Người Mỹ không còn biết chủ nghĩa phát xít là gì

Shadi Hamid | DCVOnline

Nhiều người Mỹ coi Trump và các đồng minh của ông là phát xít đang không để ý đến các vụ đàn áp ở Hong Kong và nạn diệt chủng văn hóa ở Tân Cương.

Đoàn người biểu tình ở Hong Kong vào năm 2019 ủng hộ đối dân tộc thiểu số Uighur của Trung Hoa. Nguồn: Dale De La Rey/AFP/Getty

Người Mỹ nghĩ thế nào mới cần nổi giận? Bây giờ nó có vẻ như chuyện ngày xa xưa, nhưng đó là một trong những câu hỏi mà Thời báo New York vô tình nêu ra vào tháng 6 khi biên tập viên ghi chú thêm vào một bài báo của Thượng nghị sĩ Tom Cotton — một bài nghị luận mà một số nhân viên của Thời báo coi là nguy hiểm thực sự không chỉ cho nước Mỹ mà cho chính họ.

Bài nghị luận yêu cầu dùng quân đội để “tái lập trật tự” cho các thành phố đang có các cuộc biểu tình bạo động. Bên ngoài và bên trong tờ Thời báo, bài nhận định đó đã bị lên án là “phát xít” hoặc gần với phát xít. Tuy nhiên, gần đây hơn, tờ Times đã đăng một bài bình luận tương tự, nhưng lần này độc giả có cơ hội nhìn thoáng qua chủ nghĩa phát xít thực tế trông như thế nào. Chủ nghĩa phát xít, trong bối cảnh ngày nay, không chỉ là chủ nghĩa độc tài, mà là nỗ lực đàn áp tất cả những người bất đồng chính kiến, nhân danh quốc gia, dù công khai hay kín đáo; nó là biểu hiện của một xã hội tập trung coi trật tự vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của mọi đời sống chính trị.

Bài bình luận ngày 1 tháng 10 của Regina Ip, một thành viên của Hội đồng điều hành Hong Kong, đã nắm bắt được những ý nghĩ ​​đó rất thực. Ip đã biện hộ cho một luật an ninh mới do Trung Hoa hậu thuẫn sẽ hình sự hóa một cách hiệu quả bất cứ điều gì có thể bị coi là “lật đổ”. Trong đó có một trong những đoạn đáng lo ngại nhất mà tôi đã đọc trong một ấn phẩm của Mỹ:

‘Đối với một số người, luật an ninh quốc gia mới đặc biệt đáng sợ vì nó có vẻ mơ hồ và rất nghiêm khắc. Nhưng nhiều luật mơ hồ được viết như vậy. Và điều này chỉ có vẻ nghiêm khắc chính xác vì nó lấp đầy những sơ hở lâu nay — về sự lật đổ, ly khai, khủng bố địa phương, cấu kết với các thế lực bên ngoài. “Mức độ nghiêm khắc” của người này là tác động có chủ ý ​​của người khác.’

Tuy nhiên, lần này, không có cuộc nổi dậy của ban biên tập xảy ra, mặc dù bài báo của Ip là một sự tán thành công phu nếu thẳng thắn và mới mẻ về chủ nghĩa phát xít thực sự.

Phẫn nộ luôn có sự lựa chọn. Tôi có thể đã viết về một cái gì đó khác, nhưng tôi quyết định viết về vấn đề này. Câu hỏi vẫn còn là: Tại sao độc giả nổi giận với lập luận của Cotton dường như bỏ qua biện luận của Ip?

Chữ nghĩa rất quan trọng vì chúng giúp sắp xếp sự hiểu biết của chúng ta về chính trị ở cả trong và ngoài nước. Nếu coi Cotton là một kẻ phát xít, thì [đúng là] chúng ta không biết chủ nghĩa phát xít là gì. Và nếu chúng ta không biết chủ nghĩa phát xít là gì, thì chúng ta sẽ phải vất vả để xác định nó khi nó đe dọa hàng triệu sinh mạng — đó chính xác là những gì đang diễn ra ngày nay tại các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh. Chính quyền Trung Hoa đã siết chặt hơn đối với Hong Kong. Và trong khi cả thế giới theo dõi, họ đang thực hiện một trong những chiến dịch thanh tẩy chủng tộc và diệt chủng văn hóa đáng sợ nhất kể từ Thế chiến II ở tỉnh Tân Cương, với hơn 1 triệu người Uighur theo đạo Hồi trong các trại giam, cũng như các phúc trình về việc cưỡng bức triệt sản và cưỡng hiếp tập thể .

Để đạo đức vận hành, cần phải có sự cân xứng đạo đức. Thật không may, thời đại Trump đã làm hỏng khả năng của chúng ta để nhận thấy những gì ở ngay trước mặt.

Ngày nay, Hoa Kỳ đang hỗn loạn vì sự chia rẽ nội bộ, có nghĩa là luồng tư tưởng ​​đi ngược lại với những gì có thể xảy ra. Thay vì giải quyết các vấn đề bằng các thể chế dân chủ từng tạo cảm hứng ở nước ngoài, giờ đây, chúng ta nhập cảng các quan niệm ngoại lai từ quá khứ đen tối của châu Âu để cố gắng hiểu những gì có vẻ không thể hiểu được ở đất nước của chúng ta. Cuộc bầu chọn Donald Trump làm tổng thống đã sinh ra toàn bộ một ngành thủ công nghiệp nghĩ rằng chủ nghĩa phát xít đang cận kề, ngay ở Mỹ. Nó đã phát triển ổn định, đạt đến đỉnh điểm là trước cuộc bầu cử tháng 11. Chỉ trong tháng qua, độc giả đã thấy so sánh với Mussolini trong giới sử học lỗi lạc, họ giải thích về cảm giác sống qua một cuộc nội chiến và vô số cảnh cáo về đám cháy Reichstag và “cuộc đảo chính phát xít”. Ở đây, Trump có một phần lỗi. Ông ta có sở trường để làm cho đối thủ của mình có phản ứng tồi tệ nhất, cho phép họ sử dụng sự cường điệu và xuyên tạc mà họ đã chỉ trích người khác. Đây là một trong nhiều lý do để hy vọng ông được bỏ phiếu bãi nhiệm.

Nếu nước Mỹ không rơi vào chủ nghĩa phát xít — và Joe Biden thắng với tỷ số lớn và đảng Cộng hòa chấp nhận kết quả, dù miễn cưỡng — thì người Mỹ sẽ một lần nữa có thể có lại cái nhìn đúng đắn về giai đoạn dài bốn năm vô lý và cận thị của họ. Đôi khi, cuộc sống là ở một nơi khác. Ở một số nơi, nền dân chủ hoặc những gì còn sót lại của nó thực sự đang bị đe dọa. Một trong những nơi đó là Hong Kong.

Các áp lực độc tài của chế độ Trung Hoa vẫn còn thể hiện rõ ràng hơn ở Tân Cương, nơi việc triệt sản phụ nữ Uighur có hệ thống, với mục đích giảm dân số Hồi giáo. Các công ty Trung Hoa đã sản xuất các sản phẩm làm đẹp để xuất khẩu với chất liệu giống như tóc của người Uighur trong các trại thực tập. Chính quyền Trung Hoa đã tổ chức chiến dịch “Kết đôi và trở thành gia đình”, trong đó hơn 1 triệu cán bộ đảng đã được cử đến sống trong các gia đình người Uighur, theo dõi mọi hành tung của những gia đình đó, với những “người thân” nam giới mới ngủ với phụ nữ Uighur và cưỡng ép kết hôn, trong khi nhiều người thân là nam giới thực sự của họ bị giam  trong các trại tù. Có một tên khác cho hàng động này, và đó là hiếp dâm.

Không lạ khi người Mỹ ít quan tâm đến những thảm kịch ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, những hành động tàn bạo đối với người Uighur thu hút ít sự chú ý của người Mỹ hơn họ một phần là do người đàn áp là ai. Rất khó để có được nhiều người thực sự nổi giận vì những gì Trung Hoa đang làm [ở Tân Cương hay Hong Kong]. Những vụ đàn áp ở Mỹ khiến các nhà bình luận và phân tích dòng chính cảnh giác về việc làm nổi bật những vi phạm trong các chế độ độc tài, chỉ vì người Mỹ cảm thấy thói đạo đức giả của chính chúng ta còn nổi bật hơn. Alexandra Schmitt thuộc Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ đã lập luận,

“Hoa Kỳ không thể lên tiếng một cách đáng tin chống lại sự đàn áp ở các quốc gia khác nếu các chính sách của chính Hoa Kỳ đang tiếp tục vi phạm nhân quyền như ở nước ngoài hoặc nếu họ không duy trì và bảo vệ nhân quyền ở trong nước.”

Alexandra Schmitt

Khi tôi yêu cầu Thời báo New York bình luận về quyết định đăng bài nhận định của Ip, quyền biên tập viên trang ban biên tập, Katie Kingsbury, đã trả lời trong một tuyên bố rằng tờ báo cũng đã đăng tải nhiều ý kiến ​​khác nhau về chế độ dân chủ, gồm cả những bài của chính ban biên tập. Tuyên bố viết tiếp,

“Bình luận của Regina Ip cho phép độc giả của chúng tôi đọc một khía cạnh khác của cuộc tranh luận từ một thành viên của Hội đồng điều hành Hong Kong.”

Katie Kingsbury, TNYT

Tuy nhiên, nhận định của Ip không phải là một lập luận có lý lẽ hơn mà là một sự khẳng định rõ ràng về quyền đàn áp của Bắc Kinh. Đây không phải là một cuộc tranh luận đòi hỏi sự giải thích cẩn thận của cả hai bên, một phần vì không có bên nào khác đứng ra bảo vệ. Các hãng thông tấn Mỹ đăng tải quan điểm của các nguyên thủ quốc gia độc tài về lợi ích cung cấp thông tin là một chuyện. Một chuyện hoàn toàn khác là công bố những mô tả thực tế, chứ không chỉ đơn thuần là tưởng tượng, về loại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa toàn trị mà chế độ Trung Hoa đề cao hàng ngày.

Những người theo chủ nghĩa tự do và các thể chế tự do cảm thấy khó chịu khi miêu tả Trung Hoa như một kẻ thù, vì đây là điều Trump đã làm — thường là với tư tưởng bài ngoại và không phân biệt giữa chế độ Trung Hoa và người dân Trung Hoa. Tấn công và tập trung sự chú ý vào Trung Hoa cũng có nguy cơ đẩy mạnh tuyên bố của chính quyền Trump rằng Trung Hoa là kẻ thù mới của Mỹ. Việc Trump có thể đúng về một vấn đề chắc chắn có thể xảy ra, nhưng điều đó không làm cho ý nghĩ đồng ý với ông ấy bớt khó chịu hơn.

Điều này đôi khi có thể dẫn đến sự tương đương về đạo đức, khi Hoa Kỳ, dưới thời Trump, bị xếp xuống cùng một cấp với chế độ Trung Hoa về các vấn đề như giám sát kỹ thuật số. Do đó, việc cố gắng loại trừ kỹ thuật Trung Hoa khỏi các mạng và thị trường của Mỹ sẽ là đỉnh cao của đạo đức giả, như Sam Biddle đã lập luận trong The Intercept. Vào mùa hè năm nay, những nỗ lực của Trump nhằm lấy ứng dụng nổi tiếng TikTok ra khỏi công ty mẹ ở Trung Hoa đã khiến nhà báo (và cựu thành viên ban biên tập của Times) Sarah Jeong tự hỏi: “‘Liệu Hoa Kỳ tốt hơn, tồi tệ hơn hay giống như Trung Hoa?’… Vào năm 2020, đây thực sự trở thành một câu hỏi khó trả lời.” Sau cùng, Jeong lý luận,

“Trung Hoa đàn áp dã man những người bất đồng chính kiến; ở Mỹ, lực lượng quân cảnh ngụy trang đã tóm cổ những người biểu tình trên đường phố và tống họ vào những chiếc xe bít bùng không có nhãn hiệu.”

Sarah Jeong

Jeong đã đi xa hơn hầu hết mọi người trong việc vẽ ra sự tương đương giữa Trung Hoa và Mỹ thời Trump. Tuy nhiên, chế độ Trung Hoa có khuynh hướng thu hút sự tôn trọng và sự nể vì của một số nhà quan sát Mỹ hơn chính quyền Trump. Trung Hoa, nếu đặt vấn đề vi phạm nhân quyền sang một bên, có vẻ hiệu quả đáng kinh ngạc — một thiên đường trong mơ của giới kỹ trị, nơi giới lãnh đạo không được dân bầu chọn “là được việc”. Một số bị mê hoặc với phép màu của Trung Hoa đã được hiển hiện trong một bài báo của Times năm 2018 với tiêu đề gợi ý “Giấc mơ Mỹ vẫn còn sống. Ở Trung Hoa.” Các tác giả đã nhận giá trị bề mặt của một cuộc thăm dò cho rằng người Trung Hoa hiện là “trong số những người lạc quan nhất trên thế giới — nhiều hơn người Mỹ và người châu Âu”. Kể từ đó, phản ứng có vẻ hiệu quả của Trung Hoa đối với COVID-19 chỉ khiến cho sự kém cỏi của Mỹ trở nên trầm trọng hơn.

Những phát triển này, một số xả ra khá gần đây, hiệp lực cho lợi thế của Trung Hoa. Xét cho cùng, Trump là một mối đe dọa lớn hơn đối với tự nhận của người Mỹ hơn là Trung Hoa. Sự không thích và thậm chí là thù hận đối với chính quyền Trump một phần được sinh ra từ khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế, khoảng cách đã mở rộng một cách nguy hiểm trong suốt 4 năm qua. Người Mỹ tin rằng họ có thể và nên tốt hơn. Ít ai có kỳ vọng như vậy về đạo đức hay lòng tốt vốn có của Trung Hoa. Nhiều người cảm thấy vô ích khi không thể làm được gì nhiều hơn.

Nhưng đây không phải là lý do biện minh cho việc vặn vẹo ý nghĩa của những từ như phát xít ra ngoài sự công nhận. Làm như vậy đã là một tập quán lâu đời. Như George Orwell đã viết vào năm 1944,

“Tôi đã nghe nói nó được áp dụng cho nông dân, chủ cửa hàng, Tín dụng xã hội, trừng phạt thân thể, săn cáo, đấu bò, Ủy ban năm 1922, Ủy ban năm 1941, Kipling, Gandhi, Tưởng Giới Thạch, đồng tính luyến ái, các chương trình phát sóng của Priestley, Nhà nghỉ Thanh niên, chiêm tinh học, phụ nữ, chó và tôi không biết còn những gì khác.”

George Orwell

Nhưng với tư cách là công dân của một quốc gia cách xa một đại dương, người Mỹ ít nhất đã được tránh khỏi sự co giãn của từ vựng này — cho đến bây giờ.

Một thế giới mà một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong một nền dân chủ — ngay cả là một nền dân chủ thiếu sót — bị coi là phát xít và do đó vượt ra ngoài giới hạn của những cuộc thảo luận đáng nói, trong khi những người chuyên chế thực tế, hoặc tệ hơn, được tự do tuyên truyền quan điểm của họ mà không bị công chúng chỉ trích là một thế giới đảo lộn đầu. Tuy nhiên, từ ngữ phải có ý nghĩa gì đó, và nếu người Mỹ khăng khăng muốn trang bị chúng cho các mục tiêu chính trị, thì các nhà báo và giới phân tích sẽ không còn ngôn ngữ để mô tả những mối đe dọa tồi tệ nhất từ ​​những kẻ xấu nhất.

Những gì Đảng Cộng sản Trung Hoa đang làm không phải là không kể xiết. Nó có thể và nên được nói đến, dù điều đó có thể khó khăn. Sự rõ ràng về đạo đức đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm cả độ chính xác và độ cân xứng. Bất cứ điều gì ít hơn cũng gây bất lợi cho những người đã thực sự đấu tranh, chiến đấu và hy sinh chống lại chủ nghĩa phát xít. Nếu người Mỹ, dù chỉ trong chốc lát, có thể nhìn xa hơn Trump, họ có thể nhận ra rằng một thế giới khác — một thế giới mà chủ nghĩa phát xít là sinh vật sống, đang thở — đang chờ họ.

Tác giả | Shadi Hamid là một nhà báo cộng tác với The Atlantic, viện sĩ tại Viện Brookings và là biên tập viên sáng lập của tạp chí Wisdom of Crowds. Ông là tác giả của Chủ nghĩa ngoại lệ Hồi giáo: Cuộc đấu tranh chống lại Hồi giáo đang định hình lại thế giới và cám dỗ của quyền lực như thế nào. [Islamic Exceptionalism: How the Struggle Over Islam Is Reshaping the World and Temptations of Power.]

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Americans Are Losing Sight of What Fascism Means | Shadi Hamid | The Atlantic | 25 Oct 2020.
Chúng tôi muốn biết bạn đọc nghĩ gì về bài viết này. Gửi thư cho người biên tập hoặc viết thư tới [email protected].