Chiến lược thương mại của chính phủ Trump đã lỗi thời

The Economist | DCVOnline

Khó mà đối phó với Trung Quốc ngày nay như đã đối với Nhật Bản trong những năm 1980.

2 tháng 3, 2017 | WASHINGTON, DC – Trong cuộc vận động tranh cử, chính sách thương mại của Donald Trump là một tập hợp đáng báo động về những khiếu nại chói tai và những đe dọa sẽ bảo hộ, và trả đũa gay gắt. Đến nay vẫn tối om, không ai rõ chính phủ Trump sẽ thực hiện bao nhiêu phần của những tu từ dùng trong thời gian vận động. Ánh đèn vừa nhấp nháy ngày 1 tháng 3 khi tài liệu chiến lược thương mại của chính phủ Mỹ đã được trình bày trước Quốc hội. Giới quan sát ở Washington nhìn thấy dấu tay của Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump và là tác giả của một cuốn sách (và phim) tên là “Death by China”. Robert Lighthizer, ứng viên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), vẫn chưa được Thượng viện xác nhận.

Peter Navarro, Cố vấn Thương mại của Tổng thống Donald Trump. Nguồn: EPA

Không có gì gọi là mới trong tập tài liệu được hứa hẹn là “những thoả hiệp thương mại mới và tốt hơn” hoặc sự thi hành nghiêm ngặt luật thương mại của Mỹ. Nhưng ưu đãi cho những thoả thuận thương mại song phương hơn những thoả thuận đa phương là một thay đổi chiến thuật. Và chắc chắn với một giọng điệu đối đầu: “Đã đến lúc của cách đối xử tích cực hơn.” Tài liệu này cũng đưa ra một dấu hiệu cho thấy cách chính phủ Trump có thể khai chiến thương mại với Trung Quốc: sử dụng Đoạn 201 và 301 của Luật Thương mại năm 1974.

Vũ khí đầu tiên, Đoạn 201, cho phép Mỹ được đánh thuế như một biện pháp tự vệ để bảo vệ giới sản xuất Mỹ nếu hàng nhập cảng đột nhiên tăng vụt. Những công ty bị ảnh hưởng tiêu cực phải chứng minh rằng họ đã “bị thương nặng”, nhưng không cần phải chứng minh công ty nước ngoài có bất kỳ hoạt động không công bằng nào.

Nhóm thương mại của ông Trump có thể muốn sống lại với những kinh nghiệm thời chính phủ Reagan, năm 1983 đã đánh một mức thuế 45% vào xe máy nhập cảng để thoả mãn yêu cầu của bản kiến ​​nghị từ công ty Harley-Davidson, một hãng sản xuất xe máy Mỹ. Ông Trump đã cho rằng vũ khí này đã có một “ảnh hưởng lớn”. Nhưng như một công cụ ép buộc thương mại, Đoạn 201 có nhược điểm. Biện hộ cho một công ty không đơn giản vì cần phải thoả được những đòi hỏi cao về mặt pháp lý để chứng minh thiệt hại, và tòa án, Ủy ban Thương mại quốc tế, được tôn trọng vì sự độc lập của nó. (Bộ Thương mại, nơi quyết định về chống bán phá giá, là một cơ quan uyển chuyển hơn.) Hơn nữa, sử dụng bừa bãi đạo luật này sẽ khiêu khích các nước khác trả đũa. Năm 2002 Mỹ đã muốn đánh thuế 30% trên thép nhập cảng vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng đã buộc phải rút lại khi phải đối phó với mối đe dọa của ngón đòn trả đũa giá 2,2 tỉ USD thuế đối với một loạt hàng xuất cảng từ kính mát cho đến nước cam.

Kim Elliott, một chuyên gia thương mại cho biết, thứ hai trong kho vũ khí là Đoạn 301, “đáng sợ” hơn 201. Cơ sở để áp dụng nó không được xác định rõ ràng.” Nó cho phép chính quyền hành động chống lại những hoạt động thương mại “không công bằng”. Mỹ đã thường sử dụng Đoạn này để đánh đối thủ thương mại của mình trước khi tranh chấp có thể được đưa ra giải quyết bằng Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, tiền thân của WTO.

Kể từ khi WTO thành lập năm 1995, Đoạn 301 đã không còn sử dụng, với sự hiểu biết rằng nó có thể được áp dụng nếu một phán quyết của WTO thuận lợi cho Mỹ và cho phép đánh thuế đối tác thương mại đã vi phạm thoả hiệp. Tuy nhiên, đáng sợ là chính phủ Tump đề cập đến Đoạn 301 trong tuần này ám chỉ chính phủ Mỹ có thể bắt đầu đi ra ngoài các quy tắc toàn cầu của hệ thống WTO. Tăng cường báo động là có nguyên một phần của tập tài liệu chiến lược này tập trung vào việc bảo vệ “chủ quyền quốc gia bằng chính sách thương mại” của Mỹ. Tập tài liệu đó cũng nhấn mạnh rằng một phán quyết của WTO bất lợi cho Mỹ không có nghĩa là tự động có sự thay đổi trong pháp luật hoặc tập quán của Mỹ.

Tài liệu này than phiền về sự yếu kém của các quy định của WTO. Mục tiêu ngầm là Trung Quốc. Một trong những tranh chấp quan trọng nhất hiện đang trên đường đến tòa án WTO, Trung Quốc không thừa nhận việc Mỹ từ chối đối xử với TQ như một nền kinh tế thị trường”. Nếu WTO công nhận Trung Quốc là một “nền kinh tế thị trường”, nó có thể hạn chế mức thuế theo luật WTO mà Mỹ có thể áp đặt vào hàng TQ xuất cảng.

Tiếng vọng của những ngày vàng son thời Reagan dường như không biết rằng thế giới đã thay đổi biết bao nhiêu kể từ những năm 1980. Lúc đó, đối tượng chính của những bực dọc thương mại của Mỹ là Nhật Bản, một đồng minh, nhỏ hơn nhiều, và thường chỉ miễn cưỡng trả đũa khi bị tấn công bằng những biện pháp thương mại. Trung Quốc lớn hơn nhiều và lại sẵn sàng chống lại. Dù vẫn có khuyết điểm, WTO vẫn là cơ cấu có thể giữ cho thế giới tránh khỏi một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện. Theo Carla Hills, một USTR vào đầu những năm 1990: “không có WTO thì sẽ là luật rừng.”

Bài viết này đã đăng trong phần Tài chính và Kinh tế của bản in dưới tựa đề “Kế hoạch hành động”.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The Trump administration’s trade strategy is dangerously outdated. The Economist. Mar 2nd 2017.