Tranh luận về Dự luật S-219, “Ngày Hành trình tìm Tự do”

Trà Mi dịch

Một em bé thuyền nhân được tiếp đọ tại Canada. Nguồn: Photo Features Ltd.Cuộc thảo luận bắt đầu với dân biểu Mark Adler (đảng Bảo thủ Cấp tiến Canada, CPC, York Center). Ông Adler đề nghị đọc Dự luật S-219 lần thứ nhì và sau đó đưa vào nghiên cứu ở ủy ban của Hạ Viện.

Biên bản cuộc tranh luận tại Hạ viện Canada chiều ngày 5 tháng Hai, 2015

Dân biểu Mark Adler (York Centre, CPC):

Ông Adler nói, Thưa ông Chủ Tịch Hạ viện, ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc. Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, rơi vào tay đoàn quân xâm lược Cộng sản phía bắc, nhưng câu chuyện không chấm dứt ở đó. 30 Tháng 4 năm 1975 là ngày bắt đầu một chương mới trong đời sống của người dân miền Nam Việt Nam.

Đó là khởi đầu của một cuộc di cư của hàng triệu người phải rời bỏ Việt Nam, mảnh đất mà, qua nhiều thế hệ, họ đã gọi là quê hương. Họ phải bỏ đi để tránh khỏi những đối xử khắc nghiệt và sự đàn áp nhân quyền của một nhà nước độc tài; bách hại dân tộc ít người, tôn giáo, chính trị; đàn áp chính trị đối với cựu quân cán chính miền Nam Việt Nam và gia đình họ; đẩy họ đến ở vùng sâu vùng xa [“vùng kinh tế mới”]; với điều kiện sống ngày càng bi đát vì thiếu lương thực, lụt lội và hạn hán. Đến năm 1979 đã có khoảng 600.000 người Việt Nam phải bỏ nước ra đi.

Trong ba năm sau đó, nhãn hiệu “thuyền nhân” đã trở thành quen thuộc với thế giới khi người Việt Nam bắt đầu tìm đường thoát khỏi quê hương trên chiếc thuyền nhỏ, đi tìm nơi tạm trú ở các nước láng giềng.

Nhiều quốc gia đã từ chối không cho họ vào đất liền. Cao ủy Ti nạn Liên Hiệp Quốc báo cáo có ít nhất 250.000 người Việt Nam bỏ mình trên biển vì chết đuối, bệnh tật, đói khát, và hải tặc tấn công, cướp bóc, hãm hiếp, và bắt cóc.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo này, Canada đã trả lời bằng cách mở rộng cửa của chúng ta. Giữa năm 1975 và 1976, Canada đã nhận 6.500 người tị nạn chính trị rời Việt Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ. Trong tháng 10 năm 1976, Canada nhận 180 thuyền nhân. Trong tháng 8 năm 1977, đã cam kết nhận thêm 450 người. Năm 1978, Chính phủ đã đồng ý đón nhận 50 gia đình thuyền nhân mỗi tháng. Đến năm 1980, khoảng 120.000 người tị nạn Việt Nam đã được Canada rộng mở vòng tay chào đón. Ngoài ra, tiếp tục bày tỏ mối quan tâm với thuyền nhân, Canada khuyến khích các nước khác cùng mở cửa đón thuyền nhân.

Tới năm 1986, Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cảm kích vai trò của Canada trong việc đón nhận nhiều người tị nạn từ miền Nam Việt Nam vì thế nhân dân Canada đã được tặng thưởng Huân chương Nansen vì những “đóng góp lớn và bền vững giúp người tị nạn”.

Huân chương Nansen. Nguồn: UNHCR.
Huân chương Nansen. Nguồn: UNHCR.

Huy chương này trong khung cảnh giúp người tị nạn tương đương với giải thưởng Nobel, và đánh dấu lần duy nhất trong lịch sử thế giới mà cả một quốc gia đã nhận vinh dự như thế. Đó là lý do tại sao tôi rất tự hào, cùng với Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, làm người cùng đỡ đầu dự luật S-219, “Đạo luật Ngày Hành trình tìm Tự do”, với ba mục đích.

Đầu tiên, nó sẽ xác định 30 tháng 4 là một ngày để tưởng niệm cuộc di cư của người tị nạn [cộng sản] từ miền Nam Việt Nam.

Thứ hai, nó vinh danh vai trò nhân đạo phi thường của chính phủ cũng như những gia đình bảo trợ, của những cơ quan thiện nguyện, các cộng đồng, các hội đường và nhà thờ, và các nhóm tôn giáo khác nhau đã, một cách rất nồng nhiệt, cùng bảo lãnh rất nhiều người Việt Nam vào sống cùng với những gia đình người Canada.

Thứ ba, nó cũng cần lưu ý rằng thời kỳ này trong lịch sử Canada là một giai đoạn mà thế hệ trẻ Canada hôm nay nhiều người không biết đến. Vì lý do đó, ngày 30 tháng Tư còn có thể xem là một ngày để suy ngẫm và giáo dục. Tất cả người dân Canada nên biết đến câu chuyện của những người tị nạn Việt Nam bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương, những nỗ lực nhân đạo lớn của người dân Canada để đón nhận họ, và sự thành công bất chấp nghịch cảnh mà cộng đồng năng động người Việt tại Canada là tiêu biểu.

Canada là một trong những nước đầu tiên mở rộng vòng tay chào đón những người tị nạn Việt Nam. Khi người dân Việt Nam đang cần được giúp đỡ, người Canada từ tất cả mọi tầng lớp xã hội đã đáp lời kêu gọi mà không do dự và đã mở cửa ngôi nhà nhà và mở rộng con tim để đón nhận hơn 60.000 người tị nạn Đông Dương đang rất cần một nơi để dựng lại cuộc đời.

Đây là con số người tị nạn tính trên đầu người cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong thời gian này. Vai trò của Canada trong việc mở cửa đón nhận rất nhiều người tị nạn Việt Nam là một ví dụ về những điểm ưu việt của Canada. Đó là một minh chứng xác thực về giá trị Canada.

Sau đây là đại cương chương trình ấy đã hoạt động thế nào.

Chính phủ liên bang đã mở một chương trình tư nhân bảo lãnh trong đó các tổ chức như nhà thờ và những nhóm gồm ít nhất năm công dân đã trưởng thành sẽ bảo lãnh cho gia đình người tị nạn và chăm sóc họ trong một năm.

Cứ mỗi một người tị nạn được tư nhân bảo trợ, chính phủ sẽ đón nhận và chăm lo cho một người tị nạn khác. Canada là quốc gia tiên phong trong chương trình tư nhân bảo trợ người tị nạn, tạo điều kiện cho đất nước của chúng ta đón nhận một số lượng lớn người tị nạn đồng thời cũng làm giảm được chi phí quốc gia và là mẫu mực cho thế giới.

Nếu không có những nỗ lực đầy nhân đạo của hàng ngàn người dân Canada, và sự lãnh đạo, hỗ trợ và hợp tác của chính phủ Canada, cũng như các cơ quan tị nạn, các tổ chức phi chính phủ, và các nhóm tôn giáo, thì sự an cư cho một số lượng lớn người tị nạn trong trường hợp khẩn cấp và khó khăn như vậy sẽ đơn giản là không thể nào thực hiện được.

Trong Kinh Thánh đã viết, cứu một mạng người là cứu cả một thế hệ. Hôm nay có khoảng 300.000 người gốc Việt sinh sống tại Canada. Hơn 100.000 người hiện sinh sống ở Toronto và vùng phụ cận.

39 năm qua, mỗi ngày 30 tháng Tư, người Canada gốc Việt đã tập hợp để ghi nhớ một sự khởi đầu mới và để cảm ơn Canada. Trong năm 2015, cộng đồng người Canada gốc Việt sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm định cư thuyền nhân đến Canada.

Dự luật này là biểu tượng của một truyền thống lâu đời của Canada như một ngọn hải đăng của tự do và dân chủ, một quốc gia đã hào hiệp đón nhận những người tị nạn, những người vô tội buộc lòng phải phải rời bỏ quê hương.

Một trong những điểm đáng chú ý hơn nữa trong câu chuyện này là có nhiều thuyền nhân đến Canada ngày nay đã chính họ trở thành những người bảo lãnh những người tị nạn. Họ đã hợp tác với Chính phủ Canada, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ của chúng ta, để đưa những người tị nạn Việt Nam sau cùng, những người sống lây lất, không có tư cách pháp nhân, ở khu vực Đông Nam Á, ở những nơi như Thái Lan và Philippines, trong gần 40 năm qua. Thật là một di sản đáng tự hào, và một phương cách tuyệt vời để đánh dấu cuộc hành trình tìm tự do của họ: bằng cách giúp đỡ những người [tị nạn] khác.

Đây là một dự luật quan trọng, và hôm nay tôi xin với tất cả các thành viên [ở hạ viện] ủng hộ và đưa nó về phía trước. Sự công nhận của quốc gia ngày 30 tháng Tư này sẽ là một niềm tự hào cho những người Canada gốc Việt và cho tất cả nhân dân Canada; nó cũng làm nổi bật tinh thần Canada hào phóng và tinh thần quốc gia tôn trọng tự do. Đất nước chúng ta là một quốc gia do những người nhập cư xây dựng, và các cộng đồng của chúng ta giàu lên nhờ những mảng di sản văn hóa sinh động trong đó.

Canada sẽ không bao giờ trở lại chính sách tị nạn nhục nhã và hèn hạ của thời trước và trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai, một giai đoạn mà “không [nhận] người nào đã là quá nhiều” là chuẩn mực của quá khứ đó. Sự hào hiệp và tình nồng ấm của Canada đón nhận người nhập cư và người tị nạn là một trong những truyền thống thiêng liêng nhất của dân tộc ta. Những cam kết lịch sử và tiếp tục của chúng ta với tính đa nguyên là một cam kết mà chúng ta, trong trách nhiệm của một chính phủ, phải cố gắng công nhận và làm rạng danh bất cứ khi nào có thể.

Dự luật này cũng sẽ cho một cơ hội tổng hợp, một nơi mà tất cả chúng ta hợp nhất về mặt giá trị, bất kể chủng tộc, tôn giáo, màu da, hay tín ngưỡng. Nó còn rất quan trọng để tất cả dân Canada nhớ đến và suy ngẫm về việc lịch sử đất nước của chúng ta đã đóng góp cho một nền văn hóa đa nguyên, đa dạng, và đón nhận như thế nào.

Dự luật này cũng sẽ chúng ta một cơ hội tuyệt vời để suy nghĩ về những ưu điểm và sự đa dạng mà cộng đồng người Việt Nam đã mang lại cho đất nước và để cảm ơn họ đã góp phần vào nền văn hóa đa nguyên của chúng ta. Tất cả chúng ta có thể học được đôi điều từ những người tị nạn, những người sẵn sàng mạo hiểm hy sinh tất cả để được sống trong tự do, vì một cuộc sống không có tự do thì không còn gì là cuộc sống nữa.

Tôi là một người Canada thế hệ thứ nhất, và dự luật này đã khiến tôi suy tư về kinh nghiệm của riêng mình, là con của một người sống sót sau Holocaust; cha tôi đến Canada không có gì hơn một mảnh áo trên lưng, với một hàng số xăm trên cánh tay, nhưng quan trọng nhất là niềm hy vọng trong trái tim mình. Đối với rất nhiều người tị nạn đến Canada, giống như những người sống sót sau Holocaust, những thuyền nhân Việt Nam, các Kitô hữu bị bách hại và người Yazidis ở miền bắc Iraq và Syria, và rất nhiều người khác, mỗi người trong số họ đã có quyền quay lưng lại với nhân loại, nhưng họ không làm như vậy. Họ đã đến Canada để tìm hy vọng, hy vọng cho chính họ, đúng thế, nhưng quan trọng hơn, hy vọng cho con cái của họ để chúng không bị buộc phải sống dưới ách áp bức, khủng bố. Họ đã đến Canada vì Canada là một mốc hiệu ánh sáng của thế giới, một quốc gia đứng trong thế mạnh, hãnh diện, tôn trọng những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, và chế độ pháp trị.

“Đạo luật Ngày Hành trình tìm Tự do” sẽ chúng ta một cơ hội để suy ngẫm về cam kết của chúng ta với những gì tốt nhất của các giá trị Canada. Nó sẽ cho chúng ta một lý do khác để giới thiệu Canada là nước tốt nhất trên thế giới để gọi là nhà.

Hôm nay tôi xin tất cả quý vị đồng viện ủng hộ thông qua dự luật S-219 và giúp chúng ta tuyên bố 30 tháng Tư là ngày Hành trình tìm Tự do của đất nước Canada tuyệt vời này.

Dân biểu Anne Minh-Thu Quach (Beauharnois—Salaberry, đảng Tân Dân chủ, NDP):

Thưa Chủ tịch Hạ viện, tôi xin cảm ơn đồng nghiệp bên đối diện đã có một bài phát biểu rất cảm động.

Tôi chỉ muốn hỏi một câu hỏi để chúng ta thực sự có thể nói chuyện về hòa giải và con đường tiến tới dân chủ và tự do ngôn luận. Tôi muốn biết quý đồng viện sẽ tranh đấu để chính phủ của ông cho tất cả mọi người Việt có cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình trước ủy ban hay không?

Chúng ta biết rằng tại ủy ban ở Thượng viện, chỉ có những người ủng hộ dự luật này được điều trần. Tôi hy vọng rằng trong tinh thần đối thoại chân thật, cởi mở và thẳng thắn, ủy ban ở Hạ viện sẽ lắng nghe người Việt Nam từ tất cả mọi tầng lớp xã hội để cuối cùng chúng ta có thể nói chuyện về hòa giải và đi tới hướng đến sự tôn trọng nhân quyền.

Dân biểu Mark Adler:

Thưa Chủ tịch Hạ viện, dự luật này không phải là về vấn đề hòa giải. Dự luật này, đầu tiên, là để ghi nhớ và thứ đến là để tuyên dương tinh thần tuyệt vời của Canada, để biết chúng ta là ai, và vinh danh giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, và thể chế pháp trị của người Canada. Chúng ta đang ở đây tại Hạ viện ngày hôm nay là một ví dụ về điều này. Chúng ta đang tranh luận về dự luật ở đây trong Hạ viện hôm nay.

Tôi hiểu những gì quý đồng viện vừa đề cập đến. Tại ủy ban ở Thượng viện một người đại diện – tôi tin rằng đó là Đại sứ Việt Nam – đã đệ trình một lá thư thay mặt của chế độ cộng sản Việt Nam để bày tỏ quan điểm của họ về “Đạo luật Ngày Hành trình tìm Tự do”, và theo tôi hiểu thì họ kịch liệt phản đối dự luật này. Ông [Đại sứ] đã gửi nhận định của ông bằng văn bản. Đáng tiếc thay, những nhận định đó không phải bằng tiếng Pháp và chúng đã không được dịch kịp thời hạn để được đưa vào hồ sơ.

Đây là một dự luật quan trọng, và tôi thực sự hy vọng rằng, trong tinh thần và giá trị Canada của chúng ta, tất cả quý đồng viện sẽ sẽ ủng hộ nó.

Dân biểu Kevin Lamoureux (Winnipeg North, đảng Tự do, Lib.):

Thưa Chủ tịch Hạ viện, câu hỏi của tôi dựa trên phần trả lời cho câu hỏi trước đó liên quan đến ông Đại sứ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng có sự ủng hộ để dự luật này được đưa tới ủy ban nghiên cứu. Quý đồng viện có ở vị trí để bảo đảm cho những người những người có thể đang lắng nghe hoặc quan tâm muốn điều trần tại Ủy ban về về dự luật này rằng sẽ có sự đại diện công bằng trong giai đoạn nghiên cứu tại ủy ban để tất cả những ai muốn điều trần đều có cơ hội bày tỏ không?

Dân biểu Mark Adler:

Thưa Chủ tịch Hạ viện, Tôi đã đọc biên bản của cuộc tranh luận tại Thượng viện, và thấy có bốn phiếu của Đảng Tự do chống lại dự luật, và 14 phiếu trắng. Tôi hơi bối rối rằng có phải đảng Tự do quan tâm muốn nghe quan điểm của chính quyền cộng sản Việt Nam, dù rằng họ [đảng Tự do] dường như đã quyết định sẽ không ủng hộ dự luật này. Có lẽ tôi không nên ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng đây là sự gây bất ngờ, ngay cả cho các dân biểu đảng Tân Dân chủ [NDP] rằng đảng Tự do quan tâm muốn nghe buổi điều trần đó.

Tôi sẽ bị sốc nếu đảng NDP chống lại một dự luật nhằm xiển dương những giá trị lớn của Canada của chúng ta về tự do và dân chủ, nhưng, mặt khác, hãy nhớ rằng những người trong lúc họ khó khăn đã được dân Canada giúp đỡ. Lòng hào hiệp của dân Canada và tinh thần trong sáng của Canada tán dương giá trị của đất nước này đã đón nhận rất nhiều người tị nạn đến đây và họ đã gầy dựng lại những cuộc sống tuyệt vời cho chính họ. Chúng ta, như một quốc gia, được hưởng lợi vì sự hiện diện của họ.

Dân biểu Anne Minh-Thu Quach:

Thưa Chủ tịch Hạ viện, tôi rất hân hoan đứng đây tại Hạ viện ngày hôm nay để nói chuyện về Dự luật S-219, một dự luật rất quan trọng, được đệ trình tại Thượng viện và nhằm lập ra một ngày quốc lễ kỷ niệm của cuộc di cư của người tị nạn Việt Nam và và sự kiện họ được đón nhận ở Canada.

Đôi khi chúng ta quên mất ý nghĩa thực sự của cuộc sống ở đây trong một xã hội dân chủ nơi mà người công dân có thể lựa chọn đại biểu Quốc hội của họ, và cả hai, người dân và người được dân cử, đều có thể an toàn thực thi quyền tự do ngôn luận. Hầu hết dân số trên thế giới không thể thực thi được cái quyền cơ bản đó.

Nếu hôm nay tôi có thể đứng đây là một dân biểu Quốc hội và nói chuyện tại Hạ viện là nhờ bố mẹ tôi đã chạy trốn khỏi Việt Nam và đã tìm được nơi nương náu ở đây, tại Canada, để bắt đầu xây dựng gia đình, sống trong thanh bình, và làm việc nuôi thân.

Bản thân tôi, Anne Minh-Thu Quach, sinh ra ở và lớn lên ở Canada, và cũng nhờ sự dũng cảm của cha mẹ tôi và sự đón nhận của Canada nên hôm nay tôi mới có thể tham gia vào đời sống dân chủ của đất nước này.

Tôi muốn dành một vài phút để kể lại chuyện bố mẹ tôi phải bỏ chạy khỏi Việt Nam và đến Canada như thế nào. Năm 1979, sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, cha mẹ tôi đã quyết định rời bỏ đất nước của mình vì những điều kiện sống khủng khiếp do một chế độ chính trị mới áp đặt và với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt hơn ở nơi khác. Họ không còn có thể chịu đựng nổi những hạn chế, bạo lực và bất công đã xảy ra sau chiến tranh.

Họ chụp ngay lấy cơ hội đầu tiên để trốn đi vào giữa đêm khuya, trong bí mật, với hai người anh của tôi, mới được một tuổi và ba tuổi vào thời điểm đó. Họ tìm đường ra môt một bến cảng và trả cho những kẻ buôn người bằng tất cả phần đồ đạc cuối cùng của họ, tất cả những gì bố mẹ tôi đã mang theo. Họ lên một chiếc thuyền, định hướng chỉ bằng một chiếc la bàn, nói cách khác, họ đi bất cứ nơi nào, bất cứ nơi nào người thuyền trưởng đưa họ đi, và cũng không biết chắc người lái thuyền sẽ mang họ tới được một bờ bến an toàn hay không.

Họ sống tại một trại tị nạn ở Indonesia suốt 18 tháng, trước khi Hội Chữ thập đỏ đến đón họ đi. Sau đó, họ đến Canada. Họ không có căn cước; họ không có đồ đạc. Tay trắng, bố mẹ tôi chỉ có mạng sống của họ và của hai anh của tôi. Canada đã cho cấp họ giấy tờ và đón nhận họ như những người tị nạn với cả tấm lòng quảng đại.

[Cả Quốc hội vỗ bàn ủng hộ, “Nghe, nghe!”]

[Dân biểu Anne Minh-Thu Quach nói tiếp,] Vâng, thực sự là thế.

Khi đến Canada, cha mẹ tôi đã phải học tất cả mọi thứ: làm thế nào để sống còn trong mùa đông, học nói tiếng Pháp, học lái xe, đi tìm việc làm, nấu thực phẩm theo cách của Canada. Trong một thời gian ngắn, họ phải học cách sống trong quốc gia mới của mình.

Cũng nhờ có những người như Captain Pierre Pellerin, Ginette Malenfant, Nicole Leduc và Estelle, bà nay đã qua đời, đã đón tiếp cha mẹ tôi, nhưng cũng còn có những người khác, kể cả Fred và Bonnie Cappuccino và rất nhiều người Canada đã mở cửa cho gia đình tôi và đón nhận hàng ngàn người Việt Nam như thể chúng tôi là một phần của gia đình riêng của chính họ. Từ thời điểm đó, nhiều người tị nạn Việt Nam đã có thể bắt đầu hội nhập vào đời sống Canada và đóng góp cho Canada. Xin chân thành cám ơn, thay mặt cho mọi người Việt Nam.

Tuy nhiên, giống như hơn 1,5 triệu người tị nạn, bố mẹ tôi là thuyền nhân. Canada đón nhận 137.000 người tị nạn Việt Nam vào lúc đó. Chính phủ liên bang cũng đã thiết lập một chương trình tư nhân bảo lãnh cho phép các cơ quan và công dân Canada đón nhận một gia đình của những người tị nạn, chu cấp và hỗ trợ cho họ trong một năm. Cứ mỗi người tị nạn được tư nhân bảo trợ thì chính phủ sẽ bảo lãnh cho một người tị nạn khác. Cả một phong trào đoàn kết đã thành hình.

Dài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Ottawa. Nguồn: www.heroines.ca
Tượng đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Ottawa. Nguồn: www.heroines.ca

Ở đây, tại Ottawa, ở góc đường Preston và Somerset, có một tượng đài kỷ niệm thuyền nhân. Marion Dewar, thị trưởng thành phố Ottawa lúc đó và là mẹ của bạn đồng viện của chúng tôi từ Ottawa Centre [dân biểu NDP, Paul Dewer], làm việc hết mình để đón nhận hàng ngàn người tị nạn Việt Nam, nhiều người đến nỗi khu phố Tàu ở đây tại Ottawa, trong thực tế, phần lớn là một xóm Việt Nam, nơi có những cửa hàng bán phở nổi tiếng, ăn vào thật ấm và dễ chịu, đặc biệt là vào những ngày trời lạnh như hôm nay.

Chiến tranh Việt Nam là kết quả của 50 năm chiến tranh lạnh đã chia đôi thế giới. Vì những lý do ý thức hệ, đã có chiến tranh tại nhiều nước, gia đình đã phân tán, đàn ông và phụ nữ đã bị sát hại. Hôm nay, chúng ta không còn sống trong thế giới lưỡng cực mà ở đó tất cả mọi người đã cố gắng áp đặt sự thật của họ lên người khác. Thời điểm hôm nay đã chín muồi để chúng ta bắt đầu một cuộc đối thoại thực sự.

Trước đây, tôi đã nói về sự cởi mở và đối thoại, vì đây là những gì mà chúng ta thực sự cần có. Cộng đồng người Việt Nam, tại Canada và trên toàn thế giới, đang phân hóa vì những khác biệt về kinh tế, chính trị và tôn giáo.

Một bàn tròn phải được đặt ra, cho mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Đây là cách chúng ta sẽ tiến bộ và để bảo đảm rằng thế giới sẽ thay đổi.

Tôi nghĩ rằng Dự luật S-219 cho chúng ta một cơ hội thật tốt để có cuộc đối thoại này, xét rằng nó còn góp thêm một khía cạnh tích cực vào việc tưởng niệm thông thường bằng cách nhấn mạnh đến sự đón nhận người tị nạn của Canada.

Trong sự tôn trọng đối với người tị nạn và để công nhận việc nhân dân Canada đã mở vòng tay đón nhận người tị nạn Việt Nam bắt đầu từ năm 1975, tôi nghĩ rằng nó xứng đáng được một ủy ban của quốc hội nghiên cứu. Tất cả tùy ở chính chúng ta – lớp hậu duệ của những người tị nạn, những người lưu vong và di dân – cũng như tất cả những người dân Canada khác, những người cởi mở và quan tâm đến cuộc đối thoại này, sẽ giúp khởi đầu cuộc thảo luận và tranh luận về việc tưởng niệm người [tị nạn] Việt Nam.

Tôi đã may mắn được đi Việt Nam để thăm hỏi gia đình của tôi và tìm hiểu vùng đất của tổ tiên tôi. Đó là một đất nước tuyệt vời, nơi của những con người rất đặc biệt và cởi mở. Tôi vẫn còn có nhiều bà con họ hàng sống ở đó, và tôi muốn họ và tất cả mọi người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam có cơ hội như tôi đang có, để họ có thể sống trong hòa bình, an ninh và hưởng đời sống dân chủ và các quyền con người cơ bản và phổ quát như tôi đang có.

Thật không may, đó chưa phải là thực tế cho tất cả mọi người ở Việt Nam. Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia vào bảy công ước quốc tế về quyền con người. Việt Nam còn là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Quyền con người cũng được xác định trong bản Hiến pháp Việt Nam. Tuy nhiên, luật sư, nhà báo, người viết blog và các công dân bình thường vẫn tiếp tục bị bắt giữ, xét xử và bỏ tù chỉ vì bày tỏ ý kiến riêng của họ.

Hôm nay, chúng ta không phải sợ hãi khi nói sự thật. Mỗi con người có quyền được sống, quyền tự do và có cơ hội bình đẳng. Vì vậy, tôi xin với tay đến tất cả người Việt Nam, và tất cả những người Canada, những người muốn thực hiện cuộc đối thoại này với tôi và với các dân biểu.

Dự luật S-219 cho chúng ta một cơ hội để trao đổi, vì các vết thương đã thưc sự chưa lành. Chúng ta phải nắm lấy cơ hội này để cùng ngồi lại quanh bàn, như tôi đã nói, là người Việt Nam từ tất cả các tầng lớp xã hội, cho tiến trình đối thoại và hàn gắn có thể bắt đầu và sau cùng thì chúng ta mới có thể nhìn về tương lai.

Như quý đồng viện bên đối diện cho biết, vị Đại sứ của Việt Nam đã không thể điều trần ở Thượng viện. Tôi đã nhận được rất nhiều email từ những người Việt Nam khác sống khác ở Canada, những người đã muốn tham gia vào cuộc tranh luận này nhưng đã không thể tham gia vào cuộc tranh luận được tổ chức tại Thượng viện.

Dự luật này cần qua từng bước một trong Quốc hội của Canada, và tôi muốn nó phải được cứu xét ở ủy ban và ủy ban cần xét đến tất cả mọi quan điểm khi nghiên cứu. Thật không may, như đã nói, ủy ban [ở Thượng viện] đã không nghe được tất cả các nhân chứng, nhưng tôi tin rằng tại đây, Hạ viện Quốc hội Canada, có thể làm tốt hơn và có thể lắng nghe tất cả mọi người ở giai đoạn thứ hai. Không chỉ là có thể, tôi tin rằng nó [ủy ban nghiên cứu] phải nghe [từ nhiều phía].

Để chứng minh giá trị của chúng ta trong tinh thần cởi mở, dân chủ, sự cảm thông và lòng hào hiệp như đã được thực hiện, chúng ta nên cho phép cuộc tranh luận được tiếp tục. Xin hãy không nghi ngờ gì về điểm này: Tôi đang đặt câu hỏi, vì tôi tin rằng tiến trình này có thể được cải tiến. Trên thực tế tôi đồng ý với dự luật này, và rất quan trọng để cuộc tranh luận này vẫn được tiếp tục.

Một ghi nhận có phần tích cực hơn, vì năm mới của châu Á, năm mới âm lịch, sẽ rơi vào ngày 18 tháng Hai, tôi xin chúc tất cả mọi người một cái Tết vui vẻ. “Tết’ là năm mới trong tiếng Việt. Với tất cả mọi người Việt Nam ở khắp mọi nơi ở Canada và những nơi khác,

[Dân biểu Anne Minh-Thu Quách nói bằng tiếng Việt]

Chúc mừng năm mới!

Dân biểu Kevin Lamoureux:

Thưa Chủ tịch Hạ viện, tôi thực sự trân trọng những ý kiến mà quý đồng viện vừa đưa vào biên bản.

Bà đã làm một công việc phi thường khi trình bày một sự việc mà tôi tin có thể thấy trên khắp đất nước của chúng ta, ở những gia đình người tị nạn đã đến Canada và đã thành công trong cuộc sống. Tôi đoan chắc rằng cha mẹ bà và cộng đồng của bàô sẽ đặc biệt tự hào về những điều bà vừa phát biểu.

Đối với quý đồng viện đã cùng đỡ đầu cho Dự luật S-219 này, tôi phải nói rằng tôi hơi thất vọng vì cách ông đã chọn để trả lời câu hỏi [của tôi].

Dự luật S-219 nếu được đưa vào ủy ban nghiên cứu thì đó là điều tốt. Tôi ủng hộ việc đưa Dự luật S-219 vào ủy ban. Tôi không đánh giá cao những lời nói bóng gió cho rằng Đảng Tự do không ủng hộ việc dự luật S-219 được đưa vào ủy ban nghiên cứ. Đó là một việc làm rất có giá trị.

Cũng giống như quý đồng viện vừa phát biểu, tôi đặt vấn đề về tầm quan trọng của việc điều trần ở ủy ban vì nó là vấn đề đã được đề cập đến. Tôi nghĩ rằng đó là việc đúng đắn và tôi đã hơi thất vọng với hàm ý của quý đồng viện [bên đối diện] cho là tôi có thể không ủng hỗ trợ dự luật này.

Tôi ủng hộ dự luật này vì một số lý do mà tôi muốn nêu lên ở đây. Tuy nhiên, trước khi làm việc đó, tôi muốn thưa rằng chỉ mới mùa hè vừa qua, tôi đã du lịch đến Việt Nam. Tôi đã có cơ hội đi thăm các nước ở châu Á, và đó là một kinh nghiệm rất thú vị.

Tôi đi với con gái tôi. Một trong những điểm mà cô ấy thực cảm kích là số lượng xe tay ga, vì cô ấy thích xe máy. Nếu có cơ hội đi du lịch trong những khu vực có mật độ cao, quý vị sẽ biết được làm sao người ta di chuyển trong một khu vực rất nhỏ.

Cá nhân tôi rất thích cảnh tương tác ở chợ. Tôi đã có cơ hội đến thăm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi xin kể về một cửa hàng nến giúp người khuyết tật có công việc làm, sản xuất những cây nến 100% bằng sáp ong. Đồng thời, cũng có nhà máy sản xuất lớn, đặc biệt là một công ty làm bao bì. Đó là một đất nước xinh đẹp.

Có lẽ tôi có thể đề cập đến một số thông điệp chính mà tôi nghĩ rằng chúng tôi muốn nhấn mạnh.

Chung cuộc thì dự luật đề nghị chọn ngày này [30 tháng Tư] để công nhận cuộc hành trình, cuộc đấu tranh, sự hy sinh, và sự sống còn của thuyền nhân Việt Nam và ghi nhớ tầm quan trọng lịch sử của cuộc hành trình của họ đến Canada.

Một ngày như vậy sẽ là một cơ hội để nâng cao nhận thức và để làm tăng sự hiểu biết về hoàn cảnh của những người tị nạn trên thế giới và thông cảm được sức chịu đựng của những người tị nạn.

Điều quan trọng cần biết là đa số người tị nạn đã không thể giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, nhưng lúc đó cũng là thời điểm có nhiều thách thức về mặt kinh tế. Hoàn cảnh đó đã làm phức tạp hơn cho đời sống của người tị nạn đến Canada.

Đây là ngày để tán dương những gia đình người Canada, các tổ chức từ thiện, các nhóm tôn giáo, và các tổ chức phi chính phủ đã bảo lãnh khoảng 34.000 người tị nạn Việt Nam đến Canada và giúp họ tái định cư và hội nhập trong khỏang năm 1979 -1980.

Đây cũng là ngày cho mọi người cơ hội để tuyên dương những đóng góp liên tục của người Canada gốc Việt trong tất cả các mọi mặt của đời sống và xã hội Canada, kể cả y học, kỹ thuật, kinh doanh, khoa học, luật pháp, học viện, nghệ thuật, truyền thông, dịch vụ dân sự và cộng đồng, và, như đã được chứng minh, cả ở lãnh vực chính trị.

Những đóng góp vừa kể và nhiều hơn nữa cho cộng đồng của chúng ta là những cống hiến to lớn của cộng đồng người Việt Nam, mà toàn thể xã hội Canada đã yêu mến, nuôi dưỡng, và nay đã trở thành tơ sợi trong mảnh lụa đa văn hóa của chúng ta.

Khi tôi lần đầu tiên được bầu làm dân biểu, tôi đã có cơ hội giữ nhiệm vụ phê bình phụ trách đa văn hóa ở tỉnh bang Manitoba. Đó thật là một kinh nghiệm quý báu. Một trong những đặc ân của tôi là đã được đến thăm “trung tâm Sài Gòn”, nằm trong Giữa thành phố Winnipeg. Đó là một khu nhà ở và một người Việt Nam ở đó, ông Trần Ba, người mà tôi đã trở nên rất gần gũi trong nhiều năm qua, đã làm một công việc phi thường trong việc chỉ dẫn cho không chỉ riêng cá nhân như tôi, mà còn cho nhiều người khác về những gì đã xảy ra ở Việt Nam. Chúng tôi cũng rất tự hào ở Winnipeg biết rằng trong hầu hết tất cả các trung tâm lớn hiện nay và ở mọi miền của đất nước, chúng ta thấy một di sản phong phú, vì những đóng góp của người Việt Nam trong suốt vài thập kỷ vừa qua.

Tôi vẫn nhớ, đi từ trung tâm Sài Gòn, đó là một khu nhà ở đẹp, đến một tượng đài. Cũng như quý đồng viện vừa kể đến một một tượng đài ở Ottawa. Có một đài tưởng niệm bên đường đối diện trường Đại học Winnipeg làm nổi bật một phần rất quan trọng trong lịch sử của Canada.

Một tuyên bố mà vị lãnh đạo của tôi thường đề cập đến là sức mạnh lớn nhất của Canada là sự đa nguyên của chúng ta. Nó, rốt cuộc đã cho chúng ta có được tiềm năng lớn nhất [để xây dựng] tương lai của chúng ta. Chúng ta cần phải rất tự hào về một quốc gia tương đối trẻ của mình. Tôi đã có cơ hội để nói về Folklorama, mà người dân Winnipeg và dân chúng từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia. Qua 35 năm, chúng tôi đã nhìn thấy cộng đồng người Việt trực tiếp tham gia vào đủ loại gian hàng khác nhau và các cùng chia sẻ văn hóa và di sản.

Tôi đã cảm kích được việc này kể từ khi tôi được bầu làm dân biểu vào năm 1988. Trong 20 năm đầu tiên của cuộc đời một người dân cử, mỗi ngày tôi sẽ lái xe ngang Manor Sài Gòn, một chung cư tám tầng xinh đẹp. Nó đã làm cuộc sống của tôi thêm phong phú.

Còn một số điểm khác tôi xin nhanh chóng đề cập đến. Công nhận Ngày Hành trình tìm Tự do, với chúng ta là việc quan trọng, nó đánh dấu một ngày trọng đại đối với lịch sử chung của cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới. Nó ghi nhận sự kiện Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, sự chiếm lãnh miền Nam Việt Nam của bắc quân, và việc thành lập chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, đồng thời là điểm bắt đầu của cuộc di cư hàng loạt của hàng triệu người dân Việt Nam rời bỏ quê hương của họ.

Đại đa số những người Việt Nam đến Canada vào ngày 1 tháng Giêng năm 1975 là người tị nạn; Canada lúc đó đã có khoảng 1.500 người gốc Việt sinh sống, phần lớn ở Quebec. Sau cuộc khủng hoảng thuyền nhân giữa năm những 1979 và 1982, có khỏang 69.000 người đã đến tị nạn tại Canada. Nhóm người tuyệt vời này cuối cùng đã định cư ở tất cả mọi miền đất nước và họ đã làm phong phú thêm cho đời sống của tất cả người dân Canada. Tôi mong muốn được thấy dự luật này cuối cùng sẽ được đưa vào nghiên cứu ở ủy ban.

Dân biểu Bob Dechert (Thư ký Quốc hội cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, CPC):

Thưa Chủ tịch Hạ viện, tôi rất vinh dự được nói chuyện hôm nay để ủng hộ Dự luật S-219. Đặc biệt, tôi muốn cảm ơn Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Thượng viện qua đề nghị của chính phủ của chúng tôi. Ông đã làm việc đại diện cộng đồng người Việt khắp Canada rất tốt.

Tôi cũng muốn cảm ơn quý đồng viện, dân biểu đại diện vùng York Center, đã đỡ đầu cho dự luật này tại Hạ viện, và với bài phát biểu rất hùng hồn của ông vài phút trước đây. Ông là một người, qua lịch sử gia đình của chính mình, đã thấu hiểu nỗi đau, nghịch cảnh và cuộc đấu tranh để đến được Canada. Ông đề cập đến cha của ông một người sống sót sau Holocaust, là một nạn nhân của Tiến sĩ Mengele. Chỉ mới hơn một tuần trước đây, vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz Birkenau, ông đã nói về cuộc đấu tranh của cha ông tại đó và hành trình của cha ông đến Canada.

Đối với tôi, dự luật này kể lại câu chuyện của cộng đồng người Canada gốc Việt và cuộc đấu tranh của họ để tìm đến Canada, nhưng nó cũng là một câu chuyện mà chúng tôi đã nghe hơn một lần, được lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử Canada. Đó là chuyện của Canada. Đó là câu chuyện của tất cả chúng ta. Rất nhiều người dân Canada đã đến đây từ những nơi bị chiến tranh tàn phá, từ những nghịch cảnh và áp bức vô cùng, và đã tranh đấu vượt khó khăn ở những tình cảnh vô cùng để đến được đất nước này. Họ đã tìm được một nơi nương náu và tìm thấy tự do ở Canada.

Đây là một đất nước mà tất cả chúng ta yêu quý. Tất cả người dân Canada, bất kể nguồn gốc, có bổn phận để tìm hiểu những câu chuyện thế này và để hiểu những câu chuyện này đã đóng góp cho đất nước tuyệt vời của chúng ta như thế nào.

Tôi rất cảm kích có được cơ hội để lên tiếng ủng hộ dự luật quan trọng này. Như tôi đã đề cập, nó công nhận có những người đã thiệt mạng và những đau khổ mà họ đã phải đã trải qua trong cuộc di cư của người Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30 Tháng 4 năm 1975, ngày mà Sài Gòn rơi vào tay Cộng sản. Đó là một cuộc chiến, như chúng ta đều biết, hoành hành trong hơn 10 năm. Một cuộc chiến đẫm máu và bạo lực, và cuộc sống của người dân đã bị xé nát. Nó đã làm mất đi quá nhiều sinh linh vô tội.

Đó không phải là một ngày kỷ niệm hạnh phúc, nhưng đó là một ngày mà chúng ta phải nhớ. Chúng ta phải nhớ những sự kiện lịch sử và cần biết những sự kiện đó đã ảnh hưởng thế nào đến mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là những người ở Canada.

Canada đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ hàng chục ngàn người tị nạn sau khi Sài Gòn sụp đổ, theo Ủy ban Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, có hơn 1,5 triệu người Việt Nam bị buộc phải trốn khỏi quê hương của họ dưới sự đe dọa của một cuộc sống bi đát, và một điều cần được lưu ý, là sự vi phạm nhân quyền tràn lan ở đó.

Trong thảm họa nhân đạo ngay sau đó [sự kiện thuyền nhân], người dân Canada đã hợp lực làm bất cứ điều gì chúng ta có thể giúp được. Một thời khắc quan trọng đã đến vào tháng Bảy năm 1979, chính phủ Bảo thủ lúc đó, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Joe Clark và nội các của ông, theo đề nghị của Bộ trưởng Nhập cư Ron Atkey lúc đó, đã nhận thấy hoàn cảnh của những người Việt Nam tị nạn này và đồng ý đón nhận 50.000 người tị nạn Việt Nam trong năm sau. Đó là một con số rất đáng kể Canada đã đón nhận trong một năm. Bộ trưởng Ron Atkey là một người bạn của tôi, người tôi đã biết trong hơn 30 năm. Ông là một luật sư rất tốt ở vùng Toronto ngày nay. Ông là chứng minh tốt nhất của chính phủ Canada vào thời điểm đó.

Nỗ lực này cuối cùng đã đưa hơn 60.000 thuyền nhân, như những người tị nạn được gọi như thế, đến đây định cư và xây dựng cuộc sống mới trên đất nước tuyệt vời của chúng ta. Người ta ước tính rằng đã có 34.000 thuyền nhân đã được các gia đình Canada, những tổ chức từ thiện, các nhóm tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ, bảo lãnh và và 26.000 người khác được chính phủ Canada trực tiếp bảo lãnh.

Một em bé thuyền nhân được tiếp đọ tại Canada. Nguồn: Photo Features Ltd.
Một em bé thuyền nhân được tiếp đón  tại Canada. Nguồn: Photo Features Ltd.

Ở khắp nơi tại Canada, các nhóm nhà thờ và các tổ chức cộng đồng khác, bảo trợ nhiều gia đình người tị nạn đến Canada. Tôi biết điều đó đã xảy bằng một con số lớn trong thành phố Mississauga của tôi và ở thành phố Hamilton nơi mà tôi đã lớn lên. Lúc còn trẻ, tôi đã đi học ở trung học và đại học với một số người trẻ thuộc những gia đình người tị nạn khi đó. Tôi tận mắt chứng kiến nỗi đau họ đã trải qua hằn trên khuôn mặt của họ những người đã phải bỏ lại quê hương để đến Canada.

Quý đồng viện phía bên kia đã nói đến cú sốc của những người ở vùng nhiệt đới như Việt Nam đến ở một nơi rất lạnh. Hãy trở về thực tại, chúng ta đang ở vào đầu tháng Hai ở Ottawa, và bất kỳ người trong chúng ta đã ở ngoài đường hôm nay đều biết thời tiết ở đây rất lạnh. Thật là một cú sốc cho những người đã phải hứng chịu quá nhiều trong cuộc sống của họ.

Đó là một ví dụ chưa từng có về lòng bác ái của người dân Canada đối với vô số những người đang cần được giúp đỡ. Hơn một phần tư của một triệu người tị nạn Việt Nam đã thiệt mạng trong lòng biển trong cuộc đi tị nạn từ Việt Nam. Trên hành trình đó, 250.000 linh hồn đã mất. Tình hình tại quê hương đã phải là rất tuyệt vọng thì họ mới chấp nhận rủi ro rất lớn, liều mạng lên đường tìm đến tự do. Một số người đã ngã bệnh, trong khi những người khác đã chết đuối hoặc là nạn nhân của bạo lực của quân cướp biển, bị bắt cóc, và đã phải nhận chịu những hình thức bạo lực khác.

Làn sóng người tị nạn Việt Nam đến Canada và ổn định cuộc sống mới trên một đất nước xa lạ là một tấm gương ngời sáng về cách người Canada đáp ứng trước một thảm họa thế giới. Hành động bác ái của Canada gồm nhiều giai tầng, cộng đồng, và chính phủ. Nhiều gia đình người Canada đã đón người tị nạn vào ở chung nhà và giúp họ tìm việc làm và đi học. Đây được coi là một thời điểm mẫu mực trong lịch sử bảo vệ nhân đạo của Canada, và trong thực tế, là một yếu tố góp phần vào quyết định của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng Nansen cho toàn dân Canada trong năm 1986. Đây là lần đầu tiên và duy nhất huy chương danh dự này được trao cho cả một quốc gia.

Do sự thành công vượt trội của chương trình bảo trợ tư nhân trong thời gian này, nó đã trở thành một phần cơ bản của chương trình tái định cư người tị nạn của Canada.

Đóng góp vào những câu chuyện thành công của những người tị nạn Việt Nam định cư ở Canada là chính những người Việt Nam tị nạn. Người Canada gốc Việt đang tham gia tích cực vào đời sống xã hội ở Canada, nổi bật trong kinh doanh, chính trị, nghệ thuật, thể thao, và các nỗ lực nhân đạo.

Đây chỉ là một vài ví dụ. Kim Phúc, một người nạn nhân chiến tranh Việt Nam được quốc tế công nhận, đã sáng lập một tổ chức ở Canada để giúp trẻ em nạn nhân chiến tranh. Paul Nguyen, một người Canada gốc Việt thế hệ thứ hai có cha mẹ là người sang Canada tị nạn, là một người đã nhận giải thưởng Paul Yuzyk về Đa Văn hóa năm 2010 . Kim Thúy, một tác giả nổi tiếng quốc tế, nhận giải thưởng văn chương của Toàn Quyền Canada cho cuốn sách của bà kể lại chuyện đời của mình. Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều câu chuyện tuyệt vời của những người dân Canada gốc Việt đã kể lại những câu chuyện đời của họ và đóng góp vào sự phát triển của đất nước chúng ta.

Cộng đồng người Việt Nam tị nạn trên toàn thế giới đã gọi 30 Tháng Tư là Ngày Tháng tư Đen. Chọn ngày hôm đó ở Canada để làm rạng danh cộng đồng Canada gốc Việt của chúng ta là để bầy tỏ sự ủng hộ của chúng ta với một cộng đồng đã lớn mạnh ở đất nước này, về kinh tế, văn hóa, và xã hội. Dự luật S-219 đề nghị chọn 30 tháng 4 là Ngày Hành trình tìm Tự do ở Canada, là một ngày sẽ ghi nhận sự hy sinh của người dân Việt Nam trong một giai đoạn rất đen tối trong lịch sử thế giới.

Chủ nhật ngày đầu Tháng Hai vừa qua, tôi đã tham dự lễ mừng Tết hàng năm ở Mississauga tại Trung tâm quốc tế gần sân bay Toronto. Thủ tướng Chính phủ [Spephan Harper], Thượng nghị sĩ Ngô [Thanh Hải], và rất nhiều nhân sĩ đã phát biểu. Đó là một hội trường khoảng 15.000 người. Đây là lần thứ tám tôi đã có cơ hội để tham gia với những người Việt trong những ngày Tết hàng năm.

Đã có rất nhiều bài diễn văn về Dự luật S-219. Thật là một kinh ngạc với tôi khi thấy sự cực lực ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam tại Toronto cho dự luật này. Họ biết dự luật này kể lại câu chuyện đời của họ.

Tôi cũng muốn đề cập đến “Tribute to Liberty”, tổ chức đang xây dựng đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Nó ở rất gần trong khu vực quốc hội, gần Tối cao Pháp viện. Chính phủ đã tặng 1,5 triệu đô-la góp phần vào dự án đó. Tôi khuyến khích tất cả mọi người dân Canada truy cập vào trang web, www.tributetoliberty.ca, và đóng góp. Người dân Canada gốc Việt sẽ là một phần rất quan trọng của những người được vinh danh trên di tích đó. Họ là một ví dụ trong số hàng trăm ngàn người dân Canada là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, những người đã đấu tranh để đến được Canada.

Mẫu đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản - Tribute to Liberty (Ottawa). Nguồn: Tributetoliberty.ca
Mẫu vẽ đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản – Tribute to Liberty (Ottawa). Nguồn: Tributetoliberty.ca

Với tất cả những lý do này, để làm rạng danh hơn 300.000 người Canada gốc Việt, những người đóng góp cho sự thịnh vượng và phát triển của Canada là những công dân tích cực làm việc trong xã hội chúng ta, tôi muốn cổ vũ tất cả quý đồng viện của tôi ở đây ủng hộ việc thông qua Dự luật S-219.

Dân biểu Lysane Blanchette-Lamothe (Pierrefonds-Dollard, NDP)

Thưa Chủ tịch Hạ viện, tôi rất hân hoan phát biểu về dự luật mà chúng ta đang bàn luận.

Đầu tiên, dù không muốn nhắc lại những gì đã nói trong cuộc tranh luận này cho đến nay, nhưng tôi vẫn muốn nói rằng tôi tự hào hôm nay chúng ta có thể nói chuyện về sự đóng góp của người Canada gốc Việt. Dự luật này một lần nữa cho chúng ta một cơ hội để cảm ơn họ vì những đóng góp của họ cho cộng đồng của chúng ta trên khắp Canada.

Trong khu vực bầu cử Pierrefonds-Dollard, có một cộng đồng người Canada gốc Việt năng động, họ là một cộng đồng không nhất thiết chúng ta luôn nhìn thấy, nhưng họ hiện hữu. Đây là một cộng đồng đã tích hợp vào các thớ sợi của cả cộng đồng dân Canada nên đôi khi người ta không chú ý. Tuy nhiên, họ có mặt khắp nơi và hội nhập rất tốt vào các lĩnh vực xã hội, kinh tế, cộng đồng và giải trí.

Và vì thế tôi không thể nói về dự luật này mà không nhắc đến họ. Tôi cám ơn họ đã là một phần của cộng đồng của chúng ta và những đóng góp vô giá mà họ đem lại.

Tôi cũng nhân cơ hội này để nói rằng ngày lễ kỷ niệm là có thể có vì tại một thời điểm nào đó trong lịch sử của Canada, chúng ta đã mở cửa và chúng ta quyết định, như là một quốc gia và một xã hội, để đón nhận những người đang tìm nơi nương náu sau một cơn khủng hoảng lớn. Khi cuộc chiến gây ra nhiều bi kịch của con người kết thúc, Canada đã mở cửa và nhận người vào, và nay họ là một phần không thể tách rời của cơ cấu xã hội, kinh tế và chính trị của Canada.

Lý do tôi đưa vấn đề qua hình thức này, và tôi không che đậy, là người bình phụ trách về vần đề công dân và dân nhập cư cho đảng Tân Dân chủ, NDP, tôi có thể nói rằng mọi thứ ở Canada đã thay đổi kể từ thời điểm đó.

Hãy xem qua một con số đơn giản. Sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, khoảng 60.000 Việt Nam được nhận vào Canada. Sáu mươi nghìn người tìm nơi ẩn náu và tìm thấy nó ở đây, ở nước ta.

Tôi không thể không so sánh nó với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay, đặc biệt là ở Syria. Liên Hiệp Quốc cho chúng ta biết rằng đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có. Hàng trăm ngàn người đã tìm cách lánh nạn bên trong hoặc bên ngoài Syria, nhưng ông bộ trưởng nói với chúng ta rằng cho đến nay, chỉ có 1.300 người tị nạn Syria đã được nhận vào Canada kể từ đầu cuộc khủng hoảng, thật không may.

Cam kết nhận 1.300 người tị nạn mà ông bộ trưởng cho biết rằng ông đang gặp khó khăn gỡ khó có thể tưởng tượng để thự hiện đúng hạn là điều đáng xấu hổ khi chúng ta so sánh nó với sự cởi mở, khi chúng ta, khoảng 30 năm trước, khi chúng ta đón nhận 60.000 người đã chạy trốn sự gian khổ ở xứ của họ. Tôi nghĩ rằng những con số đã tự nó đã có thể nói cho mình.

[Dân biểu Lysane Blanchette-Lamothe (Pierrefonds-Dollard, NDP) dùng phần còn lại của thời gian tranh luận để tiếp tục phê bình chính sách đón nhận dân nhập cư và người tị nạn hiện nay của chính phủ Bảo thủ Cấp tiến đương nhiệm. Và ở phần cuối bài phát biểu, bà Blanchette-Lamothe kết luận,]

Tôi muốn kết thúc bằng một điểm tích cực bằng cách nhắc nhở mọi người rằng chúng ta đang nói về người Canada gốc Việt Nam và những đóng góp hiện nay của họ. Thật đáng khâm phục, không chỉ vì những gì họ đã đóng góp với Canada, mà còn vì những thử thách thức mà họ đã vượt qua. Tất cả những người tị nạn tại Canada đề phải trải qua những thách đố như thế. Không có ai lại chọn làm người tị nạn cả. Tôi không thể nào tưởng tượng được, nhưng tôi có thể hiểu được, thử thách mà những người tị nạn đã phải vượt qua khi họ phải rời bỏ người yêu thương, nơi họ hằng yêu mến, bỏ lại nền văn hóa, bỏ lại đất nước và khí hậu quen thuộc, đôi khi trong những khoảnh khắc vội vàng. Nhìn thấy thành công những con người ấy ngày nay thúc giục tôi cảm ơn tất cả dân Canada nói chung đã mở rộng vòng tay, đã góp phần vào các chương trình xã hội, đã cởi mở đón nhận những người tị nạn này. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ở đây trong Hạ viện nên chào kính tất cả những người tị nạn, kể cả những người tị nạn Việt Nam đã tới 30 năm trước đây, và chúc mừng họ đã vượt qua trở ngại và trở thành một phần của gia đình lớn của xã hội Canada.

Quý ông Peter Kent, cựu bộ trưởng phụ trách Môi trường, dân biểu (Thornhill, CPC):

Thưa Chủ tịch Hạ viện, trong vài phút còn lại của buổi tranh luận, tôi xin được nhiệt tình ủng hộ Dự luật S-219, Đạo luật Ngày Hành trình tìm Tự do.

Tôi đã làm việc tại Việt Nam trong một thời gian khá dài khi còn là nhà báo trong những thập niên 1960, 1970, 1980, và ngay cả vào những năm 1990. Tôi được đặc ân đáng ngờ là đã có mặt ở Sài Gòn vào ngày đen tối đó, 30 tháng Tư năm 1975, khi tôi được di tản khỏi căn cứ của Hoa Kỳ cùng với những người Mỹ sau cùng, những công dân của các nước thứ ba khác, và hơn 7.000 công dân Việt Nam có mặt ở đó. Tôi đã theo dõi với mối quan tâm lớn trong những năm đen tối của những trại cải tạo suốt những năm còn lại của thập niên 1970 và sau đó, và tiếp tục với một mối quan tâm lớn tới hoàn cảnh của những người buộc lòng phải để rời khỏi đất nước của họ để tìm một cuộc sống tốt hơn ở nơi khác.

Tôi có thể cam đoan với những đồng viện đã bày tỏ quan tâm, quý vị dân biểu vùng Beauharnois-Salaberry và Winnipeg North, rằng dự luật này sẽ được đưa vào nghiên cứu ở ủy ban. Ủy ban sẽ nghe điều trần của nhân chứng thuộc mọi quan điểm, và tôi mong được gặp Đại sứ Việt Nam trong thời gian nghiên cứu của ủy ban sắp đến.

Tôi sẽ nói với ông Đại sứ rằng dự luật này không phải là một sự lên án đối với chính phủ [CHXHCNVN] hiện nay. Chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ và tốt với chính phủ hiện tại. Dự luật này mô tả lại một thời điểm đặc biệt tối tăm và hành trình tìm tự do của hàng trăm ngàn người. Trong số này, 60.000 người tị nạn đã đến Canada. Trên thực tế, Việtt Nam có tự do hơn không phải nhờ chiến tranh nhưng vì những áp lực của tư bản, vì một nền kinh lế tự do, và vì ý chí của nhân dân muốn có một cuộc sống tốt hơn ở Việt Nam.

Để kết luận, ý nghĩa của việc tưởng niệm Ngày Hành hành trình tìm Tự do thực sự là ở ba phương diện. Nó sẽ đánh dấu những sự kiện bi thảm sau khi Sài Gòn sụp đổ và sự di cư của những người tị nạn Việt Nam. Nó cũng sẽ vinh danh tất cả những người Canada, những người đã vượt qua mọi thách thức để chào đón những người tị nạn đang bị chấn thương tinh thần, và giúp họ thích nghi với cuộc sống mới và tốt hơn trong một vùng đất mới và xa lạ. Sau cùng, nó sẽ tán dương những đóng góp lạ thường mà những người tị nạn Việt Nam đã thực hiện để xây dựng đất nước tuyệt vời của chúng ta.

Điều này vừa mới được chứng minh trong cuối tuần qua nhân dịp lễ Tết ở Toronto, nơi mà quý đồng viện đều biết rằng Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trước một đám đông hơn 10.000 người Canada gốc Việt Nam.

Tất cả người dân Canada nên biết đến những câu chuyện của những người tị nạn Việt Nam bị buộc phải rời bỏ quê hương, những nỗ lực nhân đạo lớn của người Canada đã thể hiện trên khắp mọi miền từ bờ Bắc Thái Bình Dương đến bờ biển Bắc Cực qua bờ Bắc Đại Tây Dương, và đã thắng nghịch cảnh mà hiện thân là cộng đồng năng động của người Việt Nam tại Canada ngày nay.

Quyền Chủ tịch Hạ viện (Ông Barry Devolin):

Thời gian để xem xét Dự luật đã hết hạn và được đưa vào bậc sau cùng cùng của thứ tự ưu tiên trong tập hồ sơ ở Hạ viện.

Quý dân biểu vùng Thornhill sẽ có sáu phút khi vấn đề này trở lại cuộc thảo luận trước Hạ viện.

© 2015 DCVOnline


Nguồn: 41st PARLIAMENT, 2nd SESSION, EDITED HANSARD • NUMBER 170. Thursday, February 5, 2015, House of Commons Debates, Private Members’ Business, Journey to Freedom Day Act.

1 Comment on “Tranh luận về Dự luật S-219, “Ngày Hành trình tìm Tự do”