Thượng viện Canada đã thông qua Dự luật “Hành trình tìm Tự do”

Mike Blanchfield | DCVOnline lược dịch và bổ túc

senateOTTAWA – Thượng viện Canada đã thông qua dự luật ít người biết do một Thượng nghị sĩ đảng Bảo Thủ [đương cầm quyền] bảo trợ là trung tâm của cuộc tranh cãi ngoại giao ngày càng tăng giữa Canada và Việt Nam.

Ảnh Thượng viện Canada trong một phiên họp. Nguồn: CP
Ảnh Thượng viện Canada trong một phiên họp. Nguồn: CP

Chính phủ Việt Nam đang phản đối dự luật kể trên, cảnh báo rằng nó có thể gây bất lợi cho quan hệ thương mại và đầu tư của Canada với Việt Nam.

Dự luật này công nhận 30 tháng 4 là một ngày quốc lễ để kỷ niệm làn sóng di tản của người tị nạn cộng sản Việt Nam và việc họ được Canada chấp nhận sau khi Sài Gòn sụp đổ cuối tháng Tư 1975, rơi vào tay lực lượng cộng sản Bắc Việt – kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Chính phủ Harper đã đặt ưu tiên việc phát triển sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với châu Á, và Việt Nam chắc chắn là một lực lượng trong khu vực.

Việt Nam là thành viên của các tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và là một trong những quốc gia đang tham gia các cuộc đàm phán thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dự luật Senate Bill S-219 do Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Bảo thủ Ngô Thanh Hải bảo trợ, đã được thông qua đêm thứ Hai với tỉ số 45 thuận-4 chống-14 không bỏ phiếu. Sau đó, dự luật này sẽ được chuyển đến Hạ viện, và không rõ khi nào hay ngay cả việc nó có được đem ra thảo luận hay không.

Nếu dự luật này được Hạ Viện Canada thông qua, ông Vũ Viết Dũng, một nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Ottawa, cho biết nó sẽ

“Có tác động xấu đến quan hệ song phương đang phát triển giữa Việt Nam và Canada, cũng như những nỗ lực nằm để mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta, gồm cả quan hệ đầu tư và thương mại.”

Trong một trả lời bằng email, ông Vũ Viết Dũng nói thêm,

“Nó sẽ gửi thông điệp sai đến quần chúng Việt Nam và cộng đồng quốc tế về thiện chí của Canada đối với đất nước của chúng tôi.”

Đại sứ Việt Nam Tô Anh Dũng bày tỏ “quan tâm” với Bộ trưởng Ngoại giao John Baird về dự luật này gần đây nhất là vào đêm thứ Hai tại một buổi tiếp tân ở Quốc hội Canada, ông Vũ nói.

“Chính phủ Việt Nam (kể cả đại sứ quán) đã trình bày nhiều lần với đại diện các cấp khác nhau của chính phủ Canada và giới lãnh đạo của Quốc hội bày tỏ mối quan tâm nghiêm trọng của chúng tôi về ngôn từ và mục đích của dự luật này,” ông nói.

Phát ngôn viên của Bộ trưởng Baird, Adam Hodge, nói Việt Nam là một “đối tác mạnh và dược quý trọng”, kể cả trong các cuộc đàm phán TPP.

Đại sứ Việt Nam tại Canada và Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã viết thư riêng cho chính phủ Canada để bày tỏ sự quan tâm của họ.

Trong một bức thư gửi cho Ủy ban nhân quyền của Thượng viện, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam đã cảnh báo rằng dự luật này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khát vọng kinh tế của chính phủ vì nó sẽ gây chia rẽ giữa người Canada gốc Việt.

Giám đốc của Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, bà Nguyễn Đài Trang viết,

“Dự luật này không những chỉ làm hỏng mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mà còn có tác động tiêu cực mạnh mẽ hơn nữa là gây chia rẽ thêm một cộng đồng đã bị khủng bố và rạn nứt. Rồi nó lần lượt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Canada, do vai trò quan trọng của người dân Canada gốc Việt trong việc hỗ trợ các liên kết thương mại.”

[Bà Đài Trang không khai triển thêm ai đã khủng bố cộng đồng người Canada gốc Việt và những gì đã làm rạn nứt cộng đồng này – DCVOnline]

Bà Trang nói dự luật này phản ảnh quan điểm của ít hơn 5% số dân Canada gốc Việt và cổ xúy một cái nhìn “của quá khứ, của hận thù, của phiền não, đưa đến việc bỏ bê hạnh phúc của các thế hệ tương lai.”

[DCVOnline không xác định được “kết quả thăm dò” (5%) mà bà GĐ Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam tuyên bố ở trên.]

Chủ tịch đảng Tự do ở thượng viện, TNS James Cowan, cáo buộc phe chính quyền đã chặn không để Đại sứ CHXHCN Việt Nam điều trần trước Thượng viện về mối quan tâm của ông ta.

Trong tuyên bố ở thượng viện vào đêm thứ Hai, nghị sĩ Cowan cho biết ông không có ý kiến về dự luật, thuận hay chống, nhưng ông sẽ không bỏ phiếu để phản đối cung cách dự luật này đã được nghiên cứu.

“Chính phủ chỉ cho phép nhân chứng ủng hộ dự luật đó ra điều trần trước ủy ban. Nhiều cá nhân, kể cả Đại sứ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã yêu cầu được cơ hội điều trần, và chính phủ đã không cho họ cơ hội đó.”

Những Thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ đã không lên tiếng phản biện nhận định của nghị sĩ Cowan.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba, TNS Cowan đặt vấn đề làm thế nào chính phủ có thể chấp thuận thông qua một dự luật gây tranh cãi như vậy khi họ đang cố gắng để phát triển kinh tế trong khu vực châu Á, có cả Việt Nam. Ông nói,

“Chúng ta đang cố gắng để cải thiện quan hệ với Việt Nam. Chúng ta đã ký một bản ghi nhớ để tăng cường thương mại và kết nối văn hóa. Tại sao người ta lại muốn khuấy động chia rẽ? Tôi không hiểu.”

Một nghị sĩ khác cùng đảng Tự do, TNS Jim Munson, một ký giả hồi hưu đã từng đưa tin, phỏng vấn người Việt tị nạn cộng sản tạm trú ở Hong Kong và rất thông cảm với họ và hiểu rõ tại sao Canada đã đón nhận thuyền nhân Việt Nam tị nạn cộng sản, nhưng ông cũng không bỏ phiếu để phản đối Ủy ban Nhân quyền Thượng viện Canada đã chối từ quyền tự do ngôn luận. TNS Munson cho biết đây là lần đầu tiên ông không bỏ phiếu suốt 11 năm trong trách nhiệm một TNS Canada. Ông không bỏ phiếu không phải vì mục đích của TNS Ngô Thanh Hải khi đệ trình dự luật này.

Ông Hodge, phát ngôn viên của Ngoại trưởng Baird, đã nhắc lại một bình luận trước đây là dự luật đó “không phải là một dự luật của chính phủ” và tất cả dân biểu và thượng nghị sĩ đều có tự do để trình dự luật tư nhân.

Bốn phiếu chống dự luật S-219 là của các TNS, Art Eggleton (Tự do), George Furey (Tự do), Céline Hervieux-Payette (Tự do), và Serge Joyal (Tự do).

Thượng viện Canada hiện có 53 TNS đảng Bảo thủ, 30 TNS đảng Tự do, 6 TNS độc lập, 16 ghế trống, tổng cộng 105 ghế TNS.

Phó chủ tịch Hạ viện, dân biểu Joe Comartin (đảng Tân Dân Chủ) hôm 8 tháng 12 đã loan báo tại hạ viện là ông đã nhận được tin nhắn từ thượng viện rằng Dự luật S-219, công nhận ngày 30 tháng Tư hàng năm là ngày cả nước đánh dấu làn sóng người Việt Nam tị nạn cộng sản và được Canada đón nhận sau khi Sài Gòn sụp đổ và dự luật này cần được sự tán thành của hạ viện.

Trong phiên họp thông qua dự luật S-219 tại hành lang khách còn có một phái đoàn trong giới lãnh đạo cộng đồng Người Canada gốc Viêt ở tỉnh bang Ontario. Họ là khách mời của nghị sĩ Ngô Thanh Hải.

© 2014 DCVOnline


Nguồn:
– 
Bill That Offended Vietnamese Government Passed By Senate. By Mike Blanchfield, The Canadian Press, 9/12/2014.
Debates of the Senate (Hansard)