Nhật ký phong thành

The New York Times | Christine Nguyen

Từ Vũ Hán (Wuhan) – Nhật ký phong thành của Phương Phương (方方, bút danh của 汪芳, Uông Phương) đang đối diện với cuộc tấn công chính trị của Trung cộng.

Câu cá bên sông Dương Tử ở Vũ Hán, Hoa lục, vào Thứ Hai. Nguồn: Roman Pilipey/EPA, qua Shutterstock

Wuhan chìm trong coronavirus, làm việc thâu đêm, tác giả Hoa ngữ Phương Phương đã viết nhật ký về sự sống và sự chết trong thành phố của bà, nơi đã gây ra đại dịch toàn cầu.

Nhật ký trên mạng của bà dù đôi khi bị kiểm duyệt đã trở thành bài đọc quan trọng cho hàng chục triệu bạn đọc Hoa ngữ – đó là một quan điểm tự nhiên, không quanh co về nỗi sợ hãi, sự thất vọng và niềm hy vọng của người dân Wuhan trong suốt 11 tuần bị phong tỏa trong nhà.

Những câu chuyện bà kể lại gần đây đang bị những kẻ dân tộc chủ nghĩa hăng tiết của Trung cộng kết án nặng nề; họ đã gọi kế hoạch xuất bản bản dịch tiếng Anh là nỗ lực nhằm phỉ báng nhà cầm quyền và phá hoại hình ảnh anh hùng của Vũ Hán.

Sử dụng bút danh Fang Fang (Phương Phương) chứ không dùng tên khai sinh Wang Fang (Uông Phương), bà nói rằng không muốn bị gắn vai tung hô lẫn hay vai chỉ trích kịch liệt nhà cầm quyền. Bà tự nhận chỉ là nhân chứng, nêu bật lòng can đảm của bác sĩ, của người quét đường và những người hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau, và thề buộc những cán bộ đã để virus lây lan phải chịu trách nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn, Phương Phương nói,

“Nếu các tác giả có bất cứ trách nhiệm nào khi đối diện với thảm họa thì trách nhiệm lớn nhất chính là làm nhân chứng. Tôi đã luôn quan tâm về cách những người yếu đuối sống sót qua những biến động lớn. Các con người bị bỏ rơi luôn là mối quan tâm chính của tôi.”

Fang Fang

Dưới đây là một số trích đoạn trong nhật ký của bà  đã dịch, bắt đầu từ ngày 25/01, hai ngày sau khi Wuhan bắt đầu bị phong tỏa. Một vài đoạn được tờ The New York Times biên tập cho cô đọng lại.

1. Ngày 26/01: “nhật ký phong thành.”

Một bệnh nhân được đưa đến bệnh viện ở Vũ Hán vào ngày 26 tháng 1. Nguồn: Agence France-Presse – Getty Images

698 người bị lây nhiễm, 63 người chết ở Wuhan.

Fang Fang sinh năm 1955 ở Nanjing và đến Wuhan sinh sống từ khi mới hai tuổi đến nay. Gần như ngay tức khắc, nhật ký của bà thu hút sự quan tâm của mọi người khắp đất nước đang mong ngóng tin tức về Wuhan, là nơi mà dân chúng và giới chuyên gia đều tin rằng số người bị lây nhiễm cao hơn nhiều lần thống kê chính thức đưa ra.

“Cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm và thông cảm. Người dân Vũ Hán vẫn đang ở trong thời kỳ nguy hiểm. Họ đã vượt qua nỗi kinh hoàng, bất lực, lo lắng và căng thẳng ban đầu, và đã bình tĩnh và vững vàng hơn nhiều. Nhưng họ vẫn cần được mọi người an ủi và cổ vũ. Hiện nay, hầu hết người Vũ Hán không còn bị tê liệt vì sốc. Ý định ban đầu của tôi là bắt đầu từ ngày 31 tháng 12, kể lại cảm tưởng của tôi từ lúc cảm thấy hoảng hốt đến khi dễ thở hơn. Nhưng viết lại những điều đó sẽ mất quá nhiều thời giờ vì vậy tôi sẽ cố gắng ghi lại những cảm nghĩ mới nhất của tôi theo thời gian thực, từ từ soạn thành một cuốn ‘nhật ký phong thành’.

Có thêm nhiều tin xấu. Hôm qua con gái tôi kể rằng bố của bạn nó đang có bệnh ung thư gan lại vừa bị nghi đã lây nhiễm virus và được đưa vào bệnh viện. Nhưng chẳng ai có mặt để cứu ông và ông đã qua đời sau 3 tiếng. Chuyện xảy ra đã hai, ba ngày trước. Qua điện thoại, con gái thấy bạn rất thương tâm.”

Fang Fang

2. Ngày 31/01: “Trên con đường gần như bị bỏ hoang, mưa quét sách mặt đường, người phu vẫn cần mẫn quét đường.”

Người bán rau ở Vũ Hán vào ngày 31 tháng 1. Ảnh: Getty Images

3215 người bị lây nhiễm, 192 người chết ở Wuhan.

Fang Fang cũng dùng nhật ký để kể lại hương vị của cuộc sống ở Wuhan, một thành phố trải dài ven sông, đã tổ chức Thế vận hội Quân sự hồi năm ngoái, quy tụ các vận động viên (lực sĩ) quân đội trên toàn cầu.

“Trong suốt thời gian Thế vận hội Quân sự, các tòa nhà dọc những con đường chính kết hoa chăng đèn, ánh sáng nhấp nháy mỗi bên đường. Khi ấy nó làm cho ánh nhìn và tâm trí có cảm giác quá choáng ngợp, khiến bạn bị khó chịu. Giờ đây lái xe trên những con đường lạnh lẽo, hoang vắng, những ánh đèn nhấp nháy rực rỡ ấy đem lại một loại cảm giác dễ chịu. Thực sự thì, lúc đó là lúc đó, còn bây giờ là bây giờ.

Các siêu thị nhỏ vẫn còn mở cửa và những người bán rau cải vẫn ở bên đường. Tôi mua một ít rau bên lề đường, lấy trứng cùng sữa trong siêu thị. Tôi phải vào tận 3 siêu thị mới mua được trứng. Tôi hỏi họ có lo ngại bị lây nhiễm vì đến giờ vẫn còn mở cửa hàng không. Câu trả lời của họ đơn giản thôi – chúng tôi phải vượt qua chuyện này, và chị cũng phải vậy. Thực thế, họ phải tiếp tục sống và bạn cũng vậy, thế đấy. Tôi thường ngưỡng mộ những người lao động này. Đôi khi tán gẫu một chút với họ khiến tôi cảm thấy bình thản một cách lạ kỳ. Cứ thế hết ngày đến đêm khi Wuhan bị cơn hoảng loạn khủng khiếp nhất kẹp chặt, và lạnh lẽo trong gió mưa. Trên một con đường gần như hoang vắng, mưa phùn, một người phu vẫn tỉ mỉ quét đường. Nhìn họ, tôi cảm thấy xấu hổ vì quá căng thẳng, và đột nhiên tôi bình tĩnh lại.”

Fang Fang

3. Ngày 04/02: “Nhiều người giờ đây mới tỉnh thức.”

Một trung tâm hội nghị được chuyển thành một bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán vào ngày 4 tháng 2. Nguồn: Chinatopix, thông qua Associated Press

8351 người bị lây nhiễm, 362 người chết ở Wuhan.

Fang Fang trích dẫn những  bài học về trận dịch SARS hồi năm 2003, và kết tội để coronavirus lây lan  cho những cán bộ vẫn say sưa với các tu từ chính trị hùng hồn mà lờ đi các vấn đề thực tế cấp bách. Trong một cuộc phỏng vấn, Fang Fang nói

“Điều này là có thật, nhất là ở Hoa lục, rằng có quá nhiều người không có nhận thức hợp lý và họ muốn thay thế chúng bằng các công thức chính trị.”

“Kẻ thù không chỉ là virus. Chúng ta cũng là kẻ thù của chính chúng ta hoặc là kẻ đồng lõa. Người ta nói nhiều người chỉ mới tỉnh thức, giật mình khi biết rằng chả có nghĩa gì để la to những khẩu hiệu rỗng tuếch ngày này qua ngày nọ về đất nước ta ơi ngạo nghễ vô cùng, để nắm bắt toàn bộ sự bất lực của những cán bộ đã dành cả ngày của họ để nghiên cứu chính trị và khoe khoang, nhưng không thể hoàn thành một công việc thực sự.

Bài học này phải được khắc ghi sâu sắc. Ấy thế mà, dù đã có kinh nghiệm từ năm 2003, nhưng chúng ta lại chóng quên. Bây giờ thì thêm vào năm 2020. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục quên chứ? Quỷ dữ luôn lần theo dấu chúng ta, và nếu chúng ta không cảnh giác, chúng sẽ ghi thêm một ngày nữa cho đến khi chúng ta tỉnh giấc trong đau khổ. Câu hỏi là: chúng ta có muốn thức dậy không?”

Fang Fang

4. Ngày 07/02: “Đêm nay, người dân Wuhan muốn tắt đèn vào khoảnh khắc Li Wenliang (Lý Văn Lượng) qua đời.”

Một góc tưởng niệm tạm thời cho bác sĩ Li Wenliang bên ngoài Bệnh viện Trung ương Vũ Hán vào ngày 7 tháng 2. Nguồn: Agence France-Presse – Getty Images

13.603 người bị lây nhiễm, 545 người chết ở Wuhan.

Thỉnh thoảng, trang nhật ký của Fang Fang tập trung vào các sự kiện lớn, như cái chết của bác sĩ Li Wenliang, người đã châm ngòi cho nỗ đau buồn trên cả nước. Bác sĩ Li đã tìm cách báo động hồi tháng 12 nhưng đã bị chính thức cảnh cáo vì “phát tán tin đồn”. Ông chết vì nhiễm coronavirus.

“Li Wenliang đã qua đời hôm qua. Tôi đang quẫn trí. Ngay khi điều này xảy ra, đám bạn tôi nói rằng đêm đó cả Wuhan khóc thương cho bác sĩ. Ai có thể đoán được rằng người dân trên toàn quốc đang khóc thương cho bác sĩ Li! Dòng thác nước mắt đã thành đợt sóng mạnh trên mạng! Đêm đó, Li Wenliang đã được chở qua một thế giới khác bằng tất cả những giọt nước mắt đã khóc cho anh.

Buổi trưa, những tiếng hét vang lên khắp Wuhan: chúng tôi sẽ chăm sóc cho người nhà và con cái của Li Wenliang. Phản ứng áp đảo như dòng thác. Tối nay, người dân Wuhan muốn tắt đèn ngay khoảnh khắc Li Wenliang qua đời vào đêm trước, và chiếu những tia sáng lên bầu trời bằng đèn pin hay đèn điện thoại di động trong tiếng huýt sáo. Li Wenliang chính là tia sáng này trong đêm đen nặng nề.”

Fang Fang

5. Ngày 18/03: “Tôi không thể khắc phục sự hoài nghi của cậu.”

Một bức ảnh do Tân Hoa Xã của nhà nước Hoa lục cấp cho thấy các nhân viên y tế từ tỉnh Phúc Kiến rời Vũ Hán vào ngày 18 tháng 3. Nguồn: Fei Maohua/Tân Hoa Xã, qua Associated Press

50.005 người bị lây nhiễm, 2496 người chết ở Wuhan.

Đến tháng 3, nhật ký đã thu hút những cuộc tranh cãi ngày càng tăng và thậm chí cả thuyết âm mưu của những tiếng nói triệt để ủng hộ đảng kết tội bà nói xấu nhà cầm quyền và làm thỏa mãn giới phê bình nước ngoài. Trả lời của bà cho một độc giả tự xưng là học sinh 16 tuổi đã được lưu truyền rộng rãi như một phản công lại những lời chỉ trích đó.

“Này cậu, cậu nói cậu 16 tuổi. Khi tôi 16 tuổi, đó là năm 1971 và khi đó nếu có ai bảo tôi rằng “cuộc Cách mạng Văn hóa là một tai họa” chắc chắn tôi sẽ đánh vỡ đầu kẻ ấy ra. Tôi không muốn lắng nghe, ngay cả nếu kẻ ấy cố gắng nói điều phải trái với tôi ba ngày ba đêm liền. Đó là vì hồi năm 11 tuổi tôi đã được dạy rằng “cuộc Cách mạng Văn hóa dĩ nhiên là tốt”, và đến năm 16 tuổi tôi được dạy như thế trong 5 năm liền. Ba ngày đêm liên tục sẽ không bao giờ đủ để tthuyến phục được tôi. Tương tự thế, tôi không thể khắc phục được sự hoài nghi của cậu.

Nhưng tôi bảo cậu này, cậu bé, sớm muộn gì mối hoài nghi của cậu sẽ được giải đáp. Lời giải đáp này sẽ phải đến từ chính cậu. 10 năm, cũng có thể là 20 năm, sẽ có một ngày cậu nghĩ rằng, chà, lúc đó mình quả thật trẻ con và ti tiện làm sao. Bởi vì khi đó, cậu có thể sẽ trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Dĩ nhiên là nếu cậu tự chọn đi theo con đường do những kẻ tả khuynh dẫn dắt, cậu có thể sẽ không bao giờ có được câu trả lời của chính mình.”

Fang Fang

6. Ngày 24/03: “Nếu bất cứ ai tưởng tượng rằng tôi sẽ nhẹ nhàng gác bút sang một bên, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra..”

Một bức ảnh do China Daily của nhà nước Trung cộng phát hành cho thấy việc xây dựng trên một cây cầu ở Vũ Hán vào ngày 24 tháng 3. Nguồn: China Daily, qua Reuters

50.006 người bị lây nhiễm, 2526 người chết ở Wuhan.

Trung cộng tuyên bố rằng Wuhan có thể sẽ chấm dứt gần hai tháng phong tỏa trong vài tuần tới, trong khi đó dịch bệnh đang bùng nổ ở Mỹ. Nhật ký của Fang Fang cũng đến hồi kết thúc.

“Hôm nay có lẽ là trang cuối, nhưng không có nghĩa là tôi ngưng viết. Tài khoản Weibo của tôi vẫn sẽ là diễn đàn của tôi, và tôi sẽ viết quan điểm của mình như trước đây. Tôi cũng sẽ không ngừng gây áp lực buộc giới hữu trách phải chịu trách nhiệm. Nhiều người viết tin nhắn cho tôi rằng chẳng có cán bộ nào sẽ nhận trách nhiệm đâu, rằng chẳng có hy vọng trước mắt về điều này. Còn về việc liệu cuối cùng họ có bị buộc phải nhận trách nhiệm không, tôi không biết. Nhưng bất kể những cán bộ đó có thể nghĩ gì, khi người dân Wuhan bị nhốt trong nhà hơn hai tháng ròng, là nhân chứng về thời kỳ bi thảm của thành phố này, chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận đòi công lý cho những người đã chết oan.

Nếu có ai tưởng tượng rằng tôi sẽ nhẹ nhàng gác bút sang bên, thì đó là điều không tưởng. Từng chữ một, tôi sẽ khắc chúng lên cột ô nhục của lịch sử.”

Fang Fang
Tiểu thuyết gia Fang Fang năm 2012. Ảnh: David Levenson/Getty Images

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The New York Times (14 tháng 4, 2020). Người dịch đặt tựa. Đã đăng trên Facebook, 16/4/2020. DCVOnline biên tập và minh họa.