Quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt Nam: Biển Đông

Derek Grossman | DCVOnline

Chính quyền Trump đang tiếp tục đà tích cực trong quan hệ Mỹ-Việt.

Chuyến đi của Tổng thống Trump đến châu Á
Tổng thống Donald J. Trump thăm Việt Nam | Ngày 11 tháng 11 năm 2017. Ảnh của Toà Bạch ốc/Shealah Craighead.

Giới quan sát bắt đầu chỉ trích chính quyền Trump đã không đạt nhiều kết quả ngay sau chuyến công du 12 ngày lần đầu của ông tại các nước ở châu Á kết thúc. Tuy nhiên, những người chỉ trích đó cần xem lại kỹ hơn thời gian Trump ở Việt Nam đã có những việc đáng kể xảy ra: chính quyền Trump đã dùng đà tích cực đã có của chính quyền Obama, để nâng cao hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ lên tầm cao mới, chưa từng thấy. Phát triển bang giao này này sẽ là yếu tố sống còn đối với lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ trong vùng biển phia nam Trung Hoa trong tương lai gần.

Chuyến thăm của ông Trump tiếp theo cuộc thảo luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31 tháng 5 với Tổng thống Mỹ tại Toà Bạch ốc. Cuộc họp này đã đưa ra một tuyên bố chung xác nhận nhu cầu bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết một cách ổn thoả về những tuyên bố lãnh hải đang trong vòng tranh chấp theo luật pháp quốc tế và xây dựng một Quy tắc ứng xử có hiệu lực pháp lý ở Biển Đông – tất cả đều là những dấu hiệu ngầm phản đối sự hiện diện quân sự ngày càng tăng và sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Tại Hà Nội vào ngày 11 thtáng 11, Trump đã gặp Chủ tịch nước của Việt Nam Trần Đại Quang và hai người không chỉ nhắc lại thoả thuận này mà còn tuyên bố về sự khởi đầu một bản ghi nhớ ba năm (2018-2020) để thực hiện những phần chính của những hiệp định quốc phòng song phương. Mặc dù chưa rõ chính xác những gì có thể xảy ra, nhưng tuyên bố này cho thấy rõ ràng mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng sâu sắc hơn. Một số lĩnh vực Mỹ đang hỗ trợ cho Việt Nam gồm nâng cao khả năng nhận dạng trên biển của quân đội (MDA) cũng như hiện đại hóa đội tàu tuần duyên. Thật vậy, ngay trước khi Trump gặp Phúc vào tháng 5, chính quyền Mỹ đã chuyển chiếc tàu tuần duyên Hamilton sang Việt Nam để cải thiện khả năng thực thi pháp luật hàng hải của nước này.

Để thắt chặt quan hệ đối tác giữa Washington và Hà Nội, Trump và Quang cũng khẳng định lại kế hoạch đưa một tàu sân bay Mỹ tới vịnh Cam Ranh vào năm 2018. Ý tưởng này được đưa ra lần đầu tiên trong cuộc họp giữa Trump và Phúc, và sau đó được củng cố khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch viếng thăm Ngũ giác đài hồi tháng Tám. Trong tuyên bố chung của họ vào tháng 11, Trump và Quang khẳng định lại chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ sẽ xảy ra vào năm tới và thêm một mong muốn chung là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nên tìm cách “thăm Việt Nam sớm”. Nhưng Trump đã không ngừng ở đó. Trước khi gặp Phúc, và có lẽ là tuyên bố ngoài văn bản, Trump đã đề nghị bán hoả tiễn cho Việt Nam, và nói rằng hoả tiễn của Hoa Kỳ nằm trong danh mục mà không có hoả tiễn của bất cứ nước nào có thể so sánh được. Ông Trump còn đề nghị sẽ làm “trung gian hoà giải hoặc phân xử” tranh chấp Biển Đông trước khi gặp ông Quang.

Cuối cùng, trong khi tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng ngày hôm trước, ngày 10 tháng 11, Trump đã nhắc đến khu vực nhiều lần bằng tên “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Mặc dù thuật ngữ này đã có từ năm 2007 mô tả sự liên kết ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhưng nó đã trở thành thuật ngữ để ngụ ý với giới quan sát về nỗ lực của Hoa Kỳ tận dụng các khả năng hải quân vượt trội của mình để ngăn chặn Trung Quốc ở cả hai vùng biển này. Thật vậy, Trump đã thúc đẩy nhận thức này về Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng cách khôi phục các cuộc đàm phán bốn bên gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ – trong chuyến thăm Á châu của ông.

Tất cả những quyết định này, ngay cả những tuyên bố đáng ngờ hơn như chào hàng bán hoả tiễn cho Việt Nam hoặc hòa giải các tranh chấp ở Biển Đông, đều có lợi để tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trong lúc bảo vệ lợi ích chiến lược quốc gia.

Đối với Việt Nam, việc Rodrigo Duterte trở thành tổng thống của Philippines là một cú sốc lớn đối với vị trí của họ ở Biển Đông. Duterte đột ngột quyết định dẹp chiến thắng của Manila đã giành được hồi tháng 7 năm 2016 khi Toà án Trọng tài Quốc tế đã phủ nhận các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc trong khu vực, để cho Hà Nội đưng một mình đối phó với vấn đề này. Những nỗ lực của Việt Nam đi đầu trong việc đưa ra một Quy tắc Ứng xử có ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác đã thành phù phiếm. Do đó, sự hỗ trợ của Washington bằng hình thức tuyên bố chung là điều rất hữu ích tại thời điểm này. Ngoài những tu từ bảo vệ vị trí của mình, rõ ràng Hà Nội cũng hài lòng với việc Hoa Kỳ phô trương sức mạnh quân sự để ngăn Trung Quốc xâm lấn thêm ở Biển Đông. Thật là việc chưa từng thấy khi Việt Nam đã đồng ý để Washington gửi một tàu sân bay tới một căn cứ quân sự nhạy cảm là Vịnh Cam Ranh, gần quần đảo Trường Sa vẫn đang trong vòng tranh chấp.

Hơn nữa, mối quan hệ dường như đang đàm chồi của Trump với Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping trấn an Việt Nam rằng nó sẽ không thể trở thành con chốt thí trong tính toán địa chiến lược lớn của các cường quốc. Với lịch sử chiến tranh lâu dài và không may của Việt Nam đối với sức mạnh ngoại bang, gồm cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như áp lực phải lựa chọn giữa các cường quốc XHCN và Mỹ trong thời chiến tranh lạnh, Việt Nam đặc biệt cảnh giác về một kịch bản lặp lại. Thay vào đó, Việt Nam muốn thấy một quan hệ ổn định giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để duy trì chủ trương hợp tác “đa chiều” không liên kết. Tuy nhiên, Hà Nội đánh giá cao sự hiện diện được duy trì liên tục của của Hoa Kỳ để cân bằng với Trung Quốc. Đưa ra khả năng có thể giữ vai hòa giải các tranh chấp ở Biển Đông, Trump cho thấy Hoa Kỳ có thể tiếp tục dấn thân đóng vai trò tích cực trong khu vực. Điều này trái ngược với ấn tượng mà ông Trump đã đưa ra trước đó khi ông chấm dứt những chính sách của Obama như Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tái cân bằng chiến lược hoặc “xoay trục” về châu Á, cả hai chính sách đó đều cố gắng duy trì sự hiện diện và sự lãnh đạo của Washington trong khu vực. Thật vậy, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương của Trump có vẻ như là một sự thay thế đơn giản cho chiến lược “xoay trục” về châu Á.

Sự cam kết quốc phòng sâu đậm của Trump với Việt Nam cũng là một phát triển tích cực cho Hoa Kỳ. Washington luôn quan tâm về tự do của biển để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. Sự thống trị của Trung Quốc ở Biển phía nam Trung Hoa đi ngược với mục tiêu đó, và hỗ trợ cho Việt Nam sẽ gây trở ngại cho Bắc Kinh; họ sẽ không còn có thể đè bẹp các nước láng giềng để giành thắng lợi. Ngoài vấn đề Biển Đông, hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam là công nhận những đóng góp quan trọng của nước này đối với an ninh khu vực trong các lĩnh vực trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai, tìm kiếm và cứu cấp (SAR) và các hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO). Chỉ trong vòng 25 năm qua, Hà Nội đã quyết định tham gia vào cộng đồng khu vực và trở thành một nước lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á về các hoạt động quân sự phi truyền thống. Washington khuyến khích những hoạt động tích cực này bằng cam kết của Mỹ.

Mặc dù những thành tựu này đáng được khen ngợi, tuy nhiên, cũng có những hạn chế hợp lý đối với hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam. Nhiều vị tướng cao cấp của Việt Nam từng phục vụ trong quân đội chống lại quân đội Mỹ vẫn nắm quyền. Do đó, sự nghi ngờ sâu sắc đối với các ý định của Hoa Kỳ vẫn còn thịnh hành ở Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không cảm thấy thoải mái khi tiến hành các cuộc diễn tập chung với quân đội Mỹ hoặc cùng phát triển kế hoạch chiến tranh. Thêm vào đó, chỉ với khoảng 5 tỷ đô la chi tiêu cho quốc phòng mỗi năm, Việt Nam sẽ rất khó có thể mua sắm hầu hết các hệ thống vũ khí của Washington. Điều này giải thích, ở mức độ lớn, việc Hà Nội không mua thiết bị của Mỹ kể từ khi Obama dỡ bỏ lệnh bán vũ khí tấn công cho Việt Nam vào tháng 5 năm 2016. Tuy nhiên, một thành tố quan trọng khác là Việt Nam muốn tránh những bước đi có thể khiêu khích Trung Quốc không cần thiết. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Việt Nam từ chối bình luận về đề nghị của Trump về việc bán tên lửa cho Việt Nam. Mặc dù trong riêng tư Hà Nội có thể cảm kích đề nghị đó của Trump, nhưng vẫn tìm cách giữ vị trí cân bằng mỏng manh để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời không để vướng vào vòng vòng cạnh tranh của những cường quốc. Nếu Hoa Kỳ cũng chủ trương như vậy thì mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng cao.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: US Striking Just the Right Balance With Vietnam in South China Sea.
The Trump administration is continuing positive momentum in U.S.-Vietnam relations. By Derek Grossman. The Diplomat, November 22, 2017. Derek Grossman là một chuyên viên phân tích quốc phòng cao cấp tại tổ chức RAND Corporation. Trước đây ông là tuỳ viên của Phụ tá Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Châu Á Thái Bình Dương tại Ngũ giác đài. Bài này là quan điểm của riêng tác giả.

1 Comment on “Quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt Nam: Biển Đông

  1. VIỆT NAM VÀ MỸ
    THỜI HIỆN NAY

    Thật thì các nước tự do
    Ngày nay hầu chẳng phải lo điều gì
    Bởi vì nhân loại tiến rồi
    Chỉ cùng hội nhập dần dần đi lên !

    Có điều xưa chỉ bông phèn
    Thời đầy cộng sản dễ toàn được yên
    Chỉ do tranh chấp lợi quyền
    Âm mưu thôn tính vẫn hằng lộ ra !

    Liên Xô Trung Quốc có rồi
    Ngoài tình đồng chí trong thì mưu toan
    Cũng như Trung Quốc Việt Nam
    Một thời kèn cựa chỉ toàn vậy thôi !

    Ngày nay kiểu ấy qua rồi
    Mỹ thì vẫn Mỹ y hồi như xưa
    Hết còn chưởi xéo bằng từ
    Bảo là “đế quốc” của thời chiến tranh !

    Vốn do “ý hệ” mà thành
    Bây giờ nó đã rã bành còn đâu
    Thực thì nước Mỹ vẫn ngầu
    Việt Nam dựa Mỹ cốt hầu phòng xa !

    Để khi Trung Quốc dòm nhà
    Có người giằn mặt cũng là đồng minh
    Thế gian diễn tiến tình hình
    Mỗi thời đều khác bộ mình ngu sao !

    TIẾU NGÀN
    (23/11/17)