Kỳ quan tinh thần trong thời đại hậu toàn trị

Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch

Sau khi tiếng cười kết thúc thì mọi việc lại như cũ. Cái cần nói dối thì cứ nói dối, cần phải mặt dày tim đen thì cứ mặt dày tim đen, cần lợi nhuận về phần mình thì chính là bất chấp thủ đoạn…

Bất bình đẳng kinh tế ảnh hưởng đến tâm lý. Nguồn: shutterstock.com

Đặc trưng lớn nhất trong thời đại hậu toàn trị là một mặt, kẻ cầm quyền vẫn liều mạng cố níu giữ chế độ độc tài trong cơn khủng hoảng về tính chính danh của chế độ, trong khi đó hiệu lực thực thi quyền lực đang ngày một đi xuống; một mặt khác, người dân không còn chấp nhận chế độ độc tài, một xã hội dân sự tự mình lớn mạnh đang dần hình thành, mặc dù vẫn còn chưa đủ sức mạnh để thay đổi chế độ hiện hành, nhưng xã hội đang ngày càng đa nguyên hóa về mặt kinh tế và các giá trị xã hội, đang dùng phương thức nước chảy xuyên qua đá núi để không ngừng gặm nhấm mài mòn thể chế chính trị nhất nguyên hóa cứng nhắc.

Cụ thể trên phương diện tinh thần, một Trung Quốc ở thời đại hậu toàn trị bước vào thời đại “Khuyển nho hóa”, không có tín ngưỡng, lời nói và hành động bất nhất, trái ngược nhau. Người ta (gồm quan chức cấp cao và đảng viên) đều không còn tin tưởng vào giọng điệu mà phía chính quyền đưa ra, dùng sự phục tùng đối với lợi ích để thay thế cho sự trung thành về lý tưởng; ở chốn riêng tư thì chửi rủa, nói xấu, chế giễu những lãnh đạo cấp cao và đường lối “vĩ đại, quang vinh, đúng đắn” của đảng đã trở thành “chuyên án giải trí phục vụ sau bữa cơm” thường ngày trong xã hội. Nhưng ở không gian công cộng, với sự dụ hoặc cũng như đe dọa từ lợi ích cá nhân thiết thân nên vẫn để cho tuyệt đại đa số người dân dùng những từ ngữ được viết trên “Nhân dân nhật báo” để ca tụng công đức; hơn nữa khi những từ ngữ ca tụng này được thoát ra khỏi cổ họng, lại lưu loát thông thuận như những câu nói chửi rủa ở chốn riêng tư, cơ hồ như đã trở thành phản ứng mang tính quán tính của người dân Trung Quốc.

Phân liệt nhân cách của tầng lớp trí thức tinh anh bên trong chế độ

Trên thân mình của những thanh niên trung niên trí thức tinh anh đang có tiền đồ bên trong thể chế, đang thể hiện ra một loại “hiện tượng cán bộ công tác bí mật”; ở những nơi công cộng chốn đông người hay chính quy thì họ sẽ kiên quyết không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để leo cao chui sâu cho sự nghiệp của mình; nhưng ở những chốn riêng tư như trong bữa ăn thì lại dùng một loạt những từ ngữ khác hẳn. Bọn họ sẽ nói:

“Tuy rằng tôi thân là quan chức trong thể chế, anh ở bên ngoài, kỳ thực trong nội tâm chúng ta lại có cách nghĩ giống nhau, chỉ bất quá là phương thức thể hiện khác nhau mà thôi, anh ở bên ngoài hô hào kêu gọi, tôi ở bên trong phân giải hệ thống…”

Bọn họ sẽ nói cho bạn một số thứ gọi là tin tức nội bộ và phân tích về tình hình chính trị trước mắt, giới thiệu cho bạn một số đặc điểm của từng nhân vật thuộc tầng lớp lãnh đạo tối cao, xem xem ai có hy vọng trở thành một Tưởng Kinh Quốc của Trung Quốc Đại Lục nhất; thậm chí họ có thể nói ra những lời mà bạn có thể phải xuýt xoa kinh ngạc về sách lược diễn biến hòa bình, v.v.. Họ cho rằng, động lực lớn nhất thúc đẩy diễn biến hòa bình thành công, đến từ phe cải cách tiến bộ đến từ bên trong thể chế “thân trong doanh quân Tào nhưng tâm trí hướng về Hán” như bọn họ, hơn nữa chức quan càng lớn, thì sự ngụy trang càng giống, tiềm lực chính trị càng lớn, trong tương lai xác suất nội ứng ngoại hợp cùng nhau tấn công tan rã thể chế càng cao. Ngôn từ mà họ đạt được sự nhất trí cao đó là bên trong thể chế có rất rất nhiều người có ý tưởng tốt, việc mà những người này thực hiện thì luôn luôn có giá trị cao hơn rất nhiều so với những lực lượng thuộc phe đối lập bên ngoài thể chế đã làm để thúc đẩy cải cách chính trị. Mỗi lần nói chuyện với những người này, đều có cảm giác rằng bọn họ mỗi người đều có hoài bão to lớn như Gorbachev, nhẫn nhục chịu đựng, gánh vác trách nhiệm to lớn và có trí tuệ chính trị để làm điều đó. Có thể là hồi nhỏ xem những tác phẩm điện ảnh cách mạng quá nhiều, trúng độc quá nặng, bởi vậy tôi thường tưởng tượng họ là những cán bộ cách mạng nằm vùng đầy trí tuệ và bản lĩnh được tung vào hậu phương quân địch.

Hiện tượng này không chỉ giới hạn là những quan chức chính phủ, mà trong giới báo chí truyền thông, giáo dục, văn hóa, giới làm kinh tế cũng đều như thế. Sau sự kiện Lục Tứ 1989, bọn họ bước ra biển lớn làm kinh tế; những người quen nào trở nên giàu có, đều sẽ cách một khoảng thời gian lại mời bạn đến chơi và chiêu đã một bữa cơm thịnh soạn; mỗi một lần ăn cơm thì đều sẽ lại bàn tán náo nhiệt về mọi việc lớn nhỏ trong thiên hạ hơn nữa lại rất thẳng thắn phát ra lời nói: Bước ra biển lớn đi làm kinh tế kiếm tiền quyết không phải là làm giàu cho bản thân, mà để dành sau này dùng để làm việc lớn. Họ đưa ra một loạt những ý nghĩa xã hội của hành động bước ra đời làm kinh tế:

  1. Trực tiếp tham gia quá trình thị trường hóa và tư nhân hóa, cung cấp chỗ dựa cơ bản nhất về chế độ kinh tế cho quá trình dân chủ hóa chính trị trong tương lai.
  2. Cung cấp trợ giúp kinh tế cho những người bạn khó khăn gặp nạn, tích lũy và cung cấp tài nguyên kinh tế cho phe đối lập để họ có cơ hội quay trở lại chính trường trong tương lai. Có một câu nói mà họ thích nói nhất là: Làm cách mạng không có tiền thì không được, vì thành công trong tương lai; vậy thì ngay từ bây giờ càng cần phải kiếm thật nhiều tiền, đánh xuống căn cơ vững chắc về kinh tế.
  3. Càng quan trọng hơn là, bọn họ cho rằng những người có tiền khi làm cách mạng, thì sẽ khẳng định là cuộc cách mạng ít phải trả giá nhất, bởi vì thương trường đã dạy cho họ biết cách tính toán kỹ càng chi phí và lợi ích thu được, tuyệt đối sẽ không làm ra loại cách mạng có chi phí giá thành đắt đỏ mà lợi ích thu được quá nhỏ bé. Xác suất sự tham gia chính trị của những người có tiền, cổ động cách mạng bạo lực là nhỏ nhất, khả năng thúc đẩy cải cách và diễn biến hòa bình là lớn nhất.

Bởi vậy, đối với “Thuyết ba đại diện” và “Chủ nghĩa tam dân mới” thì họ vừa không có cái nhìn tốt cũng không thù ghét nó. Lý do là những lý luận này đều tốt hơn so với cách mạng kiểu Mao Trạch Đông; chúng cũng tốt hơn so với bốn nguyên tắc cơ bản của Đặng Tiểu Bình; thậm chí còn có người cho rằng chúng là bước đầu tiên thể hiện chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cất bước đầu tiên trong quá trình chuyển biến từ thái độ thù địch đối với nhân tính chuyển sang nhân tính hóa; nó giống như việc dùng văn hóa đại chúng mềm dẻo vô hại để bao bọc và đánh bóng cho mớ lý luận chính thống của chính quyền, dù sao cũng tốt hơn so với việc dùng mỗi khẩu hiệu hô hào như bóng kiếm ánh đao.

Sự thẩm thấu ăn mòn tầng lớp thanh niên trên quy mô lớn

Điều đáng buồn nhất là, lối sống khuyển nho hóa như thế này đang phổ biến ăn mòn tầng lớp thanh niên hiện đại.

Cuộc thanh trừng trên quy mô lớn sau phong trào dân chủ 4 tháng 6 năm 1989 đã làm nhiều người bị khai trừ khỏi đảng; cũng có càng nhiều người chủ động ra khỏi đảng; số người muốn gia nhập đảng không ngừng giảm theo từng năm. Tuy nhiên, trải qua hơn 10 năm cưỡng ép quên đi quá khứ và tích cực mua chuộc bằng lợi ích, con số thanh niên yêu cầu gia nhập đảng ngày càng tăng qua các năm. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vì để cho tầng lớp thanh niên thấy được sức hút của mình đối với tầng lớp thanh niên, vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc 1 tháng 7 mấy năm gần đây, những hoạt động tuyên truyền tạo khí thế của chính quyền nhấn mạnh số lượng thanh niên tích cực yêu cầu gia nhập đảng đang tăng cao theo các năm, đặc biệt là nhấn mạnh số lượng người gia nhập đảng từ sinh viên các trường đại học tăng nhanh. Trích dẫn từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết, Trong số toàn bộ sinh viên đang theo học tại các trường đại học, tỷ lệ sinh viên có yêu cầu gia nhập đảng cao tới 60%. Tài liệu này vừa vặn lại phù hợp với kết quả điều tra khác mà truyền thông công bố: Tỉ lệ thanh niên có tình cảm tích cực đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cao tới 65%. Còn về lý do để gia nhập đảng và yêu mến, bảo vệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì những tài liệu trên cũng cho thấy trọng điểm đã chuyển từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa thực tế. Họ vừa không nhắc tới tôn chỉ của Chủ nghĩa cộng sản, cũng không nhắc đến những lý tưởng cao xa của Chủ nghĩa cộng sản, càng đừng mong nhìn thấy tinh thần đấu tranh của đảng; ngược lại họ đi vòng một quãng rất xa, lại nhấn mạnh nói tới thành tích vĩ đại phong phú mà đảng đã làm, từ câu nói “Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu đứng dậy từ đây” của Mao Trạch Đông cho đến “Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu giàu có” của Đặng Tiểu Bình, cuối cùng hạ cánh ở “Thuyết ba đại diện” và “Chủ nghĩa tam dân mới”. Cách tuyên truyền như vậy, mục đích là để nói cho người dân biết Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi bắt đầu cải cách mở cửa tới nay, tạo nên thành tích cầm quyền hết sức chói mắt với sức mạnh quốc gia được tăng cường, sức ảnh hưởng của quốc gia được nâng lên và đời sống người dân giàu có no đủ. Bởi vậy nó càng ngày càng có sức hấp dẫn đối với tầng lớp thanh niên học sinh sinh viên.

Người xem có thể hoài nghi những con số mà phía chính quyền công bố, nhưng chỉ cần có sự hiểu biết đối với tầng lớp thanh niên trí thức hiện tại, thì cũng không còn bao nhiêu nghi ngờ nữa. Đối với tầng lớp thanh niên trí thức trẻ tuổi sau thời đại Lục Tứ 1989 được đắm chìm trong mỹ cảnh của xã hội Tiểu khang ấm no và chủ nghĩa thực dụng, thì sự vật được quan tâm chú ý nhiều nhất đều không có quan hệ gì với những tư tưởng sâu sắc, bản tính con người cao quý, nền chính trị trong sạch, sự quan tâm tới nhân văn, trải nghiệm những giá trị sống’ Họ lựa chọn có một thái độ của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cơ hội đối với cuộc sống. Mục đích của nhân sinh chủ yếu tập trung vào làm quan to, làm giàu phát tài hay xuất ngoại sang nước khác; khẩu vị cuộc sống là truy cầu sự thời thượng, tiêu dùng xa xỉ và học đòi theo các ngôi sao giải trí đang lên, đắm chìm vào những trò chơi trên mạng internet và những cuộc tình một đêm. Bởi vì, trước khi tầng lớp thanh niên chưa có được một cuộc sống độc lập, môi trường gia đình và lớn hơn là cả xã hội Trung Quốc đã đem họ ngâm chìm trong ý thức về đặc quyền và tiêm nhiễm tiềm thức con buôn tất cả mọi việc không có lợi cho mình thì không làm.

Nhìn từ hoàn cảnh môi trường xã hội, công cuộc nhồi nhét ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cắt đứt lịch sử, tạo nên một lớp lại một lớp người mất đi kí ức lịch sử. Mặc dù kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền tới nay, người dân Trung Quốc Đại Lục đã trải qua vô số những kiếp nạn khó có thể tưởng tượng được; nhưng lớp người sau “Lục Tứ” 1989 về cơ bản là không hề có chút ấn tượng ký ức khắc cốt ghi tâm nào đối với những kiếp nạn đó, không có được trải nghiệm đối với sự đàn áp của chế độ và cảnh sát nhà nước; ngược lại họ chỉ có những kinh nghiệm thiết thân đối với những định luật như “tất cả nhìn về phía đồng tiền” và “có quyền thì sẽ có tiền”; với sự tiêm nhiễm lan tràn của chân lý “không từ thủ đoạn” thì trong mắt của họ những người thành công là những thổ hào làm giàu nhanh chóng chỉ sau một đêm cũng như những ngôi sao giải trí trên các lĩnh vực. Bởi vậy, bọn họ đối với hành động kể về những khổ nạn trong lịch sử và hiện thực xã hội đen tối luôn là thái độ rất không kiên nhân, cho rằng việc luôn nói về phong trào phản phái hữu này, phong trào Đại Nhảy Vọt này, phong trào dân chủ 1989 và sự kiện Thiên An Môn này, luôn là phê bình chính phủ, luôn chỉ ra những mặt đen tối của xã hội thì hoàn toàn không cần thiết. Bọn họ sẽ dùng cuộc sống giàu sang no đủ của bản thân và những tư liệu mà phía chính quyền cung cấp để chứng minh cho sự tiến bộ lớn mạnh vượt bậc của Trung Quốc.

Đối ngoại là anh hùng, đối nội hèn nhát, hoàn toàn không có khuyết điểm đạo đức

Nhìn từ môi trường gia đình, hiện nay tuyệt đại đa số thanh niên đều là con một trong gia đình, do vậy là hạt nhân trong một gia đình, còn gọi là “tiểu hoàng đế”. Ngay từ khi mới ra đời thì họ đã được hưởng thụ một cuộc sống hoàn toàn không có lo lắng gì về ăn mặc, không có được kinh nghiệm cuộc sống mà tầng lớp cha ông và giai cấp lót đáy trong xã hội đã và đang trải qua; họ được nuôi dưỡng trưởng thành với ý thức “bản thân là trung tâm” của tất cả mọi thứ, do đó thiếu khuyết đi sự quan tâm đối với những người xung quanh. Hơn nữa, một khi những thanh niên này thi đậu đại học, càng là trở thành sủng nhi của gia đình và là niềm kiêu ngạo của xã hội. Bởi vậy, bọn họ được môi trường gia đình nuôi dưỡng để trở thành những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân với bản thân là trung tâm tuyệt đối, bị xã hội dẫn dắt để trở thành những kẻ theo đuổi cuộc sống giàu sang phú quý và hưởng thụ lối sống tiêu thụ xa xỉ. Tuyệt đại đa số những đứa trẻ từ nông thôn kia sau khi trở thành trạng nguyên sau con đường thi cử, thứ mà chúng quan tâm hoàn toàn không phải là làm thế nào để giúp đỡ những người nông dân thay đổi vận mệnh bị kỳ thị hay thoát khỏi đói nghèo, mà là quan tâm làm thế nào để sau khi tốt nghiệp đại học có thể biến mình trở thành những người thành phố thành công, người trên người, làm thế nào để triệt để thoát khỏi vận mệnh đời đời kiếp kiếp làm nghề nông. Trong thực tế lối suy nghĩ như trên của những sinh viên xuất thân từ nông thôn là điều hiển nhiên.

Những năm gần đây, tâm lý cuồng bạo chủ nghĩa dân tộc trong xã hội Trung Quốc Đại Lục thậm chí còn mạnh hơn nhiều so với phía chính quyền, sự kích thích tình cảm xã hội lớn nhất đối với tầng lớp thanh niên chính là chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là tâm lý chống Mỹ chống Nhật chống Đài Loan độc lập đã trở thành lĩnh vực chủ yếu và là đột phá khẩu của thù hận dân tộc để tầng lớp thanh niên Trung Quốc Đại Lục bày tỏ sự quan tâm đối với quốc gia: “sự kiện va chạm máy bay” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, “sự kiện người Nhật Bản mua dâm tập thể ở Chu Hải”, cái gọi là sự kiện du học sinh Nhật Bản ở Đại học Tây Bắc “sỉ nhục Trung Hoa”, sự kiện Thủ tướng Nhật Bản Koizumi thăm viếng đền Zasukuni, sự kiện một người Trung Quốc tên là Triệu Yến bị cảnh sát đánh ở Hoa Kỳ, trận quyết đấu giữa hai đội tuyển bóng đá Nhật – Trung ở Cup Châu Á… đều đưa tới sự kích động tinh thần và phóng đại sự việc của tầng lớp thanh niên Trung Quốc Đại Lục. Ngôn ngữ hành vi trên mạng internet trong lĩnh vực chủ nghĩa dân tộc càng ngày càng bạo lực hóa, lưu manh hóa, được biểu hiện ở hành động tiếng hô hào chém giết nổi lên khắp nơi, những tiếng chửi rủa điên cuồng hay hiến thân vì tổ quốc lan tràn trên mạng internet. Tuy vậy, tấm lòng yêu nước dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không hề trở ngại phương thức sinh tồn của chủ nghĩa cơ hội; không cần nói là sự im lặng một cách phổ biến đối với những hành vi mang tính bạo lực của chính phủ, hơn nữa còn tránh xa những hành vi mang tính bạo lực đối với xã hội. Sự chai lỳ đối với trái tim đồng cảm và thiếu hụt cảm xúc về chính nghĩa đã trở thành một thứ bệnh phổ biến trong xã hội; người già bị bạo bệnh ngã xuống trên phố không có ai quan tâm; một cô bé hụt chân ngã xuống nước không có ai cứu; đám thổ phỉ cướp bóc trên đường lộ tiến hành đáng người và hiếp dâm giữa đám đông, cả một xe toàn thanh niên trai tráng lại không có ai đứng ra cứu giúp; một kẻ lưu manh cóc ké áp tải hai cô gái tiến hành thị chúng trên phố những mấy trăm mét, tất cả mọi người vây quanh xem náo nhiệt nhưng không ai ra tay giúp đỡ… Những tin tức xã hội làm cho người ta không khỏi rùng mình như vậy, thường có thể thỉnh thoảng lại xuất hiện trên truyền thông Đại Lục, ngay cả Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng có chuyên mục đôi lúc đưa tin.

Đây chính là chủ nghĩa dân tộc của tầng lớp thanh niên Trung Quốc Đại Lục; khi đối ngoại thì mở mồm hô to chủ nghĩa anh hùng còn khi đối nội thì thực hành chủ nghĩa nhược phu hèn yếu. Năm xưa khi tổng thống Hoa Kỳ Clinton có bài diễn thuyết ở Đại học Bắc Kinh, có một nữ sinh viên với diễn ngôn đặc biệt yêu nước và có câu hỏi không hề hữu hảo chút nào, nay đã trở thành vợ một người Mỹ. Đối với những câu chuyện giàu tính chất hài kịch như vậy, tự nhiên trở thành tin tức được bàn tán náo nhiệt một thời gian. Càng đáng buồn hơn đó là, đối diện với loại đấu tranh giữa ngôn từ và hành động như vậy, bọn họ ngay cả một chút xíu gợn sóng tâm lý hay tự vấn bản thân cũng không có, rất tự nhiên cất tiếng chửi, cũng rất tự nhiên đi sang Hoa Kỳ du học. Khi họ chửi nước Mỹ, thật sự là giận dữ hiếu chiến như diều hâu; khi ngồi máy bay sang Boston để du học, càng là có sự cuồng nhiệt vui mừng xuất phát từ nội tâm.

Mấy ngày trước, tôi có nhìn thấy những bình luận trên mạng của một cư dân mạng nổi tiếng có tên là “Leonphoenix” với mở đầu là:

“Tôi thích sản phẩm hàng hóa do nước Mỹ làm ra. Thích các bộ phim Mỹ. Thích sự tự do của nước Mỹ. Hâm mộ sự giàu có và lớn mạnh của Mỹ, nhưng càng nhiều hơn thời gian tôi vẫn cùng với rất nhiều người cùng nhau hét to: ‘Đả đảo đế quốc Mỹ!’ bởi vì đây là phản ứng mang tính bản năng và tất yếu của một quần thể nhỏ bé nhược tiểu.”

Cư dân mạng này đã che dấu đi danh tính để nói lên bản chất thật sự của cái gọi là “Chủ nghĩa yêu nước” do đám người bị khuyển nho hóa tạo nên.

Không trách được khi mà một số giáo sư đại học có tư tưởng hướng về chủ nghĩa tự do đã cảm thán nói: Cả một thập niên 1990, sự nhồi nhét ý thức hệ từ phía chính quyền, đã cho thấy được hiệu quả và lợi ích lớn nhất trên thân của những sinh viên đại học.

Giống như vậy, tầng lớp thanh niên cũng dùng thái độ của khuyển nho để nhìn nhận vấn đề gia nhập đảng. Gần đây số lượng sinh viên đại học có nhu cầu vào đảng đang không ngừng tăng lên, nhưng số lượng người thật sự tôn thờ chủ nghĩa cộng sản lại ít như lông Phượng, như vảy Kỳ Lân; cũng giống như số lượng những thanh niên dám nói chữ “Không” đối với sự dã man của thể chế và hành vi bạo lực ở xung quanh bản thân cũng ít như lông Phượng, như vảy Kỳ Lân vậy. Tôi không biết được nữ sinh viên Đại học Bắc Kinh làm cô dâu nước Mỹ kia có phải là đảng viên hay không; nếu như không phải, hành vi của cô ấy còn chưa đủ để cấu thành nên phương thức sinh tồn điển hình của thanh niên Trung Quốc Đại Lục; nếu là đảng viên, thì những biểu hiện của cô ấy trong thời gian học tại trường và sự lựa chọn của cô sau khi tốt nghiệp, chính là ví dụ điển hình cho thấy được hình thức sinh tồn của tầng lớp thanh niên Trung Quốc Đại Lục: Sự lan tràn một cách biến thái của “con người lý tính về kinh tế”, đó là ước muốn truy cầu cách tối đa hóa lợi ích cá nhân trở thành hạt nhân của phương thức sinh tồn. Nói một cách dễ nghe đó là sự thức tỉnh của ý thức lợi ích cá nhân; nói khó nghe một chút đó là hạng người lúc nào trong tư duy cũng chỉ có lợi ích cá nhân, đối với những thứ ngoài lợi ích cá nhân thì hoàn toàn vứt bỏ. Bọn họ muốn bức thiết nhanh chóng gia nhập đảng không phải vì tin tưởng Chủ nghĩa cộng sản, bọn họ sung mãn tinh thần chủ nghĩa yêu nước chống đế quốc Mỹ nhưng lại đắm chìm trong những thứ thời thượng do Mỹ dẫn đầu ở các lĩnh vực… Và thứ kỳ quặc nhất đó là, bọn họ cho rằng những thứ bọn họ làm như vậy hoàn toàn không có một chút lo lắng xung đột mâu thuẫn nào cả, lại càng không hề có gánh nặng về đạo đức nào cả, ngược lại còn cảm thấy tự hào vì bản thân mình, chỉ cần thu được lợi ích, thì đều cảm thấy rằng mỗi lần lựa chọn của bản thân đều là anh minh sáng suốt.

Trong số những sinh viên đại học không cam chịu tụt lại phía sau, tích cực tranh giành lấy một suất gia nhập đảng, thì đại da số họ quyết không phải là tin tưởng vào Chủ nghĩa lý tưởng, ngược lại đều có nền tảng là hoài bão cá nhân. Bởi vì ở Trung Quốc Đại Lục nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền, bất luận sau khi bạn tốt nghiệp làm nghề gì, nếu muốn nhanh chóng thành công, gia nhập đảng luôn tốt hơn không gia nhập đảng.

Mấy năm gần đây, một loạt nhiều cuộc điều tra đối với các sinh viên tốt nghiệp đã cho thấy muốn gia nhập đảng để trở thành viên chức nhà nước làm cho các cơ quan nha môn chính phủ đã trở thành lựa chọn hàng đầu của sinh viên đại học. Khi họ nói về động cơ muốn gia nhập đảng, hoàn toàn đều không có bất cứ câu cú văn phong rập khuôn mô tả nào về đảng cả, mà là những từ ngữ hùng biện thực dụng hết sức.

Có một vị sinh viên đại học năm thứ ba khi biện luận với tôi đã đến mức độ mặt đỏ tía tai nói rằng:

“Ở Trung Quốc Đại Lục, nếu muốn làm được điều mình muốn thì cần phải vào đảng, như vậy mới có cơ hội thăng tiến công danh đường đời, mới có thể nắm trong tay quyền thế; chỉ có nắm trong tay quyền lực to lớn, mới có thể làm ra sự nghiệp. Vào đảng thì có gì không tốt? Làm quan hay phát tài làm giàu thì có gì sai? Vừa có thể đem lại cho bản thân cá nhân và gia đình một cuộc sống có máu mặt danh vọng, lại vừa có thể đem lại cho xã hội những cống hiến vượt quá người bình thường.”

Phương thức sinh tồn giống nhau giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và thanh niên sinh viên

Nhìn trên bề mặt, phương thức sinh tồn của thanh niên sinh viên trí thức trẻ không hề có bất cứ điểm chung nào với một ý thức hệ giáo điều của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng mà, những người có hiểu biết và quen thuộc đối với lịch sử phát tích của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì chỉ cần một cái nhìn sát hơn cũng có thể thấy được, phương thức sinh tồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đoạt quyền, nắm quyền và duy trì chính quyền – thực chất là đồng nhất với phương thức sinh tồn của đám thanh niên sinh viên trí thức trẻ tuổi, đó chính là “lợi ích là tối cao” cùng với “để đạt được mục đích thì không từ thủ đoạn”.

Bởi vậy, “Thao quang dưỡng hối”, “nhịn xuống nỗi nhục”, “chỉ cần có sữa thì đều là mẹ”, “Vô độc bất trượng phu” và những lý lẽ tương tự trở thành chân lý trí tuệ sinh tồn, càng là trở thành tấm danh thiếp đặt chỗ trên con đường dẫm đạp đối nhân xử thế. Hơn nữa, với những người không hề có bất cứ sự truy cầu nào đối với một cuộc sống trải nghiệm, không có bất cứ giới hạn đạo đức nào như giống như đám khuyển nho hóa với trí tuệ sinh tồn như vậy, với một lịch sử đã quán xuyên qua hàng nghìn năm lịch sử, cũng chưa từng có sự thay đổi. Cái gọi là lý tưởng cộng sản dưới thời Mao Trạch Đông đã suy bại trước chủ nghĩa thực dụng “thuyết con mèo” trong thời đại Đặng Tiểu Bình, được coi là một trong những khác biệt lớn nhất giữa thời đại Mao và thời đại Đặng, trong khi đó trên thực tế thì sách lược sinh tồn và phương thức hành vi của Mao Trạch Đông đều xoay quanh “quyền lực”, khi nào lại có xuất hiện giữ vững lý tưởng và giới hạn đạo đức hay sao? Giọng điệu cao ngạo của Mao khi tự xưng rằng giải phóng toàn nhân loại không hề là chướng ngại đối với việc Mao không từ bất cứ thủ đoạn nào đày đọa và giết người, thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố rằng không tiếc bất cứ giá nào hy sinh 1/3 dân số loài người để xây dựng nên một địa cầu toàn màu đỏ.

Nói một cách nói khác, bất luận là những sinh viên đại học hay trí thức tinh anh nào muốn tranh thủ gia nhập đảng một cách tích cực, hay là những quan chức bên trong bộ máy và những thương nhân ra đời làm ăn, cơ hồ tất cả bọn họ không có mấy ai thực sự muốn bảo vệ chế độ hiện hành trên phương diện đạo đức lẽ phải, nhưng hành động của bọn họ trong thực tế lại giúp cho sự ổn định của chế độ hiện hành.

Đối với hiện tượng những người bị chứng phân liệt nhân cách lại có cuộc sống an nhàn tự nhiên, có sự hài hòa hết sức đối với chứng phân liệt về tinh thần của toàn xã hội. Nguồn tin tức vỉa hè do giang hồ đồn đại, tin đồn chính trị và truyện tiếu lâm dung tục đã trở thành một kỳ quan của Trung Quốc Đại Lục từ sau Lục Tứ 1989, vừa trở thành công cụ phát tiết những bất mãn và công kích mang tính thời sự của người dân, còn được dùng để làm thứ thuốc kích thích nhằm điều tiết bầu không khí và thả lỏng tinh thần trên bàn tiệc. Trung Quốc đã thật sự bước vào cái gọi là “Thời đại gây cười”, ngoại trừ các loại tiết mục gala tối trên truyền hình, các chuyên mục giải trí, hài kịch và tiểu phẩm, những kẻ cầm quyền và sự hủ bại chốn quan trường trở thành kho đề tài lớn nhất cho truyện tiếu lâm và dân ca dân gian; gần như mỗi người đều có thể kể ra một đoạn tiếu lâm chính trị có nội dung dung tục và khiêu dâm; gần như mỗi thành thị hay các thôn làng đều lưu truyền rộng rãi một vài bài dân ca có tính châm biếm; chúng mới thật sự là ngôn ngữ công cộng của quần chúng nhân dân Trung Quốc Đại Lục, hình thành sự đối lập rõ rệt đối với những từ ngữ nặng chất tuyên truyền công khai trên truyền thông do nhà nước kiểm soát. Nếu như bạn mỗi ngày chỉ tiếp nhận duy nhất thông tin đến từ các nguồn công khai của nhà nước, thì sẽ cảm thấy cuộc sống của mình giống như đang ở trên thiên đường vậy; nếu như mỗi ngày đều chỉ nghe những tin tức tại các buổi gặp mặt riêng tư, thì sẽ cảm thấy rằng cuộc đời chính là địa ngục. Cái trước chỉ miêu tả toàn một mảnh sáng ngời, cái sau lại chỉ thể hiện ra sự đen tối không nhìn thấy mặt trời. Hơn nữa sự giao lưu tin tức và truyền bá của dân gian luôn không có cách nào công khai tiến hành dưới ánh sáng mặt trời, chỉ có thể lưu truyền trong phạm vi nhỏ bé giữa những cá nhân với nhau. Những lệnh cấm công khai và phi công khai của chính quyền đã tạo nên một chế độ chuyên thao túng sau bức màn đen; đám tư bản đỏ và các tập đoàn lợi ích tiến hành chia chác tài sản của toàn dân cũng như thao túng các âm mưu chính trị; sự lưu truyền những tin tức lời đồn ngoài phố được tạo nên bởi bức màn đen phi chính thống do sự thống trị trong sợ hãi, người dân phát tiết những bất mãn và tự tìm kiếm điểm giải trí bên trong bức màn đen; Hai loại hình tấm màn đen tối được người dân Trung Quốc tuân thủ bởi cùng một bộ quy tắc; đó là quy tắc ngầm bên dưới một chế độ chính quy.

Đám khuyển nho sinh sống trong một xã hội trái ngược với khoảng cách lớn như vậy lại không hề cảm thấy khó chịu chút nào: Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn ổn định vững chắc bất chấp bị chửi rủa nghìn vạn lần ở những chốn riêng tư; đám quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn phong quang vô hạn dưới sự chửi rủa của người dân ở chốn riêng tư. Ở mỗi bữa cơm gặp mặt thân mật chốn riêng tư, đều là một buổi biểu diễn tiếu lâm chính trị để phát tiết bất mãn và ẩn ức chính trị. Có một số chuyện cười dâm đãng trào phúng chỉ trích đám lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được biểu diễn đi biểu diễn lại trong vô số bàn tiệc tụ hội chốn thân mật. Nếu như nói rằng, khổ nạn, oán hận, bất công bất mãn là thứ cảm xúc chân thật được phát ra từ nội tâm của tầng lớp dưới đáy xã hội, vậy thì những oán hận của tầng lớp được lợi từ trật tự hiện hành trong xã hội (tầng lớp tư bản đỏ, các tập đoàn lợi ích, trí thức tinh anh các linh vực, tầng lớp cổ cồn trắng trong các đô thị) đã trở thành vở kịch tự biên tự diễn nhằm tìm khoái cảm trên mỗi mâm cơm, bàn tiệc. Chế giễu trào phúng sớm đã mất đi phong mang sắc bén vốn có của nó, mất đi sức mạnh chân chính của đạo nghĩa, kết thúc bởi tàn cuộc và giải tán của bữa ăn, hoàn toàn không hề có bất cứ ảnh hưởng nào lên một màn biểu diễn khác của bọn họ ở những nơi công cộng. Loại giải trí dân gian này giống như thuốc phiện, vừa có công năng gây đê mê, làm cho con người say sưa trong tiếng xóc bài Poker và âm thanh vui tai khi đánh mạt chược cũng như tiếng cười trên mỗi bàn tiệc, giống như những hàng hóa thương phẩm như vậy, tiêu hao đi những khổ nạn, hắc ám và bất mãn. Sau khi tiếng cười kết thúc thì mọi việc lại như cũ. Cái cần nói dối thì cứ nói dối, cần phải mặt dày tim đen thì cứ mặt dày tim đen, cần lợi nhuận về phần mình thì chính là bất chấp thủ đoạn…

Cảnh quan tinh thần ở Trung Quốc Đại Lục trong thời đại hậu toàn trị vừa phân liệt vừa thống nhất là một. Những mâu thuẫn hành vi mang tính phân liệt như khi ở bên trong thể chế và hành vi khi ở bên ngoài thể chế, ngôn ngữ của chính quyền và ngôn ngữ của người dân, những tuyên bố bày tỏ chốn công cộng và nội dung nói chuyện riêng tư, giữa hiện thực bi kịch và những biểu diễn hài kịch, tất cả những mâu thuấn này đã đạt đến một tình trạng làm cho người ta phải phát sốc. Nhưng những thứ mang tính phân liệt đó lại được thống nhất một cách kỳ diệu trong phong cách sinh tồn ở thời đại khuyển nho, những khổ nạn trong cuộc sống hiện thực được chuyển hóa thành những tiểu phẩm giải trí của người dân, phát tiết những bất mãn được chuyển hóa thành thuốc tự gây tê, những châm biếm chế giễu tầng lớp tư bản đỏ thoái hóa trở thành trò biểu diễn của bản thân. Ngoại trừ hưởng lạc và tiêu thụ, cơ hồ chỉ còn lại một thành quả đã bị biến đổi gen đặc biệt phát triển “duy lý tính của người làm kinh tế”, mưu cầu tối đa hóa lợi ích cá nhân bất chấp thủ đoạn.

Bắc Kinh ngày 15 tháng 9 năm 2004 tại nhà riêng.
(Đăng trên tạp chí Khai Phóng số tháng 10 năm 2004).

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của dịch giả. DCVOnline biên tập và minh họa.