Việt Nam sẽ già trước khi giàu?

David Hutt | DCVOnline

Nhận định kỹ hơn về dân số Việt Nam đang lão hóa và điều đó có nghĩa là gì.

Auguste Comte từng tuyên bố, ‘Nhân khẩu học là số phận.’ Người ta nghĩ chính phủ Việt Nam, hy vọng triết gia Pháp sai và số phận có thể thay đổi, bởi vì số phận của dân số của Việt Nam không có vẻ tốt.

Người ta thường nói rằng Việt Nam có một dân số trẻ; đây là một điểm thường được giới nghiên cứu kinh tế đưa ra như một dấu hiệu cho thấy đầu tư tài chính ở đây sẽ được bảo đảm. Tuy vậy, điều này không còn đúng sự thật (ít nhất là trong vài chục năm sắp tới). Hiện nay, độ tuổi trung bình của Việt Nam là 32 và khoảng 55% dân số dưới 34 tuổi. Tỷ lệ những người ở độ tuổi 15-64, thường được coi là tuổi “làm việc”, tăng lên 68%, cao hơn đáng kể so với tuổi “làm việc” ở cuối thế kỷ trước, và cao hơn so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Tháp Dân số Việt Nam | 2018. Nguồn: PopulationPyramid.com/DCVOnline.net

Đồng thời, số trẻ em, những người dưới 15 tuổi, đã giảm đi trong nhiều chục năm vừa qua. Ngày nay, tỷ lệ này là 23% dân số, so với gần 40% vào năm 1989. Hơn nữa, tỷ lệ sinh của phụ nữ đã ngưng tăng ở khoảng 1,95 lần sinh trên một phụ nữ ở mặt nào đó, so với 5 lần sinh vào năm 1980 và 3,55 lần sinh vào năm 1990 của mỗi phụ nữ. Một bài đăng trên blog của IMF trong năm nay cho biết, điều này có nghĩa là dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam sẽ giảm đi trong những thập kỷ tới, và hệ quả của điều này “có thể làm chậm mức tăng trưởng bình quân đầu người từ năm 2020 đến năm 2050.”

Như một biểu đồ dưới đây do IMF thực hiện cho thấy dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã lên đến đỉnh điểm, cách đây nhiều năm, khi thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Nó chỉ gần bằng một nửa thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc, một phần ba của Thái Lan, và gần một phần mười tiền lương ở Nhật Bản khi tuổi lao động của họ đạt đỉnh điểm. Nói một cách đơn giản, “Việt Nam có nguy cơ già đi trước khi phát giàu”; IMF đã nói .

Sức mua tương đương (USD) Nguồn: IMF

Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay coi Việt Nam có một trong những nước có dân số lão hóa nhanh nhất thế giới. Hiện tại, số người cao tuổi ở Việt Nam dưới 4% dân số cả nước, tương đương với khoảng 10 triệu người trên 65 tuổi. Đến năm 2030, tỉ tệ này dự đoán sẽ tăng lên gần 7% dân số, và nhiều hơn, 10%, vào năm 2050. Thêm vào đó, Việt Nam hiện có tuổi thọ (75 năm) cao thứ hai ở Đông Nam Á.

Câu hỏi chính, là liệu Đảng Cộng sản đang cầm quyền có thể làm bất cứ điều gì để giảm bớt những khó khăn trong tương lai — đi kèm với một tỉ lệ người già tăng nhanh và một lực lượng lao động ít đi — gồm việc chính phủ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe và trả lương hưu, thu nhập thuế lợi tức sẽ thấp hơn, và suy giảm sản lượng kinh tế.

Bộ Y tế Việt Nam đã có kế hoạch hành động cho những năm từ 2017 đến 2025. Theo kế hoạch này, tất cả người cao tuổi sẽ có thẻ bảo hiểm y tế vào năm 2025. Chính phủ đã gây ra một cuộc tranh luận về vấn đề dân số già nua không phải là điều cần phải quá lo lắng vì giới trẻ (con cháu) ở Việt Nam, thường chăm lo cho người cao tuổi (ông bà cha mẹ), sẽ làm giảm bớt trách nhiệm của chính phủ trong việc chăm sóc cho người cao tuổi.

Gia đình Việt Nam ngày nay (2 thế hệ). Nguồn: AsiaNews

Tuy nhiên, được biết hiện nay ở Nhật Bản và Thái Lan, hai quốc gia này cũng có dân số lão hóa, truyền thống chăm lo cho người cao tuổi đang dần biến mất. Lý do chính là vì hiện tượng đô thị hóa (ở Việt Nam tỷ lệ hàng năm hiện tại là 2,59%) và kế đó là lối sống hiện đại đã khác xưa, có nghĩa là mọi người có khuynh hướng sống với vợ/chồng và con nhỏ, chứ không sống với cả cha mẹ hoặc ông bà. Vì vậy, cuối cùng thì chính phủ có thể sẽ phải có trách nhiệm chi trả hầu hết cho việc chăm sóc cho người cao tuổi.

Việt Nam đã có một số đề nghi đổi mới như có thể tăng tuổi nghỉ hưu, hiện tại là 60 tuổi cho đàn ông và 55 tuổi cho nữ giới (tuổi nghỉ hưu của công chức chính phủ cao hơn tư chức năm tuổi). Đây là môt đề nghị đã được đảng cộng sản xét đến vào năm 2016, và xét lại một lần nữa vào tháng Sáu, 2017 mặc dù người ta vẫn chưa rõ liệu những thay đổi trong Bộ luật Lao động có được chấp nhận hay không.

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ nới rộng tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động, làm giảm bớt chi phí trả lương hưu và chi phí chăm sóc sức khỏe trong thời gian đó. Nhưng chắc chắn nó sẽ bị phảng ứng bất lợi và giận dữ, như ở mọi quốc gia khác trên toàn thế giới khi chính phụ dự định tăng tuổi nghỉ hưu. Thay đổi hệ thống lương hưu được công bố vào năm 2015, đã khiến người về hưu không có thể thu được tiền bảo hiểm xã hội trả một lần khi họ nghỉ việc, hàng ngàn công nhân đã đình công, buộc chính phủ phải giảm lại những thay đổi. Tổ chức Lao động Quốc tế tuyên bố, vào thời điểm đó, đã có tin cho rằng Việt Nam đang hướng đến một cuộc khủng hoảng lương hưu ngay sau năm 2021, khi quỹ an sinh xã hội của quốc gia bắt đầu đi vào thâm hụt. Và đến năm 2034, quỹ có thể cạn kiệt hoàn toàn.

Chính phủ cũng có thể tăng thuế, như họ đã bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay dù mức tăng thuế tương đối khiêm tốn nhưng vẫn tạo ra nhiều giận dữ trong quần chúng. Vài tháng trước đây khi còn ở Hà Nội, mọi người nói với tôi rằng họ ghét việc thuế tăng lên vì cùng lức tiền “bôi trơn”, thuật ngữ của người địa phương khi nói đến tiền hối lộ, cũng đang tăng lên. Thí dụ, kế hoạch tăng thuế xăng dầu của Bộ Tài chính, từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng mỗi lít. Khoản tăng này được được nhà nước gọi là “thuế môi trường”, điều mà rất nhiều người dân không tin: họ coi đó chỉ là cách tăng ngân sách nhà nước, chứ không phải là để bảo vệ môi trường; đây có thể là một đánh giá thực tế. Hơn nữa, giá xăng ở Malaysia và Indonesia đã cao hơn và với thuế tăng lên, một lít xăng sẽ bằng một phần sáu lương công nhật của người trung bình. Thật vậy, nhiều người nói rằng kế hoạch tăng thuế đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức thu nhập của công nhân.

Vì vậy, như chúng ta đã thấy, lập một kế hoạch cho một dân số già đi trong tương lai đòi hỏi rất nhiều đóng góp của khối dân số hiện nay. Trong bối cảnh này, Việt Nam vẫn nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản, họ đã từ chối không cho công dân Việt Nam ngay cả cái nhìn thoáng qua về dân chủ trong nhiều chục năm qua. Như người ta nghĩ, bây giờ các cuộc biểu tình chống chính phủ đang gia tăng và sự đàn áp của chính quyền cũng thế.

Đồng thời, công khố quốc gia đang ở tình trạng nghèo nàn. Nợ công được cho là khoảng 64,7% GDP, có nghĩa là cần phải có những biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của chính phủ đã tăng từ 5% GDP năm 2000 lên 6,5% năm ngoái. Chính phủ dự định giảm xuống 3,5 phần trăm vào năm 2020; đây có thể một tham vọng dường như sẽ không thể xảy ra. Thật vậy, để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chi ít nhất 480 tỷ USD trong bốn năm tới cho các dự án cơ sở hạ tầng, gồm xây dựng sân bay, đường sắt và đường bộ mới.

Nhưng chính phủ Cộng sản Việt Nam đã không đủ khả năng để thực hiện những dự án này; những đình trệ liên tục trong dự án xây đường tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình, và dường như họ sẽ không đạt được mục tiêu nếu phải cắt giảm chi tiêu nhà nước quá nhiều. Đầu tư tư nhân có thể là con đường trước mặt. Nhưng, hiện tại, số đầu tư tư nhân chỉ chiếm khoảng 10% kinh phí trong các dự án cơ sở hạ tầng. Và nếu muốn tỷ lệ này tăng lên thì chính phủ sẽ phải áp đặt nhiều cải cách kinh tế hơn là họ sẵn sàng thực hiện.

Như tôi đã biện luận nhiều lần, tính hợp pháp của Đảng Cộng sản trong con mắt của công chúng phụ thuộc phần lớn vào khả năng của ho để giữ cho nền kinh tế phát triển và cải thiện mực sống của người dân. Những người khác chấp nhận nguyên trạng bởi vì, ít nhất là trong quá khứ, đảng Cộng sản đã có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nhưng đến nay ngay cả dịch vụ này đang là những vấn đề không có giái pháp. Tham nhũng gia tăng là một dấu hiệu tự nhiên khi cầu lớn hơn cung. Theo một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế mới công bố năm 2017, Việt Nam hiện được cho là nước tham những hối lộ hàng thứ hai ở châu Á. Sáu mươi lăm phần trăm (65%) người dân nói rằng họ phải trả tiền hối lộ, hoặc “tiền mỡ bôi trơn”. Gồm cả hối lộ để con em được nhận vào trường giỏi hoặc có những chỗ tốt trong bệnh viện.

Vì vậy, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không còn có thể cung cấp các dịch vụ căn bản cũng như bảo đảm sẽ cải thiện được mực sống cho hầu hết người dân, có vẻ như nhiều người hơn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi mục đích của Đảng là gì. Quan trọng hơn, không còn những hình thức hợp pháp truyền thống của nó, nhiều người sẽ bắt đầu đòi quyền quyết định ai sẽ là những người cai trị họ. Khi đưa thêm biến số dân số lão hóa, cần được chuẩn bị cho bây giờ, vào phương trình quản trị xã hội thì mọi thứ bắt đầu trông có vẻ không có gì sáng sủa lắm cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Will Vietnam Grow Old Before it Gets Rich? | David Hutt, The Guardian | October 02, 2017.