Các nhà sư Myanmar hỗn chiến cho thấy những Phật tử theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ cuộc đảo chính

DCVOnline (Tin Bloomberg)

YANGON (BLOOMBERG) — Các tu viện Phật giáo thường được biết đến là nơi tĩnh tâm và thiền định. Nhưng một trong những thành phố lớn nhất của Myanmar đã trở thành địa điểm của một cuộc ẩu đả sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2.

Các nhà sư Phật giáo biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự Myanmar ở Yangon vào ngày 24 tháng Hai, 2021. Ảnh AP

Các nhà sư nằm trong nhóm người dùng ná cao su để bắn và gây thương tích cho những người biểu tình chống đảo chính đã đến Tu viện Bingalar ở Yangon vào ngày 18 tháng 2 để tìm những người đàn ông mặc áo nhà tu trước đó đã đánh một người biểu tình. Đám đông còn dùng gậy lớn đập phá ô tô đang cản trở giao thông gần đó.

Kaythara, trụ trì của nhóm Phật giáo dân tộc chủ nghĩa Wirawintha, biết những kẻ tấn công nhưng không có mặt trong trận hỗn chiến,cho biết các nhà sư và những người ủng hộ họ “không thể kiềm chế được mình”. Ông biện hộ cho quân đội, gọi là Tatmadaw, lặp lại lý thuyết của họ rằng đảng của nhân vật lãnh đạo dân sự hiện đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi đã đánh cắp cuộc bầu cử tháng 11 bằng cách gian lận cử tri hàng loạt.

Kaythara nói:

“Những người khác nhau có quan điểm khác nhau về việc Tatmadaw đảo chính. Tatmadaw phải thực hiện trách nhiệm của họ theo hiến pháp.”

Kaythara

Vụ biểu tình và bạo động cho thấy một luồng chủ nghĩa dân tộc tôn giáo mà các tướng lĩnh của Myanmar đang khai thác để đạt được tính hợp pháp và dập tắt các cuộc biểu tình hậu đảo chính khiến hơn 60 người thiệt mạng. Điều đó có nguy cơ làm tái sinh một phong trào có lịch sử bạo lực giáo phái ở một quốc gia vốn đã bị chia rẽ giữa phe ủng hộ và phe phản đối quân đội.

Với tín đồ Phật giáo chiếm khoảng 90% trong số 54 triệu dân Myanmar, dòng tu, hay Tăng đoàn, đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra tính hợp pháp cho việc cai trị. Và trong nhiều thập kỷ, nó đã bị kẹt giữa cuộc đấu tranh tư tưởng căng thẳng giữa quân đội và các lực lượng tự do hơn ở Myanmar.

Mối quan hệ cộng sinh

Ông Richard Horsey, người phân tích chính trị và cố vấn cao cấp của International Crisis Group, cho biết:

“Luôn luôn có một mối quan hệ cộng sinh ở Myanmar giữa các nhà cầm quyền, vua, chính phủ, chế độ và các nhà sư Phật giáo.

Quân đội sẽ dựa vào mối quan hệ với ít nhất một bộ phận của Tăng đoàn để hợp pháp hóa quyền cai trị của họ, cung cấp các dịch vụ tôn giáo cho chế độ và các nhà lãnh đạo của họ, v.v.”

Richard Horsey

Quân đội đã tìm cách tăng cường uy tín với tôn giáo và nhóm theo chủ nghĩa dân tộc kể từ cuộc đảo chính. Truyền thông nhà nước thường xuyên đưa tin về các hoạt động do các viên chức thực hiện, chẳng hạn như dọn dẹp các ngôi chùa khi quân đội gấp rút mở cửa trở lại sau khi nắm chính quyền.

Người phát ngôn của quân đội Myanmar đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo và văn hóa mới được bổ nhiệm đã gặp gỡ và tặng tiền mặt cho Sitagu Sayadaw, một nhà sư có ảnh hưởng, và đã cổ vũ cho luận điệu chống người Rohingya.

Tổng tư lệnh quân đội, Thượng tướng Min Aung Hlaing và vợ, Daw Kyu Kyu Hla chụp ảnh cùng Sitagu Sayartaw sau khi quyên góp cho Học viện Phật giáo Quốc tế Sitagu vào năm 2019. Ảnh- Báo nhà nước

Quân đội đã cài đặt những người có cảm tình với chủ nghĩa dân tộc vào các vị trí chủ chốt của chính phủ và thả những tiếng nói chống người Hồi giáo nổi tiếng ra khỏi nhà tù như một phần của lệnh ân xá chung cho hơn 23.000 tù nhân.

Winnie Thaw, người vừa tốt nghiệp ngành chính trị từ một trường đại học Anh, cho biết:

“Tôn giáo và thế quyền luôn bị tròng chéo tại Myanmar. Và điều đó khiên nó không có khả năng thay đổi dưới chính quyền quân sự mới.”

Winnie Thaw

Các nhà sư ủng hộ dân chủ là động lực chính trong các cuộc biểu tình chống chính quyền trong cuộc nổi dậy đẫm máu năm 1988, và cũng đã giúp dẫn đầu các cuộc biểu tình năm 2007 được mệnh danh là Cách mạng Nghệ vì màu áo cà sa của họ.

Một số người trong số họ đã đi đầu trong các cuộc biểu tình gần đây, dẫn đầu những người biểu tình ở các thành phố lớn và cầm các biểu ngữ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác.

Nhưng một nhóm các nhà sư theo dân tộc chủ nghĩa khác đang hậu thuẫn cho quân đội. Theo một báo cáo năm 2017 của International Crisis Group, sự căng thẳng này coi chính phủ của bà Suu Kyi là cổ súy quan điểm tự do của phương Tây nhằm nâng cao tính đa dạng tôn giáo hơn là bảo vệ đức tin Phật giáo.

Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Rohingya lên đến đỉnh điểm vào năm 2017, bạo lực giáo phái giữa người theo đạo Phật và người Hồi giáo đã âm ỉ từ lâu. Trong một ví dụ, hàng chục người đã chết trong cuộc bạo loạn năm 2012 do vụ hãm hiếp và giết hại một phụ nữ sắc tộc thiểu số ở Rakhine, miền tây Myanmar sau khi các nhà sư phân phát các tập sách nhỏ cáo buộc các thành viên của nhóm thiểu số Hồi giáo phải chịu trách nhiệm về tội ác này.

Ngay sau khi lên nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt vào năm 2015, chính phủ của bà Suu Kyi đã cố gắng liên kết với các nhóm gồm cả Hội Yêu nước do các nhà sư lãnh đạo — khi đó được gọi là Ma Ba Tha – yêu cầu họ giảm bớt các luận điệu chống Hồi giáo.

Vào thời điểm đó, bà mới tham gia thỏa thuận chia sẻ quyền lực với quân đội: quân đội được hiến pháp đảm bảo 25% số ghế quốc hội — đưa ra quyền phủ quyết có hiệu lực đối với bất kỳ sửa đổi nào.

Tiến sĩ Melyn McKay, một nhà nghiên cứu nhân chủng học tại Đại học Oxford đã xuất bản công trình về chủ nghĩa dân tộc Phật giáo của Myanmar, cho biết, nhưng nhiều người ủng hộ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi cảm thấy việc làm đó chưa đủ để “bảo đảm vị trí đặc biệt và được bảo vệ của Phật giáo trong đời sống công cộng.”

Các nhà sư Phật giáo chào ba ngón tay khi họ  biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự và yêu cầu trả tự do cho người lãnh đạo đã đắc cử Aung San Suu Kyi, ở Yangon, vào ngày 8 tháng 2 năm 2021. ẢNH: REUTERS

Thống nhất đấu tranh

Hành động để tìm thế cân bằng của bà Suu Kyi nhằm giành chiến thắng trước các phe phái dân tộc chủ nghĩa đồng thời hạ nhiệt các luận điệu chống Hồi giáo đã trở thành điều không thể chấp nhận được vào năm 2017 sau khi các chiến binh Rohingya tấn công các tiền đồn của cảnh sát và quân đội ở bang Rakhine, tăng cường sự ủng hộ của công chúng đối với quân đội.

Bà Suu Kyi tiếp tục lên tiếng bảo vệ các tướng lĩnh tại Tòa án Quốc tế trước những cáo buộc về tội diệt chủng, vốn đã làm tăng danh tiếng của bà ở quê nhà và nó đã hạ danh giá quốc tế của bà. Theo Tiến sĩ McKay ở Đại học Oxford. niềm tin rằng Phật giáo đang bị đe dọa bằng cách nào đó

“có thể được lôi kéo bởi các tác nhân chính trị như một phương tiện xây dựng sự ủng hộ, nhưng để làm được điều đó thành công chính phủ cầm quyền phải hành động vì lợi ích tốt nhất của người dân Phật tử.”

Tiến sĩ Melyn McKa

Bà Khin San Hlaing, thành viên ủy ban điều hành trung ương của NLD, cho biết ngay cả khi những chiến thuật gây chia rẽ như vậy trước đây có hiệu quả thì lần này chúng có thể không nhất thiết hiệu quả. Bà nói:

“Những nỗ lực của họ nhằm dùng tôn giáo như một công cụ để khuấy động hỗn loạn sẽ không mang lại hiệu quả như họ mong đợi.

Mọi người đang bảo vệ lẫn nhau, bất kể tôn giáo hay quốc tịch, bởi vì tất cả họ đang chiến đấu cho sự kết thúc của chế độ độc tài quân phiệt.”

Khin San Hlaing
Người biểu tình mang biểu ngữ trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Mandalay, Myanmar vào ngày 7 tháng 3 năm 2021. Ảnh: EPA-EFE

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Brawling Myanmar monks show Buddhist nationalists backing coup | Jimmy Quinn | National Review | Feb 24, 2021.