“Không thể được” – Malaysia đẩy lùi viễn mộng của Trung Quốc

Hannah Beech | Trần Giao Thủy

Giới lãnh đạo hiện nay của Mã Lai là những người dám nói dám làm và chắc chắn không có những phát biểu ấm ớ như “Đảng có mạnh, đất nước mới phồn vinh”, “Còn Đảng, còn mình”, “Sức Đảng không vững, ấy là nguy cơ cho sự tồn vong của chế độ”, v.v..

Bài báo của Hannah Beech đăng trên tờ The New York Times ngày 20 tháng 8, 2018 cho thấy rõ ràng những chiến thuật của Trung Quốc đang dùng trong chiến lược nhằm đạt đến đỉnh cao quyền lực trên toàn thế giới. Từ những chiến thuật dùng “quyền lực mềm” như thành lập các Viện Khổng Tử trong lãnh vực giáo dục ở các nước phương Tây  trước đây cho đến những việc dùng mỹ từ che đậy các chiến thuật mới, dùng sức mạnh của đồng tiền – trong những dự án gọi là phát triển cơ sở hạ tầng – để làm mờ mắt những chính phủ tham nhũng ở các nước nhược tiểu “có làm mới có ăn”. Điển hình là chiến thuật (chứ không phải là “sáng kiến” như tên gọi) “Một Vành đai, Một con đường”, “Chuỗi ngọc trai” trải dài từ Trung Quốc xuyên châu Á sang Đông và Tây Âu, qua Địa Trung Hải, Hồng Hải, đến châu Phi, vượt Ấn Độ Dương, qua vịnh Bengal, eo biển Malacca, vào Biển Đông trở lại Trung Quốc.

Hannah Beech dùng những dự án phát triển ở thành phố Kuantan là những ví dụ tiêu biểu cho thấy ảnh hưởng tiêu cực khi các nước nhỏ với chính phủ tham những đang “hợp tác” với Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng hoàn toàn với mục đích phục vụ cho tham vọng trở thành bá chủ của Trung Quốc: bắt nợ, chiếm đất, gây giống, trồng người (Hán) ở những nước nhỏ, v.v..

Tuy nhiên, tại Mã Lai, chiến thuật bành trướng trá hình và tiệm tiến của Trung Quốc đã gặp phải sự đề kháng của tầng lớp dân chúng địa phương có ý thức, thêm vào đó là sự lãnh đạo sáng suốt của một chính phủ trong sạch, vì dân, bảo vệ quyền lợi đất nước. Phải có một chính phủ trong sạch mới thanh lọc được những kẻ có quyền lực và tham nhũng như cựu Thủ tướng Najib Razak và đứng lên chống lại kẻ xâm lăng – dù chúng đi vào bằng ngả văn hóa, kinh tế, hay bằng sức mạnh quân sự.

Giới lãnh đạo hiện nay của Mã Lai là những người dám nói dám làm và chắc chắn không có những phát biểu ấm ớ như “Đảng có mạnh, đất nước mới phồn vinh”, “Còn Đảng, còn mình”, “Sức Đảng không vững, ấy là nguy cơ cho sự tồn vong của chế độ”, v.v..

Thế lực và tham vọng bành trướng và thay đổi thế giới ở thế kỷ 21 dường như đang dùng những con lộ xâm lăng có tên mới và mỹ miều như Vành đai, Con đường, Chuỗi ngọc, và cả Đặc khu Kinh tế. – TGT.

Melaka Gateway, một tập hợp các hòn đảo nhân tạo ở Malaysia, là một dự án chung giữa một tập đoàn Malaysia và các công ty Trung Quốc. Nguồn: Lauren DeCicca cho tờ New York Times

Một quốc gia đã từng muốn có đầu tư của Trung Quốc hiện đang lo ngại trở thành con nợ lớn vì những dự án khổng lồ không thực hiện được và cũng không cần thiết – ngoại trừ đối với Trung Quốc.

KUANTAN, Malaysia – Một công ty điện lực Trung Quốc đang đầu tư vào một cảng nước sâu đủ lớn để tiếp nhận một tàu sân bay ở một trục hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, nơi mà đa số khối thương mại châu Á đi qua. Một công ty quốc doanh khác của Trung Quốc đang sửa chữa lại một bến cảng dọc theo vùng đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Gần đó là một mạng lưới đường sắt phần lớn được một ngân hàng của chính phủ Trung Quốc tài trợ, đang được xây dựng để tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc dọc theo một con đường tơ lụa mới. Và một công ty phát triển Trung Quốc đang xây dựng bốn hòn đảo nhân tạo có thể trở thành nơi cư ngụ cho gần ba phần tư triệu người và đang bán nhà ở đây cho công dân Trung Quốc.

Mỗi trong những dự án này đang được xây dựng ở Malaysia, một nước dân chủ ở Đông Nam Á, là trung tâm của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được ảnh hưởng toàn cầu.

Tuy Malaysia đã từng dẫn đầu những nước chạy theo đầu tư của Trung Quốc nay đang là mũi nhọn tiền phong của một hiện tượng mới: đề kháng lại bước tiến của Bắc Kinh khi những quốc gia khác lo sợ trở thành những con nợ lớn vì nhưng dự án không khả thi hoặc không cần thiết – ngoại trừ giá trị chiến lược của chúng đối với Trung Quốc hoặc được dùng để hậu thuẫn cho những nhân vật độc tài thân Trung Quốc.

Hôm thứ Ba, khi kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày ở Bắc Kinh, người lãnh đạo mới [mà cũ] của Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad, cho biết ông đã tạm ngưng hai dự án lớn liên quan đến Trung Quốc, trị giá hơn 22 tỷ đô la, cùng lúc với những cáo buộc chính phủ trước (Najib Razak) đã ký kết những hợp đồng bất lợi với Trung Quốc để giải cứu một quỹ đầu tư nhà nước đầy tham những và tiếp tục nguồn tài trợ để ông ta nắm giữ quyền lực.

Thông điệp của ông Mahathir trong suốt các cuộc họp với giới chức chính phủ, và trong những tuyên bố trước công chúng, rất rõ ràng. Hôm thứ Hai, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh sau cuộc họp với Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc, ông Mahathir nói,

“Chúng tôi không muốn có một tình trạng đi đến một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu…”

Mã Lai và cácác nước lân cận. Nguồn TNYT.

Đã có lúc, có vẻ cẩm nang hành động của Trung Quốc để trục lợi là làm việc tại Malaysia. Họ đã thành công với người tiền nhiệm của ông Mahathir, cựu Thủ tướng Najib Razak, bằng những khoản vay dễ dãi và các dự án thuộc loại bày hàng, và các thỏa thuận bảo đảm có giá trị chiến lược cho tham vọng của Trung Quốc.

Nhưng vào tháng 5, ông Najib đã bị cử tri bãi nhiệm vì quá mệt mỏi với những vụ bê bối, tham nhũng xoay quanh ông Thủ tướng, một số trong những bê bối đó liên quan đến các thỏa thuận đầu tư có tiếng nhất của Trung Quốc tại Malaysia.

Ông Mahathir, đã 93 tuổi, lại được tín nhiệm làm Thủ tướng (lần thứ hai) để cứu đất nước ra khỏi tình trạng nợ nần chồng chất – khoảng 250 tỷ đô la, một phần là nợ với các công ty Trung Quốc.

Từ Sri Lanka và Djibouti đến Myanmar và Montenegro, nhiều nước nhận tiền từ chiến dịch tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường, đã phát giác ra rằng đầu tư của Trung Quốc mang theo những phần ít thơm tho hơn, gồm cả việc đấu thầu kín tạo nên những hợp đồng giá thổi phồng và dòng người công nhân nhập cảng từ Trung Quốc gây thiệt thòi cho giới lao động địa phương.

Người ta ngày càng sợ ngày rằng Trung Quốc đang vung tiền ở nước ngoài để giành được chỗ ở những nơi có giá trị chiến lược nhất trên thế giới, và thậm chí có thể cố tình dụ dỗ các quốc gia nhược tiểu vào bẫy nợ để tăng cường sự thống trị của Trung Quốc khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang mất dần trong thế giới đang phát triển.

Khor Yu Leng, một chuyên viên kinh tế chính trị của Malaysia, đã nghiên cứu về đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á, cho biết:

“Người Trung Quốc hẳn đã nghĩ, ‘Chúng ta có thể mua mọi thứ với giá rẻ ở đây.’ Họ đã có đủ kiên nhẫn để chơi trò chơi lâu dài, chờ cho chính phủ địa phương vung tay quá trán và sau đó đi vào và lấy tất cả vốn cổ phần cho Trung Quốc.”

Trong quyết định tại Bắc Kinh hôm thứ ba, ông Mahathir cho biết ông đã tạm ngưng hợp đồng với Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc để xây đoạn Liên kết Đường sắt phía Đông, được cho là trị giá khoảng 20 tỷ đô la, cùng với một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ đô la với một công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc để xây đường ống dẫn khí đốt. Trước đó ông đã đình chỉ các dự án, khiến một số trong giới phân tích tin rằng ông muốn thương lượng lại một số điều khoản nào đó trong chuyến đi Trung Quốc lần này. Nhưng ông đã thông báo rằng các thỏa thuận đã tạm ngưng ngay từ bây giờ. Ông Mahathir nói,

“Tất cả vấn đề là vay mượn quá nhiều tiền, mà chúng tôi không có khả năng và không thể trả được vì chúng tôi không cần những dự án này ở Malaysia.”

Thủ tướng Mahathir Mohamad đã được cử tri trao nhiệm vụ để đưa Malaysia ra khỏi đống nợ 250 tỷ đô la, một số là nợ với các công ty Trung Quốc. Nguồn: Adam Dean cho The New York Times
Quầy bar trên tầng mái tại Melaka Gateway. Nguồn: Lauren DeCicca cho The New York Times

Một phúc trình của Ngũ giác Đài công bố tuần trước cho biết

“Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường” (BRI) nhằm phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước khác, định hướng lợi ích của họ cho phù hợp với lợi ích của Trung Quốc và ngăn chặn sự đối đầu hoặc chỉ trích về cách Trung Quốc giải quyết những vấn đề nhạy cảm.”

Bản phúc trình cho biết, “Các nước tham gia vào BRI có thể trở nên lệ thuộc kinh tế vào vốn của Trung Quốc, và Trung Quốc có thể tận dụng chúng để làm lợi cho họ.”

Bộ trưởng tài chính mới của Malaysia, Lim Guan Eng, đã nêu trường hợp của Sri Lanka làm ví dụ; Sri Lanka hiện có một cảng nước sâu do một công ty nhà nước Trung Quốc xây cất đã không thu hút được nhiều doanh nghiệp. Quốc đảo Nam Á này trở thành con nợ đã bị buộc phải ký kết với Trung Quốc một hợp đồng thuê hải cảng này và nhiều vùng đất gần đó trong suốt 99 năm; như thế Sri Lanka đã cho Bắc Kinh một tiền đồn gần một trong những đường hàng hải bận rộn nhất của nó. Ông Lim nói,

“Chúng tôi không muốn lâm vào một tình cảnh như Sri Lanka, họ không thể trả nợ và rốt cuộc Trung Quốc đã làm chủ dự án.”

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The New York Times, ông Mahathir đã nói rõ về những gì ông nghĩ về chiến lược của Trung Quốc. Ông nói,

“Họ biết rằng khi họ cho một nước nghèo vay một khoản tiền lớn, cuối cùng họ có thể phải tự thực hiện những dự án đó.”

Ông Mahathir nói thêm, đề cập đến những nhượng bộ mà Trung Quốc chấp nhận sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh á phiện.

“Trung Quốc hiểu rất rõ họ đã phải đối phó với các hiệp ước bất bình đẳng trong quá khứ do các cường quốc phương Tây áp đặt lên Trung Quốc. Vì vậy Trung Quốc nên thông cảm với chúng tôi. Họ biết chúng tôi không thể chịu nổi.”

Vị trí chiến lược

Khu kỹ nghệ Kuantan Malaysia-Trung Quốc. Nguồn: Lauren DeCicca cho tờ The New York Times

Malaysia từ lâu đã được coi như một hòn ngọc của đế quốc, nó có tầm quan trọng địa chính trị dù là một nước tương đối nhỏ về địa lý. Người Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Anh đã đổ xô đến đây, háo hức kiểm soát một điểm tựa liên kết Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc là cường quốc mới nhất muốn chia sẻ sự trù phú của khu vực.

Kuantan, một thành phố Malaysia nép mình trên bờ biển phía nam Trung Hoa, chưa bao giờ là một điểm nóng. Nhưng sau đó Trung Quốc bắt đầu tăng cường lực lượng quân sự vì khát vọng lãnh thổ của họ trên vùng biển ở khu vực, nơi mà 5 chính phủ khác, kể cả Malaysia có những tuyên bố chủ quyền tròng chéo.

Tiền của Trung Quốc bắt đầu đổ vào Kuantan cách đây 5 năm. Tập đoàn Cảng quốc tế Vịnh Bắc bộ Quảng Tây, một công ty nhà nước từ một khu tự trị ít người biết của Trung Quốc, đã giành được hợp đồng được chính phủ Malaysia hỗ trợ xây cất một hải cảng nước sâu và khu công nghiệp. Gần đó là một trạm dừng đã có kế hoạch trên đường sắt East Coast Rail Link mà phần chính được Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Quốc, một tổ chức chính phủ, tài trợ.

Chủ tọa lễ ra mắt chính thức của Khu kỹ nghệ Kuantan Malaysia-Trung Quốc năm 2013, ông Najib đã coi dự án có tầm quan trọng toàn cầu. Ông nói

“Trung Quốc và Malaysia vẫn gắn bó chặt chẽ vào thời điểm mà cán cân thương mại toàn cầu đang nghiêng về phía châu Á. Về hợp tác kinh tế – và ngoại giao – Tôi tự hào nói rằng Malaysia đang trên đường đi trước.”

Dù vậy, người dân ở Kuantan từ lâu đã lo rằng thành phố của họ có thể bị kẹt vào các dự án vô ích.

Fuziah Salleh, một dân biểu của Kuantan trong chính phủ liên hiệp mới của Malaysia cho biết,

“Chúng tôi hoan nghênh đầu tư và phát triển nước ngoài, nhưng chúng tôi đặt câu hỏi về cái giá khổng lồ mà chúng tôi sẽ phải trả. Ai là người hưởng lợi thực sự của tất cả những số vốn này? Người Malaysia hay người Trung Quốc?”

“Tôi e rằng chủ quyền của nước chúng tôi đã bị đem đi bán mất rồi.”

Tuy nhiên, ông Mahathir không ngại phải đối phó với siêu cường hôm nay. Ông đã là Thủ tướng trước đây, từ năm 1981 đến năm 2003, và khi đó ông đã phản đối Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác vì những gì ông cho là một âm mưu ngăn chặn các quốc gia đang phát triển như Malaysia.

Edmund Terence Gomez, một chuyên gia kinh tế chính trị tại Đại học Malaya cho biết ,

“Mahathir nghĩ rằng Trung Quốc là một lực lượng bá chủ có thể kiểm soát các nền kinh tế như Malaysia. Ông ấy luôn lo ngại với những nước lớn. Trước đây là Hoa Kỳ, giờ là Trung Quốc.”

Chính quyền của ông Mahathir mới cầm quyền hơn 100 ngày. Trong thời gian đó, nhà chức trách Malaysia cho biết, họ đã phát giác ra rằng hàng tỷ đô la trong các hợp đồng Trung Quốc được thổi phồng đã được dùng để giải quyết các khoản nợ liên quan đến một quỹ đầu tư của nhà nước Malaysia – trung tâm của những vụ tham nhũng bê bối – dẫn đến sự sụp đổ của ông Najib.

 

Cựu thủ tướng Najib Razak đến tòa án ở Kuala Lumpur hồi tháng trước sau khi ông bị bắt vì tội tham nhũng. Nguồn:Fazry Ismail/EPA, thông qua Shutterstock

 

Công trường xây dựng cảng nước sâu ở Kuantan. Nguồn: Lauren DeCicca cho The New York Times

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc ông Najib và gia đình với bạn bè của ông ăn cắp hàng tỷ đô la từ quỹ đó, 1Malaysia Development Berhad (1MDB). Khi quỹ nợ bắt đầu bán tài sản, hai công ty khổng lồ của Trung Quốc, Tổng Công ty Điện Hạch tâm Trung Quốc và Tổng công ty Cơ khí Đường sắt Trung Quốc, nhập cuộc, tung lời đồn đoán rằng Bắc Kinh rất vui khi giữ cho chính phủ đang kẹt tiền của ông Najib đứng vững.

Ngồi tại bàn Thủ tướng trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc bầu cử, ông Mahathir chỉ vào một tệp giấy tờ trước mặt ông. Đó là một đề nghị của một công ty xây dựng Malaysia mà ông cho biết có bằng chứng cho thấy Liên kết Đường sắt phía Đông có thể đã được một công ty Malaysia xây với ít hơn một nửa số tiền dự chi trong hợp đồng trị giá 13,4 tỷ đô la của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, một công ty quốc doanh với nhiều hoạt động rộng lớn ở nước ngoài.

Đáng chú ý, quá trình đấu thầu cho hợp đồng đường sắt là một cuộc đấu thầu kín.

Tuần trước, ông Lim, Bộ trưởng Tài chính Mã Lai, nói với Quốc hội rằng Malaysia sẽ không thể trang trải chi phí sử dụng đường sắt, đó là chưa nói đến chi phí, mà ông ước tính đến gần 20 tỷ USD thay vì 13,4 tỷ USD.

Cả hai, công ty Trung Quốc lẫn đối tác tại Malaysia cũng không đáp lại lời yêu cầu bình luận.

Ông Mahathir nói về thỏa thuận đường sắt East Coast Rail Link,

“Có vẻ như không phải tất cả số tiền đã được sử dụng để xây dựng tuyến đường sắt. Có thể là tiền đã bị đánh cắp.”

Nhà chức trách Malaysia đang điều tra đang xem liệu có phải một người cộng tác với con trai riêng của vợ ông Najib có thể đã môi giới thỏa thuận đường sắt nhằm giảm bớt khoản nợ mà 1MDB đã tích lũy hoặc để tài trợ cho cuộc vận động tái tranh cử của ông Najib.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ coi nhân vật cộng tác đó, Jho Low, một chuyên viên tài chính đang lưu vong, và là người đã có lệnh phải bắt giữ, cũng là nhân tố chính trong vụ bê bối 1MDB. Vào đêm trước chuyến đi của ông Mahathir tới Trung Quốc, giới chức Bộ Tài chính Malaysia cho biết họ tin rằng ông Low đang trốn ở Trung Quốc.

Chính quyền mới của Malaysia, đã đánh bại một liên minh đã cai trị Mã Lai, dưới hình thức này hay hình thức khác, kể từ khi độc lập năm 1957, cũng đang xét lại thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để xây đường ống dẫn dầu khí ở Malaysia. Khi nhận vai trò bộ trưởng Tài chính, Lim cho biết ông đã phát giác ra rằng chính phủ Malaysia đã giải ngân hơn 2 tỷ đô la cho dự án nói trên.

Tuy nhiên, có một vấn đề không nhỏ. Ông Lim nói, “Theo chỗ chúng tôi biết, zero phần trăm công trình xây dựng đã được thực hiện.”

Xây hải cảng lớn

Melaka Gateway gồm ba đảo nhân tạo và một hòn đảo tự nhiên mở rộng. Nguồn: Lauren DeCicca cho The New York Times

Trong lúc vai trò của tiền Trung Quốc dùng để cứu chính quyền nợ ngập đầu của ông Najib được sự chú ý nhiều nhất, một dự án khổng lồ khác của Trung Quốc đã đặt ra những câu hỏi thậm chí còn hắc búa hơn về những mục tiêu địa chính trị của Bắc Kinh.

Thành phố Malacca của Malaysia từng là một đường vận chuyển các loại gia vị và kho báu chảy từ châu Á đến châu Âu. Eo biển được đặt tên theo thành phố vẫn là hải trình mà phần lớn thương mại trên biển của châu Á – và hầu hết các dòng dầu nhập cảng của Trung Quốc – đi qua.

Tuy nhiên, cảng Malacca đã tắc nghẽn từ nhiều thế kỷ trước và bây giờ là một bãi nước đọng. Thay vào đó, Singapore gần đó, nằm ở cuối phía nam eo biển Malacca, được xếp hạng là trung tâm trung vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới.

Một dự án phát triển trị giá 10 tỷ USD – do PowerChina International, một công ty lớn của Trung Quốc, và hai công ty phát triển cảng Trung Quốc hỗ trợ – được biết là sẽ đưa Malacca trở lại thành một địa điểm đáng kể toàn cầu, như một trạm dừng quan trọng trên đường thương mại hàng hải kéo dài từ Shanghai đến Rotterdam.

Kế hoạch cho dự án này, Melaka Gateway, gồm ba hòn đảo nhân tạo và một hòn đảo tự nhiên với một cửa biển mở rộng, sẽ có một khu kỹ nghệ, bến tàu du lịch, công viên giải trí, bến du thuyền, trung tâm tài chính nước ngoài và khách sạn tự gắn bảy sao.

Và sẽ có một cảng nước sâu mới, với cầu cảng đủ lớn để đón một tàu sân bay. Công ty điều hành đã được hợp đồng thuê bến cảng nước sâu 99 năm, chứ không phải 30 năm, một khoảng thời gian cho thuê thông thường hơn.

Đối tác địa phương tại Melaka Gateway là KAJ Development với công trình có kinh nghiệm xây dựng là sở thú và công viên chim tại đây.

Khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh trước bảng “I Love Melaka” ở Malacca. Nguồn: Lauren DeCicca cho tờ The New York Times

 

Một công nhân quét đường gần lối vào Melaka Gateway. Nguồn: Lauren DeCicca cho tờ The New York Times

Để giải thích tại sao một công ty ít được biết đến như KAJ Development lại có thể làm việc với các công ty Trung Quốc để biến đổi một vị trí chiến lược như vậy, người dân địa phương đã nhận thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa người đứng đầu KAJ Development và bộ máy trong đảng của ông Najib. Công ty này đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Sim Tong Him, cựu dân biểu của Malacca cho biết,

“Chúng tôi có rất nhiều câu hỏi về dự án nhưng không có câu trả lời. KAJ Development đẫ được hợp đồng bằng cách nào? Điều gì có thể xảy ra nếu phía Malaysia không thể trả tiền? Người Trung Quốc rất bí mật về điều này. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất bi quan.”

Thủ hiến mới mới của tiểu bang Malacca đã hứa sẽ có một cuộc điều tra về tính khả thi của toàn bộ dự án, gồm cả việc đất trên một hòn đảo có thể đã được đem bán đi cho một công ty nhà nước Trung Quốc toàn quyền sử dụng như một thái ấp của họ.

Sự cần thiết của Cổng Melaka, ít nhất là đối với người dân địa phương, chưa bao giờ rõ ràng. Rõ ràng hơn, hải cảng Singapore gần đó dường như không thể bị lu mờ. Và Malaysia đã mở rộng các cảng khác, ngay cả khi nhiều hải cảng đang hoạt động dưới công suất. Ông Mahathir nói về dự án Malacca,

“Chúng tôi rất quan tâm vì trước tiên chúng tôi không cần thêm bất kỳ hải cảng nào. Chúng tôi không cần phải lệ thuộc vào người nước ngoài đến đây. Khi họ xây cất, họ dùng lao động nước ngoài, vật liệu nước ngoài. Chúng tôi có được những gì? Không có gì cả.”

Nhưng Bắc Kinh đã tài trợ cho việc xây dựng những hải cảng trên khắp Ấn Độ Dương, một chiến lược được gọi là chuỗi ngọc trai. Các chuyên gia quân sự đã nâng cao khả năng một ngày nào đó các hải cảng này có thể đón tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc.

Liew Chin Tong, thứ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, “Cứ nhìn vào bản đồ thì bạn có thể thấy những nơi Trung Quốc đang xây những hải cảng và bỏ tiền đầu tư, từ Myanmar đến Pakistan đến Sri Lanka, về phía Djibouti. Cái gì quan trọng đối trong viễn cảnh này? Đó là Malaysia nhỏ của chúng tôi, và eo biển Malacca.”

Dưới thời ông Najib, Malaysia đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc và cho phép tàu ngầm tấn công của Trung Quốc tập dợt vào cảng. Ông Mahathir đã thay đổi chính sách. Ông nói,

“Tôi nói công khai rằng chúng tôi không muốn thấy các tàu chiến ở eo biển Malacca hay Biển Đông.”

Thành phố mộng mơ

Một mô hình của Forest City, một dự án bất động sản do Trung Quốc tài trợ tại Johor Bahru, Malaysia. Nguồn: Lauren DeCicca cho The New York Times

Ở thành phố Forest, một đô thị mới xây ở cực nam bán đảo Malaysia, một hướng dẫn viên du lịch nhìn lên một hàng màn hình trưng bày kỹ thuật nhận diện khuôn mặt mới nhất của Trung Quốc, và hết lòng quảng cáo dự án này với giới đầu tư từ một thị trấn có mỏ than ở miền bắc Trung Quốc.

Ông ta nói bằng tiếng Quan Thoại, ‘Thành phố Rừng là một viên ngọc trên Biển Đông.’

Hay hơn hết, ông ấy nói, tất cả mọi thứ trong thành phố được vẽ kiểu nhắm vào khách hàng Trung Quốc, từ cách bố trí trong những căn nhà sang trọng đến các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Quan Thoại.

Dự án địa ốc này – Bốn hòn đảo nhân tạo khoảng tám dặm vuông, hoặc đủ chỗ sống cho khoảng 700.000 người – là sáng kiến của Vườn Quốc gia (Country Garden), một trong những công ty phát triển bất động sản Trung Quốc tư nhân lớn nhất, phối hợp với một tổ chức đầu tư có cổ đông lớn nhất là là một sultan (tiểu vương) địa phương.

Trong khu vực bày hàng, một màn hình điện tử nhấn mạnh “vị trí chiến lược” của Forest City và đặt nó ở trung tâm của bản đồ có những dự án thuộc Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường của Bắc Kinh. Người quảng cáo dự án nói tiếp,

“Chúng tôi đang làm một việc mà sẽ làm thay đổi bản đồ thế giới.”

Nhân viên phòng trưng bày Forest City trình bày hoạt cảnh bằng tiếng Trung Hoa cho con em của những người có thể là khách mua địa ốc ở Forest City. Nguồn: Lauren DeCicca cho tờ The New York Times

 

Hải sư bằng gốm trên bãi biển tại Forest City. Nguồn: Lauren DeCicca cho The New York Times

Hơn bất kỳ dự án nào khác, Forest City đã giúp dân địa phương chống lại đồng tiền của Trung Quốc, và nghi ngờ rằng một công ty phát triển bất động sản tư nhân nào đó đã âm mưu định hình lại sự cân bằng sắc tộc mong manh của Malaysia.

Ông Mahathir nói trong khi vận động tranh cử, và thường xuyên dùng Forest City như một ví dụ tiêu cực về đầu tư của Trung Quốc tại Mã Lai.

“Đây không phải là một dự án đầu tư của Trung Quốc mà là một khu định cư.”

Thành phố Rừng không phải là một đòn chiến lược của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc để đưa tàu chiến đến đậu ở Malaysia. Nó cũng không được xem như một cách để Bắc Kinh tài trợ cho sự lạm dụng của một người lãnh đạo tham nhũng. Hơn thế nữa, nó tiêu biểu cho một điều thậm chí còn đáng báo động với người dân Malaysia – bốn hòn đảo nhân tạo mà người Trung Quốc có thể sống theo ý thích và, và như thế sẽ pha loãng bản sắc dân tộc Malaysia.

Mặc dù phần lớn người Malaysia là người Hồi giáo Mã Lai, nhóm sắc tộc lớn thứ hai của nước này là người gốc Trung Quốc, tiếp theo là dân gốc Ấn Độ. Nhiều người Trung Quốc di cư đến Malaysia trong thời kỳ thuộc địa, và cảm giác rằng họ đã được người Anh ưu đãi vẫn còn lại cho đến ngày nay.

Các chương trình bình đẳng hóa đã đạt được nhiều kết quả trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của ông Mahathir đã bảo đảm cho người Mã Lai và người dân bản địa được đối xử tốt hơn người Malaysia gốc Hoa.

Trong bối cảnh đó, viễn cảnh của một làn sóng di cư mới của Trung Quốc, ngay cả khi chỉ là một số dân nghỉ hè tạm thời, đang gây nhạy cảm về mặt chính trị ở Malaysia.

Nhưng nếu cơn sóng đó không thành hiện thực thì sao? Việc kiểm soát vốn ở Trung Quốc đã khiến dân Trung Quốc khó lấy tiền để mua bất động sản ở nước ngoài hơn, làm cho nhân viên bán hàng nói tiếng Quan Thoại tại Forest City phải lo ngại. Ai sẽ mua tất cả những căn nhà trong chung cư này, nếu không phải là người Trung Quốc vì giá của chúng cao hơn nhiều so với thị trường bất động sản địa phương. Wong Shu Qi, một dân biểu Quốc hội của Đảng Hành động Dân chủ, là một phần của chính ủ liên hiệp nói.

“Tất cả chúng ta đều muốn thành phố Forest thành công, bởi vì chúng ta không thể để nó thất bại và trở thành một thành phố không người.

“Thực tế là mong muốn có được một nhượng bộ của Trung Quốc tại Malaysia là điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng. Thế thì chán thật phải không?”

Dự án cao ốc chung cư đang được xây cất tại Forest City. Nguồn: Lauren DeCicca cho The New York Times

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: ‘We Cannot Afford This’: Malaysia Pushes Back Against China’s Vision. By Hannah Beech | The New York Times | Aug. 20, 2018.
Sharon Tan đã góp đưa tin. Một phiên bản của bài báo này đã đăng trên ấn bản ngày 21 tháng 8 năm 2018, ở trang A1 tờ New York Times với tựa đề: Suy nghĩ lại về những Chi tiên vung vãi của Trung Quốc.