Bolsheviks ở Bắc Kinh

Nick Frisch | Trà Mi

Đảng Cộng sản Trung Hoa học được những gì từ Lenin […] Kỷ luật sắt và quyền lực tập trung là yếu tố quyết định cho chiến thắng của cuộc cách mạng.

Một bích chương với chân dung của Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình ở Thượng Hải, Trung Hoa, tháng 9 năm 2017. Nguồn: Aly Song/Reuters

Tuần này, sau nhiều tháng kèn cựa, Chủ tịch nước CHNDTH Tập Cận Bình và các đồng chí của ông sẽ triệu tập Đại hội Đảng Cộng sản Trung Hoa lần thứ 19. Vào cuối đại hội, ông Tập sẽ đi vào một căn phòng rộng trong Đại lễ đường Nhân dân, ở Bắc Kinh, bên cạnh tập đoàn cai trị mới của nước CHNDTH.

Họ Tập và các đồng chí của ông ta đã lãnh đạo bộ máy quản lý nền kinh tế, quân đội, bộ máy tuyên truyền và các cơ quan an ninh của CHNDTH. Nhưng nhân dịp này, họ sẽ xuất hiện trong vai trò quan trọng nhất của họ: như các thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định hàng đầu của Cộng sản Trung Hoa. Nhóm người này sẽ điều hành Trung Hoa cho đến Đại hội Đảng lần thứ hai vào năm 2022.

Đối với các giới lãnh đạo đảng, tuần này đánh dấu thêm một nửa thập kỷ ngồi trên ghế quyền lực. Nhưng nó cũng sẽ có một kỷ niệm khác, mà Bắc Kinh sẽ ghi nhận nhưng không chào đón. Đại hội Đảng lần thứ 19 diễn ra vào đêm trước của một trăm năm Cách mạng Bolshevik của Nga, phong trào dẫn tới việc hình thành Liên bang Xô viết.

Giới lãnh đạo CHNDTH là những học trò chăm chỉ của lịch sử Xô viết, của Bolsheviks và của nhà nước Xô viết mà họ xây dựng đều là một mô hình và một câu chuyện cảnh cáo cho Đảng Cộng sản Trung Hoa. Những kỷ niệm về sự sụp đổ của Liên Xô – chấn thương khi các bức tượng bị lật đổ, những người cán bộ bần cùng, và các kho tài liệu lưu trữ bí mật đã mở ra cho quần chúng xem xét kỹ lưỡng – những người lãnh đạo đảng sắt thép quyết tâm giữ lại quyền lực.

Năm 2009, khi ông Tập là hiệu trưởng của Trường Trung ương Đảng, một vị trí như một bậc thang leo lên đỉnh quyên lực, ông đã ra lệnh nghiên cứu về sự sụp đổ của Liên Xô. Kết luận của nó: sự thất bại của Đảng Cộng sản Xô-viết trong việc thống trị các thể chế đang củng cố quyền lực cho đảng, như quân đội, đã quyết định số phận của nó. Tập Cận Bình đặt câu hỏi rồi tự trả lời cho khán giả trong một buổi họp riêng ba năm sau đó,

“Tại sao chúng ta phải không nao núng khẳng định sự kiểm soát của đảng đối với quân đội? Bởi vì, đây là bài học sụp đổ của Liên Xô đã dậy. Hồng Quân Liên Xô đã trở thành phi chính trị và phi đảng, trở thành một cơ chế quốc gia, và như vậy Đảng Cộng sản Sô viết đã từ bỏ vũ khí của mình. Khi những người muốn cứu Liên Xô bước tới, thì công cụ của chế độ độc tài đã thoát khỏi tầm kiểm soát của họ.”

Cách đánh giá lịch sử Xô viết này giúp giải thích những hành động tích cực của Tập Cận Bình trong việc củng cố quyền lực cá nhân của ông ta và khẳng định sự kiểm soát của đảng Cộng sản trên mọi khía cạnh của cuộc sống của người dân nước CHNDTH. Trong năm năm qua, họ Tập đã tung ra một chiến dịch tấn công tham những để lật đổ giới lãnh đạo quân đội và công an, từng được coi là những người không thể chạm tới và đưa những đợn vị cán bộ đảng “thanh tra kỷ luật” đi bắt giữ và thẩm vấn các cán bộ, không cần đến hệ thống tư pháp và tuyên bố rằng đảng không thể bị ràng buộc bởi “chủ nghĩa hiến pháp” hay “chế độ pháp trị” bắt nguồn từ bộ máy nhà nước, chứ không phải là của đảng. Đảng ủy và các tổ đảng trong các nhà máy, trường đại học, và các công ty đang huênh hoanh khoe khoang quyền lực của họ. Tuần này, đảng Cộng sản sẽ củng cố các đặc quyền này bằng cách thay đổi hiến pháp và thay một Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới. Tập Cận Bình và các đồng chí của ông ta sẽ chủ trì tổ chức Mác-xít Lê-nin-nít và thành công nhất thế giới, và họ quyết tâm bảo đảm cho nó vẫn còn mãi như vậy.

Các đại biểu quân đội rời khỏi Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, tháng 10 năm 2017. Nguồn: Thomas Peter/Reuters

Tháng Mười Đỏ

Đất thì rộng lớn và cơ sở công nghiệp thì nhỏ, đế chế Trung Hoa ngày trước không có vẻ như là vùng đất tốt nuôi mầm cách mạng giai cấp vô sản đô thị mà Karl Marx đã dự báo cho Tây Âu. Chủ nghĩa Marx chính thống coi Trung Hoa là một địa hạt lờ mờ, với chế độ chuyên quyền vô tận, không sẵn sàng làm cách mạng. Trước năm 1917, hầu như không ai ở Trung Hoa biết đến Karl Marx à Vladimir Lenin.

Cách mạng Bolshevik nhanh chóng thu hút sự chú ý của những người Trung Hoa trẻ, cấp tiến. Nhiều người đã vỡ mộng với cuộc Cách mạng Quốc gia năm 1911, đã lật đổ triều đình Trung Hoa với những lời hứa hẹn về một nền dân chủ cộng hòa nhưng chỉ đem lại các sứ quân và chiến tranh cho đất nước. Chủ nghĩa xã hội đã đưa ra một cách khác, nhờ vào cách Lenin trang bị lại chủ nghĩa Marx cho phù hợp với thực tế của các quốc gia phi công nghiệp. Giống như đế chế Trung Hoa, nước Nga thời Nga hoàng phần lớn là nông thôn, bị những bạo chúa ở các triều đại phong kiến cai trị, và bị các cường quốc láng giềng lấn chiếm. Luận điểm của Lenin cho rằng việc thực dân bóc lột tiêu biểu cho tiến bộ ở đỉnh cao nhất của chủ nghĩa tư bản gây tiếng vang với người dân Trung Hoa đang phẫn uất vì những “khu vực nhượng bộ cho nước ngoài” và những hiệp ước bất bình đẳng. Chính phủ Liên Xô cũng đã hứa sẽ trả lại những tài sản thời thuộc địa của Sa hoàng ở Mãn Châu cho Trung Hoa. Những người Trung Hoa trẻ, cấp tiến đã tổ chức các cuộc đi Moscow, và thành lập các nhóm nghiên cứu trên khắp nước, tu tập kinh điển Mác-Lê-nin đã được dịch sang tiếng Trung Hoa.

Chủ nghĩa Lê-nin-nít cho rằng, một đội tiên phong của những người cách mạng chuyên nghiệp có thể uốn nắn lộ trình lịch sử, nắm quyền lực nhà nước để thúc đẩy xã hội vượt qua tiến trình phát triển hướng đến một xã hội cộng sản (đại đồng) không tưởng – một “tương lai sáng lạn” theo lời tuyên truyền của Bolshevik, ở đó nhà nước sẽ tan rã và người lao động sẽ kiểm soát phương tiện sản xuất. Người bônsêvíc tin rằng việc này đòi phải có một cơ quan nắm quyền lực tập trung và sự tuân thủ không sai với kỷ luật của đảng. Là các tác nhân của lịch sử, họ cảm thấy không bị ràng buộc bởi các khái niệm về tính hợp lý, truyền thống, tôn giáo, quy luật và nhân phẩm con người. Các ủy viên nhân dân của Lenin đưa ra các chương trình thô sơ để cổ động cho việc xoá nạn mù chữ, quyền của phụ nữ, điện khí hóa, và sức khoẻ cộng đồng. Họ chiếm đoạt tài sản và khủng bố những người họ gọi là kẻ thù giai cấp. Tin tưởng rằng sự giải phóng toàn cầu của giai cấp vô sản sẽ đến trong một tương lai gần, họ xúi giục cách mạng ở nước ngoài.

Năm 1921, được sự hướng dẫn một cán bộ từ Moscow gởi sang, đảng Cộng sản Trung Hoa đã tổ chức Đại hội thành lập, tại Thượng Hải. Một người khích động quần chúng trẻ tên là Mao Trạch Đông cũng tham dự. Chỉ một vài năm sau, Mao và các đồng chí của y đã thành lập những quận gọi là Su-wei-ai (苏维埃 Hội đồng Xô viết) ở vùng xâu xa của Hoa Lục, những nơi chính phủ quốc gia đã yếu và bất mãn trong quần chúng đang lan tràn. Ban đầu, người dân hầu như không thể phân biệt được Cộng Sản với các giáo phái thời hoàng kim đã nảy sinh vào những thời kỳ rối loạn khác trong lịch sử Trung Hoa. Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông đã len lỏi vào sinh hoạt tôn giáo địa phương để kết nạp những người nông dân vào đảng cộng sản. Kết nạp đảng viên trong nhóm những thợ mỏ than ở vùng nội địa miền núi, các đảng viên cộng sản tại khu An Nguyên (Anyuan) đã rước một bức tượng bán thân của Karl Marx trên một chiếc kiệu bình thường dành cho các vị thần ở đền thờ.

Vào đầu những năm 1930, Mao và các đồng chí của ông đã cổ võ cho một chương trình tái phân phối đất đai do Liên Xô đề ra, quyền của phụ nữ, xoá nạn mù chữ, và dùng bạo lực không thương tiếc đối với kẻ thù giai cấp, bị ngắt quãng vì những cuộc hoà giải [tạm thời] với phe Quốc gia. Cuộc nổi dậy lớn đầu tiên của chủ nghĩa Cộng sản Trung Hoa do Mao dẫn đầu vào năm 1930, được biết đến như là cuộc nổi dậy “Đập tan Tập đoàn chống người Bônsêvíc”. Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng, gồm cả hàng trăm sĩ quan Hồng quân Trung Hoa bị coi là kẻ phản bội. trong một bài viết năm 1927 trong tạp chí Bu-er-sai-wei-ke (布爾塞維克 Bolshevik), một cán bộ cộng sản giải thích rằng kỷ luật sắt và quyền lực tập trung là yếu tố quyết định cho chiến thắng của cuộc cách mạng.

Trong những năm 1930 và 1940, khi quân đội quốc gia và quân xâm lược Nhật đuổi quân Cộng sản chạy quanh nội địa rộng lớn của Hoa Lục, Mao Trạch Đông đã liên tục củng cố quyền lực, khôn ngoan sử dụng các cuộc đình chiến ngắn hạn và chiến thuật du kích. Mao Trạch Đông đã nổi danh thành một nhà chiến lược khôn ngoan và một lý thuyết gia chính trị có sáng tạo. Vào năm 1945, Tư tưởng Mao Trạch Đông – lý thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin đưa vào thực tiễn cuộc Cách mạng Trung Hoa – được tôn vinh là ánh sáng chỉ đường của đảng. Không giống nhiều đồng chí của mình, Mao không bao giờ đi học ở nước ngoài và không có kinh nghiệm trực tiếp về Liên Xô. Ông ta đã loại ra ngoài và thanh toán các đối thủ của mình, những người được đào tạo ở Moscow, đồng thời bổ nhiệm những người đã có khả năng kỹ thuật và chính trị hữu ích. Đảng Cộng sản đã sống sót qua cuộc xâm lược của Nhật Bản và một cuộc nội chiến với phe Quốc gia để trở thành tập đoàn cai trị duy nhất của Hoa Lục năm 1949.

Tung lá cờ nước CHNDTH tại Quảng trường Thiên An Môn, tháng 10 năm 2007.

Nghiêng về một phía

Sau khi học cách mạng từ Lenin, những người cộng sản Trung Hoa đã học xây dựng quốc gia từ Joseph Stalin. Vào những năm 1950, hàng ngàn cố vấn Xô viết đi vào các bộ, trường học và nhà máy của chính phủ Cộng sản Trung Hoa, để lại dấu ấn trên các mặt tiền lớn của Bắc Kinh và cung cấp hàng mẫu cho mọi thứ từ kiểu giầy ống của quân đội đến các cẩm nang của mật vụ để giải quyết những người bất đồng chính kiến. Mao đã tung ra chương trình công nghiệp hóa thô thiển của Stalin, tước đoạt một số lượng lớn ngũ cốc từ nông dân dựa trên những con số sản xuất không có thật và xử tử những kẻ đầu cơ như kẻ thù giai cấp. Như một tiếng vọng lố bịch của Holodomor, người chết vì nạn đói ở Liên Xô vào thời kỳ 1932–1933 của Stalin ở vùng nay là Ukraine, kế hoạch Đại nhảy vọt đã gây ra nạn đói chết chóc thê thảm nhất trong lịch sử.

Năm 1949, Mao tuyên bố, Trung Hoa sẽ “nghiêng về một phía”, dựa vào anh em Liên Xô, như người “anh lớn” như nhiều người Trung Hoa đã gọi Liên bang Xô viết như vậy. Tuy nhiên, Mao đã phải chịu trầy da dưới sự che chở của Liên Xô, và tuần trăng mật đã sứt mẻ trong vòng mười năm. Cuộc hạ bệ thần tượng Stalin và sự sùng bái nhân của Nikita Khrushchev năm 1956 đã gây sốc cho Mao Trạch Đông và mối quan hệ Liên Xô-Trung Hoa thêm tan tác vì những bất đồng về việc chia sẻ bí mật hạt nhân và hoả tiễn với các nhà khoa học Trung Hoa. Giới lãnh đạo Liên Xô đã bác bỏ Mao, coi ông at như người có tâm lý bất thường; Mao cáo buộc Moscow đã từ bỏ chủ nghĩa Mác-xít thật sự và đã chạy theo chủ nghĩa xét lại. Những đụng độ dọc theo biên giới Trung Hoavới Siberia vào cuối những năm 1960 suýt leo thang thành chiến tranh.

Nhóm bí mật nằm trên đỉnh chính trị Trung Hoa đến nay vẫn còn màu sắc Lê nin nít.

Mặc dù Cộng sản Trung Hoa của Mao Trạch Đông đã vay mượn rất nhiều, nhưng nó không bao giờ là vệ tinh của Liên Xô, khác nhau từ phong cách đến nội dung của mẫu mã Moscow. Cuộc thanh trừng đẫm máu mang chữ ký của Mao Trạch Đông, Cuộc Cách mạng Văn hoá, là một cuộc bạo động hỗn loạn, một thế giới khác biệt hẳn so với cuộc Đại thanh trừng, một kịch bản tỉ mỉ và những màn xét xử trình diễn của Stalin vào những năm 1930.

Tuy nhiên, bất chấp sự khác biệt của họ, Lenin, Stalin, và Mao Trạhh Đông cả ba đều kết thúc cuộc đời của họ bằng quyền lực, dẫm lên xác người để leo lên cùng chỗ: bị nhốt trong quan tài pha lê ở những quảng trường ở trung tâm của thủ đô của đất nước, bao quanh là những các quần đảo ngục tù của các trại lao công và dưới sự canh phòng cẩn mật của đám công an. Cả ba người đã thống nhất quê hương nứt nẻ của họ và tuyên bố là họ đã giải phóng những người bị áp bức, với một giá quá cao phải trả bằng hàng triệu mạng sống con người.

Tương lai sáng lạn

Sau cái chết của những người lãnh đạo có sức lôi cuốn, các cuộc cách mạng của Trung Hoa và Xô viết đi theo những con đường khác nhau. Liên bang Xô viết, công nghiệp hóa hơn Trung Hoa, trôi nổi theo biển dự trữ ngoại hối nhờ xuất khẩu năng lượng cho đến khi nên kinh tế trở thành xơ cứng và hậu quả của những cải cách trong những năm 1980 đã dân đến sự sụp đổ của nó. Đảng Cộng sản Trung Hoa, hệ thống phân cấp và ý thức hệ bị chấn động của Cách mạng Văn hoá phá vỡ, có nhiều chỗ để tự đổi mới. Theo sáng kiến ​​của Đặng Tiểu Bình xây dựng “chủ nghĩa xã hội có đặc tính Trung Hoa”, giới lãnh đạo cộng sản Trung Hoa đã chém chặt chủ nghĩa Mác xít gần như không ai còn nhận ra được.

Tuy nhiên, những người tiên phong bí mật đang ngồi trên đỉnh chính trị của Cộng sản Trung Hoa ngày nay vẫn là người Leninist, cũng như đảng, bộ máy công an và các cơ quan tuyên truyền thực thi nguyện vọng của họ. Mặc dù các thành viên mới nhất của Ban Thường vụ Bộ chính trị có khuynh hướng điều chỉnh lãi suất hoặc điều chỉnh nhập mức khẩu đậu nành hơn là yêu cầu thủ tiêu địa chủ, ý thức về vận mệnh của đảng, về một quyền tuyệt đối để ra tay và thay đổi lịch sử của Trung Hoa, vẫn còn nguyên vẹn. Việc bác bỏ nền dân chủ tự do của đảng Cộng sản Trung Hoa không chỉ vì chủ nghĩa sô vanh Đại Hán mà còn là sự khinh thị của Lenin đối với những gì thuộc về tiểu tư sản chẳng hạn như nền pháp trị, tự do tư tưởng và phẩm giá con người. Trong mắt của đảng, tư tưởng này là một công cụ: như đường sắt hay quân đội, đã được Hán hoá thành công và bây giờ là để phục vụ cho Trung Hoa tốt hơn cả khi nó đã phục vụ cho Liên Xô.

Đối với Tập Cận Bình, một thể chế gia có cha là một cán bộ cao cấp, khẳng định sự kiểm soát của đảng đối với xã hội là điển hình cho sự trở lại tự nhiên về gốc rễ Lê-nin-nít. Trong thập niên vừa qua, ông Tập đã tự phong cho mình làm chủ tịch các uỷ ban của đảng quản lý nhiều hồ sơ quan trọng, như an ninh mạng và cải cách kinh tế, gạt những viên chức của chính phủ, những người thường làm các vai trò đó, qua một bên. Ông ta đã từng đi thăm các phòng thu hình và truyền hình, thẳng thừng nhắc nhở các cơ quan truyền thông rằng “họ của quý vị là Đảng” và lòng trung thành của họ [với đảng] phải tuyệt đối. Bộ công an đã tung ra những cuộc đàn áp khắc nghiệt nhất đối với xã hội dân sự trong cả một thế hệ, đầy đủ với những lời thú nhận trên truyền hình và những lời tố cáo mùi mẫn của những kẻ đã từng chống phá trên tờ Nhật báo Nhân Dân. Trong tuần tới, Tập Cận Bình sẽ giúp lựa chọn thế hệ tiếp theo của tầng lớp lãnh đạo đảng và có thể tự viết “tư tưởng” của mình vào nội lệ đảng, như Mao đã làm vào năm 1945. Sự lựa chọn của ông có thể cho thấy ông có dự định nắm giữ quyền lực vượt quá mười năm cho các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Hoa.

Đối diện với Đại lễ đường Nhân dân, trên quảng trường Thiên An Môn, là Viện Bảo tàng Quốc gia Trung Hoa. “Con đường trẻ trung hóa”, cuộc triển lãm thường niên chính thức tại đó, là nơi Tập Cận Bình xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng sau khi tham dự đại hội lần cuối, vào năm 2012 và là nơi mà ông đã công bố khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa” của mình. Cuộc triển lãm nói về lịch sử của Trung Hoa bắt đầu bằng sự vĩ đại ngày xưa, chuyển qua giai đoạn suy xụp và sự nhục nhã thời bị thực dân cai trị, và sau đó leo lên một cách vững chắc, theo một vòng cung mà bất kỳ người Bolshevik nào cũng sẽ nhận ra. Nhưng điểm đến đã thay đổi: thay vì một thiên đường đại đồng vô sản vô biên, “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình hứa hẹn khôi phục lại một nền văn minh hùng mạnh và vinh quang chính đáng dưới sự cai trị của đảng. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và kỷ luật sắt là một sự lựa chọn hấp dẫn đối so với nền dân chủ đại diện cho những người độc đoán đầy tham vọng trên toàn thế giới, từ Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) đến Philippines. Trong mô hình của Trung Hoa Cộng sản, nhiều người nhìn thấy một tương lai tươi sáng của chính mình.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The Bolsheviks in Beijing. What the Chinese Communist Party Learned From Lenin. By Nick Frisch. Foreign Affairs, October 18, 2017.