Công sứ Canada đến Myanmar: ‘Chúng ta phải cố gắng kéo Aung San Suu Kyi vào cuộc’

Anna Maria Tremonti | DCVOnline

Từ tháng Tám năm nay, 600.000 người tị nạn đã bỏ chạy khỏi Miến Điện để lánh nạn, cái mà Liên Hiệp Quốc đang gọi là sự diệt chủng.

 

Công sứ của Canada tại Myanmar Bob Rae đã cố vấn cho Thủ tướng Trudeau trước khi ông gặp lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi tại Việt Nam hôm thứ Sáu. Ông mô tả bà Suu Kyi là một ‘người phụ nữ rất kỷ luật.’ Nguồn: Soe Zeya Tun/Reuters

Là Công sứ của Canada tại Myanmar, Bob Rae đã đến thăm các trại tị nạn ở miền Nam Bangladesh gần Cox’s Bazaar. Ông nói ông đã nghe chi tiết về những câu chuyện của người tị nạn đã trải qua là điều “khủng khiếp”.

Bob Rae, công sứ đặc biệt của Thủ tướng Justin Trudeau tại Myanmar, cho biết người lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, nói với ông rằng bà cam kết sẽ đưa gia đình những người Rohingya trở về. Tuy nhiên, ông nói rằng bà phải bảo đảm bảo ninh cho họ. Nguồn: CBC

“Có rất nhiều chuyện kể lại về sự hành hung, bạo lực tình dục, hãm hiếp … và những thủ phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội ác này.” – Bob Rae

Sau đây là một phần của cuộc trò chuyện của Bob Rae với Anna Maria Tremonti (AMT) của chương trình The Current:

Bob Rae (BR): Nói chung, tôi nghĩ hầu như không còn nghi ngờ gì về việc đã có một cuộc nổi dậy tấn công vào ngày 25 tháng 8 có kế hoạch khá tốt và khá có hệ thống. Và cũng giống như nó đã diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, khi có một cuộc nổi dậy tấn công của nhóm ARSA này (Arakan Rohingya Salvation Army, đoàn quân cứu tế dân Arakan Rohingya), quân đội (Myanmar) thực sự đã quá nặng tay. Bà biết rằng quân đội đã phản ứng bằng – dè dặt mà nói – vũ lực và rất tàn bạo. Và phản ứng đó gồm cả việc đốt nhũng ngôi làng, và xua đuổi người dân.

Một phụ nữ tị nạn người Rohingya đã vượt biên giới từ Myanmar, tay bồng con gái và xin cuwsu giúp trong khi họ chờ được quân đội Bangladeshi cho phép tiếp tục đi đến các trại tị nạn, ngày 17 tháng 10 năm 2017. Nguồn: Jorge Silva/Reuters.

Có rất nhiều người kể lại chuyện về những vụ đánh đập, bạo lực tình dục, hãm hiếp, chúng ta phải lắng nghe và những thủ phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội phạm này, vì đây là những vi phạm hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với nhân quyền và nhân phẩm của con người. Đã có đủ các câu chuyện và có đủ bằng chứng về những vi phạm đó để phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn, mà tôi thực sự hy vọng sẽ diễn ra.

Yếu tố khác, tôi nghĩ cũng không kém phần phiền toái, không chỉ là các cuộc phản công của quân đội, mà còn có bạo động của những nhóm người hùa theo, những người hết sức đuổi dân Rohingya buộc họ phải ra đi.

“Ngay cả trong hoàn cảnh tốt nhất có thể tưởng tượng được ở Myanmar, chúng ta sẽ mất khá nhiều thời gian để đưa hàng trăm nghìn người trở lại.” – Bob Rae

AMT: Vậy ông đã nói gì với Thủ tướng Trudeau trước khi ông ấy gặp Aung San Suu Kyi hôm thứ 6?

BR: Tôi nói với ông ấy hai điều. Trước hết, tôi đã nói với Thủ tướng về hiện tình trong trại tị nạn và nó thực sự khủng khiếp. Và, trên thực tế, đó là một vấn đề riêng biệt cho cả thế giới vì những rủi ro trong trại tị nạn rất nghiêm trọng: rủi ro của lở đất, dịch bệnh, thiếu nước trong mùa khô và sau đó là lụt lội lớn trong mùa mưa.

Những người tị nạn Rohingya băng qua sông Naf bằng một cái bè  để tới Teknaf, Bangladesh, ngày 12 tháng 11 năm 2017. Nguồn: Mohammad Ponir Hossain/Reuters.

Ngay cả trong hoàn cảnh tốt nhất có thể tưởng tượng được ở Myanmar, chúng ta sẽ mất khá nhiều thời gian để đưa hàng trăm nghìn người, đặc biệt là sau khi làng mạc của họ bị đốt cháy và họ không có nơi nào để trở lại. Vì vậy, đó sẽ là một thách thức nghiêm trọng về mặt nhân đạo đối với chúng ta.

“Chính phủ phải hợp tác với cả thế giới để tìm ra giải pháp.” – Bob Rae

Thứ hai là, dù khó khăn như vậy, chúng ta phải cố gắng kéo Aung San Suu Kyi vào cuộc, là Nghị sĩ Hạ viện và đại diện phía dân sự của chính phủ Myanmar, và phải hiểu rằng đã có rất nhiều giải thích vè cuộc khủng hoảng … không ai có thể chối bỏ và chúng ta phải tìm cách giải quyết. Chính phủ phải hợp tác với thế giới để tìm ra những giải pháp. Và đó là dể khởi đầu của cuộc đàm thoại giữa bà Aung San Suu Kyi (và Thủ tướng Trudeau).

Lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đón chào Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Đà Nẵng, Việt Nam, trước của hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Nguồn: CBC.

AMT: Cuộc trò chuyện đó diễn ra như thế nào??

BR: Khó. Thật khó khăn. Bà ấy là một người phụ nữ cực kỳ kỷ luật, nghĩa là rất cẩn thận về lời nói, rất tập trung và, và bà ấy cảm thấy có sự phóng đại hoặc không đúng với thực tế về những điều thế giới đang nói đến và bằng chứng về cuộc khủng hoảng, bà ấy khăng khăng rằng chính Myanmar sẽ dẫn đầu trong việc giải quyết những vấn đề này. Bà ấy nói rằng những người tị nạn sẽ được phép trở lại Myanmar.

Hơn một nửa triệu người tị nạn Rohingya đã trốn sang Bangladesh từ cuối tháng 8 khi bạo lực bùng nổ ở tỉnh Rakhine gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực và những thách thức sau đó cho các cơ quan cứu trợ.

Bà nói rằng cần phải có thời gian vì cần phải có cách để bảo đảm mọi người có thể được định cư và khẳng định rằng nước của bà chấp nhận những người thuộc các chủng tộc và tôn giáo khác nhau. Và bà ấy rất lấy làm tiếc vì những điều khủng khiếp đã xảy ra nhưng muốn tiến tới và bà ấy vẫn nói rằng “Tôi là một người thực tế và tôi muốn chắc rằng chúng tôi sẽ đạt được những tiến bộ tốt hơn.”

AMT: Vậy là bà ấy nói họ sẽ được phép trở lại. Bà ấy có đưa ra khung thời gian không?

BR: Không có khung thời gian. Nhưng bà ấy nhấn mạnh rằng thực tế là những người đã sinh sống ở Myanmar sẽ có thể trở lại. Bây giờ bà Aung San Suu Kyi cũng nhấn mạnh rằng đây sẽ là cuộc đàm phán song phương giữa Myanmar và Bangladesh và Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh sắp đến Myanmar.

“Không thể không cho dân chúng trở về tỉnh Rakhine được.” – Bob Rae

AMT: Và điều đó có nghĩa là bà ấy không muốn cộng đồng quốc tế tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào?

BR: Đó chính là vấn đề và nó sẽ là một vấn đề trong những cuộc thảo luận trong tương lai. Cộng đồng quốc tế – Tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO), những tổ chức của Liên Hiệp Quốc – đã có rất ít cơ hội đến tỉnh Rakhine, và rất ít người có thể đến đó quan sát những gì đang diễn ra.

Một em gái Rohingya ôm một trẻ nhỏ ngồi nghỉ tại trại tị nạn Palangkhali ở Cox’s Bazar, Bangladesh. Đặc sứ Canada tại Myanmar Bob Rae nói rằng ông đã đến gặp trẻ em ở trại để nghe những câu chuyện họ kể. Nguồn: Zakir Hossain Chowdhury/Associated Press.

Không thể không cho người dân về lại Rakhine. Và, trên thực tế, có lúc, bà ấy vẫn nói, bạn biết đấy, chuyện xẩy ra là điều thật đáng tiếc bởi vì tỉnh Rakhine rất đẹp. Và tôi đã nói cho bà ấy biết rằng không có cách nào tôi có thể biết được điều đó vì tôi không được phép đến Rakhine. Và bà ấy nói, “Vâng lần tới, ông sẽ có thể đến đó.”’ Vì vậy, có lẽ họ sẽ bắt đầu mở ra một chút. Tôi không biết.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Canada’s Special Envoy to Myanmar: ‘We have to try to engage Aung San Suu Kyi’. Anna Maria Tremonti, CBC, The Current, Monday November 13, 2017.