Nhìn lại tin Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) chết trong tù trên báo Humanité, 1932

Nguyễn văn Lục

Cộng đồng mạng người Việt gần đây nhốn nháo cả lên vì sự tiết lộ một bài báo trên tờ Humanité cho hay Nguyễn Ái Quốc đã chết trong nhà tù Victoria Gaol ở Hồng Kông vào năm 1932. Một người bạn đã viết thư dục tôi phải “đọc và lên tiếng…thật sự thế nào”.

Một con người đã từng bị tòa án Thuộc địa Pháp kết án đến 10 lần.

Jean Lacouture trong cuốn “Ho Chi Minh: A Political Biography” viết, “Bị kết án tủ hình bởi các tòa án của thực dân, ông đã thoát khỏi bị lưu đầy và xử chém đến 10 lần.” (Jean Lacouture, Hô Chi Minh, nxb Seuil, 1967, trang 5).

Án tù dành cho Hồ Chí Minh là từ đi đầy đến xử chém. Nhưng dĩ nhiên lần nào ông cũng thoát chết một cách tài tình. Trong khi các đồng chí của ông nhiều người như Trần Phú, chết năm 1931 rồi đến Lê Hồng Phong 1942 — người thì bị thực dân Pháp giết, người chết rũ tù.

Phải nói thời gian hoạt động công khai của các đảng viên cộng sản Việt Nam trước đệ nhị Thế chiến chấm dứt vào khoảng năm 1937. Đến năm 1939 thì các lãnh tụ đảng đều phải tìm cách ẩn náu bên Tàu như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Xuân Khu. Vậy mà cũng có hàng ngàn đảng viên bị bắt giữ trước khi thế chiến II xảy ra. Trong đó, có một số các lãnh đạo đảng như Lê Duẩn, Trần Huy Liệu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo đã phải phân tán mỏng hoặc bị bắt tù dưới thời Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp giai đoạn 1940-1945.

Và họ chỉ thực sự xuất hiện lại sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9-3-1945.

Trong khi đó, từ năm 1934-1938, Hồ Chí Minh sống yên lành ở Nga Xô và tránh được các cuộc tranh chấp và thanh trừng trong nội bộ của đảng cộng sản ở Nga. Năm 1940, ông quay về Trung Hoa với tên là Vương và tại đây, ông thu dụng được hai đồng chí cốt cán nhất là Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Đồng thời ông xây dựng một vùng “giải Phóng” tại tỉnh Cao Bằng.

Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương là Lê Hồng Phong đã chết trong tù của thực dân Pháp tại Côn Đảo năm ngày 6 tháng 9, 1942. Ở phạm vi cá nhân, Hồ Chí Minh là người đã “hướng dẫn” và “huấn luyện” Nguyễn Thị Minh Khai (nhiều bí danh khác như Duy, Trần Thái Lam, Lý Huệ Phương, Phan Lan, Nam Bắc) ở Hong Kong từ đầu năm 1930. Trong thời gian “huấn luyện” Khai, Hồ Chí Minh đã xin với Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản (FEB) ở Thượng Hải cho phép cưới vợ. Theo một lá thư đề tháng 1, 1931 FEB cần biết ngày cưới của Hồ trước hai tháng. Nếu Khai thực sự là người vợ Hồ Chí Minh xin cưới thì không rõ họ đã chính thức hóa cuộc hôn nhân hay chưa vì Minh Khai đã bị Trung Hoa Quốc dân Đảng bắt ngày 29 tháng 4 và bị giam ở Quảng Đông đến đầu năm 1932. 1834, Minh Khai gặp Lê Hồng Phong ở Thượng Hải và từ đây hai người trở thành tình nhân – một nguồn khác cho là hai người đã lấy nhau trước khi cùng sang Nga. Tuy vậy, theo hồ sơ của Quốc tế Cộng sản ở Moscow, cuối năm 1934 Minh Khai (lúc này là Phan Lan) khai là vợ của “Lin” (Nguyễn Ái Quốc). Nhưng ở một lá thư khác của Văn phòng Hải ngoại của Quốc tế Cộng sản ở Hong Kong ghi Nguyễn Ái Quốc là ủy viên dự khuyết, hàng thứ 13, trong phái đoàn Việt Nam ở Đại hội 7 của Cộng sản Quốc tế trong khi đó Litvinov (Lê Hồng Phong) là ủy viên đứng đầu Trung ương đảng CSVN và người phụ nữ duy nhất trong phái đoàn, Minh Khai, lại là “vợ” của Quốc. Như thế trên thực tế – trong một gian đoạn – Hồ Chí Minh có thể đã mất cả “vợ” và vai trò lãnh đạo đảng Cộng sản vào tay Lê Hồng Phong. 1938 sau khi về lại Việt Nam Minh Khai giữ vai trò Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, đoàn tụ với Hồng Phong. Năm 1939, hai người sinh một con gái tên là Lê Thị Hồng Minh. Ngày 26/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tay, Nguyễn Văn Huân đã bị thực dân Pháp bắn tại trường bắn Bà Điểm (Hóc Môn – Gia Định).

Theo Sophie Quinn-Judge trong ‘Ho Chi Minh: The Missing Years. 1919-1941’, khi đến Moscow vào giữa năm 1934, Hồ chỉ được gởi vào học viện Lenin, bị gạt ra ngoài đảng và Quốc tế Cộng sản, không được giao cho trách nhiệm hay vai trò nào  đáng kể trong đảng Cộng sản trong thời gần 4 năm ở đây.

Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh, ngồi phía trước, với các đại biểu khác của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5, Moscow, 1924. Nguồn: RIA Novosti

Theo William J. Duiker trong “Ho Chi Minh, A Life”, Hồ Chí Minh, tuy bị nghi ngờ – vì thân với Borodin và được chính phủ Anh thả ở Hong Kong cuối năm 1932 nhờ có “thương lượng” nào đó – và có thể đã bị đem ra xét xử ở Moscow, may mắn thoát khỏi cuộc thanh trừng của Stalin – hàng ngàn người danh tiếng kém hơn Hồ trong khối Quốc tế Cộng sản đã bị Stalin thủ tiêu.

DCVOnline:  Tài liệu của Quốc tế Cộng sản Đảng (ICP) họp ở Ban-Mai, Thái Lan vào tháng 4 1933, ghi Nguyễn Ái Quốc đã chết ở Hong Kong theo tài liệu của Pháp. Nguyễn Ái Quốc biệt tích và được được cho là đang làm việc bí mật cho tình báo của Anh để đổi lấy tự do. Nguồn: Pentagon-Papers-Part I.djvu/220, trang C-50

Nguyễn Ái Quốc thoát cuộc thanh trừng của Stalin nhờ Manuilsky và Vasilieva, người giữ vai trò giao liên vói sinh viên Việt Nam ở Moscow và Quốc tế Cộng sản. Vera Vasilieva cho rằng Hồ Chí Minh vô tội, chỉ là người thiếu kinh nghiệm; trong một lát thư không đề ngày gửi cho các cấp lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản Đảng tại Trung Hoa, Vasilieva viết:

“as far as Quoc concerned, we feel that in the coming two years he must apply himself seriously to his studies and will not be able to handle anything else. After he finishes his studies, we have special plans to use him.”

“Đối với Quốc, chúng tôi nghĩ rằng anh ấy phải chịu khó học tập trong hai năm tới và không thể nhận trách nhiệm nào hết. Sau khi học tập xong, chúng tôi sẽ có kế hoạch đặc biệt cho anh ta.”

Nhưng cũng có một nguồn khác cho rằng chính Vera Vasilieva đã tố cáo Hồ Chí Minh đã phản bội vì bị Hồ Chí Minh phụ tình khi hai người là tiifnh nhân trong những năm 1920. Theo nguồn tin này, được giữ kín trong thư khố của Điện Cẩm Linh, Hồ thoát cuộc thanh trừng của Stalin là nhờ sự che chở của Georgi Dimitrov, nột ủy viên cao cấp của Đệ tam Quốc tế Cộng sản.

(William J. Duiker, “Ho Chi Minh, A Life” (2000), trang 213-214, chú thích số 23, trang 619).

Theo T. Lan, “Vừa đi đừng vừa kể chuyện” (1961) thì Georgi Dimitrov chính là Tổng bí Thư Quốc tế Cộng sản (1835-1943)

Trong lúc thảo luận về “tin” năm 1932 của l’Humanité cho hay Nguyễn Ái Quốc “đã chết” ở Hong Không, một bạn văn có nhận xét như sau,

“Không lẽ Vera Vasilieva có thể nhận lầm một người Đài Loan (Hồ Tập Chương) nào đó là Nguyễn Ái Quốc, người yêu cũ , khi họ gặp lại nhau ở Moscow trong những năm 1934-1938?”

DCVOnline: Vera Vasilieva, người chỉ huy và tình nhân của Hồ Chí Minh ở Nga (Moscow 1934). Nguồn: Pinterest

Về phản ứng và thái độ của một số người trong Cộng đồng người Việt về bản tin của tờ Humanité

Nói chung theo như trao đổi của cộng đồng mạng thì chuyện Nguyễn Ái Quốc đã chết từ năm 1932 tại Hong Kong là một tin vui. Nhưng xem ra sự vui mừng đó quá vội vã vì chuyện đó chưa được phân tích rạch ròi.

Cuốn ‘Hồ Chí Minh sinh bình khảo’ của Hồ Tuấn Hùng

Hẳn là bạn đọc còn nhớ dư luận trước đây cho rằng có một Hồ Chí Minh giả căn cứ theo cuốn sách của Hồ Tuấn Hùng nhan đề “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” xuất bản năm 2008. Cũng dựa theo tài liệu của Pháp, tác giả Hồ Tuấn Hùng cho rằng Hồ Chí Minh đã chết từ năm 1932 trong nhà tù Hong Kong.

Và kể từ 1932-1969 thì Hồ Chí Minh chỉ là một người Đài Loan giả dạng người Việt. Cái xác chết nằm trong lăng “ Bác” chỉ là một người Đài Loan.

Có nhiều tác giả như Nguyễn Duy Chính, Bùi Tin và Vũ Thư Hiên đều lên tiếng cho rằng Hồ Chính Minh giả là điều không thể có được. Trong bài ‘Nhận xét về cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo’ của Nguyễn Duy Chính, tác giả nhận thấy đây là một nghi vấn lịch sử quan trọng liên quan đến một nhân vật như Hồ Chí Minh nên đã dịch cuộn sách của Hồ Tuấn Hùng ra tiếng Việt và cũng đưa ra một số nhận xét hữu lý.

Nhưng nếu dùng hình trong tập tài liệu “Mision Laurent Hong Kong juillet 1931” do DCVOnline sưu tập chụp lại dấu tay của Nguyễn Ái Quốc do  cảnh sát Anh tại Hong Kong thực hiện lúc bắt giam Tống Văn Sơ so với dấu tay của “người Đài Loan nằm trong hòm kiếng” tại Ba Đình thì thực hư chắc phải rõ ràng.

DCVOnline: Hình dấu tay của Nguyễn Ái Quốc trong tập hồ sơ của cảnh sát Anh tại Hong Kong năm 1931. Nguồn: ANOM – Sûreté indochinoise : notes avec photographies et extraits presse  1911-1931 | Hồ sơ  “Mision Laurent Hong Kong juillet 1931” 

Khuôn mặt Hồ Chí Minh còn có vết sẹo nhỏ ở tai. Người chị ruột của ông Hồ, bà Bạch Liên khi ra thăm Hồ Chí Minh năm 1945 có rờ vào tai và nhận ra vết sẹo và hô lên “đúng nó đây rồi”. Bà nhận ra vì hồi nhỏ câu cá, Hồ Chí Minh giựt câu bị lưỡi câu mắc vào tai. (Vy Thanh, “Hồ Chí Minh cứu nước?” (2016), trang 74)

Dư luận Hồ Tập Chương là Hồ Chí Minh sau đó chỉ rộ lên một thời gian ngắn, nhưng nó để lại trong tôi cảm giác người Việt dễ tin đến khờ khạo. Thấy một sự kiện nào đó tỏ ra bất lợi cho phía cộng sản thì vội vàng chụp lấy, không kiểm chứng, không chịu khó tìm hiểu – không đọc những cuốn sách đã viết về Hồ Chí Minh – rồi vội hô hoán như thế chỉ làm trò cười cho địch. Giả một người từ hình dạng đến tiếng nói, đến các thói quen sống và ăn uống thật không dễ. Người Tàu làm sao nói được tiếng miền Trung giọng Nghệ Tĩnh?

Việc tiết lộ về Nguyễn Ái Quốc theo bản tin của tờ Humanité năm 1932

Bản tin của tờ Humanité đăng về cái chết của Nguyễn Ái Quốc trong nhà tù ở Hong Kong năm 1932 lại làm cộng đồng mạng rộ lên, được chuyển đi trong nháy mắt bằng những bức điện thư truyền đi chuyển lại cho nhau đến chóng mặt. Phen này thì xác ma “giả mạo” nằm ở Ba Đình chỉ có nước thiêu ra tro cho mất tích? Trần Thị Hải Ý đã cấp tốc dịch tài liệu của Humanité như một công trình khám phá đăng trên “Dân làm báo”!

Tin đăng trên tờ Humanité, vào năm 1932 cho hay Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù của người Anh ở Hong Kong. Thật sự thì ông đã được một luật sư người Anh là Francis Loseby biện hộ và giải cứu. Vì thế, Tống Văn Sơ tức Nguyễn Ái Quốc đã thoát nạn. Hãy đọc “Nguyễn Ái Quốc và nhà tù Victoria Gaol ở Hồng Kong” của Trần Giao Thủy đăng trên dcvonline.net ngày 20-9-2018. Tác giả trình bày cặn kẽ, vắn tắt nhưng đầy đủ để độc giả biết đâu là sự thật của câu chuyện.

Một lần nữa lại có thể chứng minh là một số độc giả người Việt Hải Ngoại chỉ đọc báo mạng và điện thư mà không đọc sách.

Sau đây, chúng tôi trích dẫn lại một số tác giả ngoại quốc cũng như Việt Nam đã đề cập đến vấn đề này với luận chứng rõ ràng. Chúng tôi cũng không tiện trích tên tuổi các tác giả khác như Bernard Fall, Jean Sainteny, Hoàng Văn Chí và các tài liệu về phía Việt Nam, ngay cả tài liệu của chính Hồ Chí Minh viết.

Jean Lacouture, “Ho Chi Minh” (1977)

Thật vậy việc bắt giữ Nguyễn Ái Quôc (NAQ) tại Hong Kong đã được Jean Lacouture viết trong cuốn Hồ Chí Minh của ông từ năm 1977. Tính đến nay đã 41 năm. Câu chuyện bắt đầu từ trang 53 đến trang 56, dòng thứ 17 trở đi. Theo Jean Lacouture tiết lộ nhiều thông tin đến cú lừa đảo bậc thầy của vị luật sư người Anh với sự đồng lõa của Tống Văn Sơ, tức Nguyễn Ái Quốc. Tất cả đều tin chắc rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù ở Hong Kong.

Phần sinh viên Việt Nam tại Học viện Stalin ở Liên Xô cũng đã tổ chức lễ tưởng niệm Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Trần Phú.

Kể từ đó, người ta mất dấu tích của Nguyễn Ái Quốc trong nhiều năm cho mãi đến năm 1945. Hơn 10 năm sau, Hồ Chí Minh vẫn hoạt động mà không ai tra cứu ra tên tuổi của ông vì có nhiều tên giả lúc ở Nga.

Theo Jean Lacouture, sở mật thám Pháp ở Hà Nội lúc đó đã đóng hồ sơ của Nguyễn Ái Quốc với dòng ghi chú: “Nguyen Ai Quoc, mort à la prison de Hong Kong en 1933.” (Nguyễn Ái Quốc, chết ở nhà tù ở Hồng Kong năm 1933.) (Jean Lacouture, “Ho Chi Minh”, nxb Seuil, trang 55)

Nhưng sở mật thám Pháp tại Paris càng nhốn nháo đến không hiểu được khi một nhân viên tình báo tại Cao Bằng vào năm 1945 điện về Paris cho hay, Nguyễn Ái Quốc cũng chính là Hồ Chí Minh hiện nay đang có mặt ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Không tin vào báo cáo ấy nên một công chức sở mật thám ở đường Oudinot, Paris đã điện ngay cho Hà Nội:

“Quel est le fou qui nous adresse une telle information? Tout le monde sait que Nguyen Ai Quoc est mort à Hong Kong entre 1931-1935.”

(Thằng cha điên khùng nào đã gửi những thông tin như thế? Mọi người đều biết rằng Nguyên Ái Quốc đã chết ở Hong Kong vào giữa những năm 1931-1935)

(Jean Lacouture, Ibid., trang 55)

Lừa được người Pháp. Đồng ý. Nhưng sau gần một thế kỷ với rất nhiều tài liệu biên khảo, sách báo được phổ biến, nhất là sau 1975 do tài liệu cộng sản đưa ra rộng rãi mà vẫn lừa được một số người thì đó là điều bất thường.

Pierre Brocheux, “Ho Chi Minh, A Biography” ( 2007)

Người thứ hai là Pierre Brocheux với cuốn “Ho Chi Minh, A biograpy” do Claire Duiker dịch. Kể từ trang 53 đến 58 dưới nhan đề: Under the Sword of Damocles. The arrest and Alleged death of Nguyên Ai Quôc. Pierre Brocheux đặc biệt nhấn mạnh đến câu chuyện gặp gỡ giữa Tống Văn Sơ và luật sư Loseby. 30 năm sau, vị luật sư người Anh này viết lại: “After thirty minutes with Ho, I was entirely won over; he radiated an extra ordinary force of conviction.” (Pierre Brocheux, Hồ Chí Minh A Biography, 2007, trang 56)

William J. Duiker, “Ho Chi Minh, A Life” (2000)

Người thứ ba quan trọng hơn cả là William J. Duiker với cuốn “Ho Chi Minh, A Life”

William J. Duiker trình bày một cách khá cặn kẽ và không thiếu “lãng mạn” trong cuốn sách đồ sộ của ông nhan đề, “Ho Chi Minh, A Life”. Tọ lược theo Duiker:

“Quốc đã căt đứt quan hệ với người vợ Trung Quốc cũ là Tăng Tuyết Minh khi rời Quảng Đông vào tháng 4, năm 1927. Năm 1930, khi ở Hong Kong thì Nguyễn Ái Quốc dã có quan hệ như nhân tình với Nguyễn Thị Minh Khai. Mùa xuân năm 1931 Nguyễn Ái Quốc đã xin phép Ban Phương Đông Quốc Tế cộng sản (FEB) cho phép cưới Minh Khai. Trong thư trả lời, Noulens yêu cầu phải được cho biết trước hai tháng. Tuy nhiên, sau đó thì Minh Khai bị bắt. Việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hong Kong là do Joseph Ducroux bí danh Serge Lefranc, một phái viên của Cộng sản Đệ tam đã bị chính quyền Anh ở Singapore bắt và đưa ra tòa xử ở Singapore; trong phòng ở kasch sạn của Lefranc mật thám Anh tìm thấy những lá thư của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong gởi với tên giả là T.V. Wong và thư của Noulens gởi từ Thượng Hải.

Ngày 6 tháng 6, 1931 Tống Văn Sơ và Lý Sâm, người phụ nữ xưng là cháu của Sơ , bị cảnh sát Anh ở Hong Kong bắt vào lúc 2 giờ sáng tại một khu đông dân cư ở Kow Loon. Lý Sâm chính là Lý Ưng Thuận (và nhiều bí danh khác).”

(William J. Duiker, Ibid., trang 198-200)

DCVOnline: Theo Lệ Tân Sitek, “Mẹ tôi – Người con gái Hưng Nguyên” (2009) mẹ của tác giả là Lý Sâm hay Lý Phương Thuận tên thật là Nguyễn Thị Tích (1906-1995) sang Hong Kong làm việc với Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc). Cả hai bị cảnh sát Anh bắt tại số 186 phố Tam Lung, Cửu Long, Hồng Kông. là vợ của Bùi Hải Thiệu tức Lý Quốc Lương và người chồng thứ hai là Trần Lung chứ không phải là vợ Hồ Tùng Mậu như nhiều tác giả khác đã ghi chép.

Vy Thanh, “Hồ Chí Minh cứu nước?” (2016)

Người thứ tư là Vy Thanh. Trong cuốn “Hồ Chí Minh cứu nước?” tác giả đã dành một số trang (168-185) để viết về vụ Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hong Kong năm 1931. Một tài liệu đáng kể mà tác gỉa trưng dẫn ở phần này là một trang của Thư khố Quốc gia Pháp lưu trữ tài liệu thời đế quốc Pháp kèm sau đây.

Nguồn: ANOM/Vy Thanh

Đây là tài liệu về Nguyễn Thị [Minh] Khai, còn được biết là Thị Vinh, Lý Tri Phương và Trần Thái Lan. Ở cuối trang là hàng chữ

“Bị bắt ngày 29 tháng 4, 1931 dưới tên Lý Huệ Phương và đưa đi giam ở Quảng Đông dưới tên Trần Thái Lan”

Nhưng cũng trong phần này tác giả lại khẳng định rằng Nguyễn Thị Minh Khai tức Lý Huệ Phương (李 惠 芳) bị bắt cùng với Tống Văn Sơ (宋 文 初) vào ngày 6 tháng 6, 1931, tức là hơn một tháng sau khi Nguyễn Thị Minh Khai thực sự bị bắt và đưa đi giam ở Quảng Đông.

Dù ở trang 175 tác giả có hai tấm hình của Nguyễn Thị Minh Khai (Lý Huệ Phương) và Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ) nhưng không có chứng từ nào xác minh Minh Khai đã bị bắt ngày 6 tháng 6 để phản biện lại tài liệu cho thấy Minh Khai bị bắt ngày 29 tháng 4 mà ông trưng dẫn ở trang 174.

Vy Thanh, ở trang 177,viết “Người đàn ông xưng tên là mình là Sòng Wèn-chú, người đàn bà trẻ tên là Li Hui Fang” và chú 113, cho rằng William J. Duiker đã viết “cảnh sát Anh ghi nhận hai người đó ngủ chung trên giường” khi bị bắt.

Thật ra Duiker đã viết về việc này như sau,

“Nguyen Ai Quoc and his colleague Ly Sam were seized in Hong Kong.” (Nguyễn Ái Quốc và người đồng chí Lý Sâm đã bị bắt ở Hong Kong), trang 201);
“Loseby therefore requested that and Ly Sam be allowed to leave under their own arrangements.” (Do đó luật sư Loseby đã yêu cầu để Lý Sâm được rời khỏi Hong Kong bằng phương tiện riêng, trang 203);
Ly Sam was ordered realeased and was permitted to leave Hong Kong by her own arrangements.” (Lý Sâm được thả và được phép rời Hong Kong bằng phương tiện riêng, trang 204).

Như vậy Duiker xác định người phụ nữ bị bắt cùng với Tống Văn Sơ ngày 6 tháng 6, 1931 là Lý Sâm, hay Lý Ưng Thuận, không có đoạn ngủ chung trên giường”, và Lý Sâm đã được thả khỏi nhà giam Victoria ngày 20 tháng 8, 1931. (Duiker, Ibid., chú thích 7, chương VII, trang 617).

Nguyễn Thị Minh Khai lúc đó vẫn đang bị giam ở Quảng Đông cho đến đầu năm 1932.

Tác giả người Việt

Một số người Việt trong cộng đồng hải ngoại có thể không có điều kiện đọc tài liệu ngoại quốc, nhưng không lẽ cũng không tìm đọc tài liệu do các tác giả người Việt viết hay dịch?

Tưởng Vĩnh Kính, “Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả” bản tiếng Việt do Thượng Huyền dịch, “Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” (1999)

Cuốn sách này do một người Trung Quốc, ông Tưởng Vính Kính, ở Đài Bắc biên soạn. Và do Thượng Huyền dịch ra tiếng Việt, nhà xuất bản Văn Nghệ ở Cali ấn hành năm 1999. Như vậy, ai muốn tìm hiểu về đời hoạt động của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc hẳn là không khó. Tác giả ghi đã sử dụng tác phẩm của một số tác giả người Trung Hoa như ông King C. Chen (Trần Khánh) hay Việt Nam như Hoàng Văn Chí cũng như Hồ Thơ, cùng một số tác giả người phương Tây quen thuộc như Jean Lacouture, Bernard Fall. Đặc biệt Tưởng Vĩnh Kính chú trọng tới thời gian Hồ Chí Minh ở Trung Quốc từ 1925 đến 1945. Những trang 121-126, ông viết về Nguyễn Ái Quốc bị tù ở Hong Kong. Một ghi nhận của tác giả được dịch như sau:

“Để ngăn trở việc Hồ với Ducroix sẽ bị dẫn độ cho nhà đương cuộc Pháp, một cơ cấu bảo vệ của cộng sản có tên là Hội Cứu Tế Quốc Tế Đỏ, liền phát khởi cuộc vận động cứu viện, bằng cách thông qua phòng Bí thư Liên minh Quốc tế chống chủ nghĩa Đế Quốc (…) Hội Cứu Tế Quốc tế Đỏ cũng mời ông Frank Loseby, một luật sư trẻ người Anh, biện hộ cho ông Hồ, chuyển qua thành tội phạm chính trị, mới khỏi bị ẫn độ.”

(Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc. Đoạn trích dẫn này lấy lại từ Bernard Fall, “Le Viet Minh”.)

Đây là một cuốn  sách tin được.

Một mặt thật khác của Bùi Tín

Gần đây, tôi có viết một bài về nhân vật Bùi Tín, nhân cái chết của ông, nhan đề Một mặt thật khác của Bùi Tín đăng trên dcvonline.net. Trong bài đó tôi đã tiết lộ Bùi Tín có hai cuốn sách viết bằng ngoại ngữ là “Following Hồ Chí Minh” và “La face cachée du régime” do Judy Stowe và Đỗ Văn của đài BBC cho là đã dịch ra tiếng Anh từ bản tiếng Việt Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín. Sự thực không phải vậy. Đó là một sự giả mạo hoàn toàn!

Cho đến nay, tôi chờ đợi sự lên tiếng của ông Đỗ Văn, vì ông là người có trách nhiệm duy nhất nay còn sống. Thật thất vọng vì sự im lặng khó hiểu của ông. Phần những tác giả và những người cầm bút đã trót ca tụng Bùi Tín thì như “gái ngồi phải cọc” thấy không cần thiết phải đính chính gì cả theo đúng sách lược “im lặng là vàng”. Và rất có thể họ còn bực bội với người tiết lộ sự thật!

Thái độ đó tôi cho là không biết tôn trọng sự thật và chúng ta nên để các lý lẽ, tình cảm cá nhân sang một bên và nên coi sự thật phải là trên hết.

Và nếu có sai thì có sửa, có thiện chí nhìn nhận sai và sửa chữa. Có ai là người mà không có điểm bất toàn? Nhận sai sót. Đó là thứ văn hóa đẹp nhất! Nào có gì là mất mặt hay xấu hổ? Điển hình, Keith Taylor, một giáo sư, một sử gia nổi tiếng cũng đã gián tiếp công nhận tác phẩm “A history of Vietnamese” (2013) của ông kết quả của một hành trình tư duy, là một sự thay đổi, công phá vào những kiến thức ông nghĩ ông đã biết về Việt Nam thời tiền hiện đại và tiền sử kể những gì ông đã viết trong cuốn “The Birth of Vietnam” 20 năm về trước (1983). Cầu tiến và phục thiện áp dụng cho tất cả, từ những người cầm bút tài tử đến những học giả chuyên nghiệp.

Nhưng nó cũng hé lộ cho thấy là ngay cả những người Việt cầm bút chuyên nghiệp cũng như một số đông bạn đọc đã lơ là việc đọc tài liệu mà chả lẽ phải đi đến kết luận bẽ bàng là “Người Việt thiếu một văn hóa đọc”?

Vài dòng kết luận

Ngày nay, sự nhốn nháo của một số cộng đồng người Việt tại Hải ngoại cũng chẳng khác gì sự nhốn nháo của tờ l’Humanité, báo chí tại Liên Xô cũng như sở mật thám Pháp ở Hà Nội thời bấy giờ.

Tất cả đều tin chắc rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù ở Hong Kong.

Cái tin Nguyễn Ái Quốc chết trong tù vì bệnh lao chẳng những giới chức Pháp thỏa thuê vui mừng vì đã diệt được tên trùm cộng sản Việt Nam. Nhưng đó chỉ là cái mừng hụt! Chẳng nhẽ ngày nay, chúng ta lại tiếp tục đi vào vết xe của người Pháp sao?

Nhưng điều khôi hài nhất là chính Tống Văn Sơ, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh cũng hoan hỉ chấp nhận cái tin mình đã chết rồi. Sau này ông Hồ cho rằng tin tức bịa đặt ấy do chính người Pháp bịa đặt ra cốt làm suy sụp “ tinh thần đấu tranh của dân chúng”. Hồ Chí Minh, dùng bí danh T. Lan, nói đến cái tin giả đó trong cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (1961) .

“Tức tối vì không bắt được Bác, giận dữ đối với người Anh, các báo thực dân Pháp bịa đặt ra tin rằng: Bác mắc bệnh lao trong nhà lao Anh, và đã chết rồi.”

Mỉa mai thay l’Humanité là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Pháp chứ không phải báo của thực dân. Điều đó nó cũng nằm trong đường lối hành động của ông Hồ. Ông cố tạo cho mình một huyền thoại chung quanh nhiều tên tuổi cũng như hành động bí mật của mình. Cho đến nay, nhiều điều chưa được giải mã. Thật ít có ai làm được như vậy. Huyền thoại ấy kéo dài cho đến khi ông qua đời. Trung Ương Đảng nhận được 21 ngàn lá thư phân ưu, chia buồn. Chuyện đó thật hay giả lại là một chuyện khác.

Phần Liên Xô chính thức chia buồn khi nghe “tin” ông Hồ chết với những dòng ca tụng như sau:

“great son of the heroic Vietnamese people, the outstanding leader of the international Communist and national liberation movement, and a great friend of the Soviet Union.”

(William J. Duiker, Ibid., trang 562)

Nhưng ngày hôm nay, giới trẻ có nhất thiết phải tạo ra những huyền thoại chung quan một con người như Hồ Chí Minh không? Hẳn là không.

Chúng ta đang sống ở một thời đại mà mọi sự đều phải được sáng tỏ, công khai và trung thực. Cho nên câu nói của Jean Lacouture ca tụng ông Hồ, “Il fut celui qui reste éveillé quand chacun dort.”(Ông là người thức tỉnh trong khi kẻ khác ngủ) không còn có giá trị thực tiễn nữa.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. Hình ảnh do DCVOnline sưu tập và minh họa