Đừng để Tiếng Việt khóc thành “Tiếq Việt”

Kyo York

Việc cải cách Tiếng Việt lúc này, chẳng khác nào như việc “đào xới” tung một con đường đang quá đẹp đẽ, thuận lợi biết bao nhiêu năm qua, “để rào chắn, gây kẹt xe”, bắt mọi người phải sang ngã đường khác.

DCVOnline | Kyo York tên thật là Kyle Cochran, sinh năm 1985 và lớn lên ở New York. Trưởng thành trong nghèo khó, từ nhỏ ông đã phải đi làm để kiếm sống và đi học. Làm việc bán thời gian tại tiệm Apple (New York) có lẽ là việc làm tốt và đáng nhớ nhất của Kyle Cochran vì ông đã gặp Steve Jobs tại đây. Ông tốt ghiệp đại học khoa truyền thông, không phải công nghệ thông tin hay kỹ thuật máy tính như một số báo Việt Nam đã đưa tin.

Năm 2009 ông sang Việt Nam dạy tiếng Anh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong một chương trình thiện nguyện của đại học Princeton. Thích hát từ thuở nhỏ, không bao lâu sau khi thạo tiếng Việt Kyo York đã trở thành một giọng ca được mến chuộng ở Việt Nam. Ông cho biết tiếng Việt là ngôn ngữ ngoại quốc đầu tiên ông đã học được thành thạo không như những thất bại ông đã gặp khi học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý trước đây.

Kyo York muốn thính giả thưởng thức giọng ca của ông như nghe một ca sĩ chuyên nghiệp trình bày chứ không phải đi nghe ông hát vì ông là người Mỹ. Ngoài việc hát, có thời gian Kyo York cũng đã từng dạy vạn vật và toán ở một trường quốc tế tại Sài Gòn.

Kyo York trong MV “Cảnh đẹp Sài Gòn” 2015. Nguồn: http://kenh14.vn

Sau đây là bài viết của Kyo York nhận định về phát minh trong tiếng Việt của ông Bùi Hiền.

Đừng để Tiếng Việt khóc thành “Tiếq Việt”

Kyo York

Nếu “Tiếq Việt” được chấp nhận thì hàng ngàn, thậm chí hàng triệu bạn tuổi teen Việt đã trở thành “PGS.TS” từ nhiều năm trước, và có thể họ giỏi hơn ở “công trình nghiên cứu này” bằng phiên bản Teencode cực siêu ngắn nhưng cũng cực kỳ “hại não”.

Cách đây vài năm khi tôi mới bắt đầu học tiếng Việt, nhận được một tin nhắn của một bạn khán giả nhỏ tuổi nhắn rằng:

“Ak Kyo ọ*, seo ak gjoj tjeg vjt wa’ zay, thek ank cok đọc dk ch4 vj3t tắk & ch4 teencode cux e hog?”

Tôi chỉ lặng lẽ nhắn lại:

“Chào em, những điều em nhắn lúc đầu anh tưởng em là một người đến từ hành tinh nào, anh phải mất thời gian dài mới đọc được, nhưng anh xin được tôn trọng tiếng Việt, anh không nghĩ thứ ngôn ngữ em đang nhắn cho anh là thuần Việt.”

Người ta thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng chính có lẽ vì sự “phong ba” đó mà tiếng Việt vô cùng độc đáo, biết bao từ ngữ ý nghĩa, trong ca dao tục ngữ, trong các tác phẩm văn thơ âm nhạc, luôn cuốn hút…

Cho đến khi buổi sáng đẹp trời thức dậy, tôi hơi choáng váng với vị giáo sư đã “dành cả tuổi thanh xuân” cho công trình nghiên cứu để “cải cách” tiếng Việt của mình. Ngài cho rằng mọi người “ném đá” ngài là những kẻ

“thậm chí có thể được đánh giá là thiếu giáo dục, vô văn hóa và kém nhận thức vì nếu có nhận thức họ sẽ hành xử một cách khác. Nếu họ có học thức, chân thành và văn minh thì có thể đến gặp tôi rồi cùng nhau trao đổi.” (Theo báo tienphong ra ngày 28/11/2017)

Nhưng cũng mong ngài hiểu được sự hoang mang ở họ? Nếu họ vô giáo dục thì họ chẳng quan tâm đến chữ nghĩa để làm gì? Tôi nghĩ thế!

Tôi càng choáng váng hơn khi ngài cho rằng cải cách để người nước ngoài học tiếng Việt dễ hơn?
Giời ạ! Làm gì có chuyện dễ hơn được? Tôi đây là người nước ngoài 100%, mà thử áp dụng bản chữ cái của PGS, phải loay hoay cả ngày chưa xong cho một đoạn văn bản và đọc chúng còn lộn lên lộn xuống thì thử hỏi biết bao nhọc nhằn của những gì liên quan đến Tiếng Việt sẽ diễn ra thế nào? Tài liệu Lịch sử sẽ ra sao? Tài liệu của thế giới về Việt Nam thế nào? Pháp luật nữa chúng sẽ lẫn lộn với ngôn ngữ mới này phải chăng? Cả ngành giáo dục, thầy cô, học sinh, sinh viên, công nhân viên, luật sư, truyền hình, nghệ sĩ,… phải tham gia lớp học mới vì cú “hit”rất sốt này?

Việc cải cách Tiếng Việt lúc này, chẳng khác nào như việc “đào xới” tung một con đường đang quá đẹp đẽ, thuận lợi biết bao nhiêu năm qua, “để rào chắn, gây kẹt xe”, bắt mọi người phải sang ngã đường khác. Thưa ngài, chắc chắn nó ảnh hưởng xấu thêm đời sống của người dân trong khi chúng đang vận hành tốt đẹp ạ? Khi nào bản chữ cái Tiếng Việt chúng “hỏng(hư)” khiến người ta không thể dùng để giao tiếp với nhau, thì công trình của Ngài là điều khiến người dân rơi nước mắt thay vì “ném đá”!

Thực tế, Chúng ta cần nghiên cứu những điều cần thiết khác để giúp ích cho người dân, ví dụ như việc “Đám quần chúng” (theo cách gọi của một tiến sĩ ủng hộ ngài) trong đó có Nông dân Việt chỉ học lớp 7 thôi đã chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua, Hoặc có nhiều anh nông dân đã sáng chế ra nhiều phương tiện phục vụ nông nghiệp, đời sống người dân và gia đình… được nhiều nước phát triển xin mua lại bản quyền, tôi nghĩ những nghiên cứu sáng tạo này thật đáng “xưng danh” ạ! Tôi lại nghĩ thế!

Đành rằng yêu mến tiếng Việt muốn tiếng Việt phát triển nhưng với điều của ngài nghiên cứu rằng “sự phức tạp” của một ngôn ngữ mà chúng đã trải qua bao thăng trầm để tồn tại được như hôm nay trong niềm tự hào của dân tộc cần phải thay đổi, chẳng khác nào “phủ nhận” tất cả niềm tự hào, kêu hãnh của rất nhiều nhiều thế hệ đã ca ngợi về ngôn ngữ thuần Việt này? Mà tôi được biết rằng người Việt ghét lai căng, kiểu nửa Tây nửa Ta, nửa Tàu nửa Việt có mấy ai ưng? Trừ khi… Tôi lại nghĩ vậy!

Đành rằng tiết kiệm, rút gọn là tốt, nhưng rút quá gọn trở thành vô nghĩa, đôi khi cái gì ngắn quá cũng chẳng tốt hoặc tiết kiệm quá mức thì luôn để lại những hậu quả trầm trọng đó ngài ạ.

Ví dụ: Cha sẽ gọi thành gì? Viết thế nào? Chưa kể việc viết sai chính tả của thứ ngôn ngữ mới này còn nguy hiểm “chết” người hơn. Ví dụ một buổi tối đẹp trời nào đó cô người yêu mới quen nhắn tin “thả thính”:

“Em muốn rú to lên, em nắm chặt anh đi khắp thế gian”

Bằng ngôn ngữ đổi mới của ngài sẽ trở thành:

“Em muốn zú to lên, Em nắm cặt an’ đi xắp wế zan”
(bản dịch chính thức từ app tiếq Việt)

Mặc dù công trình của ngài được một số chuyên gia ủng hộ, nhưng không ít vị Giáo sư chuyên môn lên tiếng không đồng tình và nhận định nó được sửa đổi dựa trên tiếng nói văn hóa của người Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt (như dùng z để thay cho cả d, gi, r; dùng c thay cho ch, tr; dùng s thay cho cả s và x) chắc chắn sẽ không được cả nước tán thành là đúng rồi ạ vì nước Việt phải có 3 miền Bắc – Trung – Nam!

Thế đấy là vô số lý do ngài ạ! Thực tình tôi chẳng giỏi tiếng Việt để “đối chất” cùng ngài, nhưng tôi có thể thấy được sự khó khăn vô vàn khi chúng bị thay đổi thế nào bằng tâm hồn của một người nước ngoài yêu Tiếng Việt.

Tôi không ủng hộ những ai chửi ngài, vì ngài lớn tuổi và cần được tôn trọng.

Hoặc họ nói PGS.TS cả đời nghiên cứu không ai biết đến tên tuổi chỉ cần gây sốc “scandal” là cả nước nhớ tên, tôi thấy hơi quá với ngài. Bởi “scandal” gây sốc hay ngã rẻ dư luận chẳng lẽ bây giờ độc hại và dễ lây nhiễm đến thế sao? Không thể nào rẻ vậy !

Tôi nghĩ ngài cần được tôn trọng, cũng giống như tiếng Việt cần được tôn trọng vậy.

Xin mượn lời bài hát của nhạc sĩ Đức Trí để khép lại:

“Tiếng Việt còn trong mọi người, người Việt còn thì còn nước non
Giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau.

Xin vui lòng cân nhắc khi đọc bài viết không xuyên tạc mà chia sẻ, không chỉ trích mà thắc mắc và giải bày.

Kyo York

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Đừng để tiếng Việt khóc thành “tiếq Việt”. Face book Kyo York. November 30, 2017.

2 Comments on “Đừng để Tiếng Việt khóc thành “Tiếq Việt”

  1. HỎI CÓ AI NGU BẰNG
    TAY TIẾN SĨ BÙI HIỀN

    Tưởng đâu tiến sĩ hay gì
    Bùi Hiền ngớ ngẩn còn chi nói nào
    Đâu già mà hóa thành ngu
    Thật thì bản chất đặc thù đó thôi !

    Cái hay rõ rệt trên đời
    Lại toàn sửa dở có thời giống ai
    Trong khi tiếng Việt quá tài
    Sửa thành ngoắc ngoéo hỏi ai ngu bằng !

    Bởi lầm âm vị âm thanh
    Lại toàn nói tướng mới thành vô duyên
    Biết chi âm vị tùy miền
    Bắc Trung Nam khác đâu toàn giống sao !

    Đó đều thực tế hiển nhiên
    Làm sao bắt buộc mọi miền đều nhau
    Miễn tai nghe được tốt rồi
    Hiểu ra nghĩa chữ mới thành hay ho !

    Bùi Hiền toàn chỉ lầm to
    Nghĩ rằng âm vị buộc cần giản đơn
    Tuy dầu giọng Bắc khác thường
    Nói nhiều “hơi gió” tưởng như điệp vần !

    “Gi” (giê-i), “z” (zét), thảy như “d” (dê)
    Bùi Hiền lại chỉ u mê thấy gì
    Giọng Trung phân biệt khó chi
    Giọng Nam cũng vậy mấy khi lẫn nào !

    Như là trong chữ sít sao
    S (étxờ) khác X (ítx) làm sao mà lầm
    Dễ nào “sinh sắn” bao giờ
    Mà là “xinh xắn” mới toàn tự nhiên !

    Cũng ai lại bảo “sôn sao”
    Mà luôn phải nói “xôn xao” rõ ràng
    Bùi Hiền thảy chỉ lộn sòng
    Tưởng rằng dẫu nói “lộn xòng” đâu sao !

    Nên thành não trạng tầm phào
    Nghĩ rằng âm vị ta đều toàn dư
    Nên cho giản lược mới cừ
    Phải càng rút ngắn nhằm cho tuyệt vời !

    Thành ra đá ném tơi bời
    Bởi điều ngớ ngẩn vốn toàn vô duyên
    Đâu cần phân biệt mỗi miền
    Lấy toàn Hà Nội để tròng cả vô !

    Cái ngu đến độ nghẹn ngào
    Bởi âm với chữ nào đều giống nhau
    Có khi bởi phát âm sai
    Nhưng luôn nghĩa chữ nào hai bao giờ !

    Tại do âm giọng tùy người
    Tuy vùng đặc điểm bởi từ địa phương
    Trong khi chữ viết mọi đường
    Phải cần khoa học nên đều giống nhau !

    Bởi vì thống nhất trước sau
    Đó là nguyên tắc sít sao luôn cần
    Thành ra giống gã cù lần
    Biết gì khoa học vạn phần nào đâu !

    Biết gì khoa học khách quan
    Phải luôn chính xác chủ quan dễ nào
    Phải nêu giá trị tầm cao
    Bộ toàn cảm tính tầm phào được sao !

    Bùi Hiền bởi thế ngu lâu
    Đánh đồng khoa học với điều phổ thông
    Chữ ta chính xác hoàn toàn
    Lại đòi giản tiện quả càng là ngu !

    Thảy thành ra kiểu ngủ mê
    Nói toàn ú ớ chẳng nghe được à
    Khác gì hóa kiểu ta bà
    Đâu còn nghiêm chỉnh chữ ta sau này !

    Vậy mà đôi kẻ còn bênh
    Nếu không lễu lự cũng đều âm mưu
    Chữ ta muốn biến thành Tàu
    Bước đầu đồng hóa để vào Thành Đô !

    Cái này đâu biết rõ nào
    Phong thanh như thế lẽ nào không ngăn
    Phải cần bẻ sụm từ đầu
    Chận ngay mọi hướng để đừng trớ trêu !

    Chữ ta hay biết bao nhiêu
    Tiếng ta nhiều vẻ mọi chiều đều hay
    Đã lên tới đỉnh cao rồi
    Bùi Hiền nay lại kéo ào xuống sâu !

    Cái ngu biết nói thế nào
    Nếu không ngu thật cũng đều âm mưu
    Vậy nên chia sẻ mọi người
    Những điều như thế đặng còn phòng xa !

    ÁNH NGÀN
    (09/12/17)

  2. MƯU ĐỒ SỬA ĐỔI
    BỘ CHỮ QUỐC NGỮ

    Mọi người thấy rõ ràng ràng
    Chữ ta Quốc ngữ đều toàn là hay
    Đến như kể cả người ngoài
    Cứ nhìn Quốc ngữ cũng toàn say mê !

    Vậy mà sao có kẻ chê
    Cho rằng trùng lắp nhiều bề âm thanh
    Cái ngu đến độ rành rành
    Biết gì cả thảy ngữ âm tiếng mình !

    Thế nên tay ngốc Bùi Hiền
    Mới đòi sửa đổi để thành bá vơ
    Đúng là một kẻ ngu khờ
    Khiến người ném đá tơi bời đã chưa !

    Cái ngu đời quả chào thua
    Xưa nay hỏi có ai từng vậy đâu
    Biến thành chữ Việt thế nào
    Khác chi chữ lạ còn đâu của mình !

    Vậy mà có kẻ điên khùng
    Xúm vô bênh vực nào còn ra chi
    Đoàn Hương quả có khác gì
    Cho rằng khác lạ mới thì hay ho !

    Đúng là ngu cả thầy trò
    Lạ toàn chẳng đúng lấy đâu ích gì
    Chỉ là nhảm nhí thường khi
    Thảy đều bậy bạ lấy gì mà hay !

    Nhưng ai đoán nỗi niềm này
    Để nhằm “Hán hóa” có ngày xảy ra
    Bởi vì bảng chữ tà ma
    Đọc lên sao giống khác chi Tàu phù !

    Rõ ràng đang có âm mưu
    Kẻ thì làm khóa chuyển từ trước sau
    Kẻ đưa thử nghiệm ào ào
    Giống quân bán nước lẽ nào làm im !

    Nên chi phải tỏ sự tình
    Bởi vì không khéo dân mình thành ngu
    Nước non hiểm họa lù lù
    Qua điều chữ viết đâu nào giỡn chơi !

    SẮC NGÀN
    (12/12/17)