Tham vọng toàn cầu hóa của nước Tầu và tương lai thế giới? (p2)

Nguyễn Văn Lục

Sau 30 năm cặm cụi, cúi đầu nhẫn nhục làm “cơ xưởng của thế giới”, nước Tầu đã có đủ sức tự mình vươn lên, tự mình sản xuất và bán ra ngoài.

Tầu cất cánh Kinh tế cùng lúc với Ngoại giao và Quân sự

1/ Để thoát khỏi vòng trì trệ sự phát triển việc đầu tiên Tầu phải làm trong nước là thực thi chính sách tư nhân hóa và cổ phần hóa. Ngay từ cuối thời Mao và sau Mao, những năm từ 1980, Trung Hoa đã có đủ can đảm giải thể các công ty nhà nước để cho tư nhân điều khiển. Hiện nay, rất khó để biết đầy đủ về việc giải thể từ một nền kinh tế do nhà nước điều khiển sang nền kinh tế hỗn hợp diễn tiến ra sao. Những con số đưa ra từ năm 1998 đến 2001 cho thấy có đến từ 7 triệu đến 9 triệu người thất nghiệp. 40 triệu. Phần lớn các công nhân bị thất nghiệp nằm trong công nghiệp dệt may, quân sự và khai thác mỏ diễn ra ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc như các tỉnh Liễu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang.

(China Economic weekly, ngày 27-10-2008. Zhang Jun Cai, China labor statistical Year book, 2005. Trích lại trong bản gốc tiếng Tây Ban Nha La silenciosa conquista China của Juan Pablo Cardenal & Heriberto Arạújo. Được Catherine Mansfield dịch dịch ra tiếng Anh với nhan đề: China’s Silent Army, xuất bản 2013. Bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Đình Huỳnh dịch từ bản tiếng Anh với nhan đề: Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, 2015, NXB Hội Nhà Văn, trang 165)

Trong khi đó, Các công ty Quốc Doanh của Việt Nam làm ăn thường thua lỗ vì nạn tham nhũng nên cũng có chính sách tư nhân hóa, cổ phần hóa. Việt Nam cũng theo gương chính sách cổ phần hóa, nhưng việc tiến triển rất chậm chạp vì quyền lợi của cán bộ lãnh đạo. Chính sách cổ phần hóa của Việt Nam còn gian trá như: Kêu gọi cổ phần hóa, nhưng chính các lãnh đạo trong công ty dùng tiền tham nhũng mua lại các cổ phần. Đó là một cách “rửa tiền” và hợp thức hóa tiền tham nhũng để biến công ty quốc doanh thành công ty tư nhân.

2/ Việc thứ hai là trong việc đầu tư ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc có chính sách xuất khẩu lao động. Đó là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của họ khi hợp tác với các đối tác ngoại quốc trên toàn thế giới như tại Việt Nam, tại Nga, tại các nước Mỹ Châu La Tinh và tại Phi Châu. Có 982 công ty làm trung gian xuất khẩu người Trung Quốc đi làm lao động ở các nước ngoài [Nguyễn Đình Huỳnh, ibid., trang 114]. Họ đã ký những hợp đồng không thỏa đáng. Việc khuyến khích xuất khẩu lao động chỉ nhằm giảm số người thất nghệp trong nước. Họ được các lãnh đâọ tỉnh thành ủng hộ, bất kể những bất lợi dành cho giới công nhân. Nhiều trường hợp các công ty này thông đồng với giới chức địa phương ăn chặn tiền lương, hoặc cắt giảm tiền lương không đúng với giao kèo họ đã hứa. Một vài tỉ dụ dẫn chứng:

Trường hợp Mozambique

 Trung Quốc đầu tư xây dựng một sân vận động hiện đại nhất với 42.000 chỗ ngồi tại Mozambique trong khi dân chúng tại đây sống trong nghèo khổ, đói nghèo. 260 công nhân Trung Quốc làm việc trên công trường nên được hưởng một mức lương tương đối khá 850 đô la, trong khi dân công nhân bản xứ chỉ được giả một mức lương thấp 150 đô la/tháng. Công nhân bị bắt làm nhiều giờ không được cung cấp thức ăn, nước uống nên đâm lười biếng, cố tình làm việc chậm chạp. Đã thế, cuối tháng còn bị khấu trừ không biết tại sao và không được giải thích. Họ nói: “Họ trả cho chúng tôi quá thấp. Họ trả giả vờ, nên chúng tôi làm giả vờ.”

(Nguyễn Đình Huỳnh, Ibid, trang 102)

Sở dĩ họ có thể chèn ép, bắt nạt công nhân ngoại quốc vì họ đã ăn chia chác, hối lộ quan chức địa phương và những người này bắt buộc làm ngơ cho Trung Quốc. Trung Quốc thường đấu thầu các công trình xây dựng với giá rẻ mạt, đổi lại họ được mua giá dầu chính thức hoặc nguyên liệu của nước sở tại. Việc tra đổi này luôn luôn đem lại lợi nhuận cho các nhà thầu Trung Quốc.

Trường hợp Gabon

 Công nhân Trung Quốc được tuyển sang làm bị đối xử như một thứ nô lệ mới.

Một số người Trung Hoa được chọn xuất khẩu lao động sang Gabon trên bờ biển Tây Phi. Ở đây, họ có nhiệm vụ xây dựng một con đường cao tốc, dài 112 km giữa hai thị trấn Fougamou và Mouila ở miền Trung Gabon băng qua trung tâm của nước này. Họ được hứa là mức lương họ được hưởng gấp ba lần số lương nếu họ làm trong nước. 1000 eu/tháng. Đó là vào năm 2009. Ở trại có khoảng 40 công nhân Trung Quốc, phần đông có quan hệ họ hàng với người đứng đầu của công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số công nhân không có liên hệ bà con với nhà thầu, họ bị bóc lột đến độ họ phải tìm cách bỏ trốn. Họ phải chạy trốn những tên côn đồ do ông chủ sai đuổi bắt họ. Họ phải đi ăn xin để sống sót ngay giữa Phi Châu. Khi gặp họ, ông Liu Senlin cho biết:

“Họ cho chúng tôi ăn gạo thối. Hàng ngày chúng tôi làm việc mười bốn giờ hoặc nhiều hơn. Họ không trả cho chúng tôi mức lương quy định trong hợp đồng. Chúng tôi là nô lệ. Đó là những gì chủ của chúng tôi nói với chúng tôi và đó là cách chúng tôi cảm nhận.”

Họ bị đánh đập, họ chạy trốn và và hai ngày đón xe dọc theo các con đường của xứ Gabon. Rồi họ tới được Libreville, thủ đô của Gabon. Gặp sứ quán Trung Quốc ở Libreville, họ chẳng giúp được gì và khuyên họ quay trở lại làm việc. và đừng nói chuyện với báo chí ở nước ngoài. (Nguyễn Đình Huỳnh, ibid, trang 110-111)

Trường hợp Kazakhstan

Bắc Kinh chỉ có mặt ở khu vực Trung Á sau sự sụp đổ của Liên Xô. Trung Quốc đã biết tận dụng khoảng trống nay do Nga Xô để lại.. Đó là một nền kinh tế èo uột trong khu vực, không cớ sở sản xuất đồ tiêu dùng. Nền kinh tế ấy chủ yếu dựa trên sự sản cuất dầu thô. Bán dầu cho Trung Quốc để lấy đô la và dùng tiền này để mua các sản phẩm rẻ tiền của Trung Quốc.

Tính chung đã có đến hàng ngàn tấn hàng của hóa Trung Quốc hóa được chở đến đất nước này mỗi ngày. Không thiếu một thứ gì. Theo ước tính của Juan Pablo Cardenal, mỗi ngày có khoảng 300 xe tải trở đầy hàng hóa đến đây. Và khi trút hàng xong, các xe tải ấy một cách vội vã quay về với xe trống rỗng. (Nguyễn Đình Huỳnh, ibid, trang 34)

Hầu như không có môt sản phẩm nội địa nào của Kasakhstan. Giờ đây nó phụ thuộc tuyệt đối vào đồ tiêu dùng của Trung Quốc mà người ta có thể nghĩ ra được.

Igor, người quản lý của một trong hơn hai mươi công ty cho thuê mặt bằng kinh doanh ở khu chợ chính của thủ đô Almaty khổng lồ này nói, “80 % các sản phẩm ở đây đến từ Trung Quốc”. Nhưng không ai chịu hiểu rằng 20 năm nữa không còn dầu và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lãnh vực năng lượng của Kazakhstan với hàng triệu đô la tín dụng của Trung Quốc là nỗi lo sợ thực sự. Những người Kazakhstan, tin rằng sau dầu thô Trung Quốc sẽ nhắm vào lãnh thổ. (Nguyễn Đình Huỳnh, ibid, trang 37)

 Hiện tượng “Hán Hóa” đã được củng cố với sự xuất hiện đường sắt ở Tây Tậng.                              

Đầu tư Trung Quốc

Đây là một trong những nan đề quan trọng nhất, đáng lo ngại nhất cho các nước có nền kinh tế đang phát triển dựa vào đầu tư của Trung Quốc. Lấy một hai trường hợp như ở Ecuador, nơi Tổng thống Rafael đã xóa bỏ việc thị thực đối với khách du lịch Trung Quốc. Chỉ trong 6 tháng, người Trung Quốc nhung nhúc ở các chợ chính của thủ đô. Họ tới đây để làm ăn bằng cách thành lập các doanh nghiệp của họ.

“Theo Oleg Lipaev, đại diện của Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga tại vùng Primorsky, hiện có 20.000 doanh nghiệp Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga, hầu hết là doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc. Do đó, ngành công nghiệp Trung Quốc chiếm 20% GDP của khu vực. Hơn 50% sản phẩm nông nghiệp ở Nga là do Trung Quốc sản xuất. Lipaev nói,

“Trong tương lai gần, giao thương với Trung Quốc có lợi cho Nga và các khu vực thuộc ảnh hưởng Nga, đặc biệt cho người dân. Tuy nhiên, có lẽ trong mười hay mười lăm năm nó sẽ trở thành mối đe dọa cho nền kinh tế Nga. Trong năm hoặc sáu năm vấn đề việc làm sẽ còn tồi tệ hơn bây giờ nhiều.”


(Nguyễn Đình Huỳnh, ibid, trang 173)

 Nhưng cho đến nay thì cũng không ai biết được con số chính xác con số di dân đến Nga là bao nhiêu. Con số dự đoán là 4 triệu hợp pháp cũng như bất hợp pháp, thường ở những vùng giáp biên giới với Nga. Do sự sụp đổ của Liên Xô nhờ đó cần lực lượng người Trung Quốc tạo ra một vùng kinh tế công nghiệp ở miền Bắc Trung Quốc.

Người Trung Hoa tại châu Phi, Mỹ La Tinh và Trung Á

Chẳng những thế, người Trung Quốc còn có mặt tại châu Phi, Mỹ La Tinh và Trung Á dưới một chính sách kinh tế dựa trên “Tài nguyên thiên nhiên của anh đổi lấy hạ tầng và sản phẩm của chúng tôi”. Bắc Kinh còn xử dụng khái niệm “chính sách cùng thắng” để mô tả chính sách kinh tế.

 Chẳng hạn, Trung Quốc đã xây dựng đường sắt Tanzania với Zambia với 25.000 công nhân Trung Quốc xây dựng giúp Phi Châu tăng năng xuất gạo và đường ở Châu Phi. Nhưng đổi lại Trung Quốc được lợi gì?

Đó cũng là tình trạng Trung Quốc xây dựng các tuyến đường cao tốc, hạ tầng cơ sở cho Việt Nam như trường hợp các hợp đồng thầu xây dựng hạ tầng cơ sở ở ngoài Hà Nội (Các các hợp đồng thầu phía Nam do Nhật ký kết). Thầu với giá thấp nhất, rồi hối lộ quan chức, làm ăn giả dối, rồi đội vốn đến đội giá thành tăng gấp hai đến ba lần gói thầu lúc ban đầu.

Ngoại giao đường sắt cao tốc

Có lẽ không một quốc gia nào trên hành tinh này mà hệ thống đường sắt phát triển một cách cực kỳ nhanh chóng như Trung Quốc. Ngoài việc phát triển đường sắt trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Giữa năm 1990 đến 2008, Trung Quốc đã chi 32.000 tỷ nhân dân tệ cho mục đích này (Tỷ giá 10 nhân dân tệ bằng một euro) Trung Quốc còn có tham vọng vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc

(Jonathan Holslaf, China’s road to Influence, Asian Survey, 2010)

Trước tiên là đường sắt ở Tây Tạng xây năm 2007, dài 1.956 km ở cao độ 5000 m với số vốn 3,3 ti euro. (Nguyễn Đình Huỳnh, ibid, trang 218)

Đường sắt nối liền Thanh Hải với Tây Tạng. Nguồn:www.tibettravel.org

Đường sắt Qinghai-Tây Tạng là đường sắt đầu tiên đến Tây Tạng, nối Tây Tạng với Trung Quốc đại lục và kết thúc lịch sử một Tây Tạng không có đường sắt.

 Theo Wang Menshu, một kỹ sư và cố vấn cho Bộ Đường sắt Trung Quốc, tham vọng này mong kết nối các nước Trung Quốc với Đài Loan, Hàn Quốc, Nga Trung Á và Đông Nam Á. Các dự án này lên đến nhiều chục tỉ đô la đều do hai công ty nhà nước Trung Quốc là China Railway Group (REC) và China Railwway Construction Group (CRCC). Và Trung Á lúc ấy như cửa ngõ đi vào Âu Châu.

Tuy nhiên, các dự án con đường tơ lụa trên thực tế bất khả thi, thêm vào là tệ nạn tham nhũng nên nay bị bỏ lửng. Và Bộ trưởng đường sắt Liu Zhijun bị tố cáo tham nhũng, bị cách chức và bị khai trừ khỏi đảng.

Theo Wang, các dự án sẽ do Bắc Kinh tài trợ để đổi lấy “quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và thị trường mới cho các sản phẩm Trung Quốc.”

(Nguyễn Đình Huỳnh, ibid., trang 215)

Chính sách của Bắc Kinh là họ xây dựng đường sắt cho cơ sở hạ tầng, để đổi lại, nước sở tại trả bằng tài nguyên thay vì tiền mặt.

Công việc cho vay tiền xây cớ sở hạ tầng áp dụng ở Tây Tạng, Tân Cương, Kazakhstan và nhiều nơi khác.

Chỉ riêng năm 2010, Trung Quốc đã cho các quốc gia này vay ít nhất 13 tỉ đô la. Một lãnh đạo đối lập Kazakhstan trong nhóm các nước Trung Á (bao gồm Kazakhstan, Kyrgystan, Uzbekistan và Turmanistan) này phát biểu cho hay:

“Chúng tôi sẽ bắt đầu bán rẻ lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi sở hữu lãnh thổ rộng lớn và có biên giới chung [với Trung Quốc], vì thế bản đồ có thể được vẽ lại để bán đi một vài nghìn ha đâu đó.”

Chưa kể với 5 nước Trung Á với số dân 61 triệu người, Trung Quốc nắm giữ vị trí thương mại thống trị trong khu vực. Họ kiểm soát 28% tài nguyên thiên nhiên (khí và dầu).

Theo Mara Gubaidullina, giáo sư tại Kazakhstan’s National University, về mặt chính trị, Trung Quốc còn yêu cầu Kazakhstan ký một tài liệu về quan hệ song phương, không chỉ yêu cầu Kazakhstan tuân thủ “nguyên tắc một Trung Quốc”, mà còn yêu cầu nước này từ chối cho phép “các phong trào ly khai” ở biên giới, rõ là nhằm chống lại người Duy Ngô Nhĩ dù không nói ra.

(Nguyễn Đình Huỳnh, ibid, trang 222, 226)

Kết luận

Khi viết những dòng này, vào năm 2019, người viết cho thấy còn có nhiều biến chuyển bất ngờ vượt mọi dự đoán.

Chẳng hạn, đối với nước Mỹ, hầu như đứng ngoài hai đại họa trong thế kỷ 20, chủ nghĩa Phát Xít Đức tàn lụi và chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tiếp theo sau đó với việc bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9-11-1989. Cả hai đại họa ấy chỉ làm cho nước Mỹ có cơ hội mạnh hơn, phát triển hơn và trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.

Thế giới hầu như thở dài thoát gánh nặng một cuộc chiến tranh lạnh do Liên Xô lãnh đạo khối cộng sản và Mỹ dẫn đâu khối tự do. Cố vấn an ninh của Tòa Bạch Ốc, Zbigniew Brzezinski, một trong những cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Carter đã ngạc nhiên trước những diễn biến lịch sử đầy bất ngờ tuyên bố:

“C’est vraiment étrange, le communisme né avec ce siècle, va mourir avec lui.” (Thật là điều kỳ lạ, chủ nghĩa cộng sản được sinh ra ở thế kỷ này thì nó cũng đã chết ở thế kỷ này.)

(Éric Laurent. La face cachée du 11 septembre. Plon, 2004, trang 9).

Nhưng lịch sử có những bất ngờ ngoài mọi dự đoán. Cũng chính cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski đã cố vấn Tổng thống Carter nên đỡ đầu và trang bị quân sự cho phiến quân Mujahideen khi Liên Xô xâm chiếm nước Afghanistan vào năm 1979. Osama bin Laden và nhóm Al Qaeda đã xuất hiện từ cuộc tranh chấp này.

[DCVOnline | 1979, sau khi tốt nghiệp đại học bin Laden đã đến Pakistan hợp tác với Abdullah Yusuf Azzam, Cha đẻ của thánh chiến toàn cầu, và tài trợ cho kháng chiến quân Mujahideen trong chiến tranh chống Liên Xô ở Afghanistan. Cùng lúc, trong chiến dịch Cơn Lốc (1979-1989) của CIA, Mỹ và Saudi Arabia viện trợ khoảng 40 tỉ đô-la cho khoảng 100.000 kháng chiến quân Mujahideen và Ả Rập Afghanistan. Bin Laden đã gặp và lập quan hệ với Hamid Gul, một tướng ba sao trong quân đội Pakistan và là người đứng đầu cơ quan ISI (Cơ quan Tình báo của Pakistan). Mỹ đã đưa tiền và vũ khí cho nhóm kháng chiến quân của Bin Laden, nhưng quân đội Pakistan và ISI hoàn toàn đảm trách việc huấn luyện các nhóm chiến binh chống Liên Xô. Saudi Arabia cũng là nơi xuất phát của một số lớn không tặc đánh sập tháp đôi ở New York ngày 11 tháng 9, 2011.

Tóm lại Bin Laden là đồng minh của Mỹ và Saudi Arabia trong cuộc chiến tranh với Liên Xô ở Afghanistan.

1988 Bin Laden tách khỏi nhóm của Azzam và thành lập al-Qaeda vào tháng 2 năm 1989; năm 1990 Osama bin Laden trở lại Ả Rập Saudi vào như một anh hùng của cuộc thánh chiến. Cùng với quân đoàn Ả Rập, bin Laden được cho là đã “hạ bệ siêu cường Liên Xô hùng mạnh”.

Tháng 4 năm 2011, Tổng thống Obama đã ra lệnh mở chiến dịch bí mật để giết hoặc bắt bin Laden. Ngày 2 tháng 5 năm 2011, Tòa Bạch Ốc công bố SEALs của Hải quân Hoa Kỳ đã hạ sát bin Laden trong khu tập thể Abbottabad ở Pakistan. Nguồn: Wikipedia.org, Osama bin Laden]

Bài báo ngày 6 tháng 12 năm 1993 của Robert Fisk trên The Independent với tiêu đề “Chiến sĩ chống Liên Xô đưa đoàn quân lên đường đi đến hòa bình” 20 năm sau thât sửng sốt khi đọc lại .
Đa số không tặc đánh sập Tháp Đôi ngày 11 tháng 9, 2011 xuất phát từ Saudi Arabia, quốc gia hiện là đối tác thương mại và đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ. Nguồn: CNN.

22 năm sau thế giới Tây Phương mới thấy mối nguy hiểm từ phiến quân Hồi giáo này mà nó mở màn bằng biến cố 11-9, hai máy bay đâm thẳng vào các tòa nhà của World Trade Center. Khi nhìn trên màn hình TV lúc đầu tưởng như máy bay đâm nhầm. Và chỉ ít phút sau, người ta mới chứng kiến một thảm trạng chưa từng có. Vừa khủng khiếp, vừa như say mê. Một sáng kiến giết người làm cả thế giới kinh ngạc

11-9 báo hiệu một kẻ thù mới của thế giới có tên là: Bọn khủng bố Hồi Giáo. Tiếp theo là Tổng thống. George W.Bush tấn công quân sự vào Afghanistan vào ngày 7-10-2001 và lật đổ chính quyền Talibans để bắt cho bằng được Bin Laden bị tình nghi là kẻ đã chủ mưu trong biến cố 11-9.

Độ tàn độc của khủng bố Hồi giáo còn có độ tàn độc hơn cả cộng sản một bậc cộng thêm với mức độ mù quáng tôn giáo chưa từng thấy.

Từ nay, có một cuộc chiến tốn kém về mọi mặt. Để duy trì an ninh nội địa nước Mỹ, một năm nước Mỹ đã phải chi phí hàng tỉ tỉ đô la! Và đấy là cơ nguy đưa đến sự suy thoái của nước Mỹ về mặt phát triển trong tương lai so với Trung Quốc. Chẳng những thế, Bắc Kinh đã gửi một phái đoàn đến gặp đại diện Talibans như một hình thức ngăn chặn Wagshington. (Xem Eric Laurent, Ibid, trang 18)

3 năm truy lùng vô hiệu, không đạt kết quả. Bin Laden sau khi đã đào tẩu ra khỏi Tora Bora đã biến dạng vào những miền núi non hiểm trở giữa biên giới Afghanistan và Pakistan. Nó báo hiệu trước một nước Mỹ không còn cơ hội chiến thắng như trước đây mà còn cho thấy có những dấu hiệu suy thoái về nhiều mặt. Nhất là những quyết định của Tổng thống G. W. Bush tại Iraq và Afghanistan đã ngốn hàng tỉ đô la cho một cuộc chiến không có hy vọng. Nước Mỹ phải đương đầu với kẻ thù ngay trong nội địa, trong khi Trung Quốc xem ra được rảnh rang lợi dụng làm giầu!

Và nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời một hình thức chiến tranh lạnh giữa Mỹ-Nga-Trung Cộng mà tương lai chưa định hình được.

Những khẩu hiệu mà Tổng thống G. W. Bush đưa ra như bảo vệ “Thế giới tự do”, “những quyền lợi sống còn”, “an ninh Quốc gia”, “hòa bình bị nguy hại” mà thực tế lúc ấy chỉ là “cuộc chiến dầu lửa”.

Nay dầu lửa không còn là điều kiện sống còn của nước Mỹ nữa thì việc gửi 150.000 quân sang Iraq trước đây, nào phải chỉ vì Saddam Hussein là tên độc tài. Hơn thế nữa, khi có cuộc chiến giữa Iraq và Iran thì Mỹ đã từng giúp Iraq chống lại Iran.

(Judith Miller. Laurie Mylroie. Saddam Husein, trang 260)

Tương lai con rồng Châu Á

Đến nay thì có thể định hình tương lai một đất nước mạnh về dân số. Nó là điều kiện ắt có và đủ để đưa một đất nước đi lên. Sở dĩ nói được như thế vì trong cái kinh tế vĩ mô, sản xuất là một chuyện, nhưng tiêu thụ quyết định thị trường, sự sống còn của một sản phẩm là chuyện khác. Cơ hội sản xuất thì dễ hơn là tìm kiếm một thị trường tiêu thụ. Trong cung-cầu thì cầu nay quan trọng hơn cung. Tiềm năng một số nước như Tầu, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Ba Tây, Nga là lớn.

Đó là những nước có tiềm năng mạnh về dân số và đất đai. Tương lai sau này là ở phía họ. Những nước như Do Thái, Bỉ dù kỹ thuật có cao, nhưng làm sao tiềm năng về kinh tế phát triển?


DCVOnline: Dân số lớn không có nghĩa là dân sẽ giầu hay nước sẽ mạnh. Ví dụ China và India so với Australia và Canada. Cũng thế Nigeria và Ethiopia dân số lớn gấp 3 đến 5 lần Canada và Australia nhưng không thể vì thế mà Nigeria và Ethiopia là những quốc gia giầu mạnh.
Tài sản trung bình của mỗi người lớn trên thế giới. Nguồn: Wikipedia.or
g

Con rồng nước Tầu: với diện tích 9,6 triệu cây số vuông. Dân số 1,316 tỉ người. Đông nhất thế giới. 43% dân số ở đô thị. Tổng sản lượng quốc gia (GNP) là 2.280 tỉ năm 2006. Lợi tức đầu người: 5300 đô la, gồm 22 tỉnh thành, nếu cộng thêm Đài Loan là 23, cộng thêm 5 khu tự trị, như Tibet. 4 đặc khu – Bejing, Shangai, Tianjin, Chongqing và hai khu vực đặc biệt là Hông Kông và Ma Cao. Ngôn ngữ chính tiếng Mandarin — tiếng Phổ thông và nhiều tiếng địa phương. Vê tiềm năng tương lai, nước Tầu có 91% dân chúng thoát nạn mù chữ, có thể có thể, đọc, viết và đếm, 600.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm. Hiện tổng số sinh viên là 19.417 triệu người vượt cả Mỹ.

(Martine Bulard. Chine, Inde : la course du dragon et de l’éléphant, Fayard, April 30, 2008, trang 92-95)

Nước Tầu với những vị lãnh đạo vượt khuôn khổ: Mao Trạch Đông cho đến bây giờ vẫn còn được một số dân quê tôn kính là một kẻ tàn độc nhất thế giới. Đặng Tiểu Bình- kẻ kích cầu kinh tế và mở đường cho Đặng Tiểu Ninh với giấc mơ: Toàn cầu hóa.

Nước Tầu còn tìm kế hoạch ổn định khu vực.

Họ coi tình trạng “ổn định” là điều kiến sống còn cho sự bền vũng, phát triển. Vì thế, nước Tầu là nước đi trước để  ổn định biên giới với Nga. Năm 2005, lần đầu tiên trong lịch sử, mối liên lạc giũa Nga-Tầu về biên giới chung đã được ký kết sau nhiều cuộc thương lượng với việc ký kết ngay 2-6-2005.

Với Ấn Độ khó khăn hơn, nhưng hai bên cũng đã ký kết được một thỏa ước tạm vào ngày 11-4-2005 giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmoham Singh và thủ tướng Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo) về hai vùng Arunachal Pradest (90.000 km) phía Đông-Băc Ấn Độ và vùng Tây Bắc với Aksai Chin (38.000 km). Ít lắm thì hai bên cũng biết phải nhượng bộ như thế nào trong một hiệp định khung giữa đôi bên. Có thể còn lâu mới đi đến một thỏa thuận chung cuộc, nhưng ít ra tránh được những đòi hỏi giữa đôi bên mỗi khi có cuộc đối thoại chung.

(Martine Bulard.Ibid, trang 216-219)

Đối với Việt Nam thì nước Tầu cũng đã được những thỏa thuận chung về biên giới đất và biển ở vịnh Bắc Việt. Chỉ còn lại những khúc mắc về Biển Đông với đường 9 đoạn.

Xem như thế thì, Trung hoa tỏ ra khá biết điều để tránh đụng độ trực tiếp với những láng giềng hùng mạnh như Ấn Độ hay Liên bang Nga. Phải công nhận, nước Tầu đã khi thì thương lượng đa phương, khi thì song phương một cách khéo léo để đạt được những thỏa thuận giữa các nước áng giềng.

Vậy trong tương lai, trong những năm tới 2050, theo dự đoán của các chuyên gia của Goldman Sachs, Ấn Độ được xếp hạng thứ ba thế giới, chỉ sau Tầu và Mỹ, một trong ba nền kinh tế mạnh nhất.


DCVOnline: BRIC và N-11 trên thế giới. Nguồn: Goldman Sachs Global Economics Papers No.153, 28 March 2007, trang 3.

DCVOnline: Chỉ có BRIC sẽ vượt qua G7 vào năm 2035. Nguồn: Goldman Sachs Global Economics Papers No.153, 28 March 2007, trang 4.

(Goldman Sachs Global Economics Papers No.153, 28 March 2007, pp 8-9.)

 Sự sắp xếp này xem ra còn nhiều bất cập.

Chẳng hạn Ấn Độ phần lớn là một xã hội nông nghiệp, vậy mà 400 triệu dân Ấn ở trong tình trạng ngèo đói, túng thiếu. Đến nỗi tình trạng nghèo đói ấy có thể coi Ấn Độ là một Ethiopia ở Á Châu. 4 người trên 10 người Ấn Độ không biết đọc biết viết, trong khi bên Tầu chỉ 1 người trên 10 mù chữ. Chưa kể giới phụ nữ, 52% không biết đọc biết viết. Trong trường học bên Ấn Độ không có nổi một chiếc cầu tiêu. Nền nhà bằng đất mà nhiều lứa tuổi học trò được dồn vào học chung một lớp. Tỉ lệ học trò bỏ lớp rất cao. Chưa kể, thành phần trẻ em thuộc xa hội thấp kém (le système de l’Intouchable như sắc dân Dalits) không có cơ hội tới trường. Dưới cả sắc dân Dalits còn có dân Hồi Giáo cũng chịu số phận thiệt thòi hơn.

Nhưng số phận đân nghèo mù chữ sẽ là một trong những yếu tố lầm cho sự phát triển ở Ấn Độ chậm lại so với Trung Quốc.

Chỉ nhìn những người dân Ấn Độ tắm rửa trên nước sông Hằng mà độ nhiễm trùng là nguồn cội của bao nhiêu bệnh truyền nhiễm. Chính quyền vẫn làm ngơ.

Làm sao một đất nước như thế trong một giai đoạn ngắn có thể thoát nghèo và có địa vị như một cường quốc?

Nhưng cả Trung Quốc và Ấn Độ có mẫu số chung là chạy theo đà phát triển đã bỏ rơi dân quê.. Sự khác biệt giầu nghèo giữa thành thị và thôn quê tạo thành hố ngăn cách lớn đến độ cả 300 triệu dân quê Tầu đã bỏ nhà quê chạy ra tỉnh kiếm công ăn việc làm. Hiện nay, Trung Quốc đang trở thành một trong những xã hội bất bình đẳng nhất thế giới ngang ngửa với các nước như Nam Phi.

Tình trạng này cũng không khác gì bao nhiêu tình trạng ở bên Việt Nam.

Về mặt kinh tế, theo sự tiên đoán của Martin Jacques trong một biểu đồ năm 2025 và 2050 cho thấy:

2025, Mỹ vẫn dẫn đầu rồi đến Tầu, Nhật Bản, rồi Ấn Độ, Đức,, Nga, Pháp, Ba Tây, Ý, Mê xi cô, Nam Hàn, Canada, Nam Duong, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Viet Nam Nigeria.. Việt Nam leo hạng thứ 16.

2050, Trung Hoa dẫn đầu rồi Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga Xô. Nam Dương, Nhật, Anh, Đức, Nigeria, Pháp, Nam Hàm, Thổ Nhĩ Kỳ Việt Nam, Canada, v.v..Việt Nam lên được một hạng, đứng thứ 15 trước cả Canada.

(Martin Jacques. When China rules the World. The rise of the Middle Kingdom and the End of the Western World. Ibid, Phần I, The Changing of the Guard)


Nguồn: Goldman Sachs Global Economics Papers No.153, 28 March 2007, trang 9.

Sự xếp hạng này dựa trên biểu đồ do Goldman Sachs có những con số làm bằng cớ và sự giải thích. Chúng ta đều biết qua lịch sử những nền kinh tế như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã có thời là những đế quôc thuộc địa mà phần lớn là đất đai. Tiếp nối theo là ba nước Anh, Pháp Đức khi bắt đầu cuộc đại kỹ nghệ. Hai cuộc chiến tranh đã làm suy yếu các nước này và làm nổi bật vai trò của Mỹ Quốc.

Thế giới sau 1945 gọi các nước Âu Châu là Old World còn nước Mỹ là New World.

Nhưng khi nói về các nước phát triển, người ta gọi đó là các nước Phương Tây (West) trong đó bao gồm cả Mỹ, Canada, các nước Âu Châu, bao gồm thêm các nước Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và không quên Nhật. Tổng sản lượng nội địa của các nước này bằng nửa của cả thế giới.

Nhưng các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á do một đà phát triển tột bực và cực kỳ nhanh chóng với thặng dư thương mại rất lớn đã làm thay đổi diện mạo kinh thế thế giới với Nước Tầu hiện nay. Nước Tầu hiện giữ hơn 2000 tỉ công khố phiếu của Mỹ. Cộng thêm sự suy yếu của các nước sản xuất giầu hỏa với năng lượng dự trữ tưởng chừng như vô hạn đang gặp khó khăn vì giá dầu suy giảm.

Hơn ai hết, nước Tầu đang lợi dụng các khó khăn ấy để khai thác những mối lợi lớn lao về cho mình như ở Venezuéla, Nga Sô và các nước Phi Châu như Angola.

Trong số các nước Âu Châu từng là những nước đế quốc hùng mạnh ngót hai thế kỷ chỉ còn lại hai nước là Anh và Đức trong danh sách mười nước đứng đầu.. Pháp tụt hạng xuống thứ 11.

Trong nhóm G7 hiện nay, chỉ còn 4 nước được xếp hạng. G7 gồm Canada, Nhật, Pháp, Ý, Đức, Anh, Mỹ.

Nhưng trong tương lai, thay vì gọi G7 thì chỉ còn lại G2? G2 là Tầu và Mỹ. Nhưng trong G7 là một sự hợp tác chia xẻ một nửa lợi nhuận trên toàn thế giới.

Người viết không nhất thiết tin tưởng vào bảng xếp hạng này. Nhưng ít lắm nó cũng như một cảnh giác về một sức mạnh của Trung Quốc. Từ đó bắt đầu cho thấy Mỹ đang tìm thế một thứ liên minh bao vây Trung Quốc như hiện nay để đối đầu với một sức mạnh mà chưa ai có tiên đoán được.

Sự co cụm ấy bằng cách tẩy chay hàng hóa Trung Quốc cũng như vụ Hoa Vi, phải chăng đó là bước nhảy hụt mà Trung Quốc có thể bị sa lầy?

Tuy nhiên, dù có những con số đi kèm, Hai biểu đồ này cũng vẫn chỉ là dự đoánn kinh tế không nhất thiết sẽ xảy ra như vậy.

Hết

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Bài của tác giả. DCVOnline hiệu đính, phụ chú và minh họa.