Hoa Kỳ cáo buộc quân đội Myanmar ‘đặt kế hoạch và điều hợp’ những hành động đàn áp với dân thiểu số Rohingya

Matt Spetalnick, Jason Szep | DCVOnline

WASHINGTON (Reuters) – Một cuộc điều tra của chính phủ Mỹ cho thấy quân đội Myanmar đã tiến hành một chiến dịch “có kế hoạch kỹ lưỡng và được điều hợp” trong những vụ giết người hàng loạt, cả đám cưỡng hiếp phụ nữ và các tội ác khác đối với dân tộc thiểu số Rohingya của quốc gia Đông Nam Á này.

Một người lính Myanmar tuần tiễu bằng thuyền trên sông Mayu gần Buthidaung ở phía bắc bang Rakhine, Myanmar ngày 13 tháng 9 năm 2017. Nguồn: REUTERS/Stringer

Giới hữu trách Mỹ nói với Reuters, bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới công bố hôm thứ hai, có thể được dùng để biện minh cho các biện pháp răn đe của Hoa Kỳ hoặc các biện pháp trừng phạt khác đối với chính quyền Myanmar.

Nhưng trong bản phúc trình, giới goại giao Mỹ không mô tả cuộc đàn áp người thiểu số Myanmar là tội diệt chủng hoặc tội ác chống nhân loại, một vấn đề mà một số viên chức Mỹ khác nói đã là chủ đề của một cuộc tranh luận nội bộ khốc liệt làm trì hoãn việc công bố bản phúc trình đến cả tháng.

Bản phúc trình, theo tin đầu tiên của Reuters, là kết quả của hơn một nghìn cuộc phỏng vấn những người đàn ông và phụ nữ Rohingya ở các trại tị nạn tại Bangladesh, nơi gần 700.000 người Rohingya đã bỏ chạy sau một cuộc hành quân năm ngoái tại tỉnh Rakhine của Myanmar. Theo bản phúc trình 20 trang,

“Cuộc thăm dò cho thấy bạo lực gần đây ở tỉnh Rakhine ở bắc Myanmar là khốc liệt, quy mô lớn, tràn lan khắp nơi, và dường như để vừa khủng bố dân chúng vừa đuổi cư dân Rohingya. Phạm vi và độ lớn của cuộc hành quân cho thấy đó là một kế hoạch đã chuẩn bị kỹ lưỡng và được phối hợp chặt chẽ.”

Những người sống sót mô tả lại chi tiết về những gì họ đã chứng kiến, kể cả những người lính giết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc bắn hạ những người đàn ông không vũ trang, và nạn nhân đã bị chôn sống hoặc bị ném vào hố mộ tập thể. Họ kể về những cuộc tấn công tình dục phụ nữ Rohingya tràn lan do quân đội Rohingya của Myanmar chủ động, thường xẩy ra trước công chúng.

Hôm thứ Ba, phát ngôn viên chính phủ Myanmar Zaw Htay từ chối bình luận và nói rằng ông không thể trả lời các câu hỏi qua điện thoại.

Các cuộc gọi điện hoại đến phát ngôn viên quân sự Thiếu tướng Tun Tun Nyi đã không được trả lời.

Một nhân chứng đã mô tả bốn cô gái Rohingya bị bắt cóc, bị trói bằng dây thừng và hãm hiếp trong ba ngày. Theo bản phúc trinh, ông nói, “Họ đã bị bỏ lại ‘dở sống dở chết’.”

Các nhóm nhân quyền và giới hoạt động Rohingya cho biết số tử vong lên đến hàng ngàn người trong cuộc đàn áp, xẩy sau khi một số dân Rohingya nổi dậy tấn công váo lực lượng an ninh tại tỉnh Rakhine vào tháng 8 năm 2017.

Phúc trình của U.N. thấy ‘có ý định diệt chủng’

Kết quả cuộc điều tra của Hoa Kỳ được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao — gần một tháng sau khi các điều tra viên của LHQ công bố bản phúc trình cáo buộc quân đội Myanmar đã hành động với “ý định diệt chủng” và yêu cầu bị truy tố theo luật pháp quốc tế vị tướng Tổng tư lệnh và năm tướng lĩnh khác của Myanmar.

Quân đội ở Myanmar, trước đây được gọi là Miến Điện, làn một nước theo Phật giáo, đã phủ nhận cáo buộc đã thanh lọc dân thiểu số và nói rằng hành động của họ là một phần của cuộc chiến chống khủng bố.

Giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mục tiêu của cuộc điều tra không phải là để xác định đó có phải là nạn diệt chủng hay không mà chỉ “ghi lại các sự kiện” về những hành động tàn bạo để hướng dẫn chính sách của Hoa Kỳ nhằm buộc những thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ không đề nghị những hành động tiếp theo.

Một trong những viên chức bộ ngoại giao, nói với điều kiện giấu tên, cho biết sẽ tùy thuộc vào Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo trong tương lai liệu Mỹ có nên đưa ra một sự định rõ “về pháp lý” hay không và không loại trừ khả năng đó.

Một tuyên bố diệt chủng của chính phủ Hoa Kỳ, chỉ cần coi cuộc đàn áp đó là cuộc “thanh lọc dân thiểu số”, có thể có những tác động pháp lý của việc buộc Washington phải có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Myanmar. Điều này đã khiến một số người trong chính quyền Trump lo ngại khi phải đưa ra một đánh giá như vậy.

Tòa án hình sự quốc tế tuần trước cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu xem liệu sự trục xuất bắt buộc người Rohingya mà chính quyền Myanmar bị cáo buộc có thể cấu thành tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại hay không.

Khi được hỏi liệu các phát hiện mới của Mỹ có thể dùng để thúc đẩy việc truy tố quốc tế như vậy hay không, viên chức Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ không có quyết định nào về việc quy “trách nhiệm về mặt pháp luật” trong cuộc khủng hoảng Rohingya.

Chính quyền Trump, đã bị các nhóm nhân quyền và một số trong giới lập pháp Hoa Kỳ chỉ trích vì phản ứng thận trọng với Myanmar, nay có thể phải chịu thêm áp lực để có thái độ cứng rắn hơn.

Sarah Margon, giám đốc văn phòng của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW Washington, cho biết:

“Điều còn thiếu là một dấu hiệu cho thấy rõ ràng về việc liệu chính phủ Mỹ có ý định theo đuổi bộc thủ phạm chịu trách nhiệm và giúp bảo đảm công bằng cho rất nhiều nạn nhân hay không.”

Hoa Kỳ hôm thứ Hai tuyên bố đã tăng gần gấp đôi viện trợ cho những người Hồi giáo Rohingya ssang tị nạn ở Bangladesh và Myanmar, với 185 triệu đô la.

Bản phúc trình cho biết, “Những câu chuyện từ một số người tị nạn cho thấy những đâu hiệu cuộc đàn áp đã được lên kế hoạch và đã định trước.”

Và trích dẫn việc quân đội đã tịch thu dao và các dụng cụ khác của dân chúng có thể dùng làm vũ khí trước cuộc hành quân.

Theo bản phúc trình, khoảng 80% người tị nạn trong cuộc thăm dò cho biết họ đã chứng kiến một vụ giết người, thường do quân đội hoặc cảnh sát chủ động. Bản báo cáo cho biêt thêm,

“Có những báo cáo về sự chém chặt nạn nhân gồm việc mổ bụng, moi ruột, chặt đứt tay chân, rút móng tay hoặc đốt râu và bộ phận sinh dục để buộc nạn nhân nhận tội, hoặc bị thiêu sống.”

Sau đó, vào ngày thứ Hai, Public International Law and Policy Group, một công ty luật nhân quyền ở Washington đã ký hợp đồng với Bộ Ngoại giao để tiến hành các cuộc phỏng vấn người tị nạn, đã công bố một báo cáo song song nói rằng họ cung cấp cho bộ ngoại giao 15.000 trang tài liệu về tội ác ở Myanmar.

Cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao thực hiện theo mô hình của cuộc điều ra pháp y về tội ác hàng loạt ở khu vực Darfur của Sudan vào năm 2004, và Hoa Kỳ đã tuyên bố đó là tội ác diệt chủng, kết quả là Mỹ đã có những biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Sudan.

Bất kỳ biện pháp cứng rắn nào đối với chính quyền Myanmar có thể bị giới hạn vì những lo ngại của Mỹ là như thế có thể sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa người lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, được giải Nobel Hòa bình và khối tướng lãnh nhiều quyền lực có thể đẩy Myanmar đến gần Trung Quốc hơn.

Giới chức Mỹ trước đó cho biết , chính phủ Hoa Kỳ hôm 17/8 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn chỉ huy quân sự và cảnh sát và hai đơn vị quân đội nhưng lãnh đạo quân đội của Myanmar, Min Aung Hlaing, đã được tha. Các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu tiếp theo đang được xem xét.

Trưởng Myanmar Myanmar Min Aung Hlaing. Nguồn: Reuters

Sau khi U.N. công bố bản phúc trình diệt chủng, lần đầu tiên Min Aung Hlaing công khai lên tiếng trong một tờ báo quân đội hôm thứ Hai, nói rằng Myanmar tuân thủ các điều khoản của LHQ nhưng “Mọi quốc gia có các tiêu chuẩn và quy tắc khác nhau” và người ngoài “không có quyền can thiệp”.

Người Rohingya, người tự coi mình là người bản xứ sống ở tỉnh Rakhine, bị nhiều người trong khối đa số Phật giáo của Myanmar coi là những kẻ xam phạm quyền lợi của người khác và bị phủ nhận quyền công dân.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: U.S. accuses Myanmar military of ‘planned and coordinated’ Rohingya atrocities. Matt Spetalnick, Jason Szep | Reuters |September 24, 2018.