Cộng sản và tôi (Kết)

Nguyễn Văn Lục

Chỉ một ít ngày sau thì những người chạy vào nhà xứ Cửa Bắc được nhận một khẩu phần gạo máy và ít muối do sở Hành Chánh, Tài Chánh cấp phát.

Cộng sản và tôi qua hành trang “Tình Nghĩa Quốc Văn Giáo Khoa Thư”

Một số những người khá giả đã lần lượt về lại nhà sau khi thấy tình hình tạm yên ổn. Nhà xứ chỉ còn lại những kẻ không nhà không cửa như tôi. Để được nhà xứ nuôi, mỗi ngày tôi chỉ giúp các Cố Tây làm lễ, sau đó thì thong dong.  Hai đứa trẻ chúng tôi trong nhà xứ đã đi đến Phố Cổ để “hôi của” xem có chút gì người ta để lại như nồi niêu, bát đĩa, một chút gạo thừa, một it cá khô.

Dân Hà Nội nói chung cũng nghèo, tản cư họ cũng gồng gánh mang đi hết. Tôi cố kiếm tìm một chiếc áo len cũ thay cho cho chiếc áo đang mặc, quá chật, mà kiếm không ra.

Cũng vào cái đêm lịch sử ấy, vào tảng sáng, có tiếng kêu thất thanh của một người đàn bà hô: Cứu tôi với. Cứu tôi với. Nhiều lần. Rồi dần đến tảng sáng thì tiếng kêu tắt ngủm.

Nhiều người ẩn nấp trong nhà xứ, nghe tiếng kêu từ  hàng rào xi măng nhà thờ, sợ hãi. Tảng sáng, người ta nhìn thấy 4 người lính tây, đeo băng đỏ cáng một người đàn bà, mặt mũi xưng vù, mắt bầm tín, quần áo sô lệch. Nhiều chỗ bị xé nát phô bầy thân thể ra ngoài. Họ khiêng người đàn bà bất hạnh ấy từ hàng rào xi măng của nhà thờ sang Sở Hành chánh Tài chánh để cứu cấp. Tôi cứ băn khoăn về cái người phụ nữ lạ mặt ấy, không hiểu sau này bà ấy sống chết ra sao? Tại sao môi miệng mắt bà lại xưng vều lên như thế?

Dưới mắt một đứa trẻ, chiến tranh có nhiều điều không hiểu được.

Lá sấu vàng đầu hè (Hà Nội). Nguồn: OntheNet

Đến khoảng 10 giờ sáng thì người ta thấy, môt người lính tây rạch mặt bị treo ngược lên một cành sấu bên góc phải Sở Hành Chánh Tài Chánh. Đầu người ấy chúi xuống, là là mặt đất, đu đưa. Và các người lính tây trắng khác cứ thế lần lượt đi qua. Người đấm, người đạp, người đá bằng giầy “săng đá”, “bất kể vào đâu” đến khi cái thân thể ấy bất động. Không biết còn sống sống hay chết. Người hiểu chuyện, xầm xì là người bị treo ngược chính là người đã xâm hại người đàn bà bất hạnh có tiếng kêu ban đêm.

Thân xác người đàn bà bị ngất và người lính Tây rạch mặt bị đánh đập có liên quan gì đến cuộc chiến này? Đó là hai bộ mặt chẳng ăn nhập gì đến cuộc chiến đang diễn ra đâu đó. Có thể đang ở ngoại ô thành phố hoặc đang giành giật nhau từng con phố giữa tự vệ thành và lính Tây.

Có một cái sáng kiến đến kỳ lạ là từ lúc nào, các thanh nhiên Tự vệ thành đã đục lỗ các tường nhà thông thuông nhau từ nhà nọ sang nhà kia tại các khu Phố Cổ. Nhà ở đây phải liền nhau, chung vách mới đục lỗ được. Khu phố Tây tôi ở, nhất là phía bên phải nhà thờ đều là những nhà tây hai tầng san sát, nhà nọ cách nhà kia bằng một mảnh vườn có hàng rào thì không thể làm thế được.  Và từ các lỗ hổng này, Tự vệ thành đi lại từ nơi này sang nơi kia để liên lạc, để tiếp tế một cách khá an toàn.

Hình thức chiến tranh du kích này hóa ra chỉ áp dụng ở chỗ đông dân, chỗ người Việt xúm xụm vào nhau chăng?

Đầu mỗi khu phố có đắp mô bằng đủ thứ vật liệu vác từ các căn nhà bỏ trống ra như giường, tủ bàn, ghế, nệm. Người ta không sợ những ụ mô đó, nhưng sợ cái gì bên trong các mô đắp đó. Như một quả mìn, một trái lựu đạn. Lại một dạng khác của chiến tranh du kich lấy đe dọa khủng bố làm lẽ sống còn.

Sự hoang tàn, tự phá tan hoang những dẫy phố xưa thành cảnh vườn không nhà trống mà trước đây tấp nập buôn bán nay hoang vắng, buồn hiu. Không bóng người. Chính sự hoang vắng, không bóng người làm tôi hiểu được chiến tranh là gì. Tôi nhớ lại sau này đọc cuốn sách của Bernard B. Fall,  Hell in a very small Place. Cũng không có đến một con chó chạy loăng quăng hoặc sủa lọan lên khi có người qua lại. Hình như chúng cũng biết có điều gì bất thường xảy ra. Tất cả như muốn tố cáo một cái gì. Nó còn lại như một chứng cớ về một sự vô lý đến hiển nhiên. Lính Tây ít dám lai vãng đến các khu phố cổ. Hình ảnh các bà đầm dắt chó con đi dạo trên con đường đôi hay trên phố Cửa Bắc nay vắng bóng. Những chiếc xe tay kéo các mệnh phụ phu nhân biến mất lúc nào không hay. Và hình như thể biến luôn không còn thấy xuất hiện sau này nữa, dù thành phố Hà Nội đã lấy lại được sự ổn định. Cảnh lính tây say rượu la hét ngoài đường vào buổi tối cũng không còn nữa.

Cũng không còn những đứa trẻ con như tôi, tối tối lúi húi tại những gốc hàng cây sấu cao ngất hai bên đường phố đi bắt ve sầu từ những lỗ dưới đất chui lên. Những con ve sầu  lúc đó còn là những con sâu leo độ chừng một thước hay hơn thì con sâu dừng lại, làm cuộc hóa thân thần kỳ, siêu vượt, tự lột xác thành ve sầu. Cuộc hóa thân kỳ diệu ấy kéo dài chừng vài thời khắc mà chúng tôi say mê nhìn cảnh tượng ấy hầu như ở trên đời dễ mấy ai bắt được ngón tay kỳ diệu của Thượng đế trên chỉ một  thân xác bèo bọt của một con ve sầu! Sau đó ve sầu chỉ để lại cái vỏ khô cong queo và tiếp tục cuộc hành trình dương thế leo lên, leo lên mãi thật cao bám vào các cành cây. Nhưng nay với đôi cánh thần kỳ. Mới đầu tôi cứ tưởng ve sầu kêu nhờ cái miệng. Không phải vậy, chỉ nhờ đôi cánh rung mà sao có thể phát đi được tiếng kêu to như thế. Và với đôi cánh ấy, cả một dàn nhạc đại hòa tấu inh ỏi vào những buổi trưa mùa hè.

Còn đâu những ngày tháng cũ của ký ức của tôi về Hà Nội!

Chiến tranh đã đánh mất tuổi thơ tôi. Họ, cả đôi bên, nợ chúng tôi nhiều lắm. Không phải chỉ tính bằng xác người.

Mà tại sao chỉ ở vài khu phố Tây này có những cây sấu và những con ve sầu? Còn biết bao kỷ niệm đi nhặt sấu sau những cơn mưa, quả sấu rụng. Nhặt về rồi để cho sấu chín vàng ăn mới được.

Đó là những khung cảnh  rất quen thuộc và gần gũi. Gần gũi hơn nữa mang tình tự con người là hàng phở gánh. Một bên gánh là nồi nước dùng phở mà mỗi lần mở cái nắp quyện vào cái không khí se lạnh một mùi thơm quen thuộc, ngào ngạt mùi phở bò.  Gánh bên kia là  nơi chuẩn bị pha chế cho một bát phở Hà Nội trước khi được chan nước phở.

Phần tôi hiếm lắm mới được ăn một lần, đến nhớ đời.

Tôi không nhớ vào thời gian nào thì tôi được đi học lại sau một thời gian sống lang bang? Đây cũng là thắc mắc lớn mà tôi vẫn chưa có lời giải đáp. Tại sao tôi đã không trở thành những đứa trẻ mồ côi làm nghề đánh giầy, đi ăn cắp vặt, tối về ngủ dưới gầm cầu?  Bề ngoài, tôi có khác gì những đứa trẻ đó đâu? Cũng ăn mặc rách rưới, đi chân đất, ăn bữa no, bữa đói. Và nếu chúng biết được chạy vào nhà xứ Cửa Bắc chắc cũng được các Cố Tây nuôi? Sau này, cha Kim, sau làm giám mục ở Kontum là GM Seitz đã mở ra một trại nuôi trẻ mồ côi ở Quần Ngựa để gom tất cả những đứa trẻ mồ côi ở Hà Nọi. Chúng được ăn học đàng hoàng. Đứa nào cũng mặc áo sơ mi trắng, quần sóoc xanh, chân đi dép cao xu Con Hổ. Tôi vẫn có một mái nhà che mưa nắng!

Có bao nhiêu trẻ mồ côi trong cuộc chiến tranh này? Ai lo cho họ? Nếu không phải là các vị tu sĩ công giáo?

Nhưng điều chắc chắn, dù sao thì sau này tôi vẫn thầm cảm ơn các vị cố Tây như cố Năng, cố Ngọc. Cố Ngọc tên tây là C. Simonet. Riêng cố Ngọc sau này tôi rất ngạc nhiên đến sửng sốt khi biết ông là một trong những vị thừa sai đã chiụ khó sưu tầm và dịch lại giai đoạn truyền giáo trên các miền Thượng. (Ông cùng với P. Dourisbourg là tác giả cuốn La Mission des grands Plateaux. Editions France Empire. Paris 1961)

Phải mất khoảng trên 60 năm sau, tôi mới gặp lại vị ân nhân này qua sách vở. Quả là kỳ diệu thật!

Lúc ấy một số trường lớn đã mở lại như trường dòng của các Sư huynh La San, trường Puginier. Trong hai đứa chúng tôi ở nhà xứ, có thể vì anh bạn kia lớn hơn tôi vài tuổi nên đủ điều kiện xin học trường Thầy dòng Puginier, còn tôi còn nhỏ nên không có lớp. Tôi tủi thân buồn bã không biết ngỏ cùng ai. Trường học của tôi ở rất xa chỗ tôi ở. Nó ở ngoại ô, ráp gianh với Sở Thú và Dinh Toàn Quyền. Phải đi qua vườn hoa con cóc. Trường học ở làng Ngọc Hà. Chung quanh có nhiều nhà vườn trồng rau.

Sinh hoạt người dân ở đây rất là lam lũ và cực nhọc. Mỗi buổi sáng, họ kĩu kịt quang gánh đem cái hương hoa đồng nội còn đọng hơi sương của ngoại ô Hà Nội đi vào thành phố.

Hà Nội khác Saigon là có vùng ngoại ô.

Một nhóm người ngoại ô Sài Gòn cùng nhau đi xe tới hội làng vào tháng 6/1968. Ảnh: François Sully

Thành phố đông người nên dân nghèo nhập cư không có chỗ ở trong thành phố. Họ phải chen chúc nhau ở ngoại ô. Sáng sáng các người phu lục lộ, nhất là các người bán hàng rong, các phu phen thợ thuyền đủ loại lục tục kéo vào thành phố để đến chiều lũ lượt đi ra.

Đi ngược trở ra là các phu đổ thùng kéo những chiếc xe bò chở đầy các thùng phân của các nhà xí Hà Nội ra khỏi thành phố. Vì thế, nhiều nhà ở Hà Nội có cầu xí trông ra đường, sáng sáng phu đổ thùng thay các thùng phân và đẩy các thùng không vào cửa cầu xí. Không đủ xe bò, các người phụ nữ đành gánh các thùng phân kĩu kịt đi ra theo hàng một rảo bước và nhịp nhàng.

Lạ một điều, tôi không hề trông thấy một người đàn ông nào gánh phân. Gánh phân hầu như độc quyền dành cho phụ nữ. Phân cũng được chia ra nhiều loại, giá cả đôi chút khác nhau. Phân càng mầu vàng càng thối của cánh nhà giàu, giá có cao hơn phân xanh của dân nghèo chỉ ăn rau.

Trở ra với bao mùi xú uế, hôi hám. Trở vào với bao mùi hương hoa. Đó là cái nghịch lý của đời sống phố thị Hà Nội và làng Ngọc Hà.

Một cây số rưỡi: Đường đi từ nhà thờ Cửa Bắc đến làng Ngọc Hà (cạnh vườn Bách thảo Hà Nội). Google Maps

Đi từ nhà tới trường, tôi phỏng đoán cũng phải ngót nghét mười cây số đi bộ bằng chân đất. Mùa lạnh, có lúc đi chân đất buốt thấu xương, rét căm căm nếu lại có mưa phùn, có gió bấc. Cho đến bây giờ, tôi cũng không còn nhớ được ăn mấy bữa/ngày. Có thể một nắm cơm nhỏ buổi sáng và trưa để bụng đói. Chiều về được chừng hai bát cơm. Tôi chỉ còn nhớ, có lần buổi sáng nhìn con ông Bõ gác chuông, ăn nắm cơm, có phết mắm đỏ mà tôi thèm rỏ rãi, ước gì được ăn như con ông Bõ.

Nhưng sở dĩ hôm nay, tôi viết lại ngôi trường này, ngôi trường chỉ có thể trong thời chiến tranh. Một ngôi trường không giống bất cứ ngôi trường nào khác ở Hà Nội như các trường Albert Sarraut, trường Puginier của các thầy dòng, trường Bưởi cũng do nhà nước Pháp bảo hộ và một vài trường tư như Thăng Long hay Dũng Lạc nằm bên cạnh nhà thờ Lớn.

Trường học của tôi trống hốc tuềnh toàng, không có cổng trường, không có bảng hiệu hay có mà đã rơi mất, không có tường che, ngăn vách. Học trò phần lớn là con nhà lao động làm vườn và nghề gánh phân. Lớp học chia ra vài lớp tùy theo lứa tuổi. Hình như chỉ có một ông thầy vừa là hiệu trưởng, vừa đảm trách tất các lớp. Ông Hiệu trưởng người cao lớn, dáng quê mùa, răng hô, má hóp. Nhiều phần ông là người theo đạo Thiên Chúa. Trông hiền lành mà chỉ trong những hoàn cảnh như thế này mới nảy sinh ra những loại người như ông. Ông cầm một cái roi mây, nhưng hình như chỉ để thị uy chứ không đánh ai cả.

Lớp học, nói như thế chứ nó trống rỗng tan hoang. Như thể ghép vội mấy miếng tôn làm chỗ che mưa nắng.

Lớp tôi học nay cũng không nhớ là lớp mấy, chỉ biết có một vài học trò đã lớn, chừng 9-10 tuổi. Như có anh chàng to con, da đen coi như vạm vỡ nhất lớp. Tôi còn nhớ được tên anh vì trong lớp họ có câu hát diễu: Trên Lai, dưới Tuyết nằm giường lò xo, dập dình có sướng không?

Tại sao mới 9-10 tuổi trẻ con lại có một sự lố bịch hóa tình dục như thế? Làm gì có những câu đầy trữ tình, làng mạn ứa chan như:

“Đưa em về dưới mưa. Nói năng chi cũng thừa”, “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời. Và mang theo trăng sao”, “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi”.

Phạm Duy

Giường lò xo theo tôi được biết là những cuộn lò xo bề ngang to như trái bưởi, kéo dọc theo thành giường, nằm chắc là êm và nhún nhảy. Tuyết được nhắc tới vì là con gái, con ông Hiệu Trưởng, một cái đinh tiêu biểu của phái nữ trong trường. Bố to con nhưng Tuyết thì người mảnh khảnh, dơ xương, ngực lép như cái bánh đa, má hơi hóp do thiếu ăn, hình thù như con mắm, mặt xanh nhớt. Nghe hát diễu như thế, nhưng Tuyết thản nhiên như không.

Riêng tôi cũng có cảm tình với Tuyết, nhưng tôi còn bé quá so với Lai. Tuy vậy cũng đã vấn vương “Tuyết của chúng tôi” như thế. Tuyết gầy, Tuyết còm, Tuyết xanh xao mất máu, Tuyết khẳng khiu vì đói ăn. Tôi không thể nào mường tượng và so sánh những người tình trong tiểu thuyết hay người tình “đưa em về dưới mưa” được.

Thầy dậy hai ba lớp nên dậy lớp này thì lớp kia nói chuỵện như cái chợ. Đánh lộn và chọc phá không thiếu. Ấy là một trường học nhốn nháo thời chiến tranh. Vậy mà sau này nghĩ lại, tôi đã “nên người” từ  ngối trường này qua những bài học trong sách Quốc Văn Giáo Khoa thư! Thầy tôi lâu lâu mới ghé lại. Lớp học trở lại trật tự, ngoan ngoãn. Thầy bắt một anh có giọng tốt đọc chính tả thay thầy.  Trong khi đó, thầy bận bịu đi rà soát tập vở các trò khác. Thầy bận bịu không nghỉ tay. Tập vở thời ấy rất xấu, giấy bổn mầu vàng, giấy cong queo, đôi khi phải vuốt cho thẳng, thỉnh thoảng có gai. Ngòi bút đôi khi đụng phải gai giấy là rách, mực nhòe nhoẹt. Mực tím nên đôi khi còn dùng làm thuốc bôi trên các vết ghẻ ở chân và tay hoặc trên đầu.

Chỉ có một mầu mực tím vừa  dể viết và để làm thuốc chữa ghẻ. Tôi cũng không biết, mầu mực này  rút ra từ cây gì? Nhưng xem ra rất phổ biến ở miền Bắc.

Trường tôi học không có tên. Học trò chắc hẳn là những con nhà lao động chung quanh khu trồng  rau và hoa mầu cung cấp cho thành phố. Họ quẳng con cái phó mặc cho ông thầy giáo lo dùm. Nếu có mộng ước gì chắc họ chỉ mong con cái có được một nắm chữ nghĩa ấm thân với trình độ biết đọc biết viết. Họ không mong đợi gì hơn và ông thầy chắc cũng vậy. Dậy được ngày nào biết ngày ấy. Vả lại chữ của thầy được bao nhiêu? Vậy mà ngày hôm nay nhớ lại dĩ vãng quay quắt ngôi trường rách nát đáng thương hại ấy. Đã là nơi chốn kỷ niệm khó quên học được từ ngôi trường ấy. Mặt ông thầy sao mường tượng giống hệt ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuở ấy.

Cho đến bây giờ thì tôi cũng không còn nhớ đã học được gì ở ngôi trường này? Tên ông thầy cũng không nhớ, chỉ biết là thầy hiệu trưởng.  Kết quả việc học chắc cũng không qua một vài phép tinh cộng trừ, thêm tý nữa  có thể là nhân chia. Hình như có học thêm giáo lý thì phải, tôi cũng không nhớ nữa.

Nhưng có điều tôi không thể nào quên được và cũng không cách nào quên được là các bài học trong cuốn sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Đây là cuốn sách vỡ lòng cho trẻ con học được nhiều thứ. Từ chữ nghĩa, nhất là cách sống ở đời làm người lương thiện. Cuốn sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư được ghi ngoài bìa là: Nha Học Chính Đông Pháp, xuất bản năm 1935. Bên Trong ghi là in lần thứ 10. Nhà nước giữ bản quyền. Cấm không ai được in lại. Phía bên trên có chua thêm tiếng Pháp như sau: Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư. (Lecture ( Cours préparatoire) Sách này do Nha Học Chính Đông Pháp đã giao cho ông Trần Trọng Kim, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Đặng Đình Phúc và ông Đỗ Thận soạn.

QVGKT, Lớp Sơ đẳng. Nguôn: ONtheNet

Bộ sách gồm hai phần: Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư. Quốc Văn Giáo Khoa Thư gồm có các tập lớp Đồng Ấu, lớp Dự Bị và lớp Sơ Đẳng. Và cuốn Luân lý Giáo khoa thư.

Luân lý giáo khoa thư (lớp sơ đẳng, 1927). Nguồn: OntheNet

Bốn cuốn này, mỗi cuốn có khoảng 100 truyện. Mỗi truyện thâu tóm trong một trang và không quá 200 chữ. Rất cô đọng, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ có thể xem qua một đôi lần là thuộc lòng. Nỗi bài có nội dung nêu một gương sáng. Cuối mỗi bài lại có giải nghĩa các chữ khó và các câu hỏi bài tập cho học sinh. Và trước khi chấm dứt mỗi bài đều có một câu răn dậy: Chẳng hạn trong bài: Ngày giờ đi học. Câu khuyên răn là: Đừng bỏ phí thì giờ. Trong bài học: Kính trọng người già thì cuối bài học là răn dậy: Kính lão Đắc Thọ. Trong bài học: Ông già có 4 người con đưa ra một bài học: “Muốn  có sức mạnh thì phải hợp quần.”

Ở đây, chúng tôi xin được có lời trân trọng cảm tạ nhà giáo Trần Văn Chi có cho in cuốn: Tình nghĩa Giáo Khoa Thư, năm 2005 bằng cách giới thiệu và bình giải một số bài chọn lọc trích trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Người thứ hai là ông Nguyễn Hữu Đức, người ở Montreal đã có tâm huyết cho in lại ba cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư và cuốn Luân lý Giáo khoa thư. Chính nhờ ông Nguyễn Hữu Đức mà tôi có tài liệu để viết bài này. Một lần nữa, xin trân trọng cảm tạ hai tác giả.

Tâm sự một người đã từng học sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư

Sau “60 năm cuộc đời” nhìn lại, tôi cũng ngộ ra nhiều điều mà trước đây tôi đã bỏ qua, bỏ quên hay không nhớ. Cái nhớ và cái quên nay làm thành bản thân tôi, cái là tôi và không là cái gì khác. Cái mà có thể bây giờ mới là là cái thực chứng, cái đáng nhớ tới.

Tôi đã có nhiều may mắn được đi học lúc còn nhỏ trong thời chiến tranh, mặc dù nhiều năm mất học. Từ Hà Nội lên được Hà Nội đã là một lẽ. Ở Hà Nội học được lõm bõm là một lẽ khác. Di cư vào miền Nam, tưởng rằng sẽ làm nghề thợ may, may mắn cũng có cơ may trở lại trường học. Việc đi học sau đó trăm chiều vất vả vì tuổi lớn, nhảy lớp, mất căn bản mà lận đận nhiều năm mới qua được cửa ải kỳ thi tú tài I. Chẳng khác gì cá vượt vũ môn.

Chỉ những người mất học căn bản như tôi do chiến tranh gây ra mới thấm thía đủ nỗi buồn thi cử và những gánh nặng ngàn cân của thi cử. Ai có qua cầu mới hay. Hai năm rớt tú tài I vì kém toán tưởng không bao giờ vượt qua nổi, nếu không nhờ một “ơn trên” phù trợ mà nói ra bắt xấu hổ.

Cái điều mà tôi mau chóng phải nhìn nhận ở đây là tôi chóng thất vọng về những thần tượng triết học và dần dần ngoảnh đi chỗ khác như một kẻ phản bội hoặc một kẻ ngoại đạo.

Sự thể nó là như thế này. Đã có quá nhiều triết gia và nếu chỉ tiếp cận hai người tiên khởi như Plato và Aristote thì có để cả đời làm cũng không xong. Dần dà trong đầu óc nảy ra tư tưởng hoài nghi Triết lý đi đến đâu? Triết lý để làm gì?

Câu hỏi trên có tính cách cạn tầu ráo máng. Triết học giúp gì cho cuộc đời và ý nghĩa cuộc đời phải chăng là đi cho chọn những chặng đường tư tưởng đầy tri thức luận mà bề dầy của nó không chọc thủng vượt qua được và lúc cuối vẫn chênh vênh trên vực thẳm chữ nghĩa chưa có câu trả lời.

Cảm giác chênh vênh, nhiều khi đến choáng váng khi đụng đến những tầng cao của tri thức luận là có thực. Dĩ nhiên hiếm hoi không phải ai cũng bắt gặp. Như có cảm giác như người đứng trên một vực thẳm, một chân thõng ra ngoài khoảng không như chạm phải hư vô, chân kia còn trên cõi tạm mà lòng đầy những nỗi bất an chưa có lời giải đáp. Ai nói cũng hay và có vẻ thuyết phục nhưng đều là những lối nói đi vòng quanh, đều là ẩn dụ mà những điều con người muốn đụng chạm tới đều ở thể vô ngôn mà ngôn ngữ càng phô diễn càng trở nên nhàm chán và bất lực.

Sự bất lực và nỗi bất an, sự xao xuyến là cảm giác chứng thực đã kinh nghiệm.

Nhưng các vị hành giả trên không thiếu những lời lẽ thuyết phục và khuyến khích những người trẻ học vỡ lòng về triết học tiếp tục đi vào những con đường mà họ đã trải qua.

Đặc biệt, triết gia Karl Jaspers người Đức trong cuốn Introduction à la Philosophie (1950) mà hầu như phần đông sinh viên triết đều biết đến. Quan điểm của triết gia này là đặt để con người vào vị trí trung tâm xoay quanh những đề tài quen thuộc về Thượng Đế, về thế giới về ý nghĩa triết lý về cuộc đời.  Ông không thiếu những lời mời gọi đi vào triết học. Ông nhắn nhủ các môn sinh cần biết ngạc nhiên, biết tra vấn và tự thức. Ngay những trang mở  đầu cuốn Triết học nhập môn, ông đã trang trọng tuyên bố: trong triết học thì những câu hỏi thiết yếu quan trọng hơn những câu trả lời và mỗi câu trả lời lại trở thành những câu hỏi mới.

Cho nên triết học là đi tìm hơn là tìm thấy.

Mà chúng ta như thể người lữ khách còn đi trên đường, rong ruổi mà chưa về “nhà”. Chữ nhà ỏ đây hàm nghĩa nơi trú ẩn, an nghỉ. Chưa về nhà nghĩa là chưa được an nghỉ và không thôi kiếm tìm. Trong sự kiếm tìm ấy, sự ngạc nhiên là khởi điểm của nhận thức sống động. Kiến thức đã sở hữu là thứ kiến thức đã chết, đã đông đặc và như xác chết khô!! Cho nên, cái đẹp và đáng quyến rũ của cuộc đời chính là ở chỗ ta không ngưng nghỉ, là đi tìm hơn là tìm thấy!

Nhưng có lẽ câu mà tôi tâm đắc mà ông tin tưởng cuộc sống con người chỉ có ý nghĩa khi mở ra với người khác, khi có người khác bên cạnh. Ông viết:

Mais je n’existe qu’avec autrui. Seul  Je ne suis rien.

Karl Jaspers (Paris, Plon, trang 27)

“Tôi chỉ hiện hữu khi có người khác. Nếu chỉ một mình thì tôi chả là cái gì cả.”

Nếu cả cuộc hành trình đeo đuổi triết học và buông bỏ, tôi thiển nghĩ chỉ cần giữ câu này là đủ.

Nhưng sau nhiều năm chiêm nghiệm, càng đi xa vào thế giới ý niệm cao vời triết học có dịp nhìn lại. Tôi thấy cái việc đi tìm ấy thật sự đã có sẵn và đầy đủ trong sách Quốc Văn Giáo khoa thư. Trong đó trung tâm điểm là Nghệ thuật sống chung với người khác trong cái đạo làm người giữa cha mẹ, bà con cô bác, láng giềng, thầy dậy.

Trước hết là trau dồi bản thân bằng học hành, giữ gìn sức khỏe, giữ gìn vệ sinh..Sau là biết kính trọng, hiếu đễ, nhớ ơn công ơn cha mẹ , thầy cô..tiếp theo là nới rộng ra nhân quần xã hội biết đoàn kết, biết không báo thù vv..

Nói chung là biết sống trọn vẹn. Đó phải chăng là ý nghĩa của đời sống và mục đích sống ở đời? Tại sao ta phải đi tìm đâu xa?Vì thế sau này, tôi cứ nhớ mãi bài viết của nhà văn Sơn Nam đã thêm vào hai chữ “tình nghĩa” Giáo Khoa Thư trong cậu chuyện “ Tình nghĩa Giáo khoa thư” trong cuốn Hương Rừng Cà Mau. trang  171-184.

Câu chuyện thật dễ thương với một kết cục quá đẹp. Có thầy phóng viên, báo “ Chim Trời” lặn lội từ Saigon xuống tận xóm Cà Bây Ngọp lận để đi thu tiền báo của một độc giả Trần Văn Có đã 6 tháng chưa thanh toán tiền báo. Thế rồi họ gặp nhau đồng cảm cùng mê thích bài: “Chốn quê hương đẹp hơn cả” rồi độc giả Trần Văn Có nhắc đến bài:

Ai bảo chăn trâu là khổ… Khong chăn trâu sướng lắm chứ. Thầy phóng viên phụ hoa theo như cùng hợp xướng:

Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ.”

Thế rồi hai người như thể tranh nhau để nhắc lại những bài học trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.Thế là không đâu họ trở thành những người bạn tri kỷ. Truyện đi thu tiền báo quên đi trong buổi tối cuối cùng.

“Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài:

-Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi..Chắc thầy tới đây thâu tiền.

-Đâu có! Đâu có! Mình là bạn đời với nhau..

-Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gửi cá lóc, rùa, mật ong.. nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo…

-Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài hoài cho tới số chót..

Chú Tư vô cùng câm động.”

Trở về với Tình Nghĩa Giáo khoa thư

Tôi nghiệm ra rằng càng ngày trong nước Việt Nam thiếu hẳn một nền đạo lý làm nền tảng cho cuộc sống con người. Các giá trị tôn giáo đồng ý là rất tốt, nhưng chưa đủ. Hình như nó thiếu một sức sống tâm linh ăn sâu vào tâm thức con người. Nó vẫn sa đà chờn vờn ở bình diện lý thuyết hay chủ nghĩa thực dụng. Trong hiện tình hiện nay, người ta cảm nhận được một sự “xuống cấp” của các tôn giáo chú trọng nhiều vào hình thức lễ bái, cầu khẩn. Ấy là không dám nghĩ xa đến chuyện “buôn thần bán thánh”.

Cái đó một phần do một chế đô toàn trị biến tôn giáo thành một công cụ cho chế độ.

Còn nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là một chuyện xa vời mà như thể nước đổ đầu vịt, càng nói càng sa đà. Mà thực tế chỉ cần giữ được một trong 5 điều ấy thì đã đủ cho một con người.

Đã thế, cuộc sống hiện nay quá vụ vào vật chất, tiền tài và danh vọng mà người ta có thể mua được bằng mọi giá.

Cho nên cần có một nếp sống luân lý để đối đầu với cộng sản và để thay thế cái chủ nghĩa bất nhân, phi nhân tính.

Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, nó phù hợp với tình tự con người, tình tự đất nước.

Nó dậy con người ta đủ điều để cho ra giống người.

  • Nó dậy con người ta biết yêu tiếng Việt bằng thứ văn chương giản dị, ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ vì sáng sủa và thực tiễn.
  • Nó còn dậy con người ta nền tảng lễ nghĩa trong cái tương giao người-người, không chia rẽ, không báo thù, thấy hoạn nạn thì thương, thấy người tàn tật thì giúp đỡ, lá lành đùm lá rách, anh em như thể tay chân, thảo kính cha mẹ, tình nghĩa bạn bè. Thờ phụng tổ tiên, Yêu mến cha mẹ. Biết ơn cha mẹ, anh em như thể tay chân, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Gia đình sum vầy buổi tối, Bữa cơm ngon.
  • Nó đề cao sự cần lao, sự cần cù chịu khó, thăng hóa đời sống nông thôn: Ai bảo chăn trâu là khổ, không chăn trâu sướng lắm chứ. Đề cao giá trị của con trâu như trong ca dao: “ Trâu ơi ta bảo trâu này.. Trâu ra ngoài ruộng, trâu cầy với ta. Cái cầy vốn nghiệp nông gia. Ta đây, trâu đó ai mà quản công.. Sau này Sơn Nam kể chuyện “ Mùa len trâu”. Dĩ nhiên, ngày nay không còn cảnh chăn trâu nữa, nhưng nó vẫn là một hình ảnh gợi nhớ giữa người và con vật đã vất vả nhất cùng với người nông dân.
  • Nó gợi lên tình tự đất nước-con người như: Làng tôi, Chùa làng tôi, công việc nhà nông quanh năm, Ơn trời mưa nắng phải thì.. Văn chương phú lục chẳng hay.

Ngày nay, mọi giá trị luân thường đạo lý đã đảo lộn, học sinh ngày nay học được gì những điều đạo lý trên?

Để kết luận bài viết này, theo tôi, cái tội lớn nhất của người cộng sản là tội cướp nước, biến đất nước này thành của riêng họ. Đất nước là của chung toàn dân.  Ai cho họ cái quyền đó về mặt pháp lý, đạo đức và lịch sử?

  • Lịch sử quá khứ, hiện tại, tương lai là do họ định đoạt. Trong sách QVGKT có 10 bài nói về các nhân vật lịch sử. Cộng sản vào miền Nam xóa bỏ tên đường, vùi dập tên tuổi những người yêu nước như Phan Thanh Giản. Lịch sử là lịch sử của họ, do họ viết.
  • Đất nước cũng là của họ. Nhà cửa, đất đai, ruộng nương, sông rạch, bầu trời. Trên không, trên cạn, dưới sông nước. Tất cả là của họ. Cải cách ruộng đất. Rồi cướp nhà cướp của dân miền Nam đi kinh tế mới, đi di tản, đi vượt biển. Căn nhà tôi ở sau này chỉ nhận được cái giấy vỏn vẹn nửa bàn tay, không có dấu triện. Chỉ có một câu lừa bịp: “Căn nhà này được nhà nước quản lý”. Và hiện nay họ làm giàu là phần lớn nhờ vào đất đai chiếm đoạt.
  • Con người Việt Nam từ trong ra ngoài, từ trí óc đến năng lực đều do nhà nước quản lý. Họ không có tự do cũng chẳng có dân chủ. Tôn giáo cũng không. Chỉ còn lại một lũ người nhát sợ, biết im lặng để lo cho bản thân mình . Một sự phá sản tinh thần, tôn giáo, luân lý.
  • Tổ chức chính trị đều là người của đảng. Công an, cảnh sát, quân đội là để bảo vệ sự an toàn cho chế dộ, cho đảng.

Tôi tự hỏi bao giờ thì đất nước này được trả lại cho người dân làm chủ khỏi cái thân phận lưu đầy trên chính quê hương mình như trường hợp của bác sĩ Li Wen liang dưới đây. Mong rằng các vị chức sắc người Thiên Chúa giáo đọc đượm  c lá thư này.

Dịch bệnh do Coronavrus đang diễn ra một cách khốc liệt tại Hoa lục, hay nước Trung Hoa cộng sản. Sau đây là bài thơ Điệu Lý Văn Lượng, người đầu tiên đã lên tiếng cảnh cáo về bệnh dịch và bị cộng sản bịt miệng. Tác giả bài thơ là Dư Tú Hoa (Yu Xiuhua (余秀华))

Thương tiếc Lý Văn Lượng

Yu Xiuhua (余秀华, Dư Tú Hoa) | DCVOnline dịch

Yên nghỉ đi thôi!
Không có virus nào tệ hơn “hình phạt vì lời nói thật” (“dĩ ngôn hoạch tội”)
Không có nơi nào xấu hơn thế giới trộn đúng lẫn với sai?

Yên nghỉ đi thôi!
Nước sông Dương Tử chở thuyền và cũng lật úp thuyền
Sóng Hoàng Hà đưa người và cũng chở những hồn ma

Yên nghỉ đi thôi!
Hãy để tôi sống cuộc đời đáng xấu hổ của tôi
Và hãy để tôi ca bài truy điệu

Chúng ta không sợ chết
Chúng ta sợ chết trước giờ phải chết
Anh đã chết, và thời của tôi đã chết trước giờ phải chết

Nếu có virus trên thiên đàng
Nếu anh lại lên tiếng nữa,
Rồi anh sẽ đi đâu?

Tôi hy vọng bất cứ nơi nào họ đưa anh đến
Vẫn còn những người
Nói tiếng Trung Hoa

余秀华 | Dư Tú Hoa

Nguyên bản Trung văn

悼李文亮
作者:余秀华

且安息!
没有比“以言获罪”更厉害的病毒
没有比黑白不分更丑陋的人间

且安息!
长江之水载舟也覆舟
黄河之浪渡人也渡鬼

且安息!
且允许我苟且偷生
还允许我长歌当哭

我们不怕死
我们怕死于非命
你死了,我的命非命

如果天堂还有病毒
如果你再喊一声
你会去向何处?

我希望收容你的地方
还是有人
说着汉语

余秀华 | Dư Tú Hoa

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.