Nhớ Văn Cao

Vĩnh Phúc

Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh tại Hải Phòng ngày 15/11/1923 và mất tại Hà Nội lúc 4 giờ sáng ngày 10/7/1995. Nơi yên nghỉ ở nghĩa trang Mai Dịch.

Người Nghệ Sĩ tài hoa mà lận đận (ghi lại nhân ngày giỗ thứ 22 của ông)

Tôi đến thăm Văn Cao lúc 1 giờ trưa ngày 5/5/1995 và hoàn toàn không thể ngờ rằng chỉ hai tháng sau – chính xác là 2 tháng 5 ngày – thì ông ra đi.

Văn Cao (1923-1995). Nguồn: VP

Về Văn Cao, khỏi cần dài dòng, vì sự nghiệp của ông để lại trong địa hạt âm nhạc quá đồ sộ. Địa vị của ông trong lãnh vực nghệ thuật quá nổi bật. Không phải vì ông là tác giả bài Tiến Quân Ca mà phe Cộng sản dùng làm quốc ca từ hồi họ còn mang danh hiệu Việt Minh và tự nhận vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp để giành độc lập với sự tham dự lúc đầu của toàn dân và những đảng phái yêu nước. Những ca khúc của ông được đánh gíarất cao vì nhạc điệu khi thì đầy tính trữ tình lãn g mạn, khi thì rất hùng tráng. Lời ca trong sáng, thơ mộng mà chuyên chở ý nghĩa cao siêu. Tài hoa của ông cao vời vợi, sáng ngời, không chỉ đơn thuần trong lãnh vực âm nhạc, mà còn cả trong thơ và họa. Nhưng ông không ồn ào, hợm mình như một hai ông nhạc sĩ nổi danh khác.

Tuy nhiên, bài này không có mục đích nhận xét hay đánh gíasự nghiệp của Văn Cao, mà chỉ muốn nhắc lại vài cảm nghĩ và kỷ niệm về người nghệ sĩ tài danh nhưng cuộc đời gặp nhiều gian truân, lận đận.

Tôi đến thăm Văn Cao vào klhoảng một giờ trưa một ngày mùa hè Hà Nội. Khi lên hết những bậc cầu thang xây lộ thiên – vì ông ở trên lầu – của căn nhà số 108 đường Yết Kiêu, tôi bước vào nhà đúng lúc Văn Cao đang dùng bữa trưa. Vừa ăn vừa nói chuyện với bà vợ mà thân hữu thường gọi là chị Băng (vì tên bà là Nghiêm Thuý Băng). Gọi là “bữa trưa” nhưng thực ra Văn Cao chỉ ăn có trên lưng một chén bột Bích Chi. Đó là thứ bột dành cho trẻ nhỏ chưa biết ăn cơm. Một thứ bột chế biến, đóng trong bao, gồm mấy thứ như gạo lứt, đậu xanh, đậu nành, v.v… xay nhuyễn rồi sấy. Thấy tôi nhìn chén bột tỏ vẻ thắc mắc, chị Băng giải thích là vì Văn Cao bị bệnh đau bao tử nên không thể ăn các thực phẩm khó tiêu, mà chỉ ăn được mỗi bữa một chút bột Bích Chi thôi. Tuy nhiên, dù đau bao tử kinh niên và chỉ ăn được bột của con nít, thế nhưng không bữa nào có thể thiếu rượu được! Cũng vì biết Văn Cao rất thích uống rượu, nên trước khi đến, tôi có ghé chợ Hàng Da mua một chai Whisky “Black Label” để biếu anh. Tất nhiên con sâu rượu này thấy chai rượu ngoại quốc loại ngon nên tỏ ra hài lòng lắm.

Văn Vao, 5 tháng 5, 1995. Nguồn: VP.

Với vóc dáng quá khiêm nhường, tôi đoán anh không thể nặng hơn 35kg. Hình như Văn Cao ít khi rời khỏi chiếc bàn nơi anh đang dùng bữa, và cũng là nơi tiếp khách. Điều dễ nhận thấy là anh sống rất đạm bạc. Giang sơn gồm một phòng lớn được ngăn làm đôi bằng bức bình phong. Nửa ngoài coi như phòng khách kiêm phòng ăn , ngoài chiếc bàn kích thước khiêm nhường cùng mấy cái ghế , chỉ có một cây đàn Piano nằm phíagần cửa sổ. Trên tường treo hai ba bức họa do chính Văn Cao là tác giả. Phía trong coi như phòng ngủ và khu bếp núc. Nhưng dù đồ đạc thiếu trống như vậy, mà dưới gầm bàn lại … thừa thãi rượu. Có khoảng một chục chai rượu đủ loại, từ rượu đế đến rượu ngoại quốc dưới gậm bàn, vừa tầm tay với của chủ nhân hầu như suốt ngày rất ít khi rời khỏi chiếc ghế cố hữu.

Văn Cao và Vĩnh Phúc , ngày 5/5/1995. Nguồn VP

Hình như sau nhiều năm vẫn mang tâm sự u uất vì bị các “cai văn nghệ “chèn ép”, “đánh” tơi bời (cụ Phan Khôi gọi bọn Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi … là bọn cai văn nghệ, còn lại là những cu ly văn nghệ), nên khi tôi vừa mới hỏi, “Nghe nói anh bị “đánh” dữ lắm phải không? Ai “đánh” anh?” Cả hai ông bà cùng buột miệng trả lời ngay, “Thằng “Xuân Diệu chứ ai!” Rồi chị Băng tiếp, “Nó sửa cả văn của anh Văn Cao.”

Phải rồi. Sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm nổ ra, tất cả những người cầm bút từng hợp tác với hai tờ này bị hành hạ và khủng bố tinh thần điêu đứng qua những đợt phê bình, đấu tố, học tập chính trị. Xuân Diệu dựa thế Tố Hữu đã lớn tiếng xỉ vả , mạt sát Văn Cao là con người phản phúc hai mặt, giả dối như con mèo, là một tên phù thủy toan dùng âm binh để chọi nhau với đảng. Còn chính Tố Hữu là kẻ chủ xướng, chỉ đạo chiến dịch đấu tố các văn nghệ sĩ khiến nhiều người điêu đứng cả cuộc đời: sự nghiệp văn học, nghệ thuật của họ coi như tàn tạ. Phần Văn Cao, trừ bản Tiến Quân Ca, còn tất cả các nhạc phẩm khác của anh bị cấm. Chẳng những thế, anh còn bị cấm viết, cấm vẽ. Chẳng hề có một lệnh cấm chính thức nào cả, nhưng thơ, văn anh viết không ai in, nhạc không ai dám hát hay trình diễn, vẽ tranh cũng chỉ để cất vào xó nhà vì không thể trưng bày hay đem bán. Trong hoàn cảnh túng quẫn kiệt quệ, Văn Cao phải kiếm sống bằng cách vẽ trang trí cho những thứ như vỏ hộp quẹt (hộp diêm), bìa sách vở học trò, quảng cáo của rạp hát.
Ấy thế mà sau này khi đã “xuống chó”, nhà thơ cung đình và truởng thi phái ống đu đủ Tố Hữu (1) đã ca ngợi,

“Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca nhạc trữ tình và ca khúc chiến đấu ở nước ta. Văn Cao cũng là một trong những ngôi sao thế kỷ 20 trên lãnh vực ca khúc thế giới…. Lời ca của Văn Cao vừa cao siêu vừa trong sáng, vừa thơ mộng, vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại.”

(Nhật Hoa Khanh, “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 70 Phan Đình Phùng”, Talawas)

Còn về dư luận “Tố Hữu đánh những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, và khoa học”, thi sĩ “ống đu đủ” lại trơ trẽn ngụy biện:

“Lâu nay trên lãnh vực phê bình văn nghệ, có một số ít người không tốt. Muốn đánh ai họ cứ tung một cái tin là “ông này ông nọ chỉ đạo”. Họ ném hỏa mù “ông Tố Hữu đánh Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Tô Vũ, Phùng Quán, Phùng Cung, Trương Tửu, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Phan Ngọc, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo. Họ vu khấng : Tố Hữu đánh cả Nguyễn Đình Thi.”

(Nhật Hoa Khanh, ibid.)

Người viết không cần thêm lời bàn, để độc giả đánh gíá tư cách và liêm sỉ của ông Tố Hữu qua những câu nói trên đây.

Văn Cao thích rượu và thích có bạn cùng uống. Điều này dễ hiểu, vì uống rượu một mình thì chán lắm, và mau say! Đoán được lòng người nghệ sĩ tài hoa và thích rượu, nên khi Văn Cao mời một ly thì người viết vui vẻ tiếp nhận ngay. Và chỉ dám nhận một ly thôi, vì tự biết mình không phải là đệ tử của Lưu Linh. Trong lúc chuyện trò, khi vui, anh cất tiếng cười rất hồn nhiên, nghe như tiếng cười của một đứa trẻ vậy. Tiếng cười này biểu lộ một tâm hồn trong sáng, không bợn vết mưu mô, thủ đoạn. Tôi hỏi anh rằng từ sau năm 1975, anh có liên lạc với văn nghệ sĩ nào của Miền Nam trước kia không ? Anh đáp,

“Anh Phạm Duy có viết thư cho tôi mấy lần. Anh nói rất muốn về Việt Nam sống. Tôi bảo: Anh về không được đâu. Ở ngoài đó anh chửi không sao. Về đây mà anh chửi là không được, là chết. Chúng tôi đã chịu đựng mấy chục năm quen rồi.”

Nói xong Văn Cao đứng dậy, chậm chạp vào phía trong lấy ra ba cuốn sách. Trông dáng anh đi lò dò từng bước, chứng tỏ anh yếu lắm. Trở lại bàn, anh ký tặng tôi ba tác phẩm của anh thuộc ba lãnh vực thi, nhạc, họa. Nhưng rất tiếc tôi để thất lạc mất cuốn sách về họa. Chỉ còn giữ được Ca Khúc Văn CaoTuyển Tập Văn Cao Thơ.

Nguồn: VP

Trong Ca Khúc Văn Cao có tổng cộng 20 bài, được sáng tác từ năm 1940 như Buồn Tàn Thu, rồi Thiên Thai năm 1941, kéo dài trong 9 năm, cho tới 1949 như Tiến Về Hà Nội. Với bản Tiến Quân Ca được sáng tác năm 1944, anh có viết về sự ra đời của ca khúc này và cảm xúc của anh khi bất ngờ được nghe tác phẩm của mình:

Tuyển Tập Văn Cao Thơ gồm có hai phần. Phần I có 59 bài, và phần II là trường ca Những Người Trên Cửa Biển. Phần lớn những bài thơ in trong tập này được rút từ thơ sổ tay của anh.

Nguồn: VP

Trong phần giời thiệu ở đầu tập thơ, Nguyễn Thụy Kha viết:

“Nung nấu trong một nỗi niềm riêng mình, thơ Văn Cao đã thực sự chín như một trái cây còn sót lại. Đây là những khoảng sáng hắt lên dằn vặt, đắng cay, đau đớn giữa sai đúng, tốt xấu, thật giả, trung thực và phản bội…”

Bài “Anh Có Nghe Thấy Không” viết năm 1956 đã khiến anh bị các “cai văn nghệ” lên án là phản bội, chống đảng, rồi bị đánh tơi bời, vì đã dám viết :

“Bao giờ xoá đi tất cả
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống”

Hoặc :

“Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
… Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung cả cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng lọat
Những con người thật của chúng ta”

Bị khủng bố tinh thần đến nỗi mất hết tự tin, lúc nào cũng nơm nớp sợ, đau đớn tủi nhục, mà khi khóc cho thân phận mình cũng không dám để cho người ta biết, phải cắn răng khóc thầm nuốt nước mắt vào trong, Văn Cao thú nhận:

“Có lúc
Ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
Có lúc
Nước mắt không thể chảy ra ngoài được”

Tác hại của khủng bố khiến tất cả trí thức và văn nghệ sĩ bị bịt mồm bịt miệng, cộng với ẳnh huởng của nền “công an trị” khiến cho toàn xã hội sống chìm vào câm lặng:

“Hình như nơi đây
Bị đầy trong im lặng”

Và cuối cùng mọi người đều vỡ lẽ rằng muốn sinh tồn thì phải tập sống giả dối, không được để lộ bản chất thực của mình. Thế là cả xã hội đều mang mặt nạ mà sống với nhau:

“Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội
Mọi con người đeo mặt nạ đi chơi
… Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi”

Nhưng dù có cố hết sức đeo mặt nạ đóng kịch vui sướng, sống giả dối, nhưng vẫn không dấu được nỗi bất hạnh:

“Ô kìa
Nước mắt mồ hôi
Sao chảy ra trên từng mặt nạ”

Sau khi ký tặng tôi tập thơ, anh Văn Cao còn cẩn thận mở trang 121 để sửa lại chỗ in sai ở ngay câu đầu trường ca “Những Người Trên Cửa Biển”. Anh cầm bút sửa lại câu:
“Sinh tôi ra đã có Hải Phòng” thành ra, “Tôi sinh ra đã có Hải Phòng”.

Trong bài “Không Nhớ”, ghi ngày 19/12/1963 Văn Cao viết :

“Tôi chỉ còn thoảng nhớ
Một nỗi nhớ thuộc về cơ thể
Những vết roi còn nằm trong da thịt nhiều năm
Những tiếng chửi vọng suốt đời tôi sống…”

Nhưng ngày 5/5/1995, khi tôi hỏi về những nỗi thống khổ anh đã phải chịu và những kẻ nào gây ra những đau đớn ê chề đó, anh chỉ cười nhẹ trả lời:

“Thôi anh ạ! Chuyện cũ quên đi. Người ta đã muốn giết tôi nhiều lần mà không giết được đấy chứ. Nhưng năm nay tôi 73 tuổi rồi. Nếu có chết tôi cũng không sợ.”

Câu cuối này có phải là một lời nói “gở” không ? Hay là anh đã tiên tri về cái chết của mình ?

Hai tháng sau, được tin anh ra đi, tôi buồn và tiếc một người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng cũng mừng cho anh, vì anh đã quên hết những chuyện cũ, ra đi với tấm lòng hoàn toàn thanh thản không bợn một chút oán hờn.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
(1) Tố Hữu chuyên làm thơ “bợ đít” lãnh tụ, từ Stalin, đến Hồ Chí Minh, nên được gọi là thi sĩ ống đu đủ, chuyên dùng ống đu đủ để thổi đít lãnh tụ.