Về hai luồng văn học hiện đại

DCVOnline – Phỏng vấn

DCVOnline phỏng vấn ông Phùng Nguyễn, biên tập viên trang mạng Da Màu về những nhận định khái quát văn chương Việt Nam thời xa lộ thông tin.

DCVOnline | Trong khuôn khổ giới thiệu đến bạn đọc những hoạt động văn học nghệ thuật Việt Nam trong cũng như ngoài nước, kỳ này chúng tôi có một vị khách mời phỏng vấn là anh Phùng Nguyễn.

Phùng Nguyễn tên thật là Nguyễn Đức Phùng, 58 tuổi, công tác trong lĩnh vực IT, hiện là Biên tập viên trang mạng Da Màu. Anh đã từng tham gia vào các trang mạng như Văn, Hợp Lưu, Tiền Vệ…

Với vị trí biên tập viên của một trang mạng chuyên về văn học nghệ thuật, Phùng Nguyễn có những trao đổi khái quát về văn chương Việt Nam thời hiện đại trong và ngoài nước, về vai trò của Internet, của xa lộ thông tin trong quá trình gặp gỡ và phát triển của hai dòng văn học trong – ngoài này, và về trang mạng Da Màu như sau…


Phùng Nguyễn (1950-2015) sống và làm việc trong ngành IT ở Hoa Kỳ. Tác giả của 2 tập truyện ngắn Tháp Ký Ức và Đêm Oakland và Những Truyện Khác. Đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu (damau.org) và tham gia biên tập tạp chí này từ năm 2006.. Nguồn ảnh: http://phannguyenartist.blogspot.com/

DCVOnlineBạn có thể kể lại quá trình hình thành “Da Màu”?

Phùng Nguyễn: Đặng Thơ Thơ, Đỗ Lê Anh Đào và tôi trước đó cùng cộng tác với tạp chí Hợp Lưu. Tôi rời Hợp Lưu trước vài năm, sau đó Đặng Thơ Thơ và Đỗ Lê Anh Đào cũng ra khỏi Hợp Lưu. Chúng tôi muốn tiếp tục chủ đề Màu da và Ngôn ngữ, bản thân tôi cũng có ý định mở một một website văn chương nên tôi đã thiết kế web Da Màu với các chức năng cần thiết để hoạt động như một tạp chí online.

Chúng tôi kêu gọi bạn bè đóng góp công sức, thành lập Ban Biên tập và tạp chí Da Màu chính thức hoạt động từ đầu tháng 8/2006.

DCVOnlineTại sao lại là “Da Màu” mà không là da gì khác nhỉ, thưa bạn?

Phùng Nguyễn: DCVOnline không phải là “người” đầu tiên hỏi câu này. Có rất nhiều văn hữu, độc giả thắc mắc, thậm chí còn chỉ trích là Ban Biên tập Da Màu có tự ti, mặc cảm.

Hãy nghe Đặng Thơ Thơ giải thích điều này với thính giả của đài RFA.

Cái tên Da màu là biểu tượng cho thời đại mới, khi thế giới chúng ta sống không chỉ đơn giản phân chia thành màu trắng hay không trắng nữa, thế giới bây giờ giống như một lễ hội tưng bừng với tất cả tiếng nói, màu da, chủng tộc khác biệt cùng chung sống, có ảnh hưởng qua lại với nhau.

Như vậy, Da Màu hoàn toàn không đến từ tự ti mặc cảm. Hơn nữa, tiêu chí của Da Màu là “văn chương không biên giới” và mục tiêu là “thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, tín ngưỡng, và chính kiến qua các hình thái văn học nghệ thuật”.

Trong một bài viết nhằm kỷ niệm “thôi nôi” của Da Màu (08/2007), tôi có đề cập: “Da màu” đã trở thành một thứ thương hiệu, và những đoán định, những dư luận khen chê chung quanh cái tên của tạp chí này đã không còn tính thời sự nữa. Điều quan trọng là chủ trương và hiệu ứng của những hoạt động của Da Màu.

DCVOnlineĐược biết bạn là “dân” IT đi làm văn chương, có gì trái ngược ở đây không?

Phùng Nguyễn: Thực ra, có khá nhiều “dân” làm việc trong các ngành kỹ thuật, kể cả IT, ở hải ngoại đồng thời hoạt động văn chương (không biết ở Việt Nam thì sao!). Một vài ví dụ điển hình như Trần Vũ, Thương Quán, Trần Hoài Thư cũng là dân IT đó.

Tôi không thấy có điều gì “trái nghịch” ở đây. Tôi cho rằng phần kỹ thuật hoặc kiến thức khoa học mà tác giả sở hữu không có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng viết lách. Trong trường hợp của tôi, ít nhất, những kiến thức kỹ thuật giúp tôi khá nhiều trong hoạt động bảo quản website Da Màu và Cafe Da Màu.

Tóm lại, ai cũng có thể làm văn chương, không nên “loại trừ” dân IT J

DCVOnline“Văn chương không biên giới” của Da Màu đã đón nhận luồng văn học nghệ thuật trong nước ra sao?

Phùng Nguyễn: Đúng như cái tên, Da Màu chủ trương phá bỏ các biên giới đã đề cập ở trên. Cho nên văn học nghệ thuật trong nước hay ngoài nước không hề là lý do cho việc chọn lọc, đón nhận các tác phẩm. Không những vậy, Da Màu còn khuyến khích những đóng góp văn học của các tác giả trong nước, đặc biệt các tác giả không được “đãi ngộ” xứng đáng với tài năng của họ vì nhiều lý do.

Các bạn có thể tìm thấy trên tạp chí và Cafe Da Màu các khuôn mặt văn chương thuộc mọi “luồng”, mọi trường phái trong và ngoài nước.

Da Màu không chấp nhận bất cứ biên giới nào, trừ biên giới cuối cùng giữa văn chương và phi văn chương.

DCVOnlineTheo bạn, đâu là sự khác biệt giữa luồng văn học nghệ thuật Việt Nam hiện tại trong nước và ngoài nước?

Phùng Nguyễn: Câu hỏi này hơi rộng, tôi không thể đi sâu vào nhiều lĩnh vực. Xin đưa ra một vài điểm dị biệt khá “nổi cộm”.

Ở trong nước, cùng với kinh tế thị trường và phát triển của Internet, tác giả trong nước có cơ hội va chạm và học hỏi nhiều hơn ở văn học thế giới. Một số sáng tác mới, đặc biệt của giới trẻ, cho thấy ảnh hưởng “quốc tế” này. Tuy nhiên, một số vấn đề như cơ chế sinh hoạt nặng nề của giới văn học “chính thống”, yếu kém về chất lượng các tác phẩm dịch từ ngoại ngữ, chế độ kiểm duyệt và tự kiểm duyệt của ngành xuất bản đã phần nào làm chậm lại những phát triển tích cực của nỗ lực “làm mới” văn học nội địa.

Tuy vậy, những vấn đề nêu trên không nhất thiết phải áp dụng cho một thiểu số không được hoặc từ chối không thuộc về giới “chính thống”. Họ “phát minh” hoặc du nhập một hay nhiều cung cách diễn đạt mới lạ, quay lưng lại một cách quyết liệt với văn chương “truyền thống, nề nếp” và ngay cả không chấp nhận bị kiểm duyệt bằng cách ấn hành tác phẩm của mình mà không xuyên qua quy định của ngành xuất bản trong nước.

Một cách ngắn gọn, có một lằn ranh khá rõ rệt giữa một bên gọi là “chính thống” và những người không ở cùng phía, hoặc “ngoài luồng”.

Tại hải ngoại, có một số lợi thế dành tác giả hải ngoại trong các bộ môn sáng tác, lý luận, và, biên khảo. Không bị kềm hãm bởi chế độ kiểm duyệt, thuận tiện trong các nguồn tư liệu, gần gũi, sâu sát với các khuynh hướng văn học thế giới…

Có thể nhìn thấy một số vận động đổi mới tư duy văn học trong nước bắt nguồn từ những khuynh hướng xuất phát từ hải ngoại …

Văn học hải ngoại có thể đảm nhiệm một số vai trò như điều hợp, phát triển giao lưu văn học Việt Nam và thế giới xuyên qua các website văn chương. Từ đó những chuyển động văn học hiện đại của thế giới được ghi nhận, phổ biến và xuyên qua dịch thuật, văn chương Việt ngữ được giới thiệu đến độc giả quốc tế. Ngoài ra còn giúp phổ biến rộng rãi hơn tác phẩm văn học trong và ngoài nước. Xuyên qua các website văn học, tác phẩm bất kể viết bởi ai, ở đâu đều có thể đuợc thưởng thức.

Các diễn đàn mạng thiết lập ở hải ngoại trở thành nơi những người viết trong nước ở các luồng đối nghịch nhau có cơ hội gặp gỡ nhau qua những điều họ viết xuống. Có thể tìm thấy bằng chứng ở các website Talawas, Tiền Vệ, Da Màu,…

DCVOnlineMột cách cụ thể , theo bạn, luồng văn học hải ngoại đã vận động văn chương trong nước “đổi mới tư duy” theo cách nào?

Phùng Nguyễn: Tôi sẽ không đào sâu vào vấn đề, nhưng một cách cụ thể, có thể đọc qua một số nhận định của chính các nhà văn, nhà thơ trong nước như Nguyễn Viện về ảnh hưởng của văn học, lý luận văn học đến từ hải ngoại:

Trước đây, tôi chỉ được nghe Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn nói chuyện chơi về văn chương trong bàn nhậu, khi Quốc và Tuấn về Việt Nam. Cho đến khi tôi có ý muốn tham gia vào một dự án nghiên cứu cho William Joiner Center thì tôi mới thật sự được biết kỹ hơn về văn chương Việt hải ngoại, qua tìm hiểu sách báo và trên internet, đặc biệt là qua các thông tin của hai anh Phan Nhiên Hạo và Thận Nhiên. Họ đã giúp tôi có một cái nhìn tổng thể về thơ ca hải ngoại của người Việt. Tôi cho rằng thơ ca hải ngoại có sự đóng góp rất lớn cho văn chương Việt Nam, ở cả hai mặt tác động và hình thành.

Ngoài ra, các tạp chí Việt (tiền thân của Tiền Vệ), tạp chí Thơ là những nơi mà một số chuyển động văn học hiện đại được “nhập cảng”.

DCVOnlineĐó là đúc kết những đánh giá của các nhà văn khác, nhưng đối với bạn, trong tư cách một biên tập viên của Da Màu, bạn thấy những điều gì rõ rệt nhất trong sự ảnh hưởng này?

Phùng Nguyễn: Ở cương vị một biên tập viên của Da Màu, tôi cho rằng có một ảnh hưởng tương tác, và trải qua một quá trình.

Da Màu với chủ trương “văn chương không biên giới”, ngay từ đầu đã tránh áp đặt quan điểm mỹ học của cá nhân hoặc nhóm (Ban Biên tập) lên tác giả và độc giả, bất kể họ đến từ bên này hay bên kia Thái Bình Dương.

Đa số thành viên Ban Biên tập Da Màu quen thuộc với quan điểm mỹ học Âu Mỹ, đôi khi cách thẩm định tác phẩm không có nhiều tính “Việt Nam”. Trải qua một thời gian va chạm với tác phẩm gửi ra từ nội địa, cách nhìn cũng có thể thay đổi phần nào.

Trong cùng một lúc, tác giả và độc giả có nhiều cơ hội tiếp xúc với tác phẩm ngoại quốc qua phần dịch thuật cũng có điều kiện để rà xét lại quan điểm mỹ học của mình.

DCVOnline“Tính Việt Nam” trong văn học hiện đại phải được hiểu như thế nào cho đúng đây?

Phùng Nguyễn: Tôi không nghĩ mình có câu trả lời cho câu hỏi này. Tôi nhớ một cách không chính xác là văn chương Việt Nam có nhiều Việt Nam hơn là “thế giới”. Tôi e rằng “tính Việt Nam” trong văn học “hiện đại” là một điều vô cùng trừu tượng để thảo luận.

DCVOnlineVề vấn đề ngôn ngữ trong văn học nghệ thuật, bạn có thấy ngôn ngữ Việt hải ngoại “đóng kín” hơn so với luồng văn học trong nước hay không?

Phùng Nguyễn: Tất nhiên là “ngôn ngữ Việt hải ngoại”, vì điều kiện địa lý và nhân số, không thể phát triển ở cùng một mức độ như trong nước. Điều này có thể trở thành một vấn đề lớn cho giới viết lách hải ngoại nếu không có cái gọi là Internet.

“Ngôn ngữ văn học” không nhất thiết phải có cùng mức độ phát triển như ngôn ngữ sử dụng trong đời sống thường nhật, và ở mức độ “giao lưu” văn học qua các website văn chương như hiện tại (và nhất định sẽ còn phổ biến rộng rãi hơn nữa), tôi không cho rằng sẽ có một khoảng cách đáng kể nào giữa trong và ngoài nước về phương diện này.

Không những thế, tôi còn cho rằng ngôn ngữ văn học sẽ được làm giàu thêm bởi sự đóng góp đồng đều từ cả hai phía, trong và ngoài nước nhờ vào khả năng thông tin nhanh nhạy của hệ thống Internet.

DCVOnlineVăn học Việt Nam hiện đại nói chung đang đứng ở đâu so với văn học các nước Âu Mỹ?

Phùng Nguyễn: Theo tôi, hình như ở một nơi nào đó… sau lưng đám Âu Mỹ này!

DCVOnlineThế khoảng cách có xa lắm không, và làm sao để thu ngắn lại khoảng cách này?

Phùng Nguyễn: Tôi cho rằng khá xa.

Làm sao để thu ngắn lại khoảng cách này? Tôi e rằng mình không ở vị trí “cố vấn” văn chương nên không biết trả lời như thế nào.

Tôi tin rằng tạp chí Da Màu, cùng với các tụ điểm văn học Việt Nam khác, đã và đang có những nỗ lực giúp thu ngắn khoảng cách này với những hoạt động, chương trình cụ thể để “mang thế giới đến với Việt Nam” và “mang Việt Nam đến với thế giới” xuyên qua công việc dịch thuật từ tiếng Việt và sang tiếng Việt.

Liệu những nỗ lực này có giúp thu ngắn khoảng các đề cập ở trên hay không thì tôi không biết chắc, nhưng tôi tin rằng Da Màu đã chọn đúng hướng đi cho mình.

DCVOnlineNhững nhà văn không thuộc giới “chính thống”, số phận của họ ra sao kể từ khi cộng tác với Da Màu?

Phùng Nguyễn: Tôi nghĩ “số phận” của họ không đến nỗi nào, bất kể có cộng tác với Da Màu hay không.

Như đã nói ở một đoạn trên, họ đã bày tỏ được sự “độc lập” không chỉ trong tư duy mà cả trong hành động trong một hoàn cảnh không được thuận lợi cho lắm (trong nước). Việc cộng tác với Da Màu và các website ở hải ngoại là một lựa chọn ý thức của họ, và Da Màu luôn cảm thấy hân hạnh nhận được sự cộng tác quý giá này.

Nói tóm lại, chính họ định đoạt “số phận” của mình, và không chỉ số phận mà cả “tư thế” của họ nữa.

DCVOnlineNhìn vào danh sách Ban Biên tập của Da Màu, không thấy một nhà văn nào trong nước cả, tại sao?

Phùng Nguyễn: Điều này thật ra cũng dễ hiểu. Trước hết, công việc biên tập không nhẹ nhàng, tốn kém nhiều thì giờ, đòi hỏi phải nối mạng thường xuyên. Chỉ riêng điều này cũng có thể là một yêu cầu không phải ai trong nước cũng đáp ứng được.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải có tên trong Ban Biên tập mới có thể đóng góp nhiều cho tạp chí Da Màu. Nếu không có một mạng lưới thân hữu gồm các tác giả trong và ngoài nước, Da Màu đã không có cơ hội thực hiện những chuyên đề văn học, đặc biệt các chuyên đề về văn học Việt Nam vốn đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ của tác giả trong nước.

Ngoài ra, Da Màu đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số chuyên đề mà trách nhiệm biên tập thuộc về một hay nhiều “khách mời”.

DCVOnlineCó những tác giả Việt Nam mà cuộc đời và tác phẩm của họ vẫn còn mang nhiều bí ẩn của lịch sử, Da Màu có kế hoạch vén bức màn bí ẩn này như thế nào?

Phùng Nguyễn: Các bạn có thể tìm đọc chuyên đề về nhà văn Cung Tích Biền, hoặc gần đây nhất, chuyên đề Hoàng Đạo để tìm câu trả lời.

Da Màu với sự cộng tác của thân hữu, tiếp xúc với các tác giả “mà cuộc đời và tác phẩm của họ” (chữ của DCVOnline) vẫn là một ẩn số, để tìm hiểu về họ và nhất là để tạo điều kiện cho họ nói về những điều họ muốn và cần lên tiếng. Da Màu sẽ tiếp tục những chuyên đề theo chiều hướng này.

DCVOnlineBỗng dưng tôi nhớ đến một quan niệm đã được tranh luận sôi nổi một thời, đem ra đây hỏi bạn luôn vậy, đối với quan điểm riêng của bạn, nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật?

Phùng Nguyễn: Tôi không muốn chọn chỉ một trong hai điều trên. Tôi thích có được quyền áp dụng một trong hai điều trên tùy thuộc vào cái bối cảnh trong đó “nghệ thuật”, một bài thơ, một truyện ngắn hay một bản nhạc được sáng tạo. Tại sao phải chọn nếu có thể và có quyền có tất cả?

DCVOnlineWeb Da Màu từ lúc thành lập cho đến nay, có bị đánh phá nhất là về mặt kỹ thuật lần nào chưa?

Phùng Nguyễn: Có vài lần, nhưng không biết nguồn của những vụ “tấn công” theo kiểu “Denial of service” (DoS) này.

DCVOnlineCảm ơn bạn đã dành cho DCVOnline cuộc phỏng vấn này.

© 2008-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Bài đã đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 27/07/2008