Ca sĩ Việt Nam này đã cố chống lại sự kiểm duyệt của nhà nước. Bây giờ cô ấy chỉ trình diễn bí mật.

Paul Mooney | DCVOnline

HÀ NỘI — Khán giả ngồi trong thính phòng nhỏ xíu. Ánh đèn sân khấu mở ra từ từ, hiện lên bóng của bốn người đàn ông trên sân khấu đang vỗ ông tre để làm tiếng mưa rơi. Một phụ nữ trẻ mặc áo trắng bước vào ánh đèn và bắt đầu hát.

Cô là Đỗ Nguyễn Mai Khôi, ngôi sao nhạc pop, ứng cử viên chính trị bị loại, người ủng hộ dân chủ — và là người nhận Giải thưởng quốc tế Vaclav Havel năm nay cho nghệ sĩ bất đồng chính kiến, giải dành cho những nghệ sĩ dùng nghệ thuật sáng tạo để đẩy lùi chủ nghĩa độc tài.

Ở Việt Nam, nơi đảng Cộng sản cai trị với bàn tay sắt, Mai Khôi đã sử dụng lời ca để kết hợp các chủ tố đề kháng và phản đối. Điều đó đủ để làm cho cô trở thành kẻ thù của nhà nước trong con mắt của giới lãnh đạo Việt Nam; họ đang kềm chế chặt chẽ sự bất đồng trong nước ngay cả khi nó vượt đến phương Tây và những nước đối tác kinh tế quan trọng khác trong khu vực. Mai Khôi nói,

“Tôi bắt đầu viết về cảm xúc của nghệ sĩ và những người dân phải làm việc dưới hệ thống kiểm duyệt. Mọi người không cảm thấy tự do khi tác phẩm của họ bị kiểm duyệt.”

Ca sĩ trở thành người hoạt động nhân quyền Đỗ Nguyễn Mai Khôi trình diễn tại một buổi hòa nhạc bí mật tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2016. Nguồn: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images.

Mai Khôi bắt đầu chơi tây ban cầm lúc 8 tuổi, học với cha cô, một giáo viên âm nhạc. Đến 12 tuổi, cô theo cha chơi đàn tại các đám cưới để kiếm thêm tiền. Sau đó, cô đã theo học tại một trường âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh trong ba năm nhưng đã bỏ dở.

Mai Khôi nói cô ấy đã chán học chương trình cứng nhắc ở đó.

Điểm dừng chân sau đó của Mai Khôi là những quán bar và câu lạc bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, và cô đã có một số khán giả ái mộ. Nhưng Mai Khôi chỉ trở nên thật nổi tiếng vào năm 2010, khi cô giành giải Album nhạc của năm của Đài truyền hình Việt Nam.

Thay vì đi an toàn bên lề phải, Mai Khôi đã dùng danh tiếng và nhạc của mình để đấu tranh cho quyền của phụ nữ và LGBT và kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

Ngồi trong một quán cà phê nhìn ra Hồ Tây của Hà Nội, Mai Khôi đã thuật lại cách bạn bè bất đồng chính kiến đã khuyến khích cô ra tranh cử dân biểu Quốc hội Việt Nam vào năm 2016. Cô cho cuộc bầu cử là “giả mạo”. Nếu không có sự đỡ lưng của Đảng Cộng sản, các ứng cử viên độc lập không có cơ hội thắng cử. Nhưng cô quyết định thử một lần. Mai Khôi nói,

“Tôi nghĩ có lẽ tôi có thể khuyến khích mọi người chú ý đến cuộc bầu cử. Trước đó không ai quan tâm đến chuyện này. Không ai nói lời nào về cuộc bầu cử.”

Mai Khôi đã bị loại ngay từ đoạn đầu, tên cô không có trên lá phiếu, nhưng nhiều người Việt Nam nói rằng cuộc vận động của cô đã thành công vì nó đưa đến một cuộc tranh luận chưa từng có trên toàn quốc về chính trị ở Việt Nam.


Mai Khoi meets President Obama to talk rights and freedom of artistic expression (2016). WH.GOV

Sự thất bại ở chính trường của Mai Khôi đã dẫn tới lời mời gặp Tổng thống Barack Obama cùng với một nhóm những bất đồng chính kiến và những người hoạt động nổi tiếng khác của Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam của Obama vào tháng 5 năm 2016. Ảnh chụp trong sự kiện này cho thấy Mai Khôi đang mỉm cười. Trong trang phục dân tộc Việt Nam, mặc áo dài đầy màu sắc, ngồi bên trái của Obama. Cô nói rằng cô đã phải trốn trước khi đến cuộc họp để tránh bị bắt giữ.

Cũng trong năm đó, cô bắt đầu viết lời ca với nhiều ý nghĩa chính trị hơn. Ca sĩ 34 tuổi này vừa được mệnh danh là Lady Gaga của Việt Nam — một sự so sánh mà cô ưa thích – và được so với như Pussy Riot, nhóm ca sĩ nhạc punk đồng thời là những người hoạt động ở Nga.

Sau đó, ngày 11 tháng 11 năm 2017, khi đoàn xe của Tổng thống Trump lái dọc những con phố của Hà Nội, Mai Khôi đứng trên vỉa hè cầm một biểu ngữ phản đối. Mai Khôi cho biết cco đã phản đối Trump vì ông là một “kẻ khinh rẻ phụ nữ” và vì ông đã không đưa ra những câu hỏi về các vụ áp bức nhân quyền trong các cuộc gặp gỡ với nhà chức trách Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam bắt đầu quấy rối Mai Khôi và chồng của cô, Benjamin Swanton, người Úc. Các buổi hòa nhạc của cô bị cảnh sát đột kích, và hai vợ chồng cô đã bị đuổi ra khỏi nhà hai lần. Vào tháng Ba, Mai Khôi bị giam giữ tám giờ tại sân bay Hà Nội sau khi từ châu Âu trở về sau một chuyến lưu diễn, và các bản album mới nhất của cô đã bị tịch thu.

Ngày nay, Mai Khôi không thể trình diễn cho công chúng tại Việt Nam. Kết quả là, cô đã phải đi trình diễn ở nước ngoài hoặc tại các địa điểm bí mật ở Việt Nam, chẳng hạn như buổi trình diễn với những nghệ sĩ gõ ống tre.

Đầu tháng 9, Mai Khôi và ban nhạc của cô đã tổ chức các buổi biểu diễn tại Hoa Kỳ do Artists At Risk Connection, một chi nhánh của PEN America hỗ trợ, nâng đỡ cho các nghệ sĩ gặp nguy hiểm trên khắp thế giới. Trong số các hợp đồng trình diễn là một màn hát vào ngày 7/9 tại Dupont Underground ở Washington và một màn trình diễn khác vào ngày 11/9 tại National Sawdust ở Brooklyn. Một buổi trình diễn khác tổ chức tại Alice Tully Hall của Lincoln Center trong Diễn đàn Tự do Oslo, sẽ xẩy ra vào vào thứ Hai này.

Album mới nhất của Mai Khoi, “Bất đồng chính kiến” gồm một danh sách các tựa đề bài hát táo bạo như “Trại cải tạo”, “Bị còng trong Tự do” và “Làm ơn, thưa ngài”. Trong bài hát đó, cô cầu xin với một viên chức Đảng Cộng sản tại một giọng nói ngột ngạt:

“Làm ơn, thưa ngài,

Ông sẽ để cho chúng tôi hát chứ?

Hãy để chúng tôi treo những bức tranh lên để chiêm ngưỡng chúng,

Ông sẽ để cho chúng tôi yêu chứ?”

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Re-education camp (Trại phục hồi nhân phẩm) – Mai Khoi & The Dissidents. Mai Khoi
Published on May 15, 2017.


Nguồn: This Vietnamese singer tried to battle state censorship. Now she only performs there in secret. By Paul Mooney | The Washington Post | September 15, 2018.