Kinh tế Cuba ở ngã rẽ

DCVOnline | Bình luận của The New York Times

cuba1Sự chuyển đổi nền kinh tế của Cuba có thể đang tiến chậm, nhưng nó cũng có thể dẫn đến một xã hội cởi mở hơn. Trong khi đó tiếp tục đối kháng từ Washington chỉ là tiếp tay cho phe bảo thủ.

Havana, Cuba. Nguồn: Ramon Espinosa / Associated Press
Havana, Cuba. Nguồn: Ramon Espinosa / Associated Press

Hồi tháng 7 năm 2007, khi đang giữ quyền tổng thống lúc Fidel Castro đang điều trị tại bệnh viện, Raúl Castro đưa ra một bản cáo trạng đáng ngạc nhiên về nền kinh tế Cuba, ông xỉ vả sự thiếu hiệu quả của ngành công nghiệp sữa. Sự mô tả của Raúl Castro về cơ chế phiền hà và tốn kém để có được sữa từ những con bò lên dến bàn ăn là chuyện cũ rích đối với người dân Cuba, những người trong vài chục năm qua đã phải chịu đựng một nền kinh tế tập trung bao cấp, một trong những nền kinh tế rối loạn và bất thường nhất trên thế giới. Sự thẳng thắn bất ngờ của ông Raúl Castro hôm đó rõ ràng đã báo hiệu bước khởi đầu của một kỷ nguyên chuyển đổi cho nền kinh tế của Cuba.

Sau khi Fidel Castro đã nhượng quyền cho người em vào năm 2008, chính phủ Cuba khởi xướng cải cách và cho phép người dân bắt đầu xây dựng sinh kế mà không phải chịu sự kiểm soát toàn bộ của nhà nước. Tốc độ thay đổi có nhiều ngập ngừng, phải thụt lùi nhiều bước vì nhóm bảo thủ cũ trong chính phủ vốn quan niệm rằng tự do hóa nền kinh tế hơn nữa là một sự thoái vị của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà Fidel Castro đã biến thành bất khả xâm phạm.

Kỷ nguyên Castro sắp đến hồi kết thúc – Raúl Castro, nay đã 83 tuổi, nói rằng ông sẽ từ chức vào năm 2018 – đang diễn ra cùng lúc với một cuộc tranh luận sôi nổi về tương lai của nền kinh tế của hòn đảo này.

Cho đến nay, chính quyền Obama đã theo dõi cuộc cải cách ở Cuba với sự hoài nghi. Nhà Trắng đã nới lỏng các hạn chế về kiều hối và du lịch đến Cuba, nhưng Mỹ cũng không làm gì khác để giảm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đã áp đặt lên Cuba trong nhiều chục năm qua.

Tổng thống Obama có thể giúp mở rộng vai trò của tầng lớp kinh doanh, tuy nhỏ nhưng đang phát triển, của Cuba bằng cách thả lỏng lệnh cấm vận bằng quyền của cơ quan hành pháp và hợp tác với số ngày càng tăng các nhà lập pháp muốn mở rộng kinh doanh với Cuba. Nhà Trắng có thể bắt đầu tiến trình đó bằng cách bỏ Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho các tổ chức khủng bố của Bộ Ngoại giao và tạo điều kiện dễ dàng hơn để người Mỹ có thể cung cấp vốn khởi động cho các doanh nghiệp nhỏ độc lập ở đó. Làm điều được điều đó có nghĩa là chính phủ Mỹ trao quyền cho người Mỹ gốc Cuba để giữ một vai trò lớn, mạnh hơn trong sự chuyển đổi kinh tế của Cuba. Quan trọng hơn, nó sẽ dần dần xói mòn khả năng của chính phủ Cuba thường đổ lỗi cho Washington đã làm cho nền kinh tế Cuba trở nên vô dụng với người dân; tuy trên thực tế, phần lớn thất bại đó là kết quả của chính sách riêng của Cuba.

Trước khi Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959, nền kinh tế của Cuba phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ, quốc gia đã mua phần lớn đường xuất cảng. Khách du lịch người Mỹ đã đổ xô đến Cuba, vì sự gần gũi của nó, cũng như vì khí hậu nhiệt đới và cuộc sống sôi động về đêm.

Sau khi Fulgencio Batista, một nhà lãnh đạo độc tài cũng là người đã bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ trên đảo bị lật đổ, chính quyền Fidel Castro khẳng định quyền kiểm soát hầu như tất cả mọi thành phần của nền kinh tế. Chính phủ Cuba chiếm giữ đất đai và tài sản của các công ty Mỹ và tuyên bố bảo đảm tất cả các công dân sẽ có nhà ở, được chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Chế độ cộng sản đã mang đến cho Cuba một nền kinh tế yếu kém và lạc hậu hơn, phần lớn được Moscow nâng đỡ. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, thì nền kinh tế của Cuba cũng đổ theo.

Cuba hoa mỹ gọi thời gian thiếu thốn trầm trong trong những năm 1990 là “giai đoạn đặc biệt”, thời kỳ mà chính phủ Cuba đã buộc phải cho phép một số đầu tư nước ngoài vào Cuba và cho phép khu vực tư nhân hoạt động hạn chế. Năm 1999, Havana tìm được một cứu tinh mới là tổng thống vừa đắc cử của Venezuela, Hugo Chavez – đã cho các phép nhà nước Cuba khả năng xiết chặt lại nền kinh tế. Nhưng trong hai năm qua, Venezuela, quốc gia cung cấp dầu khí bao cấp cho Cuba để đổi lấy các dịch vụ y tế, đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ngày càng tệ, và có thể buộc Venezuela không thể trợ cấp cho Havana nữa.

Ernesto CheGuevara, Camilo Cienfuegos Gorriaran,Julio Antonio Mella, hình ảnh anh hùng thời cách mạng nay đã tróc sơn (Habana, Cuba 2012). Nguồn: .joseparla.com
Ernesto CheGuevara, Camilo Cienfuegos Gorriaran,Julio Antonio Mella, hình ảnh anh hùng thời cách mạng nay đã tróc sơn (Habana, Cuba 2012). Nguồn: .joseparla.com

Sự bấp bênh của mối quan hệ đó đã làm tăng tính cấp bách của cuộc tranh luận về vấn đề làm thế nào chính phủ Cuba cần phải thực hiện nhanh những cải cách mà Raúl Castro tán thành. Nhóm bảo thủ trong chính phủ cảnh báo rằng một nền kinh tế thị trường tự do hoá có thể biến Cuba thành một xã hội ít bình đẳng hơn và mở đường để Hoa Kỳ có thể gây bất ổn cho chính phủ bằng những đợt sóng đầu tư của tư nhân. Phe cải cách, gồm một số nhà kinh tế hàng đầu của Cuba nói rằng tình trạng hiện tại của nền kinh tế là không thể biện hộ được nữa.

Thực tế là những thành tựu về phúc lợi xã hội của Cuba không thể bền vững nếu các xu hướng kinh tế và dân số hiện tiếp tục như hiện nay. Cuba hiện đang là quốc gia xếp hàng đầu chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc, một thước đo mức độ giáo dục, tuổi thọ và các biến số khác của một quốc gia. Đó là một thành quả mà chỉ có hai nước khác ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean đạt được là Argentina (Á Căn Đình) và Chile (Chí Lợi).

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Cuba tại Đại học Havana thì tiền lương ở Cuba có trị giá khoảng 28 phần trăm lương ở đó trước khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sự mất giá đã khiến nạn trộm cắp ở công sở trở thành một vấn đề lớn. Điều này cũng khiến hàng chục ngàn chuyên gia Cuba di cư đến Hoa Kỳ và các nơi khác ở châu Mỹ Latin trong những năm gần đây để tìm một cuộc sống tốt hơn. Tỷ lệ sinh của Cuba giảm trong khi người già ở đó đang sống lâu hơn.

Ngành nông nghiệp vẫn còn bị cản trở vì công nghệ lạc hậu và chính sách phức tạp. Một đạo luật đầu tư nước ngoài do Quốc hội Cuba phê duyệt từ tháng ba dến nay vẫn chưa đưa đến một thỏa thuận thực tế nào. Thêm vào những thách thức hiện có, chính phủ Cuba đã cam kết sẽ bỏ hệ thống 2 loại tiền (gồm đồng peso định chuẩn bằng đồng dollar đặt ra vào những năm 1990 khi Cuba mở cửa cho khách du lịch); điều này có thể làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, song song với hình ảnh của sự trì trệ là sự tăng trưởng của một tầng lớp nhân viên mới của khu vực tư nhân, hiện nay có gần 500.000 người. Đó không phải là một con số khổng lồ trong một quốc gia 11 triệu dân, nhưng họ làm được những điều kỳ diệu bằng sự khéo léo; ví dụ, mở một nhà hàng tư nhân đòi hỏi chủ nhân phải biết mua hầu như tất cả mọi thứ ở chợ đen. Những mặt hàng cơ bản, như khoai tây, phải được mua như là hàng lậu ở Cuba.

Nhiều người trong số những người xây dựng các doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như nhà nghỉ có bữa sáng, là những người Cuba trở về với tiền dành dụm được ở nước ngoài và những người có người thân ở ngoại quốc cấp vốn. Tất cả đề phải đấu tranh với nạn quan liêu, vì họ không thể nhập cảng một cách hợp pháp những vật dụng căn bản như nệm và gối. Đưa những mặt hàng đó về từ Hoa Kỳ là lựa chọn rất phiền hà và phức tạp vì lệnh cấm vận của Mỹ. Giới hữu trách ở Cuba dường như mâu thuẫn về sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong khi họ hoan nghênh các doanh nghiệp tạo ra việc làm và nhờ đó họ thu được thuế, chính quyền đang bóp nghẹt các doanh nghiệp đang thành công và buộc một số trở thành công ty liên doanh với nhà nước. Thông điệp ngầm có vẻ là: Chúng tôi muốn thấy (xã hội) phồn vinh nhưng cá nhân không nên quá phát đạt.

Washington có thể trao quyền cho phe đổi mới bằng cách làm cho các doanh nghiệp Cuba có thể dễ dàng hơn để có được vốn từ bên ngoài và được tu nghiệp về mặt kinh doanh. Đó là những ràng buộc không thể thành công trừ khi Mỹ từ bỏ chính sách lật đổ chính phủ (gần đây được gọi là “thay đổi chế độ”).

Người bán bánh mì dọc đường. Nguồn: STR, AFP/Getty Images
Người bán bánh mì dọc đường. Nguồn: STR, AFP/Getty Images

Sự chuyển đổi nền kinh tế của Cuba có thể đang tiến chậm, nhưng nó cũng có thể dẫn đến một xã hội cởi mở hơn. Trong khi đó tiếp tục đối kháng từ Washington chỉ là tiếp tay cho phe bảo thủ.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: Cuba’s Economy at a Crossroads. By The Editorial Board. The New York Times, 12 December, 2014.