Phương Tây phải có thái độ mạnh trước sự trỗi dậy của ‘mô hình Trung Quốc’ ở Thái Lan

Benjamin Zawacki (Nikkei Asian Review) | DCVOnline

Kết quả cuộc bầu cử vừa qua tại Thái Lan là sự tiếp nối của chủ nghĩa độc đoán chứ không phải là sự trở lại với nền dân chủ.

Hiệp định thương mại tự do Trung-Thái đã bắt đầu cho một loạt các cuộc tập trận quân sự chung. © Hình ảnh VCG / Getty

Ủy ban bầu cử Thái Lan đã công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 24 tháng 3, với một đảng quân sự mới được thành lập chuẩn bị lãnh đạo một chính phủ liên hiệp.

Cuộc bầu cử toàn quốc gần nhất, tổ chức năm năm trước giữa hai cuộc đảo chính quân sự, đã mang tiếng vì bạo loạn và đã bị vô hiệu hóa.

Nhưng những tuyên bố có thể đoán trước được của báo giới, chính khách, và giới ngoại giao về sự “trở lại nền dân chủ” là quá muộn. Muộn cả 20 năm.

Ai cũng thấy con đường độc đoán của Thái Lan từ đầu thế kỷ và nó cho thấy không có dấu hiệu thay đổi nào đáng tin cậy.

Giai đoạn dân chủ nhất của Thái Lan là những năm 1990 nhưng hiến pháp lập nên trong lúc đó đã trao quyền rất nhiều cho Thủ tướng, và doanh nhân hai lần đắc cử Thủ tướng, Thaksin Shinawatra, đã lợi dụng nó quá nhiều. Trong gần sáu năm bắt đầu từ 2001, Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã cơ cấu người của mình vào những toà án và các ủy ban hay đã coi thường chúng, đe dọa giới truyền thông, đàn áp người bất đồng chính kiến, và vô hiệu hóa phe đối lập. Hồ sơ nhân quyền của ông, với chiến thuật chống nổi dậy lấy cảm hứng từ Chiến tranh Lạnh và một “cuộc chiến chống ma túy” giết người, thật đáng lo ngại.

Quan trọng hơn, nhiệm kỳ của Thaksin trở thành khuôn mẫu cho sáu người kế vị ông. Hai người được quân đội cài đặt, hai người khác được bầu và hai người khác do quốc hội chọn. Một nửa là phe cánh của Thaksin, một nửa thuộc phe đối lập của ông ta. Nhưng tất cả đều theo bước của Thaksin thoái hóa nền dân chủ pháp trị, xem thường sự minh bạch cùng trách nhiệm giải trình và đàn áp  tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền và dùng bạo lực.

Ví dụ, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người đã cổ xúy chính quyền của Đảng Dân chủ của ông như là một sự sửa sai cho chính quyền Thaksin, đã trục xuất người Rohingya và người H’mong tị nạn và trả lời với các cuộc biểu tình trên đường phố ủng hộ Thaksin bằng những “vùng bắn tự do”. Tuy nhiên, cả hai phe không ai là hòa bình hay tiến bộ, và coi chuyện bầu cử chỉ là mối đe dọa quyền thừa kế của họ hoặc là phương tiện tiến tới chế độ chuyên chế của đa số.

Thủ tướng gần đây nhất và có thể là thủ tướng tương lai, Prayuth Chan-ocha, đã đẩy lùi nền dân chủ của Thái Lan bằng cách lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự năm năm trước đây, và sau đó thể chế hóa nó bằng một hiến pháp mới hợp pháp hóa cuộc đảo chính của ông ta và lập tức nắm quyền hành pháp, và bằng một chiến lược quốc gia 20 năm mà tất cả các chính phủ trong tương lai phải tuân thủ và tất cả các quy tắc bầu cử đảm bảo thủ tướng tương lai sẽ do quân đội lựa chọn.

Cuộc bầu cử của Thái Lan không báo hiệu sự đảo ngược đến năm 2014 – và không thể sánh với  năm 2001 –  mà là để củng cố các “bước tiến” hẹp hòi của những chính phủ gần đây thuộc mọi loại đảng phái và đi theo một con đường hạn chế dân chủ nhiều hơn nữa. Trên toàn phổ quang chính trị và từ giai tầng lãnh đạo đến cấp cơ sở, Thái Lan đã áp dụng “Mô hình Trung Quốc”:  sự cai trị độc đoán được hỗ trợ bằng những chính sách kinh tế tân tự do.

Truyền thống, kinh nghiệm, phong cách và các ưu tiên của Thaksin phản ảnh những ưu tiên của một Trung Quốc đang trỗi dậy, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và lãnh đạo tập trung. Thành công của Thaksin trong việc thực hiện các chính sách được ưa chuộng khiến các thủ tướng sau đó thấy rằng lợi ích quốc gia và ý thức hệ —  cũng như lợi ích và ý thức hệ của chính họ — dính liền với mô hình Trung Quốc.

Hiệp định thương mại tự do Trung-Thái năm 2003 đã bắt đầu cho một loạt các cuộc tập trận quân sự chung chưa từng có, sự gia tăng mạnh mẽ của các chuyến thăm cao cấp, một loạt các chương trình học tiếng Quan thoại và lậpViện Khổng Tử, và một loạt các thỏa thuận chiến lược thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự.

Kể từ năm 2014, Thái Lan đã quan hệ với Trung Quốc ở một mức độ lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, được biểu tượng bằng việc mua ba tàu ngầm Trung Quốc gây tranh cãi của Prayuth. Đầu năm nay, chính phủ của ông xem thường những quan tâm của phương Tây về hệ thống viễn thông 5G trên toàn thế giới của Huawei Technologies của Trung Quốc,  và cho phép Huawei khai triển hệ thống 5G tại Thái Lan.

Bắc Kinh cũng năng nổ không kém trong việc xuất cảng ảnh hưởng của mình và mở rộng mối quan hệ với Thái Lan, coi ảnh hưởng và lợi ích của Trung Quộc ở Thái Lan như việc củng cố lẫn nhau; hai mặt của một dồng tiền. Việc Thái Lan chọn theo mô hình Trung Quốc đã phát triển những sáng kiến về kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa, vùng miền – kết quả của những dự án đó còn thuyết phục Thái Lan hơn nữa rằng “chủ nghĩa tư bản độc đoán” thích hợp hơn một nền dân chủ đa nguyên và kém hiệu quả.

Trung Quốc cũng đã rõ ràng công nhận hai cuộc đảo chánh của Thái Lan kể từ năm 2006, cả về việc đánh giá cao phản ứng mạnh đối với sự rối loạn xảy ra trước đó, và lập tức lập quan hệ với chính phủ sau cuộc đảo chánh. Bằng chứng hiển nhiên về sự áp dụng Mô hình Trung Quốc tại Thái Lan, các cuộc đảo chính đã góp phần đặc biệt vào việc phát huy lợi ích Trung Quốc tại đây.

Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc, hay BRI, nêu bật sự tương tác  Trung-Thái ở thế kỷ 21. Không được mời tham dự diễn đàn BRI đầu tiên vào năm 2017 do tiến độ chậm trong một dự án đường sắt cao tốc trong BRI, Prayuth đã được mời tham dự hội nghị tiếp theo vào tháng trước bằng cách dỡ bỏ những hạn chế pháp luật, viện dẫn quyền ban sắc luật hiến định của ông ta. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai khen ngợi thủ tướng Thái Lan và hứa hẹn sẽ nhợp tác thêm nữa. Mô hình Trung Quốc có hiệu quả.

Đúng là dân chủ được định nghĩa bằng cách người  lãnh đạo lên cầm quyền, công nhận “các cuộc đảo chính dân chủ” ở Thái Lan là sai lầm vì chúng không chính đáng. Nhưng quan trọng hơn, dân chủ được xác định băng cách những người cầm quyền cai trị như thế nào và làm dược gì giữa các cuộc bầu cử. Trong 18 năm, Thái Lan không những chỉ biết đến những chính phủ độc đoán mà còn bị cùng những người và các đảng phái nhận được nhiều phiếu nhất trong các cuộc bầu cử gần đây cai trị.

Hơn nữa, người dân Thái Lan – khối cử tri — chỉ phản đối khi các chính khác họ ưa chuộng thất cử, bị mua chuộc hay bị  đẩy ra khỏi bộ máy quyền lực. Thật vậy, dù có sự phản đối đối với các quyết định của Ủy ban bầu cử, đa số ghế ở quốc hội đều thuộc về Đảng Pheu Thai của Thaksin hoặc đảng Palang Pracharath của Quân đội.

Cử tri đi bầu lần đầu tiên không có kinh nghiệm về dân chủ. © LightRocket / Getty Images

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ gần đây đã gọi cuộc bầu cử của Thái Lan là “một cam kết lành mạnh đối với tiến trình dân chủ”, lập lại những lời bình luận của các nền Dân chủ khác trên toàn thế giới. Điều này nói lên thực tế nhận thức ngày càng tăng của ban lãnh đạo Thái là làm chậm lại tiến độ lợi ích của Trung Quốc tại nước này trong ngắn hạn là điều cần thiết. Nhưng không có những chỉ trích và tỉnh táo “cam kết với tiến trình dân chủ” của chính họ ở Thái Lan, Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác sẽ bị Trung Quốc ngày càng bỏ xa. Và đó là vì nền dân chủ tự nó sẽ bị phai mờ hơn nữa, và ra khỏi tâm trí và ký ức của người Thái. Cử tri lần đầu tiên đi bầu sẽ  không có kinh nghiệm gì về nó.

Dù có những công bố về dân chủ, đã quá thời điểm để Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác đẩy lùi Mô hình Trung Quốc ở Thái Lan, bằng cách coi lợi ích và ý thức hệ của họ là những ưu tiên củng cố lẫn nhau. Nhận định đúng đắn về những cuộc bầu cử của Thái Lan – dân chủ hay không — là bước đầu tiên cần làm.

Benjamin Zawacki là một bỉnh bút độc lập và tác giả cuốn “Thailand: Shifting Ground Between the U.S. and a Rising China.”

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  West must act firmly to stem rise of ‘China model’ in Thailand  | Benjamin Zawacki | Nikkei Asian Review | May 21, 2019.