Ánh sáng mới trong góc tối: Bằng chứng về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, tháng 11 năm 1963

John Prados và Luke A. Nichter | Trần Giao Thủy dịch

  • JFK có khuynh hướng thay đổi chế độ nhiều hơn so với tin tức trước đó
  • Băng thu âm của JFK mới công bố và danh sách kiểm soát tình báo của tổng thống điền vào những khoảng trống trong hồ sơ
  • Lời tuyên bố viết tay của tổng thống VNCH, vài giờ trước khi bị ám sát, lần đầu tiên được công bố
Năm 1955 – Tổng thống Ngô Đình Diệm đang quỳ gối trong Thánh lễ lúc nửa đêm, được tổ chức trong khuôn viên dinh thự Tổng thống, Sài Gòn

Washington, DC, ngày 1 tháng 11 năm 2020 – tổng thống John F. Kennedy có ý định ủng hộ việc đảo chính tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vào cuối năm 1963 nhiều hơn so với nhưng tài liệu đã có trước đây, theo một đoạn băng và bản ghi lại của Bạch Cung mới được công bố gần đây. Việc lật đổ tổng thống Diệm trong một cuộc đảo chính quân sự sẽ có những tác động lớn đối với chính sách của Mỹ và sự can dự ngày càng tăng vào Việt Nam đã xảy ra vào ngày hôm nay 57 năm trước (1/11/1963). Ngay đến bây giờ quan điểm của Kennedy và một số phụ tá hàng đầu của ông về sự thích hợp cho một cuộc đảo chính cụ thể đã bị một hồ sơ tài liệu không đầy đủ che khuất khiến giới nghiên cứu đã tập trung hơn vào thái độ của nhân viên cấp dưới. Hôm nay, Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia lần đầu tiên đăng tải các tài liệu của các cơ quan lưu trữ của Hoa Kỳ và Việt Nam, mở cánh cửa cho sự kiện quan trọng này rộng ra hơn một chút.

Quan điểm của Kennedy về việc loại bỏ tổng thống Diệm trở nên rõ ràng hơn trong đoạn băng ghi âm cuộc gặp giữa ông với Đại sứ mới được bổ nhiệm tại Sài Gòn Henry Cabot Lodge, Jr., vào giữa tháng 8 năm 1963, ngay trước khi Lodge lên đường đến Sài Gòn. Các hồ sơ khác được công bố ngày hôm nay, gồm bản ghi chú của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) về các cuộc họp tại Bạch Cung và báo cáo thực địa của CIA từ miền Nam Việt Nam, cho phép người đọc có cái nhìn rộng hơn về thời kỳ đảo chính và vai trò của các viên chức ở hiện trường như Lucien Conein của CIA và Đại sứ Frederick Nolting. Một số tài liệu này lần đầu tiên xuất hiện trong Sách điện tử của Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia trước đó và được thêm vào đây để cho thấy bối cảnh lớn hơn của các sự kiện.

Bài đăng hôm nay cũng kèm theo một tuyên bố viết tay rất ấn tượng vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, của tổng thống Diệm ra lệnh cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa phải tuân theo lệnh của ông. Nhưng trong vòng vài giờ, ông đã bị đảo chính và 24 giờ sau đó đã bị quân đội xử tử. Tác giả Luke A. Nichter đã tìm thấy tài liệu này trong kho lưu trữ Việt Nam. Ông là đồng tác giả của bài đăng hôm nay với John Prados.

* * * * *

Tổng thống Kennedy gặp Đại sứ mới được bổ nhiệm tại Việt Nam Cộng hòa, Henry Cabot Lodge. Phòng Bầu dục, ngày 15 tháng 8 năm 1963. Ảnh: Abbie Rowe; Thư viện JFK, AR8072-A.

Cuộc đảo chính chống tổng thống Diệm đã là một trường đoạn được tranh luận rất nhiều trong lịch sử cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia đã tham gia vào các cuộc tranh luận này bằng cách giới thiệu các bằng chứng và những diễn giải mới quan trọng. Năm 2003, chúng tôi đã đăng một cuốn sách điện tử tóm tắt với một trong những đoạn băng ghi âm của Kennedy được phát hành đầu tiên về cuộc thảo luận quan trọng của Bạch Cung về tiến trình cuối cùng cho cuộc đảo chính. Bài đăng đó gồm những tài liệu cần thiết được lựa chọn, gồm cả cuộc họp ngắn gọn của CIA trong đó giám đốc cơ quan, John McCone, đã thông báo cho tổng thống Kennedy về những phương cách ban đầu của những nhóm đảo chính của Nam Việt Nam với các sĩ quan CIA. Những yêu cầu của Nam Việt Nam về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trở nên căng thẳng hơn vào nửa cuối tháng 8 năm 1963, và bài đăng trước đã trình bày hồ sơ của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và Bộ Ngoại giao về một loạt các cuộc họp của Bạch Cung và các cuộc thảo luận khác của Hoa Kỳ về cuộc đảo chính ở Sài Gòn . Một vấn đề lớn, sau đó và kể từ đó, được gọi là “Hilsman Telegram,” hay chính thức hơn, Department Telegram (DepTel) 243, đã hướng dẫn Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Henry Cabot Lodge, Jr. tiến hành bằng cách nói rõ với tổng thống Diệm rằng ông cần phải chấm dứt chế độ chuyên chế và hạn chế các hoạt động của em trai ông, Ngô Đình Nhu, và các thành viên khác trong gia đình, những người đang nỗ lực cản trở cuộc chiến chống nổi dậy đang diễn ra. Cuốn sách điện tử gồm một loạt các tài liệu cho thấy cách Washington xét xem những người miền Nam Việt Nam nào có thể là ứng viên thay thế (tổng thống Diệm) vào vị trí lãnh đạo, và đã bỏ qua những ngày cuối cùng đến trước cuộc đảo chính.

Năm 2009, Thư viện Kennedy đã công bố các đoạn băng thực sự gồm các cuộc trò chuyện của Bạch Cung vào cuối tháng 8. Cơ quan Lưu trữ cũng đã xây dựng một E-book quanh các băng ghi âm đó, bắt đầu với DepTel 243 và sau đó cho phép người đọc/người nghe so sánh chi tiết hơn, bằng cách xếp các băng của Bạch Cung bên cạnh những bản ghi nhớ của NSC và Bộ Ngoại giao ghi lại những cuộc trò chuyện tương tự. Trong một trường hợp, chúng tôi cũng có một hồ sơ do một thành viên cấp cao của Ngũ giác đài, Thiếu tướng Victor Krulak, thiết lập. Tài liệu này bổ túc cho cuốn sách giao điện tử đã phúc trình trước đó.

Bản tuyên ngôn viết tay của tổng thống Diệm gởi cho Quân đội vào ngày đảo chính, 1 tháng 11 năm 1963 (Tài liệu 26).

Kể từ đó, chúng tôi tiếp tục thu thập tài liệu và phần trình bày của Luke Nichter về cuốn băng Kennedy-Lodge giữa tháng 8. 1963 đem đến một cơ hội tốt để nhìn lại cuộc đảo chính. Ở đây, chúng tôi lùi lại để có một cái nhìn rộng hơn, không chỉ tập trung vào các sự kiện trong tháng 8 mà còn trên toàn cảnh. Trong số các mục chúng tôi giới thiệu ở đây có bản ghi âm và bản ghi lại lời của tổng thống Kennedy chỉ thị cho đại sứ; Thomas L. Hughes, giám đốc Cục Nghiên cứu và Tình báo của Bộ Ngoại giao đã ghi lại sự kiện trong tuần lễ quan trọng; các ghi chú viết tay về các cuộc họp tại Bạch Cung do Bromley K. Smith bí thư của NSC ghi lại; một loạt tài liệu đa dạng hơn là những ghi chú cuộc họp của Tướng Krulak; bản tóm tắt của CIA về các cuộc gặp giữa nhân viên cục tình báo Mỹ và các tướng lĩnh Việt Nam; Một loạt những báo cáo ở hiện trường của CIA, gồm cả việc người Việt Nam đề cập đến vụ ám sát vào đầu tháng 10 và phản ứng của CIA về việc đó; và một số tài liệu trong giai đoạn ngay sau cuộc đảo chính và ám sát, gồm cả lời kêu gọi tuyệt vọng xin viện trợ của tổng thống Diệm ngay cả khi cuộc đảo chính lật đổ ông đang diễn ra.

Trong số các phát giác mới trong bài đăng hiện tại hoặc từ một số Sách điện tử về tổng thống Diệm của chúng tôi được tổng hợp lại như sau:

  • Tổng thống John F. Kennedy có ý định ủng hộ những hành động có thể thay đổi giới lãnh đạo ở miền Nam Việt Nam nhiều hơn như đã được hiểu trước đây.
  • Cá nhân Kennedy nhận thức được quan điểm ủng hộ Diệm của đại sứ Frederick E. Nolting, người tiền nhiệm của Lodge, củng cố việc ông đã quyết định đưa Nolting vào các cuộc thảo luận của Bạch Cung – và đích thân mời ông ta thông báo về các sự kiện ở Sài Gòn – một phần để chứng minh rằng tất cả các bên trong cuộc tranh luận này đã được lắng nghe.
  • Các cuộc đối thoại tại Bạch Cung diễn ra mà không có nhân vật chính nào thay đổi ý kiến ​​về tình hình Sài Gòn.
  • Khi các sĩ quan quân đội Nam Việt Nam liên lạc lại với các nhân viên CIA vào đầu tháng 10, người Việt Nam lập tức đưa ra lựa chọn ám sát.
  • Ông Ngô Đình Nhu, em trai của nhân vật lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa, tổng thống Diệm, vẫn là mục tiêu chính của các cuộc vận động của Mỹ. Những nỗ lực của Nhu để chống lại những lời chỉ trích hoặc lấy lòng Washington đã thất bại.

* * * * *

Thảo luận

Việt Nam gây bối rối cho giới lãnh đạo Mỹ từ thời Franklin D. Roosevelt. Vào thời điểm John F. Kennedy (JFK) làm tổng thống, tình hình có thoáng hy vọng – đủ lâu để JFK nghĩ Việt Nam như một phòng thí nghiệm mà ông có thể thử các chiến thuật và kỹ thuật. Đến năm 1963, sự lạc quan đó đã tan biến và Kennedy cảm thấy rằng những kẻ cản trở ở Sài Gòn đang mất chỗ dựa trước một cuộc nổi dậy của cộng sản. Vào tháng 5 năm đó, chính phủ Ngô Đình Diệm rơi vào cuộc đối đầu chính trị với Phật tử Việt Nam, sự thất vọng của người Mỹ tăng lên. Người Việt Nam cũng vậy. Một số sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đã liên lạc với một nhân viên của Cục Tình báo Trung ương (CIA) trong ngày lễ độc lập, 4 tháng 7, của Hoa Kỳ; họ muốn Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một cuộc đảo chính có thể xẩy ra để lật đổ Diệm (Sách điện tử 2003, tài liệu 1).

Cố vấn Ngô Đình Nhu và em của TToorng thống Ngô Đình Diệm Diệm,
01 September, 1963. Photo: Larry Burrows/The LIFE Picture Collection via Getty Images

Cuốn sách điện tử mới này mở đầu (Tài liệu 1) với ghi chép về cuộc gặp gỡ ngày 19 tháng 7 năm 1963 giữa Trưởng Trạm CIA John Richardson và em của tổng thống Diệm, Ngô Đình Nhu, người điều hành nhiều cơ quan mật thám của VNCH và ngày càng được coi là quyền lực sau lưng tổng thống. Điều này cho thấy rằng Nhu, ngay cả khi “bình tĩnh”, như Richardson nhận xét, vẫn bị ám ảnh với việc Phật tử tuyên truyền và che giấu các cán bộ cộng sản nằm vùng trong số những nhà sư của họ tại một số chùa quan trọng nhất. Nhu đã bắt đầu có các cuộc họp hàng tuần với các tướng lĩnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH), và chính ông đã đề cập đến một cuộc đảo chính – như ông nói với nhân viên CIA, đó là một kỹ thuật “phân tâm học” có thể khiến các sĩ quan QLVNCH phải tiết lộ ý định của họ.

Nhu tiếp tục với âm mưu đó, rốt cục dẫn đến kế hoạch mở những cuộc đột kích của chính phủ nhằm vào các chùa Phật giáo quan trọng nhất ở Sài Gòn và Huế (Tài liệu 5).

Phó Tổng thống Johnson, Tổng thống Ngô Đình Diệm, và Đại sứ Frederick Nolting tại Phủ Tổng thống Nam Việt Nam năm 1961 (Wikipedia).

Tổng thống Kennedy quyết định thay thế đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Frederick E. Nolting, và bổ nhiệm Henry Cabot Lodge vào vị trí đó. Lodge và Kennedy gặp nhau tại Phòng Bầu dục vào ngày 15 tháng 8, 1963 (Mục 2, Tài liệu 3). Chúng tôi trình bày cả bản ghi âm của cuộc họp đó và bản chép lại cuộc họp do Luke Nichter thực hiện. Những tài liệu này tiết lộ rằng Lodge đã có những quan điểm thận trọng về tình hình ở Nam Việt Nam và đã gặp đại diện của VNCH tại Hoa Kỳ, tình cờ là cha mẹ của vợ Ngô Đình Nhu. Kennedy đã đồng ý rất nhiều, và để Lodge nói, nhưng cả hai đồng ý rằng báo chí ở Sài Gòn là một vấn đề, JFK nhận thức rằng sẽ phải làm gì đó đối với tổng thống Diệm, nhưng ông không muốn bị báo chí thúc đẩy vì điều đó, và ông vẫn chưa chắc ai, ngoài tổng thống Diệm, là người Hoa Kỳ có thể ủng hộ ở Sài Gòn. Kennedy muốn chính Lodge đánh giá [tình hình nhân sự].

Lodge lên đường đi Sài Gòn, dự định sẽ dừng chân dọc đường ở Hawaii và Nhật Bản để nghe những báo cáo và liên lạc với nhân viên cao cấp của Hoa Kỳ. Trong chuyến đi của ông, tình hình Sài Gòn leo thang khi Nhu tiến hành các cuộc đột kích vào các chùa Phật giáo theo kế hoạch đã định. Tại Bộ Ngoại giao, W. Averell Harriman và George Ball đồng ý rằng Lodge nên trì hoãn việc đến Sài Gòn cho đến khi tình hình lắng dịu phần nào (Tài liệu 4). Lodge đến Sài Gòn hai ngày sau cuộc nói chuyện của họ (ngày 23 tháng 8, ngày Washington). Ông ấy không còn thời gian để thích nghi với khí hậu. Thời biểu do CIA ghi lại các cuộc tiếp xúc với nhóm âm mưu đảo chính của QLVNCH (Tài liệu 13) cho thấy những cuộc tiếp xúc ban đầu khiến Washington rơi vào tình trạng bối rối cân nhắc xem có nên ủng hộ một cuộc đảo chính ở Sài Gòn xảy ra vào ngày hôm đó hay không. Một ngày sau, Đại sứ Lodge đã nhận được DepTel 243 khét tiếng, “Hilsman cable” (Sách điện tử 2003, Tài liệu 2; Sách điện tử 302, Tài liệu 1). Chúng tôi không sao chép lại ở đây vì đã trình bày trong hai phúc trình điện tử trước đây về chủ đề này. Tin về QLVNCH yêu cầu Mỹ ủng hộ một cuộc đảo chính đã đến tai Kennedy khi bản báo cáo tóm tắt hàng ngày của tổng thống của ông (khi đó được gọi là Danh sách kiểm tra tình báo của tổng thống, hay PICL) phúc trình rằng Ngô Đình Nhu thực sự đứng sau cuộc đột kích Chùa, và rằng Nhu và tổng thống Diệm ra lệnh trực tiếp cho các sĩ quan quân đội, loại bỏ hệ thống chỉ huy của QLVNCH (Tài liệu 7).

Trong những bài đăng năm 2003 và 2009 của chúng tôi và bản cập nhật năm 2013, câu chuyện về những gì Kennedy và các phụ tá của ông thực sự quyết định về cuộc đảo chính Sài Gòn vào tháng 8 là trọng tâm của cuộc điều tra của chúng tôi. Thay vì trở lại với tất cả cuộc tranh luận đó, ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một vài điểm, trình bày những điểm đang lưu ý dưới dạng ghi chú của Thomas Hughes (Tài liệu 6) và các buổi họp của tổng thống Diệm và Nhu diễn ra trong khung thời gian này (Tài liệu 8, 14 , 15), để khuếch đại bằng chứng.

Băng ghi âm các cuộc họp của Bạch Cung vào ngày 26, 27 và 28 tháng 8, cùng với các tài liệu ghi về các cuộc họp đó do bí thư chính của NSC Bromley K. Smith và nhân viên Bộ Ngoại giao Roger A. Hilsman thực hiện có sẵn trong các bài đăng trước đó, cùng với một bản ghi của Tướng Victor H. Krulak. Ở đây, chúng tôi thêm hồ sơ của Krulak về các cuộc họp khác (Tài liệu 9, 11) và ghi chú viết tay của Bromley Smith, từ đó ông ấy lấy ra các hồ sơ mà chúng tôi đã đăng trước đó (Tài liệu 10, 12). Tất cả những tài liệu này cung cấp một hồ sơ toàn diện về cuộc nói chuyện về cuộc đảo chính vào tháng 8 của chính quyền Kennedy.

Chu kỳ của các cuộc họp bắt đầu vào thứ Hai, ngày 26 tháng 8, sau khi điện tín của Hilsman đã được gửi đi và khi mục đích là để xác nhận hướng dẫn trong điện tín đó có đúng hay không. Lịch sử ghi nhận về điều này là Hilsman, Harriman và nhân viên NSC Michael Forrestal chủ trương tiến hành một cuộc đảo chính, trong khi các phe phái khác phản đối. Một phe đối lập tập trung quanh cựu Đại sứ Nolting. Phe đối lập trong hàng ngũ quân đội tập hợp quanh Tướng Maxwell D. Taylor, Tham mưu trưởng Liên quân, và gồm cả Tướng Krulak; trong khi một trung tâm chống đối khác gồm Giám đốc CIA John McCone và trưởng phòng Viễn Đông của CIA, William E. Colby. Tổng thống Kennedy phần lớn giữ vai trò điều hợp. Ông coi Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và em ông, Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy là những người khác bất đồng với chủ trương đảo chính.

Như chúng tôi đã chứng minh trong E-book năm 2009, thực tế phức tạp hơn. Bobby Kennedy ít nói trong các cuộc họp tháng 8 và vắng mặt trong phiên họp ngày 26 tháng 8, khi sự tức giận về vụ điện tín của Hilsman lẽ ra phải được chú trọng nhất. Thay vào đó, JFK không nói về việc phản đối một cuộc đảo chính, mà không tiến hành một cuộc đảo chính chỉ vì New York Times đang cổ động cho nó – gần như là sự lặp lại những gì ông đã bày tỏ với Lodge trong cuộc họp của họ 10 ngày trước đó (Tài liệu 3). Hilsman chiếm ưu thế trong cuộc thảo luận, trong khi Taylor nghi ngờ liệu Sài Gòn có thể vẫn bình thường nếu không có tổng thống Diệm hay không, và McNamara muốn được bảo đảm về bốn điểm. Ông ấy cũng muốn thấy điều gì đó về việc Lodge thực sự nói chuyện với tổng thống Diệm. Cuộc gặp gỡ đó thực sự diễn ra vào chính thời điểm đó (Tài liệu 8). Ngoại trưởng Dean Rusk nhận xét rằng “chúng ta đang trên con đường đi đến thảm họa,” và đưa ra các lựa chọn thay thế là nên đưa quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam hay rút bớt tài nguyên của Mỹ đi. Đề nghị này gồm một cuộc thu thập thông tin về tình hình Sài Gòn hơn là một cuộc tấn công chống lại một phe ủng hộ đảo chính có chủ đích.

Vào ngày 27 tháng 8, Đại sứ Nolting đã lên tiếng. Hồ sơ bổ túc lần này của chúng tôi không thay đổi ấn tượng mà chúng tôi đã trình bày năm 2009, cho rằng Nolting, về cơ bản, đã nghĩ như người [cầm quyền] Việt Nam (Tài liệu 9, 10). Ông cho rằng các cuộc đột kích vào chùa như một chiến thắng nào đó của tổng thống Diệm, miễn trách nhiệm cho Nhu về những cuộc tấn công đó, đưa ra hình ảnh tổng thống Diệm là một người liêm chính, đã cố gắng thực hiện mọi lời hứa mà ông đã hứa với Hoa Kỳ, và cho rằng Phật giáo Việt Nam bị thao túng như Phật giáo ở Cambodia. Nolting thừa nhận rằng Nhu – cũng là một “người liêm chính” – sẽ trở thành một gánh nặng về mặt pháp lý, nhưng ông bác bỏ đề nghị cho rằng tướng lĩnh Việt Nam sẽ làm một cuộc đảo chính. John F. Kennedy nhận xét một cách đáng chú ý: vô ích nếu một cuộc đảo chính không thành công.

Ngày hôm sau, Nolting nói thêm rằng khái niệm về một cuộc đảo chính dựa trên một nguyên tắc xấu và sẽ tạo ra một tiền lệ xấu; tuyên bố này đã gây ấn tượng với Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy (Tài liệu 11, 12). Vị cựu đại sứ cho rằng không ai khác ngoài tổng thống Diệm có thể giữ vững được Việt Nam Cộng hòa. Giám đốc CIA Colby mô tả tình hình Sài Gòn cho thấy lực lượng ủng hộ chế độ mạnh hơn nhóm đảo chính. Ông cũng nói về cuộc đảo chính trước đây (1960), thời gian đã giúp cho tổng thống Diệm chứ không phải chống lại ông. George Ball lập luận rằng quyền lực ngày càng tăng của Nhu là điều không thể chấp nhận được, khiến cuộc đảo chính trở nên cấp thiết, nhưng các câu hỏi đã được đưa ra vào ngày hôm đó đã không có ý nghĩa nữa khi nhóm tướng lĩnh Việt Nam hoãn âm mưu đảo chính của họ lại.

Các cuộc thảo luận trong tháng 8 có tác dụng tạo điều kiện cho các giới chức hàng đầu của Hoa Kỳ tập dượt tất cả các lập luận ủng hộ và chống lại một cuộc đảo chính, nhưng họ lại khiến cho Washington gặp vấn đề về chính sách – sự khó uốn nắn của giới lãnh đạo Sài Gòn đã làm nghẽn lối đi có thể để có tiến bộ ở Việt Nam. Kinh nghiệm của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã xác lập điều đó. Hôm đến trình ủy nhiệm thư với tổng thống Diệm vào ngày 26 tháng 8 (Tài liệu 8), Đại sứ Lodge có 10 phút để giải thích vai trò của dư luận trong việc thiết lập chính sách của Hoa Kỳ; Lodge khuyên người lãnh đạo chính phủ Sài Gòn nên thả các tù nhân Phật giáo, sau đó tổng thống Diệm hạ cấp tầm quan trọng của Phật tử, rồi cho Lodge nghe cuộc thuyết trình kéo dài hai giờ về gia đình của tổng thống và miền Việt Nam Cộng hào là một quốc gia kém phát triển.

Ngay khi Kennedy kết thúc vòng thảo luận về đảo chính vào tháng 8, nhân viên Bộ Ngoại giao Paul Kattenburg, người đã biết tổng thống Diệm cả chục năm, và có kinh nghiệm riêng của mình (Tài liệu 14). Kattenburg có ấn tượng rằng tổng thống Diệm bị chứng loạn thần kinh chức năng ngày càng tăng. Ông ghi lại: “Nhiều hơn những lần trước,” tổng thống Diệm “nói chuyện phần lớn với chính mình.” Người lãnh đạo Sài Gòn bảo vệ lập trường của mình trong cuộc khủng hoảng Phật giáo, và bảo vệ anh em của ông Nhu và Thục, tổng giám mục Huế, người có thái độ kệch cỡm đã châm mồi cho cuộc khủng hoảng. Tổng thống Diệm đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn rằng các Phật tử đang bị cán bộ cộng sản giật dây và cuộc khủng hoảng đã hoàn toàn được giải quyết. Về phần mình, Nhu ngày càng tỏ ra đáng ngại (Tài liệu 15). CIA đã biết về một cuộc nói chuyện của ông với cấp chỉ huy QLVNCH tại khu vực Sài Gòn, trong đó ông Nhu khẳng định rằng việc cắt viện trợ nước ngoài sẽ không thành vấn đề vì miền Nam Việt Nam có đủ dự trữ ngoại tệ để tiếp tục trong 20 năm. Nhu đã ra lệnh cho các binh sĩ QLVNCH nổ súng vào bất kỳ người nước ngoài nào liên quan đến “những hành vi khiêu khích.”

Giới chức Mỹ nghĩ khác nhau về những người có thể thay tổng thống Diệm và Nhu lãnh đạo Sài Gòn. Không giống như Nolting, ông không thấy có thể có ứng viên nào, Cục Nghiên cứu và Tình báo (INR) của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một danh sách khá dài (Tài liệu 16). Họ nhấn mạnh,

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam không phải đối phó với bất kỳ sự thiếu hụt nghiêm trọng nào về sự lãnh đạo hiệu quả của những người không Cộng sản.”

Thomas L. Hughes, giám đốc của INR, cho đến ngày nay vẫn tự hào về danh sách các chuyên gia của ông đã tập hợp vào năm 1963[1]. Ngày hôm sau, INR tiếp tục viết một bài về “Vấn đề của Nhu” (Tài liệu 17), trong đó giới phân tích trích dẫn các ý kiến ​​của những người ở  miền Nam cho rằng Nhu đã trở thành quyền lực thống trị ở Sài Gòn, thực hiện “một ảnh hưởng bao trùm, bất biến đối với Diệm.”

Các phụ tá của Kennedy đã kết luận từ sớm rằng Ngô Đình Nhu phải ra đi. Nếu tổng thống Diệm không chịu phế truất Nhu, thì tổng thống Diệm cũng sẽ phải ra đi. Đó là ý nghĩa của bức điện tín Hilsman, và chỉ thị tiếp theo được gửi sau cuộc nói chuyện về cuộc đảo chính vào tháng 8. Trong suốt tháng 9 và tháng 10, ngay cả khi Washington tìm cách trình bày quan điểm với chính phủ VNCH  bằng cách xét việc đến việc sơ tán công dân Hoa Kỳ, rút ​​quân Mỹ và ngừng viện trợ của CIA cho Lực lượng Đặc biệt của VNCH, tổng thống Kennedy vẫn cố gắng hiểu rõ tình hình hơn. JFK đã cử liên tiếp các nhóm nghiên cứu đến Sài Gòn – Huntington Sheldon của CIA, Robert McNamara cùng với Maxwell Taylor, Tướng Krulak và Joseph Mendenhall – tất cả để báo cáo cho ông hiểu rõ hơn. Những chuyến đi quan sát đó đều xác nhận những gì INR đã nói trong bản ghi nhớ “Vấn đề của Nhu” (Tài liệu 17).

Tướng Trần Thiện Khiêm. Ảnh:  FRANCOIS SULLY 

Sự im lặng của các tướng lĩnh Việt Nam khiến các giới chức Washington e rằng họ đã đi quá xa trên chính trường Sài Gòn. Đó là một lý do cho chuyên công tác nghiên cứu. Rufus Phillips mô tả một cuộc họp ở Bạch Cung vào khoảng thời gian này đã kết thúc trong một sự hỗn loạn tột độ[2]. Trong một điện tín “MẬT” vào ngày 15 tháng 9, Bộ trưởng Rusk cảnh cáo Đại sứ Lodge rằng cuộc đảo chính hình dung trong bức điện của Hilsman là “chắc chắn là đang ở tình trạng chưa quyết định” và không nên cố gắng kích động bất kỳ âm mưu đảo chính nào. Vẫn chưa có quyết định nào của Washington[3]. Cùng lúc đó, Lodge có một cuộc đấu khẩu với CIA về việc thay đổi trạm trưởng của họ ở Sài Gòn. Đó là môi trường mà Tướng Trần Thiện Khiêm của QLVNCH yêu cầu CIA cho một cuộc họp. Cuộc tiếp xúc và cuộc họp diễn ra sau đó cho người Mỹ thông tin về những hành động của Nhu nhằm tạo kênh liên lạc với Hà Nội, nhắc nhở họ rằng kế hoạch đảo chính vẫn còn, và thông báo cho CIA biết rằng các tướng lĩnh đang chờ tổng thống Diệm đáp ứng yêu cầu của họ đối với các vị trí cấp nội các trong Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Tài liệu 13)[4].

Đặc vụ CIA Lucien Conein, người từng là liên lạc viên của các tướng lĩnh dẫn đến cuộc đảo chính, trong một bức ảnh không có ngày tháng từ những năm 1960 (Nguồn: William J. Rust; từ bài báo của Rust về Conein trong Nghiên cứu Tình báo (cia.gov).

Lúc đó Bộ trưởng McNamara và Tướng Taylor đang ở Sài Gòn trong công tác tìm hiểu sự thật. Họ nói chuyện với các chuyên gia Việt Nam học, trưởng trạm CIA, và tổng thống Diệm. Taylor đã viết một báo cáo dài sau đó lập luận rằng các tướng lĩnh không “chấp nhận” chính phủ và đã bị vô hiệu hóa[5]. Nhưng gần như đồng thời tại Sài Gòn, CIA đánh điện cho Washington khi đặc vụ Lucien Conein tình cờ gặp Tướng Trần Văn Đôn tại sân bay và hai người đã họp vào đêm hôm đó, tướng Đôn khẳng định rằng các tướng lĩnh đã có một kế hoạch cụ thể, và Đôn đã yêu cầu Conein  đồng ý đến gặp những người chủ chốt cuộc đảo chính vài ngày sau đó[6]. Tài liệu 18 ghi lại cuộc gặp gỡ của Conein với Tướng Dương Văn Minh vào ngày 5 tháng 10. Tướng Minh đã lặp lại lời yêu cầu Hoa Kỳ hồi tháng 8 để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với một cuộc đảo chính. Minh xác định những kẻ chủ mưu chính, bảo đảm với Conein rằng một cuộc đảo chính sẽ diễn ra trong tương lai gần, và vạch ra một số phương án đảo chính có thể xảy ra. Một trong số đó – “dễ nhất”, Minh nói – là ám sát hai người em của tổng thống Diệm trong khi vẫn giữ tổng thống Diệm làm bù nhìn.

Tướng Trần Văn Đôn, Tư lệnh Quân đội Nam Việt Nam, trong lễ mừng cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Sài Gòn, tháng 11 năm 1963. Nguồn: Larry Burrows / Bộ sưu tập Larry Burrows

Việc đề cập đến vụ ám sát xảy ra vào một thời điểm quan trọng đối với Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Đại sứ Lodge đang gửi trưởng trạm CIA về Mỹ. Phụ tá trưởng trạm, lãnh trách nhiệm bình luận về các lựa chọn của Tướng Minh, khuyên Washington không nên bác bỏ vụ ám sát quá nhanh, vì những chọn lựa khác về cơ bản có thể là nội chiến[7]. Lời khuyên này đã khiến Giám đốc CIA McCone và Giám đốc Công tác Viễn Đông Colby phẫn nộ. McCone phản bác lại rằng cách tốt nhất là không có cách nào hết. Nhiều năm sau, khi Ủy ban Church điều tra CIA (năm 1975), McCone trích dẫn lời chính mình nói với John F. Kennedy, bằng những từ chính xác mà ông nhớ rất rõ,

“Thưa tổng thống, nếu tôi là ông bầu của một đội bóng chày, [và] tôi có một lực sĩ ném bóng, tôi sẽ giữ anh ta trong đội cho dù anh ta có phải là người ném bóng giỏi hay không. Như vậy tôi đã nói rằng, nếu tổng thống Diệm bị loại bỏ, chúng ta sẽ không có một cuộc đảo chính. . . nhưng có một sự kế tục.”

Giám đốc CIA McCone, (Tài liệu 20)[8].

McCone ra lệnh cho trạm CIA Sài Gòn bỏ đề nghị này, và ngày hôm sau Colby củng cố lệnh đó bằng một lệnh khác (Tài liệu 19).

Trung tướng Dương Văn Minh, đồng lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự lật đổ xhisnh phủ Nô Đình Diệm, trong cuộc họp báo.VIỆT NAM – 01 tháng 11. Photo by Larry Burrows/The LIFE Picture Collection via Getty Images

Kể từ thời điểm đó, tòa đại quán Hoa Kỳ và trạm CIA Sài Gòn càng hoạt động tích cực hơn như những quan sát viên của sự chuẩn bị đảo chính chính phủ VNCH. Có nhiều cuộc tiếp xúc với các tướng lĩnh Việt Nam. Tại một thời điểm, Đại sứ Lodge đích thân bảo đảm với Tướng Trần Văn Đôn rằng Conein, đặc vụ CIA là người có tiếng nói có thẩm quyền thay tòa đại sứ  Hoa Kỳ[9]. Lodge đã đóng một vai trò tích cực trong việc tháo gỡ một trong những trở ngại quan trọng nhất của cuộc đảo chính khi quân đảo chính đang tiến vào vị trí. Vào ngày 23 tháng 10, Đôn có một cuộc họp khác với Conein (Tài liệu 21), và ông ta đã yêu cầu Conein bảo đảm về lập trường của Hoa Kỳ và nhân viên tình báo đã có thể trả lời theo cách thỏa đáng với hướng dẫn của Washington. Cuộc đảo chính sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Đôn rất tức giận khi một sĩ quan QLVNCH khác, cấp dưới, nói về một cuộc đảo chính khác, đã bị chỉ huy nhóm quân đội Hoa Kỳ, Tướng Paul D. Harkins, can ngăn, trong khi câu chuyện đó đã đến tai tổng thống Diệm. Đổi lại, Conein thách thức Đôn đưa ra bằng chứng rằng nhóm đảo chính thực sự là có thực. Trở lại tòa đại sứ, Lodge vặn hỏi Harkins về sự can thiệp của ông với viên sĩ quan VNCH (Tài liệu 22). Lodge nói thẳng với Harkins rằng Hoa Kỳ, dù không khởi xướng bất kỳ cuộc đảo chính nào, nhưng tránh bất kỳ hành động nào cản trở hoặc phản đối một cuộc đảo chính. Vào ngày 24 tháng 10 (Tài liệu 23) Conein gặp lại Đôn, người xác nhận rằng Harkins đã nhận lỗi khi có vẻ như phản đối một cuộc đảo chính. Đôn khẳng định rằng tất cả các kế hoạch đã hoàn tất và đã được kiểm soát đi và kiểm soát lại.

Cơ hội cuối cùng của Washington để rút lui khỏi cuộc đảo chính ở Sài Gòn xảy ra vào ngày 29 tháng 10, khi tổng thống Kennedy tập hợp các cố vấn của mình để thảo luận thêm một lần nữa. Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia đã ghi lại một số chi tiết về sự kiện này trong cuốn báo cáo điện tử năm 2003 của chúng tôi, trong đó chúng tôi trình bày chương trình họp, băng ghi âm cuộc nói chuyện, biên bản cuộc họp NSC và hai bức điện dự thảo tới Sài Gòn mà những người tham gia cuộc họp đã xét đến (Sách điện tử 2003, Tài liệu 18, 19, 20 và 21 cộng với đoạn âm thanh). Ở đây, chúng tôi trình bày hồ sơ của Roger Hilsman về cuộc họp đó từ các hồ sơ của Bộ Ngoại giao (Tài liệu 24). Vào thời điểm cuối cùng này, Bobby Kennedy vẫn phản đối cuộc đảo chính và Maxwell Taylor đứng về phía ông, trong khi những người khác quan tâm đến thành phần của một chính quyền Sài Gòn trong tương lai, hoặc tập trung vào chiến thuật hoặc cân bằng lực lượng giữa phe đảo chính và dinh độc lập.

Trái ngược với những lo ngại bày tỏ trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc ngày 29 tháng 10, khi cuộc đảo chính bắt đầu vào ngày 1 tháng 11, tổng thống Diệm và các lực lượng của ông đã tập trung khá nhanh chóng vào Dinh Gia Long. Một lần nữa, E-book năm 2003 trình bày một loạt các tài liệu về những sự kiện này (Tài liệu 22, 23, 24, 25, 26, 27), từ các phiên họp tại Bạch Cung của Kennedy để theo dõi các sự kiện, đến các báo cáo tình hình hàng ngày của CIA, đến một bức điện liên quan đến một số phiên bản về cái chết của tổng thống Diệm và Nhu, đến một phân tích nhìn lại của CIA về việc báo chí đưa tin về cái chết của hai tổng thống Diệm và Nhu. Ở đây chúng tôi bổ túc luận văn năm 2003 với một số bằng chứng mới. Vào ngày 1 tháng 11, 2020 chúng tôi có PICL cho thấy cuộc đảo chính đang diễn ra (Tài liệu 25). Trong lúc tuyệt vọng để tự cứu mình, giữa lúc cuộc đảo chính đang diễn ra, tổng thống Diệm đã thảo một bản tuyên ngôn ra lệnh cho quân đội từ chối tất cả trừ mệnh lệnh của chính ông và triệu tập sự hậu thuẫn của những các lực lượng trung thành bên ngoài Sài Gòn (Tài liệu 26). Nhưng đã quá trễ. PICL ngày 2 tháng 11 (Tài liệu 27) ghi rằng tổng thống Diệm và Nhu đã bị giết.

Tổng thống Ngô Đình Diệm và các Tướng lãnh của ông.
Nguồn: Saigon Round Up (08 November 1963)
. guồn: William Colby Collection

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: New Light in a Dark Corner: Evidence on the Diem Coup in South Vietnam, November 1963 |  Nov 1, 2020 | Briefing Book #730 | Edited by John Prados and  Luke A. Nichter

[1] Thomas L. Hughes, telephone interview, September 12, 2020.

[2] Rufus Phillips, Why Vietnam Still Matters: An Eyewitness Account of Lessons Not Learned. Annapolis: Naval Institute Press, 2008, pp. 183-186.

[3] State cable, DepTel 412, EYES ONLY, September 15, 1963. Foreign Relations of the United States, 1961-1963, v. IV: Vietnam, August-December 1963. Ed. Edward C. Keefer. Washington: Government Printing Office, 1991, p. 212 (hereafter cited as “FRUS” with page number).

[4] Accounts of the CIA meetings with General Khiem on September 16 (CIA Saigon cable 0940) and 26 (Saigon cable 1222) appear in FRUS, IV, pp. 239-240 and 291-292.

[5] Joint Chiefs of Staff Memorandum, General Maxwell D. Taylor and Secretary Robert C. McNamara-President John F. Kennedy, October 2, 1963. FRUS, IV, pp. 336-346.

[6]  Vietnam, 1954-1963. Central Intelligence Agency: Center for the Study of Intelligence, 2000 (declassified February 19, 2009), p. 195.

[7] CIA, Saigon cable 1447, October 5, 1963, cited in Thomas L. Ahern, CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963. Central Intelligence Agency: Center for the Study of Intelligence, 2000 (declassified February 19, 2009), p. 195.

[8] This quote appears in the Church Committee’s interim report on Alleged Assassination Plots Involving Foreign Leaders (p. 221), as well as the note card we present here, compiled by committee staffer Rhett Dawson on June 29, 1975. The quote has been used in virtually every account of the Diem coup written since that time. I have been unable to find the claimed McCone quote in any contemporary record. Similarly, Alleged Assassination Plots quotes two CIA cables sent to Saigon, respectively, on October 5 and 6, of which only the latter message seems to exist in the public domain (DIR 73661, here presented as Document 19). Neither message, nor the McCone quote, appears in the Foreign Relations of the United States for example, and only the October 6 cable is in a study the agency’s Inspector General subsequently did of the Diem coup.

[9] Document number deleted, October 28, 1963, FRUS, v. IV, p. 449.