Thành phần thứ ba

Hoa Kinh

Chép lại bài cách đây 8 năm. Nhân vật và câu chuyện trong bài vẫn có thể xem là thời sự với liên tục diễn biến chính trị xã hội tại Mỹ hiện nay: BLM, chiến tranh Việt Nam, Trump, Berkeley, Kamala Harris, nữ quyền,…

16/8/2012

Sáng nay nhận tin anh Công qua đời. Xin tiễn người Phật tử Công về cõi Phật, xin khấn anh bình an và cho phép người bạn vong niên này viết về cuộc đời anh mà chia sẻ cùng bạn bè dưới cõi trần ai nhanh nhạo này.

Người Mỹ Quakers –  một loại “thành phần thứ ba”, từ chối tham dự chiên tranh, nhưng tích cực làm công tác giúp nạn nhân chiến tranh, phục vụ hòa bình – chụp ảnh với lính Bắc Việt ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975; Quinn-Judge, ngoài cùng bên phải. Ảnh: Claudia Krich | Nguồn: Điểm sách “The Third Force in the Vietnam War: The Elusive Search for Peace” của  Sophie Quinn-Judge, 1954-75, I. B. Tauris, 2017.

Những người bạn Facebook của tôi nào biết Công là ai, một kẻ bình thường, đến rồi đi trên cõi tạm này. Nhưng tôi muốn các bạn biết rằng người bạn vong niên của tôi đã từng là … thành phần thứ ba. Rất nhiều … thành phần thứ ba nổi tiếng, nổi tiếng vì ứng xử, vì can đảm, hay vì hèn nhát. Nhưng mẫu số chung nổi tiếng của họ là … thành phần thứ ba. Một sản phẩm thời cuộc ra đời trong nỗi khát khao hòa bình, sự sợ hãi, lòng tin, và có thể cả sự ngụy tín. Ta có cảm giác tất cả họ đều nổi tiếng, không phải, bạn Công vừa ra đi của tôi là một thành phần thứ ba rất nhỏ bé.

Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, 16 tháng 2 năm 1975. Nguồn: http://www.ktcaothang.com/

Anh Công là học sinh trường nghề Cao Thắng, trung tâm phản kháng nóng bỏng của Sài Gòn thời ấy. Công kể rằng nhóm của anh là nhóm thực hiện việc đốt xe Mỹ đầu tiên ở thành phố này. Công có biết nhân vật Lê Văn Nuôi, kẻ đồng môn, là ai ngay thời điểm đó. Công nói rằng, kệ họ, việc chống chiến tranh mình thấy đúng thì mình vẫn phải làm. Công cũng đã từng chứng kiến những nhân vật phát động biểu tình biến mất khi cảnh sát dã chiến xuất hiện. Tuổi trẻ, nhiệt quyết và trong sáng, đâu ngờ được sự tráo trở, giả dối manh nha (hay là bản chất?) trong đấu tranh lại di lụy cho dân tộc đến nhường nào.

Phong trào đốt xe Mỹ của học sinh-sinh viên Sài Gòn nổi lên từ năm 1966. Xe quân cảnh Mỹ ở óc đường Hồng Thập Tự – Cường Để tháng 3-1970. Nguồn: Facebook
25 tháng 9 1971, Biểu tình chống chính phủ | Sinh viên học sinh Saigon lật và đốt xe cảnh sát Việt Nam (sinh viên bịt mặt, trên tay là hai chai “bom” xăng). Nguồn: AP Wirephoto

Anh được một học bổng sang Canada, lại một trung tâm phản chiến sôi sục ở hải ngoại, đặc biệt đông đúc sau vụ Nguyễn Thái bình, với nhiều nhân vật sinh viên chạy từ Mỹ qua. Tôi nghe kể là có những đêm lửa trại ở Montreal đông tới 300 người. Và cái đám đông trí thức tương lai hùng hậu ấy đã tự cho mình là … thành phần thứ ba.

Lửa chiến tranh rồi cũng tắt, nhưng hòa bình thì không như mong đợi, vì như ai đó đã thốt lên,

“Hà Nội không công nhận chúng ta.”

Công có lẽ không nghe câu tán thán đó, anh về nước với ý nghĩ … thành phần thứ ba. Anh làm viên chức nhỏ cho cơ quan công quyền (lúc ấy thì ai mà chẳng làm cho cơ quan!)

Anh lấy vợ, một cô gái từ Hà Nội vào. Nhưng cô ấy không lấy anh vì anh là thành phần thứ ba, mà vì anh có hộ chiếu (sổ thông hành) Canada. Cuộc tình nhanh chóng đổ vỡ tại hải ngoại, đứa con lớn lên cũng không thành công, Công buồn quá lang thang qua châu Phi dạy học, đi chơi châu Âu, và … về lại Việt Nam. Lần này anh không còn là thành phần thứ ba nữa mà trở thành một … Phật tử bực bội. Anh sống ẩn dật ở Madagui, nhận hợp đồng làm hướng dẫn viên du lịch khi … đất nước tưng bừng mở cửa.

Tôi biết anh lúc đất nước tưng bừng như vậy. Tôi có nhiệm vụ giao việc hợp đồng cho anh, kiểm tra công việc của anh. Và chúng tôi thành bạn vong niên. Mà cũng lạ, tôi không phải người đầu tiên và duy nhất làm việc với Công, nhưng mỗi lần vào Sài Gòn thì tôi và anh lại lê la quán xá vỉa hè, mần chính trị vỉa hè. Thân nhanh như vậy chắc do cái kiểu ba trợn giang hồ của tôi chăng? Người Phật tử bực bội ấy làm việc rất có trách nhiệm, anh bực bội cái hiện tại chứ không hề bực bội cái quá khứ, cũng chẳng hề cay đắng. Có lẽ sự cay đắng chỉ có chỗ ở những người nổi tiếng, còn Công chỉ là hạt cát, không có chỗ cho sự cay đắng.

Anh ra đi ngày hôm qua, một cái chết xuất kỳ bất ý, tôi biết anh không chuẩn bị, thế nên tôi lo là anh vẫn mang theo hành trang của mình sự bực bội. Không nên anh Công ạ, anh hãy nhớ những vỉa hè Sài Gòn đằm thắm mà bỏ lại sự bực bội ấy cho chúng nó, cho chúng tôi, anh về với Phật bình an! RIP bạn ơi.

Tặng những bạn hữu Facebook biết và không biết Công. Tặng NVN, người đồng môn những ngày tuổi trẻ sôi động của anh, và cũng là bạn vong niên của tôi.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Kinh Hoa, Bài không đề tựa, Facebook (with Ngo Vinh Long and Tran Giao Thuy), Aug. 16, 2020.