông khi còn nhỏ ở Việt Nam trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh. Câu chuyện hấp dẫn đó tiếp tục trong cuốn truyện bằng tranh xuất bản năm 2015, “Saigon Calling: London 1963-1975” (bản bìa mềm, và bản số hoá), hiện đang được phát hành bằng tiếng Anh ở Mỹ

Tác giả “Saigon Calling”, hoạ sĩ Marcellino Trương. Nguồn; Bastien Ortola

Để bắt đầu, gạch nối giữa “Saigon Calling: London 1963-1975” và “Such A Lovely Little War: Saigon 1961-63” là gì về cả hai mặt thời gian và câu chuyện?

“Saigon Calling” tiếp tục câu chuyện của gia đình của tôi ở phần cuối trong cuốn sách đầu tiên, tại London, nơi chúng tôi ở sau khi rời Việt Nam năm 1963.

“Saigon Calling” nói về chiến tranh Việt Nam, đã kéo dài đến năm 1975. Cha tôi là một nhà ngoại giao trẻ tuổi người Việt Nam, mẹ tôi là một bà nội trợ người Pháp, chăm lo cho bốn đứa con, nhưng cuốn sách cũng nói về sự tương phản giữa một Luân Đôn quay cuồng trong những năm 60 và 70, và cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam. Đó là về sự chấn động văn hóa đầy lý thú diễn ra ở Luân Đôn từ năm 1963 trở đi, và chúng tôi chứng kiến từ đầu đến cuối.

Ở nhiều mặt, như tất cả những người sống ở Anh trong thời gian đó, chúng tôi đã sống, và tham gia vào cuộc vui. Nhưng cũng có nguy hiểm trong tất cả những cuộc truy hoan. Đó là sự bùng nổ của kích động nhạc, của thời trang đương đại, văn học bình dân, điện ảnh và kiến ​​trúc … Một nền văn hoá thanh thiếu niên mới ra đời, chủ nghĩa khoái lạc bàng bạc khắp nơi. “Make Love not War” trở thành trật tự mới.

Tuy nhiên, gia đình chúng tôi không hoàn toàn sống trong cuộc sống đó, vì lẩn quẩn sau phông là cuộc chiến tàn khốc ở Việt Nam. Bà con chúng tôi ở Việt Nam là những người đối diện với cuộc chiến ở cả hai bên. Chúng tôi lo cho họ. Chúng tôi lo âu theo dõi tin tức về cái mà sẽ trở thành “cuộc chiến TV” đầu tiên trong lịch sử.

Chúng tôi kinh hoàng trước bạo lực xảy ra trong chiến tranh ở vùng đất xa xôi đó, nhưng vì chúng tôi ở bên của những người không cộng sản – bên mà quá nhiều người gọi là “những con rối Sài Gòn” – dùng thuật ngữ của những ngày chiến tranh đó, thì chúng tôi thường bị coi là bọn tà ác, tay sai, đầy tớ của đế quốc Mỹ.

Vì vậy, chúng tôi đã ở vào một vị trí không thoải mái là những người trẻ Việt Nam sống trong nền dân chủ phương Tây và quý trọng giá trị phương Tây, trong khi nhiều người phương Tây tiến bộ đã say mê với những kẻ thù Maoist của chúng tôi, những người Cộng Sản Việt Nam do một ông già để râu dài tên là bác Hồ (Chí Minh) lãnh đạo.

Những câu chuyện được thuật lại trong cuốn “Saigon Calling” xảy ra sau những sự kiện trong “Such A Lovely Little War,” tôi đoán rằng ông nhớ về giai đoạn đó rõ hơn so với khung thời gian của cuốn sách đầu tiên. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác cuốn “Saigon Calling”?

Vâng, đúng vậy, vì đã sáu tuổi khi đến Anh Quốc năm 1963, những ký ức của tôi về nơi này rõ ràng hơn rất nhiều. Trong phần đầu của cuốn sách, tôi vẫn dựa vào những lá thư của mẹ tôi – những bức thư bà viết cho cha mẹ của bà ở Pháp – để vẽ lại cuộc sống hàng ngày của chúng tôi, trong những năm đầu sau khi chúng tôi đến Anh Quốc. Nhưng trong những năm thời niên thiếu, tôi còn nhớ rõ những ngày đó, và những gì tôi kể về giai đoạn này đều dựa trên ký ức cá nhân. Chị và em gái tôi cũng giúp tôi dựng lại tất cả hình ảnh những ngày xa xưa ấy..

Về cách viết, và những chủ đề ông đã viết, liệu có bất kỳ nhà văn, truyện tranh hay tiểu thuyết nào có ảnh hưởng lớn đến cuốn “Saigon Calling” mà không có ảnh hưởng gì đến “Such A Lovely Little War?” hay không?

Vâng, tôi cho rằng một quyển sách như “The Catcher In the Rye” của Salinger phải có ảnh hưởng vô thức, nhưng tôi đã đọc nó từ rất lâu trước đây, và tôi đã hoàn toàn quên cuốn tiểu thuyết đó.

Truyện tranh? Đáng tiếc, tôi đọc rất ít vì luôn bận đọc về chủ đề yêu thích của tôi, tức là về Việt Nam và lịch sử của nó, bởi vì để nói về một cái gì đó, và nếu định nói bất cứ điều gì độc đáo hoặc thú vị người ta cần phải biết khá nhiều về nó.

Trong khi viết “Saigon Calling”, tôi vẫn nhớ lại tất cả những bài hát nhạc kích động xuất sắc trong những ngày đó. Chiến tranh Việt Nam với những năm 60 và 70 giống như cuộc Nội chiến Tây Ban Nha đối với những thế hệ trước. Người ta đã chọn đứng về một phía, dù hầu hết mọi người chỉ là những tướng lãnh xa lông. Trong suốt chiến tranh Việt Nam, hầu hết các bài hát đều là những bài hát chống chiến tranh. Có lẽ bài hát nổi tiếng nhất là bài hát FISH [“I Feel Like I’m Fixin’ To Die Rag”] của Country Joe và ban nhạc The Fish, một trong các ban nhạc xuất hiện trên album Woodstock nổi tiếng

FISH nghĩa là từ bốn chữ cái mà ai cũng biết, đúng, nhưng FISH cũng là một trong những biệt danh dành cho VC, những người cộng sản Việt Nam. Nó nói về câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Mao: “Dân như nước và quân như cá.”

Câu nói này có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Trong chiến tranh Việt Nam, đối phương của chúng tôi lẩn vào đám đông dân chúng và dùng họ như những lá chắn. Chiến tranh Cách mạng không phải là một buổi tiệc trà thoải mái.

Còn về mặt nghệ thuật, liệu có ai và bất cứ thứ gì có ảnh hưởng đến nghệ thuật trong “Saigon Calling” nhưng không ảnh hưởng đến “Such A Lovely Little War” hay không?

Tôi đã cố gắng hết sức trong khi minh hoạ những cảnh ở London hay ở nướcAnh để gợi lên bầu không khí của cuộc cách mạng văn hoá ngược dòng của những năm 60 và 70. Tuy nhiên, có rất nhiều điều để nói, và mười hai năm để vẽ, từ năm 1963 đến năm 1975, mặt khác trong “Such A Lovely Little War”, tôi chỉ phải nói về hai năm đầy sống động ở Việt Nam.

Một điểm khác biệt là “Saigon Calling” đầy màu sắc cho tất cả các cảnh ở Châu Âu. Phần nói về Việt Nam trong cuốn sách lại có một loại nàu nâu đỏ để phân biệt, giống như những bức ảnh chiến tranh Việt Nam nổi tiếng mà nhiều người trong chúng ta đã nhìn thấy.

© Arsenal Pulp Press

Còn về những ảnh hưởng không không thuộc văn học thì thế nào; liệu có bất kỳ bộ phim hay chương trình truyền hình nào có ảnh hưởng đến nghệ thuật hay cách viết trong cuốn “Saigon Calling” chăng?

Tôi là một người đọc rất nhiều bài sách về Việt Nam và cuộc chiến ở đó. Tôi cũng độc nhiều bài báo trên Internet. Một số do những người bạn có cùng mối quan tâm chuyển đến cho tôi, thường xuyên qua Facebook. Tôi cũng đang háo hức chờ xem bộ phim tài liệu mới mười phần/mười tám giờ của Ken Burns, “Vietnam War”, sẽ được phát hình vào tháng 9 tới trên đài PBS.

Tất nhiên, tôi cũng đã xem hầu hết các bộ phim về Chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Apocalypse Now” của Francis Ford Coppola là cuốn phim mà tôi thích nhất. Vấn đề duy nhất của những cuốn phim đó là họ chỉ đưa ra quan điểm của người Mỹ. Chính quyền Cộng sản Việt Nam cũng có nhiều bộ phim truyện về chiến tranh Việt Nam, nhiều phim có phẩm chất nhưng vẫn sặc mùi tuyên truyền. Dường như ho không cưỡng lại được việc sản xuất tuyên truyền, Ông có thể xem nhiều trong số những phim đó phim trên YouTube

Thiếu sót lớn nhất là không có những cuộn phim nói về những người Việt Nam không cộng sản, thường được coi là những “Con rối Sài Gòn”, bởi vì những người Việt Nam không cộng sản hầu như đều sống ở nước ngoài, ở Mỹ, Canada hay Úc. Nhiều người trong số họ ngần ngại nói về quá khứ. Đây là điều đáng tiếc, bởi vì nếu họ không nói thì ai sẽ nói?

[Tuyệt đại đa số những người Việt Nam không cộng sản ở nước ngoài thuộc thế hệ thứ nhất, ngoài việc ban đầu tay trắng, bận sinh kế, họ không hoạt động trong môi trường điện ảnh; họ có thể viết sách, viết báo tiếng Việt và nội dung phần lớn nếu không là tiếp tục cuộc chiến chống chế độ cộng sản (chỉ bằng ngòi bút hay bàn phím), thì cũng là những hoài niệm, tiếc nuối dĩ vãng, thay vì ghi chép lại bằng tiếng Anh hay Pháp – vì khả năng ngôn ngữ bị giới hạn – theo quan điểm của họ những sự thật ở miền Nam, không chỉ ở Sài Gòn trong những năm 1955-1975. – TM]

Nhiều người, khi mới đến phương Tây, họ đã phải bận rộn xây dựng lại một cuộc sống mới từ đầu; họ nhận làm những công việc thấp kém, cho con đến trường đi học. Họ không còn sức lực sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng thế hệ mới sẽ có đủ kiến thức và sức lực để kể lại câu chuyện của chúng tôi [những người Việt Nam không cộng sản]. Đó là một câu chuyện buồn nhưng đầy mãnh lực mà tất cả dường như đã bị bị lãng quên hoặc bị hiểu một cách quá sai lầm.

Tôi cố gắng, với những phương tiện khiêm tốn của mình, để nói lên tiếng nói của những người Việt Nam không cộng sản, dù sao đi nữa là những người cùng bên với tôi, vì tôi tin rằng mục đích của chúng tôi là chính đáng.

Khi “Saigon Calling” phát hành lần đầu tiên ở Pháp vào năm 2015, nó đã được gọi là “Give Peace A Chance”, đó là lý do tại sao, tôi cho rằng, hình bìa giống như The Abbey Road của The Beatles. Vậy tại sao lại đổi tựa sách cho phiên bản ở Mỹ?

Nhà xuất bản của tôi tại Arsenal Pulp Press ở Vancouver đã cảnh cáo tôi rằng có nguy cơ công ty thu âm của The Beatles sẽ đi kiện vì việc sử dụng tên một bài hát phản chiến nổi tiếng của John Lennon, và là một người có kỷ luật, ngay lập tức tôi đã hiểu yêu cầu của họ.

Tôi cũng thích có một tựa đề mới cho phiên bản tiếng Anh, Người biên tập cuốn sách là người đã đưa ra ý kiến hay về cái tên mới “Saigon Calling” cho cuốn sách. Một ý tưởng tuyệt vời, mà tôi hoan nghên ngay lập tức, vì đã thực sự đã moi hết tim óc để tìm một cái tựa khác. “Saigon Calling” thực sự đã chuyển tải ý nghĩa như một tín hiệu SOS của chúng tôi, những người Việt Nam không Cộng sản, gửi đến thế giới phương Tây. Một thông điệp của những người đang lâm cảnh hiểm nghèo, một lời kêu cứu, mà không được ai nghe đến.

Khi đổi tựa sách thành “Saigon Calling”, ông có có cân nhắc đến việc thay đổi bìa sách sao cho nó trông giống như bìa của albulm “London Calling” của ban nhạc the Clash hay không?

Không, hoàn toàn không. Tôi không hề nghĩ đến việc thay đổi bìa sách. Cái bìa của album của ban nhạc the Clash sẽ không cho tôi cơ hội diễn giải; hình bìa đó cho thấy Joe Strummer đập vỡ guitar điện của mình trên sân khấu giống như Jimi Hendrix đã từng làm, hoặc anh chàng của ban nhạc The Who. Một loại thịnh nộ trẻ con, tôi hiểu được, nhưng đó thực sự không phải là tôi. Có rất nhiều bạo lực trong Chiến tranh ở Việt Nam, ghê gớm và giết người hơn nhiều. Joe Strummer trông giống như một đứa trẻ hư hay đang giân dữ đập vỡ đồ chơi của mình. Nói thật, tôi cũng đã đập đồ chơi của mình rồi.

Tôi thích cái bìa hiện tại cho thấy bốn đứa trẻ họ Trương đi qua phố London vào năm 1972, nền là một vụ nổ bom napalm. Không bao giờ London bị bỏ bom Napalm, nhưng đôi khi có có những vụ đặt mìn của IRA trong những ngày tháng đó.

Có điều gì khác đã thay đổi trong cuốn “Saigon Calling” không? Ý tôi là, nó đã được dịch sang tiếng Anh, nhưng có bất kỳ thay đổi lớn khác đối với văn bản hoặc về tranh vẽ hay không?

Tôi đã phải thay đổi một vài khung hình một chút, thay đổi khung lời nói, hoặc thêm một người nói chuyện trên truyền hình khi tôi cần một cái tivi linh động, để cho đọc giả biết rằng đó là bản tin tức đang đọc trên BBC. Mấy thứ này cần có một chút cẩn thận tìm tòi.

© Arsenal Pulp Press

Khi chúng tôi trò chuyện về “Such A Lovely Little War” (mà bạn có thể đọc ở đây), ông nói rằng ông đã được tiếp xúc nhiều lần để chuyển thể cuốn sánh thành phim hoạt hoạ. Có tiến triển nào về mật này không?

Vâng, một nhà sản xuất trẻ và năng động ở Pháp, Faustine Zanetta-Moretti, đã dến gặp tôi. Cô là người đã lập ra công ty sản xuất Al Di Sopra, và cô ấy muốn làm một bộ phim hoạt hoạ chuển thể cuốn “Such A Lovely Little War”. Nó là một dự án rất tốn kém cần có đến hàng trăm người, và phải mất ít nhất ba năm để hoàn tất được một dự án như vậy. Vì thế, Faustine đã bắt đầu cuộc hành trình dài này, nhưng cô mới đang ở đoạn đầu của công việc to lớn của mình. Người ta phải rất quyết tâm và kiên nhẫn.

Thế còn về “Saigon Calling”? Đã có bất kỳ ai muốn đưa nó vào một bộ phim hoặc chương trình truyền hình chưa?

Không, chưa. Có lẽ là còn quá sớm. Chúng ta hãy đợi xem. Tôi hy vọng những bản tiếng Anh của những cuốn truyện bằng tranh của tôi sẽ thu hút sự chú ý của người đọc ở Bắc Mỹ, vì như ông biết, Chiến tranh Việt Nam là một trang lịch sử của nước Mỹ.

Như chúng ta đã thảo luận, “Saigon Calling” là phần tiếp theo của “Such A Lovely Little War” Như vậy có cuốn sách thứ ba nào đang thành hình, một tác phẩm tiếp theo những năm sau 1975 hay không?

Tôi đã có kế hoạch theo đuổi loạt tự truyện này với một ấn phẩm thứ ba, nhưng nhà xuất bản của tôi và người biên tập Jean-Luc Fromental – không, thưa quý vị, đó không phải là tên một loại pho mát của Pháp – đề nghị tôi cho chính mình và độc giả của tôi nghỉ ngơi và chuyển sang viết tiểu thuyết. Tự truyện có thể không thoải mái cho lắm. Ông đưa đầu ra trước công chúng. Ông tự phơi bầy chính mình. Ông có thể đã nhận thấy điều này trên các mạng xã hội, như Facebook, và các loại như thế. Những phương tiện truyền thông đó giống như các tòa án kangaroo. Đôi khi họ có mùi của tòa án nhân dân, nơi mà công lý nhanh chóng bổ xuống với sự tàn ác khủng khiếp.

Vì vậy, bây giờ tôi viết một tiểu thuyết giả tưởng về việc kết thúc Chiến tranh Đông Dương thuộc Pháp (1945-1954) theo quan điểm của người Cộng sản Việt Nam, đồng thời cúng đưa ra quan điểm của người Việt Nam quốc gia, và dĩ nhiên là có quan điểm của người Pháp. Truyện bắt đầu vào giữa năm 1953, đến cuối chiến tranh, khi những biến cố lớn đã xẩy ra: Cuộc Cách mạng Cải cách ruộng đất (1953-56), và trận Điện Biên Phủ (tháng 11 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954). và tôi hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của độc giả của tôi.

Tôi nhận thấy “Saigon Calling” đã xuất hiện bên Pháp cùng lúc những kẻ khủng bố tấn công Bataclan và những nơi khác xung quanh Paris. Ông có định viết một vài điều về sự kiện đó và nó đã kết nối với những gì ông đã trải qua khi còn nhỏ? Nếu, thực sự, ông thấy có một sự kết nối.

Thật vậy, “Give Peace A Chance”, bản tiếng Pháp của “Saigon Calling” đã phát hành đúng vào ngày Paris bị khủng bố tấncông ở Bataclan và ở đường de Charonne. Tôi sống ngay giữa nơi những cuộc khủng bố đã xảy ra.

Thật là một cú sốc lớn, cả nước Pháp như bị sét đánh. Nhiều người ở Paris biết người biết nạn nhân bị thảm hại. Thật vậy, bạo lực như vậy ngay giữa thị trấn, trong một phần rất thanh lịch của thành phố, nơi thanh thiếu niên tụ tập, nhắc nhở tôi về những vụ tấn công đã đã xảy ra, trên một quy mô lớn hơn rất nhiều, ở Sài Gòn hoặc các thành phố lớn khác của Nam Việt Nam, trong cuộc tấn công vào dịp Tết năm 1968.

Tuy nhiên, tôi không có ý định viết về những vụ tấn công khủng bố ở Paris. Tôi đã thực hiện ít nhất hai hoặc ba minh họa báo chí cho tờ nhật báo Liberation (Giải phóng) – tờ báo của cánh tả Pháp, minh hoạ các bài viết về cuộc tấn công ở Paris; nhưng không, tôi không họ có ý định viết về vụ khủng bố ở Paris. Mặc dù bối cảnh hoàn toàn khác biệt và không thể so sánh được, vụ khủng bố ở Paris gây sốc, nhưng hầu như không có nghĩa gì khi so sánh với cuộc tấn công của Việt Cộng vào Tết năm 1968. Thật may mắn, không ai mừng vì những cuộc tấn công ở Paris, có lẽ trừ những người ủng hộ Daesh, nhưng tiếc thay, trong thời chiến tranh Việt Nam, nhiều người tiến bộ cánh tả phương Tây đã hân hoan và mừng chiến thắng của VC. Có rất nhiều bằng chứng bằng hình ảnh và bằng văn bản về điều này. Rất thường thấy ở những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt nam hay đòi hoà bình nhiều người yêu hoà bình đích thực đã vòng tay với những người phe cánh tả dương những biểu ngữ ủng hộ Hà Nội, phất lá cờ của MTDTGPMN (NLF), và áp phích hình Hồ Chí Minh cùng với những hình nộm của Fidel Castro, Che Guevara hoặc Lenin. Cũng có rất nhiều hình ảnh loại như vậy. Nhiều đoạn phim như thế, cũng có thể tìm thấy trên YouTube, cho thấy các cuộc biểu tình phản chiến nổi tiếng ở Công trường Trafalgar vào năm 1969. Những cuộc biểu tình đó cho thấy sự kết hợp kỳ lạ và không thực của những người biểu tình vì hòa bình và những người biểu tình ủng hộ Hà Nội. Vài người trong số họ là những minh tinh màn bạc hoặc người nổi tiếng như Vanessa Redgrave, Tarek Ali, Jane Fonda, hoặc Tom Hayden.

© Arsenal Pulp Press

Sau cùng, nếu ai đó đã đọc “Such A Lovely Little War” và “Saigon Calling”, thì ông sẽ đề nghị họ đọc cái gì tiếp theo?

Vâng, hy vọng họ sẽ cảm thấy muốn đọc tiểu thuyết bằng tranh tiếp theo của tôi. Faction là một sự pha trộn giữa thực tế và hư cấu, Nó phù hợp với loại công việc tôi làm.Tôi đã làm rất nhiều nghiên cứu trước khi viết bất cứ điều gì. Thật ra, cả cuộc đời, tôi đã đi thu thập thông tin về Việt Nam. Việt Nam không phải là tiểu thuyết hư cấu đối với tôi, đó là cuộc sống thực. Toàn bộ cuộc đời của tôi đã được định hình và thay đổi vì chính trị Việt Nam.

Tôi đề nghị những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam tìm đọc các sử gia mới như Christopher Goscha, Keith Taylor, và Ed Miller, nhưng đó chỉ là mới kể tên có một vài người. Hiện có một dòng nước mới – một làn không khí trong lành – thổi qua cách kể chuyện lịch sử Việt Nam. Cuối cùng, dường như chúng ta đang chuyển mình ra khỏi lối kể chuyện đã bị phong trào phản chiến hoặc đám ủng hộ cộng sản hoặc phe chống đế quốc chi phối.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Exclusive Interview: “Saigon Calling”Author/Artist Marcelino Truong. Paul Semel. http://paulsemel.com, October 2, 2017. DCVOnline minh hoạ bổ túc.