Ta là ai?

Caubay

Nước Mỹ là nước của di dân. Từ người nô lệ da đen, những tội phạm lưu đày cho đến những ông chủ đi tìm vùng đất mới, họ đã làm nên một nước Mỹ phồn vinh.

Người tị nạn. Nguồn: SEITA / SHUTTERSTOCK / THE ATLANTIC

Sự giàu mạnh, lòng bao dung, nhân ái dựa trên một bản Hiến pháp tuyệt vời đã khiến nhiều người cùng khổ trên địa cầu mong được định cư trên đất Mỹ. Và giấc mơ Mỹ quốc ra đời.

Hoa Kỳ đã chạy sau thế giới trong việc tái định cư cho người tị nạn vào năm 2017 và 2018 sau khi đã dẫn đầu trong nhiều chục năm. Nguồn: PEW Research Center (June 2019)

Nhưng nước Mỹ không phải bao la vô tận nên càng về sau thì vấn đề di dân càng bị hạn chế, thậm chí thành vấn đề quốc gia. Trong các thập niên qua, cùng với kinh tế, quốc phòng, giáo dục, phá thai, môi trường, di dân là đề tài tranh cử quen thuộc mà ai ở Mỹ cũng biết. Tuy vậy vấn đề này chỉ bùng lên mạnh mẽ từ cuộc bầu cử tổng thống 2016, khi Trump đưa ra chiêu bài “Build the Wall” ở biên giới Mexico. Thực chất đây là một đề tài được Trump dùng trong chiêu bài “America First” để kích động thành phần da trắng cực đoan vốn cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng do dân nhập cư, trong đó hẳn có người Việt.

Thế mà nhiều người Việt tại Mỹ, do ủng hộ Trump, cũng hăng hái chống di dân một cách rất cực đoan. Tuy lập luận chỉ chống di dân bất hợp pháp thôi nhưng họ cũng ủng hộ chủ trương hạn chế các chương trình di dân hợp pháp như “xổ số quốc tịch” hay nhận thêm người tỵ nạn từ các nước khác. Nên nhớ rằng không có một chính sách xã hội nào hoàn hảo, đáp ứng yêu cầu của mọi tầng lớp dân chúng. Luật pháp do con người đặt ra cho nên yếu tố bác ái, nhân quyền càng nên được quan tâm. Luật pháp không nên được áp dụng một cách cứng nhắc như định luật với vật vô tri. Vì vậy thiết nghĩ, khác với “người Mỹ bản địa”, người Việt tại Mỹ nên thông cảm hơn với người nhập cư dù hợp pháp hay bất hợp pháp. Để có được sự “thông cảm” này không gì hơn là ta hãy nhìn lại ta.

Vậy người Việt ở Mỹ là ai? Xin bắt đầu bằng mốc thời gian.

Nguồn gốc người tị nạn đến Hoa Kỳ thay đổi kể từ năm 1975 đến nay. Nguồn: PEW Research Center (October, 2019)
  1. Ông A đi du học tại Mỹ từ trước 1975, ngày Miền Nam sụp đổ ông đang học dở dang. Lẽ ra ông phải về nước hay rời nước Mỹ nhưng ông ở lại xin định cư qua diện tỵ nạn chính trị. Dù chưa từng dính dấp đến chính trị, do là công dân Việt NamCH, ông được hưởng quy chế tỵ nạn. Sau này khi nhà cầm quyền cộng sảnVN “mở cửa”, ông về Việt Nam thăm nhà và cả du hí. Ông ca ngợi thành quả của cộng sảnVN mặc cho danh phận của mình là người tỵ nạn cộng sản.
  2. Bà B ngày 30 tháng Tư năm 1975 đang bán cà phê vỉa hè tại chân cầu Tân Thuận, thấy dòng người hốt hoảng chạy lên tàu di tản bà cũng chạy theo. Bà đến Mỹ với diện tỵ nạn, dù bà chưa bao giờ nếm mùi cộng sản ác độc ra sao. Bà đến Mỹ hợp pháp nhưng danh nghĩa tỵ nạn thì chưa hẳn đúng bởi người ta chưa thể tỵ một nạn nào khi chưa nếm mùi cái nạn ấy. Tuy vậy bà rất xứng đáng là người tỵ nạn vì quả thật cộng sản rất tàn ác,
  3. Ông C, là thương gia tại Sài Gòn, sau năm 1975 bị cộng sản buộc đi kinh tế mới. Nhờ nhà giàu có, ông mạo nhận là người Hoa ghi danh đi “bán chính thức”, một chương trình đuổi người lấy của của cộng sản. Ra biển ông được tàu vớt, đưa vào Mã lai, sau đó được đến Mỹ với diện tỵ nạn. Ông đúng là nạn nhân của cộng sản, đến Mỹ hợp pháp nhưng việc ông ra đi không hợp pháp.
  4. Anh D thuộc gia đình Việt NamCH nên bị cộng sản phân biệt đối xử, không cho vào đại học, bắt đi lao động. Anh bèn vượt biên, được đến Mỹ hợp pháp với diện tỵ nạn. Anh xứng đáng dù cách ra đi của anh cũng không hợp pháp.
  5. Chị E con thường dân, sau năm 1975 khi đang học trung học thì cha mẹ cho chị vượt biên. Chị được Mỹ nhận với diện tỵ nạn khi khai “sống với cộng sản không có tương lai”, tuy mơ hồ nhưng đúng. Chị đến Mỹ hợp pháp, nhưng việc chị ra đi không hợp pháp.
  6. Chú F, rời khỏi Việt Nam khi mới 5 tuổi. Chú được cha mẹ gởi cho người bà con khi họ vượt biên. Chú được Mỹ nhận với diện nhân đạo vì là trẻ vị thành niên. Chú xứng đáng vì nếu ở lại sẽ bị cộng sản nhồi sọ, bắt hát “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ” rất chướng tai. Chú đến Mỹ hợp pháp nhưng bảo chú đi tỵ nạn thì không đúng, tức cũng có điểm bất hợp pháp.
  7. Ông G tuy thuộc về “bên thắng cuộc”, nhưng thấy “bọn Việt kiều phản động” bên Mỹ gởi tiền về cho thân nhân đã quá, ông cũng xuống tàu vượt biên. Trầy trật bên trại Hồng Công khá lâu, cuối cùng cũng đến Mỹ với diện tỵ nạn do khai rằng nếu bị trả về sẽ bị cộng sản khủng bố. Ông đến Mỹ hợp pháp, suy cho cùng là do dối trá. Dù vậy ông vẫn không đáng trách vì mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp là điều tự nhiên.
  8. Bác H là cựu sĩ quan QLVNCH, sau năm 1975 bác bị cộng sản bắt bỏ tù hơn 3 năm. Sau này đến Mỹ qua diện HO. Bác thực sự là nạn nhân của cộng sản, đến Mỹ một cách hoàn toàn hợp pháp.
  9. Anh I là con lai. Cũng như bác H, anh đến Mỹ hợp pháp với diện nhân đạo. Anh xứng đáng vì tại Việt Nam anh bị chính quyền cộng sản khinh rẻ. Sau này do đồng đô la mà mặc cảm “con lai” không còn, anh về Việt Nam làm ăn, ca hát cũng hốt bộn bạc.
  10. Bà J cũng giống như ông G, tức là làm ăn khá với cộng sản, nhưng vẫn bị hấp dẫn bởi mác Việt kiều Mỹ nên bằng mọi giá bà phải bỏ nước ra đi. Bà đến Mỹ do diện ghép. Do có tiền, khi có chương trình con lai bà “mua” một đứa con lai và nhận nuôi cháu ấy từ khi còn nhỏ. Công việc trót lọt, gia đình bà đến Mỹ rồi chia tay đứa con lai. Bà đến Mỹ “hợp pháp” nhưng việc ra đi của bà không hợp pháp.
  11. Chị K cũng đến Mỹ hợp pháp qua diện hôn nhân. Ở Việt Nam, gia đình chị rất khá nhưng cha mẹ chị cũng muốn tìm “tương lai cho con”. Khi trại tỵ nạn đóng cửa thì cha mẹ chị tìm được mối kết hôn giả. Có ông Việt kiều già góa vợ về Việt Nam “cưới” chị với thù lao hơn 30 ngàn đô. Qua Mỹ nhà ai nấy ở, sau ba năm thì làm giấy ly dị để chị đi lấy chồng. Chị đến Mỹ hợp pháp tuy việc làm của chị không hợp pháp.
  12. Ông bà L và các con là gia đình của chị K. Sau khi định cư, có quốc tịch, chị K bảo lãnh cho gia đình đoàn tụ. Họ đến Mỹ hợp pháp nhưng suy cho cùng cũng không hợp pháp.
  13. Vợ chồng ca sĩ M đang “hot” bên Việt Nam, hốt bộn bạc nhưng cũng mê nước Mỹ. Họ bèn lập kế “đổi nồi tráo vung” tức là ly dị nhau rồi mỗi người kết hôn một Việt kiều Mỹ, bất ngờ lộng giả thành chơn. Tuy “mình mất nhau” nhưng ta được quốc tịch rồi bảo lãnh cả nhà qua Mỹ. Gia đình “hai họ” đến Mỹ hợp pháp tuy khởi đầu gian dối.
  14. Cô N là con cán bộ cộng sản bên Việt Nam đi du học. Qua Mỹ cô không học mà “lấy đại một thằng Mỹ” để vô quốc tịch. Mấy năm sau cô bảo lãnh cả nhà qua đoàn tụ, xong rồi cô ly dị. Họ đến Mỹ hợp pháp, nhưng họ cũng nhờ mưu đồ gian dối.
  15. Cậu O hiện đang ở Mỹ với visa du lịch đã hết hạn. Cậu đang tìm cách gia hạn, kiếm việc làm, kết hôn… nhằm kiếm cái thẻ xanh. Thành phần này ít thôi nhưng cũng nói lên tâm trạng “giấc mơ Mỹ quốc” của dân ta.
Qua nhiều chục năm, công chúng Mỹ đã có nhiều quan điểm trái chiều về việc chấp nhận người tị nạn. Nguồn: PEW Research Center (April, 2017)

Đó là tóm tắt thành phần chính cấu thành cộng đồng Người Việt tại Mỹ. Bây giờ hãy nhìn về vài người tỵ nạn đến từ các nước Nam Mỹ.

  1. Anh Hernandez vốn là dân Mexico, gia đình nghèo nên đầu thập niên 1980, anh lén qua biên giới Mỹ làm mướn để kiếm tiền gởi về nuôi cha mẹ. Anh phụ cắt cỏ, hái dâu, khuân vác trong chợ. Anh rất muốn được vào trại tỵ nạn nào đó Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan… để được cứu xét quy chế tỵ nạn mà ngược đường quá.
  2. Cô Santos là thổ dân Columbia. Nhà cực kỳ nghèo, khi cô 13 tuổi thì bọn buôn lậu ma túy lăm le bắt cô làm đĩ. Cô sợ quá theo dòng người tỵ nạn trốn đi. Không tiền nên cô phải bán thân mình để được được đưa lậu vào Mỹ. Cô không có mơ ước gì cho bản thân mà chỉ mong tìm được một cơ hội cứu vớt gia đình, nhất là bầy em nhỏ. Cô đang bị giam ở trại tập trung gần San Diego. Cũng như anh Hermandez, cô Santos ước gì quê cô ở gần các nước Đông Nam Á để được làm thuyền nhân.
  3. Cậu Albertino cũng tệ hại không kém. Quê cậu xứ Honduras. Khi cậu vừa lớn thì bọn băng đảng chiêu dụ, bắt cậu gia nhập. Hằng ngày thay vì được đi học, cậu phải đi giao ma túy. Nhiều lần suýt chết vì băng đảng bắn nhau. Cậu tìm cách trốn thoát và may mắn đến được Mỹ qua đường địa đạo. Cậu là thổ nhân, không may mắn như thuyền nhân nên đành sống bất hợp pháp. Cậu cũng ước là nếu cộng sản “giải phóng” quê hương cậu thì biết đâu việc ra đi của cậu đầy chính nghĩa và đời cậu không đến nỗi cầu bơ cầu bất như hôm nay. Nghe cậu kể thì bọn Drug Cartel buôn lậu ma túy ở các nước Mỹ châu La tinh chưa chắc đã kém phần ác độc so với cộng sản.

Cùng khởi đầu ra đi bất hợp pháp, những người dân Nam Mỹ không có cơ hội đến các trại tỵ nạn Đông Nam Á như người Việt để cuối cùng được ngẩng cao đầu nói “ta đến Mỹ hợp pháp”.

Kết luận

“Kỷ niệm của em bé Angie Valeria và cha em Oscar Alberto – ngày 23 tháng 6 năm 2019”,  cây thánh giá bên bờ sông Rio Grande, nơi Valeria gần hai tuổi và cha em đi từ El Salvador đã chết đuối vào mùa hè này trong lúc cố gắng vượt qua biên giới bất hợp pháp từ Mexico đến Hoa Kỳ, Ảnh: Carlos Ogaz/picture alliance via Getty Images

Trong tập thể người Việt tại Mỹ nêu trên, chỉ có bác H H.O. và anh I con lai là trọn vẹn hợp pháp. Thành phần khác, dù trên pháp lý đến Mỹ một cách hợp pháp, cũng không thể chối bỏ gốc gác chính mình. Ta là ai, đến đây khi nào, bằng cách nào? Quí vị đừng trả lời tôi mà trả lời lương tâm mình. Quí vị hãy quay lại nhìn xung quanh, có ai trong gia đình mình không tìm cách nào đó để định cư tại Mỹ? Mấy ai từ chối một cơ hội định cư tại Mỹ chỉ vì nó bất hợp pháp?

Suy cho cùng, chúng ta đến đây hầu như đều ít nhiều đều có tính bất hợp pháp. Hoàn cảnh trước khi ra đi của nhiều người trong chúng ta không đến nỗi khó khăn, đau khổ như những người Nam Mỹ hôm nay. Tuy vậy việc mưu tìm một cuộc sống sung túc hơn, an toàn hơn, tốt đẹp hơn là điều tự nhiên như nước chảy vào chỗ trũng, như chiếc lá vươn ra ánh sáng. Lợi dụng mọi cơ hội, miễn là không phạm đại tội, để đạt được Giấc mơ Mỹ Quốc có thể được thông cảm. Đó là lẽ sinh tồn của vạn vật.

Nhìn lại hoàn cảnh xuất xứ của chúng ta không nhằm dè bĩu cộng đồng mình mà để từ đó có cái nhìn bao dung hơn với những người khốn khổ trên trên cõi ta bà này mà thôi. Những di dân từ Nam Mỹ đang bị giam giữ trong các trại tập trung rải rác dọc theo biên giới US-Mexico không phải là tội phạm hiếp dâm, giết người như bị chụp mũ mà là nạn nhân của nghèo đói, bất công, áp bức. Một vài tội phạm thì ở đâu cũng có, người Việt cũng có. Hãy nhìn họ với ánh mắt bao dung hơn, tấm lòng thông cảm hơn và nhớ rằng không ai chia cách con em chúng ta ra khỏi cha mẹ thì cũng đừng ủng hộ những hành vi bất nhân ấy.

http://www.movetoamerica.expert/

San Diego, Oct 9. 2020

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. Thiêm Võ, Ta là ai, Facebook, Oct, 9, 2020. DCVOnline minh họa.