Về một câu ca
Mai Siêu Phong
“Muốn về Soi Bún ăn dưa
Lại e Soi Bún đãi đưa nhiều lời.”
Soi Búng
Hôm nọ đi thăm đám ma bà ngoại vợ anh Giám đốc Thư viện tỉnh. Ngồi chơi với nhà đám có hỏi thăm vài câu cho vui đám;
– Cụ nhà, quê gốc ở đâu anh?
– Bà tôi quê gốc ở Soi Bún; ông biết Soi Bún ở đâu không?
– Biết, ngày trước Soi Bún nguyên ở Nguyệt tiên Đông Thôn thuộc Thượng Tổng Đồng Xuân huyện,
Phú Yên Tỉnh, có hai Giáp (Nhứt Nhì ) có diện tích 116 mẫu 6 sào; sau không hiểu thế nào lại gọi là Nguyệt Lãng thuộc Hoà Thắng xã, đến khi Tây qua không biết hương chức ấm ớ hội tề thế nào lại gọi là Ngọc Lãng chết tên luôn. Giờ thì Ngọc Lãng thuộc Bình Ngọc.
Nói thì nói vậy cho vui chuyện với nhà đám chớ tôi định hôm nào thưa lại với ông anh Giám đốc rằng: địa danh Soi bún là cách gọi dân gian chớ nguyên đó là Soi Búng (1), bãi soi có nhiều búng nằm ở phía Nam cồn Lương, các vũng búng sâu hoắy do sông Cái khoét trong những ngày lụt.
Cũng chẳng trách ai gọi trật Soi Búng thành Soi Bún được vì câu ca dao quen miệng đã ngoài trăm năm:
“Muốn về Soi Bún ăn dưa
lại e Soi Bún đãi đưa nhiều lời.”
Tui lúc nhỏ có hỏi chơi các anh lớn chữ nghĩa đầy mình:
– Sao gọi là Soi bún mấy anh?
– Thằng này ngu hết biết! Chỗ người ta làm bún ở soi thì kêu lâu thành tên là soi bún chớ sao!
Nghe vậy thì hay vậy, hổng giám cãi mấy nình anh, chớ tui nghĩ, làm bún đâu phải nấu thuốc phiện, nấu rựơu hay làm hàng quốc cấm mà phải ra soi, ra chỗ đồng không mông quạnh, chó ngáp không trúng ruồi. Làm bún ngày trước phải ngâm gạo cả ngày, kéo cối xay tóe khói, canh một, canh hai dậy ép bún, phì phò cho kịp sáng, nước rửa cối xay, nước nồi trụng bún tận dụng pha cám lớ đổ cho heo ăn thì dắt nhau ra ra soi ra bãi làm gì? Nghĩ vậy mà không dám cãi sợ các anh mắng
Ai cũng gọi Soi Bún; Thầy Tám, Ông Thầy dạy học cho cả làng tôi mấy đời cũng nói “Bữa nay cho mấy trò về sớm, Thầy mắc qua Soi Bún ăn giỗ. Đứa nào chạy trước nói Ông sáu Bầu chờ đò cho Thầy qua Soi Bún.”
Nhưng bà mẹ của Thầy thì nói khác “Mấy trò nghỉ sớm thì dìa liền nhà, đừng lậu qua soi, sụp búng chết cha tụi bay.” Tụi trò nhỏ sụp búng mà chết cha tụi nó, lão sư mẫu chửi một mà chết hai. Ngày đó sông Chùa mùa cạn tụi tôi lội qua Soi Bún chỉ ướt chim chút đỉnh. Nhưng lang thang mò ra sông cái tắm thỉnh thoảng có đứa sụp các vũng sâu gần bờ mà người ta gọi là búng, sụp búng, chết mất ngáp.
Không biết từ nguyên dân gian hoán chuyển âm vị Búng thành Bún lúc nào mà để các anh lớn mắng tui dốt mà ưa sanh sự. Dốt thì thì tui chịu dốt chớ tui cãi được mới thôi.
Soi bún nguyên từ địa danh Soi Búng, dân gian gọi sai lâu ngày không sửa được, ai đó biên tập dân ca, ca dao Phú Yên, soạn địa chí nhớ chú thích giùm cho rõ, xin thành thật biết ơn.
***
Cá mòi, rau răm
Tui có thằng cháu nhỏ ưa nghe hát ru lúc ngủ. Ba nó la: mày lớn rồi mà còn bày đặt ! Nó cười khè, mắt lim dim nói: vậy mới dễ ngủ chớ!
Bữa nọ tôi ru láp dáp, “Tiếng đồn con gái Phú Yên / Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi…”
Ru tới đó tui chợt giựt mình nín khe, tìm câu ru khác vì thằng nhỏ này ưa hỏi chận họng; ru hết câu nó hỏi liền mấy cái vì sao với lại tại sao thì á khẩu. Chờ nó rời quê theo cha nó dô sài gòn kiếm ăn, tui lục lọi tứ tung coi thử vì sao mà:
Tiếng đồn con gái Phú Yên
Đồng nai đi cưới một thiên cá mòi
Chẳng tin giở quả ra coi
Rau răm ở dưới cá mòi ở trên.
Coi thử vì sao mà con gái Phú Yên gặp thằng bợm Đồng Nai nào đó đi cưới vợ, lễ vật có vỏn vẹn một thiên cá mà nó nỡ độn rau răm như cơm độn sắn lát hồi nẳm.
Câu hò xạo này có người đã bình luận véo von
“…Nhưng rồi, chân trời mỗi ngày một rộng mở. Và lần này ngọn cỏ đồng ta bị con trâu đồng người xâm phạm. Nội việc ấy đã lạ rồi. Chàng trai Đồng Nai Hạ đã không ngại xa xôi, mang món đặc sản cá mòi ra làm quả sính lễ, không quên kèm theo rau răm cho hợp khẩu vị, cho đúng điệu ăn chơi. Tiếng đồn là như vậy. Ai không tin cứ giở quả ra coi. Phải chăng người Phú Yên quá đỗi thật thà ?…” (2)
Quả thật Đồng Nai ở cái thời cá mòi còn lềnh khênh đó nó rộng bao la . “Rồng chầu ngoài Huế/ ngựa tế Đồng nai…” Cụ Vương có bảo:
“Đồng nai còn gọi là Lộc Dã, đọc theo giọng Trung quốc là Nồng nại. Thủy thổ cũ của nước Chân lạp. Ngày nay lấy theo nghĩa rộng là đất Nam kỳ lục tỉnh, nghĩa hẹp là ba tỉnh miền Đông Nam kỳ tức Bà rịa, Biên hòa và Gia định”(3)
Đồng Nai đã rộng làm vậy thì nói thêm Đồng Nai Thượng, Đồng Nai Hạ kiểu trào Tây làm chi cho rối câu ca.
Câu ca này Miền Trong có nhiều bài na ná:
“Tiếng đồn chị Bảy có duyên
anh Bảy đi cưới một thiên cá mòi
Không tin giở hộp ra coi
Rau răm ở dưới cá mòi ở trên.”
Ông Lê Trung Hoa (4) cho đó là một dị bản sai lạc của câu
“Má ơi, con má chính chuyên
ghe hầu đi nói một thiên tiền đòi
không tin giở hộp ra coi
Đôi bông ở dưới, tiền đòi ở trên.”
Tui thì tui nghĩ:
Ngày trước mấy chú ghe bầu chở gạo, chở mắm tự Đồng Nai ra trong lúc chờ bán hàng, bán họ, thấy mấy cô Phú Yên đi qua bến thì buông lời trêu ghẹo:
“Anh ngồi đầm Ô ngó vô cửa Mỹ
Thấy miệng em cười mủ mỷ mà thương…”
Ghẹo người không được thì hát xỏ lá cho người ta tức, chọc bỏ ghét bằng mấy câu hò láp dáp, nhớ mạy đâu đó lúc còn ở xứ Đồng Nai mênh mông
“Tiếng đồn con gái Phú Yên
Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi
Không tin giở quả ra coi
Rau răm ở dưới cá mòi ở trên.”
Cá Mòi nướng dầm mắm ớt tỏi, nấu ngọt, nấu mẵn kẹp thêm rau răm làm gì! Đúng điệu ăn chơi thì rau răm phải cặp kè với hột vịt lộn chớ. Dẫn câu hát đời xưa đi quá xa làm lẫn lộn hết trơn hết trọi. Em cháu nó hỏi lại là á khẩu.
Nguồn:
– Nói về một câu ca. Mai Siêu Phong, Chim Việt Cành Nam.
– Lại nói về một câu ca. Mai Siêu Phong, Chim Việt Cành Nam
(1) Búng (nôm) chỗ nước sâu làm ra một vùng (Đại Nam quấc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Paulus Của)
(2) Ca dao Dân ca trên vùng đất Phú Yên – Sở Khoa học- Công nghệ- Môi trường , Hội văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc Phú Yên 8-1996.
(3) Vương Hồng Sển Tự vị Tiếng Việt Miền nam, Nhà XB Văn Hóa 12-1993.
(4) PGS TS Lê Trung Hoa, Cửa sổ tri thức NXB Trẻ 11-2005