Trump đem lại hậu quả tệ nhất trong đại dịch

David Frum | DCVOnline

Nếu ai đó không phải là Donald Trump ở Tòa Bạch Ốc, cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ không xẩy ra thế này.

Tổng thống Donald J. Trump, Phòng BBafu dục, 11/3/2020. Nguồn: POOL / REUTERS

Ở mỗi khúc quanh, chính sách của Tổng thống Trump, liên quan đến coronavirus cho thấy nó được chỉ đạo bằng một nguyên tắc: Tôi làm có thể làm gì cho cuộc khủng hoảng này tệ hơn nữa?

Tổng thống không phải là quyền lực vô song, đặc biệt là trong trường hợp dịch bệnh. Có giới hạn cho những gì họ có thể làm dù tốt hay xấu. Nhưng trong những giới hạn đó, tại mọi thời điểm, các hành động của Trump, đã bảo đảm đem lại những kết quả tệ nhất có thể xẩy ra. Kết quả tệ nhất cho sức khỏe cộng đồng. Kết quả tệ nhất cho nền kinh tế Mỹ. Kết quả tệ nhất cho vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Bài diễn văn tại Phòng Bầu dục của Trump Trump ngày 11 tháng 3 là quyết định tồi nhất trong một chuỗi các quyết định không hay.

Dưới đây là những điều mà tổng thống đã không làm trong bài phát biểu đó.

Ông không đưa ra hướng dẫn hay chính sách nào về cách ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh trong nội địa Hoa Kỳ. Thị trấn của bạn có nên hủy bỏ cuộc diễn hành Ngày Thánh Patrick không? Sinh hoạt kịch nghệ và các trận đấu thể thao sẽ ra sao? Lớp học ở trung tiểu học và ở đại học? Không có chính sách nào hết.

Ông không một lời giải thích về vấn đề đã xẩy ra với hệ thống thí nghiệm định bệnh của Hoa Kỳ, cũng như không có sự bảo đảm dến khi nào thì việc xét nghiệm sẽ  phổ biến rộng rãi hơn. Những lời hứa trước đây của ông ta về thí nghiệm định bệnh cho bất cứ ai cần nó đã được chứng minh là sai. Vậy điều gì là đúng? Không có gì hết.

Việc sa thải sắp đến đến, có lẽ vói con số rất lớn, khi khu vực  du lịch sụp đổ và mọi người đều ở lại nhà. Có lời nào cho những người dân sắp mất việc không? Chỉ có dấu hiệu mơ hồ rằng một cái gì đó có thể được công bố trong tương lai gần.

Tốt khi biết rằng dân chúng sẽ không phải trả tiền để được xét nghiệm mà dường như không ai có thể có được. Còn phí tổn cho những dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác thì sao? Ông không nói một chữ nào về điều đó? Không có gì hết.

Các thị trường tài chính đã rơi như đã sụp đổ năm 2008, làm gia tăng việc có thể đi đến suy thoái, một cuộc suy thoái có lẽ là nghiêm trọng. Chính quyền Trump đã có gần hai tháng để suy nghĩ, chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng này. Nó đã thả bóng thăm dò một đôi lần. Nhưng, tất nhiên, chính sách tài chánh sẽ cần có sự đồng ý của Hạ viện. Trump vẫn đang dỗi với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Vì vậy — ngoài một đôi lời  ngớ ngẩn không thuyết phục về nền kinh tế — một lần nữa: không có gì hết.

Nhưng có một điêm đáng chú ý trong bài diễn văn: lệnh cấm du lịch từ châu Âu, trừ Vương quốc Anh. Đó là một công thức cổ điển của Trump. Trump bảo vệ nước Mỹ bằng cách dựng lên một bức tường chống lại thế giới, mà không cần suy nghĩ rất kỹ làm thế nào hoặc liệu bức tường có thể có hiệu quả hay không. Bệnh đã ở đây. Các con số người nhiễm bệnh trông thấp vì thất bại trước đây của chúng ta trong việc cung cấp đầy đủ những bộ xét nghiệm. Bốn ngày nữa nhũng con số đó sẽ không còn thấp nữa. Và những người bị nhiễm Covide-19 có vào Mỹ từ các quốc gia khác và trên các ngả đường khác. Chính  Trump đã gặp một số người đó.

Lệnh cấm du lịch là một phản ứng hoảng loạn. Tương lai tài chính bắt đầu sụp đổ ngay cả khi Trump đang nói chuyện, có lẽ bị sốc vì ông thiếu một kế hoạch kinh tế, và có lẽ đang kinh hoàng trước cuộc tấn công mới nhất của ông vào nền thương mại thế giới. (Bài phát biểu dường như cũng đề cập dến một lệnh cấm vận đối với hàng hóa từ châu Âu, nhưng nó giống như một tuyên bố không tỉnh táo của Trump hơn là một thông báo thực sự về chính sách thực sự. Tuyên bố cấm vận hàng châu Ấu sau đó đã được rút lại bằng tweet nhưng vẫn còn trong văn bản của bài phát biểu đã đăng.) Lệnh cấm vận đó cho thấy rõ việc Trump bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về an ninh tập thể chống lại các mối đe dọa tập thể. Trong khi Trung Hoa viện trợ trợ y tế cho Ý, ông muốn cắt đứt quan hệ với những người bạn cũ — cô lập nước Mỹ và từ bỏ thế giới.

Cuộc khủng hoảng này không phải do Trump làm ra. Nhưng ông ta phải chịu trách nhiệm vì đã đối phó tức thời, và sau đó là những lựa chọn phản cảm và phản tác dụng của ông ta về cách đối phó khi hành động có thể tránh được không còn nữa. Trump, trong diễn văn của mình, đã yêu cầu chấm dứt việc đổ lỗi. Đó là một lời nói kỳ lạ của tổng thống này trong tất cả các tổng thống. Không có tổng thống Mỹ nào, và chỉ có một vài chính khách người Mỹ, có thể đã từng đổ lỗi cho người khác hoặc nguyền rủa người khác nhiều như Donald Trump. Tất nhiên, ý ông là: Đừng bắt tôi nhận trách nhiệm cho những việc tôi đã làm.

Nhưng anh ấy đã làm lỗi, và ông ấy phải chịu trách nhiệm về những điều đó. Ông ta không thể trốn nó, và ông ta sẽ không thoát khỏi nó.

Nhiều người sẽ bị bệnh vì nhiệm kỳ tổng thống của ông hơn nếu người khác là tổng thống. Nhiều người sẽ phải chịu đựng những khó khăn tài chính vì bệnh tật do nhiệm kỳ tổng thống của Trump hơn là nếu có người khác chịu trách nhiệm ở Tòa Bạch Ốc. Cuộc khủng hoảng y tế đến nhanh hơn và kéo dài hơn vì không có người khác lãnh đạo. Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng vậy. Nhiều người sẽ mất việc hơn là vì không có người khác chịu trách nhiệm. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản hơn là nếu có ai đó khác hơn Trump chịu trách nhiệm. Nhiều người tiết kiệm sẽ mất nhiều tiền tiết kiệm hơn vì không có người lãnh đạo khác. Thiệt hại cho vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sẽ lớn hơn vì không có người khác chịu trách nhiệm.

Luôn luôn có một cái gì đó ác tính trong sự bất tài của Trump. Ông ta không quan tâm hay lo lắng cho người khác; ông ta không thể hiểu thấu những trăn trở và đau khổ của người khác là sự thật. Ông ta đơn điệu theo phong cách cá nhân bằng những lời yêu thương và lòng trắc ẩn, nhưng những từ ngữ đó rõ ràng không có nội dung hay có nghĩa đối với ông ta. Điều duy nhất có thật là sự phù phiếm của ông ấy. Virus này đe dọa sẽ xuyên thủng sự phù phiếm đó, vì vậy ông ta tiếp tục phủ nhận nó khi vẫn còn có thể. Những gì ông ta từ chối công nhận không thể là điều có thật, có phải thế không?

Và ngay cả khi ông ta đã thừa nhận đang có khủng hoảng, ông ta vẫn không thể hành động, vì ông ta không biết phải làm gì. Mục tiêu duy nhất của Trump bây giờ là đổ lỗi cho người khác. Người Mỹ phải đối mặt với thực tế là trong sự kìm kẹp của đại dịch này, Phòng Bầu dục trên thực tế là trống rỗng như đôi mắt đờ đẫn của người đàn ông đọc diễn văn từ văn phòng đó tối nay.

David Frum là một bỉnh bút làm việc cho báo The Atlantic và là tác giả của Trumpocalypse: Khôi phục nền dân chủ Hoa Kỳ (2020). Năm 2001 và 2002, ông là người viết diễn văn cho Tổng thống George W. Bush.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The Worst Outcome | David Frum | The Atlantic | Mar. 11, 2020.