Thích Trí Quang và những Mục đích Chính trị của Phật giáo đồ ở Việt Nam

Trà Mi

Trí Quang đấu tranh vì quyền lực, với mục đích sau cùng của ông ta là điều khiển một nhà nước thần quyền trên toàn cõi hay một phần của Việt Nam về cả hai mặt thế tục và tinh thần.

Thích Trí Quang tại một cuộc họp báo ở Sài Gòn năm 1966. (Charles Bonay / LIFE Images Collection / Getty Images)

“Thích Trí Quang và những Mục đích Chính trị của Phật giáo đồ ở Nam Việt Nam”[1] là tựa đề của một bản đánh giá (giác thư) của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) viết ngày 20 tháng 4, 1966, mã số CIA-RDP80B01676R000100050011-6 được phép công bố ngày 15 tháng 1, 2004.

Giới chức Mỹ ở Sài Gòn đã thường xuyên gặp gỡ Thượng Tọa Thích Trí Quang trong suốt những năm 1964–66, và những cuộc giao tiếp này trở thành một khối tài liệu lớn cho giới nghiên cứu lịch sử. Tuy vậy giới hàn lâm Mỹ và Việt Nam lại rất ít quan tâm đến sự giao tiếp giữa Thượng tọa Trí Quang và người Mỹ có lẽ vì họ thường sử dụng tập Tài liệu Quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ (FRUS) mà trong đó thật sự chỉ có một vài đoạn đối thoại giữa Trí Quang và nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và gần như không hề có một đánh giá nào của CIA về mục tiêu và động lực thúc đẩy cuộc tranh đấu của Phật giáo nói chung hay của Thượng tọa Trí Quang nói riêng.

Có thể là một trong những đánh giá trễ nhất của CIA về Thượng tọa Thích Trí Quang[2], sau 6 trang Báo cáo Đặc biệt của CIA (28/06/1963) tựa đề “Phật tử ở Nam Việt Nam”[3], CIA-RDP80B01676R000100050011-6  là một tài liệu cần được đọc qua.

Đây là một tài liệu ngắn, 15 trang, trong đó chuyên viên CIA tóm tắt về Phong trào Phật giáo và Thượng tọa Thích Trí Quang; những tiểu mục sau đó là

  • Trí Quang,
  • Bối cảnh Phong trào Phật giáo Việt Nam,
  • Thiên Chúa giáo và người Pháp,
  • Phong trào Phật giáo đương đại,
  • Những mục đích chính trị của Phật giáo đồ,
  • Phản ứng của Tín đồ Thiên chúa giáo và những người không phải là Phật giáo đồ,
  • Sự chi phối của Phật giáo đồ và chính sách của Mỹ.

Tóm tắt

Nguồn: YouTube/Historycentral

Chiến thắng về mặt chính trị của Phật Giáo đồ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng đang xẩy ra ở Việt Nam gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một thất bại tạm thời đối với chương trình và mục tiêu của Mỹ, nhưng không phải là điềm báo trước cho một thảm họa toàn diện.

Phật giáo đồ (Phật tử hay những người theo Phật giáo) là một yếu tố chính trị có thực lực mà chính quyền phải chấp nhận và đối phó nếu muốn đạt được sự ổn định.

Nhưng những nhà sư chính trị, như Thượng tọa Thích Trí Quang, không nhất thiết là đại diện cho hay là những người nói lên hoài bão của tất cả Phật tử Việt Nam, nhưng họ thực sự có một tổ chức chính trị dựa vào quần chúng hữu hiệu hơn tất cả mọi tổ chức khác trừ Cộng sản. Hệ thống của Phật tử không phải là hệ thống kiểu Cộng sản, mặc dù những hoạt động của nhóm lãnh đạo Phật giáo thường hỗ trợ cho mục đích của Cộng sản. Thái độ và cách ứng xử của giới sư chính trị và sự chấp nhận ảnh hưởng của họ trong quần chúng Việt Nam đã được điều kiện hóa bằng nhiều yếu tố phức tạp vừa tôn giáo lẫn chính trị và xã hội suốt dòng lịch sử Việt Nam.

Nếu Phật giáo đồ thành công trong việc dựng lên một chính phủ do họ kiểm soát thì Mỹ sẽ phải đương đầu với những vấn đề chính trị tế nhị. Tuy nhiên, về lâu về dài, một chính phủ do Phật giáo đồ chi phối có thể đem lại một tình trạng ổn định cho Việt Nam.

Một chính phủ Phật giáo sẽ không chủ tâm dâng miền Nam cho Cộng sản, mặc dù Phật giáo đồ Việt Nam chung cuộc muốn chấm dứt sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ, nhưng những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Phật giáo ý thức được rằng viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ là điều vẫn phải có trong một giai đoạn. Dù họ muốn có một miền Nam độc lập dưới sự kiểm soát của Phật giáo đồ, họ có thể cũng biết rằng điều này không thể thực hiện được mà không có sự yểm trợ và viện trợ của Mỹ chống lại Cộng sản.

Một chính phủ do Phật giáo đồ chi phối sẽ gây nghi ngại và phẫn uất đối với những phe phái chính trị và những tôn giáo khác tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu phải chọn giữa cộng sản và Phật giáo đồ, đa số những phe phái khác rốt cuộc sẽ chọn theo Phật giáo đồ, và mong thấy điều tốt nhất xẩy ra nhưng vẫn sẵn sang chờ trường hợp xấu nhất.

Phật giáo đồ nắm được quyền lực sẽ gây ra tình trạng căng thẳng trong ban lãnh đạo quân đội Việt Nam. Trong ngắn hạn nó sẽ làm sút kém sự đoàn kết và hiệu quả. Tuy nhiên, ít nhất vẫn có thể có sự ủng hộ tiềm ẩn đối với Phật giáo tường thấy trong giới quân nhân cuối cùng có thể đem lại sự đoàn kết vai trò tốt đẹp hơn giữa quân đội và người dân.

Trí Quang

Bản giác thư của CIA có 6 đoạn nhận định về Thượng tọa Thích Trí Quang; tuy vậy, nguyên trang 4, khoảng 5 đoạn đã bị xóa trắng trong bản đánh giá này của CIA.

1. Nếu Phật giáo đồ thành công trong việc đảo chính, lật đổ chính phủ hiện tại và dựng lên một chính phủ đáp ứng lại nguyện vọng của họ, thì kết quả thực là một chiến thắnng cho Trí Quang; hệ quả hiển nhiên là ông sẽ trở thành một chính khách quyền lực nhất Việt Nam. Trí Quang là một nhân vật rất phức tạp, và đặc biệt Việt Nam. Ông ta là một người tự phụ, phù phiếm coi “nguyện vọng của người dân” bằng với hoài bão của mình, và hoàn toàn thích chơi trò chính trị vì chính trị. Ông ấy là một người theo chủ nghĩa quốc gia đến độ bài ngoại, một bậc thầy tuyệt với về nghiệ thuật kích động quần chúng và làm áp lwujc, và là chính khách năng động và hữu hiệu nhất Việt Nam hiện nay. Không ai thực sự biêt Trí Quang muốn gì, rõ ràng và thực tế, và chính ông ấy có thể cũng không thể trình bày những mục tiêu tích cực của ông ấy một cách chính xác được.

[…] (phần xóa trắng)

nhu cầu cần có sự yểm trợ của Mỹ trong cuộc đấu tranh với Việt Cộng và việc bất khả thi là đàm phán với Cộng sản cho đến khi họ bị đánh bại, không còn nghi ngờ gì ông ấy muốn Mỹ rời khỏi Việt Nam vào thời khắc sớm nhất có thể. Ông ta có thể làm đồng minh của Cộng sản nếu ông ta thấy điều này có lợi cho những mục đích chính trị và tôn giáo của mình, và ông ta đủ tự cao tự đại để tin rằng ông ấy có thể vất bỏ Cộng sản như một đồng minh khi họ đã phục vụ xong những mục đích tức thời của ông ta. Trí Quang thường xem tín hữu Thiên Chúa giáo là sự đe dọa cho khái niệm dân tộc chủ nghĩa và Phật giáo của ông ta hơn là Cộng sản.

Trong Báo cáo 13 trang ngày 4 tháng Năm 1967 tựa đề Situation Appraisal of Buddhism as a political force during current election period extending through September 1967, ở trang 7, CIA viết[4],

Thượng tọa Thích Trí Quang, 1966

March 1966, Da Nang, South Vietnam — Buddhist Bonze and leader of the Buddhist revolt, Thich Tri Quang. — Image by © Christian Simonpietri/Sygma/CORBIS

“Trí Quang đấu tranh vì quyền lực, với mục đích sau cùng của ông ta là điều khiển một nhà nước thần quyền trên toàn cõi hay một phần của Việt Nam về cả hai mặt thế tục và tinh thần. Tham vọng này thể hiện trong những bài viết của ông ta, chỉ ra quan hệ tự nhiên, không thể chia cách giữa vùng địa lý Việt Nam, con người sống ở đó và Phật giáo.”

CIA, Ibid. trang 7

Bối cảnh của Phong trào Phật giáo

Chùa Phật giáo Đại thừa theo kiểu Trung Hoa, một ngôi chùa ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Nguồn: Copyright : Florian Blümm

7. Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử đã góp phần hình thành quan điểm chính trị của Thượng Tọa Trí Quang, và, quan trọng hơn nữa, nó cho ông ta một khối khán giả lớn có thể dễ tiếp nhận quan điểm của ông ấy. Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa vào Việt Nam từ khoảng giữa giai đoạn Việt Nam bị Trung Hoa đô họ kéo dài suốt thiên niên kỷ thứ nhất; cùng với Phật giáo, Trung Hoa còn đem vào Việt Nam những tư tưởng tôn giáo và những học thuyết khác, kể cả Khổng giáo, Lão giáo đã thấm nhập rất nhiều vào xã hội Việt Nam cùng với thuyết vật linh, và tục thờ cúng thần thánh đặc biệt phổ thông trong giới quần chúng ở nông thôn.

8. Gần như hầu hết những sắc tộc người Việt Nam tin theo Phật giáo phái Đại thừa (Mahayana), một phái Phật giáo miền Bắc. Những sắc tộc Việt Nam nguyên thủy sinh sống ở Việt Nam ngày nay, và theo thời gian bành trướng về phía nam qua vài thế kỷ để xâm chiếm vùng đất ngày nay là miền Nam Việt Nam của người Khmer (tiền nhân của dân Cambodia ngày nay). Hiện nay vẫn còn một nhóm thiểu số lớn người Khmer sống ở các tỉnh vùng đồng bằng miền Nam; họ là những người theo Phật giáo Tiểu thừa (Theravada), một nhánh Phật giáo chính thống hơn bắt nguồn từ Ấn Độ (India) và Tích Lan (Ceylon hay Srilanka ngày nay). Dù hai phái Đại thừa và Tiểu thừa có mối quan hệ chính thức lỏng lẻo, ảnh hưởng của nhóm lãnh đạo Phật giáo Đại thừa tại những tỉnh cực Nam Việt Nam vẫn còn giới hạn.

Thiên Chúa giáo và người Pháp

Các linh mục Việt Nam của Hội Thừa sai Paris, ở phía tây Bắc Kỳ. Nguồn: MEP

9. Phật giáo không có ảnh hưởng chính trị đáng kể cho đến triều Nhà Lý (1009-1224). Nhà Lý chính thức đỡ đầu cho Phật giáo. Đây là thời đại có sự hợp tác chặt chẽ giữa những hoàng đế và tăng lữ Phật giáo và là đỉnh cao của Phật giáo; sau triều Nhà Lý Phật giáo suy sụp cho đến những năm gần đây [những năm 1960]. Tuy nhiên thời huy hoàng cổ đại đã cho Phật giáo Việt nam cái gì đó như một hào quang cổ tích về “dân tộc chủ nghĩa” còn đến ngày nay. Sự suy tàn ảnh hưởng của Phật giáo ở Việt Nam đã xẩy ra từ lâu, trước khi người Pháp đến đây. Sự áp đặt quyền lực chính trị của người Pháp ở thế kỷ thứ 19 đến sau những nhà truyền giáo dòng Tên những hai thế kỷ. Những ngươi truyền giáo đến Việt Nam sau đó cuối cùng đã liên kết với những khối quyền lực khác nhau ở đây. Có lúc, sự yểm trợ của hàng giáo sĩ Thiên Chúa giáo Pháp – kể cả việc sử dụng lính đánh thuê – đã giúp dựng lên triều Nhà Nguyễn, mà Hoàng đế sau cùng là Bảo Đại bị truất phế vào năm 1954. Sự dính dáng của những giáo sĩ Thiên Chúa giáo và tín đồ Việt Nam của họ đưa đến kết quả là việc kêu gọi sự yểm trợ của chính phủ Pháp, dẫn đến sự can thiệp của quân đội, và cuối cùng là sự cai trị của người Pháp trên toàn cõi Đông Dương.

10. Pháp cai trị Việt Nam bằng cách dùng những công chức người Việt Nam được những “cố vấn” người Pháp hướng dẫn. Đa số nhưng công chức Việt Nam này, ít nhất trên danh nghĩa là người Thiên Chúa giáo, một phần vì những điều kiện về trình độ học vấn cần có của giai cấp công chức chỉ có thể có đạt được tại những trường Pháp dưới quyền kiểm soát của giáo hội Thiên Chúa giáo, nhằm khuyến khích lòng trung thành vùng miền và địa phương, cũng như tính bè phái chính trị và chủ nghĩa địa phương trong khối thần dân Thiên Chúa giáo và không Thiên chúa giáo của họ. Người Pháp không làm gì để can ngăn những khuynh hướng chia rẽ có sẵn trong Phật giáo. Như vậy, theo lệ cổ, và không phải không có một chút lý lẽ để biện hộ, nhưng người Việt Nam không theo Thiên Chúa giáo có khuynh hướng xếp Thiên Chúa giáo với người ngoại quốc ở châu Âu, và với sự đô hộ của ngoại bang.

11. Trong những năm 1920, giai đoạn Phật giáo bắt đầu phục hưng, cũng là giai đoạn cùng thời với phong trào quốc gia chống Pháp. Sự phục hưng của Phật giáo không chỉ phản ảnh một chủ nghĩa dân tộc bài ngoại, đây cũng là một đặc điểm nổi bật của người Việt Nam. Thay thế chế độ thực dân của Pháp ở Nam Việt Nam bằng chế độ Ngô Đình Diệm. dù Tổng thống Diệm là một người quốc gia rất chống Pháp, có khuynh hướng lưu giữ sự thống trị của giai cấp quan lại Thiên Chúa giáo đã hưng thịnh trong thời còn là thuộc địa Pháp. Mặc dù Tổng thống Diệm không chính thức phân biệt đối xử giữa tín đồ Thiên Chúa giáo với Phật giáo đồ và đàn áp tự do tín ngưỡng, nhưng cơ sở ủng hộ chính trị chính của ông đa số là tín đồ Thiên Chúa giáo, những người có tổ chức chính trị ở quê hương miền Trung của ông, hoặc nhóm người Bắc di cư triệt để chống cộng. Khi chính phủ Tổng thống Diệm ngày càng có khuynh hướng chuyên quyền thì nó cũng ngày càng có nhiều cơ chế kiểm soát chính trị chặt chẽ phần lớn do người Thiên Chúa giáo chế ngự, và như thế cơ sở cho một “vấn đề tôn giáo” đã có sẵn để Phật giáo đồ tập trung, lợi dụng và chỉ trích, chống đối lại Tổng thống Diệm.

Phong trào Phật giáo hiện nay

Khoảng năm 1967: Hai nhà sư Phật giáo Việt Nam biểu tình tuyệt thực. Ảnh của Keystone / Getty Images.

12. Số Phật giáo đồ thuần thành tích cực hành đạo ở Việt Nam khỏang 2 triệu đến 2,5 triệu người so với khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo. Đa số người Việt Nam còn lại chỉ có khái niệm tín ngưỡng, tin theo một hỗn thể tâm linh từ thuyết vật linh đến thờ cúng tổ tiên, hay những giới luật đạo đức Khổng học. Tuy nhiên, vì đại đa số người Việt Nam không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, phong trào Phật giáo đã cho họ một phương tiện để lên tiếng chống lại quyền lực của Thiên Chúa giáo. Phong trào Phật giáo cũng cho người Việt Nam không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo một phương tiện để bày tỏ chủ nghĩa dân tộc, đồng thời cũng là trọng tâm để chống lại một chính phủ nào đó ở Sài Gòn.

13. Phật giáo đồ Việt Nam đã có vài cố gắng thành lập giáo hội vùng/quốc gia trước Thế chiến thứ hai. Khi chủ nghĩa dân tộc của người châu Á bùng phát sau chiến tranh, một Tổng hội Phật giáo Việt Nam[5] (THPGVN) đã thành hình vào năm 1951. Tổ chức này là một liên hiệp của các hội Phật giáo ở một số vùng miền lập ra nhằm tạo cơ hội trao đổi quan điểm cũng như nuôi dưỡng ý thức thống nhất giữa những tông phái. (Phật giáo). Tuy nhiên, về bản chất, lòng trung thành của Phật giáo đồ thường đặt vào tăng lữ của một ngôi chùa hay tông phái nào đó hay ở với hàng tu sĩ lãnh đạo ở khu thành thị.

Chính sách và hành động của Tổng thống Diệm – và đặc biệt là những sự việc xẩy ra vào tháng Năm 1963 ở Huế, đã làm choThượng Tọa Trí Quang  trở thành nhân vật được cả nước chú ý –  và là chất xúc tác đẩy Phật giáo đồ và đặc biệt là hàng tăng lữ vào chính trường. Trong những tháng sau khi xung đột với Tổng thống Diệm bùng nổ, Phật giáo đồ sử dụng cái vỏ bọc Tổng giáo hội Phật giáo làm công cụ đạt mục tiêu đã cho thấy tài năng chính trị và tổ chức không ngờ của họ.

14. Cuộc đấu tranh chống Tổng thống Diệm đưa đến việc ông bị quân đội lật đổ [và sát hại], đã cho Phật giáo đồ một ý thức mới về sự thống nhất và khiến cho những người lãnh đạo họ thèm thuồng quyền lực. Đại hội Thống nhất Phật giáo đã được triệu tập vào cuối năm 1963 đưa đến việc thành lập một tổ chức mới tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất[6] (GHPGVNTN) quy tụ tất cả nhưng tông phái Phật giáo chính kể cả phái Nam Tông. GHPGVNTN có hai cơ sở chính, một Viện Tăng thống (VTT) có danh nghĩa tối cao phụ trách về các vấn đề tinh thần, và một Viện Hóa Đạo (VHĐ), coi như nhánh hành pháp của GHPGVNTN phụ trách về những vấn đề thế tục; Viện trưởng VHĐ là Thượng Tọa Thích Tâm Châu. Viện Hóa Đạo có 6 ủy ban coi rất giống như một nội các của một chính đảng chuẩn bị để chấp chánh.

15. Thủ lãnh tối cao của GHPGVNTN là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, một tăng sĩ tuổi tám mươi được kính nể có vẻ là “người lãnh đạo” và chỉ đạo tinh thần của phong trào Phật giáo. Thật ra ông chỉ là bình phong che cho những tăng sĩ trẻ hơn và hiếu chiến hơn, đặc biệt là Thượng Tọa Trí Quang, người đang giữ chức vụ Tổng thư Ký Viện Tăng Thống. Từ lâu đã có sự đối đầu giữaThượng Tọa Trí Quang, đại diện cho nhóm Phật giáo đồ hung hãn ở miền Trung với Thượng Tọa Tâm Châu, dù bộ tư lệnh đặt ở Sài Gòn nhưng là đại diện và có quyền lực dựa vào khối Phật giáo đồ di cư miền Bắc. Thượng Tọa Tâm Châu[7] trạc tuổi với Thượng Tọa Trí Quang[8] thường được coi là ôn hòa hơn. Mặc dù dường như có một số khác biệt thật sự về chính sách giữa hai tăng sĩ Phật giáo này, nhưng việc Phật giáo đồ xen vào chính trị dường như lúc nào cũng do Thượng Tọa Trí Quang nắm vai chủ động, và Thượng Toạn Tâm Châu hoặc chấp nhận tuân theo hay rút lui ra khỏi vùng hành động. Thượng tọa Tâm Châu thường là đích tấn công của Việt Cộng và bị cáo buộc là “con rối của Mỹ” – Thượng Tọa Trí Quang thì không khi nào.

16. Trong nhiều nhà sư chính trị khác ở Việt Nam, những người hiện nổi bật nhất trong khối Thượng Tọa Trí Quang với quan điểm cực đoan là Thượng Tọa Thích Thiện Minh, và Thượng Tọa Thích Hộ Giác, một người hùng biện chính hiệu thường đứng về phía của Thượng Tọa Tâm Châu và ông cũng là một trong vài nhà sư Nam tông sắc tộc thiểu số lớn lên ở Cambodia. Một nhà sư nổi tiếng khác, tốt nghiệp đại học Yale, gần gũi nhưng không phải là người trong ban lãnh đạo Phật giáo là Thượng Tọa Thích Quảng Liên. Cố gắng thúc đẩy phong trào hòa bình của nhà sư Quảng Liên năm 1965, có hay không có hậu thuẫn của hàng giáo phẩm Phật giáo, cũng đã bị cả hai khối Phật giáo và chính phủ Phan Huy Quát dập tắt vì những Phật giáo đồ này bị nghi ngờ đã cố tình để cho cộng sản lợi dụng. Tuyên truyền của cộng sản luôn cho rằng phong trào của Thượng Tọa Quảng Liên không phải là “chính đạo” ngụ ý cho rằng đó là một loại bẫy của Mỹ. Một tu sĩ triệt để chống cộng là Đại Đức Thích Đức Nghiệp, đã tích cực tham gia cuộc vận động chống Tổng Thống Diệm, nhưng sau đó đã xuất dương. Mối ưu tư đấu tranh chống Cộng sản của Đại Đức Thích Đức Nghiệp vượt xa hơn những hành động khối tu sĩ Phật giáo sẵn sàng cam kết và nó cũng làm trỗi dậy nỗi nghi ngại là ông đang vận động để được Mỹ hậu thuẫn làm người lãnh đạo Phật giáo.

Mục đích chính trị của Phật giáo

LIFE Magazine December 11, 1964 – THEIR REVOLT DISRUPTS THE WAR – TT Thích Trí Quang & TT Thích Tâm Châu – Cuộc Nổi Loạn Của Họ Làm Gián Đoạn Cuộc Chiến.

17. Người ta thường đoán rằng các thể chế dân chủ mà giới lãnh đạo Phật giáo nói là mục tiêu của họ chỉ là phương tiện để họ đạt được một nhà nước do Phật giáo chi phối, mặc dù không nhất thiết phải là một chế độ thần quyền. Theo các tuyên bố công khai của Phật giáo đồ và các cuộc trò chuyện riêng tư của họ với giới chức Hoa Kỳ, Phật giáo đồ hiện muốn có nhất viện lập pháp dân cử. Mặc dù Thượng Tọa Trí Quang thường nói về sự cần thiết phải có một chính quyền trung ương mạnh, những Phật giáo đồ dường như đang nói về một chính phủ đại nghị được dân bầu và chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp này. Thượng Tọa Trí Quang cũng đã nói về một quốc hội “lâm thời”, gồm những đại diện được các hội đồng tỉnh và thành phố được bầu vào tháng 5 năm 1965 đề cử. Nghị viện lâm thời này sẽ soạn thảo một hiến pháp và “phê chuẩn” chính phủ hiện tại trong khi chờ đợi có cuộc bầu cử, hoặc chọn một chế độ lâm thời khác. Mục đích của thủ tục tiền bầu cử này được cho là để tạo cho Việt Nam một chính phủ “hợp pháp” càng nhanh càng tốt.

18. Những Phật giáo đồ nói rằng họ có thể thắng đa số trong một cuộc bầu cử – một điều có thể xảy ra, nhưng chưa được chứng minh – nhưng họ mong muốn một chính phủ cân bằng với tất những người có khả năng nhất. Tuy nhiên, không ai có thể dự đoán chính xác về thành phần có thể có của một chính phủ lâm thời hoặc chính phủ dài lâu do Phật giáo đồ chế ngự. Người ta nghi ngờ rằng không có bất kỳ tu sĩ nổi bật nào, đặc biệt là Thượng Tọa Trí Quang, sẽ giữ bất kỳ một vị trí có trách nhiệm hành pháp nào. Một số, kể cả cả Thượng Tọa Tâm Châu, có thể đồng ý trở thành một thành viên của một quốc hội lâm thời hoặc lâu dài; Thượng Tọa Trí Quang, dường như ưa chế ngự từ sau sân khấu, gần như chắc chắn sẽ không ra mặt.

19. Không có khả năng, ít nhất là trong một chính phủ lâm thời, Phật tử sẽ mời một nhân vật nổi tiếng nào đó, chẳng hạn như Đại tướng lưu vong Dương Văn Minh, làm Quốc Trưởng; họ thậm chí đã ám chỉ rằng họ sẽ chấp nhận một người Thiên Chúa giáo không liên quan đến chế độ Tổng Thống Diệm trong vai trò này này. Họ cũng có thể khăng khăng đòi một Phật tử nổi tiếng làm thủ tướng, mặc dù Trí Quang cũng đã nói rằng ông sẽ chấp nhận một số nhân vật phi tôn giáo như Tướng Trần Văn Đôn đã nghỉ hưu. Trong trường hợp có một Quốc hội lâm thời, những người theo đạo Phật sẽ thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm cho cơ quan lập pháp thường trực hoặc cố gắng biến đổi một quốc hội lâm thời, nếu đủ khả năng, thành một quộc hội thực thụ.

1967: Ứng cử viên Phó Tổng Thống Phan Quang Đán Liên Danh 1 (với PHan Khắc Sửu). Saigon. Nguồn: http://virtual-saigon.net

20. Các cuộc bầu cử tổ chức dưới sự bảo trợ của Phật giáo có lẽ sẽ có gian lận để tạo nên một cơ quan lập pháp do Phật giáo kiểm soát, nhưng một số chính khách nổi tiếng không dưới quyền kiểm soát của Phật giáo, như bác sĩ Phạn Quang Đán, có thể có thể đắc cử. Theo giả thuyết rằng các Phật giáo đồ có thể, và sẽ chọn, để thành lập một chính phủ hoàn toàn Phật giáo, thủ tướng chắc chắn sẽ là một chính khách Phật giáo, như Bùi Tường Huân, Viện trưởng Đại học Huế[9]. Các chức vụ bộ trưởng có thể sẽ được trí thức và cư sĩ Phật giáo trẻ đảm nhận, và có thể một số sĩ quan quân đội theo Phật giáo. Tất nhiên, theo sau việc thành lập một chính phủ như vậy sẽ là sự thay đổi toàn bộ những tỉnh trưởng, như là thông lệ chuẩn của Việt Nam.

Phản ứng của người Thiên Chúa giáo và không Phật giáo

21. Một chính phủ do Phật giáo đồ kiểm soát sẽ gây phẫn nộ và nghi ngại trong các nhóm chính trị khác ở miền Nam Việt Nam. Người Thiên Chúa giáo, đặc biệt là những người di cư miền bắc, sẽ rất bất bình. Một số nhóm Thiên Chúa giáo giáo, như tín đồ của Lm Hoàng Quỳnh và Lm Nguyễn Quang Lãm, gần như chắc chắn sẽ có hành động kích động, ít nhất là ở khu vực Sài Gòn, với hy vọng hạ bệ chính quyền. Tuy nhiên, trước sự lựa chọn giữa Phật giáo đồ và Việt Cộng, hầu hết người Thiên Chúa giáo cuối cùng có thể sẽ quyết định, với mức độ miễn cưỡng khác nhau, là họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với chính phủ mới, hy vọng điều tốt nhất nhưng chờ đợi điều tồi tệ nhất.

22. Các thành phần thiểu số khác gồm Cao Đài và Hòa Hảo cũng sẽ bị xáo trộn, mặc dù có lẽ ít có hành động bạo lực hơn người Thiên Chúa giáo; “người miền nam” – những người sinh ra ở các tỉnh phía Nam hoặc Nam Kỳ trước đây – cũng sẽ phẫn nộ với chính quyền, vì Thượng Tọa Trí Quang và đoàn quân Phật giáo thân tín của ông đều là người từ các tỉnh “miền Trung”. Ở những khu vực có các nhóm thiểu số mạnh ở địa phương, như ở các vùng đồng bằng Cửu Long, có thể ít nhiều sẽ “ly khai” khỏi chính quyền trung ương, mặc dù hậu quả chính trị sẽ ít nghiêm trọng hơn so với việc ly khai của Quân đoàn I.

23. Phật giáo chiếm được quyền lực chính trị sẽ gây ra những căng thẳng sâu sắc trong nhóm lãnh đạo quân đội Việt Nam. Một số sĩ quan, đặc biệt là người Thiên Chúa giáo, có lẽ sẽ có khuynh hướng đảo chính để tái khẳng định sự kiểm soát của quân đội. Nếu những Phật giáo đồ kịp thời đưa các sĩ quan trung thành vào các vị trí chỉ huy chủ chốt, những đối lập trong quân đội, như cộng đồng Thiên Chúa giáo, có thể sẽ thấy họ đứng trước một sự lựa chọn khó nuốt, Phật giáo đồ hoặc Việt Cộng, và sẽ phải chọn giới Phật giáo đồ. Trong ngắn hạn, dưới sự cai trị của Phật giáo đồ, sự thống nhất và hiệu quả của khối lãnh đạo quân đội Việt Nam Cộng Hòa có lẽ sẽ bị suy yếu. Thiệt hại vĩnh viễn có thể không dự đoán được, nhưng ít nhất có thể có một mức ủng hộ Phật giáo đồ tiềm tàng phổ biến trong quân đội, đặc biệt là ở những cấp thấp và tại Quân đoàn I, cuối cùng có thể dẫn đến sự đoàn kết lớn hơn trong quân dội và lớn hơn ở mặt ý thức về bản sắc giữa quân đội và dân chúng.

24. Không có lý do gì để tin rằng, một khi nắm quyền, Phật giáo đồ sẽ là một khối thống nhất hơn bất kỳ nhóm người Việt Nam nào khác. Đã có sự phân chia rõ ràng trong hàng ngũ của họ. Thượng Tọa Tâm Châu và những người theo ông phần lớn là người di cư miền bắc bất bình trước vị thế của Thượng Tọa Trí Quang và phe miền Trung của ông ta. Nhiều Phật tử miền Nam – đứng đầu là cư sĩ lãnh đạo Mai Thọ Truyền và những người ủng hộ ông nhưng cũng như nhiều tông phái Phật giáo Nguyên thủy – không đồng tình với chiến dịch gây áp lực hiện nay của Thượng Tọa Trí Quang. Mặc dù những tiếng nói ôn hòa trong phong trào Phật giáo có khuynh hướng bị lấn át trong thời gian đấu tranh, những căng thẳng và bất đồng nội bộ chắc chắn sẽ xuất hiện trở lại nếu Phật giáo đồ nắm quyền.

25. Một chính phủ như dự kiến trên đây có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc thực thi quyền lực trung ương một cách hiệu quả trên cả nước. Nó sẽ bị cản trở vì sự tranh giành, không thể giải quyết và sự thống trị tối cao của Phật tử một cách không thực tế trong quốc hội, và với sự tranh giành quyền lực và vị trí ngay cả trong các tông phái Phật giáo. Tốc độ và tiến độ của nỗ lực chống quân du kích gần như chắc chắn sẽ bi suy yếu, ít nhất là tạm thời, do đó đặt gánh nặng be bờ và kiểm soát Việt Cộng gần như hoàn toàn đặt vào vai quân đội của Mỹ và đồng minh.

26. Tuy nhiên, nhiều điểm yếu của một chính phủ Phật giáo sẽ là những điểm sẽ gây khó khăn, ở các mức độ khác nhau, cho bất kỳ chính phủ mới nào của Việt Nam. Dù cho sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh và mức viện trợ hiện thời có thể ngăn chặn Cộng sản mở quá nhiều ngõ ngách trong thời gian chuyển tiếp bất ổn, một chính phủ do Phật giáo đồ chế ngự có thể có một số ưu điểm không có ở bất kỳ chính phủ tiền nhiệm nào. Một lý do chính hậu thuẫn cho luận điểm này là, ngoài Cộng sản, Phật giáo đồ hiện có tổ chức quần chúng hiệu quả duy nhất ở Việt Nam. Mặc dù người Thiên Chúa giáo cũng tương tự, và có lẽ kỷ luật tốt hơn, cấu trúc chính trị Phật giáo có gốc rễ sâu hơn, đặc biệt là ở miền Trung và dọc theo dải bờ biển phía bắc Sài Gòn, hơn bất kỳ tổ chức chính trị nào khác. Mặc dù mức độ mà những Phật giáo đồ có thể vận động những người theo họ để ủng hộ, thay vì phản đối, một chính phủ Phật giáo vẫn chưa được chứng minh; một chính phủ Phật giáo sẽ có một nền tảng ủng hộ mạnh và lớn hơn bất kỳ chính phủ tiền nhiệm nào.

27. Phật giáo, như một tư tưởng tôn giáo-chính trị, đã cho thấy nó có khả năng chạm đến các hợp âm tình cảm sâu sắc trong đa số quần chúng Việt Nam. Một chính phủ Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc thận trọng có thể là một cơ chế mà tuyên truyền của Cộng sản sẽ không dễ dàng tấn công được. Cộng sản cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm bất kỳ đồng minh nào sẵn sàng hợp tác trong số những phe đối lập tự nhiên của một chính phủ Phật giáo như những người Thiên Chúa giáo dường như cương quyết chống lại Chủ nghĩa Cộng sản.

Sự thống trị của Phật giáo và chính sách của Hoa Kỳ

28. Thượng Tọa Trí Quang, Thượng Tọa Tâm Châu và các nhà sư chính trị khác đã thảo luận về các mục tiêu của Phật giáo đồ với giới chức Hoa Kỳ đều ngụ ý rằng một mình khối Phật giáo có thể “hợp pháp hóa” vị trí của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Họ nói rằng họ ưu tư về việc tiếp tục ủng hộ của Hoa Kỳ, rằng họ muốn có sự viện trợ của Hoa Kỳ để theo đuổi công việc cách mạng xã hội và họ nhận ra sự bất khả thi của việc hòa giải hoặc đàm phán với Việt Cộng trong hoàn cảnh hiện tại. It nhất bằng ngụ ý, họ tuyên bố rằng họ muốn lên án chiến tranh. Sự chân thành của những tuyên bố này có lẽ vẫn còn là nghi vấn, và cách mà những mục tiêu của Phật giáo đồ đã tuyên bố sẽ được thể hiện bằng những chương trình chính phủ cụ thể cũng là điều không thể được dự đoán một cách tự tin được.

29. Tuy nhiên, có thể trách nhiệm của quyền lực sẽ làm cho các Phật tử tỉnh táo cũng như nhiều nhân vật cách mạng thành công khác. Cuộc chống Cộng khôn khéo và tinh vi mà giới lãnh đạo Phật giáo tuyên bố tán thành có thể được củng cố nếu, một khi tín đồ của họ nắm quyền, Phật giáo đồ phát giác ra rằng những phần tử Việt Cộng đã thành công trong việc xâm nhập vào “phong trào đấu tranh” của Phật giáo không hề muốn ngưng những hoạt động kích động và gây rối. Sự thâm nhập thái quá của Cộng sản trong những nhóm “tranh đấu” khác nhau đã đưa ra các yếu tố làm bằng chứng để khối chống Cộng sản công khai bày tỏ mối quan tâm.

30. Mặc dù người ta cho rằng Cộng sản có thể giữ thế ẩn nấp để khuyến khích khả năng đàm phán có kết quả với một chính quyền Phật giáo, nhưng Cộng sản thường không nhất thiết phải suy luận và hành động theo kiểu này. Kết quả cuối cùng của các hoạt động gây rối liên tục của Cộng sản, và thậm chí có thể của phong trào “đấu tranh” hiện nay, có thể là để cấy vào giới Phật giáo đồ một nhận thức cao hơn về sự cần thiết phải chống lại mối đe dọa của Cộng sản. Nếu những người theo đạo Phật hoàn toàn tham gia vào cuộc chiến chống cộng, họ có thể là một kẻ thù chính trị mạnh hơn bất kỳ tổ chức chính trị nào Việt Cộng đã phải đối phó.

31. Không ai thắc mắc về việc Phật giáo đồ phẫn nộ về độ can thiệp hiện nay của Hoa Kỳ trong các vấn đề Việt Nam và tầm trọng đại của sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ hiện tại, với những tác dụng phụ không thể tránh khỏi. Không còn nghi ngờ gì những người theo đạo Phật cuối cùng muốn thấy người Mỹ rời khỏi Việt Nam, một mục tiêu chắc chắn không tương thích với các mục tiêu của Hoa Kỳ. Còn phải chờ xem liệu những người theo đạo Phật có cố gắng buộc Mỹ rút đi sớm theo cách đưa đến chiến thắng không thể tránh khỏi của Cộng sản hay không. Có một số nguy hiểm rằng, ngay cả khi đây không phải là ý định tức thì, vì sự thiển cận có thể khiến họ hành động theo những cách có thể gây rủi ro đi đến kết quả này.

32. Kết cục, dường như không có thể xa việc một chính phủ Phật giáo sẽ cố tình đưa Việt Nam vào tay chế độ Cộng sản tại Hà Nội. Thượng Tọa Trí Quang có lẽ mong muốn có một Việt Nam độc lập, nhưng dưới sự kiểm soát của Phật giáo chứ không thuộc chế độ chính trị Cộng sản. Ông ta có thể nhận ra rằng những mục tiêu này không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ và viện trợ của Hoa Kỳ, nhưng sự bận tâm với sự khôn ngoan của chính ông ta và với những mục tiêu trước mắt có thể đưa ông ta vào con đường hành động và liên minh mà ông ta không thể đảo ngược.

33. Một chính phủ Phật giáo, đặc biệt là một chính phủ đã nắm được quyền lực trong tình thế gây ra sự mất mặt nghiêm trọng cho quân đội Việt Nam, gần như chắc chắn sẽ chọn một cách giải quyết chiến tranh khác và các chương trình bình định liên hệ. Những hành động và chính sách của một chính phủ như vậy sẽ sớm làm rõ liệu Tri Quang có phải là người trung lập thân Cộng hay không, như một số người trong giới quan sát Mỹ và Việt Nam cho rằng như vậy, hay là một người quốc gia chống Cộng như ông tự xưng. Trong mọi trường hợp, chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian bị trật khớp, trong thời gian đó, quân đội của Mỹ và đồng minh sẽ phải chịu gánh nặng trong việc ngăn chặn be bờ những cuộc xâm lược của Việt Cộng và để thủ lợi vị sự đổ vỡ của chính quyền trung ương.

34. Tuy nhiên, về lâu về dài, một chính phủ Phật giáo có thể cho thấy nó có nguồn gốc sâu xa hơn trong các truyền thống Việt Nam so với bất kỳ chính phủ tiền nhiệm nào. Quan hệ của một chính phủ như vậy với Hoa Kỳ sẽ rất tế nhị và khó khăn, đặc biệt là vì một chính phủ Phật giáo sẽ mang tính dân tộc dễ bị đụng chạm, và sẽ có một lối hoạt động khác với những chính phủ tiền nhiệm theo hướng phương Tây hơn. Một chính phủ Phật giáo chi phối có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự thuần khiết của các khái niệm cách mạng của nó hơn là các chi tiết thực tế của chính quyền hoặc với các vấn đề cụ thể như lạm phát đòi hỏi các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, một chính phủ trong đó những người theo đạo Phật có tiếng nói chiếm ưu thế có thể tạo ra một trọng tâm cho chủ nghĩa dân tộc Việt Nam mới nổi, cuối cùng, có thể tạo cho toàn bộ cấu trúc dân tộc phi cộng sản một nền tảng vững chắc hơn hiện tại.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: “Thich Tri Quang And Buddhist Political Objectives In South Vietnam”, 20 April 1966 – CIA, CIA-RDP80B01676R000100050011-6. Approved For Release 2004/01/15.

[1]Thich Tri Quang And Buddhist Political Objectives In South Vietnam”, 20 April 1966 – CIA, CIA-RDP80B01676R000100050011-6. Approved For Release 2004/01/15.
[2] Một Báo cáo khác,  13 trang tựa đề “Situation Appraisal of Buddhism as a political force during current election period extending through September 1967”, 4 May 1967, CIA mã số CIA-RDP79-0092tA004100030002-4, được phép công bố ngày 08/April/1993, chỉ nói tổng quát về Phòg trào Phật giáo và một số tăng sĩ Phật giáo như một lực lượng chính trị tại Việt Nam chứ không nói riêng về Thích Trí Quang dù ông vẫn là người coi là lãnh đạo Phong trào Phật giáo đấu tranh.
[3]The Buddhists in South Vietnam”, 28 June 1963 – CIA, CIA-RDP79-00927A004100030002-4. Approved For Release 2006/12/16.
[4] “Tri Quang strives  for power,  with  his ultimate  goal being the temporal and spiritual manipulation of a theocratic state in all or part of vietnam.  This is borne out in his writings which point out the inseparably and natural relationship of the goeographical area of vietnam, the people who inhabit the area, and the buddhist religlon.”
[5] Thành lập từ năm 1951, THPGVN là một tổ chức quy tụ những đoàn thể Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam khắp ba miền: Bắc, Trung, Nam thời Chiến tranh Đông Dương. Tổng hội hình thành vào năm 1951 với mục đích tạo tiếng nói cho Phật giáo nhưng về mặt tổ chức thì Tổng hội không có cơ chế hoạt động.
[6] GHPGVNTN hình thành vào tháng 1 năm 1964 quy tụ 11 trên 14 hội đoàn, tông phái Phật giáo.
[7] Thượng tọa Thích Tâm châu (Ninh Bình, 1921-2015, Montreal)
[8] Thượng tọa Thích Trí Quang (Quảng Bình, 1923-2019, Huế)
[9] Giáo sư tiến sĩ Luật khoa. Viện trưởng từ 1964 đến 1966.