Trung Quốc, mối lo lớn nhất của người dân Việt Nam?

Lâm Bình Duy Nhiên

china_stamps_customTrung tuần tháng bảy (14/7), trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Center đã công bố kết quả [bổ túc – DCVOnline] thăm dò dư luận thường niên Global Attitudes & Trends tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có 10 nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương… gồm: Úc, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam(1).

Cái nhìn của thế giới với Trung Quốc. Nguồn: Pew Researcg Center - Global Attitudes & Trends (Updated in July with polling data from 2015 spring survey)
Cái nhìn của các quốc gia trong khu vực về Trung Quốc. Nguồn: Pew Research Center – Global Attitudes & Trends

Trước sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, kết quả của cuộc thăm dò đã cho thấy mối lo ngại của người dân các quốc gia trong khu vực đối với Bắc Kinh. Tư tưởng Đại Hán thông qua các chính sách ngoại giao ngang ngược, cụ thể các vấn đề tranh chấp chủ quyền hay yêu sách lãnh thổ “đường chín đoạn” trên Biển Đông, đã khiến cho công luận tại các quốc gia trong vùng xem Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất. Tại Việt Nam, 74% những người được hỏi có cái nhìn “thiếu thiện chí” và có đến 60% bày tỏ sự “cực kỳ quan ngại” về mối quan hệ song phương đối với Trung Quốc.

Mối lo trên hoàn toàn có cơ sở nếu dựa vào những sự kiện đã và đang diễn ra từ vài năm qua, nhất là kể từ khi Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (5/2014). Các cơ quan truyền thông CSVN cũng đã không ngại đưa tin kết quả cuộc thăm dò dư luận của Pew Research Center ngay từ năm 2014, qua đó họ có chủ đích hướng cái nhìn của công luận vào một vấn đề duy nhất, đó là Trung Quốc.

Nhưng những động thái phản ứng một cách yếu ớt, không dám lên án Trung Quốc trong các lần vi phạm chủ quyền lãnh hải cũng như các cuộc tấn công, giết chết ngư dân Việt Nam trong vùng biển quốc gia những năm gần đây cho thấy, trên thực tế, đường lối ngoại giao của Hà Nội đối với Bắc Kinh thiếu một lập trường cương quyết, cứng rắn và minh bạch. Sự mâu thuẫn trong chính bộ máy cầm quyền, bị nhóm thân Trung Quốc lũng đoạn, đã khiến lợi ích quốc gia bị chà đạp. Đảng CSVN luôn cố tình, bằng mọi cách duy trì độc quyền lãnh đạo đất nước, tìm cách bảo vệ sự tồn tại của chế độ thông qua sự bảo trợ của Trung Quốc. Chính vì sự đấu đá trong nội bộ chóp bu nên thái độ mâu thuẫn của nhà nước CSVN là điều không thể tránh trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông. Một mặt cho phép báo chí truyền thông đưa tin, lên án trong chừng mực, mặt khác, CSVN lại âm thầm điều đình, thương lượng trong bí mật với Trung Quốc, thậm chí đàn áp những tiếng nói yêu nước. Họ cố tình gợi lên nước cờ “bài Trung” trong lòng một xã hội vốn chịu nhiều bất mãn đối với tính chính danh của một chế độ độc tài, độc đảng. Căm phẫn Trung Quốc hiếu chiến, đoàn kết dưới ngọn cờ của đảng, của chế độ, qua đó tiếp tục quên đi những đòi hỏi bức bách của thời đại, của một xã hội tự do dân chủ. Đó mới chính là nước cờ thâm hiểm của nhà cầm quyền.

Cần phải sáng suốt để nhận thức một cách rõ ràng rằng chính thái độ nhu nhược, yếu kém của chế độ đã đẩy đưa đất nước vào một sự bế tắc trầm trọng, không lối thoát như ngày nay. Công hàm 1958, chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, Hội nghị Thành Đô 1990, Hoàng Sa, Trường Sa và còn bao nhiêu bí mật bị CSVN bưng bít, đã đẩy đất nước vào thế “xong chuyện” trên phương diện ngoại giao với đối phương.

Sự thất bại về ý thức hệ, sự bế tắc về đường lối chính trị và một nền kinh tế yếu kém, chụp giật đã đem lại kết quả tất yếu là một xã hội xuống cấp trầm trọng về mọi phương diện từ giáo dục, khoa học đến đạo đức. Đó là những sai lầm không thể bào chữa của một chế độ chỉ biết duy trì và củng cố sự tồn tại bằng quyền lực. Trung Quốc có khiêu khích, ngạo mạn, xem thường Việt Nam cũng chính do CSVN đã tạo điều kiện cho đối phương. Việc Philippines đưa Trung Quốc ra Toà án Trọng tài Thường trực (The Permanent Court of Arbitration – PCA) của Liên Hiệp Quốc trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là giải pháp duy nhất hợp lý chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam vẫn lưỡng lự như đang thăm dò thái độ của Bắc Kinh. Chính thái độ cương quyết của nhà cầm quyền Philippines đã khiến Trung Quốc mời nước này quay trở lại cuộc đàm phán song phương, qua đó cho thấy tính thiếu hợp pháp của những đòi hỏi, yêu sách của họ. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn im lặng, quan sát và thậm chí còn bị Bắc Kinh gọi sang để uốn nắn, dạy dỗ…

Trung Quốc chắc chắn là một mối lo lớn đối với chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Nhưng nếu « ngây thơ », chỉ tin vào những lời tuyên truyền của bộ máy truyền thông trong nước mà quên đi nguyên nhân trực tiếp của mọi khủng hoảng tại Việt Nam đều do chính đảng CS gây ra, tức là gián tiếp củng cố cho sự tồn tại của một thể chế độc tài, tham nhũng, thối nát. Chỉ có một nhà nước mạnh, kỷ cương, dân chủ và được các đồng minh tôn trọng thì khi đó mọi tranh chấp với Trung Quốc mới có thể được giải quyết một cách minh bạch và ôn hoà dựa trên Luật pháp Quốc tế.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines là những ví dụ điển hình.

Thế cho nên, tập trung mọi chỉ trích hay quan ngại về Trung Quốc chỉ là một mặt nhỏ của vấn đề. Cái cốt lõi mang tính chất sống còn chính là sự tồn tại không hợp pháp của một chế độ đang giam cầm cả dân tộc trong sự nghèo nàn, lạc hậu. Một chế độ “Đảng trị”, đã và đang tước bỏ, cưỡng đoạt mọi khát vọng tự do, dân chủ của người dân.

Đó mới chính là mối lo ngại lớn nhất, một vấn nạn đau thương nhất của dân tộc Việt Nam!

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi; DCVOnline biên tập, minh họa và chú thích.

DCVOnline:

(1.a) Global Opposition To U.S. Surveillance And Drones, But Limited Harm To America’s Image, Chapter 2: China’s Image, 14/7/2014.

“Asian attitudes toward China differ considerably across the region. Two-thirds or more voice a positive opinion in the predominantly Muslim Asian nations surveyed – Pakistan, Bangladesh, Malaysia and Indonesia – as well as majority Buddhist Thailand. A 56% majority also holds a favorable view in South Korea, up from 46% in 2013.”

Vàng: Không tích; Xang: thích. Pew Research Center - Global Attitudes & Trends
Vàng: Không thích; Xanh: thích. Pew Research Center – Global Attitudes & Trends (Spring 2014 Survey. Q15b)

(1.b) Global Publics Back U.S. On Fighting Isis, But Are Critical Of Post-9/11 Torture 2. Views of China and the Global Balance of Power. Pew Research Center, Global Attitudes & Trends, By Richard Wike, Bruce Stokes And Jacob Poushter

“Countries in Asia and the Pacific have the most diverse opinions when it comes to China’s status as a superpower. Overall, a median of 41% in these countries say China will or already has replaced the U.S., while 38% say it will never happen.”

Vàng: Khôngđồng ý; Xanh: đồng ý. Pew Research Center - Global Attitudes & Trends (Spring 2015 Survey. Q18)
Vàng: Không đồng ý; Xanh: đồng ý. Pew Research Center – Global Attitudes & Trends (Spring 2015 Survey. Q18)