Phạm Hữu Trác (1934-2018)

Trần Giao Thủy

Gọi là anh nhưng anh sinh trước tôi gần một thế hệ. Tôi mới được quen biết với anh trên dưới hai mươi năm qua và anh cũng là người chăm sóc sức khỏe cho tôi đến khi anh hưu trí.

Dù chỉ làm việc vài ngày mỗi tuần, cho mãi đến cách đây vài năm anh mới dừng tay. Con cái đã trưởng thành, anh sống một mình bên cạnh bằng hữu, một số là đồng nghiệp, phần khác là những người đã có giao tiếp xã hội hoặc đã cùng anh làm chung một việc nào đó. Quan hệ của anh với tôi  có thể xếp vào loại sau cùng.

Anh là một người của xã hội, của cộng đồng. Phần lớn cuộc đời anh sau 1975 là những đóng góp với tập thể đồng nghiệp trong một hội đoàn chuyên môn của cộng đồng người Việt Nam tị nạn cộng sản tại Montreal. Phần còn lại anh giành cho việc làm báo. Trước đó anh còn biên tập và viết trong quyển “Vàng, máu và nước mắt” một khảo sát về tù cải tạo và vượt biên trong giới y sĩ của Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự do xuất bản năm 2000. Gọi là “làm báo” nhưng báo do anh và một vài người bạn chủ trương thật ra không phải là báo để bán. Đó là lý do của câu trả lời khi được hỏi, “Sao anh chưa nghỉ hưu?”

Gặp, nói chuyện giúp bệnh nhân cho vui, với lại tao có tiền in báo.

Anh bạn của tôi là người đứng đầu nhóm chủ trương tạp chí Truyền Thông – Communications phát hành khắp Bắc Mỹ và châu Âu với mục đích:

“Nhận định, trình bày những vấn đề hiện đại trên mọi lãnh vực văn hóa cũng như xã hội trong trào lưu tiến hoá hoàn cầu. Tạo lập một diễn đàn mới cho người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang sống khắp nơi trên thế giới.”

Anh cũng là người chịu trách nhiệm về tài chính, ấn hành và phát hành tạp chí này.

Là một sĩ quan cao cấp ngành Quân y Việt Nam Cộng hòa trước ngày rời bỏ quê hương, anh có một trí nhớ đáng nể. Anh biết rất nhiều chuyện, nhiều người – từ chuyện lịch sử, kiến thức tổng quát, văn học đến chuyện đời thường. Là một người hào sảng nhưng anh lại có cuộc sống rất bình dị. Một việc khác anh đã làm, ít người biết đến, là trợ giúp những người vận động dân chủ và cả gia đình những tù nhân chính trị ở Việt Nam. Ít người biết chuyện vì anh rất không ồn ào làm những việc như thế từ nhiều năm nay.

Dù rất dễ tính, cả tin nhưng có cái cũng làm anh phải bực mình, “Chả có bao nhiêu người chịu đọc sách!”

Dễ hiểu, vì trên bàn của anh lúc nào cũng ngổn ngang sách báo, đủ mọi thể loại bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và cả những tạp chí chuyên ngành của anh. Cách đây gần 20 năm, trong Lời giới thiệu Chủ đề Truyền Thông số ra mắt vào năm 2001, anh viết,

“Đau đớn và chết chóc vốn là điều sợ hãi của muôn đời, từ đó con người luôn luôn tìm cách trốn đau khổ, kéo dài cuộc sống. Họ chống lại cái chết bằng cách thích ứng với thiên nhiên, đối phó với đồng lọai. Khai thác khả năng của mình và chịu đựng là cách đáp ứng của con người.

Y học bảo trì cuộc sống của con người, nhưng không thể cống hiến sự trường sinh muôn thuở, mà chỉ thăng tiến an sinh con người trong môi trường xã hội và thiên nhiên. Hiểu như thế, tử vong không phải là điều thất bại mà là đoạn cuối của một chặng đường cần được hướng dẫn bằng sự hiểu biết và cảm nhận.

Thế nhưng con người lại tạo ra cái chết qua nhiều ngả: nào là tự tử, xử tử, nào là trợ tử giúp người bệnh sớm chết không đau đớn, euthanasie hay do bạo hành, tai nạn, ngoài ra còn tạo ra cái chết trước khi cái sống hoàn thành, như việc ngừa thai, phá thai.”

Anh trích dẫn hai nhân vật văn học, một người Pháp là Edgar Morin, tác giả cuốn “L’homme et la mort” (1970), và bài thơ tựa đề “Cái chết” (1929) trong tập thơ “Cầu thang uốn khúc và những bài thơ khác” (The Winding Stair and Other Poems, 1933) của nhà thơ người Ái Nhĩ Lan W.B. Yeats (1865-1939), Nobel văn chương 1923, như những chứng từ cho cái chết là chuyện tự ngàn xưa đã đi vào lịch sử và văn học của nhân loại.

“La mort est ce qui identifie l’homme à l’animal et ce qui l’en différencie. Comme tout être vivant, l’homme subit la mort. A la différence de tout être vivant, il nie la mort dans ses croyances en un au-delà.” — Edgar Morin

Cái chết xác định sự khác biệt giữa con người với con vật. Giống như mọi sinh vật, mọi người đều chết. Nhưng không giống như mọi sinh vật khác, con người phủ nhận cái chết với niềm tin rằng có một thế giới khác ở bên kia.

“Death
Nor dread nor hope attend
A dying animal;
A man awaits his end
Dreading and hoping all;
Many times he died,
Many times rose again,
A great man in his pride
Confronting murderous men
Casts derision upon
Supersession of breath;
He knows death to the bone –
Man has created death.”

W.B. Yeats, 1929

“Cái chết

Không có sợ hãi cũng không có hy vọng
Khi con vật chết;
Con người chờ chết trong sự sợ hãi và niềm hy vọng;
Người ta chết nhiều lần,
Sống lại nhiều lần,
Một người đàn ông vĩ đại tự hào
Đối đầu với những kẻ giết người
Nhạo báng
Sự ngừng hơi thở;
Vì đã biết rõ cái chết đến tận xương –
Con người đã tạo ra cái chết.”

Đây không phải là bài thơ nổi tiếng nhất của Yeats nhưng nó là bài ngắn nhất trong những bài thơ hay nhất của ông.

Chỉ với 12 câu, Yeats đã so sánh nhận thức của con người về sự chết với sự thiếu nhận thức của con vật: con vật không sợ chết (vì chúng không có khái niệm chết?) cũng như không hy vọng có sự sống khác sau khi chết như con người; bằng đức tin/tôn giáo, con người tin rằng cái chết không phải là điểm sau cùng.

‘Supersession’ ở câu thứ 10 là một cách Yeats dùng chữ rất sâu sắc. Theo từ điển Oxford nó có nghĩa hiếm là “chấm dứt” hoặc “gián đoạn”; nhưng ý nghĩa thông dụng hơn của ‘supersession’ là ‘thay thế’. ‘Supersession’ là một danh từ bổ túc [bổ ngữ] cho động từ ‘supersede’, nghĩa là thay thế một thứ gì đó. Như vậy Yeats có ý nói rằng khi thở hơi thở cuối cùng trên trái đất này, con người ta chỉ thay thế một sự hiện hữu ở trần gian với một loại hiện hữu ở một nơi khác.

Anh đã cùng ý như Yeats và Morin là con người nhận thức được cái chết của mình, đó chỉ là sự ngừng hơi thở. Cả hai Morin và Yeats cũng đồng ý rằng “cái chết” không phải là điểm sau cùng vì nhận thức tâm linh và hy vọng rằng còn có một thế giới khác ở bên kia.

Dường như anh không đề cập trực tiếp đến ý tưởng về tâm linh của con người như Yeats và Morin – “cái chết” không phải là điểm sau cùng – và chỉ nói rằng “cái chết” không phải là điều thất bại. Cách diễn đạt của anh không trực tiếp phủ nhận “chết là hết” như Yeats và Morin đã phủ nhận nhưng anh cho nó là “đoạn cuối của một chặng đường” nghĩa là còn có một chặng đường khác sau đó. Nếu hiểu như thế thì cả anh và Yeats với Morin đều có suy nghĩ như nhau.

Trong những lần tâm sự gần đây về “cái chết” anh bình thản chứng tỏ rõ rằng cái chết chỉ là sự ngừng hơi thở.

– Tao sẽ hôn mê trước khi chết. Không phức tạp gì cả, đem đi hỏa thiêu và rải tro vào cát bụi. Thế là xong.

Có thể đúng như anh nói; “Thế là xong” cái phần thể chất của con người. Anh không nói gì đến cái thế giới bên kia sau khi đã ra khỏi vòng sinh tử trần gian. Anh nhắc tôi về chuyện hiện tại, về những số Truyền Thông sau cùng.

– Cố nhé, đưa lên mạng những số Truyền Thông cuối do Lê Phụng viết cho mọi người đọc.

Trên tường nhà anh có treo cây thánh giá, nhưng có lẽ anh là một trong nhiều tín đồ không thường vãng lai nhà Chúa. Tuy thế, trong những ngày tháng gần đây, anh đã giới thiệu cho tôi theo giõi những bài giảng trên mạng về đức tin mà anh lắng nghe hàng đêm trước khi đi vào giấc nghỉ.

Đối với những người bạn thường quay quần bên anh, như các anh C, D, T, Y, L, V,… hay như anh T nhất định phải gặp anh khi có dịp từ Sydney sang (vừa gởi tin nhắn “…nghe anh Trác mất mà buồn thiu…”) và chắc chắn với cả người viết, thì hình ảnh và kỷ niệm về một đàn anh, một niên trưởng, một người bạn vong niên quý mến,… vẫn còn đây, ở thế gian này cùng với những di sản tri thức của anh… cho đến ngày gặp lại.

Anh H ở Paris cũng nhờ gởi lời chia buồn hộ anh ấy đến gia đình thân quyến.

Phạm Hữu Trác (1934-2018). Nguồn: DCVOnline (ảnh chụp năm 2006).

Tạm biệt anh.

Montréal, 15 tháng 8, 2018.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa.