‘Chỉ có tôn giáo là đáng kể ở Việt Nam’: Thích Trí Quang và Chiến tranh Việt Nam (2/2)

James McAllister | Trần Giao Thủy dịch

Cách mạng là ‘phải loại bỏ những phần tử Cần Lao Thiên Chúa giáo ác ôn và nhóm Đại Việt phản động’ – Thích Trí Quang

Thích Trí Quang. Sài Gòn,16 tháng 10, 1967. Nguồn: Betmann/GettyImages

Tiếp theo phần 1

Tuy nhiên, mối quan hệ tương đối đằm thắm giữa Mỹ với Trí Quang sau cuộc khủng hoảng tháng 8 [1964] chỉ là thời gian tạm lắng trước một cơn bão thậm chí còn dữ dội hơn. Trí Quang và phong trào Phật giáo dường như hoan nghênh sự chuyển tiếp sang một chính phủ dân sự mới, nhưng chẳng bao lâu sau rõ ràng có một số phần tử trong phong trào Phật giáo đã phản đối Trần Văn Hương, Thủ tướng mới. Sự xuất hiện nhanh chóng của phe chống đối Hương khiến giới hoạch định chính sách Mỹ kinh ngạc vì Hương là một nhân vật sớm lên tiếng chỉ trích chính phủ Diệm. Chính Trí Quang đã cho giới chức Mỹ thấy sự ủng hộ của ông dành cho Hương vào ngày 30 tháng 10, nhưng chưa đầy một ngày sau, ông ta đổi ý nói rằng bây giờ ông ấy đồng ý với những người tin rằng Hương đã ‘quá già, vô hiệu, không có chương trình rõ ràng và bị đám chính khách tự tư tự lợi vây quanh’[47].

Hương chú trọng vào vấn đề trật tự xã hội và đem tôn giáo ra khỏi chính trị và giáo dục cũng giúp đổ dầu vào lửa của Phật giáo đồ chống lại chính phủ của ông. Đến cuối tháng 11 năm 1964, phong trào Phật giáo tại Sài Gòn đã đỡ đầu cho các cuộc biểu tình nhằm buộc Hương phải từ chức thủ tướng.

Phong trào Phật giáo thường được giới sử gia xem là sự chia rẽ giữa một cánh ôn hòa do Thích Tâm Châu lãnh đạo và một cánh cực đoan hơn do Trí Quang lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống lại chính phủ Hương cho thấy rõ rằng việc phân loại như vậy có thể rất lệch lạc. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, chính Tâm Châu là người giữ vai trò hàng đầu trong việc kích động các sinh viên và Phật giáo đồ chống lại Hương. Trong khi các cuộc biểu tình hoành hành ở Sài Gòn, căn cứ ảnh hưởng của Châu, thì không có cuộc biểu tình nào ở căn cứ của Trí Quang ở Huế. Quang nói rõ với giới chức Mỹ rằng ông ta không ủng hộ hành động công kích Hương vào thời điểm này. Ông cũng hơn một lần tuyên bố, Tâm Châu đã nhầm lẫn để các thế lực bên ngoài thao túng mình trong việc kêu gọi biểu tình[48]. Thật vậy, trong suốt giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, giới chức Mỹ tiếp tục tin rằng Quang thực sự miễn cưỡng phải gây ra một cuộc khủng hoảng chính quyền khác và họ phần nào hy vọng rằng ông sẽ giữ vai trò ôn hòa để điều tiết Tâm Châu và phong trào Phật giáo nói chung[49]. Tuy nhiên, bất kỳ sự khác biệt nào có thể có giữa Trí Quang và Tâm Châu khi bắt đầu cuộc vận động chống Hương, chúng đã không đủ lớn để giới chức Mỹ chia rẽ hai vị tu sĩ. Trước sau như một, quyết tâm muốn Hương phải từ chức, Trí Quang và Tâm Châu đã bắt đầu môt cuộc tuyệt thực chung vào ngày 12 tháng 12.

Giới hoạch định chính sách Mỹ hoàn toàn ủng hộ Hương trong cuộc tranh đấu của ông với Phật giáo đồ. Đại sứ Maxwell Taylor không tin rằng Phật tử có bất kỳ than phiền chính đáng nào đối với chính phủ của Hương và ông nghĩ việc chính phủ VNCH kiên quyết cứng rắn với những nhóm biểu tình ‘nhỏ nhưng lớn tiếng’ là điều quan trọng[50]. Mặc dù cả Trí Quang và Tâm Châu tỏ ra bằng lòng giải quyết những khác biệt của họ với chính phủ Hương, cũng như muốn Hoa Kỳ giàn xếp cuộc xung đột, Taylor không bằng lòng gặp họ hoặc đóng vai trò trung gian giữa Phật tử và chính phủ Hương. Ông cũng không chấp nhận việc Lodge gửi thư cho Trí Quang hoặc đưa ra bất kỳ lời đề nghị viện trợ kinh tế nào của Mỹ do chính Phật tử kiểm soát[51]. Lập trường không khoan nhượng của Taylor đối với Trí Quang và phong trào Phật giáo chắc chắn có thể bênh vực được, nhưng nó cũng bảo đảm cuộc khủng hoảng sẽ trở nên dai dẳng hơn. Phật tử và Taylor có một kẻ thù chung sau khi Tướng Khánh bãi bỏ Thượng Hội đồng Quốc gia vào ngày 20 tháng 12 năm 1964, nhưng Taylor không muốn theo đuổi một chiến thuật có thể khai thác việc Trí Quang từ lâu đã không tin vào Khánh[52].

29 tháng 3, 1965: Thủ tướng Phan Huy Quát và Tư lịnh Vùng 1 chiến thuật Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi đi cùng đại sứ Mỹ Maxwell Taylor đến thăm Hàng không mẫu hạm Coral Sea. Ảnh: Larry Burrows/The LIFE Picture Collection/Getty Images

Chưa rõ ràng Trí Quang muốn thấy loại chính phủ nào nắm quyền lực ở Việt Nam. Có lúc, ông cho rằng phong trào Phật giáo sẽ chấm dứt các cuộc biểu tình nếu chỉ thay thế Hương bằng một nhân vật có thiện cảm hơn như Phan Huy Quát. Tuy nhiên, ông cũng nói với giới chức Mỹ rằng ông sẵn sàng ủng hộ một chính phủ độc đoán hơn nữa ở Việt Nam miễn là nó thực sự là ‘một chính phủ cách mạng’[53]. Nếu một chính phủ như vậy sẵn sàng đặt Đảng Cần Lào ra ngoài vòng pháp luật, Trí Quang sẵn sàng chấp nhận một chính phủ có toàn quyền cấm đình công, hạn chế quyền tự do ngôn luận và quy định các chính đảng, mà ông đề nghị phải ‘có mục tiêu chống cộng rõ ràng và lý tưởng chống trung lập’[54]. Dù Trí Quang rõ ràng không thể thu hút được sự ủng hộ cho sự thay đổi chính phủ VNCH nhiều hơn, ông đã xoay sở để chấm dứt chính quyền Hương vào cuối tháng 1 bằng cách đem ủng hộ của Phật giáo cho Khánh. Giới hoạch định chính sách Mỹ lại sửng sốt khi Trí Quang lại một lần nữa xoay sở để thành công trong vai người chi phối việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng ở chính trường Việt Nam. Dùng hết uy tín của Mỹ làm vốn trong việc duy trì chính quyền dân sự, giới phân tích của CIA ngày càng quan tâm đến tương lai của sự cai trị ở Việt Nam. Sức bẩy chính trị của Mỹ đã giảm đi rất nhiều và CIA kết luận rằng Phật giáo đồ ‘đủ mạnh để phá hỏng được bất kỳ tập hợp chính trị nào mà giới lãnh đạo của họ muốn chống đối.’[55]

Sau cuộc đảo chính, dễ hiểu việc giới phân tích Mỹ có thể quay trở lại với câu hỏi liệu những nỗ lực của Trí Quang là do sự xúi dục hay liên kết với cộng sản. Moyar cho rằng tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đang trở nên đồng cảm hơn với lập luận rằng phong trào Phật giáo do cộng sản giật dây: Giới chức tòa đại sứ Mỹ tiếp tục tin rằng hầu hết hàng đầu giới lãnh đạo Phật giáo chống cộng sản, nhưng ngày càng có nhiều người trong số họ nghi ngờ rằng ít nhất Trí Quang đang hợp tác với cộng sản. Các chuyên gia của tòa Đại sứ đồng ý rằng ít người trong giới lãnh đạo Phật giáo cao cấp, đặc biệt là những người thân cận với Trí Quang, đã bắt tay với Việt Cộng[56]. Chẳng may, đánh giá của Moyar, không thể đứng vững chỉ với một bằng chứng duy nhất mà ông trích dẫn: một điện tín ngày 31 tháng 1 từ tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Điện tín đó do những nhân viên tòa đại sứ và nhân viên tình báo, những người thường xuyên gặp gỡ Trí Quang và phong trào Phật giáo biên soạn, nhưng chính Taylor đã tán thành khi nói rằng nó cũng phản ảnh quan điểm của những viên chức cao cấp. Sau khi thừa nhận tất cả những cách hoạt động của phong trào Phật giáo đã làm thiệt hại nặng nề cho công cuộc chống cộng, giới chức tòa đại sứ nhấn mạnh rằng họ ‘không cho rằng hiện tại họ cố tình là cộng sản hoặc những mục tiêu của họ gồm cả việc cố tình tạo ra một tình trạng để những người cộng sản sẽ giành được quyền kiểm soát chính trị của Việt Nam… . Nói tóm lại, luận điểm cho rằng giới lãnh đạo GHPGVNTN làm việc cho những người cộng sản ít đáng tin cậy hơn nhiều so với giải thích rằng họ (đang) làm việc cho chính họ và sử dụng mọi phương tiện một cách vô trách nhiệm để đạt được mục đích, có thể bị khai thác để tạo lợi thế cho cộng sản’[57]. Mặc dù rất quan tâm đến các chiến thuật và suy nghĩ của một số cộng sự viên của Trí Quang và Tâm Châu, giới chức tòa đại sứ Mỹ chắc chắn không ‘đồng ý’ rằng điều này có nghĩa là họ bắt tay với Việt Cộng. Chắc chắn, tòa Đại sứ ở Sài Gòn đã nghĩ rằng những người cộng sản đang tăng cường nỗ lực xâm nhập vào hàng ngũ Phật giáo, nhưng điểm quan trọng mà nó đưa ra là không có tin đồn nào về những vụ bắt tay với VC đã được chứng minh, và tòa Đại sứ nhắc lại kết luận của họ là những người cộng sản đã không kiểm soát được những chính sách của GHPGVNTN[58]. Cuối cùng, điều thú vị về quan điểm của tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là họ lo lắng nhiều hơn về một chính phủ gồm những nhân vật thân với Tâm Châu, thường được coi là một tu sĩ chống cộng nhiều hơn, hơn là về một chính phủ mà những thành viên có thể thân với Trí Quang hơn.

Giới chức Bộ Ngoại giao ở Washington hoàn toàn tán thành quan điểm của tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Khi nhà báo Marguerite Higgins đăng một bài viết trên tờ The Washington Star cảnh cáo rằng chính quyền Johnson cần phải thức tỉnh Trí Quang và những gian díu ngầm được cho là của ông ta với cộng sản, Ngoại trưởng Dean Rusk đã chỉ thị người đứng đầu của Nhóm Công tác Việt Nam (VWG) trả lời riêng cho Higgins. Thomas Corcoran, Giám đốc của VWG, ghi nhận việc những nhân viên tình báo tin rằng Quang có những quan hệ với cộng sản là không đúng sự thật, và thực tế này bằng cách nào đó đã bị giới hoạch định chính sách ở Washington che đậy. Dựa trên ý kiến của các nhân viên nói tiếng Việt ở tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Corcoran lập luận rằng không thể đưa ra bất kỳ bình luận sau cùng hay dứt khoát nào về mục tiêu và động cơ của Trí Quang. Mặc dù một số lời nói và hành động của phong trào Phật giáo có thể mang làm lợi cho cộng sản, Corcoran nói rằng ‘họ cũng làm nhiều việc để chống lại và làm hỏng những nỗ lực của cộng sản nhằm mở rộng sự kiểm soát của họ đối với người dân Việt Nam’[59]. Sau khi Hương bị loại khỏi chính quyền, Trí Quang đã tìm cách trấn an tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn rằng những nỗ lực của ông, căn bản không phản ảnh một chủ nghĩa chống Mỹ. Trong các cuộc phỏng vấn với các tờ báo tiếng Anh ở Sài Gòn, Quang thừa nhận rằng có sự phẫn nộ của Phật giáo đối với Đại sứ Taylor và sự cực lực ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Hương, nhưng ông cũng lập luận rằng Phật tử không có khả năng chống Mỹ:

‘Không có gì gọi là chủ nghĩa chống Mỹ. Người ta chỉ có thể chống Mỹ nếu là một người theo chủ nghĩa cộng sản hoặc theo chủ nghĩa sô vanh. Phật giáo không phải là cộng sản cũng không theo chủ nghĩa sô vanh, không có chủ nghĩa chống Mỹ’[60].

Thích Trí Quang

Trong các cuộc trò chuyện riêng với giới chức tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Quang đã tìm cách chuyển đạt ý nghĩ rằng ông vẫn là một đồng minh thân cận của chính phủ Mỹ và ông than thở về những hành động cực đoan của một số cộng sự viên của ông trong phong trào Phật giáo. Mặc dù dễ hiểu việc người Mỹ rất thất vọng về tình hình ở Việt Nam, Trí Quang không tin rằng Hoa Kỳ có thể hoặc nên chấp nhận việc có thể thất bại. Trong khi nhắc lại ý kiến trước đây của mình rằng có nhiểu loại trung lập có thể chấp nhận và không thể chấp nhận được đối với Việt Nam, Trí Quang đã lập luận với giới chức Mỹ rằng Hoa Kỳ vẫn rất cần ở Việt Nam để ngăn chặn sự xâm lăng của cộng sản. Vẫn còn hy vọng chiến thắng, và Hoa Kỳ không được nản lòng và bỏ cuộc. Nhưng Hoa Kỳ phải suy nghĩ về mặt chiến thắng và phải chấp nhận toàn bộ trách nhiệm của mình trong nỗ lực chiến tranh[61].

Tuy nhiên, vẫn rất khó để nhận ra được những gì Trí Quang xem là trách nhiệm của ông trong nỗ lực chiến tranh. Đầu tháng 2/1965, CIA báo cáo rằng Trí Quang đã nói rằng

‘ông ta rất thích làm việc trong các chương trình chống cộng quy mô … quân đội và người Mỹ có thể phụ trách chiến đấu ở mặt trận nhưng Phật tử sẽ đấu tranh ở mặt trận chiến tranh tâm lý, mà ông coi là quan trọng hơn nhiều’[62].

Điện tín Tình báo của CIA

Mặc dù có nhiều lý do để hỏi Trí Quang chân thành đến đâu khi bầy tỏ nhiệt tâm chống cộng của ông, giới hoạch định chính sách Mỹ dường như chưa bao giờ quan tâm nhiều đến việc mở đường cho năng lực dồi dào của Trí Quang phát triển theo hướng này. Một phần có thể giải thích cho sự thiếu quan tâm đó chắc chắn là do sự thiếu tin tưởng của giới chức Mỹ đối với Trí Quang và nỗi sợ rằng các chương trình chống cộng của ông có thể gây trở ngại cho những mục tiêu của Hoa Kỳ hoặc Chính phủ VNCH. Tuy nhiên, cũng rõ ràng là giới chức Mỹ đã chấp nhận rằng những nỗ lực chống cộng của Trí Quang, có thể thành công nhất nếu ông ta không được coi là hoàn toàn theo chính phủ Mỹ.

Ý Trí Quang muốn hoạt động độc lập và đằng sau hậu trường có thể là cách giải thích duy lý hời hợt cho việc không hành động, nhưng cũng đúng là ông đã giúp cho nỗ lực chiến tranh của Mỹ vào mùa xuân năm 1965. Giới chức Mỹ ngày càng quan tâm vào tháng Hai năm 1965, phong trào Phật giáo sẽ công khai ủng hộ đề nghị chấm dứt chiến tranh bằng một thỏa thuận qua đàm phán với MTDTGPMN. Nỗi sợ hãi này đã thể hiện ngay trong tháng đó khi Thích Quảng Liên công bố một bản tuyên ngôn kêu gọi rút quân của MTDTGPMN và quân Mỹ ra khỏi miền Việt Nam. Liên, một Đại Đức Phật giáo nổi tiếng, từng theo học tại đại học Yale, bản tuyên ngôn gồm cả lời tuyên bố đánh giá cao sự giúp đỡ của người Mỹ trong quá khứ, nhưng những tuyên bố đó không làm thay đổi mức báo động của tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đối với một lời kêu gọi mà họ tin là ngờ nghệch và nguy hiểm[63]. Ngay sau khi chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder bắt đầu ném bom xuống Bắc Việt, giới chức Mỹ lo ngại rằng lời kêu gọi ngồi vào bàn đàm phán của phong trào Phật giáo sẽ cản trở khả năng tiến hành cuộc chiến của họ. Trí Quang hoàn toàn chia sẻ sự quan tâm của tòa Đại sứ về hoạt động của phong trào hòa bình của Thích Quảng Liên.

“Ông. Browne, tôi khuyên ông nên đến. Tôi chờ việc rất quan trọng sẽ xảy ra, nhưng tôi không thể nói cho ông biết.” Ảnh chụp ngày 27 tháng 6 năm 1963, Phóng viên AP Sài Gòn Malcolm Browne (1931-2012) phỏng vấn Đại Đức Thích Quảng Liên (1926-2009), phát ngôn viên hàng đầu của chùa Xá Lợi ở Sài Gòn. Ảnh AP.

Đáng kể là khi được một viên chức tòa Đại sứ hỏi liệu đề nghị của ông có sự ủng hộ của ban lãnh đạo Phật giáo hay không, Liên chỉ trả lời rằng nó có sự ủng hộ của Tâm Châu, một người được cho là ‘ôn hòa’. Liên không đề cập đến việc có sự ủng hộ của Trí Quang ‘cấp tiến’ hay không và có lý do chính đáng vì ông ta đã phản đối kịch liệt lời kêu gọi đàm phán ngay lập tức[64]. Thực tế, Trí Quang đã hết lòng ủng hộ chiến dịch Rolling Thunder và ông ta thậm chí còn ủng hộ việc mở rộng phạm vi oanh tạc. Theo quan điểm của ông ấy,

‘Chúng ta phải tiếp tục cuộc oanh tạc Bắc Việt như một phần cần thiết của cuộc tấn công ngoại giao-quân sự. Các cuộc phản công không chỉ giới hạn để trả đũa các cuộc tấn công của VC vào các căn cứ và nhân sự của Hoa Kỳ, vì điều này không tốt cho tinh thần chiến đấu của Việt Nam; những cuộc oanh tạc đó phải là câu trả lời cho cuộc tấn công của VC chống lại chính người dân và Việt Nam.’[65]

Thích Trí Quang

Nếu các hoạt động quân sự của Mỹ bị chỉ trích, cách nào đi nữa, Trí Quang cảm thấy rằng vấn đề đơn giản là họ chưa đánh hết sức. Sử dụng ngôn từ và logic mà những chiến lược gia người Mỹ có thể hiểu rõ, Trí Quang tin rằng cuộc ném oanh tạc Bắc Việt nên ‘tập trung trong một khoảng thời gian ngắn và với cường độ tăng nhanh, buộc Bắc Việt phải phản ứng càng sớm càng tốt và để ngăn không cho cộng sản có đủ thời gian để chuẩn bị về mặt tâm lý và quân sự’[66]. JD Rosenthal, viên chức ở tòa Đại sứ Mỹ thân với Trí Quang nhất trong giai đoạn này, đã ngạc nhiên trước việc ông ta có thể gạt sang một bên bất kỳ nỗi day dứt nào về tôn giáo liên quan đến chiến dịch Rolling Thunder. Thật vậy, theo Rosenthal, ‘Không có bất kỳ sự nghi ngại nào về đạo đức hay luân lý nào về các vụ ném bom, ông ta có vẻ lo ngại rằng cơ hội do cuộc oanh tạc đem lại bị lãng phí vì chúng không đủ mạnh’[67].

Sự công khai tán thành chiến dịch Rolling Thunder của Trí Quang có thể đã củng cố tư thế của Mỹ tại thời điểm họ đang bị đám đông dân chúng phản đối vì rất lo ngại về tác động của một cuộc ném bom quy mô rộng lớn tại Bắc Việt. Bộ Ngoại giao tin rằng việc tòa Đại sứ khuyến khích Trí Quang công bố quan điểm của mình về cuộc oanh tạc với quảng đại quần chúng ‘rõ ràng là điều cần có’[68]. Tuy nhiên, vấn đề là cả Trí Quang và tòa Đại sứ Mỹ đều không đồng ý với suy nghĩ cho rằng việc ông ta công khai ủng hộ cuộc oanh tạc ‘rõ ràng là điều cần có’. Như Trí Quang đã giải thích với giới chức tòa Đại sứ, không ai chờ đợi một nhân vật lãnh đạo tôn giáo công khai ủng hộ một hành động bạo lực bằng quân sự. Sau khi nghe Trí Quang giải thích quan điểm của mình, Rosenthal không phản đối quyết định của ông và ‘bảo đảm với ông ấy rằng chúng ta hiểu vai trò của ông ấy[69]. Việc Trí Quang không bằng lòng công khai ủng hộ chiến dịch Rolling Thunder chắc chắn không có nghĩa là vai trò của ông ấy không thích hợp hay không có ích cho nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam. Hoạt động ở hậu trường, Trí Quang giúp bảo đảm bản tuyên ngôn hòa bình của Quảng Liên sẽ không có tác động rộng lớn hơn. Chưa đầy ba tuần sau khi Đại Đức Quảng Liên công bố lời kêu gọi hòa bình, phong trào của ông đã kết thúc vì cả sự đàn áp của chính phủ lẫn những nỗ lực của Trí Quang, để bảo đảm nó không được phong trào Phật giáo tán thành. Trí Quang không băn khoăn dằn vặt về việc dùng cuộc đàn áp của chính quyền để phá vỡ phong trào hòa bình. Ông nghĩ rằng đề nghị của chính phủ VNCH trục xuất ba thành viên phong trào hòa bình ra Bắc Việt để trừng phạt là một sáng kiến ‘tuyệt vời’[70].

QUẢNG TRỊ 19-3-1965 - Trục xuất 3 ông hòa bình thuộc 'Ủy ban bảo vệ Hòa Bình' ủng hộ CS về miền Bắc qua ngả cầu Hiền Lương
Quảng TrỊ 19-3-1965 – Trục xuất 3 ông hòa bình, BS thú y Phạm Văn Huyến, ký giả Cao Minh Chiếm và GS Tôn Thất Dương Kỵ, thuộc ‘Ủy ban bảo vệ Hòa Bình’ ủng hộ CS về miền Bắc qua ngả cầu Hiền Lương. Nguồn: Charles Bonnay/The LIFE Images Collection via Getty Images/Getty Images

Tháng sau đó, trong một cuộc trò chuyện với Thủ tướng Phan Huy Quát, được biết Trí Quang đã nói với ông rằng Quảng Liên đáng lẽ nên bị bắt và phong trào hòa bình của ông ta đáng lẽ phải được đối xử nghiêm khắc như tất cả các phong trào hòa bình khác[71]. Quan hệ của Mỹ với phong trào Phật giáo chưa bao giờ tốt đẹp như trong mùa xuân năm 1965. Từ lâu, Trí Quang và các Phật giáo đồ khác đã đề nghị Phan Huy Quát giữ vai trò lãnh đạo trong chính phủ và việc ông được bổ nhiệm làm thủ tướng kết thúc sự phản đối của Phật giáo đối với chính phủ VNCH. Hài lòng với thành phần của chính phủ VNCH, Trí Quang cuối cùng đã chuyển sang cuộc chống cộng mà ông đã hứa từ lâu. Vì hoạt động của VC ngày càng tăng ở miền Trung, Phật tử đã tăng cường biện pháp chống lại sự xâm nhập của VC vào hàng ngũ của họ và không tham gia vào các cuộc biểu tình do Việt Cộng chủ động[72]. Giới chức tòa Đại sứ Mỹ rất cảm kích với tinh thần chống cộng của Hội Sinh viên Phật giáo[73]. Giới phân tích CIA báo cáo cho hay ‘Giới lãnh đạo Phật giáo đã lặng lẽ có một số quyết định cho thấy một tư thế chống cộng cứng rắn hơn’[74]. Nỗi tuyệt vọng với sức mạnh của phong trào Phật giáo kìm hãm giới hoạch định chính sách Mỹ hồi tháng 1 nay đã thay bằng sự lạc quan thận trọng về việc có thể hợp tác. Phó Giám đốc Kế hoạch của CIA công nhận rằng làm việc với Phật giáo đồ trong công cuộc chống cộng có thể có những rủi ro nhất định, Richard Helms đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nên tham gia vào ‘ván bài một cách thận trọng’ và bảo vệ Phật giáo đồ một cách bí mật hơn[75].

Sự hợp tác khắng khít hơn giữa Hoa Kỳ và Trí Quang mà Helms đã hình dung không đi đến kết quả. Trí Quang tiếp tục bầy tỏ quan điểm diều hâu về cuộc chiến trong những cuộc trò chuyện riêng tư với giới chức Mỹ, nhưng những nguy cơ nếu hợp tác mật thiết hơn với ông ta đã được Trí Quang tiết lộ rõ ràng trong một lá thư gửi cho Henry Cabot Lodge vào tháng 5 năm 1965. Trí Quang hiếm khi liên lạc với giới chức Mỹ bằng văn thư chính thức và rõ ràng bức thư này tiêu biểu cho nỗ lực bày tỏ suy nghĩ sâu sắc nhất của ông về tình hình ở Việt Nam. Không may, những suy nghĩ bày tỏ trong bức thư đó cho thấy rằng cuộc xung đột tôn giáo ở Việt Nam giữa Phật giáo đồ và giáo dân Thiên Chúa giáo vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ông. Theo quan điểm của ông, giáo dân Thiên Chúa giáo không phải là những người thực tâm chống cộng và Phật giáo đồ tin rằng chính sách của Mỹ thiên vị Thiên Chúa giáo. Người dân coi người Mỹ không khác gì người Pháp khi ‘dùng người Thiên Chúa giáo để tiêu diệt Phật giáo đồ’. Nếu Mỹ muốn không thất bại trong cuộc chiến, họ không còn cách nào khác hơn là phải đảo ngược chính sách và ủng hộ chính sách cách mạng, mà căn bản Trí Quang định nghĩa là

‘phải loại bỏ những phần tử Cần Lao Thiên Chúa giáo ác ôn và nhóm Đại Việt phản động’[76] .

Thích Trí Quang

Không phải nói, giới hoạch định chính sách Mỹ đã kinh hoàng trước việc bày tỏ những ý kiến đó. Không bao giờ có thể có cơ hội dù nhỏ nhất để Hoa Kỳ đồng ý với Trí Quang và chấp nhận một chiến lược chính trị dựa trên tính ưu việt của việc chống lại Thiến Chúa giáo ở Việt Nam. Khi không có bất kỳ thỏa thuận nào về tính chất căn bản của cuộc xung đột ở Việt Nam, là đã có những giới hạn thực sự về việc làm thế nào để hai bên có thể hợp tác với nhau.

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (G, 1930-2011) và Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (T, 1924 – 2001) đến tuyên dương công trạng Sư đoàn Mãnh hổ, quân đội Nam Hàn sau trận chiến thành công, 1966. Ảnh: Co Rentmeester/The LIFE Picture Collection via Getty Images

Quyết định của các tướng lãnh Việt Nam loại bỏ Quát khỏi quyền lực vào năm 1965 đã dẫn đến một sự thay đổi đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Trí Quang với Hoa Kỳ. Sự thay đổi này có rất ít hoặc không liên quan gì đến bất kỳ sự phản đối nào đối với các kế hoạch của Mỹ trong việc leo thang chiến tranh hoặc bất kỳ sự phản đối vì nguyên tắc nào đối với sự chấm dứt chính phủ dân sự. Giống như chính các tướng lãnh, Trí Quang chỉ trích Quát không có hành động cứng rắn hơn trong cuộc chiến[77]. Thật vậy, Trí Quang tiếp tục ủng hộ các chính sách về hoạt động quân sự vượt xa mọi thứ mà giới hoạch định chính sách Mỹ đã hình dung. Đến cuối tháng 7 năm 1965, Trí Quang vẫn nói với giới chức Mỹ rằng ông ủng hộ một cuộc hợp tác xâm lăng Bắc Việt và ông nghĩ rằng chính quyền Johnson cần phải đánh đổ khả năng vũ khí hạnh tâm của Trung Hoa[78]. Sau khi tiếp xúc với nhóm vận động hòa bình của Hoa Kỳ trong Tổ chức Hòa giải, Trí Quang nói với giới chức tòa Đại sứ rằng ông thấy họ ‘hoàn toàn dốt nát’ và đã nói với họ rằng chiến tranh vào thời điểm này là điều cần thiết cho dân Việt Nam[79]. Trí Quang cũng không quan tâm đến việc xa rời nguyên tắc chính phủ dân sự. Như ông đã tuyên bố trong quá khứ, Trí Quang tin rằng một chính phủ quân nhân có thể dễ ban hành những biện pháp cách mạng hơn và áp dụng kỷ luật cần thiết để theo đuổi chiến tranh một cách hiệu quả hơn[80]. Trí Quang chỉ trích chính quyền mới dựa trên một yếu tố đơn giản dễ đoán vì quá khứ của ông: vì đã bổ nhiệm Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng [Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. – TGT] Thiệu, một người Thiên Chúa giáo, đối với Quang, từ lâu đã là một biểu tượng chính về việc chính phủ VNCH không bằng lòng cắt đứt với thời kỳ Diệm với sự thống trị của Thiên Chúa giáo. Trí Quang đã hy vọng rằng tướng Nguyễn Chánh Thi, được biết là người có cảm tình với Phật giáo đồ, sẽ được chọn. Sau khi kể lại tất cả những tội ác trong quá khứ của Thiệu đối với Phật tử, Trí Quang nói với giới chức Mỹ rằng ông tin rằng Thiệu là một gián điệp của CIA được cài đặt ‘để bảo đảm có một chính phủ đáp ứng lại những mong muốn của Hoa Kỳ khi chúng ta đã gửi 500.000 quân tới đây’[81]. Dù lập luận chống chính phủ mới của Trí Quang rất giống với những tu từ đã dùng trong quá khứ, nhưng hành động của ông bây giờ đã hạn chế hơn nhiều. Thật vậy, giai đoạn từ tháng 6 năm 1965 đến cuộc khủng hoảng Phật giáo tháng 3 năm 1966 dễ được coi là thời gian ổn định nhất trong thời kỳ sau chính phủ Diệm.

Cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1966 và sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam

Nếu Trí Quang là một gián điệp cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam, thì sẽ không có gì là quá đáng khi cho rằng Bắc Việt đã hoàn thành ‘một trong những cách sử dụng hoạt động nằm vùng tài tình và hiệu quả nhất trong lịch sử’[82]. Giới phân tích Mỹ ở Sài Gòn và Washington đã thảo luận về trường hợp này nhiều lần trong suốt cuộc chiến và luôn kết luận rằng bằng chứng không hậu thuẫn cho cáo buộc này. Những chuyên viên phân tích này hoàn toàn không mù quáng trước nhiều lỗi lầm của Trí Quang, và vô số trở ngại mà ông ta gây ra cho một chính phủ VNCH có thể ổn định để có thể tiến hành cuộc chiến một cách hiệu quả. Trong khi lập luận rằng Trí Quang chỉ đơn giản đánh lừa giới phân tích người Mỹ bằng quan điểm diều hâu và chống cộng của ông ta – chưa bao giờ có thể bị bác bỏ với bất kỳ bằng chứng nào – thì nên nhớ rằng các mục tiêu có dụng ý của Trí Quang không phải là những người vận động hòa bình cả tin hay những học giả với lý tưởng phản chiến, mà là giới phân tích kỳ cựu và nhất định muốn thắng trong cuộc chiến ở Việt Nam như John Negroponte và George Carver. Như Carver nhận xét, ý kiến cho rằng Trí Quang chỉ đơn giản tán thành những quan điểm diều hâu, và chống cộng để mua chuộc cảm tình của giới chức Mỹ ‘đơn giản là không thuyết phục được một người đã thảo luận trực tiếp những chủ đề như vậy với ông ấy’[83].

Tất nhiên, điều đó thực sự đúng, những nỗ lực của Trí Quang, chẳng đóng góp gì nhiều cho công cuộc chống cộng, và bất kể ý định là gì, những can thiệp của ông ấy vào chính trị Việt Nam cuối cùng chỉ làm lợi cho những mục tiêu của cộng sản và MTDTGPMN. Giới phân tích Mỹ đã nhiều lần công nhận thực tế ác nghiệt này, nhưng họ thấy vấn đề này là một sai lầm về trí thức của Trí Quang, sai lầm có gốc rễ từ tính khí của con người ông, chứ không phải là một chọn lựa trong tỉnh thức. Sự can thiệp thường xuyên của ông vào chính trị và những lời kêu gọi của ông về một cuộc ‘cách mạng xã hội’ mơ hồ, vốn đã không phù hợp với mục tiêu ổn định chính trị và xã hội của người Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích Mỹ chắc chắn nhận thấy rằng lập luận căn bản của ông không phải là không chính đáng hay sai; cụ thể là, chính phủ VNCH không thể thắng trận trừ khi phản ảnh nguyện vọng của người dân và có thể tập hợp dân chúng chống lại MTDTGPMN. Trí Quang chắc chắn không đại diện cho tất cả người dân Việt Nam, hoặc ngay cả đại diện cho đa số Phật tử, nhưng không còn nghi ngờ gì ông đại diện cho một thực lực chính trị mạnh và có tổ chức. Vào đêm trước khi cuộc khủng hoảng Phật giáo xẩy ra, giới phân tích Mỹ chưa tìm được cách để hướng những hành động Trí Quang vào những lộ trình mang tính xây dựng hơn, nhưng họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng ông hoặc phong trào Phật giáo mà ông lãnh đạo có thể đơn giản bị lờ đi hoặc đẩy sang một bên.

Thật mỉa mai, Henry Cabot Lodge lại là người chịu trách nhiệm chính trong việc thay đổi cách ứng xử của Mỹ đối với Trí Quang trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1966. Đã che chở Trí Quang, cho trốn ở tòa Đại sứ thời chính phủ Diệm trong cuộc khủng hoảng năm 1963, Lodge được xem là một nhân vật có thiện cảm với giới Phật tử. Lodge chỉ trích nặng nề việc Trí Quang kích động tinh thần bài Thiên Chúa giáo trong những phiên tòa xét xử Thiếu tá Đặng Sỹ và Ngô Đình Cẩn, nhưng đến cuối tháng 3 năm 1965, ông vẫn cố nài nỉ chính quyền Johnson đừng từ bỏ Phật giáo đồ vì vai trò quan trọng của họ ở Việt Nam[84]. Tuy nhiên, trong suốt cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1966, Lodge ủng hộ lập trường cương quyết đối đầu với phong trào Phật giáo đấu tranh của chính phủ VNCH. Lodge hoàn toàn ủng hộ quyết định của Kỳ rút Tướng Nguyễn Chánh Thi ra khỏi Quân đoàn I mặc dù thực tế là Thi được cho là người được cảm tình của Phật giáo đồ. Dù công nhận rằng ông không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào, nay, Lodge đã tán thành ý kiến cho rằng rằng Trí Quang và những Phật tử khác cố ý thức phục vụ mục đích của cộng sản và MTDTGPMN[85]. Trong suốt cuộc khủng hoảng, Lodge luôn tỏ ra hiếu chiến và ủng hộ những nỗ lực của chính phủ VNCH dẹp tan nhóm Phật giáo đồ cực đoan.

Chắc chắn, Lodge được Washington ủng hộ lập trường cứng rắn của ông đối với Trí Quang. Maxwell Taylor, nhiệm kỳ Đại sứ ở Sài Gòn đánh dấu bằng sự tái diễn những cuộc khủng hoảng chính phủ do các Phật giáo đồ gây ra, nghĩ rằng Lodge cần nói với giới lãnh đạo chính phủ VNCH, ‘nhận thức của chúng ta về mức quan trọng phải triệt tiêu Trí Quang như một thế lực chính trị’. Taylor đã phủ nhận ý kiến cho rằng Trí Quang là một người cộng sản khi ông là Đại sứ tại Việt Nam, nhưng bây giờ ông nghĩ rằng Lodge và chính phủ VNCH

‘nên khai triển một kế hoạch lột trần Trí Quang trước công chúng Việt Nam và thế giới như một kẻ phiến loạn được cộng sản hậu thuẫn với ý định tiêu diệt chính quyền phi cộng sản ở Sài Gòn vì lợi ích của Việt Cộng và Hà Nội’[86].

Maxwell Taylor, “Comments on the Present Situation in South Vietnam,” April 8, 1965

Chính sách của Mỹ trước khi có cuộc khủng hoảng Phật giáo dựa trên ý kiến cho rằng Trí Quang là một vấn đề rắc rối nhưng không phải là một người cộng sản, nay Lodge đặt hẳn chính sách của Mỹ trên ý kiến cho rằng Trí Quang gần như là một phần quan trọng trong nỗ lực phá hoại của cộng sản. Về căn bản, quan điểm của Trí Quang, trong suốt cuộc khủng hoảng vẫn không thay đổi, nhưng trên thực tế, Lodge đã không còn xem ông như một nhân vật chính trị chính đáng. Lodge đã điện về Washington vào tháng 4 năm 1966 cho biết, ‘Chúng ta nên rõ ràng trong suy nghĩ của mình, giới lãnh đạo Phật giáo là đối thủ của chúng ta’[87].

Bi kịch của chính sách của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Phật giáo là nhiều viên chức trong chính quyền Johnson đã không chấp nhận chính thái độ mà Lodge ủng hộ, nhưng không gây được ảnh hưởng. Bộ Ngoại giao liên tục đặt câu hỏi về các quyết định và giả định của Lodge trong suốt cuộc khủng hoảng. Đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk yêu cầu Lodge không tán thành những tuyên bố cho rằng giới nhà lãnh đạo Phật giáo là cộng sản vì họ vẫn không có bằng chứng về mối liên hệ và lập trường như vậy sẽ gây phẫn nộ cho nhiều nhân vật lãnh đạo Phật giáo, những người rõ ràng không phải là cộng sản[88]. Sau khi nghe Cy Sulzberger của tờ New York Times nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Cộng trong việc giựt dây phong trào đấu tranh Phật giáo, Robert Komer nói với Sulzberger rằng ông đã

‘thấy một ít bằng chứng rõ ràng xác nhận rằng Việt Cộng phần lớn điều động sinh hoạt ở Huế-Đà Nẵng. Chắc chắn, có rất nhiều phúc trình cấp thấp về các nỗ lực xâm nhập, và không ai còn nghi ngờ rằng VC đã cố gắng xâm nhập, nhưng tôi không thể đưa bằng chứng chắc nịch cho ông ấy nếu nó không hiện hữu’[89].

Robert Komer

Komer lấy làm tiếc vì Lodge đã nói với Sulzberger và các nhà báo khác một diễn giải sai về cuộc khủng hoảng Phật giáo và không được nhiều viên chức khác đồng ý. Theo quan điểm riêng của Komer, chính quyền Johnson cần phải giữ cuộc khủng hoảng Phật giáo trong viễn cảnh và ‘làm dịu cơn cuồng loạn’:

‘Trí Quang và những người khác chắc chắn không cố gắng làm người Mỹ rời khỏi Việt Nam. Chúng ta không xem những Phật giáo đồ bất đồng chính kiến căn bản là người trung lập, hay hăm hở muốn đàm phán. Họ biết cũng như chính phủ VNCH biết rằng điều này sẽ khiến tất cả bọn họ sẽ lọt vào bẫy của Việt Cộng. Thay vào đó, những gì những người bất đồng chính kiến muốn có (và họ đã nói với chúng ta rất nhiều lần) bằng các cuộc biểu tình, biểu ngữ chống Mỹ và ngay cả tự thiêu để gây áp lực và khiến Mỹ phải xấu hổ để phải ủng hộ họ thay vì ủng hộ Kỳ’[90].

Robert Komer

Đánh giá của Komer đã được nhiều người trong chính quyền Johnson đồng ý. Vào tháng 3, Thomas Hughes, Giám đốc Cục Tình báo và Nghiên cứu (INR), đã gửi một phân tích dài về sự bế tắc giữa Phật tử và chính phủ VNCH, thậm chí không gián tiếp ám chỉ rằng Phật tử đấu tranh vì chủ nghĩa chống Mỹ, vì muốn trung lập, hoặc muốn chiến tranh chấm dứt bằng bất cứ giá nào. Hughes lý luận, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng, đã có trong

‘sự bất bình từ lâu đối với chính phủ Kỳ-Thiệu, mà người cảm thấy đã quá chậm trễ và miễn cưỡng hợp pháp hóa vai trò của mình, tổ chức bầu cử trên toàn quốc và trả chính quyền lại cho những người dân cử – nói chung, đi lùi lại hơn là đưa cuộc cách mạng năm 1963 đi tới’[91].

Thomas Hughes

Cách đối phó căn bản của CIA với cuộc khủng hoảng Phật giáo rất phù hợp với cách đặt vấn đề của INR. Trong một số bài viết dài với suy nghĩ thận trọng, George Carver đã bác bỏ toàn bộ quan niệm cho rằng Mỹ sẽ thất trận ngay cả khi các Phật giáo đồ cực đoan lên nắm chính quyền ở Việt Nam. Dù công nhận sẽ có những vấn đề ngắn hạn cho nỗ lực chiến tranh trước mắt nếu phong trào Phật giáo thắng cuộc, Carver tin rằng sẽ vẫn còn sự tương hợp căn bản giữa những mục tiêu của Mỹ và của Phật giáo. Carver chắc chắn không tin rằng nên trao lại quyền lực cho Trí Quang và những Phật giáo đồ cực đoan khác, nhưng ông đã nghĩ rằng chính sách của Mỹ không thể thành công nếu không có sự ủng hộ tích cực của Phật tử. Trên thực tế, Carver muốn nhấn mạnh rằng Mỹ có thể có lợi hơn với chiến thắng của Phật giáo vì

‘một chính phủ mà Phật tử có tiếng nói chiếm ưu thế sẽ tạo được tiêu cự cho chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, cuối cùng có thể tạo cho toàn bộ cấu trúc dân tộc chủ nghĩa không cộng sản một nền móng vững chắc hơn như cơ chế hiện nay’[92].

George Carver

Lý luận căn bản của Carver không phải là bản gốc; Trí Quang từ lâu đã lập luận rằng chính phủ VNCH không thể thắng MTDTGPMN và Bắc Việt trừ khi nó có một nền tảng vững chắc và được lòng dân hơn.

Ngày 31/3/1975: Nhân vật lãnh đạo Phật giáo quyền lực nhất ở miền Nam, Thích Trí Quang (bìa trái) biểu tình đòi Tổng thống Thiệu từ chức tức khắc. Thích Trí Quang được cho là người đã góp sức lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963. Nguồn: GettyImages

Một liên minh gồm Bộ Ngoại giao, CIA và Robert Komer có vẻ khá dữ dội, nhưng chính Lodge là người điều khiển chương trình vì ông ta là người duy nhất gặp và trao đổi ý kiến thường xuyên với Kỳ và Thiệu. Mặc dù Lodge thỉnh thoảng cũng lắng nghe những quan tâm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc giải quyết khủng hoảng, nhưng ông luôn miễn cưỡng làm như vậy. Trước đó, sau mỗi cuộc khủng hoảng do Trí Quang gây ra, giới hoạch định chính sách Mỹ đã tìm cách khôi phục lại quan hệ vì rõ ràng không thể xóa bỏ tất cả những người theo đạo Phật ra khỏi bài toán về cách xây dựng một xã hội không cộng sản có thể đứng vững được tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Lodge, không có chuyện hòa giải với Trí Quang hay các Phật giáo đồ cực đoan ngay cả sau khi họ bị quân đội của chính phủ VNCH dẹp tan vào tháng 6 năm 1966. Khi Bộ Ngoại giao tỏ ra thất vọng vì không có ứng cử viên nào của phong trào đấu tranh Phật giáo ra tranh cử vào Quốc hội Lập Hiến mới, một nhượng bộ lớn mà phe đối lập đã giành được, Lodge trả lời rằng Phật giáo đồ cực đoan không phải ‘đối lập trung thành’ và ông phản đối bất kỳ nỗ lực nào tạo ra để khuyến khích họ tham gia vào sinh hoạt chính trị[93]. Phần lớn, Trí Quang và những Phật giáo đồ cực đoan vẫn ở ngoài sinh hoạt chính trị của Việt Nam suốt đoạn cuối thời gian họ còn hiện hữu. Mark Moyar tin rằng việc sử dụng vũ lực của chính phủ VNCH vào mùa xuân năm 1966 cho thấy rằng ‘Phật giáo đồ cực đoan có thể bị dẹp tan mà không phá hỏng cuộc chiến tranh chống cộng’[94]. Nhưng có lẽ, một cách diễn giải khác là cuộc khủng hoảng chỉ đơn giản cho thấy phong trào Phật giáo có thể bị đánh bại bằng quân sự, điều mà, từ đầu chẳng có ai nghi ngờ. Vẫn là điều không rõ, liệu chính quyền Johnson và Trí Quang có thể nào tạo được mối quan hệ hữu ích có thể khai thác sức mạnh của phong trào Phật giáo chống lại cộng sản Bắc Việt và MTDTGPM hay không, và chắc chắn có nhiều lý do để nghi ngờ rằng một quan hệ hợp tác như thế là có thể hoặc cần có. Tuy nhiên, điều có vẻ ít có thể tranh luận hơn là việc triệt tiêu diệt Trí Quang và phong trào Phật giáo năm 1966 càng làm giảm triển vọng, vốn đã nghèo nàn, để một chế độ không cộng sản được lòng dân xuất hiện ở Việt Nam.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Nguyên bản tiếng Anh: “‘Only Religions Count in Vietnam’: Thich Trí Quang and the Vietnam War”, Modern Asian Studies 42, 4 (2008) pp. 751–782. C 2007 Cambridge University Press doi:10.1017/S0026749X07002855 First published online 30 July 2007

James McAllister

Tác giả | James McAllister
Chair of Leadership Studies & Fred Greene Third Century Professor of Political Science
Schapiro Hall Rm 230, Williams College, Williamstown, MA 01267.
jmcallis​@williams​.edu | 413-597-2572

Education
B.A. State University of New York, Buffalo (1986)
M.A. Columbia University (1989)
Ph.D. Columbia University, Political Science (1999).

[47] Saigon to State Department, November 2, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 293.
[48] Saigon to State Department, November 17, 1964, NA II, RG 59, POL 1 US VIET S, box 2878; and Saigon to State Department, November 27, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 2933.
[49] Saigon to Secretary, December 1, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 10, vol. 23. Moyar trong cuốn Triumph Forsaken ngụ ý cho rằng Trí Quang là nhân vật chính đằng sau cuộc chống đối Hương từ đầu, nhưng đây không phải là quan điểm của tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Xem Moyar, Triumph Forsaken, p. 334.
[50] Bản thảo tờ ghi nhớ cuộc nói chuyện giữa Đại sứ Taylor và Đại sứ Trần Thiện Khiêm, December 2, 1964, NA II, RG 59, VWG Subject Files, box 5, POL-1, Memoranda of Conversation.
[51] Saigon to State Department, December 16, 1964, FRUS, 1964–68, vol. 1, pp. 1000–1009.
[52] Trí Quang nói với giới chức Mỹ rằng ông ta sẽ chống lại Khánh nếu Hương thỏa mãn những yêu sách của Phật giáo. Xem Saigon to Secretary, December 24, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 11, vol. 24.
[53] Saigon to State Department, January 5, 1965, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2927.
[54] CIA Intelligence Information cable, January 10, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 12, vol. 26.
[55] CIA, “SNIE 53–65: Short-Term Prospects in South Vietnam,” February 4, 1965, Estimative Products on Vietnam 1948–1975 (Washington, DC: GPO, 2005).
[56] Moyar, “Political Monks,” p. 773.
[57] Saigon to Secretary, January 31, 1965, NA II, RG 59, POL 13–6 VIET S, box 2931.
[58] Ibid. Chính Tri Quang cũng thừa nhận rằng Việt Cộng có lẽ đã xâm nhập vào tổ chức của Phật giáo ở nhưng cấp thấp, nhưng ông nói rằng họ cũng đã xâm nhập vào mọi tổ chức khác trong nước. Xem Saigon to State Department, February 4, 1965, POL 2 VIET S, box 2927.
[59] Corcoran to Higgins, February 18, 1965, NA II, RG 59, POL 13–6 VIET S, box 2931.
[60] Saigon to Department of State, “Phỏng vấn của Trí Quang trên Nhật báo tiếng Anh,” February 3, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 13, vol. 27. Tất nhiên, không thể tin tất cả những gì Trí Quang nói, vì phong trào Phật giáo đã có lúc cổ động việc chống Mỹ. Những gì ông có lẽ muốn chuyển đạt là những biểu lộ tình cảm là chiến thuật chứ không phải là sự bày tỏ quan điểm căn bản của Phật giáo đồ về nước Mỹ.
[61] Saigon to State Department, February 4, 1965, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2927.
[62] CIA Intelligence Cable, February 2, 1965, Declassified Documents Reference System, 1976070100060.
[63] Saigon to State Department, March 4, 1965, NA II, RG 59, POL 27 VIET S, box 2953.
[64] Saigon to Secretary, March 1, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 14, vol. 30.
[65] Saigon to State Department, March 3, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 14, vol. 30.
[66] Saigon to State Department, March 22, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 15, vol. 31.
[67] Ibid. Ghi nhận lời kêu gọi oanh tạc Bắc Việt, Moyar lý luận trong “Sư Chính trị” “Political Monks” ‘có bằng chứng trực tiếp rằng lời khuyên là một công cụ để duy trì sự ủng hộ của Mỹ để các phật tử hiếu chiến có thể tiếp tục các hoạt động lật đổ của họ (tr. 779). Chẳng may, bằng chứng trực tiếp chỉ đơn giản là một trích dẫn từ chuyên viên chống khủng bố người Anh Robert Thompson: ‘Tri Quang nói với Tướng Taylor rằng ông ta ủng hộ cuộc ném bom miền bắc của Mỹ, và sau đó đi thẳng đến gặp Pháp để giải thích rằng ông ta chỉ ru ngủ những nghi ngờ của Taylor, để có thể rảnh aty tiếp tục cuộc vận động bí mật vì hòa bình với bất kỳ giá nào của mình, hay đúng hơn là với giá của cộng sản đưa ra. Nguồn gốc của trích dẫn này chắc chắn còn mù mờ; Moyar trích dẫn trong The Long Charade của Critchfield, nhưng nó cũng xuất hiện trong cuốn sách Higgins hồi năm 1965, Cơn ác mộng Việt Nam của chúng ta, trang 285-286. Cả Higgins và Critchfield đều không cho biết chút nào về nơi và khi nào Thompson coi là đã tuyên bố như vậy. Ý tưởng rằng Tri Quang sẽ tiết lộ một quan điểm như vậy tụ nó đã đáng ngờ, nhưng ý tưởng cho rằng ông chọn tiết lộ nó vơi ‘người Pháp’ khó có thể tin được với quan điểm kiên định cực kỳ chống Pháp của ông. Nói tóm lại, thật khó để thấy cách trích dẫn Thompson có thể được xem là bằng chứng tin được liên quan đến động cơ của Trí Quang.
[68] State Department to Saigon, March 2, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 14, vol. 30.
[69] Nđd.
[70] Saigon to State Department, March 19, 1965, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2927.
[71] Saigon to State Department, May 6, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 17, vol. 34.
[72] Saigon to Secretary, April 7, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 16, vol. 32.
[73] Saigon to Secretary, April 12, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 16, vol. 32.
[74] CIA, “The Situation in South Vietnam,” April 7, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 16, vol. 32.
[75] Bản ghi nhớ cho Giám đốc Tình báo Trung ương, “Đề nghị của CIA về Công tác Chính trị Dân sự Bí mật Có giới hạn ở Việt Nam,” March 31, 1965, LBJL, McCone’s 12 Points, box 194.
[76] Tri Quang to Lodge, May 13, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 17, vol. 34.
[77] Saigon to State Department, May 6, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 17, vol. 34.
[78] Saigon to State Department, July 21, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 20, vol. 37.
[79] Saigon to State Department, July 10, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 20, vol. 37.
[80] Saigon to Secretary, June 12, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 18, vol. 35.
[81] Saigon to Secretary, June 22, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 19, vol. 36.
[82] Moyar, Triumph Forsaken, p. 218.
[83] Carver to McNaughton, “Consequences of a Buddhist Political Victory in South Vietnam,” LBJL, NSF, VNCF, box 63, 1 EE (4) Post-Tet Political Activity.
[84] Memorandum by Lodge, “Recommendations Regarding Vietnam,” March 8, 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, pp. 415–420.
[85] Lodge Weekly Telegram, March 23, 1966, FRUS, 1964–1968, vol. 4, pp. 225–229.
[86] 86 Maxwell Taylor, “Comments on the Present Situation in South Vietnam,” April 8, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 29, vol. 50.
[87] 87 Lodge to Secretary, April 8, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 29, vol. 50.
[88] Rusk to Lodge, April 6, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 46, NODIS, vol. 3.
[89] Komer Memorandum to Bill Moyers, June 3, 1966, LBJL, Files of Robert Komer, box 4, Moyer/Christian Folder. As Komer noted with regret, Sulzberger probably received these views from Lodge and his Deputy Ambassador, William Porter.
[90] Komer to Bill Moyers, June 2, 1966, LBJL, Files of Robert Komer, box 3, White House Chronological Folder March–December 1966. Emphasis in original.
[91] Hughes to Rusk, March 19, 1966, “GVN Crisis Hardening But Compromise Seems Possible,” FRUS, 1964–1968, vol. 4, pp. 292–293.
[92] Carver, “Hậu quả của một chiến thắng chính trị của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam; và Bản ghi nhớ tình báo CIA, “Thích Trí Quang và các mục tiêu chính trị của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam,” LBJL, NSF, VNCF, box 30, vol. 51. Phần trích đoạn lấy từ tài liệu sau. Carver không được ghi là tác giả của tài liệu, nhưng không còn nghi ngờ, ông là người viết những ý chính trong tài liệu đó.
[93] Lodge to William Bundy, July 26, 1966, LBJL, NSF, VNCF, box 34, vol. 56.
[94] Moyar, “Political Monks,” p. 784.