Tập Cận Bình đóng vai Hoàng đế tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Hoa
Jiayang Fan | Trà Mi
Chắc chắn, Tập Cận Bình đã định tuyến lại tất cả các chi lưu quyền lực để chạy về thượng nguồn cho ông ta, nhưng nó có phải là để phục vụ cho việc trẻ trung hoá Trung Hoa hay không?
Có lẽ không có sự kiện nào biểu hiện sự cứng rắn không nhân nhượng và hệ thống phân cấp không khoan dung của đảng Cộng sản Trung Hoa như Đại hội đảng, hội nghị của gia cấp lãnh đạo quan trọng nhất của chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Khoảng hai ngàn ba trăm đại biểu trên toàn quốc về tham dự, được tổ chức mỗi năm năm tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh – và khi đại hội dài một tuần đã bắt đầu, người ta có thể tin chắc rằng những thoả hiệp chính trị quan trọng đều kết thúc. Những gì diễn ra sẽ chỉ là một màn kịch đã được dàn dựng với những bài diễn văn được kén chọn, các cuộc bầu cử theo quy ước về những gì đã được quyết định từ trước (một cuộc cải tổ lãnh đạo trong Bộ Chính trị, cấp cao nhất của quyền lực, gồm bảy thành viên) và trong trường hợp Đại hội đảng Cộng sản Trung Hoa lần thứ 19 khai mạc ngày hôm nay, với những bích chương phấn khởi, tuyên truyền nhắc nhở quần chúng rằng “Cuộc sống ở Trung Hoa là tốt! Mỗi ngày giống như một kỳ nghỉ!”
Đây là thông điệp mà Xi Jinping, người được bổ nhiệm làm Chủ tịch Nước vào năm 2012, rất háo hức muốn truyền cho nhân dân một nước vẫn phải tiếp tục vật lộn với một tốc độ thay đổi nhanh chóng và ảnh hưởng quá khổ của chính trị trong đời sống hàng ngày. Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ được bầu làm lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa, nếu không lâu hơn. Kể từ khi nhậm chức, ông ta đã tìm cách khởi động một chiến dịch ý thức hệ vĩ đại nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Mục tiêu không phải là mang lại một cuộc phục hưng Chủ nghĩa Mao – sự khủng bố trong cuộc Cách mạng Văn hoá của người Lãnh đạo vĩ đại vẫn còn ám ảnh người dân Trung Hoa – nhưng để phục hồi niềm tin và sự trung thành với đảng Cộng sản, nhằm tăng cường tính hợp pháp của chế độ. Như ông đã tuyên bố trong Đại hội đảng lần trước, Đảng, luôn luôn phải “cảnh giác”, và đảng sẽ luôn luôn là “cốt lõi lãnh đạo trung kiên”.
Ước mong của họ Tập với việc đạt được “Giấc mơ Trung Hoa”, được định nghĩa là “sự trẻ trung hóa tuyệt vời của Trung Hoa”, rõ ràng là dứt khoát về phạm vi và tham vọng so với mục tiêu của những người tiền nhiệm – Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Trong khi Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân là những nhân vật có khả năng dù tẻ nhạt và hầu như không có gì đáng chú ý, Tập Cận Bình ngay lập tức và tích cực bắt đầu củng cố quyền lực của mình, thu được đủ vốn chính trị để dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa hiện đại. Đó là một lựa chọn quan trọng. Khi họ Tập nhận vai trò lãnh đạo đảng thì tham nhũng đang là mối đe dọa lớn nhất cho sự sống còn của nó. Trong cuộc “giết hổ đập ruồi” – trong hàng ngũ cán bộ lớn nhỏ – Tập Cận Bình cũng lúc dã vẽ hình ảnh của mình như là một mô hình con người chính trực đồng thời hạ bệ nhóm người có thể là đối thủ một cách có chiến lược.
Đầu năm ngoái, Đảng Cộng sản đã phong cho Tập danh xưng người lãnh đạo “cốt lõi”, ban cho ông ta độ quyền lực mà Hồ Cẩm Đào đã không bao giờ có, và đưa Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Đã là nhân vật đứng đầu của đảng, quân đội và nhà nước, Tập Cận Bình cũng là người đứng đầu một số uỷ ban, cho phép ông quyết định tất cả mọi thứ từ cải cách kinh tế đến an ninh quốc gia cho đến vấn đề không gian mạng. Là nhân vật lãnh đạo cốt lõi và la giám đốc điều hành đã cho phép Tập Cận Bình đóng vai trò hầu như có toàn quyền trong việc định hình số phận của đất nước. Như Tập Cận Bình đã nói rõ ràng ngay từ đầu, ông ta đang chủ ý định xác định lại một trật tự thế giới mới và phục hồi văn hoá Trung Hoa đã được kính trọng trước đây.
Tuy nhiên, sứ mạng của họ Tập nên được xét trong bối cảnh một xã hội rối loạn căng thẳng sau sự chấn thương tập thể và trầm trọng, kết quả của gần hai thế kỷ đầy những trận đại hồng thuỷ ở Trung Hoa, bắt đầu với sự tàn phá của Chiến tranh Thuốc phiện, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa phải đối đầu với một sức mạnh lớn hơn – Anh Quốc và đã làm lung lay ý nghĩa của bản sắc Trung Hoa và ý thức vốn có của nó về chủ nghĩa ngoại lệ. Tập Cận Bình, và nhiều người khác ao ước về một thời đại khi Trung Hoa đã ở đỉnh cao của nền văn minh nhan loại. Nhưng thời đại đó đã đi cùngvới sự tuyệt đối của quyền lực của hoàng đế mà tài năng của họ chỉ là sự tuỳ tiện, bất thường. Hệ thống phong kiến bảo vệ chu kỳ kế vị triều đại, nó đã củng cố chế độ chuyên quyền của những người vừa thích hợp và bất xứng để cầm quyền. Nếu đã có nhiều Đường Thái Tông, người mở ra những năm vàng son của triều đại nhà Đường, thì cũng có rất nhiều người khác như Từ Hi Thái Hậu, kẻ soán ngôi, làm tê liệt tiến trình phát triển và góp phần làm sụp đổ nhà Thanh.
Như Tập Cận Bình đã nói rõ trong bài diễn văn dài hơn ba giờ tại Đại hội đảng, ông coi thời điểm này là “một khúc quanh lịch sử mới trong sự phát triển của Trung Hoa” – và chính ông ta là người đàn ông nắm bắt được nó. Họ Tập dường như tin rằng càng túm thâu được nhiều quyền lực hơn, thì sẽ dễ dàng hơn để ông ta thực hiện những thay đổi đồ sộ cần thiết để biến Trung Hoa thành siêu cường hàng đầu thế giới. Theo nghĩa này, Tập Cận Bình đang định vị mình như một vị cứu tinh với một mục đích cao quý đủ – như một thiên mệnh – để biện minh cho sự chuyển hướng thành độc đoán của mình. Logic này tương tự như những ý nghĩ đã nuôi dưỡng những tham vọng của hơn năm trăm hoàng đế của Trung Hoa thời trước. Chắc chắn, Tập Cận Bình đã định tuyến lại tất cả các chi lưu quyền lực để chạy về thượng nguồn cho ông ta, nhưng nó có phải là để phục vụ cho việc trẻ trung hoá Trung Hoa hay không?
Tập Cận Bình cũng đã sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để hạn chế quyền của công dân Trung Hoa. Dưới sự cai trị của Tập, Trung Hoa ngày càng trở nên một xã hội bị đàn áp. Giới truyền thông bị kiểm duyệt và xã hội dân sự đã bị tắt tiếng. Người vận động đã bị bịt miệng và giới luật sư nhân quyền bị bắt giam. Hơn một triệu cán bộ đã bị kỷ luật. Mặc dù đã có những đóng góp đai bôi cho hiến pháp – đảng Cộng sản Trung Hoa đã dành toàn bộ phiên họp toàn thể trong Đại hội lần thứ 18 để thảo luận về “sự độc lập tư pháp” – Tập Cận Bình đang đưa Trung Hoa ra khỏi chế độ pháp trị và hướng về chế độ Đảng trị.
Việc tinh chỉnh khả năng kiểm soát cá nhân của mình thay vì cải cách hệ thống xơ cứng có vẻ như là một con đường thuận tiện cho Tập Cận Bình, và, trong ngắn hạn, ông ta có thể hoàn thành mục tiêu cá nhân nhanh hơn. Nhưng việc thiết lập tiền lệ của một vị hoàng đế tân thời đã cài bẫy chính trị Trung Hoa vào một chu kỳ biến động và không bền vững làm cho cả quốc gia dễ bị tổn thương, một lần nữa, chỉ vì sự tuỳ hứng của một cá nhân. Trong một bài phát biểu trước Bộ chính trị năm 2014, Tập Cận Bình nói,
“Cách đây vài ngàn năm, nước Trung Hoa đã đi theo một con đường khác với văn hóa và phát triển của những quốc gia khác. Chúng ta nên tôn trọng và lưu tâm hơn đến năm nghìn năm liên tục của nền văn hoá Trung Hoa.”
Tầm nhìn của Tập Cận Bình về tương lai của Trung Hoa cho thấy đó là một bước nhảy lùi vĩ đại, ở đó những bài học cũ vẫn chưa được học.
Jiayang Fan đã trở thành nhân viên của The New Yorker từ năm 2016.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: At the Communist Party Congress, Xi Jinping Plays the Emperor. Jiayang Fan. The New Yorker. 18 October, 2017.