Gần cuối thế kỷ 18, một phụ nữ nô lệ ở Massachusetts đi kiện đòi tự do — Và đã thắng

Nancy Eve Cohen | DCVOnline

Gần 250 năm trước, một nhóm đàn ông da trắng họp tại một ngôi nhà ở Massachusetts để phác thảo một tài liệu đòi độc lập với vương quốc Anh.

Một người phụ nữ nô lệ trong nhà đã nghe lỏm được cuộc thảo luận và xác định rằng những lý luận đó cũng áp dụng cho bà ấy.

Phòng Freeman trong Nhà Ashley ở Sheffield, Mass., với một bức chân dung của Elizabeth Freeman. Nguồn: Nancy Eve Cohen/Tài liệu của New England

Bett, sau này được gọi là Mumbet, sinh ra làm nô lệ ở phía nam Albany, NY, vào khoảng năm 1742. Khi còn ở tuổi thiếu niên, Bett được John và Hannah Ashley ở Sheffield, Mass., đưa về nhà làm người dọn dẹp, nấu nướng và phục vụ gia đình của họ.

Vào tháng 1 năm 1773, John Ashley và 10 người đàn ông khác đã họp ở phòng đọc sách ở tầng trên nhà của Ashley để viết bản Tuyên bố Sheffield.

Đứng trong phòng đọc sách đó, Mark Wilson thuộc tổ chức phi lợi nhuận hiện là chủ và bảo trì ngôi nhà này nói, Bett có lẽ đã nghe lỏm được những ý tưởng trong bản Tuyên bố đang được thảo luận. Wilson đọc,

“Xét rằng nhân loại trong trạng thái tự nhiên là bình đẳng, tự do và độc lập với nhau, và có quyền hưởng một cuộc sống, quyền tự do và tài sản của họ mà không bị quấy rầy.”

Tuyên bố Sheffield

Sử gia Emily Blanck của Đại học Rowan cho biết khoảng 2% dân số ở Massachusetts đã bị bắt làm nô lệ vào những năm 1770. Đồng thời, dân da trắng ở thuộc địa [của Anh] như Ashley lập luận rằng nước Mỹ nên là một đất nước tự do. Blanck nói,

“Họ thực sự phàn nàn rằng họ đang bị bắt làm nô lệ cho người Anh. Và những người nô lệ cũng bắt đầu yêu cầu họ phải được tự do vì chế độ nô lệ không phù hợp với lý luận và tư tưởng mới này nói về tương lai nước Mỹ sẽ độc lập với Anh Quốc.

Emily Blanck

Sử gia Power-Greene thuộc Đại học Clark Ousmane và những người khác tin rằng khi Bett nghe những cuộc thảo luận về tư tưởng tự do này, bà cảm thấy chúng thích hợp với hoành cảnh của chính mình. Power-Greene nói,

“Khoảnh khắc mà những người da trắng này đang nói rõ điều đó bằng lời nói và đang viết trên giấy trắng mực đen và tuyên bố đòi tự do thì chính họ đã khuyến khích Bett ‘đi bước tiên phong và thử xem liệu những điều đó có thể đem lại tự do thực sự của bà ấy hay không’.”

Power-Greene

Khoảng mười năm sau, một khúc quanh quan trọng trong lịch sử tại ngôi nhà này đã thay đổi tất cả. Vào một ngày, khi nướng bánh mì cho gia đình Asley, cô bé Lizzie, là con hoặc em gái của Bett – giới sử học chưa đồng ý — đã đặt một miếng bột còn sót lại vào lò cho mình. Hannah Ashley nổi giận, giành lấy lấy cái xẻng từ lò nướng — và Bett đã xen vào can họ. Power-Greene nói,

“[Cô ấy] giơ tay can ngăn và bị đánh vào cánh tay, vết thương đã thành vết sẹo mà dĩ nhiên, Bett sẽ cho mọi người thấy, và xem đó như một minh họa cho loại bạo lực mà Bett đã chịu đựng khi sống đời của một người nô lệ trong gia đình Ashley.”

Power-Greene

Wilson nói, chuyện kể rằng Bett bước ra khỏi nhà, đi vài dặm đường phủ tuyết. Wilson nói,

“Bà ấy có đủ sức chịu đựng, thu mình trong áo khoác và đi bộ đến nhà của Theodore Sedgwick, một luật sư, và yêu cầu ông đi kiện đòi tự do của bà ấy.”

Mark Wilson

Sedgwick là một trong những người đã họp ở nhà của Ashley mà Bett đã nghe lỏm được khi họ viết bản Tuyên bố Sheffield.

Ông ta đồng ý đại diện cho Bett và đưa thêm một người đàn ông, Brom — một ngươi nô lệ khác trong gia đình của Ashley — vào vụ kiện. Brom & Bett v. Ashley đã được xét xử tại tòa án quận Berkshire.

Nhưng, trên thực tế Sedgwick cũng là người đã mua nô lệ. Ngày nay, điều đó có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng Peter Drumey thuộc Hiệp hội lịch sử Massachusetts nói rằng nó phản ánh tính hai mặt của các tư tưởng cách mạng ở nước Mỹ trắng. Drumey nói.

“Có một nghịch lý trong lịch sử Hoa Kỳ thời kỳ đầu, khi mọi người có thể tranh luận về tự do cá nhân, và sau đó là độc lập, nhưng đồng thời họ là những người trực tiếp tham gia tích cực vào hệ thống nô lệ, như trong trường hợp của Theodore Sedgwick, hoặc sống trong một xã hội mà nền kinh tế được hỗ trợ bằng chế độ nô lệ ở khắp mọi nơi.”

Peter Drummey

Emily Blanck nói rằng giới sử học không biết chắc chắn, nhưng bà tin rằng Sedgwick muốn biết liệu chế độ nô lệ có còn hợp pháp theo hiến pháp mới của Massachusetts hay không. Blanck nói.

“Nó [hiến pháp mới của Massachusetts] tuyên bố rằng tất cả mọi người sinh ra được tự do và bình đẳng, và Sedgwick và những người khác tin rằng điều này không phù hợp với việc bắt người dân làm nô lệ ở tiểu bang này.”

Emily Blanck

Elizabeth Freeman được chôn cất trong khu đất của gia đình Sedgwick tại Stockbridge, Mass., Nghĩa trang. Nguồn: Nancy Eve Cohen/Tài liệu của New England

Sedgwick đã thắng kiện và Bett giành được tự do. Sau một trường hợp đòi tự do thành công khác, cơ chế pháp lý của tiểu bang Massachusetts  không còn hỗ trợ chế độ nô lệ. Điều đó không có nghĩa là nó biến mất, nhưng khoảng một mười năm sau, không ai ở Massachusetts báo cáo trong cuộc điều tra dân số rằng họ có nô lệ.

Bett sau đó đổi tên là Elizabeth Freeman và làm việc trong khoảng hai mươi năm với tư cách là một quản gia được trả lương cho gia đình Sedgwick. Bà cũng chăm sóc cho con của ông ta, kể cả Catharine Maria Sedgwick, người đã viết ra câu chuyện của Freeman.

Theodore Sedgwick sau đó trở thành Chủ tịch  của Hạ viện Hoa Kỳ.

Mãi đến năm 60 tuổi, Elizabeth Freeman mới ra ở riêng cùng gia đình. Bà sống đến khoảng 85 tuổi và được chôn cất trong vùng đất bên trong của nghĩa trang của gia đình Sedgwick ở Stockbridge, Mass.

Nguồn: OntheNet

Thời đại người phụ nữ nô lệ Bett trở thành Elizabeth Freeman tự do ở Mỹ thì Việt Nam đang sống trong chế độ phong kiến, bắt đầu cuộc chiến giữa Tây Sơn và triều đình Lê-Trịnh.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: In The 1700s An Enslaved Massachusetts Woman Sued For Her Freedom — And Won | Nancy Eve Cohen | NPR | 27 Feb, 2020.