Trung Quốc nói họ cảnh cáo và theo dõi tàu chiến của Mỹ ở Biển Đông

Jim Sciutto và Katie Hunt | DCVOnline dịch

us-china(CNN) Trung Quốc cho biết họ đã cảnh cáo và theo dõi một tàu chiến của Hải quân Mỹ khi nó đến rất gần một trong những hòn đảo nhân tạo mà TQ đắp ở vùng biển Đông đang có tranh chấp.

Biển Đông. Tin CNN.
Tàu chiến Mỹ đi ngang đảo nhân tạo do TQ đắp  ở Biển Đông. Tin CNN.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng tàu chiến của Mỹ “nhập vào vùng biển của quần đảo Trường Sa của Trung Quốc bất hợp pháp.” Bản tuyên bố viết,

“Những hành động của chiến hạm Mỹ đã đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, và đã gây nguy hiểm cho sự an toàn của nhân viên trên các rạn san hô.”

Một viên chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng tàu khu trục USS Lassen “quá cảnh” trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa vào sáng thứ Ba giờ địa phương.

Ông nói thêm rằng hoạt động này đưa con tàu vào trong một khu vực có thể được coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc nếu Mỹ công nhận các đảo nhân tạo như là lãnh thổ Trung Quốc.

Hoa Kỳ chưa khi nào vào vùng giới hạn 12 dặm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu có hoạt động nạo vét lớn để biến ba rạn san hô thành những hòn đảo nhân tạo trong năm 2014 – mặc dù luật hàng hải thường không chấp nhận lãnh hải quanh những đảo được xây dựng trên các rạn san hô ngập nước trước đây.

Chính phủ Trung Quốc: Đừng ép chúng tôi

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo về hậu quả nếu một quốc gia gây rắc rối hoặc gây căng thẳng tại các vùng Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ mà của họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Lu Kang nói,

“Nếu bất cứ nước nào nghĩ rằng, bằng cường điệu, họ có thể can thiệp hoặc ngay cả ngăn cản Trung Quốc tham gia vào các hoạt động hợp lý, và hợp pháp trong lãnh thổ của TQ, tôi đề nghị các nước này từ bỏ ý nghĩ kỳ quặc đó đi.”

“Trong thực tế, nếu các bên có liên quan nhất định tạo ra những căng thẳng trong khu vực và gây rắc rối từ chuyện chẳng có gì, nó có thể buộc Trung Quốc phải đi đến kết luận rằng chúng tôi cần phải tăng cường và đẩy nhanh việc xây dựng khả quân sự cần thiết của chúng tôi. Tôi khuyên Mỹ không nên tạo những lời tiên tri tự tự hoàn thành như vậy.”

Tuyên bố tròng chéo

Biển Đông là chủ đề của nhiều tuyên bố lãnh thổ thường đối nghịch và lộn xộn, giữa Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tranh chấp chủ quyền trên nhiều chuỗi đảo và vùng biển lân cận.

Trong khoảng gần 18 tháng qua, Trung Quốc đã khai đắp hơn 2.000 mẫu Anh tại ba địa điểm chính trong quần đảo Trường Sa – Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập, và đã xây dựng phi đạo được cho là có khả năng để máy bay ném bom có thể sử dụng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng hoạt động của họ ở Biển Đông không ảnh hưởng đến tự do hàng hải bằng đường biển hoặc đường hàng không nhưng cho biết Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận của nó.”

“Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào nhân danh tự do hàng hải và hàng không để gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.”

Hồi tháng Năm, một máy bay giám sát Mỹ mang theo một đoàn phóng viên CNN bay trên quần đảo Trường Sa, khiến hải quân Trung Quốc phải đưa ra tám cảnh cáo xua đuổi.

Tàu hải quân Trung Quốc đi vào Mỹ lãnh hải , trong vòng 12 dặm của bờ biển của Mỹ ở vùng Alaska hồi tháng Chín cùng lúc với chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại tiểu bang này, giới chức Hoa Kỳ nói với CNN vào thời điểm đó.

Những viên chức đó nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc phù hợp với việc “quá cảnh vô hại” theo luật biển quốc tế.

‘Hoạt động thường xuyên’

Vùng biển đang có tranh chấp quang quần đảo Trường Sa. Nguồn:
Vùng biển đang có tranh chấp quanh quần đảo Trường Sa. Nguồn: Asia Maritime Transparency Initiative

Một viên chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng các hoạt động nói trên là “chuyện bình thường” và là phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông nói thêm,

“Chúng tôi sẽ bay trên không, lái tàu trên biển và hoạt động bất cứ nơi nào trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép. Tự do hoạt động hàng hải hàng không của Mỹ trong phạm vi toàn cầu và thực hiện để đối đầu với một loạt những tuyên bố hàng hải quá đáng, không phân biệt của bất kỳ các quốc gia ven biển nào có những yêu sách quá mức.”

Bình luận này lập lại tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby hôm thứ Hai, đã nói một quốc gia không cần phải tham khảo ý kiến cuả nước khác “khi thực hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.”

Những quốc gia còn lại trong khu vực, cảnh giác trước những ý định của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp, có thể sẽ hoan nghênh hành động của Mỹ.

Tổng thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về hoạt động của Mỹ, nhưng cho biết “cộng đồng quốc tế cần làm việc với nhau để bảo vệ vùng biển mở, tự do và an bình là điều vô cùng quan trọng.”

Australia cho biết họ “cực lực ủng hộ” quyền của tất cả các nước được tự do đi qua Biển Đông.

Đài Loan cho biết họ đã phủ nhận tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Trung Quốc và kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Những căn cứ quân sự ở Biển Đông. Nguồn: Asia Maritime Transparency Initiative
Những căn cứ quân sự và phi đạo ở Biển Đông. Nguồn: Asia Maritime Transparency Initiative

Thách thức?

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nói rằng các hoạt động của Mỹ là thử nghiệm nhằm kiểm soát các vùng biển, chứ không phải chủ quyền trên các đảo đang tranh chấp, và sẽ tạo một tình thế khó xử cho Trung Quốc. Ông nói,

“Hoạt động này buộc TQ phải nêu rõ các yêu sách của họ. Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là một chiến lược mơ hồ.”

Poling nói theo luật hàng hải, đảo nhân tạo không có vùng lãnh hải 12 dặm, và Hải quân Mỹ cố tình đưa tàu khu trục gần Đá Xu Bi vì lý do này.

Trước những vụ đắp đảo đất gần đây của Trung Quốc, cả Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn đều ngập nước khi thủy triều lên cao, trong khi ở Đá Chữ Thập thì có một dải cát có thể làm cho tình trạng pháp lý của nó mơ hồ hơn.

Poling nói, “Vì vậy, nếu Bắc Kinh phản đối bằng cách với Mỹ là bạn đang ở trong lãnh hải của chúng tôi, thì Mỹ có thể phản ứng bằng cách nói rằng không có vùng lãnh hải nào cho một hòn đảo nhân tạo hết.”

Ông nói rằng quyết định đưa khu trục hạm vào biển Đông hôm nay là kết quả của nhiều tháng thảo luận ở Washington và có thể xẩy ra sau chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington hồi tháng trước vì hai bên không đạt được tiến bộ khả quan nào về Biển Đông.

Barbara Starr của CNN, Steven Giang, Charlie Miller, Holly Yan và Yuli Yang đóng góp vào bản tin này.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: China says it warned and tracked U.S. warship in South China Sea.  By Jim Sciutto and Katie Hunt, CNN, Tue 27 tháng 10 năm 2015