Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7c)

Nguyễn Văn Lục

bdlPhải thú thực là tôi rất mệt mỏi khi đọc tập tài liệu này. Viết xong dược một vài cảm tưởng khi đọc xong tập tập liệu tôi coi như một giải thoát.

Nhìn lại sử Việt | Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7c)

(Tiếp theo phần 7a, 7b)

Mộ Gm Bá Đa Lộc gần Saigon. Nguồn: OntheNet
Mộ Gm Bá Đa Lộc gần Saigon. Nguồn: OntheNet

Khi đọc tập tài liệu Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long với một giọng văn chắc nịch, mang tính tố cáo và áp đặt của tác giả Thuỵ Khuê, tôi thấy cần phải nhìn lại một số vấn đề liên quan đến tác giả.

Trước khi đi vào chi tiết, xin lược qua hành trình bốn năm của Bá Đa Lộc-Hoàng tử Cảnh sang cầu viện Louis XVI.

Thỏa ước Versaillles đã được ký kết giữa Giám mục Adran và đại diện của Louis XVI với một hậu ý xấu về phía người Pháp. Trong “Mgr Pigneau de Béhaine, Évêque d’Adran”, Alexis Faure viết:

“Il se rencontre quelquefois, dans notre histoire, des traités qu’on n’a pas éxécutés, parce que les circonstances politiques, des obstacles inopinés, des éventualités redoutables s’y opposaient; mais on n’a peut être pas encore vu un gouvernement prendre des engagements fermes, montrer apparemmment des dispositions pour mettre sa conduite en concordance avec ses engagements, tandis que, dans le même temps, dans le secret de son conseil, Il s’ingéniait à détruire son oeuvre de ses propres mains, et sans aucun incident de quelque importance eut surgi et fut suscepptible d’en modifier la marche. C’est si anormal, tellement contraire à la vieille loyauté Francaise qu’il faut des preuves bien certains, bien convaincantes, bien patientes pour y croire.”(21)

“Trong lịch sử dân tộc chúng ta, có thể đôi lần có những thỏa ước đã được ký kết mà đã không được thi hành, bởi vì do những hoàn cảnh chính trị, những trở ngại bất ngờ, những tình huống bất trắc đáng sợ chống lại việc thi hành thỏa ước. Nhưng có thể người ta chưa bao giờ thấy một chính quyền đã có giao ước chắc chắn mà bề ngoài vẫn làm ra vẻ tuân thủ những giao ước đã được ký kết, nhưng đồng thời trong hội đồng nội các họp kín, họ lại tìm cách phá hủy tất cả những cam kết do chính tay họ ký kết mặc dầu không có một việc gì xẩy ra quan trọng đến nỗi cần phải thay đổi công việc đang tiến hành. Thật là quá bất thường đến nỗi nó đi ngược lại truyền thống vốn trung thành của người Pháp mà phải có đầy đủ bằng cớ có tính thuyết phục, bằng cớ chứng thực mới có thể tin một điều như thế đã xẩy ra.”

Armand Marc de Montmorin. Thủ tướng triều Louis XVI. Nguồn: Wikipedia
Armand Marc de Montmorin. Quốc Vụ Khanh Hải Quân (1787) triều Louis XVI. Nguồn: Wikipedia

Việc ký kết giữa Bá Đa Lộc, đại diện cho Việt Nam, và Bá tước De Montmorin, đại diện cho vua Louis XVI, văn kiện ngoại giao đầu tiên tại phòng Hiệp định của Bộ ngoại giao nay là thư viện Versailles (Văn kiện ký ngày 28/11/1787).

Nhưng chỉ 5 ngày sau, ngày 2/12/1787, bộ Ngoại giao Pháp đã dấu không cho vị giám mục hay và gửi một văn thư chỉ thị mật cho bá tước De Conway, Tư lệnh quân đội Pháp, tại Ấn Độ, bảo ông ta phải dựa vào hoàn cảnh thực tiễn mà tiến hành, hoặc hoãn lại cuộc viễn chinh.(22)

Giám mục Bá Đa Lộc lên tầu quay trở lại Pondicherry với hai bàn tay trắng mà không biết những âm mưu bên trong.

Viết về điều này, Tạ Chí Đại Trường chỉ viết một câu như sau:

“Cho nên Bá Đa Lộc đi rồi, viên Trưởng văn phòng Bộ Thuộc Địa mới bảo ‘do lệnh vua’, cho De Conway hay rằng, ‘Không tính tới chuyện viễn chinh Đông Dương’.”(23)

Những giấc mơ và tính toán của Bá Đa Lộc phải chăng không phù hợp với những lợi ích mà nước Pháp có thể nhìn thấy và việc đầu tư vào đó những số tiền khổng lồ từ 600 ngàn quan đến 1.000.000 quan Pháp mà không đem lại một bảo đảm nào?

Và cũng theo ông Nguyễn Xuân Thọ, Bá Đa Lộc đã không chịu thua và quyết tâm làm cuộc ‘cách mạng Nam Kỳ’ một mình. Tôi vẫn chưa nắm được chữ cách mạng Nam Kỳ là cách mạng kiểu gì? Ông đã tập trung được một đội viễn chinh 300 người do sĩ quan Pháp chỉ huy và đổ bộ lên cửa sông Saigon vào tháng 7, 1789.(24) Cửa sông Sài gòn được hiểu là Vũng Tàu. Con số 300 người cũng là những con số cần được xem xét lại.

Nhìn lại sự thất bại của chuyến đi cầu viện của Bá Đa Lộc, chúng ta có thể rút ra khá nhiều bài học:

– Bài học thứ nhất là vì thỏa ước ký kết đã không được thi hành nên sau này Gia Long thống nhất được đất nước đã không bị cái tiếng là mở đường cho người Pháp vào Việt Nam. Mặc dầu vậy cái tiếng ‘cõng rắn cắn gà nhà’ ấy vẫn còn và có thể chẳng bao giờ được rửa sạch! Gớm thay cho tiếng đời và bia miệng!

– Bài học thứ hai là ngay vào thời điểm này, Louis XVI và đại diện cho nước Pháp chưa có ý định rõ rệt về việc xâm chiếm thuộc địa. Điều này nó giúp khẳng định một lần nữa là khi nào có điều kiện khách quan chín mùi thì việc xâm lăngViệt Nam biến thành thuộc địa sẽ xẩy ra như đã xẩy ra, dù muốn hay không muốn có cũng không được, không cần biết vua quan nhà Nguyễn có cấm đạo hay không cấm đạo. Thật vậy, cuộc cách mạng Pháp xẩy ra sau đó, chẳng những xóa tan chế độ phong kiến mà còn quét sạch hệ thống tăng lữ, tách thần quyền ra khỏi thế quyền. Con số hàng hơn chục ngàn người bị treo cổ hoặc lên máy chém hẳn có giới tăng lữ cao cấp? Hội thừa sai Ba Lê lúc bấy giờ sợ bị họa lây đã phải dọn cơ sở sang Anh.

Thế nhưng gần như ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp vẫn có thể nhân danh những lý tưởng tự do tôn giáo để nhảy vào can thiệp ở Việt Nam.

– Bài học thứ ba cho thấy, mặc dù không có sự trợ giúp trực tiếp của quân đội Pháp mà theo thỏa thuận, nước Pháp có nhiệm vụ cung cấp 1500 lính với đầy đủ quân cụ cùng với tầu chiến cũng như một số tầu bè cần thiết để chuyên chở số quân ấy, đồng thời chở trọng pháo cùng tất cả mọi thứ gì cần thiết cho cuộc viễn chinh. Nay hoàn toàn không có bất cứ thứ gì – sĩ quan không, tàu chiến không, trọng pháo cũng không.

Bằng cách nào Bá Đa Lộc đã thu phục được người sẵn sàng vào Nam Việt để giúp Nguyễn Ánh?

Điều này cần diễn giải kỹ hơn một chút về tình hình thế giới lúc bấy giờ.

Nếu chúng ta tin vào định luật tương đối của thời gian, của con người của lịch sử thì sự mất còn đôi khi chỉ có giá trị nhất thời. Trong sự suy tàn, mục rữa, sự khủng hoảng niềm tin và sức mạnh, sự đề kháng và sức mạnh vươn lên vẫn có thể tìm một lối ra cho con người và cho mỗi quốc gia.

Sự bất ngờ như một câu chuyện thần thoại mà nếu Colombo còn sống sẽ không bao giờ tin được rằng, ông đã đưa con người đến một vùng đất hứa như trong thánh kinh đã ghi chép.

Thật vậy, nhìn về mặt phát triển, chủ nghĩa thực dân đã mở đường cho sự thành lập các nước tân thế giới. Mỹ, Canada, Úc Đại Lợi là mở đường cho cuộc chinh phục toàn cầu mà ở những nơi ấy mỗi cuộc di dân là mỗi bước chân con nguời, đi những bước đi vĩ đại đi khắp địa cầu nhờ vào ba thành phần sau đây:

  • Những nhà thám hiểm. có óc phiêu lưu mạo hiểm
  • Những thương buôn giầu có
  • Và tập đoàn tăng lữ

Họ là những con người phi thường mà mẫu số chung của họ là óc phiêu lưu mạo hiểm, không ngại nan nguy, sống chết. Họ đã dám từ bỏ tất cả để đi theo một tiếng gọi ráo riết và thúc dục họ lên đường.

Chữ lên đường là một từ ngữ quá đẹp để chỉ về công việc của họi đã làm.

Thật vậy, tôi đã suy nghĩ mãi về trường hợp giáo sĩ Đắc Lộ; khi được bề trên của ông chuẩn nhận cho đi truyền giáo, ông đã phủ phục trước mặt bề trên, khóc ròng và bày tỏ lòng biết ơn.

Họ là những người tiền phong làm thay đổi diện mạo thế giới mà chính họ không bao giờ lường hết được công việc họ đã làm.

Ba thành phần trên cũng là những người đã đến Việt Nam với cùng một cung cách như các bậc đàn anh của họ đã làm ở thế kỷ 16. Chỉ có điều nó đã được thu nhỏ lại về mọi mặt. Phải hiểu thấu được điều này mới hiểu ra hết nguồn cơn của phong trào đi tìm thuộc địa.

Chế độ thực dân cuối cùng nhìn lại vẫn là cơ may hiếm có đưa nhân loại đến một giấc mơ chẳng những cho những kẻ phiêu lưu chính trị mà còn dắt đưa cả môt khối nhân loại nghèo nàn, chậm tiến trở thành con người văn minh tiến bộ.

Nghĩ như thế nên tôi coi những thái độ nhìn lịch sử như những công trình khép kín, ẩn núp sau những chủ nghĩa dân tộc sô vanh là một thái độ tự khép kín, bảo thủ, giáo điều và phản tiến bộ!

Lối nhìn lịch sử của bà Thụy Khuê kẹt trong sự tù túng, chật hẹp.

Tác giả Thụy Khuê cần tìm hiểu điều này một cách kỹ càng thay vì mất công vạch lá tìm sâu một cách không cần thiết. Hiểu điều này tức là hiểu được cái đà lịch sử cũng như cán cân quyền lực nghiêng về phía nào.

Phải chăng chính yếu tố kỹ thuật, văn minh Tây phương, nói rõ ra là tầu đồng, thành lũy, súng đại bác đã đánh tan đạo quân của Tây Sơn – đã một thời đánh tan đạo quân Thanh thuở nào.

Tây Sơn không thua Nguyễn Ánh và không thể thua dễ dàng được! Tây Sơn nếu có thua là thua kỹ thuật của Tây phương nhờ Bá Đa Lộc mà có.

Bà Thụy Khuê chưa hiểu được điều này nên cứ cố tình làm nhẹ vai trò của hơn chục người lính đánh thuê giúp Nguyễn Ánh.

Ở chỗ khác bà đã đặt ra một câu hỏi như sau:

“Cho tới nay. Vì thiếu sự giải thích minh bạch, chúng ta không hiểu tại sao Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu lại có thể thua trận một cách dễ dàng như thế trước hai kẻ giang hồ như Francis Garnier và Henri Rivière? Đây không phải là lần đầu tiên quân Pháp dùng những thủ đoạn lừa gạt để tấn công.”(25)

Bà không nên miệt thị những tên lính đánh thuê ấy bởi vì chính chúng chứ không ai khác đã làm nên chuyện lớn. Những Lebrun, De Forcanz, Chaigneau, Vannier, Dayot và nhất là Olivier Puymanel [Nguyễn Văn Tín] đều là những kẻ tài giỏi. Những chê bai như Lebrun là kẻ đào ngũ, binh nhì, v.v. phỏng lý luận được gì?

Nhưng nếu sau này họ được phong quan chức là do công trạng của họ mà nhà vua ban thưởng.

“Hoàng thượng xét thấy tài năng của Théodore Lebrun, quốc tịch Pháp, với bằng văn này, ban cho y chức Khâm sai cai đội thanh oai hầu, quản chiếu việc công thự (bản tiếng Pháp dịch là capitaine ingénieur; vì thế, Hoàng thượng giao cho y coi sóc tất cả những đồn lũy trong nước; và lệnh cho y phải tìm mọi cách để có được sự bảo đảm an toàn cho những thành trì này. Nếu vì bất cẩn, y không làm trọn nhiệm vụ, thì sẽ bị trừng phạt theo luật pháp.” (26)

Bà Thụy Khuê đưa ra lời bình luận như sau: Qua văn bằng này, ta thấy Lebrun đã tự nhận mình là kỹ sư xây dựng nên mới được vua cho chức Khâm sai Cai đội oai thanh hầu, quản các thành trì.

Theo tôi, việc một tên đào binh trốn lính khi gặp cơ hội có thể khai là sĩ quan hay gì gì đi nữa là chuyện của y và nhà vua. Hắn khoe khoang là một chuyện. Nhưng làm được hay không lại là chuyện khác. Và nhà vua đã tin tưởng giao cho một tên đào binh làm Khâm sai cai đội Thanh oai hầu. Còn lo việc trông coi toàn bộ các thành trì.

Chúng ta phải đồng ý với nhau là y phải giỏi.

Cũng như Dayot được phong là “Khâm sai cai đội quản chiếu tầu nhị chích trí lược hầu”. Nói nôm na là thuyền trưởng hai tầu.

Bà còn thắc mắc tìm hiểu xem văn bằng của Puymanel, v.v. Thật là chuyện buồn cười!

ean-Marie Dayot (left) and his brother Félix Dayot (right). By Unknown - Early 19th century French painting. Reproduction in Mantienne "Monseigneur Pigneau de Behaine", Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=4951877
ean-Marie Dayot (T) và em là Félix Dayot (P). By Unknown – Early 19th century French painting. Reproduction in Mantienne “Monseigneur Pigneau de Behaine”, Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=4951877

 

Dayot nếu không tài giỏi làm sao vua lại cho y chức Khâm sai cai đội mà những người Pháp khác như Vannier chỉ được là cai đội tầu Đồng Nai, Isle-Sellé, cai đội tầu Le Prince de Cochinchine rồi những Guillon, Guilloux đều là phó cai đội và cả bốn đều dưới quyền của Dayot.

Nếu xét theo chức vụ bây giờ thì Lebrun được coi như tướng Tư lệnh vùng. Dayot phải là Đề đốc hải quân. Những tên đào binh này sau này đều góp phần chiến thắng trong trận hải chiến Thị Nại.

Đó là ba tên tuổi là Vannier, Forcanz và Chaigneau.

Mok của De Forcanz ở khu mộ người Pháp ở Phú Can dời về Thuy Phương. Nguồn: François xavier Landrin/http://belleindochine.free.fr/
Mok của De Forcanz ở khu mộ người Pháp ở Phú Cam dời về Thuy Phương. Nguồn: François xavier Landrin/http://belleindochine.free.fr/

Câu trả lời còn trở nên thật rõ ràng hơn khi chính vua quan nhà Nguyễn đời Tự Đức lần này phải đối diện với binh đội Pháp thứ chính quy tại Tourane, tại 6 tỉnh miền Nam, tại Hà Nội.

Người ta vẫn chưa nhận thức ra được yếu tố nào binh đội Việt Nam và đằng sau là nhân dân Việt Nam phải cúi đầu trước sức mạnh của quân giặc! Chỉ cần vài trăm quân lính Pháp đủ bình định xong Việt Nam, gần như không tốn một viên đạn.

Đây là điểm dị biệt giữa bà Thụy Khuê và nhóm người đi theo Bá Đa Lộc.

Bà Thụy Khuê tìm mọi cách để hóa giải cuộc chiến thắng này đánh tụt giá mọi đóng góp của Bá Đa Lộc vào trong các công việc như: xây thành lũy như thành Gia Định, thành Diên Khánh đều do người Việt Nam đảm trách. Xây dựng cơ xưởng đúc súng đạn và đóng tàu, cải cách quân sự, huấn luyện, v.v. đều bị bà sổ tuột.

Chưa đụng với bọn sĩ quan Pháp chính quy mà mới giao đấu với bọn người mà bà Thụy Khuê khinh miệt gọi là trốn lính, không bằng cấp học vị, cùng lắm chỉ là thứ anh chị, giang hồ thảo khấu. Vậy mà bọn này trong trận thủy chiến Thị Nại, một chiến thắng có tính quyết định.

Chúng đã dạy cho những người lính của Tây Sơn đã ba bốn lần theo gió mùa vào Nam, đuổi Nguyễn Ánh chạy có cờ đến không còn manh giáp.

Và nhất là trong số ấy, nhiều người không thể quên đi niềm tự hào từng ra Bắc chinh phạt đám quân Tôn Sĩ Nghị chạy bán sống bán chết về bên Tàu.

Vậy mà chúng – những tên lính đánh thuê – đã làm nên chuyện lớn, chuyện đội đá vá trời! Bà Thụy Khuê làm sao có đủ chứng liệu để phản bác tất cả những thay đổi về mặt quân sự, chiến lược, chiến thuật này không trong mối tương quan giữa một bên là Nguyễn Huệ, bên kia là Nguyễn Ánh?

Về những quân nhân người Pháp giúp Gia Long,  K. W. Taylor, trong “A History of Vietnamese” (2014) viết như sau:

taylor_385

K. W. Taylor, lại thêm một người viết sử theo “sử quan thuộc địa”?

Thuỵ Khuê nên đọc thêm, đọc nhiều hơn chút nữa để bớt những nhận xét, những câu hỏi vẩn vơ.

Bá Đa Lộc, lính đánh thuê và Nguyễn Ánh

Ngày 28 tháng 7 năm 1789, khi giám mục Bá Đa Lộc cùng với hoàng tử Cảnh cặp bến Vũng Tàu.

Ông không lẻ loi đi một mình.

Trong chuyến đi Pháp, mặc dầu hoàn toàn thất bại, người ta cũng thấy có một số người Pháp cùng đi với ông:

  • J.B. Chaigneau [Nguyễn Văn Thắng], thuyền trưởng tàu Long Phi.
  • De Forcanz, thuyền trưởng tàu Bằng Phi.
  • Philippe Vannier [Nguyễn Văn Chấn], thuyền trưởng tàu Bòng Thước, sau đó là tàu Đồng Nai và tàu Phụng.
  • Jean-Marie Dayot [Nguyễn Văn Trí], chỉ huy một đội chiến thuyền.
  • Victor Olivier, sĩ quan cơ khí, trông coi tổ chức bộ binh, pháo binh và đồn lũy.
  • Théodore Lebrun, kỹ sư trông coi việc xây thành.
  • Laurent Barisy, trung tá.
  • Julien Girard de L’Isle-Sellé, đại úy hải quân.
  • J.M. Despiaux, ngự y cho chúa Nguyễn.
  • Louis Guillon, trung úy hải quân.
  • Jean Guilloux, trung úy hải quân.(27)
Nguồn: thuykhue.free.fr
Nguồn: thuykhue.free.fr

Những nhân vật trên sau này đều đóng góp kỹ thuật, kiến thức quân sự giúp Nguyễn Ánh đang từ thế thủ chuyển sang thế công.

Không có người nào trong đám này là người thừa cả.

Cũng trong phân mục này, xin trích dẫn Tạ Chí Đại Trường. Ông viết lại: Je ferai seul la révolution. Các tay phiêu lưu Tây Phương ở Việt Nam: Vai trò, địa vị và ảnh hưởng của họ. Và bằng mấy câu thơ bày tỏ sự vui mầng:

Tới nơi bến Nghe gieo neo
Dưới trên buồm cuốn xả lèo răng răng
Đùng đùng súng bắn liên thanh
Chiêng cồng mừng rỡ vang rang dầy dầy
Hai bên tứ diện Đông Tây
Dưới trên thiên hạ dầy dầy đều coi
Mừng tàu rày đã tới nơi
Mừng Thầy lại với Con Người đã sang

Và chiếc tàu La Méduse đã cập bến Vũng Tàu ngày 28/7/1789.

Và Tạ Chí Đại Trường đã trích câu nói của Bá Đa Lộc nói thẳng vào mặt De Conway.

“Một mình tôi cũng đủ làm nên việc đảo lộn.”(28)

Họ, những tên lính đánh thuê, từng lớn lên với mộng ước hải hồ cộng óc phiêu lưu, mộng làm giàu trong chốc lát khiến họ có mặt hôm đó, tại bến cảng Vũng Tàu.

Họ và Bá Đa Lộc đều có một mẫu số chung: họ mơ ước làm chuyện lớn, mặc dầu chuyện lớn của Bá Đa Lộc chẳng ăn nhập gì với bọn người đi theo ông.

Trước hết, bà Thụy Khuê đã để công sức đọc và sưu tầm các tài liệu sử như tài liệu sử của Alesix Faure, Barisy, John White, ký sự của Bissachère, John Barrow và cuối cùng ngay cả tài liệu sưu tầm đáng nể của Charles B. Maybon, “Histoire moderne du pays d’Annam” cũng như các công trình sưu tập của cố Cadière.

Cadière-Thụy Khuê

Lm Léopold Cadière (1869-1955), ngường sáng lập Hội Bạn Cố Đô (AAVH). Nguồn:  Catherine Clémentin-Ojha, Pierre-Yves Manguin, A Century in Asia: The History of the Ecole Francaise D'Extreme-Orient, 1898-2006, trang 176
Lm Léopold Cadière (1869-1955), người sáng lập Hội Bạn Cố Đô (AAVH). Nguồn: Catherine Clémentin-Ojha, Pierre-Yves Manguin, A Century in Asia: The History of the Ecole Francaise D’Extreme-Orient, 1898-2006, trang 176

Riêng trường hợp Cadière đã nhận được một lời phê phán khen có mà chê cũng rất nặng nề:

“Hai vị học giả Pháp có những công trình nghiên cứu văn hóa Việt đáng trọng là Maybon và Cadière; tiếc thay, cũng lại là những người, đã tế nhị và sâu sắc, tìm cách thay thế công lao thống nhất và dựng nước của Gia Long cùng tướng sĩ, quần thần, bằng công trạng của Bá Đa Lộc và những ‘sĩ quan’ Pháp.”(29)

Về mặt khách quan mà nói, các sách sử thời ấy rất khó tránh khỏi những sai lầm đủ loại. Có rất nhiều khuyết điểm – nhất là tên người, Tạ Chí Đại Trường đã nhận xét là người Tây Phương rất chú trọng đến ngày tháng minh bạch, nhưng về tên người thì không cách nào họ viết đúng được.

Công nghiên cứu phê phán của bà Thụy Khuê cần được ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều chỗ cho thấy bà đã do động lực ngầm, mất tự chủ, bà đã dùng những chữ khá nặng nề, bà đã mạt sát bằng những ngôn từ không thích hợp như “xuyên tạc, bịa đặt, sai lầm tiêu biểu, thủy tổ việc bóp méo lịch sử Pháp-Việt, bôi nhọ Quang Trung, ít học, không quen viết lách, câu cú lôi thôi…” lối viết này thực là ấu trĩ, phô trương và khoác lác.

Hầu hết những người trên đều trở thành đối tượng bị Thụy Khuê phê phán quá đáng. Bà viết:

“Thực là kinh hoàng khi ta đọc bài diễn văn trên đây. Khó có thể hiểu tại sao một người có kiến thức sâu rộng, có đạo đức nghề nghiệp của một học giả như linh mục chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ lại có thể viết một bài như thế. Chưa cần xét đến đầu óc thực dân, cao ngạo, khinh mạn người Việt, bao trùm lên toàn bài, hãy nói đến những lỗi khổng lồ mà một công trình khoa học không thể có, mà chúng tôi xin lần lượt phân tích từng điểm một, sau đây.”
(Trích Thuỵ Khuê, Ibid., chương 15)

Do nguyên động lực nào mà bà đã viết như thế? Thật là kinh hoàng! Viết khác với lối biên khảo quen thuộc của bà khi viết về các đề tài văn học hay triết học! Tại sao có hai thái độ cầm bút như thế trong cùng một con người?

Phải chăng có hai Thụy Khuê – một viết văn học và một viết chính trị – tôn giáo?

Và đó là công việc mà chúng ta cần tìm hiểu.

Viết như thế tôi cho là không công bằng. Viết như thế là có sẵn một chủ đích xấu, một định kiến về các thừa sai hoặc các nhà sử học. Thừa sai sangViệt Nam thì có nhiều. Cộng chung có thẻ lên đến từ 300 đến 400. Nhưng chỉ có khoảng 30 chục người viết dưới dạng các lá thư gửi về cho bạn bè, gia đình như cha mẹ hoặc những bề trên trực tiếp của họ. Những lá thư này có tính cách cá nhân và không được phổ biến. Sau này được Hội Thừa sai Ba Lê thu tập lại như tài liệu nhân chứng sống một thời trong các tập tài liệu gọi chung là “Lettres Édifiantes et Curieuses: Écrites des Missions Étrangeres” và gồm trên 20 tập.

Tôi không hiểu tại sao tập san này đã không được bà Thuỵ Khuê xử dụng và nhắc nhở tới mặc dầu lập trường của các thừa sai là nhìn nhận Nguyễn Ánh như dòng dõi chính thức và coi Tây Sơn như ‘giặc cướp’.

Vậy mà trong văn bản, bà Thụy Khuê luôn luôn dùng một từ chung ghép lại là: Các thừa sai Ba Lê và sĩ quan Pháp. Đây cũng là một dụng ý xấu của Thuỵ Khuê.

Tôi cũng đọc những tài liệu như bà Thụy Khuê đã đọc. Nhưng thái độ đọc, cách tiếp nhận các nguồn sử liệu cho phép tôi nghĩ rằng, đọc là một chuyện, thái độ đọc là chuyện khác.

Vì thế, khác hẳn với bà Thụy Khuê, tôi đọc họ với một tinh thần cởi mở đón nhận nên đã đọc Alesix Faure với một sự thich thú. Tôi được rất nhiều mà không mất mát gì. Tôi cũng thích thú chân thành khi đọc Tạ Chí Đại Trường.

Nhất là trong trường hợp Cadière. Có thể nói trước khi được đọc các sử gia Pháp trên thì người mà tôi có cơ hội đọc trước tiên là Cadière. Bởi vì lãnh sự Pháp ở Việt Nam sau 1975 đã số hóa toàn bộ công trình của BAVH.

Chỉ riêng Cadière, ông đã đóng góp 250 bài nghiên cứu, sưu tầm đủ loại về văn minh, văn hóa Việt cũng như triều đình nhà Nguyễn với một tâm tình quý mếnViệt Nam như quê hương thứ hai của minh bằng một sự trân trọng hiếm có. Các bài viết ấy bàng bạc một tấm lòng với Việt Nam.

Có thể nói Bá Đa Lộc có công với nhà Nguyễn thì Cadière có công với sử học, khảo cổ học Việt Nam. Cái công của ông với văn-sử học Việt Nam lớn lắm.

Nhưng trong số những bài viết ấy, có 5, 6 bài diễn văn mà nhân danh BAVH ông đã đọc để đón tiếp khách Việt hay Pháp.

Đặc biệt là bài diễn văn trước thống chế Joffre khi sang thăm Việt Nam.

Đây là một bài diễn văn nên cũng có một số hoa từ, một chút mầu mè, một chút ngôn ngữ ngoại giao mà bình thường có thể ông đã không viết như thế. Nhưng cái chính vẫn là những tài liệu trích dẫn từ nhiều nguồn có thể sử dụng được.

Để khỏi dài dòng, tôi xin trích dẫn một số câu do chính bà Thụy Khuê đã lấy ra làm bằng cớ và in chữ đậm.

Chẳng hạn:

“Trong số kỷ niệm này, những gì đáng quý nhất đối với người Pháp chúng ta là những kỷ niệm nhắc nhở tới những vị sĩ quan Pháp đã đến đây vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cứu nguy Gia Long và đã giúp ông hoàng này lấy lại được vương quốc.”

Trích dẫn Maybon:

“Không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần rộng lớn vào chiến thắng của Gia Long. Chưa nói đến sự đóng góp của họ vào những chiến công quan trọng như việc tiêu diệt hạm đội Tây Sơn năm 1792, và những cuộc hành quân khác dẫn đến chiến thắng Huế, năm 1801, mà ta không thể không khâm phục óc tổ chức của họ trong những điều kiện không mấy thuận lợi: Họ đã xây dựng một ngành hải quân theo lối Tây Phương, thành lập các thủy thủ đoàn, huấn luyện quân lính, đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập cấp chỉ huy, đúc đại bác, dạy cho người Việt cách dùng trái phá, lập đội pháo binh dã chiến mà sự lưu động khiến quân Tây Sơn khiếp sợ, họ đã xây dựng các thành dài.”(30)

“Trước hết, chúng ta thử xem những người đã tạo ra cái ảnh hưởng này. May mắn nhờ sự khám phá của một trong những cộng sự viên nhiệt thành nhất và kiến thức nhất của chúng tôi, ông A. Salles, cựu thanh tra thuộc địa, đã cho phép tôi trình ngài đọc trước, chân dung của ba người vinh hiển nhất đã giúp Gia Long: J.B Chaigneau, Ph.Vannier, và Jean-Marie Dayot.”

Như tôi đã nói, ảnh hưởng của những người Pháp trên triều đình Annam là cá nhân và trực tiếp.

“Trước hết là sự huấn luyện kỹ thuật, và điều lạ lùng là do một vị giám mục – đúng là ông đã làm bá chủ giai đoạn này, bằng hành động, bằng thiên tài, bằng đạo đức cũng như bằng lòng yêu nước (Pháp), ngời sáng của ông – đức giám mục đã giữ vai trò khởi thủy. Một tác giả đương thời nói: Ông dịch cho học trò ông – tức là Gia Long – nhiều tác phẩm tiếng Pháp sang tiếng Nam(Cochinchinois) chủ yếu là những sách chiến lược và sách xây thành lũy. Ông dịch hay đến nỗi người có học và người có khả năng nhất nước này là nhà vua cũng phải chịu.”(31)

“Chính Dayot đã báo cho Renoward de Sainte-Croix biết về những thông tin này. Khoảng hai mươi năm sau đó, năm 1819 Vannier và Chaigneau cũng cho một người du lịch Anh đến Huế biết rằng ‘Giám mục Adran dịch sang tiếng nước này (chữ Nôm) những mục từ ích lợi nhất của Bách Khoa Toàn Thư và soạn trong thổ âm này (Chữ Nôm) nhiều bản Hiệp ước cho Hoàng Đế xử dụng.”(32)

Công trạng của giám mục Bá Đa Lộc có lẽ giới hạn ở đó: ông cung cấp những sách nền móng cho sự nghiên cứu. Tất cả những lý giải kỹ thuật phải dành cho các chuyên viên: Chaigneau, Vannier nói được tiếng Việt, nhất là Olivier.

“Thưa thống chế, chúng tôi mong muốn được trình ngài bộ sưu tập những tác phẩm liên quan đến nghệ thuật xây dựng và bảo vệ thành trì đồn lũy, do giám mục Bá Đa Lộc dịch sang chữ Nôm. Có lẽ một ngày nào đó, ta sẽ tìm lại được trong văn khố hoàng cung hay của các Bộ. Ngày hôm nay, chúng tôi chỉ có thể trình ngài một kiểu mẫu được giữ trong Nội-Các,, đó là Đồ thị quân sự, bao gồm tất cả các bộ phận chính của một thành đồn, với tất cả các khẩu đại bác ( đẻ tấn công và phòng thủ) của một chiến lũy do J.E. Duhamel, kỹ sư của vua, năm 1773, xây theo kỹ thuật xây dựng của ‘thống chế Vauban’.”(33)

Bạn đọc mấy trích đoạn trên tự mình có thể đánh giá bài diễn văn của ông Cadière như thế nào?

Riêng bà Thụy Khuê phản bác luận điểm của Cadière và không tin rằng Bá Đa Lộc đã dịch Bách Khoa toàn thư sang tiếng Tầu hay tiếng Ta? Bà viết:

“Những dòng trên đây, chứng tỏ Bá Đa Lộc không gần gũi vua như người ta thêu dệt nên. Sau khi Trần Đại Luật dâng sớ ‘xin chém đầu Bá Đa Lộc’ năm 1795, thì vị giám mục lại càng thận trọng hơn nữa. Vậy việc giám mục ‘ dịch sách’, ‘viết thư’, làm ‘ cố vấn’ mọi việc cho vua không thể, nếu một năm hay hơn một năm giám mục mới gặp vua một lần. Chức phận ông giới hạn trong việc: Là một trong những thầy dạy Hoàng Tử Cảnh!”(34)

Trong đoạn văn ngắn ngủi trên, bà Thụy Khuê đã vấp phạm nhiều lỗi trầm trọng: như đánh giá sai một cách hời hợt mối liên hệ Bá Đa Lộc-Nguyễn Ánh. Qua một số chứng từ – nhất là những lá thư Nguyễn Ánh gửi cho Bá Đa Lộc do Cadiere thu tập được và Tạ Chí Đại Trường đưa ra bình giải cũng như những đánh giá của Le Labousse, của Shihojen Seishi, của Barrow và nhất là chính lời của Gia Long trong văn tế Bá Đa Lộc cho thấy vai trò của ông như thế nào.

Từ điển Annam-Latin Gm Bá Đa Lộc viết năm 1775 ở Pondichéry (Lưu trữ tại MEP)
Từ điển Annam-Latin Gm Bá Đa Lộc viết năm 1775 ở Pondichéry (Lưu trữ tại MEP)

Thụy Khuê phủ nhận những việc làm của Bá Đa Lộc như dịch sách, cố vấn là những việc làm không thể có được. Nhưng đấy lại là những công việc Bá Đa Lộc đã làm cho Nguyễn Ánh.

Cố tình cho rằng Nguyễn Ánh không bao giờ là học trò của Bá Đa Lộc mà cùng lắm Bá Đa Lộc chỉ là thầy giáo của Hoàng Tử Cảnh là một lối nhục mạ không cần thiết.

Vài dòng cuối

Phải thú thực là tôi rất mệt mỏi khi đọc tập tài liệu này. Viết xong dược một vài cảm tưởng khi đọc xong tập tập liệu tôi coi như một giải thoát. Cái lợi duy nhất có được là nhờ bà Thụy Khuê, tôi có dịp đọc thêm nhiều tài liệu giúp bổ túc cho kiến thức về sử Việt Nam cận đại.

Sự khác biệt giữa Thuỵ Khuê và người viết là sự khác biệt trong lối nhìn, lối đọc sử học do quan điểm về sử khác nhau.

Trước khi chấm dứt bài viết bày tôi cũng mời độc giả đọc lại bài phỏng vấn của bà Thụy Khuê với Hoàng Phủ Ngọc Tường họa chăng có thêm một điểm nhìn gợi ý nào chăng?

Qua kinh nghiệm này tôi nghĩ chỉ nên đọc những gì mình cảm thấy thích. Không thích không đọc để khỏi tự hành hạ mình. Nó giống như món ăn vậy. Thích thì ăn, không thich thì thôi.

(Hết)

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh hoạ.

(21) Alesix Faure, Mgr Pigneau de Beshaine Esveque d’Adran, Paris, 1891, Chapitre douzieme.
(22) Nguyễn Xuân Thọ, Ibid, trang 34.
(23) Tạ Chí Đại Trường, Ibid., trang 181.
(24) Nguyễn Xuân Thọ, Ibid., trang 36.
(25) Thụy Khuê, Ibid., chương 2.
(26) Ngày thứ 15, tuần trăng thứ năm, năm thứ 51, đời Cảnh Hưng, 27.6. 1790. Louvet, La Cochinchine religieuse, I, t, 536. trích lại Thụy Khuê, Ibid., chương 18.
(27) Nguyễn Duy Chính, “Tương quan Xiêm-Việt cuối thế kỷ XVIII”, trang 28-29.
(28) Tạ Chí Đại Trường, Ibid., trang 196-197.
(29) Thụy Khuê, Ibid., chương 14, Maybon và cuốn Histoire moderne du pays d’Annam.
(30) Thụy Khuê, Ibid., chương 15 Maybon, “Histoire moderne du pays d’Annam, trang 278.
(31) Thụy Khuê, chương 15, “Relations de Bissachere”, Introduction của Ste-Croix do Maybon in, trang 91.
(32) Thụy Khuê, Ibid., chương 15, trích “Annales maritimes et Coloniales”, biên niên hàng hải và thuộc địa, 1823, tome 2, trg 578.

1 Comment on “Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7c)

  1. PHƯƠNG PHÁP LUẬN SỬ HỌC

    Sử học là một khoa học nên phương pháp luận của nó tất nhiên phải là phương pháp khoa học. Nhưng nếu khoa học có phương pháp luận chung của mình thì mỗi ngành khoa học của nó trong đó có sử học cũng có phương pháp riêng phù hợp theo đó. Như phương pháp chung của khoa học là tính thuần lý, tính khách quan, tính cụ thể, thì sử học cũng thế. Tính thuần lý là tính lô-gích, còn tính cụ thể là phải căn cứ vào những sự kiện xác đáng và không được bỏ quên hay để thiếu sót những sự kiện xác đáng.

    Đặc biệt sử học là ngành khoa học nghiên cứu quá khứ, khai quật quá khứ, khám phá quá khứ, nên nó chẳng khác gì khảo cổ học, có điều khảo cổ thì hướng đến đồ vật vật chất, còn sử học thì hướng đến những sự kiện xã hội, những ý nghĩa tinh thần. Bởi vậy cái khó của sử học là nhằm tìm hiểu những sự việc đã qua, để tái hiện lại nó cho dầu hiện tại nó không còn nữa. Tất nhiên mọi người viết sử có thể đi từ hiện tại để trở lại quá khứ, nên đó có thể là người viết sử hay nhà nghiên cứu về lịch sử. Người viết sử trong hiện tại dĩ nhiên cũng dễ hơn nhà nghiên cứu lịch sử trong quá khứ, thế nhưng cái khó trong hiện tại là nhất thiết phải trung thực và tránh được mọi cản ngại của quyền lực hiện tại. Bởi vì người viết sử trong hiện tại cũng chính là người cung cấp mọi dữ liệu thiết yếu cho mọi nhà nghiên cứu lịch sử sau này. Ý nghĩa quan trọng của cả hai đường vẫn là như thế.

    Có nghĩa ý nghĩa quan trọng của môn sử học không những chỉ là đối với quá khứ, mà cả đối với hiện tại, và đối với tương lai của xã hội. Cho nên nếu trong hiện tại mà lịch sử bị bóp méo, nó sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới tương lai, và khi hiện tại đó đã trở thành quá khứ thì quả thật mọi điều càng trở nên rối rắm. Nên trong lịch sử nói chung hay trong sử học nói riêng, ý thức con người là điều quan trọng nhất. Bởi chính ý thức con người ở mọi cá nhân trong xã hội đã là nên lịch sử mà không phải mọi cí gì được nó vận dụng. Phương pháp luận khoa học khác với phương pháp luận duy vật nói chung là như thế. Lịch sử không phải diễn tiến như trong thế giới vật lý hay thế giới sinh học, mà là diễn tiến trong thế giới ý thức, nhận thức, trong bản thân nền văn minh văn hóa của cả loài người. Cũng từ đó sử học cũng liên quan cả đến giáo dục về sử học. Nếu giáo dục sử học mà không đúng với phương pháp và mục đích khoa học, điều đó cũng có nghĩa là phi giáo dục và phản giáo dục. Ý nghĩa của giáo dục phục vụ chính trị và sử học phục vụ chính trị theo kiểu nhất thời cũng hoàn toàn tệ hại và thấp kém như vậy.

    Thế thì ý thức con người cũng không ngoài ý thức khoa học và ý thức đạo đức. Ý thức khoa học là ý thức về tính khách quan, chính xác. Ý thức đạo đức là ý thức về sự đúng đắn và về mục đích tốt đẹp. Như vậy nếu chỉ ý thức về cái lợi riêng tư, thiển cận nào đó, đó tất nhiên cũng chỉ là ý thức vụ lợi riêng tư nhất thời mà không hề là ý thức khoa học lẫn ý thức đạo đức được hàm chứa trong đó. Có nghĩa không phải lịch sử cần lành mạnh mà cả sử học cũng cần lành mạnh. Vì cái không lành mạnh này sẽ dẫn tới cái không là mạnh kia và ý nghĩa khoa học cùng ý nghĩa đạo đức cũng không thể nào đi ra ngoài hay vượt qua được tình huống đó. Bởi vậy sử học không phải chỉ là chuyện đã qua, mà chính ý nghĩa, giá trị như thế nào của những chuyện đã qua đó mới là điều có giá trị quyết định và cũng điều đáng nói nhất.

    Nên cái chủ yếu của phương pháp luận sử học là sự sưu tầm và sự lý giải. Sưu tầm cũng đồng nghĩa với sự chọn lọc, và lý giải cũng đồng nghĩa với sự giải thích, đưa ra ánh sáng và cả sự nhận định, phê phán. Sưu tầm đi đôi với sự lựa chọn, đó là tính thiết yếu và yếu tố thông minh của người sưu tập. Bởi sự kiện lịch sử có thể có nhiều nhưng cái gì là xuyên suốt, là quyết định cho tính lô-gích khách quan dẫn theo đó mới là nhu cầu duyệt xét và mang ý nghĩa cốt yếu nhất. Từ đó phương pháp sưu tầm không phải chỉ hổ lốn, lung tung, vụn vặt hay tạp nhạp, mà phải có định hướng chính xác thiết yếu, và nằm trong ý nghĩa khách quan, cũng như nhu cầu chính xác, trung thực, trong sáng, và rành rẽ thật sự. Lương tâm khoa học và lương tâm đạo đức, đó phải là yếu tố hàng đầu của người viết sử cũng như người tạo nên những sự kiện lịch sử.

    Ngoài phương pháp sưu tập theo cách khoa học, phương pháp lý luận theo cách khoa học cũng là cái xương sống thứ hai của người viết sử. Bởi không có cái này cũng không có cái kia hay cái kia cũng trở nên vô nghĩa và vô ích. Nhưng sưu tầm cũng chỉ mới là tính tích cực một phần, nhưng tính lý luận hay tính thông hiểu cũng như tính lý giải về các dữ liệu sưu tầm đó mới là ý nghĩa tích cực bao trùm và trọn vẹn sau cùng nhất. Bởi nhà viết sử cũng như một nhà kiến trúc. Có vật liệu mà không biết xây dựng nên được những công trình ích lợi và xinh đẹp nào đó thì vật liệu đó cũng chẳng công dụng gì. Có nghĩa tìm ra được nguyên nhân đúng đắn, hữu lý, thích đáng của các sự kiện, cũng như lý giải và kết luận được về những cái do chúng đem lại, đó mới thật là mang lại được những chìa khóa, nắm giữ được những chìa khóa cho chính kho tàng lịch sử đã có.

    Nên nói chung lại, phương pháp luận sử học vừa phải trừu tượng mà vừa phải cụ thể. Chính trên mọi dữ kiện cụ thể người ta mới rút ra được ý nghĩa lịch sử, đó chính là ý nghĩa trừu tượng nhất. Có nghĩa lịch sử phải căn cứ vào những sự kiện đời sống, những thực tại kinh tế xã hội, nhưng nếu không có được những sự giải thích sáng suốt, trung thực, sâu sắc, bao quát, có chiều sâu, thì những sự kiện đó cũng chẳng mang lại được những luận điểm có ý nghĩa hoặc giá trị nào. Bởi thế dùng phương pháp luận sử quan lịch sử nhưng chỉ theo công thức, theo cách xơ cứng, máy móc, thụ động và nô lệ, đó cũng chỉ là phương pháp ngu tối, xuyên tạc, vô nghĩa mà chẳng có gì là khoa học hay chính xác, đúng đắn cả. Quan điểm lý luận lịch sử theo kiểu mác xít là quan điểm như thế. Bất kỳ mọi cái gì cũng đều hô lên tính đảng, tính giai cấp, tính đấu tranh giai cấp, lịch sử trở thành bàn chân bị cắt cụt hết các ngón để nong cho vừa chiếc giầy quan điểm biện chứng lịch sử thì thật ngu dốt và tồi tệ mà có những người như Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo và nhiều người mác xít khác từng một thời mắc phải.

    Cho nên khi xét về những sự kiện lịch sử mọi mặt, trên cơ sở phương pháp luận khoa học thật sự, phải thấy được nguyên nhân tại sao nó xảy ra mà không thể không xảy ra, và trong những nguyên nhân gần nhất có những nguyên nhân xa hay bao quát hơn cả, đó chính là gì. Chẳng hạn nhà Tây Sơn tại sao lại thắng được sự phân tranh của hai nhà Trịnh Nguyễn vào khi đó. Tại sao nhà Nguyễn Gia Long lại đánh thắng và tiêu diệt được nhà Tây Sơn. Tại sao người Pháp có phần nào đó giúp đỡ Nguyễn Ánh đánh bại được triều đại Quang Toản, nhưng về sau triều đình nhà Nguyễn lại phải thất bại trước thực dân Pháp mà không từng rút ra được những kinh nghiệm gì đã có hết. Đó là chưa nói ý nghĩa của tôn giáo phương Tây là Thiên chúa giáo và nền văn minh văn hóa Pháp du nhập vào Việt Nam mang tính cách gì và những nguyên nhân sâu xa hơn nguyên nhân lịch sử cụ thể của nó là gì nữa. Có nghĩa người viết sử không những cần đến đầu óc thường nghiệm về lịch sử, mà nhiều khi cũng phải cần đến năng lực, sở trường khoa học, đặc biệt nhất là chút ít gì đó những sự hiểu biết về triết học và về văn minh văn hóa nhiều mặt của xã hội đương thời, đương đại cũng như xã hội nhân loại, con người.

    Thế cho nên viết sử theo cách tầm thường và tai hại nhất là viết sử theo lối thuần túy thiển cận, mù quáng, cảm tính, vụ lợi, hay chỉ kiểu thuần túy theo nhãn quan của ý thức hệ. Bởi ý thức hệ thật ra chẳng có gì bao quát hay tuyệt đối cả. Nó chỉ là những trạng thái phiêu lưu nào đó của ý thức con người không hơn không kém. Nhưng lịch sử luôn luôn lại là những sự việc cụ thể, khách quan. Cụ thể vì nó liên quan đến đời sống xã hội mọi mặt khi đó, còn khách quan là không ai cưỡng lại nó được, không ai lội ngược dòng nó được. Nói khác đi mọi sự kiện lịch sử có thể phát sinh ra do nhiều nguyên nhân tốt hay xấu, đúng hay sai về mặt đạo đức, mặt nhận thức lý trí của con người, bởi vì có thể nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố cảm xúc, tình cảm, ngẫu nhiên hay tình cờ khác nhau,
    nhưng khi đã xảy ra rồi thì lại thành yếu tố khách quan, tức không thể nào phủ nhận hay chối bỏ được, và cứ thế nó trở thành nguyên nhân cho muôn vàn bao sự kiện khách quan được phát sinh ra về sau cũng từ đó. Đấy ý nghĩa khoa học của nghiên cứu lịch sử là như thế, và ý nghĩa khoa học của phương pháp luận sử học cũng là như thế. Lịch sử thì luôn khách quan mặt đầu xuất phát điểm của nó có thể chỉ do những sự kiện chủ quan. Đó là ý nghĩa bao trùm nhất mà những nhà viết sử đều phải tâm đắc, và nhất nhất mọi sự kiện nhỏ nhất những có liền quan tới ý nghĩa đó thì không thể xem thường hay bỏ qua được, đó mới thật là ý nghĩa của nhà viết sử thông minh và tinh tế cũng như sâu sắc thật sự. Nên sử học là đúc kết lại những sự kiện lớn, nhưng sử học cũng cần phải hiểu ra được những sự kiện nhỏ mặt mà lại mang những ý nghĩa quyết định nhất. Như tiếng quốc ngữ mà ngày nay là tiếng Việt của nước ta, nguyên nhân của nó bắt nguồn từ sự kiện truyền đạo và sự kiện thực dân hóa tư phương Tây đến tràn vào nước ta. Nhưng ngày nay nó không còn là sự thuần túy ngôn ngữ hay của khoa ngôn ngữ học, ngược lại nó đã trở thành một trong những ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất của dân tộc trong thời hiện tại và cả mãi mãi trong tương lai sau này. Đấy viết sử là phải biết chú trọng đến những ý nghĩa cốt lõi, những chi tiết tuy nhỏ mà lại có vai trò quyết định chính yêu quan trọng về sau là như thế. Điều này không phải chỉ trong lịch sử đất nước ta mà cả trong thời kỳ cận và hiện đại ở nhiều nơi trên thế giới cũng đã từ xảy ra những tình huống nhỏ mà về sau trở thành ý nghĩa đại sự là như thế. Nha viết sử bởi vậy không thể chỉ là những con người bình thường hay tầm thường, mà phải là những đầu óc thông minh vượt lên được nhiều người khác trong chính lãnh vực chuyên môn của mình quả nhiên là như vậy.

    TIẾNG NGÀN
    (04/6/16)