Việt Nam, ‘63 và bây giờ

Mieczyslaw Maneli | Trà Mi

Có thể đọc đến hết bài, nhiều người sẽ tự đặt cho mình những câu hỏi bắt đầu bằn chữ “Nếu…” hay “Giả sử…” Tiếc thay, lịch sử không có những chữ “nếu” hay “giả sử”.

Đã gần 55 năm từ ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị thảm sát trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11, 1963. Đến nay chưa hề có một tài liệu chính thức nào của Đệ Nhất Cộng Hòa, hay của chính quyền cộng sản công bố về dự định hiệp thương khi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Chủ tịch Hồ Chí Minh đương là người lãnh đạo hai miền Nam Bắc.

Một nhân vật trung gian chính trong dự tính hiệp thương này là Mieczyslaw Maneli (1922−1994), người đứng đầu phái đoàn Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (ICC) tại Việt Nam trong 5 năm 1954-1955 và 1962-1964. Công tác chính lần thứ hai tại Việt Nam của Minali là để theo dõi quan hệ Trung-Sô cho chính phủ Ba Lan. Năm 1968, Chính phủ bãi chức giáo sư Luật tại Đại học Warsaw của ông trong cuộc thanh lọc “chống chủ nghĩa phục quốc (Do Thái)”. Ông Mieczyslaw Maneli hiện (1975) là giáo sư khoa Khoa học Chính trị tại Queens College thuộc Đại học Thành phố New York.

Năm 1971, Mieczyslaw Maneli dùng 20 trang (Chương 6) trong cuốn War Of The Vanquished  (Harper & Row, 1971) kể lại chi tiết vai trò trung gian của ông giữa Sài Gòn và Hà Nội.

Mieczyslaw Maneli và tác phẩm do Maria de Gorgey dịch sang tiếng Anh. Nguồn: Harper & Row. 1971

Sau đây một bài viết khác của Mieczyslaw Maneli về cùng một chủ đề. Bài viết tựa đề là “Việt Nam 1963 và Bây giờ” đăng trên trang 25 tờ Nữu Ước Thời báo ngày 27 tháng 1, 1975 – chỉ 3 tháng trước ngày miền Nam thất thủ.

Hãy đọc xem Mieczyslaw Maneli viết những gì về một sự kiện lịch sử Việt Nam cận đại mà ông là một nhân chứng.

Có thể đọc đến hết bài, nhiều người sẽ tự đặt cho mình những câu hỏi bắt đầu bằng chữ “Nếu…” hay “Giả sử…” Tiếc thay, lịch sử không có những chữ “nếu” hay “giả sử”.—TM.

 

The New York Times, Trang 25, ngày 27 tháng 1, 1975. Nguồn: TNYT.

Đã hai năm trôi qua kể từ khi Hiệp định Paris ký kết và người ta đã công bố “hòa bình”.

Hơn mười năm trước, tôi đã tham gia nhiều cuộc đàm phán ngoại giao ở hậu trường. Hôm nay những cảm xúc xung quanh cuộc xung đột lại một lần nữa bùng lên. Có thể cũng là điều thú vị để xét lại những gì thế giới phương Tây đã có thể đạt được ở Việt Nam và so sánh nó với thực tế mới sau chiến tranh.

Vào mùa xuân năm 1963, tôi được Tổng thống Ngô Đình Diệm và em của ông, ông mật vụ Ngô Đình Nhu, yêu cầu, qua trung gian của ông Roger Lalouette, Đại sứ Pháp tại Sài Gòn, đi nói chuyện với Chính phủ ở Hà Nội nhằm thăm dò những khả năng đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến.

Trong những tháng tiếp theo, tôi đã có nhiều cuộc thảo luận rộng rãi với các quan chức cao cấp nhất của Bắc Việt, gồm cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Câu hỏi căn bản là: Trong trường hợp Mỹ rút quân, Bắc Việt có thể có một bảo đảm thực sự nào để một Việt Nam thống nhất sẽ không đơn giản trở thành một đồng minh khác trong khối Cộng sản?

Để giải quyết vấn đề này, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã ngồi lại cẩn thật đưa ra một số kế hoạch mà tôi đã thảo luận với một nhóm đại sứ phương Tây.

Theo những kế hoạch đó, Bắc và Nam Việt Nam có thể từ từ phát triển quan hệ về bưu chính, kinh tế và văn hóa. Hàng hóa kỹ nghệ miền Bắc sẽ được miền Nam trả lại bằng gạo.

Ngoài ra, miền Bắc sẽ không ép buộc miền Nam phải tiến hành nhanh chóng việc thống nhất đất nước, nhưng thay vào đó họ muốn thấy một chính phủ liên hiệp sẽ được thiết lập ở miền Nam. Tôi hỏi nếu một chính phủ như vậy có thể do ông Diệm đứng đầu hay không. Vào mùa hè năm 1963, câu trả lời sau cùng là CÓ.

Hà Nội đã luôn muốn tìm cách trung lập hóa miền Nam. Đối với miền Bắc, cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đều miễn cưỡng chấp nhận nhãn hiệu “trung lập”, nhưng đã háo hức chấp nhận đề nghị này. Bắc Việt sẽ không trở thành một tiền đồn hung hăng chống lại các nước khác, và cả quân đội Liên Xô lẫn Trung Quốc đều không được phép vào lãnh thổ Việt Nam với bất cứ điều kiện nào.

Tôi đẩy vấn đề xa hơn nữa: Hà Nội lấy gì để bảo đảm với phương Tây là sẽ giữ những lời mà Hà Nội đã hứa? Tôi nhấn mạnh rằng phương Tây sẽ không ham hố hay thích thú với một trò chơi mới gọi là “Ủy hội Quốc tế” đâu. Câu trả lời là trong trường hợp Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, miền Bắc sẽ sẵn sàng cung cấp tất cả các loại bảo đảm đáng kể, kể cả việc Mỹ tham gia vào tiến trình giám sát cũng không bị loại trừ.

Vào thời điểm đó, tôi biết về mối quan hệ căng thẳng giữa Hà Nội với cả Moscow và Bắc Kinh; hơn nữa, các nhà lãnh đạo của Hà Nội muốn bảo tồn và mở rộng biên độ độc lập nhỏ của họ để thoát khỏi sự kiểm soát của những đồng minh mạnh, những người mà họ vừa ghét và sợ.

Họ, Bắc Việt, sẵn sàng chấp nhận một hiệp định đã thương lượng mà kết quả sẽ không tồi tệ hơn đối với phương Tây so với Hiệp định Paris năm 1973; Việt Nam sẽ vẫn chia đôi, nhưng có tự do trao đổi về văn hóa và thương mại giữa hai miền Nam Bắc.

Tình trạng bấp bênh này này sẽ được bảo đảm vì sự tranh giành ảnh hưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc, và sự thù địch của Bắc Việt đối với những quốc gia đó, cùng với tính trung lập của Campuchia, với khuynh hướng chống Cộng triệt để của Thái tử Norodom Sihanouk.

Những bảo đảm khác sẽ là sự phát triển của các khuynh hướng Titoist trong khối các quốc gia Đông Âu, được tăng cường do một chủ nghĩa “Titoism” mới của Việt Nam; hợp tác kinh tế và chính trị mới với các cường quốc phương Tây, và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là sức mạnh kinh tế và chính trị của Mỹ không hề suy xụp vì chiến tranh.

Đến nay, sau mười năm chiến tranh và hai năm “hòa bình”, chúng ta vẫn đối diện với những vấn đề đã có từ năm 1963:

Việt Nam vẫn chia thành ba phần; Hà Nội bị cô lập, được các đồng minh bao trùm quá mức của nó miễn cưỡng ủng hộ; Việt Cộng vẫn tấn công; chế độ ở Sài Gòn không được ưa chuộng, vẫn bị giới Phật tử, trí thức và các đối thủ không Cộng sản khác tấn công. Các tướng lĩnh của Sài Gòn đánh kẻ thù riêng của họ hiệu quả hơn rất nhiều so với cuộc chiến của họ chống lại những người cộng sản.

Ở Campuchia, Chính phủ đã yếu hơn hồi năm 1963; Thái tử Sihanouk, sống lưu vong ở Bắc Kinh, ngược lại khuynh hướng cũ, ông đã bị đẩy sang cánh trái. Tại Lào, vẫn cuộn băng cũ đang được quay lại: những liên minh mới bấp bênh và không có hy vọng gì cho tương lai, trong khi người dân vẫn thờ ơ — miễn là họ không bị cướp hoặc bị đánh bom.

Hegel đã nhận xét rằng tất cả các sự kiện và nhân vật quan trọng trong lịch sử xảy ra hai lần; Marx nói thêm rằng lần xuất hiện đầu tiên là một bi kịch, lần thứ hai là một trò hề; Sir Francis Bacon, trong tình trạng như vậy, chỉ có thể khuyên người không may nên cầu nguyện.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Vietnam, ‘63 and Now. Mieczyslaw Maneli, January 27, 1975, Page 25. The New York Times Archives.

Một phiên bản của bản lưu trữ này đã đăng ngày 27 tháng 1 năm 1975, trên trang 25 của tờ The New York Times, ấn bản tại New York với tiêu đề: Vietnam, ‘63 and Now.