Các Bà Mẹ Thiên An Môn

Madri di Tiananmen | mythanh dịch

Trong bản tin hàng năm để tưởng niệm vụ thảm sát phong trào Dân Chủ tại Quảng trường Thiên An Môn, một nhóm bao gồm gia đình các nạn nhân kêu gọi nhà cầm quyền đối thoại “trước khi quá trễ” và vì “sự thật, không phải tiền”. Nhắc đến các biến động tại Trung Đông: “Bắc Kinh sợ Dân chủ lan tràn đến Trung Hoa, và đó là lý do họ đàn áp nhân quyền.”

Các Bà Mẹ Thiên An Môn: “Vào Ngày 4 tháng Sáu, cả thế giới đã khóc”

Mẹ Thiên An Môn: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể thoát khỏi trách nhiệm lịch sử của vụ thảm sát “ngày 4/6”. Nguồn: http://www.tiananmenmother.org/

Beijing (AsiaNews) | Năm nay, kỷ niệm 22 năm phong trào Dân Chủ Thiên An Môn đúng vào thời điểm các cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự do, và nhân quyền tại Bắc Phi và Trung Đông lan toả như đám cháy rừng. Là người thân của những người bị giết trong phong trào năm 1989, ký ức của chúng tôi vẫn sắc cạnh với những đau đớn không cùng khi nhớ lại kết cuộc bi thảm không cùng chiều của thảm hoạ đó.

Chúng tôi luôn vững tin rằng tất cả những gì xảy ra trong ngày sụp đổ 4 tháng Sáu đã in sâu vào lương tâm con người, dân tộc Trung Hoa, nhất là người dân Bắc Kinh, không thể nào quên được các biến cố trong ngày 4 tháng Sáu. Họ không thể quên những thanh niên, thiếu nữ bị bắn và nghiến nát bởi quân đội Trung Quốc. Cuộc thảm sát ngày 4 tháng Sáu sẽ không bị quên lãng, dù rằng người ta che giấu và ngăn chận. Nó sẽ mãi mãi tồn tại trong những trái tim. Nó đã in khắc một cách không thể xoá mờ trong lịch sử.

Vào đêm kinh hoàng 3/6/1989 đó, những đội quân Trung Quốc, có bóng tối đồng loã và với xe tăng, võ trang mở đường, tiến vào Thiên An Môn từ mọi hướng, chúng tới đâu rượt, bắn người túi bụi đến đó, sinh viên cũng như thường dân thương vong trầm trọng. Khi các sinh viên biểu tình rút lui trong ôn hoà và trật tự khỏi Thiên An Môn vào sáng sớm mùng 4, những xe tăng quân đội đã đuổi theo và cán họ, gây tử thương và thương tích trầm trọng hơn chục sinh viên ngay tại đó. Thậm chí cho đến ngày 6 tháng Sáu, nhà cầm quyễn vẫn chưa cho quân đội ngưng hoạt động. Ngày đó, chỉ một con đường Fuxingmenwai, ba người bị giết và ba người bị thương trầm trọng, người nhỏ nhất trong ba chỉ mới 13 tuổi. Trong khoảnh khắc, trời đất sụp đổ trọn khắp thành phố Bắc Kinh. Tiếng than khóc khắp nơi. Trong khoảnh khắc, những khuôn mặt và thân hình xinh đẹp trẻ trung, người nối người trở thành cát bụi, biến vào lòng đất.

Cho đến nay chúng tôi đã bỏ 22 năm để thu thập được tài liệu của 203 nạm nhân của ngày 4 tháng Sáu. Vẫn còn rất nhiều các nạn nhân chúng tôi chưa tìm thấy, hoặc các chưa có tin tức người thân của các nạn nhân.

Trong số 203 nạn nhân được ghi nhận, một số bị đánh đập đến chết khi phản đối quân đội xử dụng bạo lực với thường dân; một số bị bắn khi họ đang cứu những người bị thương hay mang vác người chết; có những người bị đám thiết quân luật đuổi tận vào các hẻm phố và giết chết; có những người bị những viên đạn lạc của đám binh sĩ thiết quân luật bắn ngay trong nhà riêng của họ; và có những người bị bắn chết khi họ đang chụp hình những cảnh xảy ra. Những điều tra và xác minh lập lại của chúng tôi ghi nhận không một nạn nhân nào có hành vi bạo động. Tất cả họ đều là những công dân và những người biểu tình ôn hoà.

Chúng tôi có tên, phái tính, tuổi, nơi làm việc, và nghề nghiệp của hầu hết nạn nhân. Chúng tôi có địa chỉ, tên trường, cấp lớp của tất cả các sinh viên. Họ đã chết một cách bi tráng. Chúng tôi không thể không chìm trong tuyệt vọng mỗi khi nhớ đến họ.

Chúng ta những người còn sống – cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái của các bạn – hãy khóc và thương tiếc vì sự ra đi của các bạn ! Những người trung niên, và nhất là những người trẻ, hãy đứng thật nghiêm trang để tưởng niệm các bạn!

Tục ngữ xưa nói “Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.” Cuộc thảm sát ngày 4 tháng Sáu không thể là một hành xử tuỳ tiện, mà là một hành xử có quyết định từ cấp cao nhất và bởi những người thừa hành trực tiếp. Có người đã chết, những người khác còn sống. Tội họ đã làm không thể thoát khỏi sự kiểm soát của luật pháp. Là chủ của món nợ lịch sử to lớn này, tất cả chúng tôi đều hiểu một luật bất di bất dịch: “Có vay thì phải có trả.”

Chúng tôi đã kiên trì trong cuộc chiến đấu gay go suốt hơn hai mươi năm lẻ để phục hồi danh dự cho những người đã chết và an ủi những tâm hồn chưa thanh thản. Chúng tôi đã nhiều lần viết gửi Uỷ ban Thường trực của Quốc hội, yêu cầu họ cung cấp nguồn ngọn sự thật và trách nhiệm về vụ giết những nạn nhân vô tội trong ngày 4 tháng Sáu. Chúng tôi cũng đòi hỏi Uỷ ban Thường trực thay đổi thái độ vô cảm của họ với ước vọng của người dân và tính giả điếc của họ trước các thỉnh nguyện của các gia đình có người chết, và mở cuộc đối thoại thẳng thắn, trung thực về những nạn nhân ngày 4 tháng Sáu với gia đình họ. Nhưng chúng tôi không hề nhận được bất cứ hồi đáp nào cho các thỉnh cầu này.

Vào cuối tháng Hai 2011, vào buổi tối của “Hai Hội Nghị” thường niên – Quốc Hội Nhân dân Quốc gia (NPC) và Hội nghị Tư vấn Chính trị của Nhân dân Trung Hoa (CPPCC)- một người thân của nạn nhân trong nhóm Những Bà Mẹ Thiên An Môn đã được Bộ an ninh chung trong khu vực họ liên lạc, cho một cuộc gọi-là giao dịch riêng và trao đổi ý kiến. Ít lâu sau, vào đầu tháng Tư, nhân viên an ninh đã có một cuộc nói chuyện nữa với gia đình đó. Người này đã không nói tới việc làm sáng tỏ sự thật, thực thi những điều tra pháp luật, hay cho bất cứ sự giải thích nào về trường hợp mỗi nạn nhân. Thay vào đó, họ chỉ nêu lên câu hỏi về bồi thường tiền bạc, nhấn mạnh rằng điều này chỉ có nghĩa với trường hợp cá nhân này, chứ không cho chung các gia đình trong nhóm.

Các Bà Mẹ Thiên An Môn đã liên tục kêu gọi chính phủ suốt 16 năm cho một cuộc đối thoại, nhưng chính phủ đã làm ngơ chúng tôi. Năm nay, cuối cùng, sự yên lặng đã mở. Điều này nên được hoan nghênh. Nhưng câu trả lời trễ tràng này có nghĩa là gì? Nếu các vị có thẩm quyền chỉ đơn giản muốn dàn xếp sự cố 4 tháng Sáu bằng tiền và qua giao dịch ngầm thì việc này có được thành quả gì?

Năm 1995, chúng tôi có ba yêu sách để giải quyết vấn đề ngày 4 tháng Sáu: sự thật, bồi thường và trách nhiệm. Năm 2006, theo những tình huống lúc đó, chúng tôi thêm một nghị trình bổ xung: vì cách giải quyết vấn đề 4 tháng Sáu một cách công bằng đòi hỏi một tiến trình nhất định, chúng ta có thể theo nguyên tắc xử trí những vấn đề đơn giản hơn trước. Những vấn đề có tính xung đột ý kiến tạm để qua. Những điểm có những ý kiến khác biệt nghiêm trọng, không thể dễ dàng thoả thuận – chẳng hạn, bản chất thật của biến cố 4 tháng Sáu có thể tạm thời gác lại. Thay vào đó, chúng ta có thể dàn xếp trước các vấn đề có liên quan tới các quyền lợi căn bản của nạn nhân. Có 6 vấn đề, bao gồm việc gỡ bỏ tất cả những theo dõi và cấm đoán cá nhân áp đặt trên những nạn nhân 4 tháng Sáu và gia đình họ, cho phép gia đình những kẻ xấu số để tang và thương tiếc mà không bị ngăn cấm ; và các cơ quan chức năng nhà nước trợ giúp nhân đạo cho những nạn nhân gặp khó khăn.

Cách giải quyết phụ này có nguyên tắc cơ bản và một lằn mức cuối cùng. Đó là: linh hồn của những ngưới bị thảm sát sẽ không bị xúc phạm; gia đình họ sẽ không bị khinh rẻ. Chúng tôi hôm nay xin lập lại: tất cả các vấn đề đều có thể thương lượng ngoại trừ hai điểm này.

“Tăng (tank) nhân” đang đứng chận đoàn xe tăng đang tiến về hướng tây trên đại lộ An bình Vĩnh cửu (Ave of Eternal Peace) gần quảng trường Thiên An Môn trong thời gian sinh viên biểu tình ở đây năm 1989. Bức hình được chụp từ tầng sáu của khách sạn Bắc Kinh, hôm 5 tháng Sáu 1989 bởi phóng viên Jeff Widener (AP). Nguồn: The Associated Press


Từ khoảng đầu năm, các cuộc biểu tình và phản đối đòi hỏi tự do dân chủ đã nổ ra khắp các nước Trung Đông và Bắc Phi. Chính quyền Trung Hoa nhắc đến và xếp loại các phong trào này là “biến loạn”; chúng chưa hề đựoc đề cập là những kêu goi cho tự do dân chủ. Tại sao? Câu trả lời là sợ hãi. Nỗi sợ hãi biến động tại Trung Đông và Bắc Phi sẽ lan tới Trung Quốc, và lo sợ nó sẽ dẫn đến những biến cố tương tự như Phong trào Dân chủ 1989. Nhà cầm quyền vì vậy thắt chặt kiểm soát trên xã hội dân sự và tăng cường đàn áp, đưa tới sự thoái hóa nghiêm trọng nhân quyền tại Trung Hoa; cụ thể, tình trạng từ tháng Hai năm nay là tồi tệ nhất kể từ biến cố 4 tháng Sáu. Một thời kỳ khắc nghiệt nhất tính từ 4/6/1989. Sự im lặng bao trùm cả nước. Chúng tôi ngạc nhiên, trong bối cảnh này mà các cơ quan an ninh lại chủ động có những đối thoại riêng tư với các gia đình nạn nhân Thiên An Môn. Không lạ sao được?

Con đường đối thoại của chúng tôi với chính quyền lúc nào cũng rộng mở. Sự khởi đầu luôn là điều khó khăn nhất trong bất cứ nỗ lực nào. Để chứng tỏ thiện chí, chính quyền nên phái hoặc chỉ định một viên chức riêng trách nhiệm cho việc đối thoại, hơn là xử dụng an ninh địa phương hay nhân viên an ninh chính phủ, những người giám sát và theo dõi chúng tôi hàng ngày để “nói” với chúng tôi. Điều này không đúng và vô ích. Vậy để phản ảnh tính cách bao gồm cho đối thoại, chúng tôi hy vọng rằng, thay vì những thảo luận cá nhân, chính quyền nên quy tụ nhiều gia đình nạn nhân _ không chỉ một, hai, nhưng ba, bốn, hay ngay cả với nhóm do các gia đình nạn nhân tổ chức _ cho đối thoại. Chúng tôi hy vọng đó sẽ không là những trao đổi kín, mà là một thảo luận mở, thẳng thắn và công khai, với tất cả các vấn đề, không che giấu bất cứ dữ kiện và khác biệt gì, và có như thế chúng ta mới hoàn thành trách nhiệm đối với những người chết và lịch sử. Chúng tôi không hề ảo tưởng những vấn đề của ngày 4 tháng Sáu có thể giải quyết đơn giản. Nếu là những bàn thảo, thì chúng phải là bàn thảo thật, giải quyết từng vấn đề trong ngọn ngành, hầu để đi tới sự đồng thuận một cách rốt ráo hay kết cục đồng thuận có cơ sở.

 

© 2011-2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Tiananmen Mothers: “On June 4, the whole world wept”  | The AsiaNews, 4 June 2011.
Bài đã đăng lần đầu trên DCVOnline.net nagfy 18-06-2011