Thế kỷ châu Á sắp bắt đầu

Valentina Romei và John Reed | DCVOnline

Lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, nền kinh tế của các nước châu Á, theo định nghĩa của Unctad, sẽ lớn hơn phần còn lại của cả thế giới vào năm 2020,

Khu vực này là vũng mơ của châu Âu ở thế kỷ 17 và thế giới sắp quay hết vòng tròn
Lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, nền kinh tế của các nước châu Á, theo định nghĩa của Unctad, sẽ lớn hơn phần còn lại của cả thế giới vào năm 2020,

Các chuyên gia kinh tế,  khoa học chính trị và các chuyên viên thị trường mới nổi đã thảo luận trong nhiều chục năm về sự xuất hiện của Thời đại Châu Á, là thời của một điểm uốn khi lục địa này trở thành trung tâm mới của thế giới.

Châu Á đã có hơn một nửa dân số thế giới. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, trong số 30 thành phố lớn nhất thế giới thì 21 thành phố ở châu Á, Vào năm tới, châu Á cũng sẽ có một nửa tầng lớp trung lưu thế giới, nghĩa là những người sống trong các gia đình có thu nhập bình quân đầu người mỗi ngày từ 10 đến 100 đô la dựa trên sức mua tương đương (PPP) năm 2005.

Theo LMC Automotive, kể từ năm 2007, người châu Á đã mua nhiều xe hơi và xe vận tải hơn mọi người ở bất kỳ khu vực nào khác — vào khoảng năm 2030, họ sẽ mua nhiều xe bằng cả phần còn lại của thế giới.

Các nhà lãnh đạo trong khu vực đang bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn về sự chuyển đổi. Ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, nói trong cuộc họp thường niên cuối cùng của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á Hiện tại,

“Lục địa này hiện là trung tâm của hoạt động kinh tế toàn cầu. Nơi đây đã trở thành động cơ tăng trưởng chính của thế giới. Trên thực tế, chúng ta đang sống qua thời đại mà nhiều người gọi là Thế kỷ châu Á.”

Vậy khi nào thời đại châu Á thực sự bắt đầu?

Thời báo Tài chính (Finacial Times) đã kiểm tra dữ liệu và nhận thấy rằng các nền kinh tế châu Á, theo định nghĩa của cơ quan thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc Unctad, sẽ lớn hơn phần còn lại của cả thế giới vào năm 2020, lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19. Những con số cho thấy thế kỷ châu Á bắt đầu vào năm tới.

Nhìn về quá khứ, châu Á chỉ góp hơn một phần ba sản lượng thế giới vào năm 2000.

Để tính toán, FT đã kiểm tra dữ liệu của IMF dựa trên tổng sản phẩm nội địa sau khi điều chỉnh chênh lệch giá ở các quốc gia khác nhau. Phương pháp này, đánh giá các nền kinh tế theo PPP, được coi là cách thích hợp nhất vì nó tính đến những gì mọi người thực sự có thể mua ở các nước đang phát triển với giá sản phẩm thường rẻ hơn.

Ngay cả ở hối suất thị trường, châu Á vẫn hiện có đến 38% sản lượng toàn cầu, tăng từ 26% vào đầu những năm 2000.

Lý do nào khiến nền kinh tế châu Á đang vượt qua phần còn lại của cả thế giới? Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ giải thích một phần lớn của khuynh hướng này. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn hơn so với Mỹ, chiếm 19% sản lượng thế giới trong năm nay, lớn hơn gấp đôi so với 7% vào năm 2000. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP gấp đôi Đức hoặc Nhật Bản, cả hai nước đó đều có nền kinh tế lớn hơn Ấn Độ trên cơ sở PPP vào năm 2000.

Thế giới sắp bước vào thời đại châu Á không chỉ vì hai nền kinh tế lớn nhất của nó, mà còn nhờ vào sự tăng trưởng ở các nước nhỏ hơn và các ước trung bình.

Indonesia đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới dựa trên PPP vào năm 2020 và sẽ vượt qua Nga vào năm 2023 để trở thành nước lớn thứ sáu.

Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, đã vượt qua 17 quốc gia trong bảng xếp hạng các nền kinh tế trên cơ sở PPP kể từ năm 2000, gồm Bỉ và Thụy Sĩ. Philippines hiện là một nền kinh tế lớn hơn Hòa Lan trong khi Bangladesh đã vượt qua 13 nền kinh tế khác trong 20 năm qua.

Sự đột biến gần đây ở Châu Á, bắt đầu với sự gia tăng kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh, thể hiện sự trở lại với một chuẩn mực lịch sử. Châu Á thống trị nền kinh tế thế giới trong hầu hết lịch sử loài người cho đến thế kỷ 19.

Andrea Colli, giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Bocconi ở Ý cho biết,

“Vào khoảng cuối thế kỷ 17, Châu Âu đang nhìn với sự ngưỡng mộ và mơ ước được như một khu vực trên toàn cầu tập trung. . . hơn 2/3 tổng sản lượng nội địa của cả thế giới , với ¾ dân sô toàn cầu.”

Theo chính khách và tác giả Ấn Độ Shashi Tharoor, vào thế kỷ 18, Ấn Độ đóng góp vào nền  kinh tế thế giới cũng lớn như Châu Âu.

Sau đó, trong ba thế kỷ, vị trí Châu Á trên thế giới xuộng cấp khi các nền kinh tế phương Tây cất cánh, nhờ cuộc Cách mạng Khoa học, rồi Khai sáng và Cách mạng Kỹ nghệ.

Joel Mokyr, giáo sư tại Đại học Northwestern University, nói,

“Chúng ta đang chứng kiến sự đảo ngược kỳ diệu. Vào giữa những năm 1500 và 1750 Châu Âu đã thay đổi đáng kể; Phần còn lại của thế giới thì không.”

Vào những năm 1950, Châu Á chiếm chưa đến 20% sản lượng của thế giới, mặc dù chiếm hơn một nửa dân số thế giới.

Bob Allen, giáo sư lịch sử kinh tế tại NYU, Abu Dhabi, người trước đây thuộc Đại học Oxford cho biết,

“vào thế kỷ 19, châu Á đã chuyển từ trung tâm sản xuất thế giới sang những nền kinh tế chậm tiến chỉ xuất cảng được nông sản.”

Nhưng trong vài chục năm gần đây, khuynh hướng đó đã bị đảo ngược.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhật Bản và Nam Hàn, những quốc gia đầu tiên ở châu Á bắt kịp phương tây, đã bị Trung Quốc lấn át  khí cất cánh sau khi bắt đầu cuộc đổi mới dùng kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình vào cuối những năm 1970.

Chỉ trong một vài thế hệ, “một công thức thành công kết hợp hội nhập với nền kinh tế toàn cầu bằng vốn đầu tư trực tiếp, tỷ lệ tiết kiệm cao, đầu tư lớn vào vốn nhân lực và vật chất, và các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý” đã góp phần thúc đẩy nàn kinh tế ở châu Á, theo phân tích về triển vọng khu vực mới nhất của IMF do một nhóm biên soạn được Koshy Mathai lãnh đạo.

Kishore Mahbubani, viết,trong cuốn sách mới nhất của ông, “Has the West Lost It?”

 “Thời đại hai thế kỷ khi phương Tây là cường quốc toàn cầu đang đi vào giai đoạn cuối.”

Trong năm mươi năm qua, hàng trăm triệu người ở châu Á đã thoát nghèo và nhiều nền kinh tế châu Á đã trưởng thành với thu nhập trung bình hoặc trở thanh các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới.

Châu Á vẫn nghèo hơn so với phần còn lại của thế giới, nhưng khoảng cách đang thu hẹp. GDP của Trung Quốc GDP bình quân đầu người trên cơ bản PPP vẫn chỉ bằng một phần ba so với Hoa Kỳ và khoảng 44% của EU. Ấn Độ có GDP bình quân đầu người ở mức chỉ bằng 20% ​​so với EU, theo dữ liệu của IMF.

Nhưng khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ và Trung Quốc với Mỹ và châu Âu đã thu hẹp đáng kể từ năm 2000. Trong giai đoạn đó, Trung Quốc đã trở nên giàu hơn gần năm lần so với sản lượng bình quân đầu người của châu Phi phía nam của Sahara. Hai khu vực đã ở mức tương tự vào giữa những năm 1990.

Giáo sư Allen nói, bằng bất kỳ cách tính toán nào, châu Á sắp tái chiếm trung tâm sân khấu kinh tế toàn cầu. Khi đó, “thế giới sẽ quay đúng một vòng tròn.”

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn:  The Asian century is set to begin | Valentina Romei in London and John Reed in Bangkok | FT.com | 25 March 2019.