Hoa lục sẽ không cho phép người lãnh đạo Hồng Kông từ chức

James Pomfret (Reuters)  | DCVOnline

HỒNG KÔNG  – Hôm thứ Hai, một viên chức chính quyền thành phố thân cận với Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) nói Bắc Kinh sẽ không để người lãnh đạo Hồng Kông, Carrie Lam, từ chức ngay cả khi bà muốn.

Giám đốc điều hành Hồng Kông Carrie Lam trog  một cuộc họp báo ở Hồng Kông, Trung Hoa, ngày 15 tháng 6 năm 2019. REUTERS/Athit Perawongmetha

Người này nói thêm rằng đạo luật dẫn độ gây chia rẽ mà bà đã ngưng thảo luận hôm cuối tuần kể như đã được rút lại.

Tuần qua dân Hong Kong phản đối dự luật cho phép dẫn độ phạm nhân HK sang Hoa lục đã xuống đường trong những cuộc biểu tình lớn nhất và dữ dội nhất trong nhiều chục năm vừa qua.

Giám đốc Điều hành Lâm Trịnh Nguyệt Nga được Bắc Kinh hậu thuẫn đã hoãn lại dự luật dẫn độ vô thời hạn.

Nhưng quyết định của bà đã thất bại, không xoa dịu được những người biểu tình ngày càng phẫn nộ trước viễn cảnh những đạo luật mà các luật sư và thẩm phán cho rằng có nguy cơ khiến mọi người phải bị sự xét xử của một hệ thống tư pháp đại lục bằng sự tra tấn, buộc tội và giam cầm tùy tiện.

Dự luật trực tiếp ảnh hưởng đến người dân Hồng Kông và cả công dân nước ngoài và công dân Trung Hoa sinh sống hoặc đi qua thành phố, cũng đã gây ra mối lo ngại rằng nó sẽ đe dọa nền tảng dân chủ pháp trị cột trụ của vị trí của Hồng Kông như một thành phố  tài chính quốc tế.


‘Gần hai triệu’ tham gia biểu tình vào Chủ nhật’ | BBC | Ngày 16 tháng 6 năm 2019
https://bbc.in/2XaclaH

Đám đông biểu tình, theo ban tổ chức cho biết là hơn hai triệu người, nhiều người mặc quần áo đen, tràn ngập những dải đất của đảo Hồng Kông vào Chủ nhật, hô vang lời kêu gọi và Nguyệt Nga từ chức.

Một viên chức chính phủ giữ kín danh tính vì mức nhạy cảm của vấn đề cho biết, bất chấp sự tức giận của quần chúng, bà Giám đốc Hong Kong không thể từ chức. Viên chức này – đã tham dự những phiên họp về vấn đề khủng hoảng chính trị hiện nay – nói,

“Nó sẽ không xảy ra.”

Sự náo loạn ở Hồng Kông xảy ra sau nhiều năm vì người dân sống ở thuộc địa cũ của Anh phẫn nộ trước sự can thiệp ngày càng đàn áp của Bắc Kinh vào nội bộ của thành phố, mặc dù đã có chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” hứa hẹn sự tự trị của thành phố khi Anh Quốc trả Hong Kong lại cho chính quyền Trung Hoa 1997.

Hôm nay sự náo động của dân Hong Kong đã trở thành một vấn đề khác cho nhân vật lãnh đạo Trung Hoa, ông Tập Cận Bình, đang vật lộn trong  cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, song song với  việc Hoa Kỳ đàn áp công ty kỹ thuật khổng lồ Hoa Vi (Huawei), cùng lúc với những căng thẳng ở Biển Đông.

Viên chức Hong Kong nói,

“Bà ấy được chính quyền trung ương (ở Hoa lục) bổ nhiệm, vì vậy việc từ chức cần phải có một mức độ thảo luận và cân nhắc rất cao ở  đại lục.”

Nhưng tình hình vẫn còn có thể thay đổi và những cuộc biểu tình rầm rộ hơn có thể làm giới lãnh đạo Bắc Kinh phải suy nghĩ lại.

Năm 2003, sau một cuộc biểu tình phản đối, luật an ninh cuối cùng đã bị loại bỏ, nhân vật lãnh đạo Hong Kong, khi đó, Tung Chee-hwa (Đồng Kiến Hoa), rời nhiệm sở giữa nhiệm kỳ thứ hai. Ông quyết định từ chức với lý do sức khỏe 20 tháng sau cuộc biểu tình của nửa triệu người.

Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã được một đại cử tri, gồm những đại biểu được Bắc Kinh phê chuẩn, bầu chọn sau khi Hoa lục bác bỏ yêu cầu của dân thành phố đòi quyền bầu cử phổ quát ở Hong Kong. Việc từ chức của bà Nguyệt Nga bây giờ, ngay cả khi Bắc Kinh nghĩ rằng đã đến lúc, và việc tìm kiếm một người lãnh đạo mới, có thể sẽ khơi dậy cuộc tranh luận về dân chủ. Về triển vọng củabà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, người đưa tin nói

“Nó sẽ tạo ra nhiều loại vấn đề hơn nó có thể giải quyết, ở tất cả các cấp.”

Với đám đông ngày càng lớn hơn vào Chủ nhật vừa qua, và tiếng hô hào đòi Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức vang dội từ các cao ốc văn phòng sáng chói của trung tâm tài chính châu Á, Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga Lam đã xin lỗi, thừa nhận rằng

“thiếu sót trong công tác của chính phủ đã dẫn đến những tranh cãi và tranh chấp đáng kể trong xã hội.”

Lâm Trịnh Nguyệt Nga

‘Tự sát Chính trị’

Viên chức chính phủ đưa tin cho biết quyết định hoãn lại dự luật, được sự đồng ý của Bắc Kinh, giúp nhiều người trong chính quyền thành phố thở phào.

Nhưng giới phân tích cho rằng việc thoái bước  như vậy có thể làm suy yếu hình ảnh của Tập Cận Bình, một nhân vật lãnh đạo cứng rắn, không chịu nhượng bộ, người đã giám sát chiến dịch chống tham nhũng và dẹp người bất đồng chính kiến ​​kể từ khi ông trở thành lãnh đạo tối cao từ năm 2012.

Văn phòng các vấn đề Ma Cao và Hồng Kông của Trung Hoa đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về việc liệu Bắc Kinh có bà Nguyệt Nga từ chức hay không.

Khi được hỏi về số phận của bà Nguyệt Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã mời phóng viên xem lại tuyên bố hôm thứ Bảy, trong đó Văn phòng các vấn đề Ma Cao và Hồng Kông cho biết chính phủ đã “luôn hoàn tòan phê chuẩn” công việc của Lâm Trịnh Nguyệt Nga và “sẽ tiếp tục hậu thuẫn bà Giám đốc một cách mạnh mẽ”.

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc họ đã  can thiệp và giới truyền thông nhà nước Trung Hoa đã nói rằng “thế lực ngoại bang” đang cố gắng gây thiệt hại cho Trung Hoa bằng cách tạo ra sự hỗn loạn về dự luật.

Viên chức chính phủ dấu tên cho biết dự luật dẫn đội kể như đã chết; ông nói

“Đình chỉ nó thực sự có nghĩa là rút lại … đem dự luật đó trở lại  chắc chắn là tự sát chính trị.”

Viên chức này nói rằng các cuộc biểu tình có lẽ đã gây thiệt hại cho Giám đốc Điều hành Hong Kong về mặt chính trị trong mắt Bắc Kinh và người ta “nghi ngờ” bà ấy sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Regina Ip, một thành viên của Hội đồng điều hành hàng đầu của thành phố và là cố vấn cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nói với Reuters rằng bà không nghĩ Lam sẽ từ chức, bất chấp sự đòi hỏi của những người biểu tình.

Nghị viên kỳ cựu của đảng Dân chủ đối lập James To nói Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức.

“Bà ấy đã bỏ lỡ những cơ hội bằng vàng để thể hiện sự ăn năn và phục hồi và đến nay đã mất hết uy tín để lãnh đạo.”

James To

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: China won’t allow Hong Kong leader to step down despite mass unrest: HK official | James Pomfret | Reuters |June 17, 2019.