Những vấn đề với mô hình kinh tế “hai dòng lưu chuyển” của Trung Hoa

Michael Pettis | Trà Mi

Để thành công trong chiến lược hai dòng lưu chuyển, nội lưu mạnh lên thì ngoại lưu phải yếu đi và khi việc này xảy ra thì sự giàu có – và cùng với nó là quyền lực – phải được chuyển từ giới tinh hoa hiện nay sang những gia đình thường dân của Trung Hoa.

© REUTERS

Kể từ tháng 5, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra khái niệm về mô hình kinh tế “hai dòng lưu chuyển”, giới phân tích theo dõi nền kinh tế Trung Hoa đã phải vất vả tìm hiểu chính xác những gì mà ban lãnh đạo Trung Hoa đã cam kết. Từ nhiều tài liệu tham khảo chính thức tiếp theo đó, có vẻ như chiến lược kinh tế mới của Bắc Kinh kêu gọi tiếp tục khai triển sản xuất trong nước để xuất cảng (“ngoại lưu”) trong khi chuyển nền kinh tế theo hướng chú trọng tương đối nhiều hơn đến sản xuất cho việc tiêu dùng nội địa (“nội lưu”).

Về nguyên tắc, chiến lược này này có ý nghĩa. Một khi Trung Hoa đã thu hẹp khoảng cách cơ bản giữa đầu tư muốn có và đầu tư thực tế – điều mà có lẽ Hoa lục đã làm được từ đầu những năm 2000 – Trung Hoa cần tăng trưởng dựa trên nhu cầu trong nước do lương tăng, thay vì phụ thuộc vào xuất cảng hoặc ngày càng tăng vào đầu tư phi sản xuất. Vì Trung Hoa phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của đầu tư phi sản xuất, gánh nợ của quốc gia đã tăng lên đến một trong những mức cao nhất trên thế giới.

Hàng hóa và thán khí thải ra do Trung Hoa sản xuất và xuất cảng trên thế giới. Nguồn: Forbes

“Hai dòng lưu chuyển” được trình bày như một chiến lược mới, nhưng thực sự không phải vậy. Bắc Kinh đã đề xướng một chiến lược tương tự ít nhất là từ năm 2007, trong một bài phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo lúc đó, hứa rằng Bắc Kinh sẽ ưu tiên tái cân bằng nhu cầu nội địa theo hướng tiêu dùng.

Điều này đã không xảy ra. Tỉ lệ tiêu dùng trong GDP của Trung Hoa vẫn ở mức thấp bất thường, chỉ tăng hơn hai trăm vào năm 2019 kể năm 2007. Trong khi đó, và không phải ngẫu nhiên, trong giai đoạn này, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Hoa tăng gấp đôi.

Tỉ số Nợ của chính phủ trên GDP Trung Hoa. Nguồn: https://www.ceicdata.com/

Nó sẽ tệ hơn nữa trong năm nay. Với sự sụt giảm mạnh của mức tiêu dùng so với GDP – một phần là do Covid-19 và một phần là do Bắc Kinh tập trung vào sản xuất để đối phó với đại dịch – tỷ lệ tiêu dùng trong GDP sẽ giảm vào năm 2020 và xóa bỏ hầu hết nhưng bước thang đa đã đạt được kể từ mức thấp nhất một chục năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Hoa, đã tăng 6 phần trăm vào năm 2019, sẽ tăng một cách đáng kinh ngạc 16-20 phần trăm vào năm 2020. Nói cách khác, đã có rất ít thay đổi kể từ năm 2007, ngoại trừ gánh nợ của Trung Hoa: nhu cầu nội đia trong nền kinh tế Trung Hoa không cân bằng hơn bao giờ hết.

Hai dòng lưu chuyển là tên gọi, tái cân bằng là thực tế tự nhiên

Chiến lược này rõ ràng không bền vững và đó là lý do tại sao Trung Hoa lại cấp thiết phải phát triển nhu cầu nội địa bền vững. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn mà Bắc Kinh phải đối phó với chính sách hai dòng lưu chuyển. Vấn đề đầu tiên là định hướng lại nền kinh tế theo hướng nhu cầu nội địa. “Tái cân bằng” hay “hai dòng lưu chuyển”, đòi hỏi một sự chuyển đổi kinh tế, xã hội và chính trị có thể lớn hơn rất nhiều so với những gì Bắc Kinh – và hầu hết các chuyên viên kinh tế Trung Hoa và nước ngoài – dường như nhận thấy.

Tỷ lệ tiêu dùng nội địa thấp của Trung Hoa – ở một trong những mức thấp nhất trong lịch sử – phần lớn là hệ quả của việc những gia đình (công nhân) chỉ giữ lại cho họ một trong những tỷ lệ thấp nhất trong GDP của bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Để tái cân bằng nhu cầu theo hướng tiêu dùng có nghĩa là tái cân bằng cho thu nhập lớn cho mọi gia đình bình thường. Để tiêu dùng của Trung Hoa ngang hàng với các nước đang phát triển khác, mỗi gia đình bình thường phải thu lại ít nhất 10-15 phần trăm GDP và tương đương, tỉ lệ GDP đó của các doanh nghiệp, những người giàu có hoặc chính phủ phải giảm đi. Điều này có nghĩa là tái cân bằng liên quan đến sự thay đổi lớn: di chuyển tài sản – và đồng thời, quyền lực chính trị – đến cho những người dân thường, điều này sẽ không dễ dàng.

Vấn đề lớn thứ hai là mâu thuẫn nội tại ngay trung tâm của mô hình “hai dòng lưu chuyển” mới của Trung Hoa. “Khả năng cạnh tranh” xuất cảng của Trung Hoa – như một ngòi bút cũ trên Alphaville Matt Klein và tôi giải thích trong cuốn sách vừa xuất bản gần đây của chúng tôi, “Chiến tranh thương mại là Chiến  tranh Giai cấp” (Trade Wars are Class Wars) – phụ thuộc vào việc bảo đảm bảo công nhân được chia, dù theo tiền lương hay mạng lưới an sinh xã hội, một phần tỷ lệ rất thấp đối với những gì họ sản xuất. [Nghĩa là công nhân vẫn phải nghèo dù sản xuất giỏi]. Sức mạnh xuất cảng của Trung Hoa, nói cách khác, phụ thuộc, ít nhất một phần, vào tỷ lệ GDP thấp mà người lao động giữ lại những gì họ sản xuất. [Trồng cây nhưng không được ăn quả đúng mức].

Nhu cầu tiêu dùng nội địa. Nguồn: China Daily

Đây là vấn đề. Trung Hoa chỉ có thể dựa vào tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng lớn hơn nhiều nếu công nhân bắt đầu nhận được phần lớn hơn nhiều [đãi ngộ xứng đáng] so với những gì họ sản xuất, vì vậy chính tiến trình tái cân bằng phải làm suy giảm khả năng cạnh tranh xuất cảng của Trung Hoa.

Điều này có nghĩa là để “dòng nội lưu” thành công, thì “dòng ngoại lưu” phải bị hạn chế. Hai dòng ngược chiều không thể yểm trợ cho nhau, như Bắc Kinh đã biết: chính sự thay đổi này sẽ đòi hỏi một giai đoạn điều chỉnh khó khăn.

Mặc dù ngữ vựng đã thay đổi, nhưng giới hoạch định chính sách Trung Hoa muốn tăng trưởng bền vững vẫn đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong cách phân bổ thu nhập cho các lĩnh vực khác nhau. Không những thách thức chính trị vẫn lớn như trước mà còn vì tăng trưởng của Trung Hoa trong quá khứ phụ thuộc rất nhiều vào sự bất công hiện tại trong cách phân phối thu nhập, nên việc chuyển đổi sang một mô hình mới gần như chắc chắn sẽ đòi hỏi một giai đoạn điều chỉnh rất khó khăn. Để thành công trong chiến lược hai dòng lưu chuyển, nội lưu mạnh lên thì ngoại lưu phải yếu đi và khi việc này xảy ra thì sự giàu có – và cùng với nó là quyền lực – phải được chuyển từ giới tinh hoa hiện nay sang những gia đình thường dân của Trung Hoa.

Tác giả | Michael Pettis là giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh và là viện sĩ tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The problems with China’s “Dual Circulation” economic model | Michael Pettis | Financial Times | August 25, 2020.

Copyright The Financial Times Limited 2020. FT.com giữ bản quyền. Bạn đọc có thể chia sẻ bằng cách sử dụng giao diện trên trang của chúng tôi. Vui lòng không cắt (copy) bài viết từ FT.com và gởi đi bằng email hoặc đăng lại trên web.