Nhà nông Việt Nam và TPP

Huỳnh Việt Lang

rauLàm nông nghiệp cần hiểu là một nghề nghiệp, do đó người nông dân VN trong thế kỷ XXI sẽ là người “Nông dân chuyên nghiệp” – chứ không phải “Nông dân gia truyền”.

Đổi mới về cách nghĩ

Nhà nông chuyên nghiệp. Nguồn: gamersgate.com
Nhà nông chuyên nghiệp. Nguồn: gamersgate.com

Khi đề cập đến nông dân VN, tôi thấy người ta hay viện dẫn thành ngữ “lão nông tri điền”. Nếu xem xét trong giai đoạn tự sản tự tiêu thì có lẽ thành ngữ trên là đúng. Song thời hội nhập quốc tế, tôi xin phép nghi ngờ thành ngữ này: liệu là “lão nông” thì có “tri điền” hay không; hoặc để “tri điền” thì nhất thiết phải là “lão nông”? Bởi xét về trình độ chuyên môn nông nghiệp, thì tôi thấy các số liệu sau:

Trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp trên cả nước hiện nay có tới 97,25% không được đào tạo nghề nghiệp, chỉ có 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp; 1,23% có trình độ trung cấp và 0,21% trình độ cao đẳng, đại học.

Hiện nay, mọi thứ liên quan đến nông nghiệp không đơn giản chỉ là “nước, phân, cần, giống”. Trước khi gieo hạt giống xuống đất, thì phải liệu chừng sau khi thu hoạch loại nông sản này sẽ bán cho ai, có được giá hay không? Quả là rất khó khăn, nếu làm nông chỉ với kiến thức “tri điền”.

Nên dù muốn dù không, nông sản thực sự phải xem là hàng hóa trong nhận thức của người nông dân. Việc tuân thủ những tiêu chuẩn về sản phẩm – trở thành một nguyên tắc sống còn trong quá trình làm nông nghiệp. Không thể tiếp tục mãi tình trạng người trồng rau chỉ dám ăn cá, trong khi người nuôi cá chỉ dám ăn thịt gà, người nuôi gà lại chỉ dám ăn rau…

Việc tham gia Hiệp định TPP – khiến người nông dân VN sẽ phải đối mặt quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tình trạng sản xuất các loại nông sản không an toàn đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp cầ phải chấm dứt.

Nói tóm lại, người nông dân cần phải xem lại cung cách làm ăn khá phổ biến hiện nay. Làm nông nghiệp cần hiểu là một nghề nghiệp, do đó người nông dân VN trong thế kỷ XXI sẽ là người “Nông dân chuyên nghiệp” – chứ không phải “Nông dân gia truyền”. Ngoài kinh nghiệm về thời tiết, canh nông – người nông dân cần phải có những hiểu biết về hàm lượng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng, những quy chuẩn về an toàn thực phẩm.

Vả lại, canh tác nông nghiệp hiện nay không nhất thiết là cứ phải trồng lúa – để chạy theo xuất khẩu; giá trị xuất khẩu gạo 3 tỷ USD/năm là một con số lớn– nhưng chỉ ngang bằng một con số khác: giá trị nhập khẩu bia rượu của VN cũng khoảng 3 tỷ USD/năm.

Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN)

Nguồn:  Agri Value Chain - BASIX
Hợp tác xã nông nghiệp. Nguồn: Agri Value Chain – BASIX

HTX nông nghiệp đích thực nên được xem là mô hình các tổ chức xã hội dân sự cần phát triển ở nông thôn.

Diện tích đất canh tác của các nông hộ thì nhỏ. Tức trong gần 12 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, thì 80% trong số đó có diện tích canh tác dưới 1ha/hộ.

Hiện tại, người nông dân VN muốn đổi đời thì phải thấy rằng: các dự tính cho mảnh ruộng sau nhà luôn cần những liên kết láng giềng. Hình thức canh tác đơn lẻ và tự phát không thể tương thích với nền kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay.

Qua mô hình HTX nông nghiệp, các nông hộ sẽ xây dựng được những liên kết chặt chẽ. Trong mô hình HTX này: tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn là thuộc về các thành viên. Nguyên tắc chung là: cái gì HTX làm có lợi hơn là thành viên tự làm, hoặc không thể làm được thì HTX mới làm. Chẳng hạn các nông hộ không có khả năng dự báo nhu cầu thị trường, và do không có khả năng bán bằng các hợp đồng với các công ty hoặc khách sạn nên không có căn cứ để quy hoạch đàn nuôi của mình.

Mô hình HTX NN được tổ chức hợp lý rất khác với kiểu HTX nông nghiệp XHCN là xã viên góp vốn vào HTX; lúc đó chỉ có quan hệ giữa HTX và xã viên, không còn tồn tại kinh tế hộ gia đình.

Có thể hiểu các HTX Nông nghiệp không đơn thuần là tổ chức kinh tế của nông dân – mà đây còn là mô hình các tổ chức xã hội dân sự ở nông thôn, có chức năng giữ sự phát triển ổn định cho đời sống của người nông dân và nông thôn – một khi các định chế toàn trị ngày càng trở nên vô tích sự.

Trong khi cuộc vận động xây dựng công đoàn độc lập trong lãnh vực công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì những cản trở từ phía nhà cầm quyền – thì việc thành lập các HTX NN đang có nhiều thuận lợi hơn. Các HTX sản xuất nông sản an toàn đã xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn cả nước. Một hành lang pháp lý tối thiểu cho việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp đã có.

Người nông dân Việt Nam cần làm những gì trước những tác động từ Hiệp định TPP

Định vị để bảo vệ thị trường. Nguồn: Mchelle Houlden
Định vị để bảo vệ thị trường. Nguồn: Mchelle Houlden

Trước khi gia nhập Hiệp định TPP, Việt Nam đã ký 11 Hiệp định tự do mậu dịch khác. Trong lãnh vực nông nghiệp, nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã được hưởng mức thuế suất rất thấp hoặc miễn thuế khi nhập khẩu vào các thị trường này. Do đó, dù có hay không có TPP thì cũng không còn nhiều khoảng trống cho các mặt hàng nông sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu.

Tuy nhiên, Hiệp định TPP không đơn thuần là một Hiệp định thương mại thuần túy; dựa trên nền tảng tự do mậu dịch, Hiệp định này còn là nhưng cam kết chia sẻ các giá trị dân chủ, nhân quyền và pháp trị.

Dân chủ hóa Việt Nam là một công cuộc vận động lâu dài. Bên cạnh một chiến lược là đấu tranh bất bạo động đối với chế độ độc tài toàn trị, nhằm cho mục tiêu tiến đến thiết lập một thể chế chính trị dân chủ pháp trị tại Việt Nam – tiến trình vận động dân chủ hóa luôn cần những điều chỉnh bổ sung thích ứng cho từng giai đoạn thời cuộc.

Thời điểm Việt Nam sắp chính thức tham gia Hiệp định TPP là một thời điểm phù hợp để xem xét những điều chỉnh bổ sung này. Quan tâm đến điều kiện Dân sinh cần được xem là một chủ đề lớn trong giai đoạn hiện nay và kéo dài trong nhiều năm tới. Đây cũng thời điểm để công cuộc dân chủ hóa Việt Nam chuyển sang cấp độ cao hơn: thay vì chỉ dựa vào các cơ hội đẩy mạnh đẩy mạnh dân chủ hóa – thì tập trung vào hoạt động tự sáng tạo ra các cơ hội.

Một chiến lược trước hết phải xuất phát từ tư tưởng. Cũng nên nhắc lại rằng, nếu chế độ Cộng sản Việt Nam thất bại vì một trong những nguyên nhân là nhập khẩu một thứ lý luận chưa bao giờ được thực tiễn chứng minh – thì công cuộc vận động dân chủ hóa cho Việt Nam hiện nay sẽ khó có những bước phát triển mạnh – nếu thiếu những cập nhật cần thiết trong lãnh vực lý luận.

Người nông dân Việt Nam cần làm những gì trước bối cảnh hội nhập quốc tế – qua Hiệp định TPP – đang cần những nghiên cứu cấp thiết bổ sung về mặt dân sinh cho các lý luận dân chủ. Cụ thể ở đây là những số phận của 21 triệu lao động, với các nhân sự liên quan đang cư trú trên địa bàn nông thôn, chiếm 66,9% dân số Việt Nam. Hãy giúp người nông dân tự cứu mình – thay vì trông đợi vào những chính sách của nhà cầm quyền toàn trị.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Facebook Huỳnh Việt Lang. Nov 28-29, 2015. DCVOnline minh hoạ.