Con đường giành quyền lực của Hitler gần như bị bế tắc nhiều lần. Nhưng hệ thống đã cho Hitler cơ hội trỗi dậy

Peter Ross Range  | DCVOnline

“Hôm qua, tôi đã làm điều ngu ngốc nhất trong đời. Tôi đã hợp tác với một người mị dân lớn nhất trong lịch sử thế giới.”

Alfred Hugenberg
Adolf Hitler được những người ủng hộ chào đón tại Nuremberg năm 1933. Ảnh: Getty Images

Đáng lý Adolf Hitler đã không lên cầm quyền. Thật vậy, trong suốt 13 năm đấu tranh giành quyền lãnh đạo nước Đức, ông đã thất bại nhiều lần.

Tuy nhiên, cuối cùng, thành công đáng kinh ngạc của Hitler đã cho thấy bằng cách nào đó chính sách mị dân vẫn có thể vượt qua được những thách thức có thể kết thúc sự nghiệp chính trị của Hitler — và thay đổi hẳn lịch sử. Một người lãnh đạo độc đoán,  kiên quyết, không được giới tinh hoa coi trọng nhưng được một khối những người ủng hộ nhiệt thành hỗ trợ, có thể bẻ cong sự kiện theo cách ông ta muốn khi nước Đức đang rơi xuống hố thẳm. Sự thăng tiến dường như không thể tránh khỏi của Hitler là một bài học kinh nghiệm về sự biến động của lịch sử.

Trong khi nghiên cứu để viết cuốn sách mới về sự trỗi dậy của Đức Quốc xã cực đoan, tôi đã rất ngạc nhiên về số lần thất bại gần như kết thúc hành trình giành quyền lực của Hitler — và dường như thế giới đã suýt tránh được nỗi kinh hoàng mà Hitler gây ra. Lần đầu tiên là vào năm 1923, khi ông ta tổ chức một cuộc đảo chính thất bại được biết đến với tên gọi là Beer Hall Putsch. Nó thất bại sau 17 giờ. Hai mươi người đã bị giết, và Hitler thoát lằn đạn của cảnh sát chỉ cách ông ta hai feet. Người bên cạnh Hitler đã chết. Hitler dọa tự sát và trong tù, và tuyệt thực. Cuối cùng, ông ta ra hầu tòa và bị kết tội phản quốc.

Sự kiện đó lẽ ra đã kết thúc sự nghiệp chính trị của Hitler. Nhưng quốc trưởng Đức Quốc xã là một kẻ cuồng tín. Tin tưởng vào sứ mệnh cứu nước Đức khỏi sự sụp đổ sắp xảy ra, ông đã viết một tự truyện tựa đề là Mein Kampf, được ân xá sớm và kích động lại phong trào phát xít Đức vào năm 1925. Đảng của Hitler đã thu hút những tín đồ chân chính và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vào năm 1926, ông phải đương đầu với một cuộc nổi dậy nội bộ và có thể chia rẽ đảng. Vào phút cuối, Hitler đã vượt qua thử thách sau bốn giờ tại một cuộc họp kín của Đức Quốc xã.

Một năm sau, Đảng Quốc xã phá sản. Hitler một lần nữa tính đến chuyện tự sát; ông ta nói với người phụ tá mới của mình, Joseph Goebbels, rằng ông ta thà tự bắn một viên đạn vào đầu mình hơn là chấp nhận phá sản. Ông đã được cứu một kỹ nghệ gia giàu có, Emil Kirdorf, cứu vớt. Sau cuộc độc thoại kéo dài 4 giờ của Hitler tại một dinh thự ở Munich, Kirdorf được cho là đã tặng cho Đảng Quốc xã 100.000 mark— 350.000 USD tiền ngày nay.

Năm 1928, Hitler dẫn đầu nhóm cực đoan của mình tham gia các cuộc bầu cử quốc gia — và thất bại. Rao giảng về sự diệt vong và sự sụp đổ, Hitler đã bơi ngược dòng lịch sử. Nền kinh tế Đức đang phục hồi. Đảng Quốc xã chỉ giành được 2,6% số phiếu, đứng hạng chót.

Geli Raubal, cháu gái, tình nhân của Hitler. Nguồn: https://vintagenewsdaily.com

Ngay cả sau khi cuộc Đại suy thoái đem lại thời cơ cho đảng của ông — vào năm 1930, Đảng Quốc xã đã giành được 18,3% trong một cuộc bầu cử quốc gia – Hitler đã phải đương đầu với một cuộc nội loạn khác trong đảng và sau đó, vào năm 1931, một vụ bê bối xẩy ra sau vụ tự sát của cô cháu gái Geli Raubal, 23 tuổi, được nhiều người cho là người tình của ông. Hành trình chính trị tiếp tục thăng trầm. Năm 1932, Đảng Quốc xã của Hitler đạt đỉnh cao với 37% số phiếu bầu của quốc hội, nhưng vì Hitler từ chối liên hiệp đã khiến đảng này mất đi hai triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử sau cùng, năm đó.

Sau khi phụ tá hàng đầu của Hitler, Gregor Strasser, đột ngột đào tẩu, đe dọa phá vỡ đảng, sự trỗi dậy chính trị như vũ bão của người lãnh đạo Quốc xã dường như đã kết thúc. Một tờ báo hàng đầu viết,

“Rõ ràng là [Hitler] hiện đang xuống dốc. Nền cộng hòa đã được giải cứu.”

Ngay cả Goebbels cũng tuyệt vọng, “Năm 1932 là một năm dài đầy xui xẻo. Chúng ta phải đập nó ra từng mảnh.

Nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Hitler vẫn chưa chết.

Vào tháng 1 năm 1933, chính trị Đức rơi vào tình trạng khó khăn — tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 24%, với 6 triệu người mất việc làm. Rất cần một chính phủ mới. Sau một loạt những cuộc gặp bí mật của những chính khách ở hậu trường trong một biệt thự sang trọng ở Berlin, Hitler trở thành một lựa chọn bí mật để được Tổng thống Paul von Hindenburg bổ nhiệm làm thủ tướng.

Tuy nhiên, sự sắp xếp bí mật phụ thuộc vào một nội các đa đảng được cân bằng tinh tế. Sau đó, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Hindenburg tuyên thệ nhậm chức theo lịch trình, người lãnh đạo đảng Quốc xã yêu cầu các bộ trưởng trong nội các tương lai của ông đồng ý mở cuộc bầu cử mới trong vòng sáu tuần — một tính toán sẽ khẳng định sự nắm giữ quyền lực cho đảng Quốc xã. Đó là một điều kiện kinh ngạc vào giây cuối cùng, nhưng tất cả đều đồng ý ngoại trừ Alfred Hugenberg, người sẽ trở thành bộ trưởng kinh tế và nông nghiệp. Chính trị gia già cứng đầu, hơn Hitler 24 tuổi, không tin tưởng vào đảng Quốc xã ồn ào và không muốn tiếp tay với Hitler để Quốc xã tự tung tự tác.

Alfred Hugenberg (trái), người cùng với Hitler là lãnh đạo Mặt trận Harzburg, năm 1931. Hugenberg là người đứng đầu của khối liên minh, nhưng Hitler là quyền lực sau lưng khối cánh hữu này. Nguồn: https://erenow.net

Một lần nữa, thỏa thuận để Hitler lên nắm quyền lại đang bị đe dọa.

Nếu không có Hugenberg, mọi người đều biết, sẽ không có nội các, không có chính phủ, không có tuyên thệ.

Khi Hitler và các thành viên nội các bước vào phủ thủ tướng, nơi tổng thống Hindenburg 84 tuổi đang đợi họ, phụ tá hàng đầu của tổng thống lao đến, tay cầm chiếc đồng hồ bỏ túi, ông nói, “Quý vị, quý vị không thể để tổng thống đợi lâu hơn nữa.”

Đột nhiên Hugenberg, một người theo trường phái cũ, người tôn trọng cách cư xử, quyền lực và tuổi tác, chấp nhận các điều kiện của Hitler. Cây cọ cuối cùng sắp xóa Hitler tra khỏi bức họa chính trường đã bị chặn lại. Trong hai thập kỷ trước, ông đã dựa vào may mắn và tài hùng biện để cứu vãn sự nghiệp của mình nhiều lần — nhưng đằng sau những yếu tố đó, luôn có một bối cảnh chính trị Đức rộng lớn hơn đã thúc đẩy sự sự nghiệp của ông. Các bài phát biểu của ông có thể ngăn chặn được một cuộc nội loạn, nhưng sự thành công hay thất bại của nền kinh tế Đức ảnh hưởng nhiều hơn đến vận may của Đảng Quốc xã. Và đây, một lần nữa, là thời điểm mà sự cuồng nhiệt giành quyền lực của Hitler không tự thành công mà thay vào đó là sự trợ giúp của cả một hệ thống để điều đó xảy ra. Trong vòng 15 phút, ông đã trở thành thủ tướng của Đức, dựng sân khấu cho những điều kinh hoàng sau đó.

Ngày hôm sau, Hugenberg nói với một người bạn:

“Hôm qua, tôi đã làm điều ngu ngốc nhất trong đời. Tôi đã hợp tác với một người mị dân lớn nhất trong lịch sử thế giới.”

Alfred Hugenberg

Tác giả | Peter Ross Range, cựu phóng viên TIME, là tác giả của cuốn sách The Unfathomable Ascent: How Adolf Hitler Came to Power, do Little Brown and Company xuất bản.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Hitler’s Quest for Power Was Nearly Derailed Multiple Times. But the System Enabled His Rise | Peter Ross Range | TIME | August 31, 2020.

https://api.time.com/wp-content/uploads/2020/08/hitler.jpg?w=800&quality=85