Anwar ‘thất kinh’ với Suu Kyi, chỉ trích Trung Quốc có những trại giam người Hồi giáo

Daniel Ten Kate và Sophie Kamaruddin | DCVOnline

Anwar Ibrahim, người có thể trở thành thủ tướng tương lai của Malaysia, đã lên án người lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi về cách Miến Điện đối xử với sắc dân Rohingya…

Anwar Ibrahim, người có thể trở thành thủ tướng tương lai của Malaysia, đã lên án người lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi về cách Miến Điện đối xử với sắc dân Rohingya và kêu gọi có cuộc đàm phán chính thức về sự Trung Quốc đàn áp người thiểu số theo Hồi giáo. Trong một cuộc phỏng vấn với Sophie Kamaruddin của Bloomberg Television ở Hong Kong, Anwar nói:

“Tôi đã kinh hoàng trước thái độ của Suu Kyi trong những ngày này. Phật tử, người Hồi giáo, Kitô hữu đều ủng hộ bà ấy. Tại sao bà ấy phải tiếp tục làm ngơ trước những tội ác chống lại người thiểu số?”

Một số lượng khổng lồngười tị nạn Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar vào tháng 8 năm ngoái. Nguồn: Sky News.

Liên Hiệp Quốc đã nói rằng cách đối xử với dân Rohingya ở Myanmar, nước đa số là dân Phật giáo, có thể xem như cuộc diệt chủng; Chính phủ của Suu Kyi đã phủ nhận báo cáo này. Cuộc khủng hoảng, đã khiến hơn 700.000 người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar chạy trốn sang Bangladesh tị nạn, thậm chí không được đề cập đến trong chương trình nghị sự của một cuộc họp giới lãnh đạo châu Á tại Nepal hồi tháng trước.

Anwar, người đã có một thỏa thuận sẽ nhận trách nhiệm thay Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong một hoặc hai năm tới, cũng đã lên tiếng về việc Trung Quốc đối xử với những người thiểu số Uighur nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Có nhiều bài tường thuật về những “trại cải tạo” bí mật đã bắt giữ hàng chục nghìn đến “lên tới 1 triệu” người Uighur, theo đánh giá của một ủy ban Liên Hiệp Quốc.

Trong khi chính phủ Malaysia nêu vấn đề người Uighur với Trung Quốc thì nhà chức trách ở Bắc Kinh coi đó là một vấn đề nội bộ, Anwar nói,

“Tin này đã lan truyền và đi vào giới truyền thông dòng chính như là một vấn đề chính trị xã hội, và tôi tin rằng chúng ta nên sử dụng một diễn đàn thích hợp để bắt đầu nhấn mạnh đến những vấn đề này và đạt được sự đồng ý với nhà chức trách Trung Quốc.”

Nhận định của Anwar có thể xem là phê bình mạnh nhất của một nhân vật lãnh đạo chính trị cao cấp ở châu Á, lên án sự bức hại những sắc dân thiểu số Hồi giáo. Riêng đối với Trung Quốc, các chính phủ ở các nước đa số người Hồi giáo từ Saudi Arabia đến Indonesia đều giữ im lặng ngay cả khi có lời kêu gọi ở Mỹ và châu Âu yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay những hành động bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền.

OZAN KOSE / AFP / Getty Images: A người biểu tình, đeo  mặt nạ được sơn lá cờ của Đông Turkestan và một bàn tay mang bịt miệng màu sắc  lá cờ Trung Quốc, tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ người người thiểu sốHồi giáo Uighur ở Tân Cương- TQ, trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 5 tháng 7 năm 2018.

Trung Quốc chính thức phủ nhận những vấn đề ở Tân Cương, một vùng rộng lớn cỡ Alaska giáp với Pakistan và Afghanistan, nơi có khoảng 10 triệu người Uighur. Trong chuyến thăm Kuala Lumpur, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi đã nhắc lại sự hỗ trợ cho chính phủ mới của Malaysia trong khi nói thêm rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác. Tuyên bố đó lặp lại lời cảnh cáo đối với dân biểu Mỹ, những người đã kêu gọi cần phải có hành động trừng phạt đối với giới chức cao cấp của Trung Quốc.

‘Sợ hãi’

Khi được hỏi lý do tại sao các chính phủ Hồi giáo phần lớn im lặng về sự đàn áp người Uighur, Anwar nói, “Họ sợ hãi. Không ai muốn nói gì cả.”

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mahathir đã đưa ra một quan điểm quyết đoán đối với Bắc Kinh, cảnh cáo chống lại “một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân” trong khi hủy bỏ các dự án hàng tỷ đô la được các công ty nhà nước Trung Quốc ủng hộ.

Suu Kyi đã phải đối phó với những lời chỉ trích ngày càng nhiều vì bà không bảo vệ tự do báo chí hay làm nhiều hơn để bảo vệ hàng trăm ngàn người thiểu số Hồi giáo. Chính phủ của bà đã từ chối lời yêu cầu của Liên Hiệp Quốc để mở một cuộc điều tra về vụ diệt chủng, nói rằng nó đã làm suy yếu nỗ lực chính thức nhằm mang lại hòa bình và hòa giải dân tộc. Trong một tuyên bố, Bộ ngoại giao Myanmar cho biết, báo cáo của Liên Hiệp Quốc “sẽ chỉ tạo ra sự chia rẽ và sự ngờ vực hơn nữa ở tiểu bang Rakhine và cả nước.”

Những lời chỉ trích của Anwar về Suu Kyi có vẻ mang tính cá nhân hơn. Cả hai đều là một trong những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất châu Á, bị các chế độ đàn áp liên tục bỏ tù. Anwar mới được thả ra khỏi nhà tù vào tháng 5 sau khi liên minh chính trị của ông chấm dứt sáu mươi năm cai trị của đảng Barisan Nasional do cựu thủ tướng Najib Razak lãnh đạo.

‘Kinh tởm’

Vào năm 2012, vợ của Anwar, đương kim Phó Thủ tướng Wan Azizah Wan Ismail đã gửi cho Suu Kyi một bức thư chúc mừng bà đã thắng trong cuộc bầu cử và yêu cầu bà sử dụng quyền lực của mình để giúp người Rohingya. Wan Azizah viết,

“Tiếng nói của bà có sức mạnh và tôi xin bà nên sử dụng tiếng nói đó để che chở cho những người bị áp bức. Tôi mong chờ sự thành đạt của bà ở Myanmar, như thế số phận của tất cả các công dân của bà, kể cả người dân Rohingya sẽ được cải thiện.”

Hôm thứ Tư tại Hồng Kông, Anwar nói “ghê tởm” có thể thích hợp hơn để mô tả cảm giác của ông đối với bà Suu Kyi. Ông ấy nói bà ta thậm chí còn không sẵn sàng để nói “hãy ngừng việc giết người.” Ông nói thêm,

“Aung San Suu Kyi thực sự là một thất vọng.”

Bloomberg không thể liên lạc ngay lập tức với Zaw Htay, người phát ngôn của chính phủ Suu Kyi, để cps câu trả lời. Văn phòng Thủ tướng Malaysia không thể bình luận ngay lập tức.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Anwar ‘Appalled’ by Suu Kyi, Criticizes China’s Muslim Camps. Daniel Ten Kate and Sophie Kamaruddin được Anisah Shukry, và Kyaw Thu bổ túc | Bloomberg | September 12, 2018.