Chính trị và sức mạnh của lịch sử (Kết)

Trần Giao Thủy

Ts. Henry Kissinger bỏ sót một dữ kiện đáng chú ý. Đây là hội chứng “quên có lựa chọn” … Ngoại trưởng Kissinger cố tình quên để lương tâm khỏi cắn rứt.

Chính trị, lịch sử và hồi ký

(Tiếp theo p1)

Kissinger và ngày 21 tháng 4, 1975

Crisis, quyển sách gần 600 trang này là tập hợp những nhận định và bản chép lại các cuộc điện đàm của tiến sĩ Henry Kissinger trong giai đọan tác giả làm việc với cả hai Tổng thống Richard M. Nixon và Gerald R. Ford. Ông là Cố vấn An Ninh Quốc gia rồi Ngoại Trưởng và kiêm cả hai vai trò này từ 1973 đến 1975.

Henry Alfred Kissinger (1923 -), 3 tháng 5, 1973. Nguồn: AP Photo/Harvey Georges
Henry Alfred Kissinger (1923 -), 3 tháng 5, 1973. Nguồn: AP Photo/Harvey Georges

Trong hơn 120 trang cuối (421-544) của cuốn Crisis, với tiểu tựa “Tháng cuối cùng của Đông Dương” (The last month of Indochina), ngày 21 tháng 4, 1975 tác giả ghi lại hai cuộc nói chuyện với TNS Edward Kennedy và Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger. Tuy nhiên, ông bỏ sót một dữ kiện đáng chú ý. Đây là hội chứng “quên có lựa chọn” (selective inattention – an aspect of attentiveness in which a person attempts to ignore or avoid perceiving that which generates anxiety.)

Ts Kissinger cố tình quên để lương tâm khỏi cắn rứt.

Những ngày vào cuối tháng 4, 1975 Kissinger vẫn tiếp tục diễn tuồng xin Quốc hội viện trợ cho Việt Nam. Con số đó không phải là 300 triệu đô la, ngân sách phụ trội nếu có nhu cầu [sic], như đã hứa cuối năm 1974. Ông Ts Cố vấn và Bộ trưởng cũng như Tổng thống Ford và những người khác ở Washington đều biết chắc một điều: dù Quốc hội có chuẩn y ngân sách phụ trội như đã hứa thì tiếp vận quân sự cũng không thể nào đến kịp để giữ Sài Gòn và miền Nam Việt Nam.

Ngày 10 tháng 4, 1975 Thổng thống Ford yêu cầu Quốc hội viện trợ cho Việt Nam 722 triệu (theo đề nghị trong báo cáo ngày 04/04/1975 của Tướng Weyand – Vietnam Assessment Report by General Fred C. Weyand, April 9, 1975, Folder “Vietnam (13), Box 19, National Security Adviser. Presidential Country Files for East Asia and the Pacific”, Gerald R. Ford Library) và cho phép chính phủ đưa quân trở lại trong trường hợp khẩn cấp để di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn. Kết quả của yêu cầu này đã là lịch sử.

Người Mỹ phải đóng tuồng vì họ sợ đồng minh bị bỏ rơi sẽ nóng gà nổi lên ngăn chận cuộc tháo chạy. Như thế có thể gây nguy hại đến sinh mạng của 6000 người Mỹ vẫn còn tại Việt Nam và những người “bạn thân” Việt Nam trong cuộc di tản sau cùng này.

Ngày 21 tháng 4, 1975 Henry Kissinger điều trần trước Ủy ban Viện trợ tại Hạ viện Mỹ.

Trả lời câu hỏi của Dân biểu Bill Chappell (Florida) về những hứa hẹn của Mỹ với Việt Nam về Hiệp định Paris 1973, Kissinger nói,

“Tất cả những cam kết (của Mỹ) với Nam Việt Nam đều có trong hồ sơ lưu trữ.”
The commitments that were made to South Vietnam are all on the public records.

Henry Kissinger nói láo không nháy mắt. Vào lúc này tất cả những lá thư riêng của Tổng thống Nixon gởi Tổng thống Thiệu vẫn chưa được công bố. Chín ngày sau, lần đầu tiên công chúng Hoa Kỳ mới biết tới 2 trong những lá thư này do Nguyễn Tiến Hưng công bố trong một cuộc họp báo tại Washington, D.C. ngày 30 tháng Tư, 1975.

Tác giả Crisis lại lừng khừng không tả lời một chuỗi câu hỏi khác của dân biểu Clarence D. Long ở Maryland. Đây là 2 câu ông Long hỏi và ông Ts. đã nghẹn.

4. Ông có vui lòng cho Ủy ban này tất cả mọi văn bản thích đáng – tỉ như thư trao đổi giữa hai Tổng thống Nixon và Thiệu, những tuyên bố đơn phương nhận làm cảnh sát giám sát đình chiến ở Việt Nam, và tóm lược những trao đổi miệng – liên hệ đến những cam kết hứa hẹn về Hiệp định Paris 1973?

6. Khi Quốc hội chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Đông Dương vào đầu tháng Tám 1973, chính phủ Mỹ có những hứa hẹn ngoại giao nào với miền Nam Việt Nam và Cambodia là sẽ có thể trả đũa nếu cộng sản mở cuộc tấn công quân sự mới hay không? Xin vui lòng mô tả ông đã giải thích thế nào về điều khoản luật cấm Hoa Kỳ tham chiến với đồng minh, và họ đã được khuyến khích đi theo hướng nào, nếu có, để đạt đến một thỏa ước.

(“Emergency Supplemental Appropriation for Assistance to the Republic of South [sic] Vietnam for Fiscal Year 1975,” Hearing Before Subcommittee for the Committee on Appropriation, House of Representatives, Ninety-Fourth Congress, First Session, Monday April 21, 1975, p. 44)

Hôm thứ Hai 21 tháng 4, 1975 ông Kissinger đã phải đánh lừa trí nhớ của mình để quên đi buổi nói chuyện với Phụ tá Ngoại giao Nguyễn Phú Đức tại văn phòng của Tổng thống Nixon vào đầu tháng 12 năm 1972. Hôm ấy ông hùng hồn nói rằng người Mỹ đã phác họa một kế hoạch đánh bom trả đũa (nếu cộng sản mở cuộc tấn công) để thuyết phục Tổng thống Thiệu đồng ý với Nixon ký vào Hiệp định Paris 1973.

Thật ra còn nhiều chi tiết khác ông tiến sĩ không (thèm) nhớ. Và khi bị buộc phải nhớ thì ông “phù thủy hòa bình” biến những cam kết có gía trị pháp lý thành những lời hứa danh dự, lễ nghĩa (kiểu Chí Phèo), hay những phát biểu dự tính thôi…

Sài Gòn, giờ thứ 25 – Nghe phong phanh tin Nguyễn Cao Kỳ muốn đảo chánh, ngày 3 tháng 4, nhận lời từ nhiệm đồng loạt của Thủ tướng Khiêm và nội các, Tổng thống Thiệu chọn Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ viện làm Thủ tướng để lập chính phủ mới. Ngay lúc này CIA cũng thả bóng đo dư luận chính phủ Hoa kỳ. Polgar gởi điện tín dò dẫm xem Hoa Thịnh Đốn có OK một cuộc đảo chánh tại Sài Gòn hay không. Tuy nhiên, William Colby, Giám đốc Tình báo Mỹ ở Sài Gòn lúc đó, chưa quên sự kiện tháng 11, 1963, đã ra lệnh cho nhân viên biết bất kỳ một liên luỵ nào của CIA với cuộc đảo chánh là “một khủng hoảng tầm cỡ quốc gia và cơ chế. Nếu tình hình trở nên phức tạp hơn, cho biết, tôi sẽ cố gắng hết sức đưa ông Thiệu và gia đình đến chỗ bình an.”

Từ trái: ĐT Dương Văn Minh, Đs Jean-Marie Mérillon và Tr.T. Trần Văn Đôn. Nguồn: DCVOnline

Đánh hơi người đang hấp hối, đàn quạ đen và đám linh cẩu đang kéo đàn kết lũ. Mới tháng Ba người Pháp đã cho mình quyền không chấp nhận vai trò của ông Thiệu với bất cứ giá nào. Tại Paris, họ tổ chức đối thoại với đại diện Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam (PRG) và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DRV) để tìm giải pháp mà họ mô tả là sự trao quyền êm thắm tại Sài Gòn. Dựa vào văn bài từ thời ông Bảo Đại, Pháp đưa ra đề nghị Bắc Việt vẫn theo chế độ cộng sản, Miền Trung sẽ có chính phủ liên hiệp và tại miền Nam, chính phủ Thiệu sẽ rút lui nhường chỗ cho một chính phủ không-cộng-sản được Hà Nội chấp thuận. Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là Jacques Chirac đã cho Tướng Trần Văn Đôn hay tin miền Nam đã hết thời, người quốc gia chỉ còn 8 ngày để thoả hiệp nếu muốn tránh một cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn. Jean-Marie Mérillon, Đại sứ Pháp tại Sài Gòn, được lệnh từ Quai d’Orsay (Bộ Ngoại Giao Pháp) tìm cách đẩy Thiệu khỏi Dinh Độc Lập và đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng thống. Mérillon họp với Dương Văn Minh lần đầu tiên ngày 17 tháng Tư và hứa hậu thuẫn Minh 100%.

Pháp cũng rủ Mỹ cùng vào họp phiên chợ chiều. Mérillon cho khoét lỗ xuyên vách, gắn đường điện thoại đặc biệt từ phòng của Martin sang toillet của mình. Đây là điều dễ thực hiện vì văn phòng của Mérillon sát bên tòa Đại sứ Mỹ. Theo lời của người giúp việc, ông Đại sứ Pháp làm việc trong cầu tiêu khá nhiều trong những ngày tháng Tư, 1975.

Dù vẫn nghi ngờ việc Mérillon xác nhận Dương Văn Minh là người cộng sản chấp nhận được, Martin cũng như Polgar và Mérillon trong thời gian này đều phớt lờ với những thông tin do chính tình báo Pháp ở Tòa Đại sứ Hà Nội cho biết, chính xác, không thể có một thỏa hiệp giờ thứ 25 được.

Tám ngày mà Chirac nói với Trần Văn Đôn thật ra là thời gian để Lê Đức Thọ từ Bắc vào Trung Ương Cục Miền Nam đem theo lệnh của Bộ Chính trị đến cho tất cả cấp chỉ huy mặt trận tiền phương thi hành đợt sau cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này Tướng Đôn cũng cho rằng mình đang có liên lạc với một nhân vật (không tên) của Chính phủ Lâm thời (PRG) để vận động Đại sứ Martin.

Vài dòng về cái gọi là “War Powers Act of 1973” và ông Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger

Trước nhất, James R Schlesinger đã bị một số TNS phê bình và bắt chẹt trong buổi điều trần trước khi bổ nhiệm vào tháng Sáu năm 1973 sau khi Schlesinger tuyên bố sẽ tái đánh bom Bắc Việt và Ai Lao nếu cộng sản (Bắc Việt) mở cuộc tấn công miền Nam Việt Nam. Đó là 1973, nhưng khi Việt cộng tràn quân xuống phía Nam vĩ tuyến 17 năm 1975 thì ông Schlesinger lo cãi nhau với nhân viên Ngoại giao để mở cuộc tháo chạy càng sớm càng tốt. Sáng sớm ngày 29 tháng Tư, 1975, ông Bộ trưởng dọa-đánh-bom-Bắc-Việt-bảo-vệ-đồng-minh-Nam-Việt-Nam, lên đài tuyên bố cuộc di tản bằng trực thăng những nhân viên và binh sĩ sau cùng rời khỏi Sài Gòn. (Trích James R. Schlesinger, Wikipedia.)

Thứ hai, “War Powers Act of 1973” là cái cớ lớn nhất để Kissinger và một số người Mỹ hô hoán “Việt Cộng vi phạm Hiệp định Paris nhưng chúng tôi bị trói tay không làm gì được.”

James Baker III (t) và Warren Christopher (p) (Capitol Hill tại Washington ngày July 8, 2008.) Nguồn: upi.com/UPI Photo/Patrick D. McDermott

Trong bài Put War Powers Back Where They Belong đăng ngày 8 tháng Bẩy, 2008 trên tờ New York Times. Tác giả, hai cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker (1989-1992) và Warren Christopher (1993-1997), đề nghị dẹp bỏ cái luật “War Powers Act of 1973” vì tất cả Tổng thống kể từ Nixon (đã phủ quyết) đến nay đều xem đây là một đạo luật trái hiến pháp. (“…it would eliminate a law that every president since Richard Nixon has treated as unconstitutional…”). Đó là chuyện bây giờ. Thực ra “War Powers Act of 1973” đã bị vùi dập nhiều lần:

Hơn nữa, chẳng bao lâu sau cuộc tháo chạy tháng 4 năm 1975, quân đội Mỹ đã quay lại Cambodia đánh bom vào các căn cứ quân sự và kho xăng dầu trên lãnh thổ Kampuchea. Ngoài ra một tiểu đoàn Thủ quân Lục chiến Mỹ cũng đã đổ bộ bằng trực thăng xuống hòn đảo Koh Tang. Lý do? Vì quân Khmer đỏ đã cướp và bắt thủy thủ đoàn chiếc tàu SS Mayaguez, một tàu chuyên chở không vũ trang đăng ký với Mỹ. Sự kiện này xảy ra vào những ngày 12-15 tháng Năm, 1975, hai tuần sau Mỹ hô hoán bị War Powers Act trói tay không làm gì được tại Việt Nam. Trong trận chiến nhỏ này gần gần 20 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng. Một vài chi tiết khác đáng kể – Một là tên của những tử sĩ này những tên cuối cùng trên bức tường Tưởng Niệm Cựu chiến Binh Việt Nam ở Washington, D.C. Thứ đến, 39 người trong thủy thủ đoàn bị bắt đã được phóng thích trước cuộc đổ bộ của TQLC và 43 phút trước khi xưởng lọc dầu (không hoạt động) gần cảng Sihanoukville bị đánh bom. Báo giới không ồn ào, và quốc hội cũng không ầm ĩ nắn gân Tổng thống Ford đòi phải điều trần vì đã vi phạm “War Powers Act of 1973”. Sự kiện hay “khủng hoảng” Mayaguez này, một lần nữa, chứng minh chính phủ Mỹ đã đánh giá Việt Nam, “Tiền đồn của Thế giới Tự Do”, cao tới đâu.

Chính phủ đồng minh và “War Powers Act of 1973” là thế đó.

Hà Nội, 11 tháng Tư, 1975. Vào những giây phút cuối cùng của giờ thứ 25 chính phủ VNCH mới có dịp mặt đối mặt với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như Kissinger đã hứa với Nguyễn Phú Đức, Phụ tá Ngoại giao, để thuyết phục Tổng thống Thiệu ký Hiệp định hồi tháng Mười Hai 1972.

Cuộc trao đổi xẩy ra ngày 11 tháng Tư, 1975 tại Hà Nội. Điểm đáng chú ý, lần họp đầu tiên giữa hai phe đối nghịch trong cuộc chiến Việt Nam không bên nào đưa lời phát biểu tuyên truyền như ở những phiên hoà đàm khác. Cuộc trao đổi không tập dợt giữa hai bên đã được một người Mỹ thạo tiếng Việt ghi chép lại. Đây là một cuộc đối thoại độc nhất trong chiến tranh Việt Nam.

Như thường lệ, đoàn đại diện quân sự hỗn hợp bay từ Sài Gòn ra Hà Nội trong chuyến bay liên lạc hàng tuần dù tình hình chiến sự đang nóng bỏng.

Cuộc trao đổi bắt đầu khi thông dịch viên Ngô Trọng Đoá bất ngờ bị một sĩ quan tuỳ viên, chỉ xưng là ông Quang, thuộc Bộ Ngoại Giao VNDCCH buông lời nạt nộ. Ông Quang nhạo báng quân đội Việt Nam Cộng Hoà,

“Chúng tôi làm binh lính các anh sợ hết vía do đó họ chỉ còn biết bỏ chạy, bỏ chạy và bỏ chạy.”

Ngô Trọng Đoá trả lời tức thì,

“Họ chạy nhanh như thế chứng tỏ họ sợ cuộc ‘giải phóng’ của các ông. Họ bỏ chạy vì họ nghĩ rằng có người đang rút tấm thảm dưới chân (phản bội) họ vì đã có tin đồn về một mật ước giao cho các ông phần đất phía bắc của Nha Trang và Đà Lạt. Vì thế, nỗi sợ hãi đã cho họ thêm cánh, không phải sợ cái chết ở chiến trường, nhưng họ sợ, nếu không kịp chạy cho nhanh, sẽ phải sống với chế độ của các ông.”

Phản ứng khinh xuất của Ngô Trọng Đoá đã khiến sĩ quan tuỳ viên chính của Hà Nội, Thiếu tá Huyên, lên tiếng.

“Này ông Đoá, tôi không nghĩ ông không hiểu những cụm từ ‘cộng sản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’ nghĩa là gì cả.”

Đoá trả lời,

“Tôi công nhận nhiều người trong những người chống cộng sản chúng tôi không hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì, nhưng tôi thấy rất rõ, các ông, những người chống chúng tôi cũng không hiểu một chút gì về hai chữ tự do hết. Hậu thế có thể sẽ phán xét cả hai phe chúng ta đều xuẩn ngốc.”

Thiếu tá Huyên đáp lời,

“Lịch sử sẽ đứng về phía chúng tôi. Ông không thấy sao, lịch sử đã minh chứng ngày càng có nhiều người đại diện cho tầng lớp tiến bộ của nhân loại đang ôm chủ nghĩa xã hội vào lòng, xem đây là một cơ chế chính trị ưu việt. Ông không thể nào đi ngược với sức mạnh của lịch sử.”

Ông Đoá nói,

“Ông tự cho là sức mạnh của lịch sử đứng về phía các ông, và tôi cho là lịch sử sẽ đứng về phía chúng tôi. Vì chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề này trong tương lai, hãy đợi thêm vài trăm năm nữa xem ai trong chúng ta đúng, và đừng để một ai quả quyết là họ hoàn toàn đúng nếu họ thực lòng muốn hoà giải hoà hợp dân tộc,”

(Stuart A. Herrington, “Peace with Honor? An American Reports on Vietnam”, Presidio Press, 1983. Trang 177-178)

Cuối năm 2008 – Ở vùng đất thanh bình. Lịch sử sẽ đứng về phía của ai? Thiếu tá Huyên và ông Đoá không phải đợi vài trăm năm như đã tưởng.

Bức tường Berlin sụp đổ 1989. Nguồn: Carol Guzy/The Washington Post/Getty Images

Chỉ 14 năm sau thôi, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi 1989-1991, những chế độ chính trị ưu việt của Thiếu tá Huyên đã lần lượt sụp đổ: Từ Hội nghị Bàn tròn ở Ba Lan đến vụ thảm sát “Lục Tứ” Thiên An Môn ở TQ, rồi vợ chồng Nicolae và Elena Ceaucescu bị tử hình, Vaclav Havel trở thành Tổng thống không cộng sản đầu tiên của Czechoslovia kể từ 1948, Lithunia, Latvia, Estonia lần lược tách khỏi Liên bang Sô Viết, 1990 Boris Yeltsin xé thẻ đảng Cộng sản Nga, 3 tháng 10 Đức thống nhất, 1991 Boris Yeltsin trở thành Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên, Slovia rồi Croatia lần lượt tách khỏi Yugoslavia…

Và cái đảng của Thiếu tá Huyên hiện nay thực chất chỉ là một đảng cướp đeo mặt nạ Karl Marx, khoác áo tơi Engels đi đánh lừa thế giới. Có nhiều khả năng Thiếu tá Huyên và nhiều đồng chí của ông cũng đang viết hồi ký Rồng rắn, Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội, Hồi ức và Suy nghĩ, Làm người là khó, như các ông Trần Độ, Nguyễn Văn Trấn, Trần Quang Cơ, Đoàn Duy Thành… đã viết.

Bốn mươi mốt năm sau – Tháng Tư 2016,  “những khoảnh khắc buồn nhất đời tôi”

Khi một cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa đã sống 10 năm trong nhà tù cộng sản nói với Henry Kissinger rằng, “Ông đã không làm gì hết” và đã phản bội đồng minh, kiến trúc sư của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ một thời đã không nao núng. Kissinger nói

“Tôi rất thông cảm với những câu hỏi như vậy của người Việt Nam. Họ có quyền nghĩ rằng nhiều chính phủ của chúng ta đã hứa sẽ hỗ trợ (Việt Nam Cộng hòa).”

Tối hôm thứ Ba 26 tháng Tư, 2016, tại Thư viện Tổng thống LBJ ở khuôn viên đại học Texas tại  Austin, TX, ông cựu ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Cuộc xâm lược miền Nam Việt Nam của quân cộng sản Bắc Việt đã vi phạm hiệp định Paris mà ông đã đóng vai chính trong cuộc điều đình hai năm trước đó, cũng như sự thất bại của Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã bất động không làm bất cứ điều gì trước sự vi phạm trắng trợn của cộng sản miền Bắc, là những “những khoảnh khắc buồn nhất đời tôi.”

Kissinger, cố vấn của Tổng thống Lyndon B. Johnson và sau này phục vụ dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, cho biết chính phủ Mỹ đã có những “sai lầm chiến thuật”, nhưng ông không hề hối tiếc về vai trò hoạch định chính sách cho Hoa Kỳ trong thời chiến ở Việt Nam. Ông nói,

“Tôi đã cố gắng hết sức, và đó là tất cả những gì tôi có thể nói.”

Nay đã 94, Kissinger có lẽ là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất trong trong chính giới Hoa Kỳ hiện đại. Giới phê bình coi ông là một tội phạm chiến tranh, cạnh những chinh sách khác, vì vai trò của Kissinger trong việc bí mật mở rộng cuộc chiến Việt Nam qua Campuchia. Người ủng hộ Kissinger ca ngợi ông là một chính khách lỗi lạc, người đã chấm dứt chiến tranh Việt Nam và tiên phong làm hòa với Liên Xô và Trung Quốc.

Henry Kissinger tại thư viện LBJ đại học Texas tại Austin, TX - 26 tháng Tư, 2016. Nguồn: Jay Janner
Henry Kissinger tại thư viện LBJ đại học Texas tại Austin, TX – 26 tháng Tư, 2016. Nguồn: Jay Janner

Dù đã “cố gắng hết sức” nhưng Kisinger bất lực trước sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam để rồi than rằng đó là “những khoảnh khắc buồn nhất đời tôi”. Hẳn ông phù thủy hòa bình cũng biết sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa đã gây ra “những khoảnh khắc buồn nhất đời” cho hàng triệu con người Việt Nam, ở bên thua cuộc đã đành, và cả những người từng tưởng rằng họ ở bên thắng cuộc.

Hai thế hệ đã đi qua, nỗi buồn tháng Tư  sao vẫn chưa nguôi?

***

“Thôi đừng ‘làm’ chính trị nữa. Không được gì đâu,” lời nhắc của người bạn khiến người viết nhớ đến một người làm chính trị ở trời tây,

“Những bài học lịch sử rất rõ ràng và cũng là lời cảnh báo. Nếu bạn không chịu khó quan tâm đến chính trị, chính trị sẽ làm nhiều điều rất khó chịu cho bạn.”

The lessons of history are clear and portentous. If you do not turn on to politics, politics will turn on you. — Ralph Nader.

Người tri thức Việt Nam hôm nay, trước hiện tình đất nước, khó mà không có quan điểm chính và cũng khó mà không bày tỏ thái độ chính trị như một công dân. Người Việt Nam còn trẻ, hay không còn trẻ, khi đọc lại nhưng trang tài liệu và lịch sử cận đại có lẽ nhận thấy lý lẽ của Ralph Nader thuyết phục hơn câu “Thôi đừng ‘làm’ chính trị nữa. Không được gì đâu.”

Dĩ nhiên mọi người đều hiểu những trăn trở về đất nước và thân phận con người không dễ dàng bày tỏ ở các quốc gia độc đảng độc tài. Hiến chương 08 hay Linh bát hiến chương vừa lên mạng thì nhà nước TQ đã đi lùng và bắt bớ công dân. Ở thời đại thông tin toàn cầu, nhà nước CHXHCN Việt Nam vẫn đòi kiểm duyệt các trang blog của người dân, dựng tường lửa ngăn chận thông tin đi vào trong nước, ép báo chí đi lề bên phải, v.v…

Lựa chọn nào cho đất nước?

Để Trần, Lê, Phạm, Nguyễn, v.v. quan tâm đến chính trị, bày tỏ quan điểm chính trị và làm chính trị, quyết định vận mệnh Việt Nam hay để Hu, Wen, Putin, Obama, Sarkozy, … bàn bạc và quyết định hộ dân tộc Việt Nam như Mao, Chu, Brezhnev, Dobrynin, Nixon, Ford, Kissinger, Schlesinger, d’Estaing, Chirac đã làm ở thế kỷ trước?

Tư duy và chọn lựa vẫn là quyết định của từng người dù đang sống dưới chế độ độc tài hay đang hít thở không khí tự do. Tuy thế, người viết tin rằng câu trả lời, nhất là từ những thanh niên trong nước, nhất định không thể là, “Chính trị đã có đảng, có bác Mạnh, bác Dũng, bác Triết lo rồi; chúng em còn trẻ có lo cũng không được gì đâu!”

Lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 19 đã trân trọng ghi những tên Phan Thanh Giản (04/08/1867), Nguyễn Tri Phương (20/12/1873), Hoàng Diệu (25/04/1882).

Sang cuối thế kỷ thứ 20, theo chân cụ Phan, cụ Nguyễn, cụ Hoàng là các sĩ phu VNCH – Đại tá Lê Câu Trung đoàn trưởng Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 Bộ binh (10/03/1975), Đại tá Nguyễn Hữu Thông Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Sư đoàn 22 Bộ Binh (31/03/1975), Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II (29/04/1975), Trung tá CSQG Nguyễn Văn Long (30/04/1975), Thiếu tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó Quân đoàn IV (30/04/1975), Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh (30/04/1975), Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh (30/04/1975), Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn IV (01/05/1975), Luật sư Trần Chánh Thành (03/05/1975), Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện (14/08/1975), và nhiều tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa khác nữa…

Xin ghi nhớ Lê thị Công Nhân, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Nguyên Sang, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn văn Hải,… những người đã có chọn lựa rõ rệt, dù chỉ một thời. Lịch sử sẽ đứng cùng với họ.

Miền đất lạnh, đầu thu 2018

© 2008-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả, đăng lần đầu trên DCVOnline.net ngày 01/01/2009, bổ túc 28/04/ 2016. DCVOnline biên tập và minh họa

Tham khảo:
– Henry Kissinger, “Crisis: The Anatomy of Two Major Foreign Policy Crises”, New York: Simon & Schuster, 2003.
– Arthur J. Dommen, “The Indochinese Experience of the French and the Americans: Nationalism and Communism in Cambodia, Laos, and Vietnam”, Indiana University Press, 2001
– Nguyen Phu Duc, Phu Duc Nguyen, Arthur J. Dommen, “The Viet-Nam Peace Negotiations: Saigon’s Side of the Story”, Dalley Book Service, Inc., 2005
–  Ralph K.M. Haurwitz, “Kissinger: Fall of South Vietnam among ‘saddest moments of my life’”. American-Statesman, April 26, 2016.