Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp (p1)

Trần Giao Thủy

Cayenne là thủ đô của Guiana thuộc Pháp (French Guiana hay Guyane Française) nằm trên bờ Bắc của Đại Tây Dương ở Nam Mỹ giáp với Brazil ở phía Nam và Đông, phía Tây giáp Surinam (thuộc địa cũ của Hòa Lan, trước kia thường được gọi là Guiana thuộc Hòa Lan hay Dutch Guiana).

Nguồn: www.worldatlas.com

Mười một năm trước đây, tháng Sáu năm 2008, phóng viên Danh Đức đã viết một loạt bài 13 kỳ đăng trên tờ Tuổi Trẻ, tựa đề “Nhà lao An Nam ở Guyane”, nói đến một số tù nhân Việt Nam đã bị lưu đầy ở một nhà tù Guyanne của thực dân Pháp. Họ là những nghĩa quân Việt Nam Quốc Dân Đảng (V.N.Q.D.Đ.) 1930, các tù nhân trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và nghĩa quân của Đề Thám (những năm đầu thế kỷ 20), v.v.

Câu chuyện về những tù nhân của thực dân Pháp đã bị bỏ quên gần một thế kỷ và được Danh Đức nhắc lại vì tình cờ gặp con cháu của một người Việt Nam bị lưu đầy ở Guyane khi sang lãnh thổ Guiana làm phóng sự về vụ phóng vệ tinh Vinasat-1 vào ngày 8 tháng 4, 2008 tại Trung tâm Không gian Kourou cách Cayenne khoảng 60 cây số.

Tại sao những người tù Việt Nam ở Cayenne gần như bị quên lãng gần một thế kỷ? Thứ nhất vì đa số họ không liên quan gì đến đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay. Thứ hai, bằng sắc lệnh ngày 17 tháng 6 năm 1938 chính phủ Pháp bãi bỏ việc đầy biệt xứ những người bị kết án tù khổ sai. Đến năm 1942, Pháp đã quyết định giam tù nhân pháp ở Pháp bằng sắc lệnh ngày 6 tháng 7 năm 1942. Từ đó trở đi, những nhà tù ở Guiana không còn nhận phạm nhân và đóng cửa vào năm 1944[1]. Những người tù Việt Nam ở Cayenne “gần như bị quên lãng” vì thực sự có ít nhất hai tác giả không cộng sản đã viết về đề tài này.

  1. Một là Hoàng Văn Đào, với cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”, Nhà xuất bản Sống Mới, Saigon, 1957, 87 trang.
  2. Hai là Nguyễn Văn Hầu với cuốn “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Thi ca và Cuộc đời một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam”, Nhà xuất bản Xây Dựng, 1964, 219 trang. Ngoài ra tác giả đã viết về những nhân vật trong phong trào Đông Du miền Nam bị Pháp bắt vào đầu thế kỷ XX như “Nguyễn-Thần-Hiến, một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam”, Bách Khoa, số 124, 125, năm 1962, hay đã bị thực dân pháp đầy đi Guiana  như “Lý Liễu và Phong trào Đại Đông-Du”, Bách Khoa số 145, 15-1-1963, trang 39-50.

Hoàng Văn Đào Và Tác Phẩm

Hoàng Văn Đào, trong lời mở đầu cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An” viết,

“May mắn thay! Tháng giêng năm 1955 một số chiến sĩ Yên-Bái bị lưu đầy từ 1930 tại Guy-an (Guyane, Francaise) được trở về nước nhà, tôi hân hạnh được gặp, các bạn ấy đã vui lòng cấp thêm tài liệu để tôi viết nên tập: “TỪ YÊN-BÁI ĐẾN CÁC NGỤC-THẤT HỎA-LÒ, CÔN-NÔN, GUY-AN” này  nhằm mục đích cung cấp thêm tài liệu bổ-khuyết các văn phẩm cùng loại này đã xuất bản từ trước.

Chúng tôi luôn-luôn tôn-trọng sự thật trong khuôn khổ văn nghệ.

Viết tại Sài-gòn tháng 10 năm 1957
HOÀNG VĂN ĐÀO”

Hoàng Văn Đào, Ibid., trang 6-7.

“Sự thật trong khuôn khổ văn nghệ” là một khái niệm không dễ hiểu. Nó có thể phức tạp hơn cả quan điểm của Plato về nền tảng siêu hình của sự thật. Hay tác giả ngụ ý nói ông luôn tôn trọng “sự thật” của một xã hội “văn nghệ” nào đó? Tương tự như ông Donal Trump ngày nay tin như thật rằng biến đổi khí hậu là tin vịt trong khi giới khoa học xem đó là một sự thật dựa trên dữ liệu khoa học đã chứng minh.

Tác giả Hoàng Văn Đào là ai?

Độc giả cần đọc lời giới thiệu cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng,  Lịch-sử đấu-tranh cận-đại 1927-1954” [1965, NXB Giang Đông, Sài Gòn; 1970, Khai Trí, Sài Gòn], của Hoàng Văn Đào mới có thể hiểu chút ít về thân thế của tác giả. Người viết lời giới thiệu cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” là Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, nguyên Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tuần báo Tân Dân. Theo Thế Phong[2], Nguyễn Đắc Lộc là Chủ nhiệm Tân Dân (Hà Nội) từ 1948 đến 1954 chuyển vào Sài Gòn, “tòa soạn đặt tại 58 Phạm Hồng Thái, Saigon bị chính quyền  miền Nam  cho côn đồ đốt phá máy in, đốt tòa soạn, đóng cửa báo.”

Trong khi đang là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tuần báo Tân Dân, Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc lại chọn đăng tập “Thử tìm hiểu Chủ nghĩa Phan Chu Trinh” trên nhật báo Bạn Dân, Số đặc biệt ngày 24 tháng 3, 1953. Chủ nhiệm Quản lý của nhật báo này là Hoàng Văn Đào. Dường như có điều gì không ổn.

Trong lời giới thiệu cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, Nguyễn Đắc Lộc viết,

“… Thì hôm nay Việt dân Hoàng Văn Đào tiên sinh, một vị lão thành đồng chí và một trong các nhà sáng lập ra V.N.Q.D.Đ. đã bổ khuyết được chỗ thiếu sót của lịch sử, viết ra cuốn sách này mà tác giả lại có nhã ý nhờ tôi viết bài tựa…”

Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, Tựa, “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, trang 7.

Người đọc câu ‘giới thiệu tác giả’ trên đây của Nguyễn Đắc Lộc có thể hiểu, một, cả hai Nguyễn Đắc Lộc và Hoàng Văn Đào là đồng chí, đảng viên V.N.Q.D.Đ., và hai, Hoàng Văn Đào lại còn là một trong những “nhà sáng lập” V.N.Q.D.Đ.

Văn học sử Việt Nam cận đại không có thông tin về tiểu sử và tác phẩm của Hoàng Văn Đào trừ hai cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An” (1957) và “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng,  Lịch-sử đấu-tranh cận-đại 1927-1954” (1966, 1970).

Mặt khác, Nguyễn Đắc Lộc (1897-1975) là một người hoạt động trong làng báo Việt Nam có tiểu sử và tác phẩm tương đối rõ ràng hơn. Theo Nguyễn Hữu Phiếm, Nguyễn Đắc Lộc có chân trong “Đảng Cách mạng Phục Việt” sau sát nhập với Nhóm “Việt Nam Hồn” của Nguyễn Thế Truyền biến thành “Đảng An Nam Độc lập” tại Paris (Parti de  L’Indépendance Annamite à Paris). Đầu năm 1929, ông bỏ làm báo “Ami du Peuple”, vì vừa mất con gái sơ sinh và bị tình nghi là đảng viên V.N.Q.D.Đ.,  bỏ xứ sang Lào, làm việc cho hãng vận tải Malpuech nên không bị mật thám Tây theo dõi[3].

Nhiều nguồn tài liệu[4] đều cho biết V.N.Q.D.Đ. xuất phát từ  một tiệm sách và cơ sở ấn loát do hai anh em Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài thành lập năm 1925[5] Nam Đồng Thư Xã (N.Đ.T.X.) rồi Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) đến tham gia, sau đó Nguyễn Thái Học mới gia nhập N.Đ.T.X.

Cuối tháng 10, 1927 Nguyễn Thái Học lập tổ chức bí mật, muốn dùng võ lực lật đổ chế độ thực dân phong kiến gọi là “Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã”. Việt Nam Quốc Dân Đảng chính thức thành hình ngày 25 tháng 12, 1927 tại Hà Nội, chủ tịch là Nguyễn Thái Học. Từ năm 1928 đến 1929, V.N.Q.D.Đ.  phát triển nhanh chóng. Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã thành công trong việc chiêu mộ được nhiều sinh viên, chủ doanh nghiệp nhỏ và công chức[6]. Đến năm 1929, V.N.Q.D.Đ. đã có khoảng 1.500 đảng viên và ít nhất 120 chi bộ[7]. Đến năm 1930, ước tính V.N.Q.D.Đ. đã có khoảng 70.000 đảng viên, chứng thực tài năng và sự thành công của những cán bộ chiêu mộ và tuyên truyền của đảng này[8]. Trong số người mới gia nhập này có Hoàng Văn Đào ở Thanh Hóa[9].

Trong những tài liệu bằng tiếng Pháp và Anh dù có rất nhiều tên những nhân vật quan trọng từ  N.Đ.T.X. đến khi V.N.Q.D.Đ. thành hình như Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nguyễn Thế Nghiệp, v.v.  nhưng không có tên “nhà sáng lập” Hoàng Văn Đào như Nguyễn Đắc Lộc đã viết trong cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”.

Như vậy tác giả Nguyễn Đắc Lộc đã thổi phồng vai trò “nhà sáng lập” V.N.Q.D.Đ. của đảng viên Hoàng Văn Đào.

Nhưng nếu trở lại cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”, cuối chương XIII, trước khi sang phần “Phụ lục thi văn”, người đọc sẽ thấy tác giả viết,

“Mỉa-mai thay! Số phận người chiến-sĩ cách-mạng Quốc-gia Việt Nam!
Viết tại Sài-gon, tháng 10 năm 1957
Nghĩa-viên Hoàng Văn Đào”

Hoàng Văn Đào, Ibid., trang 78.

Từ tháng 10, 1957 đến tháng 3, 1964, Hoàng Văn Đào từ một nghĩa viên trở thành đảng viên và còn là “nhà sáng lập” V.N.Q.D.Đ. Tại sao đã gia nhập đảng từ ngày đầu (1927) và đến 30 năm sau vẫn là “nghĩa-viên” rồi bất chợt thành đảng viên “nhà sáng lập” 7 năm sau đó? Chỉ phần tiểu sử tác giả thôi đã có nhiều phức tạp, khó hiểu, nói chi đến tập sách “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An” do ông viết theo lời một số chiến sĩ Yên-Bái bị lưu đầy từ 1930 về nước thuật lại. Sẽ trở lại sau với “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”.

Thêm một dấu hỏi khác, tại sao gọi các “chiến sĩ Yên-Bái” là “các bạn ấy” chứ không là đồng chí? Kế đến, lý do nào khiến Hoàng Văn Đào không nêu đích danh “một số chiến sĩ Yên-Bái bị lưu đầy” không còn bị tù, trở về nước, hoàn toàn tự do để kể chuyện cho tác giả viết thành sách?

Và suốt tập sách, tác gỉa, một người không có liên hệ gì với V.N.Q.D.Đ. đã dùng đại danh từ nhân xưng số nhiều, ngôi thứ nhất, “chúng tôi”, để thuật lại mọi sự việc tỉ như chính ông là chiến sĩ V.N.Q.D.Đ. đã tấn công đồn Yên Bái (hay Yên Báy), rồi đi tù từ Hỏa Lò đến Côn-Lôn (Côn Đảo), và bị đầy sang Guiana dù trong cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, Hoàng Văn Đào đã viết,

“Khi viết tập sách nhỏ này, chúng tôi giữ vững lập trường một công dân cầm bút chép sử của Dân tộc, chứ không quan niệm là một Đảng viên V.N.Q.D.Đ. chép sử để tuyên truyền cho Đảng mình, …”

Hoàng Văn Đào, “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” (1970), Lời nói đầu (không có số trang).

Văn phong của Hoàng Văn Đào ngày ấy xem chừng không khác gì diễn ngôn định hướng, đầy uyển ngữ cường điệu của đảng cầm quyền độc nhất ở Trung Hoa và bù nhìn ở Hong Kong hiện nay.

Với những chi tiết (hay thiếu chi tiết) về tiểu sử của Hoàng Văn Đào và liên hệ hoạt động của ông với Nguyễn Đắc Lộc, cùng tính cách bí mật của những chính đảng Việt Nam thời Pháp thuộc và dưới hai nền Cộng Hòa thì Hoàng Văn Đào có thể là một bút danh khác, như Nguyễn Càn Khôn hay Mai Lâm, của Nguyễn Đắc Lộc.

Nguyễn Văn Hầu (1922-1995) | Chí sĩ Đông Du miền Nam và nhà tù ở Guiana thuộc Pháp

Nguyễn Văn Hầu (1922-1995). Nguồn: Huệ Khải văn tập

Để hiểu về tác giả Nguyễn Văn Hầu có lẽ độc giả có thể đọc những nhận xét của Nguyễn Hiến Lê, người viết Tựa cho cuốn “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Thi ca và Cuộc đời một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam”, Nhà xuất bản Xây Dựng, 1964.

“Ông Hầu quê ở cù lao Giêng, khoảng giữa miền Hồng-Cao, hồi nhỏ có lần nuôi cái mộng được làm học trò của cụ [Nguyễn Quang Diêu], lớn lên luôn luôn tưởng niệm cụ, gần đây bỏ ra mấy năm điều-tra , phỏng-vấn, rồi thu thập tài-liệu về đời cụ cùng thi văn của cụ mà soạn nên cuốn này. […] Tôi tin rằng mỗi tỉnh ít gì cũng có một hai nhà tân học biết chút ít Hán-tự lại lưu tâm tới sử học. Phần nhiều những vị đó ở trong giáo-giới như ông Nguyễn Văn Hầu. Nếu viện khảo-cổ biết tìm họ, mời họ về Sài Gòn một vài tháng để truyền lại cho những kiến-thức căn-bản về việc khảo-cổ […]

Long Xuyên, ngày 30-11-1961,

Nguyễn Hiến Lê”

Nguyễn Văn Hầu, Ibid., trang XIV-XVI

“… Trong hai chục năm nay, người có công nhất với lịch sử miền Hậu Giang là Giáo sư Nguyễn Văn Hầu… năm nay Ông lại công bố cuốn Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang mà Ông mất công khảo cứu tìm kiếm trong sách báo và nhất là tại chỗ trong hai chục năm mới xong. […]

Tài liệu rất dồi dào hơn hẳn mấy cuốn trước, lối suy diễn thận trọng, cách ghi chép rành rọt kĩ càng. Những chương Đào Thoại Hà, Đào Vĩnh Tế Hà, Khai cương thác địa viết công phu, đọc hứng thú, người sau khó mà viết hơn Ông được. […]

Tôi nghĩ người có học thức nào ở Hậu Giang cũng nên có cuốn đó trong tủ sách để biết công tổ tiên đã bảo vệ và khai thác miền mình hiện đương sống, một miền phì nhiêu nhất của non sông.”

Nguyễn Hiến Lê, “Người có công với lịch sử miền Hậu giang”, Bách Khoa, số 395 ngày 8 tháng 8 năm 1973.

“Thông chữ Hán, chữ Pháp. Tính tình điềm đạm, siêng năng, làm việc cẩn thận, thu thập nhiều tài liệu. Bốn cuốn có giá trị nhất của Ông là Đức Cố Quản (một vụ khởi nghĩa ở Long Xuyên, Châu Đốc thời Pháp thuộc), Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu (một nhà Cách mạng ở Cao Lãnh trong những năm giữa hai thế chiến), Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang và Nửa tháng trong miền Thất Sơn …”

Nguyễn Hiến Lê, “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê”, mục bạn Văn, NXB Văn Học 1997.

Cuốn “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Thi ca và Cuộc đời một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam” (1964), và những biên khảo đã đăng trên tạp chí Bách Khoa về NguyễnThần Hiến (1962) và Lý Liễu (1963) đều nói về những nhân vật cách mạng trong Phong trào Đông Du của miền Nam.

Huỳnh Hưng, người gốc Vĩnh Long tên thật là Huỳnh Văn Nghị thường được gọi là Bẩy Nghị Huỳnh Hưng là biệt hiệu do Kỳ Ngoại Hầu đặt, dùng trong giới cách mạng. Ông là bạn thân của Nguyễn Thần Hiến, người đã được Cường Để giao giữ chức Bộ trưởng Tài chánh chính phủ lâm thời tại đại hội năm 1912 ở Quảng Đông. Tuy ở nước ngoài nhưng Nguyễn Thần Hiến giữ được liên lạc chặt chẽ với người trong nước nhất là ở miền Hậu Giang. Cuối tháng Năm 1913, một nhóm chí sĩ miền Nam sang Hong Kong gặp Nguyễn Thần Hiến gồm có Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật. Sau khi mua được vũ khí (tạc đạn), cả bốn người đang họp bàn phân chia công tác tại nhà Huỳnh Hưng đều bị cảnh sát Anh bắt; đó là ngày 16 tháng 6, năm 1913. Sau khi nhận tội hết về mình, Huỳnh Hưng bị phạt tiền và 9 tháng tù. Ba đồng chí của ông gọi là trắng án nhưng thực ra vẫn bị tạm gian chờ ngày giải về Hà Nội cho chính quyền thuộc địa ở Việt Nam. Cả ba người đều lãnh 10 năm tù bị tạm giam ở Hỏa Lò chờ ngày bị đầy sang Guiana thuộc Pháp. Nguyễn Thần Hiến, lớn tuổi không chịu đựng nổi tra tấn của lao tù, lâm trọng bệnh, đến khi được đưa đi bện viện thì ông tuyệt thực phản đối và qua đời ở đó[10].

Thật ra vụ án tạc đạn ở Hong Kong năm 1913 còn có 3 bị can khác; đó là Trần Ngọ, Nguyễn Truyện và Lý Liễu.

Công nhận không đủ tài liệu về Trần Ngọ và Nguyễn Truyện, tác giả Nguyễn Văn Hầu chỉ viết về người học trò trẻ tuổi trong phong trào Đông Du bị bắt ở Hong Kong. Đó là Lý Liễu. Thân phụ của Lý Liễu, Lý Chánh (Vĩnh Long), là chỗ thâm giao với Nguyễn Quang Diêu (Cao lãnh), Nguyễn Thần Hiến (Cần Thơ). Lý Chánh gia nhập phong trào Đông Du từ năm 1906, hợp tác với Nguyễn Thần Hiến lập Khuyến Du Học Hội (KDHH) cổ động học sinh xuất dương du học. Vì vậy Lý Liễu được cha gởi đi du học Hong Kong khi ông mới 14-15 tuổi. Lý Liễu là học sinh của Trung Anh học đường (St Joseph College ở Hong Kong). Theo Lorraine M. Paterson, Lý Liễu sang Hong Kong đi học năm 1905 khoảng 12 tuổi[11], nghĩa là Lý Liễu sinh khoảng 1893.

Nguyễn Truyện và Lý Liễu vừa là đồng chí lại là đồng hương thường lui tới nhà Huỳnh Hưng để nhận tin gia đình và nghe ngóng tình hình trong nước. Ngày 16 tháng 6, Lý Liễu vừa ghé nhà Huỳnh Hưng như thường lệ và cũng để gặp phái đoàn trong nước mới qua, nên bị cảnh sát bắt. Nguyễn Truyện vì nóng lòng biết tin của bằng hữu nên đã đến tòa án ở Hong Kong nghe ngóng và bị cảnh sát Anh tình nghi, tra vấn và bắt luôn tại chỗ. Khi bị đưa về Hà Nội, Nguyễn Truyện bị tuyên án chung thân khổ sai, còn Lý Liễu bị án 5 năm khổ sai, cũng như Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật, tất cả bị tạm giam ở Hòa Lò chờ ngày đi tù biệt xứ. Nguyễn Truyện bị xử án nặng nhất vì thực dân biết cha ông, cụ Xã Trinh, là một cán bộ cách mạng đắc lực, và Truyện cũng khẳng khái nhận mình là du học sinh của Phong trào Đông Du đi học để về khai hóa dân trí. Trong nhà tù Hỏa Lò, Nguyễn Truyện giả đau, đi bệnh viện rồi dùng dao mổ bụng tự vẫn. Huỳnh Hưng mãn tù ở Hong Kong bị Anh đưa về cho Pháp đầy đi Côn Lôn. Năm 1914, bốn người còn lại, Lý Liễu, Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật và Trần Ngọ đều bị đưa đi đầy ở Guiana thuộc Pháp ở Nam Mỹ[12].

Hai cách viết sử

Cách viết lịch sử của hai tác giả Hoàng văn Đào và Nguyễn Văn Hầu rất khác nhau. Ông Nguyễn Văn Hầu trích dẫn nguồn rõ rệt, ông Hoàng Văn Đào thì không được như thế.  Điển hình, trong phần “Tài liệu tham khảo” ở đầu cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, tác giả Hoàng Văn Đào ghi 7 cuốn sách của 6 tác giả Pháp và một của Nhượng Tống, cùng tên tờ báo Phụ nữ Tân Văn trong mục (A) sách báo. Ở mục (B) tác giả ghi tên khoảng 30 nhân vật ông trực tiếp tham khảo – một loại lịch sử truyền khẩu – trong đó có một số đảng viên V.N.Q.D.Đ., nhưng đặc biệt không có tên Vũ Hồng Khanh (Vũ Văn Giản). Và suốt cuốn sách tác giả ít cho biết ai hay tác giả cuốn sách nào là nguồn chính của những thông tin ông chép hay trích dịch lại.  Và như thế, dữ kiện Hoàng Văn Đào trình bầy trong tác phẩm của ông thật rất khó kiểm chứng hoặc có thể biết rõ nguồn chính.

Nguồn Hoàng Văn Đào trích dẫn trong cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” là Lê Thành Vỵ (một nhân vật tác giả tham khảo trực tiếp) ở cuối mục “Ngày Đản-sinh Việt-Nam Quốc-Dân đảng”, trang 27-40; trích dịch Louis Marty về chuyện phát triển đảng, trang 50 và ở một số trang khác, đặc biệt là nguyên Chương X, Cuộc tranh đấu tiếp tục không ngừng; trong mục “Dư luận báo chí thời đó” tác giả đương nhiên phải trích dịch một số báo chí, như tờ Franco Annamite (R.F.A. số 3 ngày 1-8-1929, trang 25), Avenir du Tonkin (không đề ngày), báo L’Action française (2 tháng 6, 1929, [trang 5]); 8 lần trích dịch Louis Roubaud, “Viet-nam, la tragédie indo-chinoise” (1931); 3 trích dẫn thông tin của tuần báo Phụ nữ Tân văn; tham khảo với Nguyễn Tiến Hỷ (Phan Trâm) để viết mục “Thống Nhất “Đại Việt Quốc Dân Đảng”, “Việt Nam Quốc Dân Đảng” và “Đại Việt Dân Chính Đảng” Lần Thứ Nhất” (220-222).

Tóm lại, đọc cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng,  Lịch-sử đấu-tranh cận-đại 1927-1954”, bạn đọc rất khó có thể đánh giá những chuyện trong nội bộ của một đảng hoạt động bí mật. Ví dụ, về vụ ám sát Bazin, theo Hoàng Văn Đào thì Vũ Hồng Khanh tuyên bố có mặt trong cuộc họp của Tổng bộ V.N.Q.D.Đ. tuyên án tử hình y, nhưng Hoàng Văn Đào lại khẳng định,

“Tổng bộ V.N.Q.D.Đ. kể từ ngày Bazin bị giết trở về trước, không hề có ủy viên nào mang tên Vũ Văn Giản tức Vũ Hồng Khanh sau này cả.”

Hoàng văn Đào Ibid., trang 58.

Về việc vụ ám sát Bazin ngày 9 tháng 2 năm 1929, Hoàng Văn Đào viết,

“Bước vào Khách sạn Việt Nam Nguyễn Văn Viên gặp Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Đào và Nguyễn Hữu Đạt, đồng chí Viên đưa đề nghị của các đại biều Chi đoàn Công nhân yêu cầu Tồng bộ xét, xin ra lệnh cho ban ám sát giết Bazin. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trả lời:

– Nếu nay vội giết Bazin, tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bổ dữ dội, mà đa sổ đồng chí trong cấp lãnh đạo của Đảng chúng ta phần đông có tên trong “SỔ ĐEN” của sở mật thám…”

Hoàng văn Đào, Ibid., trang 55.

Tuy nhiên trong cuốn “Việt Nam Quốc Dân Đảng – Đảng sử” (1966) tác giả Vũ Hồng Khanh không ghi là ông có mặt trong phiên họp Tổng bộ, chỉ thuật lại vụ ám sát Bazin,

“Hai người thanh niên này chính là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Văn Viên, người được đảng ủy cho việc tổ chức cuộc ám sát này.”

Vũ Hồng Khanh, Ibid., trang 47

Hoàng Văn Đào viết tiếp,

“Vụ án Bazin tuy phòng dự-thẩm Tòa Án Đại-hình có đòi Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Thác, Hoàng Văn Đào và Nguyễn Hữu Đạt ra hỏi cung nhiều lần, nhưng không một ai chịu tiết lộ một đỉều nào; nên vẫn không tìm ra manh mối.”

Hoàng văn Đào, Ibid., trang 69.

Khi tác giả viết cuốn “Việt Nam Quốc Dân Đảng” có lẽ chỉ mình Hoàng Văn Đào còn sống thì lấy ai để xác nhận, làm chứng cho câu chuyện? Nếu tác giả kèm theo phóng ảnh trát đòi ông đến để hỏi cung thì câu chuyện sẽ có sức thuyết phục hơn nhiều.

Vấn đề của Hoàng Văn Đào nằm ở chủ đề của tác phẩm. Nó với ông như hai mà một, khi ông sử dụng đại danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều, “chúng tôi”, trong cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”, và dù biện bạch gì đi nữa thì cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng,  Lịch-sử đấu-tranh cận-đại 1927-1954” cũng là tài liệu do một  người tự nhận là đảng viên viết về đảng của mình. Đọc “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” của Hoàng Văn Đào thì cũng nên đọc “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng, Đảng Sử” Tập I (1966) của Vũ Hồng Khanh xuất bản và tham khảo những văn bản của chính quyền thực dân Pháp, nhất là của sở mật thám và báo chí đương thời, kể cả những nghiên của quân đội Mỹ và của học giả trong giới hàn lâm viết tiếng Anh, Pháp sau này.

Mặt khác, Nguyễn Văn Hầu trích dẫn nguồn khá cẩn thận, ví dụ:

“Trong cuốn Cuộc đời cách-mạng Cường-Để, đoạn thuật lại khúc mắc nạn ở Hồng-Kông năm 1913, Kỳ Ngoại Hầu có nói:

‘Khi ấy, (Nguyễn Thần Hiến) vừa từ Thượng-Hải về tới Hồng-Kông thì tiếp được thư đồng-chí ở Nam-Kỳ viết ra bảo mua tạc đạn gởi về,…’”

[…]

“Trong bài Hà-Thành lâm nạn, làm tại nhà pha Hỏa lò, cụ Nguyễn Quang Diêu – một trong số mấy người bị bắt trong vụ vừa nói – sau khi cho biết mình bị án mười năm, có kể rõ tên các nạn nhân khác cũng bị tòa án thực-dân bức xử như cụ,

‘Thương ông Thần Hiến râu mày,
Cùng Đinh-Hữu-Thuật đều đày mười năm…’”

Nguyễn Văn Hầu, “Lý Liễu và Phong trào Đại Đông-Du”, Bách Khoa số 145, 15-1-1963, trang 39.

Viết về Nguyễn Thần Hiến, không đầy 6 trang đăng trên tạp chí Bách Khoa, tác giả Nguyễn Văn Hầu cho biết năm tài liệu chính ông đã tham khảo: 1/ “Tài liệu của gia đình Nguyễn Như” do Bs Nguyễn Như Giui (Cần Thơ) cháu nội cụ Nguyễn Thần Hiến cung cấp. 2/ “Nguyễn-Quang sưu la ký” do miêu duệ dòng Nguyễn-Quang cung cấp. 3/ “Cảnh sơn thi văn sưu tập” do Nguyễn Công Rau, chủ tịch hội Tàm-tang Tân Châu, cung cấp. 4/ “Phong trào Đại Đông Du: của Phương Hữu, Nam Việt Xuât bản 1957. 5/ “Cuộc đời Cách mạng Cường Để” in tại nhà Tôn Thất Lễ, xuất bản 1957, và một số tài liệu phụ thuộc khác.

Những người Việt Nam bị đầy biệt xứ ở nhà tù Cayenne ở Guiana thuộc Pháp

Năm 1931, sau cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái, thực dân Pháp đã đưa 535 chính trị phạm Việt Nam đi đầy khổ sai ở Guiana thuộc Pháp [từ đây sẽ viết gọn là “Guiana”]. Họ bị giam ở những nhà tù mới xây năm 1930 trong lãnh thổ Inini. Những phạm nhân Việt Nam thường xuyên tổ chức những cuộc nổi dậy, sau đó đã lần lượt được hồi hương cho đến năm 1964[13].

Thực ra, người Việt Nam bị thực dân đầy biệt xứ không chỉ có ở Cayenne, Guiana mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trong suốt thời Pháp thuộc (1863–1954), thực dân Pháp đã đưa khoảng 8000 tù nhân đi đầy ở 12 nhà tù trên khắp Đế quốc Pháp[14]. Những người tù này không chỉ là chính trị phạm mà số lớn là những thường phạm. Ngoài mục đích đưa tù nhân đi đầy để “đền tội”, chính quyền Pháp còn bóc lột sức lao động của người bị lưu đầy[15] để thành lập một xã hội định cư và góp phần phát triển một phần thuộc địa của đế quốc thực dân Pháp[16] còn hoang sơ mà Guiana là một ví dụ. Chính sách đầy phạm nhân sang những nhà tù thuộc địa được áp dụng cho cả tù nhân người Pháp và tù nhân từ thuộc địa của đế quốc Pháp.

Những nhà tù thuộc địa do Pháp dựng lên để giam chính trị phạm bị đầy biệt xứ (“deportation” hay “les deportés”), thường phạm bị án khổ sai (“transportation” hay “les transportés”). Dưới thời Đệ tam Cộng hòa Pháp, đó cũng là nơi giam tù nhân tái phạm (“relegation” hay “les relégués”)[17].

Nhà tù Guyanne, được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nơi tù nhân chỉ có đến mà không có đi; nhà tù ở đây là “máy chém khô” (guillotine sèche, dry guillotine) vì nó giết người không khác gì đoạn đầu đài, chỉ khác nhau ở quãng thời gian giữa sự sống và cái chết; một cách khác nhà tù ở Guiana là nơi phạm nhân thọ án tử hình không đổ máu. Những nhà tù ở Cayenne cũng được xem là nhà tù không thể thoát được vì đó là những nhà tù trên đảo hoặc ở giữa rừng già.

Tàn tích của nhà tù thuộc địa tại Cayenne ở giữa rừng nhiệt đới ở Guiana là bức tường hoen ố rêu phong và những phòng giam trần là song sắt dù không còn cửa ra vào, bên lối đi hẹp. Nguồn: GettyImages.

Người Việt Nam bị đầy khổ sai biệt xứ sang Cayenne không phải là chuyện mới xẩy ra sau cuộc khởi nghĩa thất bại ở Yên Bái năm 1930 mà đã có từ nhiều năm trước đó.

Năm 1890, 80 trong 133 người Đông Dương bị đầy biệt xứ, lãnh án biệt xứ vĩnh viễn. Cũng năm này, Toàn quyền (1888-1891) Anne Léodor Philotée Metellus Gerville-Réache[18] (1849 – 1911) của Guiana đã hứa với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp rằng các tù nhân chính trị từ Đông Dương sẽ bị tách ra ngay lập tức và giao cho những nhiệm vụ tương xứng với bản án của họ. Nhưng theo các tài liệu lưu trữ và giai thoại khác, lời hứa này đã không được thực hiện vì trước năm 1910 không có sự phân biệt về mặt luật pháp giữa tù chính trị và thường phạm ở Đông Dương. Các tù nhân từ Đông Dương hầu như luôn được giao cho một trong ba việc. Một là người giúp việc gia đình, hai là làm nông dân hay ba là đi đánh cá. Thật vậy, định kiến của người Phương Tây cho rằng người Đông Dương, đặc biệt là người Việt Nam, là những người làm việc siêng năng đôi khi đã giúp tù nhân Việt Nam được giao cho những công việc nhẹ hơn, không phải canh chừng khắt khe. Người tù Campuchia thường được đưa vào làm công việc trồng trọt, đồng áng, kể cả việc trồng lúa, được coi là ít gian nan hơn so việc với phá rừng, cắt cây.

Làng Việt Nam ở bên kinh đào Laussat, Guyane. Nguồn: Collection-jfm.fr

Trong suốt những năm 1890, phạm nhân Việt Nam được phép xây nhà kiểu Việt Nam – tuy tài liệu lưu trữ không nói rõ thế nào là nhà “kiểu Việt Nam” – và được độc quyền đánh bắt cá; Cá bắt được có lẽ được dùng để bù đắp một phần cho mức lương ít ỏi của lính gác nhà tù. Người ta kể lại rằng bên con kinh Laussant, đào năm 1777, dài khoảng 1 cây số chạy từ cửa sông Cayenne vào thủ đô người Việt đã có một ngôi làng Việt Nam, chữa trị giúp người bệnh trong cộng đồng[19].

(Xem tiếp p2, p3, Kết và Epilogue)

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa.

[1] Marc Renneville, translated by Patricia Bass, “The penal colonies: from utopia to potential case dismissal”, Criminocorpus [Online], The penal colonies, Présentation du dossier, Online since 01 January 2007, connection on 01 November 2016. URL: http://criminocorpus.revues.org/2965
[2] Thế Phong, “Mai Lâm-Nguyễn Đắc Lộc (1897-1975): nhà văn “bất đắc dĩ” (vanchuongviet.org, 2011) trích và hoàn chỉnh theo cuốn “Chiêu niệm 4 nhà văn Saigon”, cùng tác giả, Nxb Đồng Nai 1999.
[3] Thế Phong, Ibid.
[4] Le Colon français républicain. Journal de défense des intérêts français et annamites (Hải Phòng), 1929-07-06, Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, JO-94309, 1929/07/06 (A4,N521)-1929/07/06. Trang 12157-12161.
[5] Study by the Senior Liaison Office, U.S. Embassy, Vietnam, “Nationalist  Politics in Vietnam”, Douglas Pike Collection, Unit 06 Democratic Republic of Vietnam, Item #2321601006.
[6] Study by the Senior Liaison Office, U.S. Embassy, Vietnam, Ibid.
[7] Scott McConnell, Left ward Journey: The Education of Vietnamese Students in France, 1919–1939 (New Brunswick: Transaction Books, 1989).
[8] Study by the Senior Liaison Office, U.S. Embassy, Vietnam, Ibid.
[9] Hoàng Văn Đào, “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng,  Lịch-sử đấu-tranh cận-đại 1927-1954”, tái bản lần thứ hai, Sài Gòn, 1970, trang 28-29.
[10] Nguyễn Văn Hầu, “Nguyễn-Thần-Hiến, một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam”, Bách Khoa, số 125, năm 1962. Trang 9-14.
[11] Lorraine M. Paterson, “Ethnoscapes of Exile: Political Prisoners from Indochina in a Colonial Asian World”, IRSH 63 (2018), Special Issue, pp. 93.
[12] Nguyễn Văn Hầu, “Lý Liễu và Phong trào Đại Đông-Du”, Bách Khoa số 145, 15-1-1963. Trang 39-50.
[13] Jean-Lucien Sanchez, “French Guiana. The Penal Colonization of French Guyana 1852-1953”. 2016. halshs-01409186
[14] Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu, Đinh Hữu Thuật và Trần Ngọ đều bị đưa đi đầy ở Guiana, Lorraine M. Paterson,  “Ethnoscapes of Exile: Political Prisoners from Indochina in a Colonial Asian World”, IRSH 63 (2018), Special Ibid., p. 93.
[15] Christian G. De Vito et al., “Transportation, Deportation and Exile: Perspectives from the Colonies in the Nineteenth and Twentieth Centuries”, IRSH, Page 1 of 24 doi:10.1017/S0020859018000196 © 2018 Internationaal Instituut voor Sociale Geschiedenis, p. 22.
[16] Jean-Lucien Sanchez, Ibid.
[17] Louis-José Barbançon, “Déportation, Transportation Et Relégation Française (1540-1970)”, https://criminocorpus.org, 7 juillet 2006.
[18] “Leonore : Reache, Anne Leodor Philothee Metellus”. Culture.gouv.fr. Truy cập 15 tháng 9, 2019.
[19] Lorraine M. Paterson, Ibid., p 98