Ki-tô giáo của người Mỹ da trắng cần phải thành thật về lịch sử của nó về chủ nghĩa da trắng thượng đẳng

Carey Wallace | DCVOnline

Tuyên bố rằng đám khủng bố không phải là chúng ta có thể giúp những người theo đạo Thiên chúa Mỹ đánh lui làn sóng xấu hổ và sợ hãi mà chúng ta cảm thấy khi được tiết lộ sự thật xấu xa về những gì chúng ta đã là một phần tử trong suốt thời gian qua.

Nhưng nó sẽ không cứu được sinh mệnh của giáo hội Mỹ.

Và nó sẽ không bao giờ giúp chúng ta tự do trở thành bất cứ thứ gì tốt hơn những gì chúng ta hiện là.

Người ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cầu nguyện bên ngoài Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 06 tháng 1 ở Washington D.C. Ảnh: Win McNamee — Getty Images

Trong vài ngày qua, tôi đã thấy đủ loại tuyên bố từ giới lãnh đạo Thiên chúa giáo đang cố gắng tách khỏi đám đông nổi loạn ở Điện Capitol. Các tác giả Ki-tô giáo nổi tiếng với tính chín chắn của họ đã than thở rằng “bằng cách nào đó” chue nghĩa da trắng thượng đẳng đã len lỏi vào nhà thờ của chúng ta, và ban giảng huấn của một viện truyền giáo lớn đã đưa ra một tuyên ngôn rằng sự kiện bại động ở Điện Capitol “hoàn toàn không giống với” Cơ đốc giáo mà họ giảng dạy. Đám đông đó, họ nói với chúng tôi, là một phần tử ngoài rìa. Họ đã hoàn toàn hiểu sai thông điệp thực sự của Thiên chúa giáo Hoa Kỳ.

Điều này hoàn toàn không đúng.

Tôi tin rằng đám nổi loạn ở Điện Capitol đã hoàn toàn hiểu sai về những lời dạy và cuộc đời của Chúa Giê-su. Nhưng đó là một kết luận hoàn toàn hợp lý theo Cơ đốc giáo của người Mỹ da trắng.

Hàng trăm năm trước, Giáo hội đã đặt nền móng cho sự đánh cắp ở châu Mỹ, nô lệ hóa người châu Phi và thổ dân châu Mỹ, và hàng thế kỷ với chính sách thuộc địa tàn bạo trên toàn thế giới, với học thuyết rằng chiếm đất và lấy đi sự tự do của những người không theo đạo Thiên chúa Là chuyện OK

Trong thập kỷ đầu tiên của họ trên lục địa này (châu Mỹ), phong trào thánh thiện của người Thanh giáo, những người tự nhủ rằng họ sẽ đến “thế giới mới” này để truyền bá phúc âm, đã gần như tiêu diệt những bộ lạc người Pequot và bắt nhiều người sống sót trở thành nô lệ. Và Roger Williams, mục sư  Massachusetts, người người đầu tiên ủng hộ tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước (thần quyền tách khỏi thế quyền), đã bị những người đồng đạo trục xuất khỏi thuộc địa của mình vì phản đối chính sách của chính phủ nhằm thực thi bốn điều đầu tiên trong Mười Điều Răn, từ chối tuyên thệ trung thành với chính phủ Massachusetts và đọc kinh cho bữa ăn của mình không đúng lúc. Cô đơn và bệnh tật, ông đi trốn vào mùa đông ở New England, và suýt chết. Mặc dù những người đồng đạoThanh giáo của ông vẫn đãi bôi ​​rằng họ đến châu Mỹ để chia sẻ ánh sáng của Đấng Ki-tô, nhưng ông là người duy nhất bận tâm tìm hiểu các phong tục hoặc ngôn ngữ địa phương. Được những người Narragansett cứu sống vào mùa đông năm đó (1636), ông qua đời nhiều năm sau đó (1683) không có cả nhà thờ.

Học thuyết của Williams về sự tách biệt nhà thờ và nhà nước cuối cùng đã được ghi vào Hiến pháp Hoa Kỳ. Và Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson phản ảnh ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiên chúa giáo tại các thuộc địa của Mỹ, bằng cách đặt nền tảng các quyền mà Cơ đốc giáo đòi hỏi nhân danh là những tạo vật của Chúa. Nhưng Tuyên ngôn Độc lập cũng mô tả người Mỹ bản địa là “những người da đỏ man rợ tàn nhẫn,” và Hiến pháp xác định người Mỹ gốc châu Phi chỉ bằng ba phần năm của một người (da trắng). Bất chấp sự sùng đạo của quần chúng từ rất sớm của Mỹ, quốc gia này rõ ràng được thành lập dựa trên ý tưởng rằng những người dựng nông trại, xây đường xá, thành phố và của cải, không có tự do hoặc không được trả công, không phải là con người. Và bất chấp sự khăng khăng của Jefferson về sự bình đẳng của “đàn ông” trong mắt Chúa, tài sản của chính ông đến từ một nhà máy mà ông dùng sức lao động của những đứa trẻ nô lệ.

Những mô tả đa cảm về đức tin Cơ đốc của những người nô lệ rất phổ biến trong cộng đồng Cơ đốc nhân Hoa Kỳ và truyền thống phong phú của âm nhạc phúc âm, có lẽ là đóng góp lớn nhất của Hoa Kỳ cho văn hóa thế giới hoặc giáo hội, được  những người sống trong chế độ nô lệ Hoa Kỳ sáng tạo. Nhưng những người sống trong chế độ nô lệ ở Mỹ đã không bắt đầu trở thành người Thiên chúa giáo với số lượng lớn cho đến khoảng năm 1800, bởi vì những người bắt giữ nô lệ ở Mỹ tránh không rao giảng dạy dỗ của Thiên chúa giáo với những người mà họ bắt làm nô lệ, để họ không rơi vào tình trạng giam cầm những người đồng đạo làm nô lệ, như thế họ có thể buộc phải từ bỏ “tài sản” của mình.

Đối với những người sớm lên tiếng chống lại chế độ nô lệ trong giáo hội ở Mỹ, họ phải trả một giá rất cao. Benjamin Lay, người đã khiến Quakers trở thành những kẻ theo chủ nghĩa bãi nô với những pha nguy hiểm như đứng chân trần trong tuyết bên ngoài nhà thờ vào buổi sáng Chủ nhật

để nhắc nhở những Cơ đốc nhân tốt về tình trạng của những người mà họ bắt làm nô lệ ở nhà, đã chết không được đón tiếp với tư cách là một thành viên trong bất kỳ nhà thờ Quaker nào .

Trong phần lớn lịch sử Hoa Kỳ, các mục sư Ki-tô giáo đã rao giảng với sự say mê và mạnh mẽ ủng hộ chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc và quyền tối cao của người da trắng. Thậm chí không phải tất cả những người Thiên chúa giáo theo chủ nghĩa bãi nô đều bị thuyết phục về giá trị con người toàn vẹn của những người mà họ đấu tranh để giải phóng. Ku Klux Klan là một phong trào ăn sâu, bắt rễ trong giáo hội, ở cả miền Bắc và miền Nam.

Ngày 28 tháng 8 năm 1963: Hàng trăm nghìn người biểu tình đi xuống Đại lộ Hiến pháp trong cuộc Tuần hành đòi Việc làm và Tự do ở Washington. Ảnh: Hulton Archive

Khi các giáo sĩ Cơ đốc giáo da đen tổ chức cuộc Tuần hành năm 1963 tại Washington, nơi Martin Luther King, Jr., một mục sư Baptist, đọc bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ”, Tổ chức Cơ đốc giáo Ngày nay, do Billy Graham thành lập trước đó chưa đầy một thập kỷ, và chủ biên lúc đó là một trong những nhà thần học nổi tiếng nhất của giới truyền giáo, Carl F.H. Henry, gọi nó là “một bọn du thủ du thực.”

Ngày nay, các khu dân cư ở Mỹ tách biệt hơn so với những năm ngay sau Nội chiến. Nhưng các nhà thờ thậm chí còn tách biệt hơn so với phần còn lại của xã hội. Buổi sáng Chủ nhật, khi mọi người đi lễ, là một trong những giờ tách biệt nhất ở Mỹ.

Đây không phải là những sai lệch nhỏ, những chú thích bên lề cho lịch sử của chúng ta, với tư cách là một quốc gia hay một giáo hội. Quyền tối cao của người da trắng, phân biệt chủng tộc và tách biệt vì màu da là một căn bệnh ung thư chạy trong suốt các cơ quan chính của chúng ta. Và sự thờ ơ của chúng ta đối với căn bệnh ung thư đó, hoặc sự thoải mái của chúng ta với căn bệnh, thỏa hiệp và đe dọa giết chết tất cả những điều tốt đẹp khác mà chúng ta hy vọng làm được.

Chúng ta không thể loại bỏ chúng bằng cách giả vờ rằng chúng không phải là trọng tâm trong lịch sử của chúng ta và là trọng tâm của cách chúng ta sống ngày nay. Và trong trái tim của chúng ta, chúng ta biết chsung đang hiện hữu. Đó là lý do tại sao rất nhiều tổ chức và các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo đã không lên tiếng trực tiếp chống lại sự phân biệt chủng tộc và quyền tối cao của người da trắng, thay vào đó, những ngày gần đây họ đã ẩn trốn trong những lời kêu gọi cầu nguyện và hàn gắn mơ hồ. Chúng ta biết nếu chúng ta đối đầu trực tiếp với những tội lỗi cơ bản này của người Mỹ, những người ủng hộ họ sẽ có những cơn động kinh có thể xé nát các thể chế của chúng ta — và đánh bật chúng ta khỏi vị trí mà chúng ta thèm muốn.

Nhưng không thể hàn gắn nếu không có cuộc đối đầu trực tiếp này. Chúng ta không thể chữa khỏi ung thư bằng cách giả vờ rằng nó không có ở đó. Giáo hội của người Mỹ da trắng không thể giả vờ rằng đám đông ở Điện Capitol không phải là một phần của chúng ta.

Nó chính là chúng ta.

Để có hy vọng chữa lành, chúng ta phải thừa nhận sự thật đó. Chúng ta phải thừa nhận sự thiếu hiểu biết của chính mình. Sự thờ ơ của chính chúng ta. Sự khó chịu của chính chúng ta với những người khác với chúng ta. Mong muốn của chúng ta là tin rằng chúng ta tốt hơn tất cả những người khác. Sự sẵn sàng của chúng ta để lấy những thứ không phải của chúng ta và giữ những thứ chúng ta không làm ra. Sự chúng ta đã cong lưng xuống quá thấp để nói dối về bản thân. Chúng ta sẵn sàng dùng bạo lực để đạt được những gì chúng ta muốn. Chúng ta sẵn sàng quay lưng khi bạo lực đàn áp người khác, vì nó có lợi cho chúng ta.

Là người Ki-tô giáo, chúng ta phải mạnh mẽ, công khai nêu tên và phủ nhận những điều này. Chúng ta phải trung thực về lịch sử lâu đời của những sai lầm đó và độ sâu của chúng. Và sẽ mất nhiều công sức để diệt trừ chúng.

Ngày 28 tháng 8 năm 1963:Tôi có một Giấc mơ, Dr. Martin Luther King Jr. Ảnh: ABC News

Và chúng ta phải làm công việc đó.

Tuyên bố rằng đám khủng bố không phải là chúng ta có thể giúp những người theo đạo Thiên chúa Mỹ đánh lui làn sóng xấu hổ và sợ hãi mà chúng ta cảm thấy khi được tiết lộ sự thật xấu xa về những gì chúng ta đã là một phần tử trong suốt thời gian qua.

Nhưng nó sẽ không cứu được sinh mệnh của giáo hội Mỹ.

Và nó sẽ không bao giờ giúp chúng ta tự do trở thành bất cứ thứ gì tốt hơn những gì chúng ta hiện là.

Tác giả | Carey Wallace là một tác giả làm việc ở giao điểm của nghệ thuật, đức tin và công lý. Bà lớn lên ở thị trấn nhỏ ở Michigan và sống và làm việc ở Brooklyn.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: White American Christianity Needs to Be Honest About Its History of White Supremacy | Carey Wallace | TIME | January 14, 2021.